Nhiều bạn bè thì lắm đường tiến mà nhiều kẻ thù thì hết đường lui. Tại chốn công sở, va chạm, mâu thuẫn với đồng nghiệp là chuyện khó lòng tránh khỏi. Nhưng bạn cần hết sức tránh gây thù chuốc oán, phải hóa giải hận thù ngay khi chúng còn trong suy nghĩ. Đừng để đồng nghiệp trở thành người cản trở con đường thăng tiến của bản thân.
1
CÓ THÙ KHÔNG BÁO MỚI LÀ QUÂN TỬ
Việc báo thù thỏa mãn sự giận giữ nhất thời nhưng sẽ khiến bạn đánh mất bản thân mình. Vậy nên người quân tử hãy bỏ qua những mâu thuẫn không đáng có
Có một bộ phim điện ảnh có nội dung như sau:
Vào thời kì khai phá miền Tây nước Mỹ, một chủ trang trại có mâu thuẫn với người khác về việc mua bán gia súc. Một ngày nọ, cả nhà ông bị kẻ thù dùng súng bắn chết, lúc đó chủ trang trại không ở nhà nên may mắn thoát nạn.
Cả gia đình chết thảm, người chủ trang trại nung nấu ý định trả thù. Sau mười năm lần theo dấu vết, ông tìm ra hung thủ vụ thảm sát khi xưa, nhưng giờ đây hắn sống trong cảnh nghèo đói bệnh tật, nằm trên giường chờ chết. Gặp lại chủ trang trại, hắn ta không hề sợ hãi hay kháng cự, ngược lại còn xin ông cho hắn một viên đạn để sớm được đền tội. Người chủ trang trại đã nâng súng lên nhắm bắn rồi lại hạ súng xuống và bỏ đi.
Kết thúc phim, người chủ trang trại bước ra khỏi căn nhà tồi tàn của tên hung thủ. Ngồi trên thảo nguyên dưới ánh hoàng hôn, ông lẩm bẩm nói với chính mình: “Ta từ bỏ. Bao năm đeo đuổi như vậy, ta cũng già rồi. Báo thù, rốt cuộc còn ý nghĩa gì nữa...”
Đây chỉ là một bộ phim hư cấu, nhưng nội dung được xây dựng dựa trên những tình huống trong cuộc sống, cho nên nó vẫn khiến người xem phải suy ngẫm và phản tỉnh sâu sắc. Sự phản tỉnh này cũng chính là đạo lí mà tôi muốn nhấn mạnh ở đây: “Có thù không báo chính là bậc quân tử.”
Trước tiên, hãy nhìn vào những thứ một người muốn trả thù phải hi sinh:
• Tinh thần – Trù tính kế hoạch báo thù sẽ tiêu tốn rất nhiều tinh lực. Nghĩ đến mối thù là lại tức giận, tinh thần luôn ở trạng thái kích động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe;
• Tiền tài – Có một số người vì ủ mưu báo thù mà không màng đến sự nghiệp, luôn có tư tưởng quyết “sống mái một phen” với kẻ thù nên không có gì luyến tiếc. Ngay cả những người không bỏ bê sự nghiệp thì cũng phải tốn rất nhiều của cải để thực hiện kế hoạch báo thù;
• Thời gian – Có những người đeo đuổi kế hoạch báo thù rất nhiều năm nhưng không thành công. Hoặc có thành công đi chăng nữa thì bản thân người đó cũng đã hóa già.
Muốn báo thù phải bỏ ra nhiều công sức như vậy, nhưng chưa chắc sẽ báo thù thành công. Trong quá trình này, bạn cũng khó tránh khỏi tổn thương, cho nên cuối cùng chủ chương của tôi vẫn là “có thù không báo”.
Một người thông tuệ, chín chắn phải tự biết nặng nhẹ, biết điều gì có ý nghĩa, có giá trị với bản thân. Việc báo thù thỏa mãn sự giận giữ nhất thời nhưng sẽ khiến bạn đánh mất bản thân. Vậy nên, người quân tử hãy bỏ qua những mâu thuẫn không đáng có.
Không những có thù không báo mà bạn còn phải học cách yêu thương kẻ thù của mình. Nghe thôi cũng biết đây là một việc vô cùng khó khăn. Bởi vì tuyệt đại đa số chúng ta mỗi khi nhìn thấy kẻ thù đều không kìm được mà muốn xông lên sống mái một phen. Ngay cả khi hoàn cảnh không cho phép hoặc không đủ thực lực để trả thù thì ít nhất cũng phải tỏ thái độ khinh ghét ra mặt, hoặc dùng lời nói châm chọc đối phương mới cam lòng.
