Chai bom Molotov không nổ tung – không đủ khí ôxy bên trong cái chai bịt kín. Ngòi nổ là miếng giẻ đang cháy bắt lửa vào chỗ xăng tràn ra ngoài từ cái chai vỡ.
Việc hắn đã làm, thật hiệu quả với màn trình diễn khiêm nhường.
Một quả cầu lửa câm lặng bùng lên khoảng 1 mét trong không trung.
Shaw tránh được rủi ro bị cháy xém, còn Carole la hét chạy về phía nhà xe. Shaw lưỡng lự có nên đuổi theo không, nhưng vành cỏ hình lưỡi liềm trên lề đường đang bốc cháy lách tách và dần lan đến các cây bụi cao. Anh nhảy qua hàng rào mắt xích, lao về phía chiếc RV của mình để lấy một bình cứu hỏa. Rồi anh quay lại, kéo chốt rồi phun xèo xèo thứ hóa chất trắng vào ngọn lửa, dập tắt nó.
“Lạy Chúa tôi. Anh có làm sao không, anh Shaw?” Carole khó nhọc bước tới, trên tay cầm một bình cứu hỏa riêng, nhỏ hơn, loại xử lý bằng một tay. Thực sự chẳng cần dùng tới bình của cô làm gì, nhưng cô vẫn kéo chốt an toàn rồi phun, vì tất nhiên, trò này lúc nào cũng vui. Đặc biệt là khi lửa đã tắt ngóm rồi.
Sau vài phút, Shaw cúi xuống, chạm lòng bàn tay vào từng phân vuông của mặt cỏ cháy xém, như cách anh được học nhiều năm trước.
Không bao giờ bỏ mặc đống lửa trại mà không dập hẳn chỗ tro tàn.
Cái liếc mắt vô ích theo sau Gặm Nhấm. Hắn đã biến mất.
Một chiếc xe tuần tra phanh kít lại. Phòng Cảnh sát Oakland. Một sĩ quan da màu cao lớn, với mái đầu cạo trọc sáng bóng, xuống xe, tay cầm một bình cứu hỏa khác. Trong số ba cái thì bình của ông ta nhỏ nhất. Ông ta dò xét đám tàn lửa và tro, rồi cất cái bình màu đỏ vào dưới ghế hành khách phía trước.
Sĩ quan L. Addison, theo thẻ tên, quay sang Shaw. Viên cảnh sát cao 1,9 mét này có thể dễ dàng khiến nghi phạm thú tội, chỉ bằng cách bước đến rồi cúi xuống nhìn hắn ta.
“Anh là người gọi điện báo à?” Addison hỏi.
“Chính tôi.” Shaw giải thích rằng kẻ ném chai bom vừa bỏ chạy. “Lối kia.” Anh đưa tay lên chỉ con phố um tùm cỏ dại, cứ cách vài mét lại có đống rác. “Có khả năng hắn chưa chạy được xa đâu.”
Viên cảnh sát hỏi đã xảy ra chuyện gì.
Shaw kể lại cho ông ta nghe. Carole hỗ trợ, với những câu bổ sung vu vơ về nỗi khó khăn của một góa phụ phải điều hành nơi này một mình. “Ai ai cũng muốn lợi dụng tôi hết. Tôi phải phản ứng lại. Buộc phải làm thế. Ông cũng sẽ làm vậy. Thi thoảng họ đe dọa ông.” Shaw lưu ý thấy cô liếc mắt tới bàn tay trái của Addison, nơi không có sự hiện diện của nhẫn cưới.
Addison nghiêng đầu về phía chiếc điện thoại Motorola nằm trên vai mình, thông báo vắn tắt về trung tâm, với những miêu tả của Shaw. Chúng khá chi tiết nhưng anh đã bỏ qua khía cạnh giống loài gặm nhấm, phần nhiều đó chỉ là ý kiến riêng.
Đôi mắt Addison quay về phía Shaw. “Tôi có thể xem chứng minh thư không?”
