I. Lược truyện và trước tác của Ngài Vô Trước
Sau Ngài Long Thọ xuất thế hơn một trăm năm, thì có hai bậc đại học giả trong Phật giáo ra đời, đó là Ngài Vô Trước và Thế Thân. Ngài Vô Trước (Asaṅga) sinh ở khoảng cuối thế kỷ thứ IV, tại thành Purusapura (Bá Lộ Sa), thuộc nước Gandhàra (Kiều Đà La), Bắc Ấn, dòng dõi Bà la môn. Thân phụ là Kausika (Kiều Thi Ca), thân mẫu là Virinci (Tỷ Lân Trì). Trong ba anh em, Ngài là anh cả, Ngài Thế Thân (Vasubandhu) là em lớn, và Tỷ Lân Trì Tử (Virincivaisa ) là em út, cả ba anh em đều đầu Phật xuất gia.
Ngài Vô Trước lúc đầu tin theo Bà La Môn giáo, sau bỏ Bà La Môn giáo đi xuất gia, học tập giáo lý Tiểu thừa thuộc Hữu bộ. Nhưng vì không mãn nguyện với giáo lý Tiểu thừa, Ngài lại chuyển sang nghiên cứu kinh điển của Đại thừa Phật giáo.
Tương truyền, Ngài dùng sức thần thông lên cung trời Đâu Suất (Tusit) để nghe Bồ tát Di Lặc (Maitreya) giảng giáo lý Đại thừa. Sau khi nghe giảng xong, Ngài lại thỉnh Bồ tát giáng xuống hạ giới, ngự tại một giảng đường thuộc nước Ayodhyà (A Du Đà), Trung Ấn. Trong khoảng thời gian 4 tháng, cứ về ban đêm thì Ngài nghe Bồ tát thuyết pháp, ban ngày Ngài lại đem những điều đã nghe được giảng lại cho đại chúng. Nơi trung tâm hưng long Đại thừa Phật giáo của Ngài là nước Ayodhyà, nước Magadhà (Ma Kiệt Đà). Ngài thọ 75 tuổi.
Phần trước tác của Ngài có mối quan hệ mật thiết với phần trước tác của Bồ tát Di Lặc. Tuy vậy, phần trước tác của Bồ tát Di Lặc thì không độc lập thành một hệ thống giáo học riêng mà chỉ phụ thuộc vào trước tác của Ngài. Ngài trước tác rất nhiều tác phẩm, nhưng những tác phẩm được dịch sang chữ Hán chỉ thấy có các bộ như sau:
Phần trước tác của Ngài Di Lặc:
1) Du Già Sư Địa Luận, (Yogàcàrya Bhùmi Sàstra), 100 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
2) Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận (Mahàyàna- lankàra Sàstra) bản tụng , Ngài Ba La Ba Mật Đa La dịch.
3) Thập Địa Kinh Luận (Dasabhùmikà Sūtra Sàstra) bản tụng, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
4) Trung Biên Phân Biệt Luận (Madhyàntavibhàga Sàstra), 2 quyển, Ngài Chân Đế dịch.
Phần trước tác riêng của Ngài Vô Trước:
5) Hiển Dương Thánh Giáo Luận (Prakaranàryavàca Sàstra), 20 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
6) Nhiếp Đại Thừa Luận (Mahàyànàsamparigraha Sàstra), 3 quyển, Ngài Chân Đế dịch.
7) Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Luận (Mahàyànàbhidhar- ma Sangìti Sàstra), 7 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
8) Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận (Vajraprajnà Pàramità Sūtra Sàstra), 3 quyển, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
9) Thuận Trung Luận, 2 quyển, Ngài Bát Nhã Lưu Chi dịch.
