Từ khi nào ông nhận ra những hành động tự do phóng túng của Marley lại có thể viết thành truyện hài?
Thật sự thì cũng khá sớm. Chúng tôi kể lại chi tiết những trò hề của nó ở các bữa tiệc tối. Ngay sau đó mọi người bắt đầu tìm chúng tôi để hỏi "Thế lúc đấy nó làm gì?" Tôi đặt bút viết về nó trong các bài báo của mình, và những trò quậy phá của nó chẳng mấy chốc trở thành huyền thoại.
• Tại sao Marley vẫn rất dễ thương dù gây ra nhiều phiền phức?
Tôi nghĩ đó là vì trái tim chân thật và niềm đam mê tột cùng với cuộc sống. Khi nó không thể kìm hãm được hành vi, cũng là khi nó không có giới hạn cho tình yêu và lòng trung thành của nó. Không hẳn là một điều xấu.
• Có "chuyện" nào của Marley không được nhắc đến trong cuốn sách không?
À vâng, nhiều chứ. Tôi có thể nói gì nhỉ? Con chó là cả một kho tư liệu phong phú. Đây là một ví dụ: Một hôm, tôi đang lắp cái cửa sổ mới vào nhà. Tôi có một cái bát đựng đầy đinh vít để trên đất. Marley lao tới, sục mõm vào cái bát như thể chúng là kẹo, rồi bỏ chạy thục mạng. Một giây trước đó tôi còn có hai tư cái đinh; giờ thì chỉ còn hai ba cái. Y như rằng, mấy phút sau Marley bắt đầu nôn ọe. Chúng tôi vội vàng đưa nó tới bệnh viện thú y, hình dung cái đinh sắc nhọn đang cào xé ruột nó. Sau khi mất hai trăm đô-la chụp X quang, Marley khỏe lại và lại nhảy nhót như xưa. Chúng tôi không bao giờ xác định được vị trí của cái đinh, kể cả bên trong hay ngoài nó. Có nhiều chuyện tương tự như vậy.
• Phản ứng của Marley sẽ như nào với cuốn sách?
Chắc nó sẽ chén bản thảo trước khi có thể xuất bản.
• Ở điểm nào câu chuyện có ý nghĩa hơn là chỉ về một con chó?
Một câu hỏi thú vị đấy. Tôi bắt đầu viết cuốn sách này chỉ khoảng một tháng sau khi nó chết. Tôi đã hiểu thêm về những mối quan hệ của chúng tôi trong quá trình viết lách. Đó là một con đường khám phá dành cho tôi. Rất nhanh chóng, tôi nhận ra tôi không thể chỉ kể chuyện của Marley mà không nhắc tới những chuyện về vợ tôi, tôi và hành trình can đảm của chúng tôi để trở thành cha mẹ. Cuối cùng, tôi nhận ra cuốn sách của tôi không phải một cuốn sách về chó mà là chuyện về một gia đình đang hình thành, và con vật cực-kỳ-thú-vị đã giúp định hình nó.
• Có khó khăn không khi hồi tưởng về cuộc đời Marley vừa ngay sau khi mới mất nó?
Thực sự, đó là một liệu pháp chữa bệnh. Một liều thuốc tẩy nhẹ. Vừa viết tôi vừa đọc to cho các con nghe, và việc đó dường như giúp cả cho chúng. Hầu hết chúng tôi đều bật cười. Ngọt-pha-đắng chắc là một từ thích hợp.
• Ông kết thúc cuốn sách bằng chuyện ông và vợ đi tìm nuôi một con chó vô chủ, một phiên bản của Marley tên là Lucky. Vậy cuối cùng ông có nuôi nó không?
Lucky là một câu chuyện buồn. Khi chúng tôi đến gặp nó, nhân viên trung tâm nhìn bọn trẻ nhà tôi và bảo họ sẽ không để chúng tôi nuôi Lucky. Nó từng bị ngược đãi nghiêm trọng, và thật khó lường trước hành vi của nó khi ở quanh bọn trẻ. Nó có rất nhiều vấn đề, nếu so sánh thì có thể thấy Marley đích thực được dạy dỗ tốt hơn. Tin tốt là Lucky đã ở một trung tâm bảo trợ tư nhân khá tươm tất và được cấp đầy đủ ngân sách, với chính sách không giết động vật. Lần cuối tôi kiểm tra nó vẫn ở đó. Tôi nghĩ đó là nơi nó sẽ sống nốt phần đời còn lại.
