Đồng nghiệp không chỉ là đối thủ cạnh tranh với bạn tại công sở mà còn có thể trở thành đối tác giúp bạn gặt hái thành công trong công việc. Dù đồng nghiệp của bạn là ai, khi làm việc cùng nhau bạn đều phải đối đãi với họ bằng sự thấu hiểu và bao dung trên tinh thần hợp tác. Chỉ khi cộng tác với họ, bạn mới có thể đạt được thành tích tốt nhất. Hãy dang rộng vòng tay chào đón người đồng nghiệp của bạn nào!
1
HỢP TÁC BẤT KỂ KHÁC BIỆT
Hợp tác đôi bên cùng có lợi là cách thức tốt nhất để giảm thiểu rủi ro và đạt tới thành công vang dội
Có một người may mắn được đi tham quan Thiên đường và Địa ngục, sau đó có thể chọn một nơi để sống. Ở Địa ngục, người này thấy bảy, tám người ngồi quanh một nồi cháo to. Tay mỗi người cầm một chiếc muỗng, cán muỗng dài hàng mét. Với chiếc muỗng này, chắc chắn họ không thể đưa được cháo vào miệng, cho nên ai nấy đều gầy trơ xương. Còn ở Thiên đường, người này lại thấy tuy vẫn là nồi cháo ấy, chiếc muỗng ấy, nhưng mọi người lại biết đút cháo cho nhau, cho nên ai cũng được ăn no đủ, trông rất khỏe mạnh.
Câu chuyện này gửi tới tất cả chúng ta một thông điệp: So với độc lập tác chiến thì hợp tác sẽ mang lại nhiều thành tựu to lớn hơn.
Trong cuộc chiến cạnh tranh, chúng ta sẽ gặp những tình huống tương tự như vậy. Cho dù có lúc diệt sạch đối thủ, độc chiếm thiên hạ là kết quả lí tưởng nhất, nhưng trong đa số trường hợp, cạnh tranh lại thường mang đến kết cục lưỡng bại câu thương, hai bên cùng tổn thất, bên nào cũng không đạt được mục đích lúc đầu.
Một công ty sản xuất thủy tinh của Mỹ và một công ty sản xuất gốm sứ của Nhật được biết đến là hai nhà cung cấp bát đĩa và ly cốc cao cấp nổi tiếng nhất thị trường quốc tế. Sau một thời gian đối đầu khốc liệt, hai công ty quyết định hợp tác với nhau. Trong quá trình hợp tác, công ty thủy tinh được phép đưa sản phẩm của mình tiến vào thị trường Nhật Bản thông qua kênh phân phối sản phẩm của công ty gốm sứ. Và ngược lại, sản phẩm của công ty gốm sứ cũng được bày bán chung với sản phẩm của công ty thủy tinh tại thị trường Mỹ. Nhờ vậy hai công ty đều thành công mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng trưởng doanh thu bằng một cách đơn giản và hiệu quả nhất.
Hợp tác đôi bên cùng có lợi là cách thức tốt nhất để giảm thiểu rủi ro và đạt tới thành công vang dội.
Tại môi trường công sở, trong hoạt động “đối nội” hay “đối ngoại”, bạn đều phải mở rộng quan hệ với nhiều người hơn nữa. Nếu bạn khăng khăng chủ trương bó hẹp mạng lưới quan hệ, chỉ hợp tác với người cùng năng lực, cùng tính cách như mình, còn với những người tính cách, bối cảnh khác biệt, cấp bậc, tuổi tác chênh lệch..., bạn chỉ giữ mối quan hệ xã giao qua loa hoặc tuyệt giao, thì sẽ vô cùng bất lợi cho công việc của bạn.
Quan hệ trong công việc khác với quan hệ cá nhân. Bạn phải lấy công việc làm trọng, lấy hợp tác tốt đẹp làm mục tiêu. Kiểu hợp tác này có phạm vi tương đối rộng và không kén chọn đối tượng.
Ai cũng có lối suy nghĩ, thói quen, sở thích... của riêng mình. Nếu bạn quá cường điệu điểm khác biệt giữa mình và đối phương, sẽ khiến những khác biệt nho nhỏ này cản trở mối quan hệ giữa đôi bên.
Vậy nên chúng ta hãy đả thông tư tưởng, mở rộng tấm lòng. Hãy thoải mái kết giao với những người có tính cách, sở thích khác biệt với mình. Hãy học cách thấu hiểu đối phương, tìm kiếm điểm chung để thắt chặt quan hệ đôi bên. Có như vậy bạn mới có thể mở rộng quan hệ hợp tác hơn nữa.
2
MỜI GỌI SỰ HỢP TÁC CỦA ĐỒNG NGHIỆP
Tạo ấn tượng tốt đẹp và xây dựng mối quan hệ có qua có lại chính là các nhân tố giúp bạn mời gọi đồng nghiệp hợp tác với mình
Khi còn đi học, nếu không thích bạn học nào đó, bạn hoàn toàn có thể không giao lưu, không tiếp xúc với đối phương.
