Có thể nói rằng đồng nghiệp là những người mà chúng ta tiếp xúc nhiều nhất trong một ngày, vậy nên xây dựng mối quan hệ tốt với họ là điều cần thiết. Chạm mặt thì tươi cười chào hỏi, gặp dịp thì khen ngợi đôi câu, bỏ qua những xích mích nhỏ, tăng cường hợp tác để ngày càng ăn ý. Có nhân duyên tốt mới có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp và cải thiện cuộc sống.
1
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN
Trong quan hệ với đồng nghiệp, chúng ta đều muốn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đối phương, trở thành một người có nhân duyên tốt
Người có nhân duyên tốt phải là người có khả năng xây dựng quan hệ với đồng nghiệp xung quanh. Vậy thì chúng ta phải làm thế nào để trở thành người như vậy?
Đối đãi chân thành với đồng nghiệp
Trong đối nhân xử thế cần đề cao đức tính trung thực, chân thành. Trong quan hệ với đồng nghiệp lại càng cần phải dùng thái độ chân thành để đối đãi với nhau. Thành thực sẽ giúp bạn được tin tưởng và tín nhiệm, nhanh chóng xây dựng được mối quan hệ thân tình, đồng nghiệp sẵn sàng giúp đỡ khi gặp khó khăn. Ngược lại, những người giả dối, toan tính sẽ không được tập thể chào đón, nếu có thể kết thân thành công thì cũng dần bị xa lánh.
Luôn giữ chữ tín
Giữ chữ tín là một đức tính tốt luôn được coi trọng, là biểu hiện của sự tôn trọng người khác. Ví dụ như chuyện trễ hẹn, muộn giờ. Những người phải chờ đợi đều cảm thấy đây là hành vi gây mất thiện cảm, ngoại trừ phát sinh sự cố nghiêm trọng, còn lại đừng cố tìm lí do bao biện cho hành vi đi muộn hay trễ hẹn của bản thân. Nếu bạn thật sự gặp chuyện phát sinh bất ngờ, ví dụ như ốm đột xuất, tăng ca sát giờ hẹn, bạn phải nhanh chóng nghĩ cách thông báo tới đối phương và xin dời lịch hẹn hoặc hủy hẹn. Khi hứa hẹn với người khác, hãy cố gắng giữ lời hứa, giữ chữ tín.
Làm người chính trực, làm việc công tâm
Người chính trực, công tâm luôn đề cao lợi ích của tập thể, không suy tính giành phần hơn cho bản thân, càng không bao giờ bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích của riêng mình.
Bạn có thể không phải là người có năng lực tốt nhất, không khéo ăn khéo nói nhất. Nhưng chỉ cần có phẩm chất này, bất kì ai cũng sẽ tin tưởng và muốn hợp tác, giúp đỡ bạn trong công việc.
Cẩn trọng khi kết thân với đồng nghiệp
Ấn tượng của người khác về bạn phần lớn được hình thành dựa trên sự đánh giá về những người mà bạn đang kết giao. Người xưa thường nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, kiểu người nào thì kết giao với kiểu người ấy. Nếu người khác thấy những đồng nghiệp mà bạn thân thiết đều là người đàng hoàng, chính trực, có năng lực, có đạo đức, tự nhiên họ sẽ có suy nghĩ tốt về bạn. Ngược lại, nếu đồng nghiệp quanh bạn toàn những thành phần bất hảo thì người khác nhìn vào cũng khó lòng mà đánh giá tốt về bạn.
Nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp
Thương người như thể thương thân, khi đồng nghiệp gặp khó khăn, nếu có thể hãy dốc sức hỗ trợ họ. Ai trong đời cũng có lúc gặp chuyện không suôn sẻ, vui vẻ giúp đỡ người khác sẽ cho bạn mối nhân duyên tốt. Khi bạn cần trợ giúp, chắc chắn người khác sẽ sẵn sàng đến bên bạn.
Giữa đồng nghiệp với nhau luôn là mối quan hệ hỗ trợ qua lại. Bạn không nên đi khoe khoang về việc bản thân đã giúp ai việc gì đó. Điều này sẽ khiến đối phương cảm thấy khó xử, mà người ngoài sẽ nghĩ bạn là kẻ thích kể công.
Chia sẻ thành tích với đồng nghiệp
Tục ngữ có câu: “Nhường cơm sẻ áo” và “Chia ngọt sẻ bùi”, nhưng quan niệm “Giữa đồng nghiệp với nhau là quan hệ cạnh tranh lợi ích” cũng là một tư duy thâm căn cố đế. Nếu bạn muốn được đồng nghiệp đón nhận thì phải nhớ kĩ nguyên tắc có chuyện tốt hãy chia sẻ cùng họ. Hãy học cách cùng đồng nghiệp đón nhận thành tích công việc. Cho dù thành quả lần này là do tự bạn đạt được, bạn cũng không thể độc chiếm công trạng. Hãy chia sẻ thành tựu này cùng các đồng nghiệp trong bộ phận đã giúp đỡ bạn hàng ngày. Đừng lo lắng làm như vậy sẽ khiến bạn mất đi hào quang chiến thắng, bởi vì năng lực và thành tích của bạn đã có cấp trên công nhận. Nếu bạn tự đắc khoe khoang, độc chiếm thành tích, thì ngược lại sẽ bị cấp trên và đồng nghiệp đánh giá không tốt.
Hãy khiêm tốn
Tại nơi làm việc, trước đồng nghiệp cần phải giữ thái độ khiêm tốn. Đừng luôn miệng khoe khoang hay dương dương tự đắc về thành tích công việc hay đời tư của bản thân. Nếu cứ có cơ hội lại nói về sở trường của mình thì vô hình trung bạn đã hạ thấp những đồng nghiệp khác và nâng mình lên. Như vậy càng khiến đồng nghiệp phản cảm với bạn.
Khi giao tiếp với người khác, để chứng tỏ cái “tầm” của bản thân, có những người thường “chém gió” không ngừng về mọi chủ đề. Kiểu người này chẳng những không làm người khác nể phục mà còn khiến người ta không thể tin tưởng. Nếu muốn có những mối nhân duyên tốt, trong mối quan hệ với đồng nghiệp nên chú ý tránh những tật xấu này.
Tránh nghĩ gì nói đấy
Khi nói chuyện với đồng nghiệp hay phát biểu trong cuộc họp tại công ty, cần chú ý diễn đạt uyển chuyển, dung hòa với ý kiến của những người khác. Không nên khăng khăng chủ kiến của bản thân, nghĩ sao nói vậy, nói ra những lời mất lòng mọi người, nếu không người khác khó lòng tán thành quan điểm của bạn. Biết cân nhắc, chọn lựa lời nói sẽ giúp bạn giành được cảm tình, lưu lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.
