I. Ngài Trần Na
Sau khi Ngài Thế Thân thị tịch, người kế truyền tư tưởng “A lại da duyên khởi” đó là Ngài Trần Na (Dignāga, hay Mahā dignaga). Ngài xuất thế ở cuối thế kỷ thứ V, người Nam Ấn, sinh tại thành Kàncipura (Kiến Trì thành), thuộc nước Dràvida (Đạt La Tỳ Trà). Lúc đầu, Ngài học giáo lý Tiểu thừa, sau chuyển sang Đại thừa, nên Ngài đều thông hiểu thấu đáo cả giáo lý của Tiểu thừa và Đại thừa. Ngoài ra, Ngài còn tinh thông cả môn lý luận học của Ấn Độ là “Nhân minh” (Hetuvidyà). Ngài nhận thấy lối Nhân minh học lúc đương thời hãy còn phức tạp, nên Ngài giản dị hóa và tổ chức lối học đó thành một hệ thống mới, và hệ thống mới này được gọi là “Tân nhân minh”, còn lối cũ gọi là “Cổ nhân minh”. Ngài thường đem lối luận lý nhân minh ra biện luận để hàng phục ngoại đạo, nên thanh danh Ngài lừng lẫy khắp Ấn Độ đương thời. Khi Ngài trụ ở chùa Ajantà (chùa Hang), thuộc nước Mahàrattha (Ma Ha Lạt Đà), Ngài soạn được nhiều bộ luận để tuyên dương tư tưởng “A lại da duyên khởi”. Trước tác của Ngài hiện còn thấy lưu truyền có các bộ như sau:
1. Nhân Minh Chính Lý Môn Luận Bản (Hetuvid Yanyayadvàra Sàstra Mùla), 1 quyển, Ngài Huyền Trang dịch. Nhân Minh Chính Lý Luận (Dị dịch), 1 quyển, Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
2. Quán Sở Duyên Duyên Luận (Ālambana Dhyàna Sàstra), 1 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
3. Vô Tướng Tư Trần Luận (Anàkàra Cintà Rajas Sàstra), 1 quyển, Ngài Chân Đế dịch.
4. Thủ Nhân Giả Thiết Luận (Prajnàpti Hetu Sangraha Sàstra), 1 quyển, Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
5. Quán Tổng Tướng Luận Tụng (Saravalaksan Adhyàna Sàstra Kàrikà), 1 quyển, Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
6. Chưởng Trung Luận (Tàlàntaraka Sàstra), 1 quyển, Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Bộ Nhân Minh Chính Lý Môn Luận Bản thì giải thích về phương pháp luận lý của nhân minh. Còn các bộ ở sau đều nói về “A lại da duyên khởi”.
Vốn ở Ấn Độ, môn Nhân minh học đã có từ cổ xưa, nhưng người đứng ra tổ chức thành một hệ thống nhất định, là Ngài Aksapàda, thủy tổ phái Nyàyà (Chính Lý phái), một trong sáu phái của triết học Ấn Độ ở khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Trong thời đại các bộ phái Phật giáo, thì Nhân minh học cũng đã được manh nha, và các bậc Luận sư từ thời đại sau Bộ phái Phật giáo cũng vẫn thường dùng môn Nhân minh học trong khi tranh biện. Nhưng đến thời đại Ngài Trần Na thì Ngài tổ chức Nhân minh học lại thành một hệ thống mới. Cho nên, Nhân minh học từ thời đại Ngài Trần Na trở về trước gọi là “Cổ nhân minh”, từ thời đại Ngài Trần Na trở về sau gọi là “Tân nhân minh”. Cổ nhân minh có năm bộ phận, gọi là “Ngũ chi tác pháp”, tức là “Ngũ đoạn luận pháp”. Tân nhân minh có ba bộ phận, gọi là “Tam chi tác pháp”.
Sự đối chiếu giữa Cổ nhân minh và Tân nhân minh như sau:
Về sau, đệ tử của Trần Na là Sankarasvàmin (Thương Yết La Chủ) soạn bộ Nhân Minh Nhập Chính Lý Luận (Nyàyadvàratàraka sàstra), 1 quyển, thuyết minh về yếu nghĩa Nhân minh của Ngài Trần Na, Ngài Hộ Pháp (Dharmakìrti) cũng trước thuật và chú thích nhiều bộ luận về Nhân minh học, nên môn học này trở thành một môn học quan trọng trong Phật giáo.
Về tư tưởng “A lại da duyên khởi” của Ngài Trần Na thì hoàn toàn kế thừa tư tưởng của Ngài Thế Thân, duy có vấn đề thành lập về nhận thức thì kế thừa thuyết “Tướng phần, kiến phần, tự chứng phần” của Ngài Hỏa Biện là khác.
II. Ngài Thanh Biện
Người tuyên dương giáo nghĩa “Thực tướng luận” của Ngài Long Thọ, đó là Ngài Thanh Biện (Bhāvaviveka). Ngài người Nam Ấn, ở khoảng tiền bán thế kỷ thứ VI. Lúc đầu, Ngài học giáo nghĩa ngoại đạo, đặc biệt nghiên cứu về Số luận, sau Ngài bỏ ngoại đạo chuyển theo Phật giáo, kế thừa giáo nghĩa của Ngài Long Thọ và Đề Bà. Nơi trung tâm truyền bá giáo lý của Ngài là nước Dhanakataka, thuộc Nam Ấn. Ngài trước tác hai bộ luận như sau:
1. Đại Thừa Chưởng Trân Luận (Mahàyànatà Narasna Sàstra), 2 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
2. Bát Nhã Đăng Luận Thích (Prajnàdipà Sàstra Kàrika), 15 quyển, Ngài Ba La Phả Mật Đa La dịch.
Đại Thừa Chưởng Trân Luận nói về giáo nghĩa “Hữu vi không, Vô vi không”. Bát Nhã Đăng Luận Thích giải thích về Trung Luận của Ngài Long Thọ.