Nhưng ở chốn công sở, nếu bạn muốn hoàn thành tốt công việc thì không thể không cộng tác với người khác, bất kể đó là người bạn thích hay không thích. Vậy nên, điều quan trọng nhất trong quan hệ tại nơi làm việc chính là tích cực mời gọi các đồng nghiệp hợp tác với mình.
Vậy làm thế nào để mời gọi sự hợp tác của những người khác? Cộng tác là việc đòi hỏi sự phối hợp của đôi bên. Nếu bạn có thiện cảm với đối phương, người ta cũng sẽ thấy có thiện cảm với bạn, từ đó dần nảy sinh ý muốn hợp tác cùng nhau. Do đó, tạo ấn tượng tốt đẹp chính là nhân tố đầu tiên giúp bạn có được sự hợp tác của đồng nghiệp. Ngoài ra, một nhân tố khác giúp cho việc hợp tác được bền chặt chính là có đi có lại. Vậy làm thế nào để giành được thiện cảm của người khác và mở rộng mối quan hệ của bạn?
Quản lí bản thân thật tốt
Hãy tự quản lí chính mình thật nghiêm, không làm phiền hay gây ảnh hưởng đến người khác. Bạn tuyệt đối không được để xảy ra các trường hợp sau: không tuân thủ nội quy của công ty, làm việc thiếu trách nhiệm, tham lam lợi ích cá nhân...
Ngoài ra, bạn cũng phải quản lí tốt cảm xúc của mình. Đừng để người khác có ấn tượng rằng bạn là một người nóng nảy, lỗ mãng, bi quan, chán nản, dễ bị kích động, hay than thở, dễ ghi thù... Thay vào đó, hãy là người vui vẻ, hòa đồng, năng nổ, nhiệt tình, có trách nhiệm, chu đáo, rộng lượng và biết ơn. Biết quản lí bản thân thật tốt là tiền đề để bạn nhận được sự tôn trọng và hợp tác từ người khác.
Đứng trên lập trường của đối phương để suy nghĩ
Suy nghĩ hoặc ý kiến của mỗi người chỉ thể hiện giá trị quan và lập trường của bản thân người đó. Khi lập trường không giống nhau hoặc giá trị quan khác nhau thì sẽ dẫn đến những cách nhìn nhận khác nhau về cùng một sự việc. Nhưng trong một công ty sẽ phải có chuẩn mực hành vi nhất định. Vậy nên giữa các đồng nghiệp cũng phải đạt đến nhận thức chung để không rơi vào cảnh mỗi người một phách, mạnh ai nấy làm khiến hoạt động của công ty rối loạn, đình trệ.
Vậy làm thế nào để mọi người cùng đạt tới nhận thức chung? Đứng trên lập trường của người khác để suy nghĩ chính là phương pháp hiệu quả nhất. Khi tư duy trên góc độ của người khác, bạn có thể hiểu được hoàn cảnh và suy nghĩ của đối phương. Đừng vội phán xét khi nghe thấy ý kiến bất đồng với suy nghĩ của bản thân. Hãy dừng lại và tìm hiểu suy nghĩ của đối phương. Suy cho cùng, phán xét người khác đúng sai hay dở mãi là chuyện suy bụng ta ra bụng người.
Cùng một công ty nhưng lập trường của nhân viên ở các phòng ban sẽ khác nhau. Ví dụ, phòng kinh doanh hi vọng phòng sản xuất sẽ đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm để đáp ứng tốt hơn thị hiếu của khách hàng, giúp phòng kinh doanh bán được nhiều sản phẩm hơn. Nhưng phòng sản xuất lại phản đối chuyện này, quá nhiều mẫu mã khác nhau không chỉ ảnh hưởng đến số lượng và giá thành sản phẩm mà còn khiến hoạt động phân phối phức tạp và phát sinh nhiều hàng tồn kho hơn. Nhưng dù là nhân viên của phòng kinh doanh hay phòng sản xuất, ý kiến của mọi người đều có chỗ đúng và có chỗ chưa đúng, điều này phụ thuộc vào việc bạn đang xem xét ý kiến đó từ vị trí nào. Nếu là nhân viên của phòng sản xuất, hãy thử đứng trên lập trường của phòng kinh doanh để suy nghĩ, bạn sẽ hiểu được sản phẩm phải phục vụ thị hiếu của khách hàng. Nhưng nếu một sản phẩm lại chia thành nhiều mẫu mã khác nhau sẽ làm tăng giá thành sản phẩm lên rất nhiều so với hiện nay. Vậy nếu nhân viên của phòng kinh doanh biết rằng giá thành sản phẩm bị đội lên nhiều như vậy, họ có còn muốn đa dạng hóa quá nhiều mẫu mã sản phẩm nữa không? Đáp án có lẽ là không. Chắc chắn họ sẽ không đòi hỏi tất cả sản phẩm đều phải có thêm nhiều kiểu mẫu mã và họ có thể chỉ chọn ra những sản phẩm chủ đạo để thử nghiệm.