2
TẠO DỰNG QUAN HỆ HÒA HỢP VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Xử lí tốt các mối quan hệ tại nơi làm việc chính là tiền đề và nền tảng cho việc xây dựng sự nghiệp của chúng ta
Muốn khéo léo tạo dựng quan hệ với đồng nghiệp, bạn cần chú ý những phương diện dưới đây:
Duy trì trạng thái hợp tác hữu nghị, không đưa cảm xúc cá nhân vào công việc
Trong quá trình làm việc, bạn phát sinh bất đồng với đồng nghiệp khác cũng là chuyện thường tình. Những khúc mắc này nếu có thể cho qua thì hãy cho qua, tuyệt đối đừng lấy đó làm cớ để gây khó dễ cho người kia hoặc tỏ thái độ bất hợp tác, như vậy chỉ cho thấy bạn là người lòng dạ hẹp hòi. Còn đối với những đồng nghiệp có mối quan hệ thân thiết, bạn cũng không nên dễ dàng cả nể, bao che, bỏ qua cho họ trong công việc. Hai kiểu hành xử này tuy yêu ghét khác nhau nhưng đều là lối làm việc vị tình, gây ảnh hưởng đến công việc, tới hoạt động của công ty, làm tổn hại đến lợi ích chung, vì vậy rất cần tránh phạm phải.
Bạn cần duy trì thái độ công tư phân minh tại nơi làm việc. Một mặt, không cần vì những xung đột bên ngoài với đồng nghiệp mà dùng công việc để trả đũa đối phương. Mặt khác cũng không thể vì hòa hợp với đối phương mà mắt nhắm mắt mở để họ làm càn, bao che cho sai lầm của họ.
Giữ thái độ vui tươi, thiện chí
Nụ cười chính là vũ khí sắc bén nhất của mỗi người. Khi nhờ đồng nghiệp hoàn thành giúp một bản tài liệu, nếu bạn nói “Nhờ cậu nhé!” kèm theo một nụ cười, đối phương sẽ có thiện cảm với bạn mà cố gắng làm tốt. Hoặc khi đồng nghiệp giao cho bạn bản kế hoạch đã hoàn thiện, bạn cũng đừng quên mỉm cười và nói cảm ơn. Đây không chỉ là phép lịch sự mà còn biểu thị lòng biết ơn của bạn dành cho đối phương. Hãy giữ thái độ tươi vui, thiện chí. Tuyệt đối đừng to tiếng với đồng nghiệp. Điều này không những thiếu lịch sự, thiếu thân thiện mà còn cho thấy bạn thiếu tự tin.
Ngay cả khi tâm trạng sa sút, cũng hãy cố gắng duy trì nụ cười. Hãy gác lại những chuyện không vui, trêu đùa mấy câu cùng đồng nghiệp để vực dậy tinh thần và tiếp tục quay lại làm việc.
Trong công việc, nếu bạn để xảy ra sai phạm làm ảnh hưởng tới đồng nghiệp khác, vậy thì hãy nhanh chóng xin lỗi họ. Những người dám thẳng thắn nhận lỗi không nhiều, nếu làm được điều này, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp cho đối phương.
Tu tâm dưỡng tính, bớt lòng đố kị
Giữa đồng nghiệp, đặc biệt là những người làm cùng một bộ phận, thường dễ nảy sinh lòng đố kị vì mọi người thường có tuổi tác tương đương, học lực tương đồng, chức vị ngang nhau. Khi một người được cấp trên đánh giá cao, trong số những người còn lại sẽ có người không phục, ghen ghét đối phương. Thay vì để lòng đố kị làm mờ mắt, bạn hãy biến nó thành động lực để bản thân nỗ lực vươn lên. Khi thấy đồng nghiệp giỏi giang, đạt thành tích tốt, bạn hãy thật lòng chúc mừng họ, đồng thời học hỏi điểm tốt của họ để nâng cao năng lực của bản thân.
Nếu có thể xóa bỏ sự bất mãn trong lòng, bạn mới có thể biến lòng đố kị thành động lực để bản thân phát huy thế mạnh, tạo dựng thành tích trong công việc, đồng thời giữ vững quan hệ tốt đẹp cùng đồng nghiệp.
Khi đồng nghiệp bị cấp trên phê bình, tỏ ý đồng tình rồi mới nói tốt cho người đó
Khi vô tình chứng kiến cấp trên thích bắt bẻ đang phê bình một cấp dưới là đồng nghiệp của mình, bạn nên cư xử thế nào cho phải trong trường hợp này?
Trước tiên, bạn hãy đồng tình rằng cấp trên đã phê bình đúng. Sau đó đừng quên nói đỡ cho người đồng nghiệp kia vài câu. Làm như vậy sẽ không khiến cấp trên cảm thấy tức giận vì bạn đã bênh đồng nghiệp mà phản bác lại mình. Đồng thời việc này cũng không khiến đồng nghiệp kia tức giận vì bạn đã “hùa theo” cấp trên để nhấn mạnh khuyết điểm của anh ta.
Lựa chọn thời điểm thích hợp để an ủi, động viên đồng nghiệp bị cấp trên trách mắng công khai
Khi một nhân viên bị cấp trên trách mắng trước mặt các đồng nghiệp khác, trong lòng anh ta hẳn thấy rất tức giận vì mất thể diện trước nhiều người. Trong trường hợp này, bạn không nên lập tức đến an ủi, động viên đồng nghiệp đó. Bởi vì khi ấy người đó đang bừng bừng tức giận, cho nên ý định tốt đẹp của bạn sẽ bị anh ta xem là mèo khóc chuột, giả vờ đến an ủi nhưng thực chất là đến để cười nhạo anh ta. Vậy nên lúc này bạn nên im lặng tránh xa, đợi hết giờ làm việc rồi tìm cách thích hợp để an ủi đối phương. Khi đó cơn nóng giận đã hạ bớt, anh ta sẽ không giận cá chém thớt với bạn, đồng thời sẽ biết ơn sự đồng cảm và chia sẻ của bạn.
Việc riêng của đồng nghiệp có biết cũng phải giả như không biết
Ở các công ty, thường xuyên xảy ra tình trạng một số nhân viên thích giả say làm càn, thường mượn rượu để nói xấu cấp trên, nói xấu sếp, nói xấu phòng ban, nói xấu công ty... mà không sợ bị ai trách cứ.
“Ha ha... anh biết không, vợ sếp ngoại tình, sếp bị cắm sừng. Sếp suốt ngày lên mặt răn dạy chúng ta đừng ra ngoài lăng nhăng mà không biết chính vợ mình lại... ha ha, buồn cười chết mất.”
