Q
uyền thế không được ra sức tạo lập không thể tự lớn mạnh, chức vị không quyết tâm giữ không thể tự vững bền. Sau khi được thăng chức, bạn phải thể hiện năng lực và bản lĩnh của bản thân xứng đáng với vị trí mới. Nếu không, cấp dưới sẽ không tôn trọng bạn, lời bạn nói ra họ chẳng để lọt vào tai, càng đừng nói đến chuyện bạn quản lí được họ. Hãy cho tất cả mọi người thấy “khí thế mới” của bạn.
1
BA NGỌN LỬA CỦA QUAN MỚI NHẬM CHỨC
Làm thế nào để lãnh đạo mới nhậm chức có thể thắp lên “ba ngọn lửa” là việc không hề đơn giản
"Ba ngọn lửa của quan mới nhậm chức” là một câu nói bắt nguồn từ tích truyện Tam Quốc diễn nghĩa. Sau khi Gia Cát Lượng làm quân sư cho Lưu Bị, chỉ trong thời gian ngắn đã thực hiện ba lần đánh hỏa công vào quân Tào Tháo: trận Bác Vọng, trận Tân Dã và trận Xích Bích. Từ đó, Gia Cát Lượng luôn được người người nể phục.
Làm thế nào để một lãnh đạo mới nhậm chức có thể thắp lên “ba ngọn lửa” là việc không hề đơn giản. Nếu làm tốt điều này, địa vị và uy tín của bạn trong mắt cấp trên sẽ được nâng lên đáng kể. Ngược lại, nếu không khống chế tốt sức cháy của ba ngọn lửa thì kết cục sẽ là “tự thiêu”. Hậu quả nhẹ thì sau này bạn khó lòng phát triển sự nghiệp, nặng thì bạn có thể mất luôn chức vị mới.
Trên cương vị lãnh đạo mới được bổ nhiệm, bạn nên lấy việc ổn định cục diện làm trọng. Bạn không nên vừa được thăng chức đã vội vã thể hiện năng lực của bản thân, nôn nóng đốt lên “ba ngọn lửa của quan mới nhậm chức” để phô trương thanh thế. Bởi khi đó bạn chưa hiểu được tình hình cụ thể ở công ty mới hoặc bộ phận mới, làm vậy rất dễ rơi vào kết cục thất bại. Vì thế, sau khi nhậm chức, việc đầu tiên bạn cần làm chính là nắm rõ tình hình của đơn vị mà bạn sẽ quản lí. Hãy tổng hợp đầy đủ thông tin và phân tích thấu đáo tình trạng thực tế để tìm ra điểm chưa hoàn thiện của bộ máy cũ, lấy đó làm “củi” để nhóm lên “ba ngọn lửa”. Cấp trên chắc chắn sẽ không vì việc bạn không lập tức đốt lên “ba ngọn lửa” ấy mà giáng chức bạn. Nhưng nếu “ba ngọn lửa” được đốt lên một cách tùy tiện thì rất có thể nó sẽ “làm bỏng” cấp dưới, khiến cho công việc của bạn sau này khó thuận lợi.
Ngoài ra, khi thắp lên “ba ngọn lửa của quan mới nhậm chức”, bạn không cần phải phát động một cuộc “đại cách mạng” vì rất có thể bạn không đủ sức xử lí nó chu toàn. Ngược lại, nếu bạn mang mấy vấn đề nho nhỏ, không quá quan trọng ra “mồi lửa” rồi giải quyết nó triệt để thì càng có thể thể hiện năng lực vượt trội của bản thân. Bạn cần chú ý những điều sau:
Nắm chắc việc thiết lập cơ chế mới
Việc đầu tiên mà một lãnh đạo mới nên làm là thiết lập cơ chế mới.
Điều này liên quan đến chế tài xử phạt vi phạm nội quy. Cơ chế xử phạt này cần phải được công bố rộng rãi một cách chính thức để tất cả nhân viên nắm rõ. Nếu có nhân viên vi phạm nội quy, cần xử lí theo đúng quy định để tất cả đều biết rằng bạn là người quản lí nghiêm khắc, đã nói là làm. Khi tiến hành xử phạt, bạn nên cân nhắc giữa các hình thức, không nên áp dụng những biện pháp tiêu cực dẫn tới ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, bạn cũng phải tuân thủ quy định đã đề ra, khi cần linh động cũng phải dựa trên nguyên tắc.
Chọn đúng điểm đột phá
Đối với lãnh đạo mới, chọn đúng điểm đột phá chính là cánh cửa quyết định thành bại.
Chọn đúng điểm đột phá nghĩa là giải quyết triệt để những vấn đề cấp bách đang khiến cấp dưới của bạn lo lắng. Một khi làm được việc này, bạn hoàn toàn có thể “thuận nhân tâm, đắc nhân ý”. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.
Do kinh doanh không thuận lợi, một nhà máy sản xuất tivi ở thành phố Forrest, bang Arkansas (Mỹ) đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nhà máy đã bổ nhiệm một vị quản lí nổi tiếng người Nhật Bản làm tổng giám đốc mới.
Sau khi vị tổng giám đốc này nhậm chức, ông đã thực hiện ba việc vô cùng khó hiểu. Đầu tiên, ông mời tất cả nhân viên đi ăn tiệc và tặng cho mỗi người một chiếc đài bán dẫn. Trong bữa tiệc, ông đề cập đến chuyện không gian nhà máy quá bẩn, sau đó đề nghị mọi người cùng nhau dọn dẹp sạch sẽ. Tiếp đến, tổng giám đốc mới đích thân đến gặp đại diện Ban chấp hành Công đoàn, bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ của Công đoàn, từ đó phát huy vai trò của Công đoàn. Cuối cùng, ông tái tuyển dụng những nhân viên bị sa thải trước đó. Những nhân viên này vì thế mà vô cùng cảm động, ra sức làm việc.
Sau khi tổng giám đốc mới thực hiện ba việc này, hiệu suất làm việc và chất lượng sản phẩm của công ty tăng lên rất nhiều, hơn hẳn trước đó.
Chìa khóa thành công của tổng giám đốc mới chính là ông đã sửa chữa sai lầm của tổng giám đốc tiền nhiệm: Chỉ chú trọng quản lí vật lực mà xem nhẹ quản lí nhân lực. Vì thế ông đã thúc đẩy được nhiệt huyết cống hiến của nhân viên, nhờ đó tạo ra hiệu quả khác biệt.