Đứng trên lập trường của người khác để suy nghĩ không có nghĩa là phải vứt bỏ lập trường của bạn. Mà là trên cơ sở phối hợp vì mục đích chung, tìm ra một thỏa thuận để đôi bên cùng có lợi hoặc cùng đạt được mục tiêu. Trong ví dụ nói trên, phòng kinh doanh và phòng sản xuất có thể đạt được thỏa thuận chung là đa dạng hóa mẫu mã của những sản phẩm đang bán chạy nhất, như vậy sẽ thỏa mãn được mục tiêu của cả hai bên. Nếu bạn sẵn sàng đứng trên lập trường của đối phương để suy nghĩ, bạn sẽ thấy thực ra không khó để mở ra cánh cửa hợp tác cùng họ.
Chủ động quan tâm và giúp đỡ mọi người
Con người quan tâm nhất đến ai? Đến chính mình. Hãy hồi tưởng lại những sự việc diễn ra trong ngày, bạn sẽ nhận ra rằng phần lớn thời gian bạn sẽ nghĩ về những việc liên quan đến bản thân. Khi trò chuyện với người khác, có phải bạn luôn nóng lòng đưa đẩy chủ đề câu chuyện đến những việc liên quan đến mình hay không?
Hầu hết chúng ta đều quan tâm đến bản thân, và cũng mong muốn nhận được sự quan tâm của người khác. Nhưng ngược lại, chúng ta lại không thể bày tỏ sự quan tâm tới người khác. Thực ra đây là một hiện tượng tâm lí thông thường, đại đa số chúng ta cũng không thể phá bỏ mâu thuẫn nội tâm này. Những ai có thể làm được điều đó chắc chắn sẽ trở thành người được yêu quý.
Muốn có mối quan hệ tốt đẹp với mọi người, muốn được người khác yêu quý, thì phải bạn chủ động quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ người khác trước. Hãy hỏi thăm sức khỏe một người đồng nghiệp mới đi làm trở lại sau vài ngày nghỉ ốm, giúp đỡ một đồng nghiệp khác sửa lại bản báo cáo... Không cần những hành động lớn lao, những quan tâm nhỏ bé, đơn giản cũng có thể làm người khác cảm động. Chỉ cần bạn có thiện chí, những người xung quanh chắc chắn sẽ muốn thân thiết, kết bạn hay hợp tác với bạn.
3
CÓ PHÚC CÙNG HƯỞNG, CÓ HỌA CÙNG CHỊU
Chỉ khi bạn dốc sức phối hợp cùng đồng nghiệp, cả hai mới có thể đạt đến kết quả đôi bên cùng giành phần thắng
Bất cứ hạng mục công việc nào cũng cần có người chịu trách nhiệm chính. Sở dĩ phải như vậy là vì một khi ai đó được giao làm người phụ trách công việc, họ sẽ càng nỗ lực, nhiệt tình, chủ động, sáng tạo, phát huy hết năng lực của bản thân và tập thể, giúp hiệu quả được nâng lên đáng kể. Đồng thời, nếu công việc xuất hiện vấn đề, cấp trên cũng có thể dễ dàng thông qua người chịu trách nhiệm để chỉ đạo sát sao, kịp thời khắc phục.
Mặt khác, một hạng mục công việc không thể có nhiều người cùng phụ trách chính. Như vậy sẽ dẫn đến hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, cha chung không ai khóc, khiến công việc đình trệ, hiệu suất giảm sút rõ rệt. Cách làm thường thấy nhất là có một người chịu trách nhiệm chính, những người khác phối hợp thực hiện, chia sẻ công việc.
Người chịu trách nhiệm chính trước tiên phải là người có chuyên môn giỏi nhất, am hiểu hạng mục công việc này nhất. Mặt khác, ngay cả khi người đó không thể nắm vững công việc đến từng chi tiết, thì ít nhất anh ta cũng phải hiểu được tổng thể của nó. Hoặc người này phải là người đã có kinh nghiệm thực hiện những hạng mục công việc tương tự. Đây là những điều lãnh đạo nên xem xét khi cân nhắc phân công ai là người chịu trách nhiệm chính cho hạng mục công việc nào.
Giả sử cấp trên giao cho bạn và một đồng nghiệp khác cùng nhau thực hiện một hạng mục công việc và phân công người kia là người chịu trách nhiệm chính, còn bạn là người hỗ trợ anh ta. Vậy thì, ở hạng mục công việc này, cấp trên đánh giá người đồng nghiệp đó thích hợp đảm đương trách nhiệm chính hơn bạn. Điều này không có nghĩa là cấp trên thiên vị người đồng nghiệp kia, cũng không phải là sếp bổ nhiệm một cách tùy tiện. Đây là quyết định nhằm hướng tới đạt được hiệu quả công việc cao nhất.
Vì vậy, bạn cũng nên bỏ xuống gánh nặng tâm lí, không cần vì chuyện làm trợ thủ cho đồng nghiệp mà cảm thấy xấu hổ hoặc bất mãn trong lòng. Bạn hãy phối hợp chặt chẽ với đồng nghiệp, hết sức hết lòng cùng hoàn thành hạng mục công việc chung một cách tốt nhất.