Giữa các đồng nghiệp cũng sẽ có những lúc buột miệng đem những chuyện ngồi lê đôi mách khi ăn nhậu đến kể ở văn phòng. Tuy nhiên những người rêu rao chuyện riêng tư của đồng nghiệp hay của sếp khắp nơi sẽ bị khinh ghét.
“B ấy à, là người hay đưa chuyện, không biết giữ mồm giữ miệng, thật chẳng ra làm sao.” Người như vậy sẽ không được tập thể đón nhận và tin tưởng.
Tình huống này cũng giống như có một số lời lẽ không hay mà bạn nói ra trong lúc cả giận mất khôn đã bị đám đồng nghiệp thích đưa chuyện nghe thấy. Nhiều khả năng họ sẽ thêm mắm dặm muối cho câu từ của bạn rồi rêu rao khắp nơi. Do đó đối với những chuyện riêng tư hay bí mật của đồng nghiệp, bạn dù biết cũng không nên nói ra, không biết thì không nên đi nghe ngóng, hỏi han. Đây vốn dĩ không phải là những chuyện bạn nên quan tâm.
3
HÓA GIẢI MÂU THUẪN VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Bất kể cộng sự của bạn là ai, nếu bạn muốn có một sự nghiệp lẫy lừng, điều kiện tiên quyết vẫn là đôi bên cùng nhau hợp tác vui vẻ
Muốn hòa đồng với đồng nghiệp, bạn cần có thái độ đối đãi chân thành. Khi đồng nghiệp gặp khó khăn trong công việc, bạn phải tận tình giúp đỡ, tránh thờ ơ bàng quan, càng không được giậu đổ bìm leo. Khi đồng nghiệp tìm đến bạn hỏi ý kiến, đừng chỉ nói mấy lời chung chung, vô thưởng vô phạt mà hãy thật tâm chia sẻ quan điểm của mình. Khi đồng nghiệp vô ý khiến bạn phật lòng, bạn cũng nên rộng lượng tha thứ cho anh ta. Sau đó nếu anh ta có việc nhờ đến bạn, bạn vẫn nên giúp đỡ một cách thoải mái, không canh cánh chuyện xưa. Mỗi ngày bạn phải tiếp xúc với đồng nghiệp đủ tám tiếng, nên việc bạn có thể hòa đồng với họ hay không ảnh hưởng rất lớn đến niềm vui và hạnh phúc với công việc của chính bạn.
Giữa đồng nghiệp với nhau có xảy ra cạnh tranh hay va chạm cũng là chuyện thường tình. Điều chúng ta cần làm là học cách hóa giải mâu thuẫn, giảm thiểu va chạm và cạnh tranh lành mạnh để tất cả cùng phát triển.
Có phải bạn cũng từng trải qua trường hợp này: Khi mới đi làm, bạn luôn cảm thấy mờ mịt, bất an như lạc trong rừng rậm, như giẫm trên băng mỏng. Những nhân viên có thâm niên công khai coi thường bạn, đa số đồng nghiệp đều có tâm lí ma cũ bắt nạt ma mới, cố ý gây khó dễ, còn bạn chẳng biết phải làm thế nào mới được. Lúc này nhất định bạn phải hiểu rõ rằng, họ là đồng nghiệp của bạn và bạn cần hợp tác với họ. Nếu bạn muốn công việc của mình thuận lợi thì nhất định phải học cách tôn trọng người khác và giao thiệp rộng. Nói cách khác, bạn phải chủ động xây dựng mối quan hệ cộng tác với đồng nghiệp và vượt lên trên cảm giác yêu ghét cá nhân.
Bạn nên tìm hiểu kĩ nguyên do vì sao mình không thể hợp tác cùng đối phương, đặc biệt là lí do xuất phát từ phía bạn. Hãy nghiêm khắc với bản thân, đối xử với mọi người nhiệt tình, cố gắng tạo ra bầu không khí vui vẻ, học hỏi các kĩ năng hòa hợp với tập thể, bởi đó chính là mấu chốt quyết định tương lai công việc của bạn.
Nếu giữa bạn và đồng nghiệp xảy ra mâu thuẫn và người sai là bạn, hãy chủ động xin lỗi đối phương. Dưới đây là một ví dụ thường thấy:
Bạn và đồng nghiệp X thường xuyên bất đồng ý kiến, nhưng không ai chịu nhường ai, khi trò chuyện thường không nể mặt nhau. Sai lầm lớn nhất của bạn là đã chỉ trích những việc X làm sai trong ba tháng qua. Bây giờ bạn cảm thấy hối hận, muốn hòa giải, sẵn sàng xin lỗi đối phương.
Thực tế, việc tốt nhất bạn cần làm chính là đến gặp X và nhận lỗi một cách chân thành: “Tôi xin lỗi, lần này tôi đã quá đáng. Tôi đảm bảo sẽ không có lần sau.”
Nếu bạn thẹn quá hóa giận, lật lại chuyện cũ, cố gắng tranh luận để bao biện cho bản thân thì chỉ dẫn đến kết quả có thêm một lần mâu thuẫn nữa với X. Đồng thời hành động này còn cho thấy bạn là người thiếu chân thành, sau này mọi người sẽ không còn tin tưởng bạn nữa. Hãy nhớ rằng, mục đích của bạn lúc này là xoa dịu và hàn gắn quan hệ với X. Cho nên hãy đợi khi X đủ bình tĩnh và đưa ra lời xin lỗi chính thức.
4
TĂNG KHEN GIẢM CHÊ
Nếu có thể dành cho đồng nghiệp những lời khen ngợi chân thành, bạn sẽ xây dựng được những mối quan hệ thân tình, công việc thuận lợi, sự nghiệp rộng mở
Trừ những trường hợp bắt buộc phải chê, còn lại tốt nhất bạn nên tăng khen giảm chê đối với đồng nghiệp. Chúng ta đều biết ai cũng cần sự đánh giá cao và khuyến khích từ người khác trong công việc và cuộc sống. Khi được người khác tán thưởng, chúng ta không chỉ cảm nhận được niềm vui và sự ấm áp, mà còn đồng thời tăng thêm tự tin. Cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đã từng nói: “Ai ai cũng thích được người khác khen ngợi.” Nhà tâm lí học người Mỹ William James cũng nói: “Nhu cầu thiết yếu nhất trong bản chất con người chính là khát vọng được công nhận. Khát vọng này không ngừng chiếm cứ tâm hồn chúng ta. Một số ít người biết cách thỏa mãn nó cho những người khác, cho nên họ có thể chiến thắng lòng người.” Bá tước Anh Chesterfield đã khuyên con trai nên noi gương Công tước Nivothy: “Rồi con sẽ thấy, công tước yêu thích người khác để khiến họ quý mến lại ngài.” Ngài Charles M. Schwab, chủ tịch đầu tiên của Tổng công ty Thép Hoa Kỳ đã kể lại bí quyết thành công của mình: “Tôi nghĩ, tôi có tố chất trời sinh để khơi dậy lòng nhiệt tình của người khác. Cách tốt nhất để thúc đẩy mọi người phát huy tối đa năng lực của bản thân chính là khen ngợi và cổ vũ. Một lời chê bai dễ dàng đánh tan chí khí phấn đấu của một người. Tôi không bao giờ chê bai người khác, bởi tôi tin rằng khen ngợi và cổ vũ sẽ giúp mọi người làm việc với nguồn động lực lớn lao. Nếu hỏi tôi thích gì, đó chính là khen ngợi người khác với sự chân thành và rộng lượng của bản thân.”