Phân công công việc rõ ràng
Một trong những chức trách quan trọng nhất của người lãnh đạo là định ra phạm vi công việc cho nhân viên dưới quyền. Nếu người lãnh đạo không phân công công việc rõ ràng cho cấp dưới, thì cấp dưới sẽ hoặc đùn đẩy nhiệm vụ, hoặc tranh giành phần việc của nhau. Điều này sẽ khiến tất cả nhân viên không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ chung.
Lãnh đạo giỏi là người có khả năng phân công công việc cho nhân viên một cách khoa học và công bằng. Phải làm rõ: những việc mỗi nhân viên phải hoàn thành, những việc tổ nhóm phải hoàn thành trong đó có nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên. Như vậy mới không nảy sinh hiện tượng so bì, tranh chấp giữa các nhân viên.
Xây dựng bộ tiêu chuẩn đánh giá thích hợp
“Thích hợp” có nghĩa là bộ tiêu chuẩn bạn đặt ra phải có điều kiện không quá cao cũng không quá thấp. Nói một cách hình tượng, nó nghĩa là “chỉ cần ai đó biết nhảy lên là có thể hái được quả ngọt trên cây”.
Nếu các tiêu chuẩn được đặt ra quá thấp, nhân viên chẳng cần cố gắng cũng có thể dễ dàng đạt được, vậy thì việc đánh giá không có ý nghĩa. Nếu các tiêu chuẩn đặt ra quá cao, nhân viên dù nỗ lực hết sức cũng không thể vươn tới, họ sẽ nảy sinh tư tưởng buông xuôi – đằng nào cũng không đạt yêu cầu, vậy thì nên bỏ cuộc ngay từ đầu. Như vậy không đặt ra tiêu chuẩn có khi còn tốt hơn.
Chỉ có những tiêu chuẩn mà phải rất cố gắng mới có thể đạt được, mới có tác dụng tạo động lực phấn đấu.
Chia sẻ thành quả với cấp dưới
Lãnh đạo thành công phải biết vui với sự thăng tiến của cấp dưới. Đồng thời, cũng nên chia sẻ với cấp dưới thành quả mình đạt được. Hãy nhớ rằng, chia sẻ thành quả với cấp dưới chính là hành động tạo cho họ động lực lớn nhất.
Ai cũng muốn được thăng chức, tăng lương. Lãnh đạo cũng thế, nhân viên cũng vậy. Khi lãnh đạo có thăng tiến, đừng bao giờ quên những người đã cống hiến vì mình. Người ta thường có câu: “Một người làm quan cả họ được nhờ.” Hãy cất nhắc, vinh danh những người có năng lực. Như vậy nhân viên nhất định sẽ trung thành với bạn. Bộ phận bạn phụ trách cũng sẽ ngày càng đoàn kết phấn đấu để cùng đạt được thành tựu lớn hơn nữa. Có nguồn động lực lớn như vậy, chắc chắn sức mạnh sẽ không ngừng tăng lên, thành công sẽ không ngừng tìm đến.
2
GIỮ VỮNG TÔN NGHIÊM, NÂNG CAO ĐỊA VỊ
Lãnh đạo thông qua kiểu hành xử “giữ tôn nghiêm” để biểu thị uy quyền của bản thân, từ đó có thể nâng cao hiệu quả thực hiện mệnh lệnh của cấp dưới
Đa số mọi người đều đánh giá lãnh đạo là những người luôn ra vẻ “lạnh lùng”, “quan cách”. Và đa số mọi người hình dung một số lãnh đạo xa cách quần chúng, không để ai vào mắt là người ra vẻ “quan cách”. Tuy nhiên, đó thực chất không phải là một hành động hoàn toàn tiêu cực mà còn có mặt tích cực. Đây là một môn nghệ thuật điều hành và quản lí cấp dưới mà lãnh đạo phải học hỏi.
“Quan cách” có thể hiểu là sự uy nghiêm của cấp trên. Có nhiều nhà lãnh đạo rất có ý thức duy trì khoảng cách nhất định với cấp dưới, để nhân viên nhận thức được uy quyền của mình. Phong thái trang nghiêm này rất cần thiết đối với việc củng cố địa vị của người lãnh đạo, thúc đẩy cấp dưới thực thi chủ trương, chính sách mà cấp trên đề ra. Nếu lãnh đạo xuề xòa, dễ dãi, không chú trọng thiết lập uy quyền, rất có khả năng cấp dưới sẽ không tôn trọng lãnh đạo, từ đó trong công việc sẽ làm biếng, làm ẩu, thậm chí là cố ý phá hoại. Vì thế lãnh đạo nên thông qua phong thái uy nghiêm để biểu thị uy quyền của bản thân, từ đó có thể nâng cao hiệu quả thực hiện mệnh lệnh của cấp dưới.
Khổng Tử đã viết trong Luận ngữ rằng: “Lâm chi dĩ trang tắc kính.” Câu này có nghĩa là: Đối với dân bằng sự trang trọng thì được dân kính trọng.
Vận dụng vào thời nay, cấp trên không nên quá suồng sã mà phải duy trì một khoảng cách nhất định với cấp dưới. Hãy tôn trọng cấp dưới, họ sẽ kính trọng bạn.
Lãnh đạo nên giữ khoảng cách với nhân viên vì những lí do sau:
• Thứ nhất, có thể tránh cho cấp dưới đố kị lẫn nhau. Nếu lãnh đạo thân thiết với một số nhân viên sẽ khiến cho những nhân viên khác cảm thấy ghen tị hoặc bất an, có nguy cơ gây ra mâu thuẫn nội bộ;
• Thứ hai, giảm bớt những hành vi nịnh hót, lo lót, hối lộ... của cấp dưới;
• Thứ ba, quá thân thiết với cấp dưới sẽ khiến lãnh đạo mất đi sự công bằng khi đánh giá nhân viên.
Giữ khoảng cách với cấp dưới có thể thiết lập và duy trì hình tượng quyền uy của người lãnh đạo. Người đứng đầu phải biết nắm chắc khoảng cách với nhân viên sao cho phát huy tốt nhất khả năng lãnh đạo của mình, đây mới là trọng điểm cần chú ý.
Nếu lãnh đạo và nhân viên quá thân thiết với nhau, thì còn đâu là quan hệ cấp trên - cấp dưới ở nơi làm việc nữa. Đến khi xảy ra xung đột giữa lợi ích của công ty và lợi ích của những người có mối quan hệ tốt với mình, lãnh đạo sẽ xử lí thế nào?
