V
ào buổi chiều ngày 25 tháng Ba năm 2014, Mark Zuckerberg - CEO của Facebook, đã bất ngờ đến thăm một doanh nghiệp khởi nghiệp có trụ sở tại SoCal. Tại đây, Mark đứng ở phía trước căn bếp nhỏ, chia sẻ một vài thông tin quan trọng, thảo luận về tầm nhìn lớn lao của Facebook. Họ cùng khám phá một loại thiết bị công nghệ đeo có thể được luôn được, mọi người tìm kiếm, và Mark tin rằng nó sẽ thống trị trong tương lai.
Anh diễn thuyết trước khoảng 50 kĩ sư, doanh nhân và những kẻ mộng mơ. “Họ bước vào thế giới này,” – bằng cách đeo một cặp kính siêu nạp – “và khi bỏ kính ra, họ cảm thấy buồn vì phải trở về thực tại.”
Công nghệ đã khiến Zuckerberg phát cuồng ấy là một bộ kính thực tế ảo có tên là Rift, và các kĩ sư, doanh nhân lẫn những kẻ mộng mơ trong căn bếp đó là những người chịu trách nhiệm cho việc tạo ra nó. Họ là thành viên của Oculus – một doanh nghiệp trẻ và nổi tiếng, có nhiệm vụ hiện thực hóa VR – giấc mơ lấy cảm hứng từ khoa học viễn tưởng.
“Để cuối cùng thì thực tế ảo cũng trở thành hiện thực!” Palmer Luckey – người sáng lập Oculus khi đó mới 21 tuổi, đã thốt lên. Mặc dù nó này vẫn còn rất xa vời, nhưng ở Oculus, họ cảm thấy mình đang tiến đến gần mục tiêu hơn bao giờ hết. Bởi vì khoảng một giờ trước, họ mới biết rằng Facebook sẽ mua lại công ty nhỏ bé của họ với cái giá ba tỉ đô-la, một con số vượt ngoài mọi tưởng tượng.
Quả thực là khó tin. Mới hai năm trước thôi, Palmer Luckey còn sống một mình trong một chiếc xe kéo du lịch. Còn bây giờ, khi Oculus trở thành doanh nghiệp khởi nghiệp đạt giá trị nhiều tỉ đô-la nhanh nhất mọi thời đại, Palmer dư sức mua nhà, không chỉ cho mình mà còn thêm một căn gần đó cho bố mẹ.
Điều khiến cho thương vụ mua lại này trở nên khó tin hơn nữa là tất cả mọi chuyện dường như xảy ra quá bất ngờ – nhất là đối với hầu hết các thành viên trong nhóm. Chẳng hạn, Zuckerberg thậm chí chỉ mới đến văn phòng của Oculus đúng một lần – vào hai tháng trước – để xem một bản thử nghiệm có tên là “The Room”. (Và, để lấy lòng nhiều nhân viên của Oculus, anh xuất hiện với một cái túi vải của McDonald. Chà, các nhân viên nghĩ, ông trùm công nghệ: Họ cũng giống như bất kì ai!).
Tại thời điểm đó, ngoài số ít nhân sự cấp điều hành, không một ai khác biết rằng đang có một thương vụ mua lại diễn ra. Nếu biết thì có lẽ họ đã cố gắng ngăn cản. Nói cho cùng, những người ở Oculus không phải là một đám đông cuồng Facebook cho lắm. Ví dụ, giám đốc công nghệ của họ thậm chí còn không có tài khoản Facebook. Hay giám đốc điều hành thì trưng bày một tác phẩm nghệ thuật trong phòng làm việc của mình, nhưng đó chỉ là cái logo Facebook trên bao thuốc lá. Còn các nhân viên thường xuyên chế giễu Facebook là “nhạt nhẽo”, “thiết kế nghèo nàn”, “xâm phạm quyền riêng tư” hay “ăn bám trắng trợn”.
Ngoài những khác biệt về hệ tư tưởng, Facebook giống như một mảnh ghép khập khiễng với Oculus vì một nguyên nhân lớn hơn nữa: Dù xét trên dự định và mục đích gì đi chăng nữa, thì Oculus vẫn là một công ty chuyên về trò chơi điện tử, được tạo ra nhằm mang đến cho người chơi một cách thức để “bắt đầu cuộc chơi”. Vì thế nên, nếu bán cho một hãng sản xuất máy chơi game console5 như Sony hay Microsoft thì có lí hơn. Thậm chí, bán cho một gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Apple hay Google cũng có lí (nói cho cùng, Apple và Google đều có lịch sử sản xuất nhiều sản phẩm phần cứng thành công). Nhưng Facebook ư?
5 Game console là thật ngữ viết tắt của cụm Video game console. Đây là một từ chỉ một loại máy chuyên dùng để chơi trò chơi điện tử, có thể dưới dạng cầm tay hoặc xuất ra tín hiệu hình ảnh, âm thanh qua các thiết bị khác như màn hình ti-vi,…
Zuckerberg đã trả lời cho câu hỏi đó khi nói chuyện với các nhân viên của công ty mà anh mới mua. “Tôi nghĩ rằng [thực tế ảo] có đủ tiềm năng để không chỉ trở thành một nền tảng của các trò chơi điện tử thế hệ mới, mà còn trở thành nền tảng điện toán thực sự – và chính các bạn cũng đang nghĩ đến điều này.”
