I. Các bậc Luận sư thuộc hệ thống Thực tướng luận
Vì Ngài Long Thọ và Đề Bà khởi xướng ra tư tưởng “Thực tướng luận”, Ngài Vô Trước và Thế Thân xướng ra thuyết “Duyên khởi luận”, nên có hai hệ thống lớn của Đại thừa Phật giáo được xuất hiện ở Ấn Độ, tức là hệ thống “Thực tướng luận”, còn gọi là “Trung quán phái” và hệ thống “Duyên khởi luận” còn gọi là “Du già hành phái”. Thực tướng luận thì quan sát về thực tướng của chư pháp, cho hết thảy mọi pháp đều là không, để biểu hiện lý “Trung đạo”, nên gọi là “Không tông” hay “Trung Quán tông”. Duyên khởi luận thì bàn về sự duyên khởi của hai pháp Chân và Giả để biểu hiện phần “Chân hữu” và nương vào phép quán Du già (Yoga) để biểu hiện phần “Chân như”, nên gọi là “Hữu tông” hay “Du Già tông”.
Hệ thống truyền thừa về tư tưởng “Thực tướng luận” của Ngài Long Thọ, sau thời đại Ngài Đề Bà và La Hầu La Đa, thì không thấy chép rõ ràng, nhưng ở khoảng thế kỷ thứ IV, sau Ngài La Hầu La Đa có Ngài Thanh Mục (Pingala) chú thích bộ Trung Luận của Ngài Long Thọ, Ngài Kiên Ý trước tác bộ Nhập Đại Thừa Luận (2 quyển), đều truyền về tư tưởng “Vô tướng giai không” của Ngài Long Thọ. Trong thế kỷ thứ V, ở Nam Ấn, có Ngài Phật Hộ (Buddhapàlita) ra đời, tuyên dương về thuyết “Phi Hữu phi Không luận” của Ngài Long Thọ. Lại ở thế kỷ thứ VI, cũng ở Nam Ấn, có Ngài Thanh Biện (Bhàvaviveka) ra đời, chủ trương thuyết “Vô Tướng Giai Không”. Cuối thế kỷ thứ VI, có Ngài Trí Quang (đệ tử Ngài Thanh Biện) ra đời, khởi xướng ra lối phán thích về giáo lý của Phật giáo, và sắp hạng giáo nghĩa của Ngài Long Thọ đứng ở vị trí tối cao của Phật giáo. Và cũng ở Nam Ấn, có Ngài Nguyệt Xứng (Candrakìrti) ra đời, soạn bộ Trung Luận Thích (Madhyamikavrtti). Ở đầu thế kỷ thứ VII, có Sư Tử Quang (đệ tử Ngài Trí Quang) ra đời, giảng về “Tam luận” tại chùa Na Lan Đà. Ngoài ra còn có các bậc Luận sư khác như Thắng Quang, Trí Hộ v.v. đều là những vị tuyên dương về giáo nghĩa của Ngài Long Thọ tại chùa Na Lan Đà.
Căn cứ như thứ tự trên, vậy hệ thống truyền thừa về “Thực tướng luận” của Ngài Long Thọ có thể như sau: Long Thọ, Đề Bà, La Hầu La Đa, Thanh Mục, Thanh Biện, Trí Quang, Sư Tử Quang, Thắng Quang v.v.