Giả sử lãnh đạo đưa ra một mệnh lệnh trực tiếp liên quan đến quyền lợi của người cấp dưới thân thiết. Nếu đó là một người thông tình đạt lí, biết nghĩ cho lợi ích chung mà bỏ qua lợi ích cá nhân để chấp hành mệnh lệnh của cấp trên thì đương nhiên là tốt. Nhưng nếu đó là một người tham lam, anh ta chắc chắn sẽ lập tức đi tìm lãnh đạo, dựa vào quan hệ thân thiết giữa hai bên mà cầu cạnh cấp trên thu hồi lại mệnh lệnh này, đẩy cấp trên vào tình cảnh khó xử. Nếu lãnh đạo làm theo lời anh ta sẽ khiến những nhân viên khác bất mãn, công việc sẽ không thuận lợi, sự nghiệp khó có thể phát triển. Ngược lại, nếu lãnh đạo không thu hồi mệnh lệnh thì sẽ phá vỡ mối quan hệ tốt giữa hai bên và người cấp dưới kia sẽ oán trách và trở mặt.
Lãnh đạo cũng cần tỉnh táo khi trò chuyện với nhân viên. Ngay cả khi nhân viên chủ động dẫn dắt câu chuyện, lãnh đạo cũng cần phải vừa nghe vừa suy ngẫm, tránh để họ dẫn dắt theo chủ ý của mình. Nếu nhân viên có ý kiến trái ngược với cấp trên, có thể trao đổi thẳng thắn.
Nếu thấy ý kiến của nhân viên có ích đối với công ty, đối với bản thân thì lãnh đạo đừng nên vội vàng tỏ thái độ. Có thể nói với nhân viên đó rằng: “Chuyện này đợi tôi suy nghĩ thêm nhé!” hoặc “Chúng ta sẽ cùng bàn lại sau nhé!” để kết thúc cuộc trò chuyện. Như vậy, nhân viên sẽ càng cần cù, chịu khó làm việc và chính lãnh đạo cũng có thêm thời gian để suy nghĩ lại vấn đề và đưa ra quyết định cuối cùng. Điều này vô hình trung đã nâng cao được uy quyền của người đứng đầu, đồng thời giúp lãnh đạo không đưa ra những quyết định vội vàng.
Quá thân thiết với cấp dưới sẽ gây trở ngại cho công việc chung và ảnh hưởng đến hình tượng của lãnh đạo. Vậy nên hãy nhớ giữ thái độ không gần gũi, không xa cách với nhân viên.
3
CÓ QUYỀN LỰC CÀNG PHẢI CÓ SỰ DỊU DÀNG
Chỉ khi biết kết hợp quyền lực và sự ân cần, lãnh đạo mới thực sự dẫn dắt được cấp dưới
Lãnh đạo là vị trí mà người người ngưỡng mộ, coi tiền tài và danh tiếng mà nó mang lại là vinh dự không gì sánh được. Vậy nên nhiều người cố chấp, thậm chí điên cuồng muốn làm lãnh đạo.
Tuy nhiên, trong số rất nhiều lãnh đạo nắm quyền sinh quyền sát trong tay, có bao nhiêu người có sự dịu dàng khiến người ta tin phục, nguyện lòng đi theo? Hay những người đó chỉ có sức mạnh của chức vụ? Hoặc nhiều người chỉ gặp mạnh thì theo, thấy người sang bắt quàng làm họ?
Có một câu chuyện kể về màn so tài của gió Bấc và Mặt trời như sau:
Gió Bấc tự cho là bản thân có sức mạnh vô song, muốn Mặt trời phải khuất phục nó. Mặt trời không cam chịu, cho nên đôi bên tranh cãi không ngừng.
Giữa lúc đó có một người bộ hành đi ngang qua. Mặt trời và gió Bấc bèn quyết định lấy người này làm đối tượng để thi thố sức mạnh. Bên nào khiến cho người bộ hành phải cởi áo khoác ra thì bên đó sẽ là người thắng cuộc.
Gió Bấc trổ tài trước. Nó không ngừng thổi trước bạt sau, ập tới quanh người bộ hành.
Nhưng người này chỉ giữ chặt áo khoác, cho dù bộ dáng chật vật nhưng quyết không buông tay. Gió Bấc không thể làm gì hơn, cuối cùng chỉ đành ngừng lại chịu thua.
Sau đó đến lượt Mặt trời thể hiện sức mạnh. Nó tươi cười, chiếu ra những tia sáng rạng rỡ. Khi đó gió to đã dừng, nắng ấm nơi nơi, người bộ hành sung sướng cởi áo khoác ra.
Câu chuyện này cho chúng ta thấy rằng: Gió Bấc (ẩn dụ của quyền lực) làm cho người ta rét lạnh nhưng cũng khiến người ta đương đầu đến cùng, không chịu khuất phục. Mặt trời (ẩn dụ của sự dịu dàng) lại khiến người ta cởi bỏ tâm lí phòng bị, thật tâm quy phục. Như vậy có nghĩa là quyền lực không thể thắng được sức mạnh của sự dịu dàng.
Cấp trên đối xử với cấp dưới phải giống như người mẹ hiền cầm chắc thanh kiếm Chung Quỳ1. Khi thường thì quan tâm, chăm sóc, khi phạm lỗi thì răn dạy nghiêm khắc. Như vậy mới có thể thành công thu phục cấp dưới.
1 Chung Quỳ: Vị thần diệt trừ yêu ma trong truyền thuyết Trung Quốc. Chung Quỳ tay cầm kiếm biểu trưng cho sự nghiệp, công việc thuận lợi, thăng tiến.
“Tấm lòng của mẹ hiền” là điều mà mỗi lãnh đạo nên có. Phải biết quan tâm, chăm sóc nhân viên dưới quyền. Chỉ có như vậy mới tạo được cục diện trên dưới đoàn kết, một lòng đạt tới mục tiêu chung.
Charles Allen – lãnh đạo của công ty Wicky McGrady, được bình chọn là “Ông chủ tốt nhất nước Mỹ năm 1995”. Charles vô cùng quan tâm đến nhân viên dưới quyền. Ông thường đích thân lắng nghe nhân viên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, luôn đồng cảm và sát cánh cùng họ. Do vậy, ông luôn được nhân viên yêu quý. Khách hàng thấy nhân viên của Charles Allen ai nấy cũng làm việc vui vẻ thì lại càng thêm tin tưởng hợp tác, vì thế công ty của ông làm ăn rất phát đạt.