Khi cùng đồng nghiệp thực hiện công việc này, vấn đề bạn không biết tuyệt đối không lạm bàn, vấn đề bạn am hiểu thì đóng góp ý kiến hết mình, không giấu giếm. Với những quyết định hoặc cách nghĩ chưa đúng của đồng nghiệp, bạn cũng phải kịp thời nói lên ý kiến phản biện của bản thân. Đừng nên có suy nghĩ từ chối hợp tác hay gây khó dễ cho đồng nghiệp vì anh ta được chọn làm người chịu trách nhiệm chính. Hãy nhớ kĩ rằng, bạn và đồng nghiệp đang là những người ngồi cùng trên một con thuyền, cho nên bạn chỉ có thể cùng anh ta chèo chống con thuyền ấy, có phúc cùng hưởng, có họa cùng chịu. Nếu công việc xảy ra vấn đề thì không những đồng nghiệp của bạn (người chịu trách nhiệm chính) chịu tổn thất mà bản thân bạn cũng mang tiếng xấu. Bạn và đồng nghiệp đã trở thành một nhóm “được cùng được, mất cùng mất”, cho nên chỉ khi bạn dốc sức phối hợp cùng đồng nghiệp, hai người mới có thể đạt đến kết quả đôi bên cùng thắng.
4
NHỜ CẬY ĐỒNG NGHIỆP GIÚP ĐỠ
Nhờ đồng nghiệp giúp đỡ trong công việc cũng chính là một hành động xây dựng mối quan hệ nơi công sở
Nhiều người cho rằng mối quan hệ giữa đồng nghiệp chỉ tồn tại lòng nghi ngờ và đố kị, nhưng thực tế đã chứng minh đây là một quan niệm sai lầm. Trong xã hội hiện đại, đồng nghiệp là những người “cùng hội cùng thuyền”. Tại công ty, nếu bạn không biết cách phát triển mối quan hệ với đồng nghiệp thì không những ảnh hưởng tới công việc chung, mà còn khiến những người khác hiểu lầm là bạn không thân thiện, hòa đồng.
Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp chính là việc vận dụng các mối quan hệ một cách trực tiếp nhất, thuận tiện nhất ở nơi công sở. Nhờ đồng nghiệp giúp đỡ trong công việc cũng chính là một hành động xây dựng mối quan hệ tại chốn văn phòng.
Ai cũng có khát vọng được thể hiện bản thân tại nơi làm việc. Nhờ đồng nghiệp giúp đỡ cũng giống như bạn tặng anh ta một cơ hội thể hiện năng lực bản thân trước mọi người. Anh ta sẽ nhận lời hỗ trợ bạn để duy trì hình tượng một đồng nghiệp nhiệt tình, năng nổ trong mắt tất cả đồng nghiệp khác. Ở công ty, việc của mọi nhân viên cũng chính là việc của công ty, ai cũng có một phần trách nhiệm và nghĩa vụ trong đó. Vậy nên bạn đừng quá e ngại, hãy mạnh dạn lên tiếng khi cần giúp đỡ.
Vậy thì làm thế nào để chúng ta tận dụng tốt nguồn lực đồng nghiệp này?
Nhờ giúp đỡ bằng thái độ chân thành
Nếu bạn nhờ đồng nghiệp giúp đỡ với thái độ thậm thà thậm thụt, lén lén lút lút thì sẽ khiến đối phương nghĩ rằng chuyện bạn nhờ cậy không đáng tin. Do đó, bạn phải nói rõ ràng, cụ thể với đồng nghiệp rằng bạn muốn anh ta hỗ trợ mình việc gì và tại sao bạn không tự làm được việc ấy. Với thái độ chân thành như vậy, chỉ cần là việc có thể giúp được, tin rằng không có đồng nghiệp nào lại từ chối bạn.
Nhờ giúp đỡ bằng thái độ lịch sự
Mối quan hệ với đồng nghiệp không thân thiết, sâu sắc như mối quan hệ với bạn bè. Vậy nên khi nhờ đồng nghiệp giúp đỡ, bạn cần có thái độ tôn trọng, lịch sự. Như vậy, nếu là việc trong tầm tay, nhất định họ sẽ hỗ trợ bạn. Sau khi được giúp đỡ, bạn hãy thật lòng nói lời cảm ơn họ. Bạn không nhất thiết phải đáp lễ bằng vật chất, vì đồng nghiệp giúp đỡ lẫn nhau là chuyện thường tình. Nếu bạn cứ cố chấp phải có qua có lại một cách sòng phẳng thì rất dễ gây mất hòa khí, còn khiến cho đồng nghiệp có ấn tượng xấu về bạn.
Nhờ đúng người đúng việc
Trước khi nhờ đồng nghiệp giúp đỡ, bạn phải tìm hiểu rõ đối phương có khả năng và điều kiện để hỗ trợ mình hay không. Có như vậy bạn mới có thể nhờ đúng người đúng việc, tăng cơ hội được nhận lời và nhanh chóng hoàn thành công việc. Ngược lại, nếu gặp ai cũng xin trợ giúp, bạn rất dễ mang tiếng làm khó đồng nghiệp.