Người có thể yêu thương kẻ thù của mình chính là người ở thế chủ động, hay nói cách khác là người khống chế cục diện. Khi bạn ở thế chủ động, đối phương sẽ rơi vào thế bị động “ứng chiến”, bị động “tiếp chiêu”. Nếu không thể yêu quý bạn, vậy thì đối phương sẽ bị người khác đánh giá là hẹp hòi và sẽ không được tôn trọng. Cho nên công khai tỏ ra bao dung với kẻ thù, ngoài việc có thể giảm bớt thái độ thù địch của đối phương, còn có thể tránh làm hận thù của bạn với anh ta thêm sâu đậm. Nói cách khác, việc biến thù thành bạn đồng nghĩa với việc đôi bên dần đi đến làm hòa với nhau, dập tắt ngọn lửa thù hận, cũng là chuẩn bị sẵn cho bản thân một đường lui.
Mặt khác, hành động biến thù thành bạn cũng khiến đối phương mất đi tinh thần tấn công. Nếu đối phương vẫn phớt lờ sự bao dung của bạn mà công kích bạn như cũ, thì anh ta sẽ phải đối mặt với sự lên án gay gắt của dư luận.
Điều quan trọng nhất là, khi bạn có thể bao dung kẻ thù, có thể nhẫn nhịn được những việc lớn việc nhỏ, khi đó bạn sẽ luôn thuận buồm xuôi gió. Đây cũng chính là phẩm chất giúp bạn làm nên thành công.
2
CẢI THIỆN MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Để mở ra cánh cửa trái tim cố chấp đóng kín của đối phương, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi cơ hội
Trong số các đồng nghiệp sẽ có người mà bạn không hòa hợp. Để cải thiện mối quan hệ giữa đôi bên, bạn cần tìm cơ hội thể hiện thành ý của bản thân. Dưới đây là một số phương pháp bạn có thể áp dụng:
Có thái độ thân thiện
Khi đồng nghiệp đối xử với chúng ta bằng thái độ thân thiện, chúng ta cũng cần đáp lại với thái độ tương tự. Như vậy mối quan hệ giữa đôi bên sẽ ngày càng được cải thiện.
Hãy nhiệt tình và thân thiện với đồng nghiệp một cách chân thật. Nếu bạn có thể tự nhiên vui vẻ với đối phương, đối phương cũng sẽ đáp lại bạn với tấm lòng chân thành. Cố gắng đừng khiến đồng nghiệp trở mặt thành thù, chuyển sang đối địch với bạn.
Không quên chào hỏi nhau
Hãy chào hỏi đồng nghiệp khi hai bên gặp mặt. Ngay cả khi đối phương không đáp lại, bạn cũng không cần lo lắng, cứ kiên trì, cuối cùng kết quả sẽ tốt đẹp. Khi đồng nghiệp đáp lại lời chào của bạn, đừng quên lúc này chính là cơ hội để cải thiện mối quan hệ của đôi bên. Bằng cách này, tối thiểu cũng có thể ngăn chặn việc các mối quan hệ của bạn ngày càng xấu đi.
Chú ý đến ngôn từ và giọng điệu khi trò chuyện
Ngay cả khi bạn chú ý lựa chọn lời hay ý đẹp nhưng giọng điệu không phù hợp thì kết quả cũng không như mong muốn. Cho nên khi bạn định nói gì, phải vô cùng chú ý đến giọng điệu, cần lên giọng, xuống giọng đúng lúc. Cũng đặc biệt lưu ý lựa chọn từ ngữ khi giao lưu, cần tuyệt đối tránh những từ có tính khiêu khích, gây hấn.
Tán thưởng ý kiến của đối phương
Trong cuộc họp chung, nếu người đồng nghiệp thường hay đối đầu với bạn đưa ra một ý kiến hay, bạn cũng đừng chần chừ, hãy mạnh dạn tán thành ý kiến của anh ta. Ngoài ra, nếu bạn có thể giải thích thêm về lí do mình tán thưởng ý kiến của anh ta thì càng tốt, như vậy sẽ không ai nói bạn vào hùa, a dua theo người khác.
Nói tốt về đối phương trước mặt người khác
Đồng nghiệp đối đầu với bạn cũng sẽ có những mối quan hệ tốt đẹp với người khác. Nếu có cơ hội trò chuyện cùng bạn tốt của anh ta, bạn hãy nói gì đó tốt đẹp về đối phương, nhất là khen những điểm tốt của anh ta. Nếu bạn nói trực tiếp, có lẽ anh ta sẽ cảm thấy bạn giả tạo, hoặc bạn đang có ý đồ không tốt. Vì vậy bạn có thể thông qua người thứ ba để gửi thông điệp này tới đối phương, như thế lại càng hiệu quả.
Trợ giúp đối phương
Nếu thấy đồng nghiệp hay đối đầu với bạn đang bận rộn, gặp vấn đề khó giải quyết hoặc đang có chuyện buồn, bạn có thể tỏ thái độ sẵn sàng giúp đỡ đối phương. Đây chính là cách nhanh nhất để “phá lớp băng” giữa bạn và đồng nghiệp, giúp đôi bên trở nên hòa hảo.