Một ví dụ khác là doanh nhân Nhật Bản Ryohei Wada. Ông luôn cố gắng tạo ra môi trường làm việc tích cực, dễ chịu. Ông áp dụng phương châm “Muốn yêu khách hàng trước hết phải yêu nhân viên”. Cuối những năm 50 của thế kỉ XX, tập đoàn bán lẻ Yaohan của ông đã vay ngân hàng 20 triệu Yên để xây kí túc xá cho nhân viên. Ngân hàng cho rằng đây là khoản chi không thể sinh lời cho nên không phê duyệt yêu cầu vay này. Lúc này vợ của Ryohei Wada đã thuyết phục ngân hàng rằng nếu nhân viên được hưởng chế độ đãi ngộ tốt, họ sẽ càng cố gắng cống hiến vì công ty. Cuối cùng ngân hàng đã đồng ý cho vay tiền và vợ chồng Ryohei Wada đã xây dựng nên khu kí túc xá cao cấp nhất dành cho nhân viên vào thời ấy.
Hàng tuần, mẹ của Ryohei Wada – bà Ryohei Wada Oshin đều tự tay chọn mua thực phẩm tươi ngon để nấu cho nhân viên những bữa ăn ngon miệng. Những nhân viên độc thân, sống xa gia đình trong khu kí túc xá của Yaohan đều coi bà Ryohei Wada Oshin như mẹ của họ.
Không chỉ có phương diện ăn ở, bà Ryohei Wada Oshin cũng chăm lo cho phương diện hạnh phúc cá nhân của nhân viên giống như quan tâm đến con cái trong nhà. Tổng cộng bà đã làm mối cho 97 nhân viên, trong đó hơn một nửa các cặp đôi đều là nhân viên của Yaohan.
Khi gần đến Ngày của Mẹ, bà Ryohei Wada Oshin nghĩ rằng những thanh niên xa gia đình sống trong kí túc xá nhân viên của Yaohan có lẽ hàng đêm đều nhớ nhung cha mẹ. Vậy nên bà đã giúp những nhân viên này chuẩn bị quà cho các bậc sinh thành. Sau khi các cha mẹ nhận được món quà của bà Ryohei Wada Oshin gửi tặng, ngoài gửi thư trả lời con cái, họ cũng gửi thư cám ơn tập đoàn Yaohan. Có một số nhân viên vừa khóc vừa nói: “Mẹ tôi rất vui! Có thể làm cho bố mẹ vui vẻ như vậy chính là hạnh phúc lớn nhất của những người làm con như chúng tôi.”
Chỉ có quyền lực không thể giúp người lãnh đạo nắm được “dân tâm sĩ khí”, mà sự dịu dàng mới là yêu cầu không thể thiếu của một đầu tàu kiệt xuất. Mỗi nhà lãnh đạo ưu tú đều phải nhớ kĩ: Không chỉ phải biết sử dụng quyền lực mà còn phải biết tận dụng sự dịu dàng; chỉ khi biết kết hợp quyền lực và sự dịu dàng với nhau, lãnh đạo mới thực sự dẫn dắt được cấp dưới.
Một nhà lãnh đạo muốn kết hợp quyền lực và sự dịu dàng thì phải làm tốt những việc sau:
• Nhận thức rõ ràng về quyền lực của bản thân. Phải nhớ kĩ rằng quyền lực là công cụ cần có để thuận lợi thực hiện công việc, tuyệt đối không phải là vũ khí để dựa vào đó mà hách dịch, gây khó dễ cho người khác;
• Nếu muốn thành tâm đối đãi với cấp dưới thì lãnh đạo phải biết lo cái lo của cấp dưới, trăn trở cái cấp dưới trăn trở, hoàn thành việc cấp dưới chưa thể hoàn thành, thấu hiểu nỗi khổ của cấp dưới. Như vậy mới có thể khiến nhân viên cảm phục và dốc sức cống hiến cho công ty;
• Khi thi hành quyền lực, lãnh đạo nhất định phải chú ý đến hình thức thể hiện, tuyệt đối không được lộng quyền. Cho dù đó là phương diện công việc thì cũng nên nghĩ đến cảm nhận của cấp dưới.
Chỉ khi kết hợp quyền lực và sự dịu dàng, đồng thời điều hành và quan tâm cấp dưới, thì người lãnh đạo mới có được sự tin yêu và trung thành của họ.
4
DIỄN TRÒN VAI “MẶT ĐEN”2 NGHIÊM KHẮC
Nếu bạn vẫn muốn tự mình đảm nhiệm vai ác, vậy thì bạn phải diễn thật tốt vai “mặt đen”
Dwight D. Eisenhower3 có Richard Nixon4 vì ông ta mà đóng vai ác “mặt đen”. Ronald Reagan5 có Nancy Reagan6 vì ông mà đóng vai hiền “người yêu”. Mỗi đội bóng khi xảy ra vấn đề đều có một giám đốc điều hành xuất đầu lộ diện để giải quyết. Một nhà lãnh đạo phải có “cánh tay trái” và “cánh tay phải” thay mình ra mặt trong những thời điểm phải đưa ra một quyết sách có thể gây ra ý kiến trái chiều. Hẳn bạn sẽ nghĩ rằng, lãnh đạo có địa vị tối cao, có thể không kiêng dè mà tuyên bố một quyết định nào đó. Tuy nhiên, nếu bạn trực tiếp bày tỏ thái độ về mọi vấn đề trong công ty thì sẽ gây ảnh hưởng đến quan hệ nội bộ.
2 Xuất phát từ kiểu vẽ mặt trong Kinh kịch: mặt đỏ thể hiện tính cách trung liệt, dũng cảm, chính nghĩa; mặt đen biểu thị sự thô bạo, hung dữ; mặt trắng biểu thị sự gian xảo, nham hiểm.
3 Dwight D. Eisenhower (1890-1969): Thống tướng Lục quân Mỹ và Tổng thống Mỹ thứ 34.
4 Richard Nixon (1914-1994): Tổng thống Mỹ thứ 37.
5 Ronald Reagan (1911-2004): Tổng thống Mỹ thứ 40.
6 Nancy Reagan (1921-2016): Đệ nhất Phu nhân Mỹ, vợ của Tổng thống Ronald Reagan.
Nếu vẫn muốn tự mình đảm nhiệm vai ác, vậy thì bạn phải diễn thật tốt vai “mặt đen”. Có những lãnh đạo được định sẵn là phải sắm vai quan trọng này. Không có công ty lớn nào, đặc biệt là những công ty đầu ngành, có thể tránh được việc dùng đến “Ngọn roi của Thượng đế”. Thông thường giám đốc điều hành chính là người vung “ngọn roi” này, và họ sẽ khó tránh khỏi việc làm mất lòng công chúng, báo giới và nhân viên. Đặc biệt, các đối thủ cạnh tranh cũng không dễ dàng buông tha họ.