Thành tích được công nhận chính là điều mà con người kì vọng nhất. Khi nhận được sự tán thưởng, khen ngợi và cổ vũ của cấp trên và đồng nghiệp trong công việc, các nhân viên sẽ càng cố gắng phát huy năng lực và nhiệt tình công tác. Vậy thì tại sao chúng ta không học cách khen ngợi đồng nghiệp của mình? Hãy chú ý tìm những điểm đáng khen của họ, sau đó chân thành khen ngợi. Ban đầu, việc này sẽ không mấy dễ dàng. Bạn có thể cảm thấy hơi khó mở lời, nhưng thực hiện một, hai lần thì bạn sẽ quen. Ngài Charles M. Schwab đã tiếp xúc với nhiều người thuộc mọi tầng lớp khác nhau trên thế giới. Ông cho rằng: “Cho dù là người vĩ đại hay đáng kính đến đâu, họ cũng đều giống như người bình thường. Trong mọi hoàn cảnh, ai cũng muốn nhận được sự công nhận hơn là chê trách, có như vậy họ mới càng nhiệt tình cống hiến, hiệu quả công việc cũng càng cao.” Vậy nên các bạn hãy ghi nhớ: Đồng nghiệp xung quanh luôn mong muốn được chúng ta khen ngợi. Hàng ngày, nếu có thể dành cho họ những lời khen ngợi chân thành, bạn sẽ xây dựng được những mối quan hệ thân tình, công việc thuận lợi, sự nghiệp rộng mở.
Khi khen ngợi người khác, bạn cần chú ý những điểm sau:
• Không nên việc gì cũng khen. Khi ấy lời khen không còn ý nghĩa khích lệ, thậm chí còn có thể bị coi là hành động lấy lòng, thảo mai, gây ra tác dụng ngược. Bạn cũng không nên được một khen mười. Những lời khen vượt quá thực tế sẽ trở thành nịnh nọt, tâng bốc, chỉ khiến người khác cười nhạo. Như vậy, bạn phải biết khen ngợi đúng điều cần khen, đúng mức, có chừng mực thì mới đạt hiệu quả mong muốn;
• Một lời khen thích hợp cần được được xây dựng thông qua việc lựa chọn chủ đề khen ngợi. Nghĩa là tùy theo các đối tượng, mức độ quan hệ và các dịp khác nhau để chọn các chủ đề khen ngợi phù hợp.
Chẳng hạn, đối với người lớn tuổi, có thể ca ngợi họ về các phương diện: sức khỏe, kinh nghiệm, kiến thức, thành tựu, địa vị... Đối với người cùng trang lứa, có thể khen họ về thực lực, tài cán, thành tích, phong độ... Trong lần đầu gặp mặt có thể khen đối phương về năng lực, thành tích đã biết... Ở nơi công cộng, trước mặt mọi người có thể khen ngợi ngoại hình, hành vi, sở trường... của đối phương. Đến nhà người khác chơi có thể khen cách bài trí nội thất, tài nấu nướng, con cái của gia chủ...
Trên thực tế, ngoại trừ những chuyện riêng tư hoặc các chủ đề cấm kị với đối phương, chỉ cần bạn thực sự cầu thị và có thái độ chân thành thì mọi lời khen ngợi đều mang lại kết quả tốt.
Để lời khen có hiệu quả, trước tiên, bạn hãy tìm ra “điểm sáng” của đối phương. Hãy quan sát để phát hiện ra những điểm đáng khen của người khác và kịp thời khen ngợi chúng. Đó có thể là:
Ấn tượng ban đầu khó quên
Khi mới đi làm, trong lần đầu tiên gặp mặt các đồng nghiệp, bạn có thể đã có được ấn tượng sâu sắc về ai đó. Ví dụ đồng nghiệp A rất nhiệt tình khiến bạn cảm thấy gần gũi; đồng nghiệp B rất trầm tính, được đồng nghiệp lớn tuổi yêu thích; đồng nghiệp C rất vui tính, hoạt ngôn, luôn khiến bầu không khí văn phòng vui vẻ.
Là nhân viên mới, trong ngày đầu đi làm, bạn sẽ khó tránh khỏi cảm giác căng thẳng và muốn hành xử thận trọng. Nhưng chỉ cần đồng nghiệp quan tâm, cười nói với bạn vài câu, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hòa nhập vào môi trường mới hơn. Nếu có đồng nghiệp ngay lần đầu tiếp xúc đã để lại cho bạn ấn tượng tốt đẹp, bạn có thể ngợi khen họ, hoặc ghi nhớ những chuyện này, đợi có dịp thích hợp sẽ khen họ sau.
Lần đầu tiên gặp nhau, nếu bạn cảm thấy tên của đối phương nghe thật hay, thật độc đáo, vậy thì bạn có thể khen ngợi đôi câu, ví dụ như: “Cái tên nói lên tất cả, tên anh/chị rất hợp với vẻ ngoài nổi bật của anh/chị.” Lại có những người tên họ rất thú vị, ví dụ như: Quyết Liệt, Hạnh Phúc, Hoàng Tử..., bạn cũng có thể khéo léo tán thưởng bằng cách hỏi “xuất xứ” của cái tên này. Đây là một kiểu khen ngợi dành cho đồng nghiệp trong lần đầu tiếp xúc.
Hoặc nếu thấy đồng nghiệp có nét nào đó giống minh tinh A, người nổi tiếng B..., bạn cũng có thể mạnh dạn nói ra cảm nhận của mình. Đối phương hẳn sẽ thấy đây là một là lời khen khéo khi bạn đặt họ cạnh những người xuất chúng như vậy. Có lẽ đối phương cũng sẽ đáp lại bạn rằng cũng có những người khác từng nói với họ như vậy, nhưng họ vẫn đánh giá cao “con mắt tinh đời” của bạn. Những lời khen như vậy sẽ kéo gần khoảng cách của bạn và đối phương, khiến đồng nghiệp tự nguyện đón nhận bạn gia nhập đội ngũ của họ. Nếu bạn khen đối phương trông giống bạn học hay hàng xóm của bạn, thể hiện rằng bạn có cảm giác họ thật gần gũi với mình, thì đối phương cũng cảm thấy thầm vui trong lòng. Bạn cũng có thể khen đối phương có tính cách khoáng đạt, ăn mặc có gu... Đương nhiên trong lần đầu tiếp xúc, bạn không nên tâng bốc quá đà, nhất là khi đối phương là đồng nghiệp khác giới. Khen ngợi cũng phải chú ý đến mức độ để lời khen duyên dáng và thật tâm.