Nếu mong muốn cải thiện mối quan hệ giữa đôi bên, thì bạn đừng bỏ phí các cơ hội làm thân với đồng nghiệp. Để mở ra cánh cửa trái tim cố chấp đóng kín của đối phương, chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi cơ hội. Có người nói: “Vận khí tốt không sợ thua cuộc.” Bằng nỗ lực của mình, bạn sẽ có thể biến họa thành phúc.
3
ĐỪNG GÂY KHÓ DỄ CHO NGƯỜI KHÁC
“Được lí mà tha người” cũng chính là để lại đường lui cho chính mình
Mỗi người trong chúng ta đều có môi trường sống, giá trị quan, kinh nghiệm sống, trí tuệ... không giống nhau. Vậy nên, trong môi trường xã hội cạnh tranh khốc liệt ngày nay, sự tranh đấu luôn thường trực xảy ra – bất kể là tranh đấu lợi ích hay tranh đấu đúng sai.
Hầu hết chúng ta đều bị mắc kẹt trong một vòng tròn tranh đấu khổng lồ. Có những người bị cuốn theo nó mà không thể tự mình quyết định vận mệnh, một mặt vì thể diện, một mặt vì lợi ích. Cho nên một khi họ nắm được cái lí trong tay thì chừng nào chưa bức bách đối phương đến bước đánh trống thu binh hoặc giương cờ trắng đầu hàng, họ còn chưa chịu dừng lại. Đương nhiên “được lí không tha người” dù có giúp bạn ca khúc khải hoàn, nhưng nó cũng đồng thời là khúc dạo đầu cho trận chiến tiếp theo. Vì đối phương bại trận cũng đồng nghĩa với việc mất đi thể diện và lợi ích, tất nhiên anh ta phải tìm cách giành lại chúng.
Vì vậy chúng ta cần phải “được lí mà tha người”.
Đạo lí này có nghĩa là chừa cho đối phương một con đường lui, giữ lại cho anh ta thể diện. Đương nhiên đây cũng là chuyện khó thực hiện, nhưng nếu có thể làm được thì bạn sẽ được lợi rất nhiều.
“Được lí không tha người” chính là dồn đối phương vào đường cùng, có khả năng khơi dậy ý chí “ham sống sợ chết” của anh ta, khiến anh ta quẩn quá hóa liều, cục diện này chỉ khiến bạn chịu tổn hại mà thôi. Cũng giống như khi bạn nhốt một con chuột trong phòng, nó sẽ điên cuồng cắn phá đồ đạc, hi vọng tìm được đường thoát. Cho đối phương một đường lui, khi anh ta vội vã thoái lui sẽ không có thời gian hay tâm sức làm hại bạn.
Khi đối phương tự biết mình đuối lí, bạn đang ở thế “có lí” lại phóng khoáng giữ thể diện, không làm khó anh ta, vậy thì anh ta nhất định sẽ cảm kích bạn, sau này có cơ hội hẳn sẽ báo đáp bạn. Ngay cả khi đối phương không cảm kích bạn thì anh ta cũng không dám đối địch với bạn nữa. Đây chính là cuộc sống.
“Được lí không tha người” sẽ làm tổn hại đến đối phương, có thể đồng thời làm liên lụy đến gia đình anh ta, thậm chí là đẩy cuộc sống của anh ta vào đường cùng. Hành vi này là thất đức, ngược lại “được lí mà tha người” lại là việc làm tích đức.
Biển người mênh mông, nhưng người xưa có câu: “Oan gia ngõ hẹp.” Hôm nay bạn “được lí không tha người”, ai dám chắc lần sau gặp lại, đôi bên sẽ không đổi vị trí cho nhau? Nếu lúc đó đối phương có quyền thế, có năng lực hơn bạn, rất có thể anh ta sẽ tìm cách làm hại bạn. Cho nên mới nói “được lí mà tha người” cũng chính là để lại đường lui cho chính mình.
4
HÓA GIẢI CÔNG KÍCH BẰNG SỰ HÀI HƯỚC
Sự hài hước có thể làm giảm không khí căng thẳng, làm khó đối thủ và chuyển hóa vấn đề
Khi đương đầu với cuộc tấn công của đối thủ, bạn không nên “ăn miếng trả miếng” với họ. Hẳn bạn đã từng chứng kiến những người xuất chiêu hiểm độc, xuất ngôn sâu cay để cãi thắng bằng được đối thủ, nhưng cho dù đã giành phần thắng, họ vẫn mất nhiều hơn được. Ngược lại, hãy thử cách tranh luận hài hước, đây là một vũ khí tuyệt vời để chuyển hóa bầu không khí đối địch thành vui vẻ. Nhà tâm lí học Barbara MacKoff từng viết trong cuốn sách What Mona Lisa Knew: A Woman’s Guide to Getting Ahead in Business by Lightening Up (Tạm dịch: Bí mật của nàng Mona Lisa: Đây là chỉ dẫn của một người phụ nữ để bắt đầu kinh doanh bằng cách tỏa sáng) rằng sự hài hước cũng thể hiện quyền uy bởi nó có thể coi nhẹ hoàn cảnh khó khăn mà không xúc phạm đến đối phương. Nó cũng có thể hóa giải khúc mắc, đưa ra phản hồi và giành được sự đồng tình.