Những việc không nên nhờ đồng nghiệp giúp đỡ
Những việc tự mình có thể làm được thì hãy tự làm lấy. Nếu bạn đem những việc này đi nhờ đồng nghiệp, họ sẽ nghĩ rằng bạn là người ra vẻ bề trên, xem đồng nghiệp như cấp dưới mà tùy ý sai phái. Hoặc họ sẽ có ấn tượng rằng năng lực công tác của bạn không cao, không thể tự đảm đương nhiệm vụ của bản thân. Như vậy vừa làm chậm trễ công việc của bạn, vừa ảnh hưởng tới tình đồng nghiệp.
Tặng quà, mời cơm khách hàng... cũng không phải là những việc có thể nhờ đồng nghiệp làm hộ. Trong công ty, những chuyện này không phải công việc chính thức, không tiện để người khác làm thay.
Đối với những việc đồng nghiệp không thể trực tiếp giúp đỡ mà phải nhờ qua người khác, bạn cũng không nên phiền đến họ.
Cũng không nên nhờ đồng nghiệp giúp đỡ những việc ảnh hưởng đến lợi ích của đối phương hay lợi ích của một đồng nghiệp khác.
5
CÂN NHẮC TRƯỚC NHỮNG LỜI NHỜ VẢ
Bạn hãy học cách từ chối người khác, tránh cho mọi người tìm đến bạn nhờ vả vô tội vạ
Trong cùng một công ty, đồng nghiệp có lúc phải giúp đỡ lẫn nhau. Vậy bạn nên nhìn nhận việc này bằng thái độ như thế nào? Bình thường chúng ta hay nói rằng “lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui”, nhưng tại chốn văn phòng chúng ta nên giúp đỡ người khác như thế nào để bản thân có được niềm vui thực sự và đối phương cũng vui vẻ đón nhận sự giúp đỡ của mình?
Giữa đồng nghiệp với nhau là quan hệ đồng cam cộng khổ. “Hôm nay nếu tôi không ở lại tăng ca thì không kịp làm xong việc này.” Nếu bạn nghe thấy một đồng nghiệp vừa xem đồng hồ vừa than thở như vậy, thì cũng có thể nói với người đó thế này: “Ôi! Căng đấy nhỉ. Có cần chúng tớ giúp một tay không?” Nếu bạn làm như vậy, người đồng nghiệp kia chắc chắn sẽ có thiện cảm với bạn hơn nhiều. Hôm nay tôi giúp anh, ngày mai đổi thành anh giúp tôi, đây là chuyện thường tình ở chốn công sở.
Vậy nên khi có đồng nghiệp gặp khó khăn, hãy chủ động lên tiếng giúp đỡ, hình thành nên một vòng tròn hợp tác. Nếu có khách hàng đột xuất đến văn phòng tìm gặp một đồng nghiệp nhưng người này đang có việc bận ở bên ngoài chưa về kịp, vậy thì những đồng nghiệp khác có thể thay mặt đón tiếp vị khách hàng kia. Hoặc khi bất cứ ai có khó khăn đều được mọi người hỗ trợ. Nhưng nếu bạn là thành viên của vòng tròn hợp tác mà lại chỉ biết chờ người khác giúp đỡ chứ không hỗ trợ mọi người, vậy thì vòng tròn của bạn sẽ rất nhanh sụp đổ. Vì vậy bạn đừng quên câu nói: “Có đi có lại mới toại lòng nhau.” Đây mới là bí quyết hình thành và gìn giữ vòng tròn hợp tác.
Tuy nhiên bạn cũng cần chú ý không quá tham lam việc giúp đỡ người khác. Nếu bạn phải phân thân để giải quyết công việc của mình và hỗ trợ đồng nghiệp, sớm muộn bạn cũng quá tải, thậm chí luôn phải làm thêm giờ. Hãy nhanh chóng điều chỉnh lại việc này.
Ai cũng cần nghỉ ngơi để lấy lại sức lực. Nếu bạn cứ thân làm mấy việc, miệt mài đến nỗi chẳng có thời gian để hít thở hay nạp năng lượng, chắc chắn bạn không thể hoàn thành công việc một cách thuận lợi. Tiếp nữa, nếu bạn luôn vui vẻ giúp đỡ người khác thì mọi người sẽ có thói quen ỷ lại. Thậm chí bạn sắm vai người tốt càng lâu, họ càng coi việc bạn giúp đỡ họ là chuyện đương nhiên và sẽ quên mất việc phải cảm ơn bạn. Vậy nên hãy học cách từ chối người khác, tránh cho mọi người tìm đến bạn nhờ vả vô tội vạ.
Đương nhiên tôi không khuyên bạn trở thành người ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình, mà muốn nhắc nhở bạn xem xét kĩ trước khi quyết định giúp ai đó việc gì. Bạn hãy ước tính xem mỗi phần công việc phải làm (cả của riêng bạn và việc làm hộ) tiêu tốn bao nhiêu thời gian, sức khỏe, và liệu khả năng của bạn có thể đảm đương được bao nhiêu, sau đó tự lượng sức mình mà nhận lời giúp người. Bạn đừng cho mình là siêu nhân. Không ai có thể làm việc dưới áp lực lớn trong một thời gian dài, bạn hãy giải phóng bản thân khỏi gánh nặng công việc của người khác.