II. Các bậc Luận sư thuộc hệ thống Duyên khởi luận
Ngài Vô Trước và Thế Thân khởi xướng ra thuyết “A lại da duyên khởi” và tổ chức thành một hệ thống Duy thức Phật giáo. Hệ thống này được truyền bá hầu khắp Ấn Độ, đứng ngang hàng với hệ thống “Thực tướng Luận” của Ngài Long Thọ, là hai hệ thống lớn có thế lực nhất của Phật giáo Ấn Độ lúc đương thời. Từ khoảng Ngài Thế Thân nhập tịch cho đến thế kỷ thứ VI, trong một khoảng thời gian 200 năm, có rất nhiều các bậc Luận sư thuộc hệ thống “Duyên khởi luận” tiếp tục ra đời. Theo thứ tự mà kể, thì sau thời đại Ngài Thế Thân một chút, có Ngài Thân Thắng (Bandhusrì) và Hỏa Biện (Citrabhàna) ra đời. Ngài Thân Thắng thì lược thích bộ Duy Thức Nhị Thập Tụng, rất tài về phần cấu tạo ý tưởng; Ngài Hỏa Biện cũng chú thích bộ luận kể trên, lại rất khéo về lối hành văn. Tiếp sau là Ngài Đức Tuệ (Gunamati), người Nam Ấn, trước tác bộ Tùy Tướng Luận (1 quyển), Ngài Chân Đế dịch. Bậc Luận sư nổi tiếng, cũng người Nam Ấn xuất hiện, đó là Ngài Trần Na (Dignàga, hay Nahàdignàga) hoàn thành về môn học “Nhân minh nhập chính lý luận” và tuyên dương về “A lại da duyên khởi luận”.
Ở thế kỷ thứ VI, có Ngài An Tuệ (Sthiramati, đệ tử Ngài Đức Tuệ) chú thích bộ Duy Thức Tam Thập Tụng và trước tác các bộ như Đại Thừa Trung Quán Thích Luận (9 quyển), Đại Thừa Quảng Năm Uẩn Luận (1 quyển), Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma Tạp Tập Luận (16 quyển), để tuyên dương giáo nghĩa Duy thức. Ngài Nan Đà (Nanda) xướng ra thuyết “Chủng tử”, Ngài Tịnh Nguyệt (Suddhacandra) chú thích bộ Tập Luận, Ngài Hộ Nguyệt chú thích bộ Trung Biện Luận v.v.
Các bậc Luận sư kể trên đều là những vị tuyên dương giáo nghĩa Duy thức, nhưng về tư tưởng của các Ngài có đôi chút khác nhau. Thí dụ, như sự hình thành về nhận thức của thuyết “A lại da duyên khởi”, Ngài An Tuệ chủ trương duy chỉ có “Tự chứng phần” làm tác dụng nhận thức của tâm thức là có thực thể, còn “Tướng phần” và “Kiến phần” thì không có thực thể. Trái lại, các Ngài Thân Thắng, Nan Đà, Đức Tuệ, Tịnh Nguyệt đều chỉ thành lập có hai phần là “Tướng phần” và “Kiến phần”; Ngài Hỏa Biện, Trần Na thì chủ trương cả ba phần đều có thực thể.
Về thuyết “Chủng tử”, Ngài Nan Đà chủ trương chủng tử chỉ có phần tân huân mà không có phần bản hữu, nên trong Duy thức gọi Ngài là “Duy tân huân gia”. Trái lại, Ngài Hộ Nguyệt chủ trương chủng tử chỉ có phần bản hữu, còn phần tân huân chủng tử là sự phát triển về ngoại duyên của bản hữu chủng tử, nên trong Duy thức gọi Ngài là “Duy bản hữu gia”. Tới Ngài Hộ Pháp (Dharmapāla), Ngài dung hòa tất cả các thuyết khác nhau, mà lập thành một hệ thống duy nhất của Duy thức Phật giáo.
Sau Ngài Hộ Pháp, có các Ngài Giới Hiền (Śīlabhadra), Tối Thắng Tử ( Jinaputra), Thắng Hữu (Visesamitra), Trí Nguyệt ( Jnànàcandra) và Thân Quang v.v. xuất hiện. Ở đầu thế kỷ thứ VII, khi Ngài Huyền Trang qua Ấn Độ, Ngài Giới Hiền đã hơn 100 tuổi già, Ngài đem pháp môn Duy thức truyền cho Ngài Huyền Trang. Ngài Tối Thắng Tử chú thích bộ Du Già Luận. Ngài Thân Quang trước tác bộ Phật Địa Kinh Luận (7 quyển).