Khi Pate có mâu thuẫn với Randy – Giám đốc Điều hành hệ thống bệnh viện tư nhân mà cô làm việc, cô đã hiểu được đạo lí này. Pate rất sợ phải đến gặp Randy, bởi những lúc ấy cô đều cảm thấy mình sắp gặp rắc rối to. Vậy nên mỗi lần đến trụ sở tập đoàn tại Houston, Pate đều nhón chân đi thật khẽ qua văn phòng Giám đốc Điều hành, nhưng chưa một lần nào cô tránh thoát. Randy luôn đúng lúc ngẩng lên nhìn thấy cô và nói: “Pate à, cô vào đi!” Dù họ bắt đầu cuộc trò chuyện với bất cứ chủ đề nào, thì chỉ không quá mấy phút, Randy đã chuyển sang công kích Pate, Tổng giám đốc và cả tập đoàn. Thực chất những chuyện Randy nói cũng không hoàn toàn là chuyện ngoài lề không liên quan đến Pate, bởi Randy công kích cô chính là vì muốn cô không thể chịu nổi mà phải xin từ chức.
Suốt dọc đường từ Houston trở về Los Angeles, Pate cảm thấy tinh thần vô cùng sa sút, thậm chí cô còn bày tỏ với Tổng giám đốc rằng cô không bao giờ muốn đi đến trụ sở tập đoàn tại Houston một lần nào nữa. Thế nhưng Tổng giám đốc nghe xong lại gạt đi, ông nói: “Tôi hiểu Randy khiến cô rất khó chịu, nhưng rồi cô sẽ học được cách đối phó với kiểu người này.”
Sau đó Pate lại tới trụ sở tập đoàn ở Houston, vừa mới tiến vào cửa, cô đã nghe thấy Randy gọi: “Vào đi, Pate!” Có điều, lần này ngay khi vừa yên vị, Pate đã chủ động lên tiếng trước:
“Xin chào, Randy! Rất vui khi lại gặp anh, lần này chúng ta sẽ tranh luận về chuyện gì nhỉ?”
Randy kinh ngạc nhìn Pate: “Cô vừa nói gì cơ?”
“Mỗi lần tôi đến đây, chúng ta đều tranh cãi một trận, tôi đã sớm quen rồi.” Pate giải thích. “Cho nên tôi nghĩ chúng ta vào thẳng chủ đề luôn đi.”
Không ngờ Randy lại nhẹ nhàng nói: “Tôi không hiểu cô đang nói gì. Tôi lúc nào cũng rất vui khi gặp cô!”
Hai người tiếp tục nói chuyện, Randy đưa ra vài bình luận vô thưởng vô phạt, rồi đột nhiên anh ta quát lên: “Nói nhảm!”
Pate đáp lại bằng một giọng điệu nhẹ tênh đến chính cô cũng không tin nổi: “Ồ, xem ra đây là chủ đề chúng ta sẽ tranh luận hôm nay. Nãy giờ tôi còn đang đợi xem anh muốn nói về chuyện gì đấy!”
Randy trông như run lên, anh ta đã bị đẩy ra khỏi trò mèo vờn chuột quen thuộc: “Không, không, tôi không định tranh luận về chuyện này!”, anh ta phải nhượng bộ. Họ lại tiếp tục nói chuyện, Randy vẫn hết lần này đến lần khác khiêu chiến, nhưng Pate đều tránh đi. Suốt từ đầu đến cuối Pate đều bình tĩnh, như thể đã tìm ra chủ đề tranh cãi là mấy câu nói đệm của Randy. Cách làm của Pate đã vô hiệu hóa các đòn công kích của Randy. Hóa ra phương pháp này rất hiệu quả, Randy dần dần thôi công kích Pate, thậm chí về sau họ còn là bạn tốt của nhau.
Sự hài hước có thể làm giảm không khí căng thẳng, làm khó đối thủ và chuyển hóa vấn đề. Khi phương pháp lấy độc trị độc không hiệu quả, bạn có thể chuyển sang sử dụng các yếu tố hài hước, nó mang lại hiệu quả bất ngờ.
5
ĐỐI PHÓ VỚI ĐỒNG NGHIỆP CÓ ÁC Ý, THÍCH CHÂM CHỌC
Thái độ điềm tĩnh, khoan dung giúp bạn hóa giải sự thù địch và xây dựng hình tượng đẹp ở nơi làm việc
Khi gia nhập đội ngũ dân văn phòng, bạn sẽ còn phải lăn lộn ở chốn công sở mười mấy hai chục năm nữa cho tới lúc nghỉ hưu. Trong suốt chặng đường dài này, sẽ có lúc bạn gặp phải những đồng nghiệp có ác ý, luôn tìm cách gây khó dễ trong công việc. Bên cạnh đó, cũng có những đồng nghiệp thích châm chọc, luôn ngầm nhắc đến khuyết điểm của bạn với thái độ thiếu tôn trọng. Họ thường dùng những lời lẽ sâu cay để ngụy trang cho sự thù ghét của mình.