Khen ngợi ưu điểm của đồng nghiệp
Đồng nghiệp là quan hệ gắn bó mật thiết, nhưng nó lại là quan hệ vừa cạnh tranh vừa hợp tác, cho nên khó có thể hòa hợp ngay được. Khen ngợi là chất xúc tác cho mọi mối quan hệ. Học cách phát hiện ưu điểm của đồng nghiệp trong công việc, trong hoạt động tập thể để khen ngợi họ là kĩ năng cần thiết đối với mỗi nhân viên.
Anh Quang là người có khiếu diễn hài. Trong buổi liên hoan của công ty, anh xung phong góp vui mấy tiết mục văn nghệ. Tiết mục tấu hài của anh Quang đã làm tất cả đồng nghiệp cười nghiêng ngả. Khi buổi liên hoan kết thúc, anh Thanh nói với anh Quang: “May là anh không đi làm diễn viên hài cho nên mấy bác danh hài mới có cửa kiếm cơm. Mà chúng tôi cũng không phải chịu tổn thất nặng nề khi mất đi một đồng nghiệp thú vị như anh.”
Hương thích được làm việc với Yến, bởi vì Yến luôn tự tin và tràn đầy năng lượng. Yến luôn nói đùa: “Không có việc gì là không làm được, chỉ có việc không muốn làm mà thôi.” Hương tâm sự với Yến: “Yến ơi, bà lấy đâu ra nhiều năng lượng mà làm việc hăng say như thế? Mách tôi với!” Đây là một lời khen ngợi chân thành Hương dành cho Yến. Trong xã hội cạnh tranh ngày nay, những người tràn đầy năng lượng luôn khiến người khác ngưỡng mộ.
Chỉ cần để tâm chú ý, bạn sẽ thấy đồng nghiệp xung quanh mình sáng chói như ngôi sao trên bầu trời.
Khen ngợi ngay khi thấy đồng nghiệp có điểm gì đó mới
Bạn hãy khen ngợi, tán thưởng đồng nghiệp ngay lần đầu tiên đối phương có điểm gì đó mới. Khi lần đầu thấy đồng nghiệp diện một chiếc váy mới, bạn có thể bày tỏ sự tán thưởng bằng một lời khen: “Chiếc váy này hợp với chị quá! Chị mặc vào trông cứ như thiếu nữ ấy!”, “Hôm nay mặc đẹp thế này, mau khai đi, chị có chuyện gì vui đúng không?” Hoặc bạn có thể nói: “Chị mua váy ở đâu mà đẹp thế, mặc rất tôn dáng!”
Khi đồng nghiệp nào đó đi đôi giày mới, có kiểu tóc mới hay có túi xách mới... bạn đều có thể khen ngợi bằng những câu như trên. Tuy nhiên bạn hãy nhớ phải khen ngay vào lần đầu tiên nhìn thấy đồng nghiệp có điểm mới, nếu không lời khen sẽ không được thích hợp cho lắm. Ngoài chuyện ăn mặc, trang điểm bạn cũng có thể chú ý đến những biểu hiện xuất sắc trong công việc của đồng nghiệp để có cớ khen ngợi. Khi đồng nghiệp vừa hoàn thành xuất sắc công việc nào đó hoặc trở về từ chuyến công tác thành công, đừng quên khen ngợi họ: “Siêu quá! Chẳng trách sếp khen anh suốt!”, “Thần kì quá đi! Cho tớ học hỏi bí kíp với!”, “Hễ cậu ra tay là thóc xay ra gạo, thực sự quá đáng nể!”...
Cách khen ngợi như vậy không khiến bạn trở thành người nịnh nọt giả tạo mà có thể tạo cho người khác ấn tượng rằng bạn luôn quan tâm và chú ý tới đồng nghiệp. Vì vậy học cách khen ngợi người khác sẽ mang lại lợi ích cho bạn.
Nếu đồng nghiệp xung quanh bạn đều thích buôn chuyện, trêu đùa mà bạn lại không phải kiểu người hoạt ngôn, mồm mép tép nhảy, vậy phải làm sao? Khi đồng nghiệp kể truyện cười, bạn có thể cười phụ họa. Nếu không thể cười phá lên được thì có thể cười mỉm để biểu thị bạn vẫn theo dõi và hưởng ứng câu chuyện của họ. Bạn cũng có thể chủ động góp vui bằng câu chuyện thú vị của riêng mình, giúp đồng nghiệp thư giãn. Hoặc là bạn có thể cổ vũ để họ mở rộng sang chủ đề mới.
Mọi người ai cũng thích được khen. Bạn hãy hào phóng lời khen với đồng nghiệp, có thể chỉ bằng những câu đơn giản như: “Ý kiến hay quá! Cứ làm thế đi nhé!”, “Tuyệt quá, có thế mà mình không nghĩ ra, cảm ơn cậu!”... Như vậy chắc chắn đồng nghiệp sẽ có cảm tình với bạn.
5
ĐỪNG DỰNG LÊN HÀNG RÀO PHÒNG THỦ
Một đội muốn có được thành tích xuất sắc thì điều kiện tiên quyết là đôi bên hiểu nhau, có thiện chí hợp tác với nhau
Đồng đội đã phối hợp ăn ý với bạn nhiều năm giờ đây vì việc cá nhân mà phải chuyển công tác. Công ty cử tới một đồng nghiệp khác để cùng phối hợp với bạn, người này sẽ trở thành đồng đội mới của bạn.
Người được cử đến này vốn là nhân sự thuộc bộ phận khác, lại còn là người có nhiều điều tiếng không hay như độc đoán, ích kỉ, thái độ bất hợp tác... Những điều nghe ngóng được về người đồng nghiệp mới khiến bạn vô cùng lo lắng, sợ rằng sắp tới khi hợp tác sẽ xảy ra chuyện ngoài ý muốn.
Để loại bỏ tâm lí đề phòng, bạn nên giữ vững nguyên tắc: Chỉ tin những gì nhìn thấy, không tin những gì từng nghe. Cụ thể hơn, việc gì cũng phải do bản thân tự nhìn nhận, tự đánh giá, tránh nghe lời đồn thổi thị phi từ người khác.