• Ở thời điểm nào trong đời ông biết mình muốn trở thành một nhà văn?
Khi tôi học lớp bảy, tôi vướng phải một vài rắc rối nho nhỏ ở trường dòng. Các xơ bảo tôi viết một bài tiểu luận về một chủ đề tôi cũng không nhớ nữa. Tôi biến nó thành một bài nhại gây cười ranh mãnh, và cuối cùng có rất nhiều chuyện nực cười với nó. Tôi viết dài gấp ba lần so với yêu cầu. Sau đó, bọn trẻ truyền tay nhau một bản sao và tranh giành như thể đó là một báu vật bị cấm. Trải nghiệm đó quá đậm nét, thôi thúc quá mạnh mẽ. Tôi đã bị cắn câu. Đó là khi tôi biết mình muốn trở thành nhà văn.
• Thế còn chuyện nhà báo thì sao?
Khi học lớp tám ở trường trung học, tôi là thành viên của một tờ báo học sinh nhưng không hề có khao khát thực sự về nghề này. Khi ấy hiệu trưởng kiểm duyệt không cho đăng một câu chuyện gây tranh cãi, và điều đó làm tôi rất bực mình. Tôi thấy bị xúc phạm và quyết định cùng một vài người bạn cho ra đời một tờ báo học sinh bí mật. Chúng tôi suýt bị đuổi khỏi trường vì những nỗ lực của mình, nhưng cuối cùng ban giám hiệu đã gỡ bỏ chính sách kiểm duyệt. Đó là lần đầu tôi biết mùi sức mạnh của báo chí, và đó là khi tôi biết mình muốn trở thành một phóng viên.
• Khía cạnh nào khó nhất trong việc viết lách?
Khó khăn duy nhất là một bước nhỏ đòi hỏi phải trút những ý tưởng ra giấy. Hơn thế, còn phải tuôn ra dào dạt! Nghiêm túc đấy, tôi có những thủ thuật nho nhỏ để tránh bị bế tắc ý tưởng. Một trong số đó là tạo ra "văn bản chính", nghe có vẻ rất đáng sợ, rồi để trống. Sau đó tôi tạo một bản "ghi chép thô", viết ra bất cứ thứ gì nghĩ đến trong đầu. Vì nó có nghĩa là thô, đúng như tên của nó, nên sẽ không ai nhìn thấy nó, và tôi không phải lo trong đó có viết những gì. Sau khi tôi giải quyết được khó khăn, tôi để nó qua đêm, rồi hôm sau xử lý lại. Thông thường, khoảng 90% những gì viết ra được sử dụng. Một chuyện nực cười, tôi biết thế, nhưng nó giúp ích cho tôi. Tôi cũng giữ cho ghi chép thật trung thực. Đó là một công cụ tuyệt vời khác.
• Ông có thói quen viết lách nào đặc biệt không?
Thường thì tôi là một con cú đêm, nhưng khi viết Marley & Tôi, tôi ép mình phải đi ngủ và dậy sớm. Tôi viết từ 5 đến 7 giờ sáng, sau đó dùng điểm tâm, đi làm công việc viết báo của tôi. Trung bình tôi viết mỗi tuần một chương theo cách đó. Tôi bắt đầu viết vào đầu năm 2004 và hoàn thành bản thảo ngay sau Ngày Lao Động(38).
Giờ tôi có một văn phòng tại gia đẹp, nhưng tôi nhận ra là nó hơi đẹp quá. Quá nhiều thứ gây xao lãng. Tôi cũng thích ý tưởng viết ở một quán cà phê nhỏ mát mẻ; nghe có vẻ giống Hemingway. Nhưng cách đó không hiệu quả với tôi lắm. Tôi hoàn thành phần lớn công việc của mình trong các thư viện đại học hay công cộng, đặc biệt những nơi không có kết nối Internet. Internet là một công cụ đầy sức mạnh đáng kinh ngạc. Nó cũng chịu trách nhiệm cho sự mất mát lớn nhất của năng suất lao động trong lịch sử loài người.
• Marley & Tôi bao trùm cả quãng đời 13 năm của ông. Sao ông có thể nhớ những sự kiện khác nhau một cách chi tiết như vậy?