Nếu sau khi hoàn thành hết công việc của bản thân mà thật sự còn thừa thời gian, vậy thì bạn có thể giúp đỡ đồng nghiệp khác. Nhưng hãy nghiên cứu một chút xem trong số các đề nghị trợ giúp của đồng nghiệp, có việc nào làm xong sẽ giúp bạn có thêm kĩ năng mới, hoặc có thêm nhiều quan hệ hữu ích. Nếu không có những việc như vậy, bạn hãy lựa lời từ chối.
Giả sử một đồng nghiệp muốn chuyển việc và nhờ bạn giới thiệu giúp công việc khác, vì bạn là người có quan hệ rộng, quen biết nhiều người làm ở những công ty khác. Đồng nghiệp này rất thân thiết với bạn, thậm chí còn coi bạn là bạn tốt, cho nên bạn không thể khoanh tay đứng nhìn mà không giúp anh ta.
Tuy nhiên, nếu có giới thiệu người đồng nghiệp này đến những cơ hội công việc khác, hãy chú ý thân phận của bạn.
Người không hài lòng với công việc, muốn nhảy việc là đồng nghiệp, không phải là bạn. Vậy nên, bạn đừng vì giúp người mà làm ảnh hưởng đến công việc đang tốt đẹp của mình. Cho dù có giúp đỡ, bạn cũng phải hành động một cách thông minh và lí trí.
Hãy cân nhắc: Đồng nghiệp kia vẫn đang làm việc ở công ty bạn, nếu bạn giới thiệu công việc cho anh ta thì cũng đồng nghĩa với việc bạn chống đối công ty. Cho dù sếp không trách bạn, nhưng nếu như có ai lấy đó làm cớ để chỉ trích, ít nhiều cũng khiến bạn phải chịu bất lợi.
Nếu bạn thực sự biết một công việc phù hợp với người đồng nghiệp kia, không bằng bạn cân nhắc cách này: Nhờ một người khác ngoài công ty ra mặt giới thiệu công việc này cho anh ta, đây chính là cách làm vẹn cả đôi đường.
Đương nhiên, nếu người đồng nghiệp kia đã xin từ chức ở công ty bạn, hiện giờ chỉ còn là đồng nghiệp cũ, thì bạn có thể lấy tư cách bạn bè để giúp đỡ anh ta. Như vậy tốt cho việc bồi dưỡng quan hệ giữa hai người, cũng không ảnh hưởng xấu đến công việc của bạn.
6
GIỮ THỂ DIỆN CHO NGƯỜI ĐƯỢC GIÚP ĐỠ
Giữ thể diện cho người khác cũng chính là cho họ một phần lễ hậu. Nếu có ngày bạn cần họ giúp đỡ, họ sẽ không ngần ngại đáp lễ bạn
Trong cuộc sống, chúng ta thường thấy có kiểu người bởi vì giúp đỡ được người khác việc gì đó, cho nên luôn cảm thấy mình có ơn với người ta, thường vênh váo tự cho mình trên cơ người khác. Thái độ dương dương tự đắc này thực chất rất nguy hiểm và thường dẫn đến kết quả không hay. Nói cách khác, giúp người vốn là việc được khen ngợi, nhưng vì giúp được người khác mà có thái độ kiêu căng hay kể công sẽ khiến việc làm tốt đẹp kia trở thành điều không đáng được trân trọng.
Thời phong kiến, ở Trung Quốc có một vị đại hiệp tên Quách Giải. Một lần nọ, ở thành Lạc Dương có một người không may gây thù chuốc oán với một người khác. Người này vì thế rất đau khổ, nhiều lần cầu cứu nhân sĩ có danh vọng ở địa phương ra mặt giúp anh ta giảng hòa với đối phương, nhưng đối phương vẫn không chịu hòa giải. Cuối cùng, người này tìm đến nhờ Quách Giải giúp anh ta hóa giải mâu thuẫn.
Quách Giải tiếp nhận lời thỉnh cầu. Ông tìm tới chào hỏi kẻ thù của người kia, qua nhiều lần thuyết phục, sau cùng đối phương cũng miễn cưỡng chấp nhận giảng hòa.
Lúc này Quách Giải đã hoàn thành nhiệm vụ mà người kia nhờ cậy, ông hoàn toàn có thể vui vẻ rời đi. Nhưng Quách Giải vốn là một cao nhân, ông lại đi tiếp một nước cờ cao tay.