Cho nên, không cần đơn phương dựng lên hàng rào phòng thủ, tự cô lập bản thân. Hành động này sẽ tạo ra bão táp phong ba trong quan hệ giữa hai người và rõ ràng người khởi xướng lại là bạn.
Bất kể là bạn phối hợp cùng ai, một đội muốn có được thành tích xuất sắc thì điều kiện tiên quyết là đôi bên hiểu nhau, có thiện chí hợp tác với nhau. Để đạt được mục đích này, bạn phải chủ động tiến lên một bước. Bạn hãy thể hiện rõ thành ý muốn cùng đối phương hợp tác vui vẻ, luôn giữ thái độ khách quan và cùng chia sẻ thành quả với nhau.
Giả sử người mới đến lại là đồng nghiệp trước kia từng làm chung với bạn ở công ty cũ. Bạn và đối phương đã từng không hòa hảo nhưng nay lại phải hợp tác chặt chẽ với nhau trong công việc. Chuyện này khiến bạn cảm thấy bất an, cũng sợ sẽ xảy ra chuyện không hay. Muốn cùng hợp tác vui vẻ, trước hết bạn phải có sự chân thành. Nếu lòng bạn vẫn ghi nhớ chuyện cũ, luôn cảm thấy khó chịu thì công việc sẽ gặp cản trở, chưa làm đã hỏng. Để hóa giải tình thế bế tắc này thực ra không khó, người xưa có câu: Muốn cởi chuông thì phải tìm người buộc chuông. Bạn là người hiểu rõ nhất về quan hệ giữa hai người trong quá khứ. Vì vậy bạn hãy rộng lòng bỏ qua những vấn đề cũ, chỉ cần quan tâm đến công việc chung là được.
Nếu các đồng nghiệp khác không có ấn tượng xấu với đối phương, vậy thì bạn lại càng không cần có thái độ đề phòng. Bạn hãy thể hiện thái độ công tư phân minh, trong công việc phải trao đổi rõ ràng và sẵn lòng trợ giúp đối phương bất cứ lúc nào, mục đích chính là hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chung. Hãy nhớ rằng sẽ không ai từ chối thiện chí của bạn.
Một trường hợp khác khi đối phương là bạn bè xã giao của bạn. Đây là tình huống đơn giản nhất, bạn chỉ cần xem đối phương như đồng nghiệp mới, giữ thái độ tôn trọng và tránh tán gẫu về những chuyện riêng khi làm việc.
Có cạnh tranh mới có tiến bộ. Nếu bạn luôn cố gắng làm việc, nghĩ rằng được thăng chức chỉ là chuyện sớm muộn, nhưng cấp trên lại công bố bổ nhiệm đồng đội của bạn. Điều này chẳng khác nào gáo nước lạnh dội xuống đầu.
Chưa hết, cấp trên còn tìm gặp riêng, bảo đảm với bạn rằng có cơ hội sẽ thăng chức cho bạn, rằng bạn hãy kiên nhẫn một chút. Nhưng điều này vẫn không làm bạn thấy thoải mái, nhất là khi đối mặt với sự quan tâm hỏi han từ những đồng nghiệp khác.
Mọi người đều coi bạn là kẻ thua cuộc và nhìn bạn bằng ánh mắt thương hại. Họ sẽ luôn cảm thấy ngượng ngập, muốn tránh mặt, bởi vì không biết phải đối mặt với bạn thế nào. Đối với tình huống này, bạn phải nhanh chóng chuyển từ thế bị động sang chủ động.
Đầu tiên bạn hãy chúc mừng đồng đội mới được thăng chức để mọi người thấy được thái độ hòa nhã của bạn. Đồng thời hãy tập trung làm việc như cũ, trước mặt đồng nghiệp giữ thái độ vui vẻ.
Ngoài ra, đừng lộ ra ngoài lời hứa của cấp trên với bạn, bởi vì làm vậy sẽ khiến cấp trên khó xử, càng dễ hỏng việc.
Ngay cả khi có những đồng nghiệp tốt hỏi thăm bạn về chuyện này, bạn cũng nên điềm nhiên trả lời: “Đương nhiên tôi cũng muốn được thăng chức. Tôi thấy vẫn còn nhiều cơ hội, chỉ cần bản thân nỗ lực và có thực lực thì công việc sẽ có chuyển biến tốt.” Nói như vậy chính là thượng sách.
6
NẾU CÓ THỂ HÃY NHƯỜNG NHỊN ĐỒNG NGHIỆP
Hãy đứng trên phương diện công việc để suy nghĩ, nên chín bỏ làm mười, rộng lượng với những hành động nông nổi của đồng nghiệp, dành thời gian tìm hiểu, trò chuyện giao lưu nhiều hơn với đối phương
Để duy trì mối quan hệ tốt đẹp cùng đồng nghiệp, không những yêu cầu bạn đối với công việc cần “chung lưng đấu cật”, chân thành chân thật với nhau, mà phải cần khéo léo duy trì khoảng cách nhất định với đối phương. Trên thực tế, để giữ quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, cần tránh phát sinh tình huống động chạm đến công việc của đối phương, với tiền đề là giữ vững các nguyên tắc và biết tùy cơ ứng biến. Thực chất, các đồng nghiệp thường có tuổi tác tương đồng, trình độ tương đương, mặc dù tính cách khác biệt nhưng luôn có nhiều chủ đề chung để trò chuyện. Trong công việc, chúng ta phải tìm ra điểm tương đồng với đồng nghiệp, giữ gìn điểm khác biệt của nhau, điều hòa mối quan hệ, tránh để nảy sinh mâu thuẫn hoặc xa lánh nhau.
Giữa đồng nghiệp, nếu cả hai cùng làm một nghiệp vụ giống nhau, vậy thì lại càng có nhiều điều phải bàn bạc, thương lượng để cùng đưa ra một quy trình làm việc thống nhất, và khi công việc phát sinh biến hóa còn kịp thời trao đổi ý kiến. Nếu mỗi người làm một nghiệp vụ khác nhau nhưng cùng chung trong một công ty thì cũng phải thường xuyên tiếp xúc, giao lưu, hỗ trợ lẫn nhau. Thực chất khi các đồng nghiệp có va chạm trong công việc thường là những hiểu lầm không được kịp thời hóa giải, bởi đôi bên đều muốn giữ lòng tự tôn, kiên quyết không chịu nhún nhường.