Giả sử công ty bạn thực hiện một cuộc tái cơ cấu. Bạn nhận được thông báo của lãnh đạo cấp cao yêu cầu cắt giảm một nhân sự thuộc bộ phận mình quản lí. Đứng trước yêu cầu này, bạn cảm thấy vô cùng khó xử. Nhân viên dưới quyền đều là những người có năng lực. Bạn và họ đã hình thành mối quan hệ thân thiết, luôn làm việc ăn ý.
Trong trường hợp này, hãy thoát khỏi gánh nặng “quan hệ” để nhìn vào thực tế doanh nghiệp và xem xét các nhân tố sau: Cơ cấu nhân sự sắp tới của công ty sẽ như thế nào? Chiến lược kinh doanh của công ty có thay đổi không? Hoạt động của bộ phận bạn có thay đổi không?
Sau khi nắm được nhu cầu nhân sự của bộ phận mình, bạn cần xem xét tỉ mỉ từng nhân viên về năng lực làm việc, nhân cách, tiềm năng phát triển... Đến đây, tôi tin rằng bạn đã biết phải cắt giảm nhân sự nào rồi.
Bước tiếp theo càng quan trọng hơn, đó là làm thế nào để thông báo chuyện này với nhân viên phải nghỉ việc để người đó có thể chấp nhận được. Bạn hãy nói với nhân viên đó rằng: “Gần đây chính sách của công ty có nhiều biến động, người của các phòng ban đều phải phối hợp. Công lao của anh với bộ phận, với công ty là không thể phủ nhận. Lại thêm anh không chỉ thông thạo nghiệp vụ của bộ phận chúng ta, cho nên có cơ hội thử sức ở lĩnh vực khác có lẽ càng tốt cho anh hơn.”
Để trở thành một nhà lãnh đạo thành công, bạn đừng sợ khi bị phân đóng vai ác, tức “mặt đen”. Nếu không, bạn làm gì cũng khó, đối nội hay đối ngoại đều thất bại, cuối cùng tương lai sẽ không thể có thành tựu.
Nếu quyết tâm trở thành một nhà lãnh đạo nghiêm khắc, tốt nhất bạn nên có những sở trường như sau:
• Đầu tiên, bạn phải có thực lực, có thể không ngừng đặt ra những vấn đề nghiêm túc từ lúc vào làm cho tới lúc tan làm;
• Thứ hai, bạn phải hành xử chí công vô tư, không thiên vị khi thưởng, phạt bất cứ nhân viên nào;
• Thứ ba, bạn phải đảm bảo duy trì được hiệu suất làm việc cao nhất;
• Thứ tư, luôn chú ý đề phòng, đề cao cảnh giác;
• Thứ năm, biết cách làm ngơ trước những lời chỉ trích ác ý của người khác.
Nói cách khác, bạn hãy chuẩn bị tâm lí vững vàng, mạnh mẽ. Cấp dưới có thể không thích bạn nhưng nhất định phải tôn trọng bạn – chỉ cần bạn chứng minh được mình có năng lực, phẩm chất và đối với bản thân còn có yêu cầu nghiêm khắc hơn cả đối với họ.
Muốn diễn tốt vai “mặt đen” cũng phải đầu tư vào đó rất nhiều công sức. Đây không phải là lời khuyên tốt nhất nhưng vẫn phải nhấn mạnh với bạn: Nếu như bạn không thể không đảm nhận vai trò này, vậy thì hãy mạnh dạn làm nó cho tốt.
5
NGUYÊN TẮC QUẢN LÍ CỦA LÃNH ĐẠO QUYỀN UY
Nhân cách, năng lực và thẩm quyền hình thành nên quyền uy, từ đó giúp nhà lãnh đạo ứng biến linh hoạt trong quá trình điều hành công ty
Để một công ty vận hành trơn tru, thuận lợi và ngày càng phát triển, người lãnh đạo nên thực hiện những nguyên tắc quản lí sau:
Có sự kiên định
Kiên định là một trong những yêu cầu không thể thiếu, nhưng linh hoạt lại là hạt nhân của nghệ thuật lãnh đạo. Hai điều này có quan hệ biện chứng và là một thể thống nhất trong thực tế. Sự linh hoạt không thể bỏ qua nguyên tắc kiên định, quyết tâm thực hiện các mục tiêu của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, phương pháp thực hiện mục tiêu này phải xuất phát từ thực tế. Như vậy, trong quá trình thực thi quyết sách, nhà lãnh đạo phải chú ý tới các biện pháp để ứng phó kịp thời với sự thay đổi của tình hình. Chìa khóa ở đây là phải thâm nhập vào thực tế, tiến hành thu thập số liệu điều tra để kịp thời điều chỉnh kế hoạch mỗi khi điều kiện thực tế thay đổi để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất khi thực hiện quyết sách.
Có sự linh hoạt
Những quyết sách trọng đại trong quản lí của nhà lãnh đạo chính là phương án tốt nhất thu được từ quá trình sàng lọc định hướng căn cứ trên dự đoán khoa học và lập luận của chuyên gia. Nhưng quá trình thực thi quyết sách trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phức tạp và đầy biến động ngày nay sẽ không tránh khỏi việc xảy ra những phát sinh, do đó quá trình này cũng phải linh hoạt mới được. Thay đổi kế hoạch cho phù hợp với hoàn cảnh mới, thay đổi một phần kế hoạch hay toàn bộ kế hoạch cũng là chuyện có thể xảy ra. Người cứng nhắc không muốn thay đổi cũng như chiếc lá lìa cành, kết cục chỉ có thể là “húc đầu vào tường”.
Có trọng điểm
Không có trọng điểm sẽ không có quyết sách. Trong quá trình thực thi quyết sách, một mặt lãnh đạo phải nắm được các mâu thuẫn chính yếu đang tồn tại, mặt khác phải linh hoạt trong quá trình giải quyết những vấn đề cấp bách. Người lãnh đạo cần tập trung vào việc xác định những yếu tố có tác động xấu chủ yếu tới công ty để tiến hành xử lí. Nhưng đồng thời phải biết chuyển đổi giữa các biện pháp tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm để “nhổ cỏ tận gốc”. Đừng chỉ linh hoạt mà không có trọng điểm, cũng đừng chỉ có trọng điểm mà không linh hoạt. Như vậy đều khó thích ứng với các biến động.