Hồi ký hiển nhiên dựa trên ký ức của người viết. Nhưng có những công cụ một tác giả có thể tận dụng để nhớ lại những sự kiện đó một cách chính xác. Trong trường hợp của tôi, tôi đã viết các bài báo về một số sự kiện trong cuốn sách khi tôi vẫn còn nhớ chúng rất rõ. Những bài này hết sức có ích. Tôi cũng thu thập các báo cáo của cảnh sát, thư từ, những mẩu tin được cắt ra, và các tư liệu khác đã giúp ráp lại câu chuyện. Ví dụ như, vụ sát hại người phụ nữ sống bên kia phố nhà tôi được ghi rất đầy đủ trong báo cáo của cảnh sát và các mẩu báo, hay như vụ cô bé hàng xóm bị đâm. Nhưng thứ giúp ích nhiều nhất cho quá trình viết sách là những ghi chép trung thực tôi ghi lại suốt thời kỳ mười ba năm đó. Không chỉ giúp tôi dựng lại nhiều chi tiết từ cuộc sống hàng ngày, chúng thực sự còn hướng cuốn sách theo hướng khác ngoài dự định của tôi. Một ví dụ cho chuyện này là chương nói về việc sảy thai của vợ tôi. Tôi không có ý định thêm chuyện đó vào cuốn sách, nhưng khi viết đến ngày đó, tôi thấy một ghi chép rất dài và tỉ mỉ được viết cùng ngày chúng tôi mất con. Nhận ra chuyện đó có tác động quá đỗi mạnh mẽ, tôi biến nó thành một chương trong cuốn sách. Chương đó gần như không phải sửa lại nhiều.
• Ông viết rất thật về một vài khía cạnh riêng tư của cuộc hôn nhân của mình - đời sống tình dục, chuyện sảy thai, ưu phiền sau khi sinh con. Vậy vợ ông phản ứng như thế nào?
Jenny cũng là một nhà báo. Cô ấy tôn trọng việc kể lại một câu chuyện đầy đủ, không giấu diếm. Cô ấy nói nếu không thấy mình có thể kể câu chuyện một cách trung thực, tôi nên tìm một chủ đề khác. Tôi nghe lời cô ấy và viết rất thoải mái, không gò bó. Cô ấy đã đúng.
• Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà văn không?
Thi công chức và hy vọng nhận được một công việc ở bưu điện. Không, không, không. Hãy ghi chép và viết lại mỗi ngày, thậm chí cả khi tưởng như không thể. Đọc của những nhà văn thực sự giỏi, và đọc lại thật to những phần hay nhất. Viết về những gì bạn biết, bạn quan tâm. Tự tin vào bản thân và giọng văn của mình. Và tôi nghĩ phần quan trọng nhất là: Hoàn thiện tác phẩm của mình và rút gọn đi khoảng 20%. Cứ cắt thoải mái, lúc nào anh cũng có thể lấy lại đoạn đó, nếu như nó quá tuyệt vời và anh không thể cắt bỏ được. Rồi anh sẽ ngạc nhiên vì hiếm khi anh thấy cần thiết phải khôi phục 20% đó. Đối với công việc của tôi mà nói thì càng súc tích càng tốt.
• Ông yêu thích tác giả nào?
Biết bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi yêu các tác phẩm của Bill Bryson, đặc biệt là "Đi bộ trong rừng" (A walk in the Woods). Tôi cực kỳ xúc động với "Hình hài đáng yêu" (The Lovely Bones) của Alice Sebold. Lối viết ở ngôi thứ nhất và sự thành thật không khoan nhượng của Frank McCourt truyền cảm hứng viết cho tôi. Tôi hâm mộ Jim Harrison. Cả John Irving, E.B.White, Anna Quindlen, Charles Frazier, David Sedaris, Ronna Tartt, và những tiểu phẩm hài giản dị của Dave Barry nữa. Trong cuộc tranh luận yêu-ghét về Hemingway, tôi đứng về phe Yêu.
• Có cuốn sách nào ảnh hưởng nhất tới cuộc đời hay sự nghiệp của ông không?