Để giữ gìn hòa khí chung cũng như không gây bất lợi cho sự nghiệp của bản thân, bạn không thể thổi bùng mâu thuẫn hoặc công khai không ưa những đồng nghiệp này ra mặt, cũng không thể cùng đối phương đối chất đúng sai, phải trái. Điều này đòi hỏi bạn phải khoan dung, rộng lượng với đối phương, dùng thái độ “đối phương nói mình sai, nếu bản thân sai thật thì tiếp thu và sửa đổi, nếu không sai cũng tiếp thu và coi đó là lời cảnh tỉnh” để đáp lại. Đồng thời, bạn hãy dùng thái độ tích cực biến chuyện xấu thành chuyện tốt, cải thiện mối quan hệ với đồng nghiệp, lấy đó làm động lực phát triển bản thân. Bạn có thể tham khảo một số phương pháp dưới đây:
Soi xét lại bản thân
Khi đồng nghiệp có ác ý, bạn không cần tức giận. Hãy coi đó như một lần phản tỉnh bản thân, soi xét lại trong quá trình làm việc và giao lưu, bạn có hành động nào khiến đối phương phản cảm hay không. Qua đây, bạn hãy học cách khéo léo lựa lời khi nói chuyện, tránh những phát ngôn thiếu suy nghĩ khiến người khác hiểu lầm, hạn chế nói chuyện riêng ở văn phòng.
Đồng nghiệp đối địch sẽ tìm cách hạ bệ bạn trên một vài phương diện nhằm khiến những người khác nghi ngờ năng lực, thành tích của bạn. Lúc này cách chứng minh tốt nhất chính là hãy cố gắng làm tốt hơn nữa công việc của mình, chứ không phải là phí sức đôi co với đối phương.
Truyền lời qua người trung gian để chấm dứt sự thù địch của đối phương
Bạn có thể thông qua một đồng nghiệp thân thiết của người kia hoặc một người trung gian mà đôi bên đều tin tưởng để chuyển thông điệp “răn đe” hay “hòa giải” của mình.
Cách làm này có thể là một mũi tên trúng hai đích, vừa giải thích rõ với đối phương cách nghĩ, cách làm của bạn, giúp đối phương hiểu được chân tướng sự tình và xóa bỏ hiểu lầm giữa đôi bên. Đồng thời cũng cho đối phương biết rằng bạn đã biết hết những việc anh ta đang làm, từ đó ngầm cảnh cáo đối phương hãy biết dừng lại trước khi sự việc đi quá xa. Ngược lại, nếu bạ ai bạn cũng nói thì sẽ thành phản tác dụng Chưa biết có thể đến được tai đối phương hay không, nếu vào tai những người không thật sự biết về bạn thì càng khiến họ hiểu sai về con người bạn.
Thẳng thắn thừa nhận sai lầm
Trong quá trình làm việc chung, có thể bạn đã vô tình có lời nói hoặc hành động làm mất lòng hay tổn thương đồng nghiệp, hoặc bạn chưa hoàn thành tốt công việc của mình, làm ảnh hưởng đến công việc của đối phương. Khi ấy, bạn hãy thẳng thắn và thành thật xin lỗi đồng nghiệp đó.
Chỉ cần bạn mạnh dạn nhận trách nhiệm và giải thích lí do, chắc chắn đồng nghiệp sẽ hiểu và thông cảm cho lỗi lầm của bạn.
Hóa giải những công kích công khai
Trong văn phòng, khi mọi người đang vui vẻ trò chuyện, rất có thể một đồng nghiệp xấu tính sẽ công khai châm chọc bạn về một vấn đề nào đó. Lúc này, bạn không nên nổi giận ngay lập tức. Hãy khéo léo chuyển hướng chủ đề từ chuyện của cá nhân bạn sang chuyện của công ty hoặc quy trình công tác... Nếu bạn đã đổi chủ mà anh ta vẫn không ngừng xỏ xiên bạn, vậy thì bạn không cần để tâm đến người này nữa, chuyển sang nói chuyện với những đồng nghiệp khác như thể không có sự hiện diện của anh ta. Không thấy bạn đáp lời, đồng nghiệp này sẽ nhanh chóng chán nản mà bỏ cuộc. Hoặc bạn cũng có thể châm chọc lại anh ta mấy câu bằng thái độ bông đùa, như vậy sẽ làm giảm không khí căng thẳng, đối phương cũng sẽ không thể công kích thêm.
Trao đổi riêng với đồng nghiệp ác ý
Có những người thích châm chọc người khác và tự cho như thế là đùa vui. Họ không ý thức được lời nói và hành động của mình có thể khiến ngưòi khác phản cảm, tổn thương hoặc vướng vào rắc rối.