III. Ngài Hộ Pháp
Một bậc đại Luận sư kế thừa tư tưởng “A lại da duyên khởi” và xác định lại môn học của Duy thức Phật giáo, đó là Ngài Hộ Pháp (Dharmapāla). Ngài cũng cùng thời đại với Ngài Giới Hiền, người nước Dràvida thuộc Nam Ấn. Lúc đầu, Ngài học giáo lý của Tiểu thừa, sau tới Ngài Trần Na học môn Duy thức của Đại thừa. Vì mục đích chu du ham học, nên Ngài tới chùa Na Lan Đà tu học, bẩm tính thông minh, nên đã trở thành một bậc đại học sĩ của Phật giáo đương thời. Khi 29 tuổi, Ngài lại rời chùa Na Lan Đà, tới ẩn dật tại chùa Đại Bồ Đề, chuyên công việc trước thuật, tới 32 tuổi thì mất. Các trước tác của Ngài hiện còn như sau:
1. Thành Duy Thức Luận (Vijnàpti Màtrata Siddhi Sàstra), 10 quyển, Ngài Huyền Trang dịch.
2. Thành Duy Thức Bảo Sinh Luận, 5 quyển, Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
3. Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích, 1 quyển, Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
4. Đại Thừa Quảng Bách Luận, 1 quyển, Ngài Nghĩa Tịnh dịch.
Thành Duy Thức Luận giải thích về bộ Duy Thức Tam Thập Tụng của Ngài Thế Thân. Tất cả có mười nhà giải thích bộ Tam Thập Tụng Luận của Ngài Thế Thân, nhưng Ngài Huyền Trang lấy thuyết của Ngài Hộ Pháp làm chính, và tổng hợp chín nhà chú thích khác mà dịch thành bộ Thành Duy Thức Luận này, một bộ luận rất trọng yếu cho công việc nghiên cứu Duy thức học. Thành Duy Thức Bảo Sinh Luận thích nghĩa bộ Duy Thức Nhị Thập Tụng của Ngài Thế Thân. Quán Sở Duyên Duyên Luận Thích chú thích bộ Quán Sở Duyên Duyên Luận của Ngài Trần Na, Đại Thừa Quảng Bách Luận chú thích bộ Bách Luận của Ngài Đề Bà.
IV. Ngài Trí Quang và Giới Hiền
Ngài Trí Quang ( Jñānaprabha), đệ tử Ngài Thanh Biện, được truyền cho hệ thống “Thực tướng luận” của Ngài Long Thọ tại chùa Na Lan Đà. Ngài là bậc tinh thông cả giáo nghĩa của Tiểu thừa và Đại thừa, nên Ngài tổng hợp tất cả giáo lý của Phật giáo, và phân ra làm ba hạng. Tức là “Tâm cảnh câu hữu giáo”, “Tâm hữu cảnh không giáo” và “Tâm cảnh câu không giáo”. Tiểu thừa Phật giáo thì thuộc “Tâm cảnh câu hữu giáo”, ở hạng thấp nhất; giáo nghĩa của Ngài Vô Trước và Thế Thân, thuộc “Tâm hữu cảnh không giáo”, ở địa vị trung gian; giáo nghĩa của Ngài Long Thọ thuộc “Tâm cảnh câu không giáo”, ở địa vị cao nhất trong Phật giáo. Đó là lối phán thích giáo tướng của Phật giáo, mà Ngài Trí Quang là người xướng xuất đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.
Ngài Giới Hiền (Śīlabhadra), đệ tử Ngài Hộ Pháp, người nước Samatata thuộc Trung Ấn. Ngài thường chu du các nơi học hỏi, khi tới chùa Na Lan Đà, được Ngài Hộ Pháp truyền cho pháp môn Duy thức. Ngài dần dần trở thành một bậc đại Luận sư của môn Duy thức học. Ở niên hiệu Chính Quán năm thứ 16 đời Đường (năm 636), khi Ngài Huyền Trang qua Ấn, lúc tới chùa Na Lan Đà, thì Ngài Giới Hiền đã tới 106 tuổi, và được Ngài đem pháp môn Duy thức truyền lại cho.
Ngài Giới Hiền vì mục đích tuyên dương giáo nghĩa của Duy thức, để đối ứng lại với cách phán giáo của Ngài Trí Quang, nên Ngài cũng thành lập ra ba giáo pháp để xác định vị trí giáo lý của Phật giáo. Tức là “Hữu giáo”, “Không giáo” và “Trung đạo giáo”. Tiểu thừa Phật giáo thuộc “Hữu giáo”, ở vị trí thấp nhất; giáo nghĩa của Ngài Long Thọ thuộc “Không giáo”, ở vị trí giữa; giáo nghĩa của Ngài Vô Trước và Thế Thân thuộc “Trung đạo giáo”, ở vị trí cao nhất trong Phật giáo.