Tôi có thể nói đó là "Bắt trẻ đồng xanh" (The Catcher in the Rye) của J.D.Salinger. Tôi đọc cuốn này lần đầu hồi còn là học sinh trung học, phần nào vẫn còn mù mờ, thiếu định hướng về cuộc đời và cảm thấy không nhận được sự thông cảm của mọi người, những bạn cùng trang lứa và người lớn. Holden ảnh hưởng lớn đến tôi. Một Holden không được thông cảm, dễ kích động và điên rồ. Bắt trẻ đồng xanh giúp tôi nhận ra rằng việc viết lách không cần dài dòng nhạt nhẽo; nó không phải bài tập về nhà. Nó có thể táo bạo, bất kính, tục tĩu, cười chảy nước mắt hay buồn thấu tim. Tôi đã đọc đi đọc lại Bắt trẻ đồng xanh trong nhiều năm, và mỗi lần tôi lại học được thêm những điều mới mẻ từ đó. Ngoài ra, tôi cũng yêu giọng văn của Salinger, thủ pháp khéo léo của ông ấy khi phủ lên một nỗi buồn thầm kín và đáng thương bằng sự hài hước dí dỏm.
• Việc giới thiệu sách đã đưa ông đi khắp đất nước. Khoảng thời gian nào đáng nhớ nhất với ông?
Ồ, tôi đã ăn điểm tâm tại Nhà Trắng với Đệ Nhất Phu Nhân Laura Bush cùng khoảng bảy mươi tác giả khác trong thành phố, trong Festival Sách Quốc Gia. (Và tôi còn có mấy cái khăn ăn xoáy được ở đó để chứng minh đây.) Nhưng đáng nhớ với tôi hơn là việc ăn tối cùng sử gia đồng thời là tác giả được giải Pulitzer, Doris Kearns Goodwin, ở Carmel, California, sau một event sách nơi cả hai chúng tôi phát biểu (Tôi vui là tôi phát biểu trước!) Cô ấy rất đẹp, rất cuốn hút - và có những câu chuyện tuyệt vời.
• Ông đã viết một bài báo trên tờ Người điều tra Philadelphia về Marley sau khi nó chết. Chuyện đó có đóng vai trò nào trong quyết định viết một cuốn sách của ông không?
Rất nhiều chứ. Như tôi từng nói, qua cuộc đời Marley, tôi đã làm bạn bè, độc giả thích thú với những câu chuyện về các thói xấu vô phương cứu chữa của nó. Sau khi nó chết, tôi nghĩ với nó, mình phải có nghĩa vụ kể hết phần còn lại của câu chuyên, toàn bộ câu chuyện. Vâng, nó là một con chó mất trí, quá hiếu động, quá lơ đãng, nhưng nó có một trái tim thuần khiết và một khả năng thấu cảm giữa người và chó rất đáng kinh ngạc. Ngày bài báo được đăng, gần tám trăm độc giả của tờ Người Điều Tra đã gửi thư điện tử hoặc gọi điện cho tôi. Một ngày bình thường chỉ có từ ba mươi đến năm mươi phản hồi thôi. Vì thế tôi biết mình có một câu chuyện lớn hơn cần kể.
• Ông có hoàn toàn là một "người nghiện chó" không? Thế còn mèo thì sao?
Thật hài hước, trong những buổi ký tặng sách của tôi, mọi người sẽ tới chào tôi và xin lỗi rằng họ "chỉ có một con mèo", không có chó. Tôi nói với họ "Không, thực ra, cũng tốt thôi; tôi cũng thích mèo." Tôi lớn lên với mèo và luôn thấy chúng dễ thương. Không may thay, khi còn trẻ, có thời điểm tôi bị dị ứng kinh khủng với lông mèo. Có lần tôi còn suýt phải đi cấp cứu do tắc khí đạo. Thế nên tôi biết mình không bao giờ nuôi mèo được. Mấy tháng trước, tôi học được bài học rằng không được nói không bao giờ. Con gái Colleen cùng tôi đang đi xe qua một đoạn đường nông thôn, chúng tôi phát hiện thấy có gì đó rục rịch trong đám cỏ dại ven đường. Tôi dừng xe rồi lùi lại. Có ba con mèo con bé xíu, có vẻ đói và hoảng sợ. Chắc chắn chúng đã bị những kẻ nhẫn tâm bỏ lại. Colleen và tôi cho chúng vào trong xe, kẻo nhỡ không may chúng bị xe khác cán phải. Tôi dự định tìm cho chúng mái ấm mới. Nhưng chẳng mấy chốc chúng đã tìm được nhà, chính là bếp nhà tôi đấy. Bọn trẻ mê chúng lắm. Ba đứa trẻ, ba con mèo - tôi chịu thua. Giờ thì chúng tôi có Aggie, Meowth, Shiva - mỗi đứa đặt tên một con - thêm vào đó còn chó Labrador Gracie và đàn gà ở sân sau nữa. Từ đó tới nay cũng không thấy lần nào bị lên cơn dị ứng nữa.
