T
rong tháng Hai năm 2016, Oculus - Facebook cho tôi toàn quyền tiếp cận các nhân viên của họ để viết một cuốn sách về sự hình thành của Oculus, "phép thuật" của VR và những câu chuyện kịch tính của loài người trong suốt hành trình nỗ lực xây dựng tương lai. Trong hơn hai năm tiếp theo, tôi đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn. Cứ cách vài ngày tôi lại trò chuyện với những nhân sự chủ chốt tại Oculus, họ thế nào khi tung ra sản phẩm tiêu dùng đầu tiên, khi cố gắng dẫn dắt một cuộc cách mạng công nghệ và thích nghi với cuộc sống sau một thương vụ mua lại trị giá nhiều tỉ đô-la.
Không lâu sau đó, khi một số sự kiện được mô tả ở những phần sau của cuốn sách nảy xảy ra, quyền tiếp cận của tôi đột ngột chấm dứt. May mắn thay, đến thời điểm đó, tôi đã có được tất cả thông tin cần thiết để hoàn thành cuốn sách này.
Những gì các bạn đọc tiếp theo là câu chuyện dựa trên hàng trăm cuộc phỏng vấn độc quyền với các nhân viên của Oculus - Facebook, và nhiều cuộc phỏng vấn nữa với những người tiên phong khác trong lĩnh vực VR. Cuốn sách này là một kho dữ liệu hơn 25.000 tài liệu – đến từ hàng chục nguồn khác nhau – những dữ liệu đã đem đến cho tôi cái nhìn thấu suốt nhất, chân thực nhất vào lịch sử của một công ty, vào những con người ở đó, vào một nhiệm vụ thuần công nghệ không giống như bất kì điều gì từng xuất hiện trước đây.
Để thể hiện được mọi cung bậc cảm xúc của nhiệm vụ đó, tôi đã viết cuốn sách này theo cách mà tôi hi vọng có thể khiến độc giả cảm thấy như họ đang thực sự sống cùng với các nhân vật, với mục tiêu, quan điểm của nhân vật khi câu chuyện bắt đầu.
Mặc dù về mặt phong cách, cuốn sách này không phải là một “sử kí truyền miệng”, nhưng sau nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, học hỏi thể loại đó (cũng như với việc làm phim tài liệu), tôi đã chọn ra cho mình một cách để kể. Cụ thể hơn, tôi đã cố gắng tránh sang một bên, để cái chính yếu của câu chuyện, suy nghĩ, cảm xúc, lời nói của những người thực sự sống trong các câu chuyện được nêu bật lên. Trong nỗ lực tái hiện những trải nghiệm đó sao cho chân thực nhất trên trang giấy, cuốn sách này chứa rất nhiều đoạn hội thoại. Và vì hiếm khi có thể nhớ từng lời từng chữ khi phỏng vấn, nên tôi muốn giải thích ngắn gọn quá trình soạn thảo các cuộc đối thoại trong cuốn sách này. Nó có thể được chia thành ba nhóm:
1. TRỰC TIẾP: Đa phần những cuộc hội thoại xuất hiện xuyên suốt cuốn sách được trình bày lại theo trí nhớ tốt nhất có thể của những người cung cấp thông tin tham gia trực tiếp vào cuộc đối thoại đó.
2. GIÁN TIẾP: Trong trường hợp những người có mặt không thể nhớ chính xác nội dung trao đổi trong một thời điểm cụ thể, hoặc họ từ chối nói chuyện với tôi (hoặc từ chối chia sẻ một số chi tiết nhất định của cuộc trò chuyện), thi thoảng tôi cũng dựa vào những nguồn thông tin gián tiếp, mặc dù trường hợp này rất hiếm. Nhưng tôi chỉ làm vậy trong vài tình huống mà tôi có lí do chính đáng để tin rằng, nguồn đó chứa đựng thông tin cụ thể về cuộc đối thoại đang được đề cập.
3. HOÁN VỊ: Trong một số trường hợp – đặc biệt là những cuộc đối thoại dài, hoặc đa sắc thái – người cung cấp tin trực tiếp có thể nhớ được đại ý không nhất thiết phải nhớ chính xác từng từ. Đối với những trường hợp này, nếu không thể ghi chép được nguyên văn, tôi dựa vào phản hồi từ những người có liên quan để nắm bắt bản chất và ý nghĩa của những cuộc đối thoại đó.
Trong những tình huống có sự khác biệt giữa hồi ức của những người tham gia trực tiếp, tôi đã ghi chú những điểm khác biệt đó trong nội dung.