Trong một phiên họp toàn thể của công ty, trưởng phòng tài vụ Vương đã phản biện từng ý kiến của trưởng phòng sản xuất Trương. Trưởng phòng Vương tính ra còn kém trưởng phòng Trương mấy tuổi, và việc thắc mắc một số điểm trong phát biểu của trưởng phòng Trương chỉ nhằm mục đích học hỏi nghiệp vụ, tuy ngôn từ có phần kích động nhưng thái độ cũng xem là chân thành. Thế nhưng màn chất vấn của trưởng phòng Vương trong cuộc họp lại khiến trưởng phòng Trương hiểu lầm. Theo cách nhìn nhận của trưởng phòng Trương, trưởng phòng Vương đang cố ý gây sự với mình, do đó bèn dùng thái độ “coi khinh không chấp” để đáp trả, ngay trong cuộc họp cũng mặc kệ không đối đáp gì thêm, để trưởng phòng Vương giữ nguyên thắc mắc. Trưởng phòng Vương thấy thái độ làm ngơ của trưởng phòng Trương liền cho rằng đối phương cậy mình là tiền bối, khệnh khạng không để ai vào mắt. Hai người cứ thế bằng mặt không bằng lòng với nhau một thời gian dài, cho đến khi sếp tổng phải ra mặt giảng hòa, hiểu lầm mới được xóa bỏ.
Thực chất, nếu một trong hai trưởng phòng nói trên rộng lượng hơn, thành tâm thành ý tháo bỏ khúc mắc, ngay lúc không khí cuộc họp trở nên căng thẳng thì nên lên tiếng hóa giải bầu không khí căng thẳng. Như vậy vấn đề đã đơn giản đi rất nhiều. Tuy nhiên, không ai tình nguyện hạ mình, chẳng ai chịu nhường nhịn đối phương, hai bên đều không hiểu cách giao lưu với đồng nghiệp cho nên dẫn đến cục diện mâu thuẫn này.
Đồng nghiệp với nhau cần đứng trên phương diện công việc mà suy nghĩ, nên chín bỏ làm mười, rộng lượng với những hành động nông nổi của đối phương, dành thời gian tìm hiểu, trò chuyện nhiều hơn, cũng đồng thời phải học thêm nhiều phương pháp và kĩ năng giao tiếp. Khi giao lưu với đồng nghiệp cũng phải chú ý tránh phạm vào những điều cấm kị dưới đây:
• Thứ nhất, cấm kị nói chuyện của đồng nghiệp với cấp trên. Có một số người bình thường trầm tính ít nói, có vẻ chín chắn, không thích soi mói, nhưng hễ gặp sếp là thao thao bất tuyệt các chuyện về đồng nghiệp. Những người này là nhân tố hàng đầu gây mất đoàn kết nội bộ trong công ty. Bởi vì họ thể hiện trước mặt đồng nghiệp và trước mặt sếp là hai con người hoàn toàn khác nhau. Kiểu hành vi hai mặt này khiến người ta ghét nhất, cũng dễ bị mọi người tẩy chay nhất. Có một số người vì muốn lấy lòng cấp trên mà tố chuyện của đồng nghiệp với sếp, muốn đạp đối phương xuống để nâng mình lên. Kết quả là những người này tuy có thể được cấp trên biết đến, nhưng lại đắc tội với những đồng nghiệp khác;
• Thứ hai, cấm kị kiêu căng tự phụ trước đồng nghiệp. Giả sử bạn có nhiều đóng góp trong công việc, những đồng nghiệp làm chung chắc chắn đã biết điều này, dù không nói ra nhưng trong lòng họ cũng thừa nhận công lao của bạn. Nếu bạn lại khệnh khạng khoe khoang, tự kiêu tự đại, tự cho mình giỏi giang chẳng coi người khác ra gì, vậy thì bạn đã tự biến mình thành kiểu người mà đồng nghiệp không muốn kết thân nhất;
• Thứ ba, cấm kị nhập nhằng trong công việc. Tại chốn văn phòng, để được đồng nghiệp tôn trọng, bạn cần có thái độ làm việc chăm chỉ và thành tích công việc tốt. Cho nên giữ tác phong làm việc đúng đắn và tinh thần làm việc hăng say sẽ khiến đồng nghiệp khác tin tưởng và muốn hợp tác với bạn. Những người làm việc cẩu thả, thái độ qua quýt, nhập nhằng trong công việc, việc thành thì nhận công, việc bại thì đổ lỗi sẽ không bao giờ được chào đón.
7
KIỂM SOÁT CẢM XÚC CÁ NHÂN
Hãy biết làm chủ cảm xúc của bản thân, đừng để tâm trạng làm ảnh hưởng đến công việc
Đối với những đồng nghiệp mà ta có cảm tình, khi họ nêu ý kiến về công việc, chúng ta thường tiếp nhận tương đối dễ dàng. Ngược lại, với những đồng nghiệp mà ta không có cảm tình, bất kể họ có đề xuất gì, phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn là phản đối.
Chúng ta đều thích được đón nhận và luôn không ngừng truy đuổi cảm tình của người khác. Nhưng không phải tất cả mọi người đều hòa hợp với nhau. Nói cách khác, không phải ai cũng thích bạn và càng không phải ai cũng ghét bạn. Vậy nên chúng ta không cần cưỡng cầu chuyện mọi đồng nghiệp trong công ty đều phải yêu thích mình. Nếu chẳng may xuất hiện thế lực “đối đầu” với ta thì cũng không phải là chuyện gì tồi tệ.
Muốn được đồng nghiệp chào đón, trước tiên bạn phải đối xử tốt với mọi người, để họ cảm nhận được sự quan tâm và yêu mến thật lòng bạn dành cho họ.
Đồng nghiệp tương tác với nhau mỗi ngày, mọi người đều rất tinh ý với biểu cảm dù là nhỏ nhất của những người xung quanh. Dù cho bề ngoài bạn hào sảng thế nào, nhưng nếu trong lòng không vui thì cũng không thể che đậy tâm trạng thật trước mắt đồng nghiệp. Vì vậy, muốn đồng nghiệp yêu thích và thân thiết với mình, bản thân bạn phải là một người vui vẻ, hòa đồng. Cho dù vẫn có lúc bất đồng ý kiến, nhưng không ai là không thích những người lạc quan và tích cực.
Một người lạc quan, yêu đời tự nhiên sẽ lan tỏa sự tích cực đó đến người bên cạnh, khiến những người xung quanh cũng nhẹ nhõm, vui vẻ theo. Chỉ những người có nội tâm vui vẻ mới có thể lắng nghe và chia sẻ với những nỗi niềm của người khác. Đồng thời, một người lạc quan cũng không bao giờ chủ tâm tranh giành hơn thua với người khác, cho nên sẽ dễ dàng được chào đón.
Ngược lại, có những người tính tình nóng nảy, không giỏi kiềm chế cảm xúc. Họ rất dễ bị kích động, hoặc đột nhiên tâm trạng sa sút. Khi ý kiến của họ khác với đồng nghiệp, họ sẽ biến cuộc tranh luận thành cuộc cãi vã.