Trong số các bậc Luận sư như trên đã thuật, thì các Ngài Thân Thắng, Hỏa Biện, Đức Tuệ, An Tuệ, Nan Đà, Tịnh Nguyệt, Hộ Pháp, Thắng Hữu, Tối Thắng Tử, Trí Nguyệt được gọi là mười bậc đại Luận sư của Duy thức. Ngài Huyền Trang liền đem tập trung tất cả các giáo nghĩa của mười bậc Luận sư kể trên mà dịch thành bộ Thành Duy Thức Luận (10 quyển), nhưng Ngài lấy giáo nghĩa của Ngài Hộ Pháp làm phần chính, còn giáo nghĩa của chín bậc Luận sư khác chỉ là phần phụ thuộc.
III. Nguyên nhân hưng thịnh của chùa Na Lan Đà
Chùa Na Lan Đà (Nalanda), ngôi chùa quan hệ rất mật thiết với hai hệ thống lớn của Đại thừa Phật giáo. Phật giáo của Ngài Long Thọ và Đề Bà thì phát khởi từ Nam Ấn, rồi dần dần truyền tới Bắc Ấn; Phật giáo của Ngài Vô Trước và Thế Thân thì hưng khởi ở Bắc Ấn, cũng dần dần lan tràn tới Nam Ấn, chùa Na Lan Đà thì ở giữa giao điểm đó, tức là Trung Ấn. Cho nên, các bậc học giả của hai hệ thống đó phần nhiều đều tập trung tại chùa Na Lan Đà, chùa này bỗng trở thành một đại tùng lâm, trung tâm học thuật của cả nước Ấn Độ, là một bản doanh tối cao của Phật giáo đương thời. Trong khoảng mấy thế kỷ, chùa này hàng ngày thường có mấy ngàn bậc thạc học và đệ tử tụ tập tu hành, nghiên cứu giáo lý. Người muốn lưu học tại chùa, trước hết phải qua một kỳ khảo sát về năng lực tu học rồi mới hứa khả cho nhập học. Vì thế nên người đã tu học xong chương trình ở chùa này ra, đều trở thành những bậc học giả của Phật giáo.
Chùa Na Lan Đà thì ở phương Bắc thành Vương Xá, thuộc Trung Ấn. Chùa được kiến thiết từ năm nào hiện chưa biết rõ, nhưng có thể căn cứ vào sử liệu để suy định. Khi Ngài Pháp Hiển qua Ấn Độ, ở hồi đầu thế kỷ thứ V, theo ký sự của Ngài thì không thấy ghi chép gì về lịch sử chùa này. Tới nửa đầu thế kỷ thứ VII, khi Ngài Huyền Trang qua Ấn, trong ký sự của Ngài có thấy ghi chép về lịch sử ngôi chùa này.
Theo ký sự của Ngài Huyền Trang, thì có nhiều đời vua kiến thiết ngôi chùa này. Đầu tiên, vua Sakràditya (Đế Nhật Vương năm 480) sáng lập một ngôi Già lam tại trung ương; tiếp đó con vua Sakràditya là Buddhagupta (Giác Hộ vương) dựng thêm một ngôi Già lam ở phương Nam; thứ ba là vua Tathàgatagupta (Như Lai Hộ vương) dựng thêm một ngôi Già lam ở phương Đông; thứ tư là vua Bàlàditya (Ảo Nhật vương, Tân Nhật vương) kiến thiết thêm một Già lam ở phía Đông Bắc; thứ năm là vua Vajra (Kim Cương Vương), con vua Bàlàditya, kiến thiết thêm một Già lam ở phía Tây v.v. Và theo ký sự của Ngài Nghĩa Tịnh qua Ấn Độ ở cuối thế kỷ thứ VII, thì chùa Na Lan Đà gồm có 8 viện, 300 phòng, một đại Già lam nguy nga tráng lệ.
Căn cứ như ký sự kể trên, thì chùa Na Lan Đà đã được kiến thiết ở khoảng nửa cuối thế kỷ thứ V Tây lịch.