Người thích uống trà thì hầu như đều pha trà mỗi ngày. Cho trà vào ấm, rót nước, hãm trà, châm trà, đó là toàn bộ quá trình pha trà. Pha trà dường như là một việc vô cùng đơn giản.
1. Công việc càng đơn giản lại càng khó làm tốt
Trong quá trình pha trà, tâm thái của người pha trà (trà chủ) không giống nhau, cho nên động tác pha trà cũng khác nhau. Từ đó chúng ta sẽ thấy hương vị của chén trà nóng được chế ra cũng lại càng khác biệt nữa.
Giả như tâm thái của người pha trà có chút vội vàng, tiện tay lấy một lượng trà bỏ trong chén, thêm nước vào hãm. Nếu hương vị của trà quá nhạt, thì cho thêm một chút trà; nếu vị trà quá đậm, thì bớt đi một ít trà hoặc thêm một ít nước là ổn rồi. Việc rót trà cũng không cần quá cầu kỳ, cảm thấy vừa ý mình là được.
Một vài người bạn gặp mặt, cùng xếp đặt bộ trà cụ ngay ngắn pha trà và cùng nhau thưởng thức. Khoảng thời gian thư thái, bình lặng, nhẹ nhàng này mới có thể giúp chúng ta nhận ra được tâm tư, tính tình và công phu của người pha trà; đồng thời biết được sự am hiểu về nghệ thuật thưởng trà của người đó.
Có người mỗi ngày đều pha trà, những động tác từ lấy trà, rót nước, hãm trà đều hết sức thành thạo, nhưng bộ trà cụ thì sắp xếp không đẹp mắt, rót trà lại vung vãi nước ra ngoài. Điều này cho thấy người có tính cách vội vàng thì việc pha trà cũng sẽ không cẩn thận, tinh tế.
Có người pha trà một cách chăm chú, sử dụng cả hai tay khi rót trà hay châm trà, đầu chỉ hướng về một phía, hai mắt không rời bình trà vì sợ rót nước nhỏ giọt ra ngoài, động tác vô cùng cứng nhắc. Người này thực hiện các thao tác pha trà khá thận trọng, thể hiện tâm lý hồi hộp và chưa hoàn toàn tự tin.
2. Uống trà có thể tu thân dưỡng tính
Uống trà chính là uống trà, cũng giống như việc ăn cơm, mặc áo là những nhu cầu hằng ngày trong cuộc sống chúng ta. Vậy thì tu thân như thế nào và dưỡng tính ra sao?
Thực ra, trong cuộc sống hằng ngày, làm mỗi một việc nhỏ đều chính là sự rèn luyện thân tâm. Ví như đối với việc pha trà và uống trà mà nói, mỗi ngày đều nghiêm cẩn chú tâm, pha trà một cách tự nhiên và làm tốt từng chi tiết nhỏ, thì đó chính là một sự tu tập.
Vậy cần phải dùng tâm tiếp nhận và pha trà như thế nào?
3. Đối với trà cần có tâm cung kính
Bất luận bạn hiểu rõ trà đạo đến mức nào, quen thuộc với bộ trà cụ trên tay ra sao, thì mỗi lần pha trà bạn đều nên khởi tâm cung kính, đó chính là sự trân quý đối với mỗi chén trà trên tay bạn.
Sắp xếp các loại trà cụ, biết rõ lượng trà đã lấy, cảm nhận hương vị trà, thể nghiệm sự thay đổi của hương vị nơi mỗi chén trà; cho đến việc điều chỉnh động tác của mỗi lần châm nước, thời gian hãm trà, hết thảy bạn đều phải làm bằng trọn cả tâm hồn. Mỗi một lần rót nước, mỗi một lần châm trà, đều nên để tâm duyên theo nước, nước chảy theo tâm.
4. Tâm bình đẳng với trà
Cho dù trước mặt bạn là một loại trà nổi tiếng, cao cấp, rất có giá trị trên thị trường; hay chỉ là loại trà bình thường không chút hấp dẫn, hoặc là một loại trà rất ư quen thuộc với mình, thì bạn vẫn phải giữ một thái độ không phân biệt, tâm ôn hòa tiếp nhận và một tâm thế thoải mái tự nhiên để thưởng thức trà.
Khi pha trà, hương vị ngon dở của trà không quan trọng mà cốt yếu là thái độ của bạn đối với trà. Mỗi khi trà nóng được rót ra, chính hương vị của trà đang kiểm chứng nội tâm và sự tu dưỡng của bạn, chứ không phải là bạn đang thử hương vị của trà.
5. Lấy trà làm thầy, cũng làm người bạn thức tỉnh
Bạn đối với trà như thế nào thì chén trà pha chế ra sẽ mang hương vị như thế đó. Ngay lúc nhấp một ngụm trà, mỗi chúng ta dường như đều trở thành những bậc thầy thưởng thức trà. Chúng ta sẽ có những nhận xét loại trà này ngon dở ra sao, loại trà kia “được nước, ngọt hậu” như thế nào. Chỉ có trà là không nói gì cả, im lặng chấp nhận; âm thầm, lặng lẽ trao tặng hương vị cho đời.
Nếu như lấy trà làm thầy, chúng ta có thể học được cách nhẫn nại; lấy trà làm người bạn thức tỉnh thì khi ngồi bên tách trà chúng ta sẽ hồi tưởng quá khứ, suy nghĩ tương lai, từ đó học được cách bao dung, chấp nhận tất cả những điều chưa hoàn thiện xung quanh mình.