Tại môi trường công sở, bạn cần hết sức chú ý tránh để những tình huống này xảy ra. Khi tức giận, nếu bạn chọn trút cơn giận lên đồng nghiệp thì đó tuyệt đối là một lựa chọn sai lầm. Dù đồng nghiệp bị chọn làm “bia đỡ đạn” vô cùng rộng lượng, hiểu rằng bạn đang không có tâm trạng tốt, không trách bạn lỗ mãng, nhưng tất cả đồng nghiệp khác đều tận mắt thấy bạn dễ dàng bị kích động và nổi giận vô cớ, ấn tượng tốt đẹp về bạn trong họ chắc chắn đã giảm đi không ít.
Khi tranh luận với đồng nghiệp, bạn cũng cần sử dụng ngôn từ phù hợp, tránh nói ra những lời tiêu cực, khiêu khích hay phủ nhận đối phương như: “Anh thì biết cái gì...”, “Thôi anh đừng nói nữa...”, “Lúc nào anh chẳng nói thế...” Đừng vì muốn tranh hơn thua mà xúc phạm hay cười nhạo khi ý kiến của đồng nghiệp chưa chính xác. Làm như vậy sẽ khiến đối phương tổn thương, bản thân bạn cũng khó khống chế cảm xúc tiêu cực đang dâng trào. Hãy chân thành và thẳng thắn trình bày quan điểm của bạn, mọi người sẽ cảm nhận được bạn đang mong muốn hợp tác, chứ không phải là chế nhạo sai lầm của người khác.
Chưa kể nếu chuyện bạn vô cớ nổi giận hay tranh cãi gay gắt với đồng nghiệp truyền đến tai cấp trên, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội thăng tiến của bạn. Bởi một người quản lí không biết cách kiểm soát tâm trạng của bản thân rất dễ khiến cấp dưới bất bình, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc. Vì thế các sếp thường không chọn đề bạt những người như vậy.
Việc không làm chủ được cảm xúc có thể gây ra rất nhiều hậu họa, vậy chúng ta phải làm thế nào để kiểm soát nó? Trước tiên chúng ta phải bốc thuốc đúng bệnh. Cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh mới có thể tìm ra cách điều trị tận gốc. Nếu không cơn bệnh chỉ được kìm nén tạm thời, đến lần sau phát bệnh sẽ càng nặng hơn lần trước, thậm chí là vượt khỏi tầm kiểm soát.
Có một số người gặp công việc áp lực thì tâm trạng sẽ sa sút. Vậy nên khi lượng công việc tăng lên, bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lí và cũng nên tăng cường hoạt động thư giãn cho bản thân. Khi cảm xúc trở nên tiêu cực, bạn có thể rời khỏi chỗ ngồi, đứng lên đi lại hoặc vào phòng vệ sinh rửa mặt mũi tay chân để giúp bản thân bình tĩnh. Hãy giữ mình tỉnh táo, bạn sẽ làm chủ được mọi cảm xúc.
8
CHIA SẺ THÔNG TIN TRONG CÔNG VIỆC
Trong công việc, đồng nghiệp cần chia sẻ thông tin cần thiết với nhau. Như vậy giữa tập thể sẽ giảm thiểu hiểu lầm và tạo dựng tin tưởng khi cùng làm việc
Có một số người chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân hoặc bộ phận mình mà không nghĩ cho tập thể, vì thế họ không bao giờ chia sẻ thông tin mình biết cho người khác, chỉ muốn “độc lập tác chiến”. Kiểu hành vi như vậy trong công việc khó mà thu được kết quả tốt. Không chia sẻ thông tin là biểu hiện của việc thiếu tin tưởng người khác, như vậy cũng sẽ không được người khác tin tưởng. Kết quả cuối cùng là tự mình cô lập mình, tự mình chuốc lấy thất bại cho bản thân.
Tất nhiên có một số người không chịu tiết lộ những điều mình biết không phải vì sợ đồng nghiệp khác phá hoại, mà do họ là người kín miệng, hoặc đó là phong cách làm việc vốn có của họ. Nếu bạn ở vào trường hợp này, hãy nhanh chóng thay đổi bản thân, nên chia sẻ thông tin về công việc với đồng nghiệp, để họ hiểu được tình hình, như vậy càng có lợi cho công việc của bạn.
Ngoài ra, lại có trường hợp sếp muốn kỉ luật một đồng nghiệp và yêu cầu bạn điều tra rõ ràng sự việc này. Vốn dĩ, quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp đó rất tốt, giờ bạn lại phải ra mặt xét đoán anh ta, đây là chuyện vô cùng bất đắc dĩ. Nhưng bạn cũng không thể cãi lại mệnh lệnh của sếp. Vậy thì tốt nhất bạn nên gặp riêng đồng nghiệp đó, nói rõ để anh ta biết rằng bạn bắt buộc phải làm việc này, đây là lệnh của cấp trên, bạn hoàn toàn không có thù oán cá nhân với anh ta. Và một khi bạn bắt đầu điều tra, thì đó chính là “chuyện công cứ đúng phép công mà làm”, mong anh ta sớm chuẩn bị tâm lí. Bạn đừng xem nhẹ động thái này, nếu làm như vậy, sau này có chuyện gì xảy ra thì anh ta cũng không oán hận bạn, bởi vì anh ta hiểu rằng trong chuyện này bạn cũng có nỗi khổ tâm riêng. Ngược lại, nếu bạn nghĩ rằng đã có lệnh của sếp, cứ vậy mà mang theo thanh “thượng phương bảo kiếm” đi “thảo phạt” chuyện sai trái, thì cho dù bạn có công tư phân minh, đối phương vẫn sẽ nghi ngờ bạn mượn việc công báo thù riêng, muốn mượn gió bẻ măng. Như vậy, dù đối phương gặp chuyện hay bình an vô sự, anh ta đều ghi thù bạn, mối quan hệ tốt đẹp ban đầu giữa hai người cũng sẽ vì thế mà bị phá vỡ.
Chủ động chia sẻ thông tin với đồng nghiệp, một mặt biểu thị bản thân bạn tôn trọng đồng nghiệp, khiến đối phương cảm thấy trong lòng bạn có họ. Mặt khác, bạn mở lời chia sẻ sẽ giúp họ hiểu rõ nội tình, rất có thể đối phương sẽ tham mưu cho bạn vài điều hữu ích. Nếu các bạn là đồng nghiệp trong cùng một phòng ban, thì việc chia sẻ thông tin này càng cần thiết hơn nữa, vì nếu bạn làm việc không tốt, đối phương ít nhiều cũng bị liên lụy. Vậy nên, hãy thường xuyên trao đổi với đồng nghiệp để công việc chung đạt hiệu quả tốt nhất.