Sau khi mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa, Quách Giải nói với đối phương: “Tôi biết trước đây cũng từng có nhiều người đức cao vọng trọng ở địa phương ta ra mặt giúp đỡ ngài, nhưng vì lúc đó đôi bên không đạt được nhận thức chung, cho nên việc vẫn dang dở. Nay đến tôi, công việc hoàn thành rồi, trong khi tôi cảm ơn ngài thì đồng thời cũng tự lo lắng cho mình. Tôi vốn là người ở nơi khác đến đây, trong tình huống cao nhân bản địa ra mặt mà không được việc, tôi lại may mắn giải quyết xong, chỉ sợ là sẽ khiến những bậc có danh vọng ở đây cảm thấy mất mặt.
Cho nên làm phiền ngài đây giúp tôi thêm một lần nữa. Trước hết bề ngoài chúng ta làm như hôm nay tôi đến đây cũng là một chuyến công toi, chẳng làm nên trò trống gì. Đợi đến ngày mai tôi rời đi rồi, mấy vị thân sĩ, hiệp khách quê ta có tìm đến ngài, ngài hãy cho họ chút mặt mũi, coi như thành toàn cho họ việc này.”
Bạn giữ thể diện cho người khác cũng chính là cho họ một phần lễ hậu. Nếu có ngày bạn cần họ giúp đỡ, họ sẽ không ngần ngại đáp lễ bạn.
Không những giữ thể diện cho người khác, chúng ta còn cần hết sức tránh làm bẽ mặt đối phương trước nhiều người. Như vậy bạn cũng sẽ được hưởng tiếng thơm.
Vậy nên ở môi trường công sở, khi giúp đỡ đồng nghiệp, bạn cần chú ý những điểm dưới đây:
• Thứ nhất, đừng khiến đối phương cảm thấy có gánh nặng khi nhận sự giúp đỡ của bạn;
• Thứ hai, hãy để việc giúp đỡ diễn ra một cách tự nhiên. Có thể ngay lúc đó đối phương không quá biết ơn bạn, có thể chỉ cảm ơn qua quýt rồi thôi, thậm chí quên cả nói lời cảm ơn. Nhưng qua một thời gian, đối phương nhất định sẽ hiểu được sự quan tâm kín đáo bạn dành cho anh ta;
• Thứ ba, có thái độ vui vẻ, sẵn sàng nhận lời giúp đỡ đồng nghiệp. Đừng tỏ ra miễn cưỡng hoặc không tình nguyện, như vậy sẽ khiến việc giúp đỡ trở nên thiếu tự nhiên và phản tác dụng.
7
PHÊ BÌNH VỚI THÁI ĐỘ THIỆN CHÍ
Khi phê bình người khác, hãy trao đổi thẳng thắn nhưng cần thể hiện thái độ thiện chí góp ý
Ngạn ngữ có câu: “Cây cần vỏ, người cần mặt.” Ai cũng có lòng tự tôn. Từ cổ chí kim, không biết có bao nhiêu người có thể ngậm đắng nuốt cay, đi qua khổ nạn nhưng lại chẳng thể nào chịu được nỗi nhục “mất mặt với bàn dân thiên hạ”, càng đặc biệt không chịu nổi sự hiểu lầm và bôi đen của người khác. Giữ gìn danh dự của bản thân đã thành tâm lí tự vệ bản năng của con người. Chính vì vậy, khi có điều không hài lòng về ai đó, chúng ta cần biết dung nạp khuyết điểm, thông cảm cho lỗi lầm của người khác và lựa chọn cách góp ý tích cực, có tính xây dựng.
Công ty nọ có vị phó giám đốc T thường xuyên bông đùa suồng sã và khiếm nhã. Phó giám đốc R rất phản cảm khi nghe được những chuyện đùa tục tĩu đó, đã thẳng thắn chỉ trích phó giám đốc T và yêu cầu vị này không được tiếp tục có hành vi vô văn hóa ở văn phòng, cũng không được nói chuyện ngoài công việc ở văn phòng. Mối quan hệ giữa hai người từ đó trở nên vô cùng căng thẳng. Thế nhưng, giám đốc lại gọi phó giám đốc R lên phê bình. Phó giám đốc R bất bình: Rõ ràng phó giám đốc T làm sai, tại sao giám đốc lại không phê bình, chấn chỉnh anh ta? Đây chẳng phải là đúng sai đảo lộn hay sao?
Những tình huống như thế này không hiếm gặp ở chốn công sở. Khi phát hiện khuyết điểm hay sai phạm của đồng nghiệp, thậm chí là đồng nghiệp thân thiết, chúng ta đều muốn nghiêm khắc phê bình. Trong câu chuyện trên, không thể phủ nhận hay nghi ngờ tính chính xác trong ý kiến của phó giám đốc R, tuy thái độ và ngôn từ của ông lúc đó có chút gay gắt nhưng xuất phát từ ý tốt. Việc phó giám đốc T nói đùa thô tục không phải là khuyết điểm lớn, phó giám đốc R có quyền không đồng tình, nhưng khi muốn nêu ý kiến cần chú ý cách biểu đạt. So với việc phê bình gay gắt khiến đôi bên không thể nhìn mặt nhau, hãy thông cảm cho lỗi lầm của đối phương. Đối với những tình huống này, chúng ta nên cân nhắc cẩn thận để xác định được điều gì là quan trọng hơn.