• Vậy Gracie nghĩ gì về những kẻ xâm phạm họ mèo này?
Đầu tiên, nó không vui lắm. Nó sủa ầm ĩ và định tấn công chúng đôi lần. Nhưng dần dần, nó cũng quen với chúng. Bây giờ tất cả sống cùng nhau khá hòa thuận. Có hôm vào ga-ra, tôi còn thấy nó đang say sưa ngủ ngay bên cạnh lũ mèo con.
• Các con ông có ganh tỵ với mối quan hệ gần gũi của ông với các con vật không?
Hoàn toàn ngược lại, bọn trẻ coi những vật nuôi nhà tôi là các thành viên đặc biệt của gia đình và là bạn tốt nhất của chúng. Chúng đã mất đi người bạn tốt nhất là Marley. Vợ tôi và tôi mất một vật nuôi yêu dấu, nhưng với bọn trẻ đó chuyện đó giống như nói lời vĩnh biệt tới một người anh em ruột thịt. Nó đã luôn ở bên chúng trong mỗi bước đi, từ lúc còn ẵm ngửa - nhỏ dãi lên khắp người chúng. Một con chó là món quà tuyệt nhất bố mẹ có thể tặng cho con. Vâng, một sự giáo dục tốt, sau đó là một con chó.
• Có hơi phù phiếm không khi dành nhiều thời gian và công sức như thế này để bàn về một con chó, trong khi có quá nhiều vấn đề trên thế giới? Tại sao những con chó lại quan trọng đến vậy, để có thể viết về chúng?
Tôi có quan điểm như thế này, và viết sách để làm củng cố cho nó, rằng mọi người có thể học hỏi nhiều điều từ con chó của họ. Bài học làm thế nào để hạnh phúc hơn, có cuộc sống trọn vẹn hơn. Bài học về những mối quan hệ thành công. Nghĩ thử mà xem. Nhiều ưu điểm có thể rất dễ dàng thấy ở loài chó - trung thành, tận tâm, vị tha, sự lạc quan không biết mệt mỏi, tình yêu tuyệt đối - thì lại không dễ thấy ở con người. Tôi có linh cảm những người hành động giống loài chó thì có hôn nhân hạnh phúc hơn. Điều đó thật ngạo mạn, dĩ nhiên, bạn không cưới người ganh đua với cả mèo. Rồi bạn sẽ gặp rắc rối. Mèo lúc nào cũng khôn khéo hơn chó.
• Những điều ông nói thật thú vị. Ông và vợ ông đã mang Marley về khi mới bắt đầu cuộc sống hôn nhân.
Vâng. Mọi người nuôi chó ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Jenny và tôi đều lớn lên cùng những con chó. Nhưng Marley bước vào đời chúng tôi ngay tại thời điểm đặc biệt đó, khi chúng tôi đang cố gắng hòa hợp cuộc đời hai con người riêng lẻ thành một mối quan hệ cùng chia sẻ. Marley, với tất cả những chuyện ngốc nghếch của nó, đã trở thành một phần gắn kết không thể tách rời trong cuộc đời hai chúng tôi. Tôi viết điều đó trong cuốn sách. Nó bước vào đời chúng tôi ngay khi chúng tôi đang tìm hiểu những cuộc đời ấy rồi sẽ như thế nào. Tôi nghĩ chính nó đã giúp định hình chúng tôi là một cặp trong khi chúng tôi cố gắng nhào nặn nó theo ý mình.
• Bài học lớn nhất ông có được từ mối quan hệ của ông với Marley là gì?
Rằng sự tận tâm rất quan trọng. Rằng "Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe" thực sự có ý nghĩa. Chúng tôi đã không bỏ cuộc với Marley trong khi có thể dễ dàng làm thế. Cuối cùng nó đã vượt qua, tự chứng minh nó là một con vật đáng nhớ và tuyệt vời.
• Vậy nó không thực sự là "con chó tồi tệ nhất thế giới"?
Không.