Có uy nghiêm
Thực tế đã chứng minh, để lãnh đạo được tập thể, người đứng đầu phải có uy quyền. Nhà lãnh đạo còn phải có nhân cách tốt, năng lực cao và biết làm công tác tư tưởng cho những người trong bộ máy thì mới thực sự trở thành đầu tàu có uy tín trong đoàn thể. Uy tín càng cao, sức ảnh hưởng sẽ càng lớn, hiệu quả lãnh đạo càng tốt. Cho nên trong quá trình thực hiện quyền lực, nhà lãnh đạo phải thể hiện được mình là người có đạo đức, có năng lực, có tinh thần đứng mũi chịu sào, có như vậy cấp dưới mới nể phục, tin tưởng và trung thành. Nhân cách, năng lực và thẩm quyền hình thành nên quyền uy, từ đó giúp nhà lãnh đạo ứng biến linh hoạt trong quá trình điều hành công ty. Nói theo cách này, sự linh hoạt của người lãnh đạo không hoàn toàn là kĩ năng mà còn là tố chất.
Trao đổi thẳng thắn
Chìa khóa ở đây chính là lãnh đạo cần phải đưa ra vấn đề để cùng cấp dưới thảo luận một cách dân chủ, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến hợp lí của họ. Như vậy không chỉ phát huy được tính tích cực của nhân viên mà còn có thể làm phong phú kinh nghiệm cho chính mình. Sự linh hoạt khi thực hiện quyết sách chính là sự kết hợp sáng tạo của lãnh đạo và cấp dưới. Có thể thấy linh hoạt là nền tảng trao đổi thông tin hai chiều giữa đôi bên, chỉ có linh hoạt mới càng đem lại hiệu quả lãnh đạo cao.
6
KHÉO LÉO TIẾT CHẾ CẢM XÚC
Người lãnh đạo thông minh luôn giấu kĩ cảm xúc của bản thân, không để người khác nhìn thấu suy nghĩ của họ
Sau một thời gian lăn lộn ngoài xã hội, ai cũng sẽ ít nhiều luyện được khả năng quan sát sắc mặt, phân tích ngữ điệu của người khác. Cấp dưới sẽ căn cứ vào biểu hiện của bạn để điều chỉnh phương thức giao lưu với bạn. Nếu bạn thể hiện thái độ không phù hợp, rất có thể sẽ gây ra nhiều rắc rối cho bản thân.
Nhà lãnh đạo thực thụ là người thâm sâu khó dò, họ không dễ bị người khác nắm thóp và lợi dụng. Trên thực tế, gặp phải người không thể hiện tâm tình cũng rất đáng sợ. Chúng ta không thể biết được phản ứng của họ với việc nào đó, cảm nhận của họ với người nào đó. Cho nên khi đối diện với họ, chúng ta sẽ cảm thấy hoang mang, không biết nên ứng đối như thế nào.
Kì thực, những người như vậy không phải là không có cảm xúc, họ chỉ không thể hiện nó ra mặt mà thôi. Đối với lãnh đạo, có thể “vô cảm” khi giao tiếp với người ngoài là điều rất quan trọng. Lãnh đạo một khi để lộ ra cảm xúc thật sẽ rất dễ bị “bắt thóp”, dẫn tới việc đưa ra những quyết sách sai lầm.
“Vui buồn không lộ ra mặt” nghĩa là kiểm soát được cảm xúc cá nhân ở mức cao nhất, dùng thái độ bình tĩnh và khách quan để đối mặt với mọi sự tình. Đây chính là tính cách làm nên một nhà lãnh đạo tài ba.
Tính cách này có những ưu điểm sau:
• Đối nội: Khi đơn vị bạn lãnh đạo gặp khó khăn, nếu bạn để lộ ra biểu hiện bất an hoặc thái độ hoảng loạn sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của toàn bộ nhân viên dưới quyền. Một khi nền móng bị lung lay, kết cấu rất dễ sụp đổ. Dưới tình huống này, nếu bạn có thể giữ được sự bình tĩnh thì sẽ trấn an được tinh thần của cấp dưới.
• Đối ngoại: Khi đi đàm phán cùng đối tác, bạn cần có phong thái điềm tĩnh. Nếu giữ được thái độ đúng mực, bạn sẽ không bị đối phương “bắt bài”, đối phương cũng không dễ dàng dẫn dắt bạn đi theo hướng họ muốn.
Kiểm soát được thái độ và cảm xúc của bản thân sẽ giúp bạn trở thành người cao sâu khó dò. Đây chính là phương pháp quan trọng mà các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới từ xưa đến nay dùng để quản lí cấp dưới. Người lãnh đạo thông minh luôn giấu kĩ cảm xúc của bản thân, không để người khác nhìn thấu suy nghĩ của họ. Như vậy cấp dưới khó lòng lợi dụng gót chân Asin của họ để trục lợi. Đồng thời một cấp trên lòng dạ khó dò cũng sẽ khiến cấp dưới biết thân biết phận mà không dám manh động, làm ra những chuyện không đúng. Làm được như vậy sẽ tạo ra cục diện lãnh đạo ở trong tối, nhân viên ở ngoài sáng, cấp trên dễ dàng thực hiện công việc quản lí của mình hơn.
7
MIỆNG NHÀ QUAN CÓ GANG CÓ THÉP
Người lãnh đạo phải có phương thức trò chuyện phù hợp với địa vị của mình
Mỗi người đều có những biểu hiện giao tiếp khác nhau. Có người nói năng gãy gọn, đĩnh đạc, tự tin. Lại có người ăn nói hàm hồ, dài dòng, không có phép tắc. Nguyên nhân của sự khác biệt này ngoại trừ do thân phận và cốt cách của người nói thì chủ yếu nằm ở phương thức trò chuyện. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến uy phong của nhà lãnh đạo. Do vậy, người lãnh đạo phải có phương thức trò chuyện phù hợp với địa vị của mình.
Khi trò chuyện, nội dung cần đơn giản, ngắn gọn. Hãy dùng những câu đơn nghĩa, tránh các câu đa nghĩa. Như vậy, thông tin muốn truyền tải sẽ chính xác, rõ ràng, người nghe sẽ không thấy khó hiểu hay hiểu lầm.