Có các lý thuyết xung khắc nhau về việc nên làm gì nếu bên hành pháp đòi xem chứng minh thư, trong khi bạn không phải là nghi phạm. Đây là câu hỏi mà Shaw thường xuyên phải đối mặt, vì anh thường có mặt ở các hiện trường tội ác và những nơi tiến hành cuộc điều tra. Nói chung, bạn không cần phải cho ai xem bất kỳ cái gì. Trong trường hợp đó, bạn phải chuẩn bị tâm lý gánh chịu những hậu quả của việc bất hợp tác. Thời gian là một trong những món hàng có giá nhất thế giới, và nổi quạu với cảnh sát chắc chắn sẽ khiến bạn mất kha khá thời gian.
Sự ngần ngừ của anh lúc này, không phải bởi nguyên tắc, mà vì anh lo rằng bằng lái xe mô tô của mình đã bị nhận diện tại hiện trường vụ phạm luật hôm qua. Do đó, tên anh có thể đã bị lưu vào hệ thống.
Rồi anh nhớ lại rằng họ đã biết tỏng mình rồi; anh đã gọi 911 bằng điện thoại riêng, thay vì điện thoại dùng một lần. Nên Shaw trình bằng lái ra.
Addison lấy điện thoại chụp lại bằng lái của anh rồi tải lên đâu đó.
Shaw để ý thấy ông ta không làm điều tương tự với Carole, cho dù bãi đỗ xe cắm trại của cô có thể liên quan chút chút. Shaw suy ngẫm trong đầu: người lạ trong thị trấn bị để ý hơn dân địa phương. Nhưng anh không nói ra.
Addison xem xét các kết quả được trả về. Ông ta dò xét Shaw thật kỹ.
Chi tiết về vụ phạm luật hôm qua sao? Lúc này Shaw chọn gọi đúng tên của nó: trộm cắp. Dùng uyển ngữ cũng chẳng giúp anh thoát tội.
Rõ ràng các vị thần công lý không cử đội cảnh sát nào đuổi theo anh hôm nay. Addison trả bằng lái lại cho anh. “Cô có nhận ra hắn không?” Ông ta hỏi Carole.
“Không, thưa ngài, rất khó để nhớ mặt ai đó. Ở đây quá đông người. Chỗ rẻ nhất trong vùng mà.”
“Hắn có ném cái chai vào anh không, anh Shaw?”
“Hắn ném về phía tôi. Nhằm đánh lạc hướng, chứ không định tấn công. Để hắn có thể tẩu thoát.”
Câu nói này khiến viên sĩ quan ngừng lại một lúc.
Carole buột miệng, “Tôi đã tra cứu trên mạng. Molotov đã bí mật làm việc cho Putin.”
Hai người đàn ông quay ra nhìn cô đầy bối rối. Sau đó, Shaw tiếp tục với viên sĩ quan, “Và để tiêu hủy bằng chứng. Dấu vân tay và ADN trên cái chai.”
Addison vẫn suy nghĩ rất lung. Ông ta là kiểu người không biết cách thể hiện bằng ngôn ngữ cơ thể, vốn phổ biến ở giới cảnh sát. Ông ta đang suy nghĩ xem tại sao Shaw lại cân nhắc tới chuyện pháp y.
Viên sĩ quan hỏi, “Nếu hắn không phải tới đây để gây rắc rối cho cô, thưa cô, thì cô nghĩ mục đích hắn có mặt ở đây là gì?”
Carole chưa kịp đáp thì Shaw đã nói, “Kia kìa.” Anh đưa tay chỉ bãi đất trống vắng vẻ bên kia đường mà anh đã để ý từ lúc nãy.
Cả ba cùng đi bộ về phía đó.