Trong các bộ luận kể trên, Du Già Sư Địa Luận thì bàn về tư tưởng “A lại da duyên khởi”, là bộ luận căn bản của Du già, Duy thức Phật giáo. Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận chủ trương Đại thừa do Phật thuyết, và bàn về sự phát tâm tu hành “Đệ nhất nghĩa tướng” của Đại thừa. Thập Địa Kinh Luận giải thích về phẩm Thập Địa trong kinh Hoa Nghiêm và bàn về lý “Chân như duyên khởi”. Trung Biên Phân Biệt Luận nói về thuyết “Trung đạo” và lý “Tâm tính bản tịnh”, Tứ đế, Bát chính đạo v.v. Hiển Dương Thánh Giáo Luận bàn về yếu lĩnh của Du Già Sư Địa Luận và giáo nghĩa của Du già, Duy thức. Nhiếp Đại Thừa Luận, bộ luận y cứ của Nhiếp Luận tông và Pháp Tướng tông, lý luận về giáo nghĩa của Đại thừa hơn Tiểu thừa, vì có mười “Thắng tướng”. Trong mười Thắng tướng, ba tướng đầu bàn về A lại da thức, ba tính và Duy thức quán, bảy tướng sau nói rõ phép thực tiễn tu hành và chứng quả. Thuyết trung tâm của bộ luận này là “A lại da duyên khởi”. Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Luận bàn về các pháp như: Uẩn, xứ, giới; Chủng tử, Tứ đế, Thắng nghĩa ngã. Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh Luận giải thích ý nghĩa Kim Cương Kinh. Thuận Trung Luận giải thích nghĩa Trung Luận của Ngài Long Thọ.
II. Lược truyện và trước tác của Ngài Thế Thân
Ngài Thế Thân (Vasubandhu) sinh sau Ngài Vô Trước khoảng 20 năm, ở cuối thế kỷ thứ IV. Ngài đi xuất gia, lúc đầu theo học hệ thống Hữu bộ, sau tới nước Kasmira (Ca Thấp Di La) học giáo nghĩa của Đại Tỳ Bà Sa Luận, rồi Ngài trở về bản quốc là nước Gandhàra thuộc Bắc Ấn soạn ra bộ Câu Xá Luận. Nội dung của bộ luận này như thiên trước đã thuật, là một bộ luận tổng hợp giáo nghĩa của Hữu bộ. Lúc đầu, Ngài hết sức hoằng dương giáo lý Tiểu thừa, nhưng sau nghe lời khuyên của anh là Vô Trước, nên Ngài chuyển theo Đại thừa Phật giáo. Trước hết, Ngài nghiên cứu và giải thích các trước tác của Vô Trước, sau Ngài nghiên cứu các kinh điển của Đại thừa, rồi tự Ngài lại trước tác nhiều bộ luận. Cuối cùng, Ngài nhập diệt ở nước Ayodhyà (A Du Đà), hưởng thọ 80 tuổi.
Phần trước tác của Ngài, xưa nay thường gọi Ngài là bậc Luận chủ của ngàn bộ luận, nhưng những bộ đã được dịch sang chữ Hán chỉ có các bộ sau:
1) A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharma Kosa Sàstra), 20 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
2) A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Bản Tụng , 1 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
3) Duy Thức Tam Thập Luận Tụng (Vidyàmàtrasiddhi Tridasa Sàstra Kàrikà), 1 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
4) Duy Thức Nhị Thập Luận (Vidyàmàtra Vìmsati Sàstra), 1 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
5) Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận (Mahàyàna- satadharmavìdyàdvàra Sàstra), 1 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
6) Đại Thừa Năm Uẩn Luận (Mahàyànavaipulya Pancaskahdhaka Sàstra), 1 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
7) Phật Tính Luận (Buddhagotra Sàstra), 4 quyển, Ngài Chân Đế dịch.
8) Nhiếp Đại Thừa Luận Thích (Mahàyànasamparigraha Sàstravyàkhyà), 15 quyển, Ngài Chân Đế dịch.
9) Thập Địa Kinh Luận (Dasabhùmika Sūtra Sàstra), 12 quyển, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
10) Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Ba Đề Xá (Saddhar- mapundarìca Sūtra Sàstopadesa), 2 quyển, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
11) Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá (Amitàyus sùtropadesa), 1 quyển, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
12) Chuyển Pháp Luân Kinh Ưu Ba Đề Xá (Dharma- cakrapravatana Sùtropadesa), 1 quyển, Ngài Tỳ Mục Trí Tiên dịch.
13) Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh Luận (Vajnaprajnàyaramità Sūtra Sàstra), 3 quyển, Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch.