Đối với trường hợp này, bạn có thể gặp riêng đối phương để nói ra cảm xúc thật của mình một cách chân thành nhất, mong anh ta ngừng lại hành vi tiêu cực của mình để giữ hòa khí đôi bên.
Khiến đối phương trở thành đồng đội của bạn
Đồng nghiệp có ác ý hay thích châm chọc bạn có thể là vì đối phương chưa hiểu rõ về bạn. Khi có cơ hội, hãy cho anh ta biết tình hình công việc của bạn, mời anh ta gia nhập đội ngũ của bạn, hoặc cùng bạn đưa ra một kiến nghị chung. Khi cộng tác, hãy khuyến khích đồng nghiệp phát biểu ý kiến đóng góp cho công việc chung, đừng tự mình đưa ra kết luận mà không bàn bạc cùng anh ta. Khi đã biết rõ hơn về bạn, đối phương sẽ tự động xóa bỏ hiểu lầm và ngừng lại những hành động tiêu cực.
6
KHIÊM TỐN ĐỂ TRÁNH GÂY HIỀM KHÍCH
Khi giao lưu, hãy giữ thái độ khiêm tốn trước những ý kiến trái chiều, những nhận xét, góp ý của người khác
Luôn có những người không muốn lắng nghe ý kiến của người khác. Trong mắt những người này, bản thân họ là nhất, luôn cho mình tài giỏi hơn người và lúc nào cũng ra vẻ ta đây. Cho dù bạn vô cùng tài năng và có bản lĩnh, cũng tuyệt đối không nên có kiểu thái độ này. Bởi như vậy về cơ bản, bạn đã không cho người khác cơ hội thể hiện mình. Hơn nữa bạn nghênh ngang, tự đắc như vậy, mọi người sẽ cảm thấy bức bối, ngột ngạt, không muốn hợp tác, cũng không muốn giao lưu cùng bạn. Tất cả bạn bè, đồng nghiệp đều không ai tình nguyện góp ý giúp bạn, càng không muốn cho bạn lời khuyên vào lúc quyết định. Những người tự cao tự đại sẽ chẳng có ai muốn thân cận, thậm chí là còn cảm thấy chán ghét. Cho nên những người này phải học cách tự mình biết mình là ai, dần thay đổi thói quen xấu đó.
Bạn phải hiểu rằng, phần lớn chủ đề thường nhật mà chúng ta trò chuyện với nhau không phải là những vấn đề học thuật, khoa học kĩ thuật, chính sách ngoại giao... cho nên cũng không cần phải phân định đúng sai rạch ròi hay quá chi tiết. Do đó ý kiến của bạn không nhất định là chính xác tuyệt đối, còn ý kiến của người khác cũng chẳng phải sai hoàn toàn. Kể cả khi bạn thực sự thông minh vượt trội, muốn đưa ra kiến giải cao siêu của mình, cũng không thể chẳng nể nang ai mà nói ra. Hơn nữa, giữa bạn bè và đồng nghiệp, chủ đề trao đổi đều là những câu chuyện thường ngày của cuộc sống, không cần quá hao tâm tốn sức nghiên cứu và tranh biện. Chúng ta trò chuyện là để tâm sự, chia sẻ, cho nên không cần nghiêm túc, khuôn khổ, mọi người cười nói, trêu đùa nhau thì càng vui. Vì vậy khi giao lưu, bạn đừng mang tâm thái “ta đây biết tuốt”, tự cho mình là thông minh, càng đừng tùy tiện chỉ bảo người khác. Cho dù những điều bạn thuyết giảng đều dựa trên một số kiến giải nhất định thì mọi người vẫn khó có thể vui vẻ tiếp nhận. Nếu muốn chia sẻ quan điểm của mình, bạn nên dùng giọng điệu uyển chuyển thay vì khẩu khí lên gân và áp đặt, có như vậy người nghe mới dễ dàng đồng thuận. Vậy nên tốt nhất bạn hãy giữ thái độ khiêm tốn để tránh làm mất lòng người khác, gây hiềm khích không đáng có.
Trên phương diện xã giao, khi đồng nghiệp góp ý cho bạn về ý tưởng, đối sách nào đó, nếu không thể lập tức tán thành thì ít nhất bạn cũng nên thể hiện rằng mình sẽ xem xét kĩ những ý kiến này. Khi trò chuyện cùng bạn bè cũng vậy, bạn cần chú ý đừng khăng khăng cho rằng ý kiến của mình là đúng, nếu không sẽ rất dễ biến một buổi trò chuyện thú vị thành vô vị. Nếu thực sự đối phương đã nói sai mà nhất thời không chịu đính chính hay tiếp nhận góp ý của bạn, thì bạn cũng nên nhường đối phương một bước, không cần lập tức làm rõ đúng sai, đợi một thời gian sau nhắc lại cũng chưa muộn. Nếu cả hai cùng cố chấp, khăng khăng bảo vệ ý kiến của bản thân, thì cũng không giải quyết được vấn đề, hơn nữa còn làm tổn hại đến tình cảm đôi bên.