Bãi đỗ xe cắm trại nằm trong khu thương mại lân cận xập xệ, cuối Đường 24, nơi du khách có thể nghỉ chân trước chuyến đi tới Đỉnh Grizzly dốc đứng hoặc khu Berkeley liền kề. Bãi đất đầy rác rưởi, cỏ dại um tùm này được ngăn cách với khu nhà ở phía sau bằng một hàng rào gỗ cũ cao khoảng 2,5 mét. Các họa sĩ địa phương dùng nó làm phông nền cho vài tác phẩm nghệ thuật rất tài năng; các bức chân dung của Martin Luther King, Jr; Malcolm X cùng hai người đàn ông khác mà Shaw không nhận ra. Khi cả ba tới gần hơn, Shaw trông thấy những cái tên được in phía dưới bức vẽ: Bobby Seale và Huey P. Newton, những người có liên kết với Đảng Báo Đen. Shaw nhớ lại những đêm lạnh giá trong ngôi nhà tuổi thơ không có tivi. Ashton sẽ đọc sách cho anh em Colter, phần lớn là về lịch sử Hoa Kỳ. Phần nhiều trong đó là về những hình thức quản trị thay thế. Trong vài bài giảng ấy, có đôi lần anh nghe thấy cái tên Báo Đen.
“Ra vậy,” Carole nói, miệng nhăn lại vì ghê tởm. “Một tội ác do thù hằn. Thật khủng khiếp.” Cô nói thêm, đầu hất về phía những bức vẽ. “Tôi đã gọi cho thành phố, bảo họ nên bảo tồn chúng bằng cách nào đó. Nhưng họ chẳng bao giờ gọi lại.”
Điện đàm của Addison vang lên tiếng lạo xạo. Shaw có thể nghe thấy thông tin: Một đơn vị đã tuần tra các con phố lân cận nhưng không thấy ai khớp với mô tả về kẻ phóng hỏa.
Shaw nói, “Tôi có đoạn phim.”
“Anh có ư?”
“Sau khi gọi cho 911, tôi đã nhét điện thoại vào túi áo.” Anh sờ vào túi áo ngực phía bên trái áo khoác. “Nó vẫn ghi hình suốt thời gian đó.”
“Nó có đang ghi hình không đó?”
“Có.”
“Anh tắt nó đi được không?” Addison đề nghị theo kiểu ra mệnh lệnh: Tắt nó đi. Không có dấu hỏi.
Shaw làm theo. Rồi anh nói, “Tôi sẽ gửi cho ông một tấm ảnh chụp màn hình.”
“Được.”
Shaw chụp ảnh màn hình, lấy số di động của Addison rồi gửi ảnh cho ông ta. Hai người chỉ đứng cách nhau hơn 1 mét, nhưng Shaw hình dung hành trình của các electron dường như đi cả nửa vòng Trái Đất.
Điện thoại của viên sĩ quan reo âm báo; nhưng ông ta chẳng buồn xem ảnh chụp. Ông ta trao cho Carole danh thiếp của mình, cho cả Shaw nữa. Anh đã có hẳn một bộ sưu tập danh thiếp của giới cảnh sát; anh nghĩ thật hài hước khi cảnh sát cũng có danh thiếp, hệt như các giám đốc marketing hay nhà quản lý quỹ đầu cơ vậy.
Sau khi Addison đi rồi, Carole nói, “Họ sẽ chẳng thèm liếc mắt, đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Cảm ơn vì đã tìm hiểu nhé, anh Shaw. Tôi đã thực sự khiếp sợ là anh sẽ bị bỏng.”
“Đừng lo mà.”
Carole quay lại nhà xe, còn Shaw quay về với chiếc Winnebago. Anh đang suy nghĩ về một khía cạnh của cuộc chạm trán mà anh không chia sẻ với sĩ quan Addison. Sau câu “Thật à?” tức tối liên quan tới cuộc gọi đến số 911, Gặm Nhấm có thể đã nói “Hẳn là mày phải làm vậy, rồi sao?”
Cũng có khả năng – hơn 50% – rằng hắn đã nói, “Hẳn là mày phải làm vậy rồi Shaw.”
Nếu sự thực đúng như thế, thì có nghĩa là Gặm Nhấm có quen anh hoặc có biết về anh.
Tất nhiên, điều đó sẽ khiến toàn bộ chuyện này rẽ sang một hướng khác.