Hãy phát biểu cuối cùng. Con người thường có tâm lí sắp xếp những điều quan trọng ở phần sau. Trong một buổi họp hay tại một sự kiện, người có cấp bậc càng cao thì thứ tự phát biểu sẽ càng ở phía sau. Người lên sân khấu cuối cùng chính là nhân vật chủ chốt.
Khi nói chuyện, hãy chú ý đến các điểm sau:
• Sử dụng “câu cửa miệng”. Đó là câu nói gắn với “thương hiệu cá nhân” của mỗi người, vừa khiến người nghe thấy gần gũi, thân thiết vừa có thể “định vị bản thân” trong ấn tượng của mọi người;
• Có thể chọn phong cách nói chuyện hài hước. Những câu nói gây cười vừa dễ nhớ vừa để lại ấn tượng sâu đậm, khiến người khác nhớ mãi không quên về bạn;
• Sắp xếp câu từ trước khi nói. Dùng những từ phổ thông, dễ hiểu, tránh lạm dụng từ cổ, từ chuyên ngành, từ mượn tiếng nước ngoài. Tốc độ nói vừa phải;
• Khi nói chuyện cần thể hiện thái độ tự tin và tập trung.
Hãy nhìn thẳng vào mắt đối phương. Chú ý mỉm cười hoặc gật đầu khi đối phương đang nói. Trước khi bày tỏ quan điểm hãy nhắc lại ý kiến của đối phương;
• Chú ý đến tư thế của bản thân. Khi phát biểu, hãy đứng thẳng người. Khi trò chuyện với người khác, hơi nghiêng người về phía trước sẽ khiến đối phương dễ dàng tiếp nhận ý kiến;
• Khi muốn nhấn mạnh quan điểm của mình, hãy nói chậm và rõ ràng. Có thể kết hợp biểu cảm cơ thể nếu cần thiết;
• Chú ý đến cử chỉ nhỏ của đối phương. Nghiên cứu cho thấy khi một người căng thẳng, ánh mắt họ sẽ hướng đi khắp nơi, số lần chớp mắt cũng nhiều hơn. Hoặc nếu đối phương rung chân khi nói chuyện, có lẽ người này không coi trọng lời nói của bạn;
• Ngoài ra, hãy cố gắng mở mang kiến thức. Hiểu biết càng rộng, bạn càng có thể tự tin tham gia trò chuyện về bất cứ chủ đề nào, với bất kì ai, trong bất cứ tình huống nào.
Hãy hạn chế những hành động vụng về sẽ gây tổn hại đến hình ảnh bản thân. Trang phục chỉn chu, tránh mang nhiều phụ kiện rườm rà, giữ quần áo luôn sạch sẽ và phẳng phiu. Chú ý tư thế, tránh dáng đi co ro, khúm núm. Lưng thẳng, ngực thu, ánh mắt cương nghị mới là tư thế của một nhà lãnh đạo.
8
CÓ DŨNG KHÍ MỚI LÀM ĐƯỢC VIỆC LỚN
Vào thời khắc then chốt, “dám làm tới” chính là nhân tố giúp lãnh đạo giành thắng lợi
Đối với lãnh đạo, dũng khí là yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu không có dũng khí, bạn khó làm nên việc lớn. Đặc biệt là trong thời đại cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, tầng lớp lãnh đạo xông xáo đã trở thành lực lượng hạt nhân dẫn dắt tập thể. Ngày nay, sản phẩm mới có thể phân chia lại thị trường, khiến chỉ trong chớp mắt cục diện thị trường đã thay đổi hoàn toàn. Vào thời khắc then chốt, “dám làm tới” chính là nhân tố giúp lãnh đạo giành thắng lợi.
Những người không có dũng khí thì không hợp làm người đứng đầu. Nếu được bổ nhiệm làm lãnh đạo lại không có can đảm đảm đương chức vụ, vậy thì hoặc là bạn hãy từ chức hoặc phải nhanh chóng bồi dưỡng dũng khí cho bản thân. Ngoài hai phương pháp này thì không có cách giải quyết nào khác. Cuộc sống không hề bình lặng, mỗi ngày đều sẽ phát sinh những vấn đề mới. Vậy nên lãnh đạo phải có khả năng chắn trước đầu sóng ngọn gió, dám đối mặt với mọi vấn đề. Lãnh đạo không thể là người hèn nhát, dễ dàng thỏa hiệp.
Người đầu tàu phải có mưu có dũng. Nếu nguyện lòng làm người bình thường thì càng lúc suy nghĩ của bạn càng vụn vặt. Như vậy cấp dưới sẽ cảm thấy vô cùng nản chí. Chỉ cần là người thông minh, họ sẽ không cam chịu ở dưới trướng của một người lãnh đạo không có khí phách. “Chim khôn chọn cành mà đậu, bầy tôi chọn chủ mà thờ” chính là như vậy.
Trong công việc hàng ngày, người lãnh đạo nhất định phải có dũng khí đương đầu với khó khăn. Mikimoto Kokichi – ông tổ nghề ngọc trai người Nhật Bản, trước đây chỉ là một thương nhân buôn bán nông sản. Lúc rảnh rỗi ông thường xuống biển nuôi ngọc trai, nhưng kết quả không mấy khả quan. Cho dù nuôi được ngọc thì đó cũng chỉ là những hạt ngọc bé xíu. Ông vừa đọc tài liệu vừa tìm chuyên gia để tham khảo ý kiến, sau đó đổi nghề sang nuôi cấy ngọc trai. Quyết định này của Mikimoto Kokichi vấp phải rất nhiều ý kiến phản đối, nhưng ông đều phớt lờ. Ông chuyên tâm nghiên cứu phương pháp nuôi cấy ngọc trai. Trong ba năm đầu, ông chưa thu được kết quả gì. Nhưng đến năm thứ tư, ngọc trai Mikimoto đã gây được tiếng vang trên toàn thế giới.
Trên thực tế, không cần cố gắng phát triển công việc nuôi cấy ngọc trai thì Mikimoto Kokichi cũng đã là một thương nhân thành công. Thế nhưng, ở ông có một tố chất lãnh đạo – chính là tư thái quyết tâm chưa tới đỉnh vinh quang quyết không dừng bước. Đương nhiên, ban đầu sẽ vô cùng khó khăn, nhưng nếu không trải qua gian khổ thì không thể cảm nhận được hạnh phúc. Trên đời này, có người 30 tuổi đã già, lại có người 70 tuổi vẫn là thanh niên. Muốn nâng cao chất lượng cuộc sống thì phải thúc đẩy sự nghiệp đi đến thành công. Cuộc sống nhiều màu sắc như vậy rồi sẽ mở ra mùa xuân cho cuộc đời.