14) Lục Môn Giáo Thọ Tập Định Luận, 1 quyển, Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Trong các bộ luận kể trên, Câu Xá Luận là bộ luận thuộc Tiểu thừa Phật giáo. Tam Thập Tụng và Nhị Thập Luận, hai bộ luận này bàn về yếu nghĩa của Duy thức, là những bộ luận y cứ của Pháp Tướng Tông. Bách Pháp Minh Môn Luận thuyết minh và phân tích về chư pháp. Năm Uẩn Luận bàn về nghĩa năm uẩn để đối trị mọi tà chấp. Phật Tính Luận nói về thuyết “Hết thảy chúng sinh đều có Phật tính”, thuyết này y cứ ở Niết Bàn Kinh nói ra. Nhiếp Đại Thừa Luận Thích giải thích về Nhiếp Luận của Ngài Vô Trước. Thập Địa Luận chú thích bộ Thập Địa Kinh Luận Bản Tụng của Ngài Di Lặc, bàn về lý “Chân như duyên khởi”. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Ưu Ba Đề Xá, phổ thông gọi là Pháp Hoa Kinh Luận, kinh này chia ra năm môn để giải thích về nghĩa lý Pháp Hoa Kinh, bàn rõ tư tưởng Nhất thừa. Vô Lượng Thọ Kinh Ưu Ba Đề Xá, thường gọi là Tịnh Độ Luận, là một tác phẩm biểu hiện sự tín ngưỡng của Ngài Thế Thân, và cũng là tư tưởng khởi nguyên của pháp môn tu Tịnh độ. Chuyển Pháp Luân Kinh Ưu Ba Đề Xá và Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh Luận đều y vào tên kinh đó mà giải thích. Lục Môn Giáo Thọ Tập Định Luận bàn về pháp thực tiễn tu hành.
Các tác phẩm kể trên của Ngài Thế Thân, cũng như Ngài Vô Trước và Long Thọ, đều là những trước tác bất hủ trong lịch sử giáo lý của Phật giáo.
III. Giáo nghĩa của Ngài Vô Trước và Thế Thân
Về giáo nghĩa đặc sắc của Ngài Vô Trước là tư tưởng “A lại da duyên khởi luận”. Ngài là bậc đại học giả làm hưng long cho Đại thừa Phật giáo. Còn Ngài Thế Thân, lúc đầu, Ngài truyền bá Tiểu thừa Phật giáo, sau mới hưng long Đại thừa Phật giáo. Ngài trước tác rất nhiều bộ luận, nên tư tưởng của Ngài thuộc nhiều phương diện, khó có thể mà tổng hợp thành một thuyết đồng nhất. Tức là, lúc đầu Ngài được truyền thừa tư tưởng của Hữu bộ, sau kế thừa tư tưởng “Đại thừa A lại da duyên khởi” của Ngài Vô Trước. Ngài lại nói ra các thuyết như: “Chân như duyên khởi”, “Thực tướng luận” và “Tịnh Độ giáo” v.v. Khi còn hưng long tư tưởng Tiểu thừa, Ngài đã trước tác bộ Câu Xá Luận, hoàn thành cho giáo nghĩa của Hữu bộ; khi ở vào vị trí Đại thừa thì Ngài trước tác các bộ luận để hoàn thành giáo nghĩa Duy thức Phật giáo.
Ngoài ra, những đặc sắc của Ngài cũng đi song song với Ngài Long Thọ. Nghĩa là, Ngài Long Thọ là bậc hưng long Đại thừa Phật giáo ở thời đầu, thì Ngài Thế Thân là bậc hưng long Đại thừa Phật giáo ở thời giữa. Ngài Long Thọ hưng long Đại thừa Phật giáo ở Nam Ấn, thì Ngài Thế Thân ở Bắc Ấn. Ngài Long Thọ kế thừa về giáo lý của Đại Chúng bộ, thì Ngài kế thừa giáo lý của hệ thống Thượng Tọa bộ. Ngài Long Thọ khởi xướng ra thuyết “Chư pháp thực tướng luận” thuộc tư tưởng “Không”, Ngài Thế Thân khởi xướng ra tư tưởng “Chư pháp duyên khởi luận” thuộc tư tưởng “Hữu”. Ngài Long Thọ phá tà hiển chính cực lực bài bác Tiểu thừa; Ngài Thế Thân thì chủ trương tư tưởng bao dung.
Về giáo nghĩa của hai Ngài Vô Trước, Thế Thân như trên đã thuật, nhưng về tư tưởng căn bản đồng nhất của hai Ngài đó là thuyết “A lại da duyên khởi”. Tức là hết thảy mọi pháp ở trong thế gian đều không ngoài tâm thức của con người mà có, thuộc Duy tâm luận và cũng là thuyết “Vạn pháp duy thức luận”. Nhưng cái nguồn gốc năng hiện của mọi pháp lại là cái thức căn bản vẫn đầy đủ của con người, tức là “A lại da thức”. Vì vạn pháp đều y vào thức này mà xuất hiện, nên gọi là “A lại da duyên khởi”, gọi tắt là “Duyên khởi luận”.