Khi tranh cãi với đồng nghiệp, khi chuẩn bị phê bình những chuyện chướng tai gai mắt mà đồng nghiệp gây ra, bạn nhất định phải suy nghĩ kĩ, rằng cãi thắng đối phương quan trọng hơn hay giữ gìn quan hệ của hai người quan trọng hơn? Có nhất thiết phải chỉ trích gay gắt, hay có thể lựa lời để nói với đối phương? Trong ví dụ phía trên, điều phó giám đốc R cần lưu ý không phải là chuyện quan niệm đúng sai, cũng không phải là có ý kiến không được nói ra; mà là khi phê bình người khác, hãy trao đổi thẳng thắn nhưng phải thể hiện thái độ thiện chí góp ý của bản thân. Làm như vậy chẳng những không tổn hại đến quan hệ đôi bên mà còn càng có sức thức tỉnh với đối phương. Đây là hành vi đối với đôi bên cùng có lợi, hãy cân nhắc áp dụng.
8
THÍCH NGƯỜI THÍCH RA MẶT, GHÉT NGƯỜI ĐỂ TRONG LÒNG
Nếu thích ai đó, hãy thể hiện ra ngoài.
Nếu không ưa ai đó, hãy lịch sự với họ
Trong cuộc sống, sẽ có lúc chúng ta gặp phải những người tính tình lập dị, không thích gần gũi người khác. Đối với những người này, hoặc là chúng ta chẳng có cách nào lại gần, hoặc chúng ta không thể nào hòa hợp với họ. Chúng ta không thể nhìn thấu được họ, không thể biết khi nào chúng ta vô tình làm mất lòng họ. Trong trường hợp này, chi bằng giữ khoảng cách nhất định với họ.
Xét trên góc độ khách quan, không giao lưu cùng những người lập dị, khác người này cũng không khiến bạn bị ảnh hưởng. Hoặc dù có giao lưu cùng họ, bạn cũng không có thêm lợi lộc gì (cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần). Vậy thì bạn có thể không cần kết thân hay hợp tác với đối phương. Chúng ta không thể và không cần phải duy trì quan hệ với tất cả mọi người. Nếu mối quan hệ đó không có ý nghĩa với đôi bên, vậy thì bạn nên chấm dứt để đầu tư thời gian và sức lực cho mối quan hệ cần thiết hơn. Không vì bớt đi một mối quan hệ không cần thiết mà cả mạng lưới quan hệ của bạn bị phá hỏng.
Giống như hiện trạng cải cách mở cửa hiện nay ở Trung Quốc. Nếu nhà nước kiểm soát tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ thì khó lòng mà quản lí tốt hết được. Vậy nên giải pháp tốt nhất là “giữ lớn buông nhỏ”. Nhà nước chỉ nắm giữ những doanh nghiệp lớn là xương sống của nền kinh tế, còn lại để các doanh nghiệp khác tự thân vận động. Từ góc độ tổng thể kinh tế, cách làm này hiệu quả hơn hẳn. Việc quản lí mạng lưới quan hệ cá nhân cũng giống như vậy. Phải phân thành chỉnh thể và bộ phận, chủ yếu và thứ yếu để chăm sóc và đầu tư đúng mức, đúng trọng điểm.
Nhưng làm thế nào để phán đoán đúng những người có thể kết giao để không mất thời gian vào những mối quan hệ không có ý nghĩa? Có một số người luôn trầm mặc ít nói, khiến người khác rất khó bắt chuyện. Đối với nhóm người này, bạn chỉ nên giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, chỉ cần thể hiện sự tôn trọng mà không cần chủ động tiếp cận. Đương nhiên, bạn cũng không cần vì không thể kết giao mà ôm lòng oán hận, bởi nếu đối phương nhận ra địch ý của bạn, họ cũng sẽ dùng thái độ thù địch để đối đãi bạn. Chúng ta không nên tạo thêm đối thù cho bản thân.
Ở công ty, nếu có đồng nghiệp nào đó mà bạn ghét cay ghét đắng nhưng lại không có cách nào tuyệt giao quan hệ với anh ta, đây quả thực là một chuyện mệt mỏi. Lúc này, bạn có thể áp dụng chiến thuật “quan hệ xã giao”, đối xử khách sáo với đối phương. Hãy tôn trọng đối phương nhưng không nhất thiết phải nịnh bợ lấy lòng. Hãy thể hiện sự yêu thích ra ngoài, giấu kín nỗi chán ghét vào trong lòng, không “ghét ra mặt” mà chỉ “thích ra mặt”. Nghe đến đây bạn có thể sẽ than thở: “Như thế thật mệt mỏi” hoặc “Như vậy thật giả dối”. Cuộc sống vốn chẳng dễ dàng, muốn sống tốt khó càng thêm khó. Nếu bạn cứ chiều theo bản thân, thích gì làm nấy, yêu ghét ra mặt thì sẽ rất khó xử lí các vấn đề liên quan đến giao lưu và hợp tác. Vì vậy hãy cố gắng duy trì thái độ lịch sự, tôn trọng trong những mối quan hệ này.