Zuckerberg nói về chuyện anh tin tưởng rằng, cứ mỗi giai đoạn 10-15 năm, một nền tảng điện toán mới lại lên ngôi, đạt đến thị phần tới hạn, phần lớn là chiếm đoạt từ những nền tảng tiền nhiệm. Anh lấy ví dụ, gần đây nhất, điều này đã xảy ra với điện thoại thông minh. “Tính đến cuối năm 2012,” Zuckerberg giải thích, “có một tỉ người sử dụng điện thoại thông minh. Và tôi đoán khoảng 2012 hoặc 2013, nó bắt đầu qua mặt máy tính, mọi người vẫn có máy tính nhưng điện thoại thông minh bắt đầu trở thành phương tiện chính để mọi người thực hiện các thao tác điện toán. Tôi nghĩ nếu chúng ta thúc đẩy [thực tế ảo] đủ mạnh, thì nó cũng có khả năng trở thành kẻ kế vị cho công nghệ điện toán này.”
Zuckerberg càng nói, tầm nhìn của Facebook càng có vẻ bổ khuyết cho tầm nhìn của Oculus. Bất kì ai lo ngại mọi chuyện có thể thay đổi 180 độ sau khi vụ mua lại hoàn tất đều được trấn an khi Zuckerberg nói, “Tôi nghĩ, ở Facebook, chúng tôi đã và đang làm rất tốt việc mua lại các công ty, rồi để họ hoạt động độc lập. Và đó cũng chính là cách chúng tôi sẽ làm ở đây. Chúng tôi không định can thiệp vào văn hóa ở đây theo bất cứ cách nào... Chúng tôi ở đây để giúp các bạn tăng tốc. Thật tuyệt vời, tất cả các bạn nên tự hào về những gì mình đã làm được cho đến giờ.
Đến khi Zuckerberg mời mọi người đặt câu hỏi, dường như anh đã dẹp tan mọi lo lắng còn sót lại trong các nhân viên của Oculus.
Chà, ngoại trừ một chuyện. Một vấn đề quan trọng, động chạm đến một khía cạnh nền tảng chính yếu trong sự tồn tại của Facebook. Nó không chỉ gây ảnh hưởng đáng kể đến Oculus, mà trong những năm tiếp theo, sẽ sớm có hàng triệu người đặt ra câu hỏi, tại sao Facebook lại hoạt động theo cách đó, và tất cả điều này có ý nghĩa gì đối với tương lai của quyền riêng tư, tương tác xã hội, hay thậm chí cả nền dân chủ tự do.
“Xin chào, Mark,” Chris Dycus, nhân viên đầu tiên của Oculus mở lời. “Có vài người – không phải tôi, tất nhiên – nhưng có vài người cho rằng Facebook xấu xa... vì vậy tôi tự hỏi điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhận định của mọi người về Oculus.”
Đột nhiên, căn phòng rơi vào im lặng một cách căng thẳng. Vài tiếng cười khúc khích vì thích thú bị nén lại. Một trong số đó đến từ nhà sáng lập Palmer Luckey, người đang hết sức phấn khích vì một suy nghĩ duy nhất: Chris Dycus đúng là to gan! Nghiêm túc luôn, phải có gan hùm, mới dám hỏi Marky Z cái câu hỏi mà mọi người trong căn phòng này đều nghĩ đến. Trong lúc mọi người còn đang hình dung ra phản ứng của công chúng đối với việc mua lại này theo một cách trừu tượng nào đó, thì Luckey đã phải xử lí những hậu quả hữu hình: Từ hàng tá dòng tweet có nội dung na ná nhau kiểu “CHẾT TIỆT, anh đã BÁN HẾT TẤT CẢ, anh là kẻ PHẢN BỘI.” hay “Cảm ơn vì đã một lần nữa giết chết giấc mơ VR”, cho đến những vụ hô hào khách hàng tẩy chay, thậm chí cả vài lời dọa giết.
Zuckerberg mỉm cười, xoa dịu bầu không khí đang mỗi lúc một căng thẳng hơn. Và khi anh ta bật cười trước câu hỏi của Dycus – không phải kiểu bác bỏ, mà theo kiểu “ôi dào”, như muốn cố tình phớt lờ mức độ nghiêm trọng của làn sóng phản ứng dữ dội trên thế giới mạng, Luckey không thể không thắc mắc đôi chút: Thế quái nào chúng ta lại dính vào Facebook nhỉ?
Thế nhưng, thay vì nghĩ xem ngày mai có thể xảy ra điều gì, thì Luckey đã quyết định rằng hôm nay – trong cái ngày trọng đại này, cái ngày cậu bán công ty của mình cho Facebook để lấy một số tiền nhiều đến nỗi trong mơ cậu cũng không dám nghĩ đến – cậu sẽ làm một việc hiếm khi làm: Ngừng mong đợi vào những gì sắp tới, và bắt đầu suy nghĩ lại những điều đã trải qua. Quay lại xuất phát điểm của toàn bộ hành trình điên rồ, phi thường này…