Mục đích trò chuyện là để lắng nghe ý kiến của nhau, xem suy nghĩ, kiến giải của những người khác về chủ đề đang nói đến là gì. Điều này giúp các bên tăng cường hiểu biết lẫn nhau, giúp mọi người cảm thấy được quan tâm và chia sẻ. Nếu thấy ý kiến, quan điểm của đối phương không giống mình, bạn vẫn có thể học hỏi từ đó, tinh thần cầu tiến này cũng sẽ khiến đối phương thấy cảm kích và thỏa mãn.
Để giữ gìn hòa khí trong mọi mối quan hệ, bạn nên học cách khiêm tốn, đừng quá kiêu ngạo. Hãy thường xuyên lắng nghe ý kiến của những người khác, đừng bảo thủ giữ khư khư quan điểm của mình. Cư xử như vậy mới là hợp tình hợp lí, khiến mọi người có ấn tượng rằng bạn có hiểu biết, lễ độ và có thể giao lưu.
7
TRÁNH BÀN LUẬN VỀ KHIẾM KHUYẾT CỦA NGƯỜI KHÁC
Làm thế nào để trong khi trò chuyện tránh lạm bàn đến khiếm khuyết của người khác là một môn học trong nghệ thuật giao tiếp
Người xưa đã dạy: “Sự vô hoàn mĩ, nhân vô thập toàn”, nghĩa là: Sự việc hay con người đều có khiếm khuyết, không thể hoàn mĩ. Ai cũng có sở trường, đồng thời cũng có sở đoản. Làm thế nào để trong khi trò chuyện tránh lạm bàn đến khiếm khuyết của người khác chính là một môn học trong nghệ thuật giao tiếp.
Đối với khuyết điểm của người khác, mỗi người lại có cách hành xử khác nhau. Có những người, trong lúc trò chuyện thường cố gắng đề cập đến ưu điểm của đối phương nhiều nhất có thể, đồng thời hết sức chú ý để không nhắc đến khuyết điểm của người đó. Lại có người rảnh rỗi sinh sự, thích đem khiếm khuyết của người khác ra bình phẩm, thường xuyên tô vẽ, phóng đại nhược điểm của đối phương để mua vui. Có người bình thường không cố ý soi mói, bới móc khiếm khuyết của người khác, lúc “buôn” chuyện vô tình lỡ lời nói ra mà thôi.
Ứng xử với khuyết điểm của người khác theo những cách khác nhau tất nhiên sẽ đưa đến những kết quả hoàn toàn khác nhau. Tránh nói đến khiếm khuyết sẽ tạo ra bầu không khí trò chuyện vui vẻ, hòa ái và cũng dễ dàng xây dựng quan hệ tốt đẹp với đối phương. Thích nói về khuyết điểm sẽ tổn thương lòng tự trọng của đối phương, phá hỏng mối quan hệ tích cực, sẽ bị mọi người chán ghét. Không cẩn thận nói ra khiếm khuyết của người khác, cho dù chỉ vô tình làm tổn thương đối phương nhưng cũng khiến mọi người hoài nghi dụng ý của bạn, dễ gây ra hiểu lầm và bài xích. Cho nên, khi trò chuyện với những người khác, chúng ta phải hết sức tránh nói về khuyết điểm của họ.
Thế giới rộng lớn như vậy, cuộc sống nhiều màu như thế, chủ đề mà chúng ta có thể đem ra bàn luận nhiều không kể hết, vậy sao còn phải đem khiếm khuyết của người khác ra bàn tán? Những điều chúng ta biết về người khác chưa chắc đã đầy đủ, có thể đằng sau đó còn có ẩn tình mà đối phương khó có thể sẻ chia. Hoặc có chuyện chúng ta chỉ được nghe từ một phía, như vậy rất có thể sự thật đã bị đổi trắng thay đen, lẫn lộn đúng sai. Nếu chúng ta kể lể, bình phẩm về những điều này với nhiều người, hậu quả thế nào hẳn ai cũng dự đoán được. Sau khi sự tình được làm rõ, dù không muốn, bạn vẫn phải ra mặt sửa chữa sai lầm, tìm đến những người từng nghe chuyện để cải chính. Vì vậy, với những chuyện mà chúng ta không hiểu tường biết tận, tốt nhất đừng tùy tiện bàn luận.
Ngoài ra, nếu có ai đó đưa chuyện với chúng ta về khiếm khuyết của người khác, chúng ta nên ứng xử như thế nào? Cách tốt nhất là nghe đâu biết đấy, không nên quá tin, cũng đừng loan truyền rộng rãi. Đồng thời nên nhắc nhở người buôn chuyện cẩn thận lời nói, tìm hiểu kĩ sự tình trước khi phát ngôn.