Có một câu thoại trong một bộ phim truyền hình Nhật Bản như sau: “Đam mê và lòng dũng cảm chính là tài sản của những người trẻ tuổi.” Đương nhiên, có đủ can đảm rồi bạn vẫn phải cố gắng hành động để thực hiện mục tiêu đề ra. Nếu chỉ biết liều lĩnh làm bừa thì lại là một việc tồi tệ. Bất kể thế nào, lòng can đảm luôn là tiền đề, nhưng tiền đề này không phải là tất cả. Cho nên trước khi làm bất cứ việc gì, lãnh đạo phải suy nghĩ cho kĩ càng. Đây không phải là chuyện tầm phào, Napoléon đã từng thốt lên rằng: “Đời này ta làm tướng hay không thì kết cục cũng không làm sao mĩ mãn được.”
9
LÃNH ĐẠO QUYẾT ĐOÁN RÈN CÔNG SỞ NỀ NẾP
Lãnh đạo cần phải giúp nhân viên ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, thúc đẩy họ chăm chỉ làm việc, nghiêm túc cống hiến
Trong hoạt động của bất kì công ty nào, cấp dưới có trọng trách hỗ trợ cấp trên và hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Tất nhiên khi giao nhiệm vụ, người lãnh đạo cũng phải cân nhắc các yếu tố liên quan để chọn ra nhân viên thích hợp nhất. Đồng thời cũng phải thường xuyên quan tâm và giúp đỡ khi cấp dưới gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Là cấp dưới, khi tiếp nhận một nhiệm vụ, nếu không có tình huống đặc biệt phát sinh thì phải hoàn thành tốt công việc được giao.
Vấn đề hiện nay là luôn có khoảng cách giữa lí tưởng và thực tế. Trong công việc, luôn có một kiểu nhân viên “thích tạo phản”, luôn chống đối cấp trên vì lợi ích cá nhân chứ không vì công việc. Dung túng cho những nhân viên này sẽ không có lợi cho công việc và sự phát triển của công ty, thậm chí có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, trong công tác quản lí, người lãnh đạo có lúc phải thể hiện sự quyết đoán, chặt chẽ.
Lấy một ví dụ thể này:
Tiểu Đinh là một nhân viên có năng lực, nhưng cậu ta lại là người vô kỉ luật. Việc Tiểu Đinh thích, cậu ta sẽ chăm chỉ làm tới khi có thành tựu. Việc không thích, có ép mấy cậu ta cũng không nhận. Vị quản lí mới được bổ nhiệm ở đơn vị của Tiểu Đinh đã chữa khỏi căn bệnh tùy hứng của cậu ta.
Vừa mới nhận chức được mấy ngày, vị lãnh đạo này đã giao cho Tiểu Đinh một nhiệm vụ vô cùng đơn giản. Cậu ta vừa nghe đã không hài lòng, yêu cầu quản lí đổi việc khác. Lãnh đạo mới nhất quyết không đồng ý, còn “lên lớp” cho cậu ta về tầm quan trọng của nhiệm vụ lần này. Tiểu Đinh nghĩ thầm trong bụng: “Anh không đổi nhiệm vụ khác cho tôi cũng chẳng sao, tôi cứ không làm đấy. Tôi sẽ làm những việc khác, anh cũng không thể chê trách tôi bê trễ công việc.”
Lãnh đạo mới biết Tiểu Đinh có ý muốn chống đối nhưng chưa tỏ thái độ gì. Qua một tuần, vị này gọi Tiểu Đinh vào phòng làm việc và nói: “Tiểu Đinh, khi giao việc cho cậu, tôi đã nhấn mạnh đây là nhiệm vụ cần hoàn thành gấp, nhưng sau một tuần vẫn không có chút tiến triển nào. Tôi sẽ cố gắng giảm bớt các công việc khác cho cậu, hi vọng cậu có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong vòng hai tuần tới. Nếu có khó khăn hoặc phát sinh vấn đề ảnh hưởng đến tiến độ công việc, cậu nhớ lập tức báo lại cho tôi, tôi nhất định sẽ giúp đỡ cậu. Ba ngày sau, tôi sẽ đích thân kiểm tra tiến độ thực hiện và các vấn đề liên quan. Tôi tin rằng chúng ta có thể hoàn thành công việc này đúng hạn. Cậu có ý kiến gì không?”
Tiểu Đinh đồng ý, nhưng sau đó vẫn bỏ bê công việc. Ba ngày sau, lãnh đạo lại gọi Tiểu Đinh lên và nói: “Công việc tôi giao cho cậu vẫn không có tiến triển, bởi vì cậu vẫn chưa bắt tay vào giải quyết nó. Xem ra chỉ còn một cách: Đưa người có thể làm tốt việc này đến thay thế cậu. Rõ ràng cậu rất có năng lực, nhưng chúng tôi lại không có cách nào bố trí một công việc phù hợp với cương vị của cậu, cho nên chỉ có thể chuyển cậu qua bộ phận khác. Cậu cứ về suy nghĩ cho kĩ rồi đến gặp tôi nói chuyện.”
Cuối cùng Tiểu Đinh cũng hiểu ra nếu vẫn tiếp tục làm theo ý mình thì cậu ta sẽ bị chuyển đến bộ phận khác. Mà cậu ta lại đang rất hài lòng với vị trí hiện tại. Để được tiếp tục ở lại, sau khi suy nghĩ kĩ càng, Tiểu Đinh đến gặp lãnh đạo, thành thật nhận lỗi và hứa sẽ hoàn thành công việc được giao đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Giống như con ngựa bất kham đã bị người nài ngựa thuần phục, sau đó Tiểu Đinh như biến thành một người khác. Cậu ta chăm chỉ làm công việc mà trước đây nhất quyết không làm và hoàn thành xuất sắc trong thời hạn được giao. Tiểu Đinh càng ngày càng kính nể vị lãnh đạo mới, cậu ta cũng luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Mà vị lãnh đạo mới cũng ngày càng trọng dụng Tiểu Đinh.
Ví dụ này cho thấy, đối với những cấp dưới luôn có thái độ phản kháng thì lãnh đạo cần thể hiện sự quyết đoán của mình. Cần phải làm cho họ ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân viên, thúc đẩy họ chăm chỉ làm việc, nghiêm túc cống hiến.