Trong hồi thứ nhất, chương một “Thạch Hầu xuất thế”, tác giả bày tỏ niềm sung sướng tột cùng với những cung bậc ngôn ngữ hân hoan, sôi nổi ngợi ca đón chào một sinh mạng mới ra đời. Trước tiên, ông miêu tả một cách tinh tế không gian và thời gian Thạch Hầu được sinh ra. Đó là ngọn núi danh tiếng ở Đông Thắng Thần Châu Ngạo Lai Quốc vốn được mệnh danh là “Huyết mạch của mười châu, hợp long của tam đảo” – Hoa Quả Sơn. Tác giả cảm thán mà rằng “Thật là một ngọn núi tuyệt vời”! Đồng thời còn đắc ý ngâm nga, tâm hồn say sưa cao hứng miêu tả thêm: “Thế núi trấn hải dương đầy sóng, uy nghi dẹp yên cõi biển xa…. Trên ngọn đan nhai, hai con phượng hoàng cùng cất tiếng; trước Tiêu bích, Kỳ Lân độc ngọa. Trên đỉnh núi nghe cẩm kê gáy; Trong động sâu rồng bay phượng múa; Trong rừng có thọ lộc tiên hồ; Trên cây có linh cầm huyền hạc, kỳ hoa dị thảo không bao giờ tàn, cây tùng cây bách mãi mãi xanh tươi.” Vậy tiên thạch có hình dáng như thế nào? Vị trí của tiên thạch ở ngay đỉnh, “cao ba trượng sáu thước năm thốn, chu vi hai trượng bốn thước”, “phía trên có chín huyệt tám lỗ”, “xung quanh tuy không có cây cối chở che, nhưng hai bên được tô điểm thêm bởi cỏ lan chi ”. Dưới ngòi bút sinh động của tác giả, sinh mệnh sắp ra đời ấy thật vĩ đại và thiêng liêng. Sự ra đời của nhân vật này không giống bất kỳ ai: Đó là “Tinh tú của trời đất”, “Tinh hoa của nhật nguyệt”, “tiên bào mang thai, một ngày nứt ra, sinh ra một hòn đá, gặp gió hóa thành một con Khỉ đá, có đầy đủ năm giác quan và tứ chi, vừa ra đời đã học bò học chạy, bái lạy bốn phương, mắt sáng lấp lánh tinh anh, quan sát mọi nơi”.Việc miêu tả sự ra đời của Tôn Ngộ Không, thể hiện tư tưởng triết học của người Trung Quốc cổ đại về nguồn gốc của sự sống và loài người. Hơn nữa, trong chuỗi tình tiết “Đại náo thiên cung” sau này, tác giả còn cho thấy trời đất ngoài việc sáng tạo vạn vật và nuôi dưỡng con người, còn ban cho con người bản tính yêu thích tự do.
Nhân vật chính của “Tây Du Ký” – Tôn Ngộ Không được sinh ra từ một tảng đá tiên trên Hoa Quả Sơn, độc nhất vô nhị. Còn nhân vật nam chính Giả Bảo Ngọc trong “Hồng Lâu Mộng” có tên là Thạch Đầu ký, cũng hóa thân từ đá. Từ thuở khai thiên lập địa, những câu chuyện thần thoại vào thời thượng cổ đã có các yếu tố văn hóa liên quan đến việc sùng bái linh thạch, chẳng hạn thời hồng hoang có Nữ Oa lấy đá vá trời. Đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay chứa đựng một sự kiến giải độc đáo của dân tộc Trung Hoa về đá? Vẻ chắc chắn, nặng nề của đá đã dần dần được nhân cách hóa, trở thành sức mạnh, trách nhiệm và là biểu tượng chứa đựng một nội hàm văn hóa phong phú. Chúng ta có thể dùng hình tượng đá để làm biểu tượng tượng trưng cho phẩm chất bên trong của con người gọi là “Tinh thần đá”. Hình tượng Tôn Ngộ Không là bằng chứng sinh động nhất chứng minh cho tinh thần ấy, việc tự xưng “Tề Thiên Đại Thánh”, hết lòng bảo vệ “hầu tử hầu tôn”, đồng thời cũng bộc lộ ra khí phách anh hùng “đánh tan mọi sự bất công trong thiên hạ”. Khi Hoa Quả Sơn bị các thế lực cường đạo gây chiến, ngọn cờ “Tề Thiên Đại Thánh” được gương lên làm cờ hiệu cho Hoa Quả Sơn. Giữ gìn sự thiêng liêng vốn là một hành vi bản năng, cũng giống như chiếcc lò xo khi đè nén thì sẽ bật lên vậy.
Mặt khác, sức mạnh và trách nhiệm của tinh thần đá còn thể hiện ở tính sáng tạo không gì sánh được. Giống như hình ảnh Nữ Oa thời khai thiên lập địa đội đá để vá trời, tạo ra không gian sinh tồn của con người, ngọn núi sừng sững, uy nghi từ xưa đã là nơi chở che cho con người. Câu “Gần núi nhờ núi” chính là bằng chứng sinh động nhất. Trong tác phẩm “Tây Du Ký” động cơ Tôn Ngộ Không cải tạo thế giới vào thời kỳ ban sơ rất rõ ràng, thậm chí có tính phá hoại. Việc này bao hàm sự lật đổ và khiêu chiến của nhân vật này với xã hội lúc bấy giờ. Tạm thời tôi nói đến đây, thực ra động cơ mãnh liệt của Tôn Ngộ Không muốn cải tạo thế giới cũng là nét bút khởi đầu cho việc Ngộ Không không thể hòa mình vào thế giới sau này.