Khi nhiều người tụ tập, muốn tìm một chủ đề để “buôn” chuyện cho xôm tụ là điều dễ hiểu. Trăng sao trên trời, hoa cỏ dưới đất, tòa nhà trước mặt, mặt hồ phía sau, thời sự hôm qua, thời tiết hôm nay... có rất nhiều đề tài để bàn luận, có thể tự do lựa chọn. Hãy tránh bàn tán về sở trường, sở đoản của người khác, giao lưu một cách tích cực, lành mạnh. Có như vậy mọi người mới muốn kết thân, chia sẻ về mình với bạn.
8
KHÔNG CÓ KHÚC MẮC NÀO LÀ KHÔNG THỂ GIẢI QUYẾT
Nếu có thể thẳng thắn đối diện và tích cực hóa giải mâu thuẫn, đôi bên vẫn có thể hòa hảo như lúc ban đầu, thậm chí mối quan hệ còn tốt đẹp hơn trước
Đồng nghiệp cùng làm việc trong một công ty cần tiếp xúc với nhau hàng ngày. Tính cách, quan điểm của mỗi người là khác nhau, vì vậy sẽ có lúc xảy ra mâu thuẫn. Những xích mích giữa đồng nghiệp có lúc là xung đột trực diện, có lúc lại là va chạm sau lưng, có lúc công khai, có khi ngấm ngầm, tích tụ lại sẽ dẫn đến các khúc mắc lớn nhỏ khác nhau.
Các đồng nghiệp có mâu thuẫn vẫn có thể giao lưu bình thường với nhau. Bất cứ khúc mắc nào cũng bắt nguồn từ một sự việc cụ thể. Sau khi sự việc qua đi, những khúc mắc này có thể tiếp tục để lại dư âm, nhưng qua thời gian, nó sẽ tự động phai mờ. Vì vậy bạn không cần quá lo lắng về những xích mích nhỏ trong quá khứ. Chỉ cần bạn không quan trọng hóa những vấn đề này, đối phương cũng sẽ bỏ qua chuyện cũ.
Cho dù đồng nghiệp vẫn có thành kiến nhất định với bạn, điều này cũng không cản trở bạn qua lại với đối phương. Mục đích chúng ta giao lưu với đồng nghiệp không phải là để xây dựng tình bằng hữu hay tình bạn, mà đơn thuần là để thực hiện công việc chung. Vậy nên đôi bên có mâu thuẫn cũng không phải vấn đề gì lớn, chỉ cần hợp tác hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Vì bạn và đồng nghiệp cùng hưởng chung lợi ích, cho nên cộng tác thế nào, kết quả công việc thành hay bại đều ảnh hưởng trực tiếp đến cả hai. Nếu đối phương là người thông minh, anh ta tự nhiên cũng sẽ nhận thức được việc này và cố gắng hợp tác với bạn. Ngược lại, nếu đối phương không có thái độ thiện chí thì trong quá trình làm việc chung, bạn hãy tìm cơ hội phân tích cho anh ta hiểu điều này và cải thiện quan hệ giữa hai bên.
Việc đồng nghiệp xảy ra mâu thuẫn với nhau không có gì đáng ngại. Miễn là chúng ta có thể thẳng thắn đối diện và tích cực hóa giải xích mích thì đôi bên vẫn có thể hòa hảo như lúc ban đầu, thậm chí mối quan hệ còn có thể được cải thiện để trở nên tốt đẹp hơn trước.
Để hóa giải mâu thuẫn với đồng nghiệp, bạn nên chủ động gạt bỏ thành kiến, đối xử với đối phương bằng thái độ tích cực, thân ái, hoặc ít nhất cũng tôn trọng như với những người khác. Ban đầu, có thể đối phương vẫn giữ tâm lí đề phòng, sợ rằng đây là cái bẫy bạn giăng ra mà tránh né sự tiếp cận của bạn. Bạn hãy kiên nhẫn, cho đối phương thời gian để nguôi ngoai oán hận khi xưa. Chỉ cần bạn kiên trì đối xử với họ bằng thái độ thiện chí, từng chút từng chút thu hẹp khoảng cách giữa đôi bên, mâu thuẫn sẽ tiêu tan như chưa từng có.
Brenda là giám đốc nhân sự của một công ty hàng không. Cô đang ấp ủ thực hiện một dự án vô cùng quan trọng. Cản đường Brenda hoàn thành kế hoạch là anh chàng Todt – Giám đốc Dự toán của công ty. Todt kiểm soát chặt chẽ dự toán tài chính mà Brenda đưa ra, thậm chí còn “chỉ bảo” cô phải dùng tiền như thế nào.
Trong một cuộc họp của Hội phụ nữ công ty, hội trưởng Mary khuyên Brenda hòa hảo với Todt nhưng cô không tán thành. Cô nói: “Tôi không thể nào chịu nổi anh ta. Anh ta đúng là đồ ngang ngược chuyên ỷ thế ép người.”
Mary tiếp tục phân tích cho Brenda thấy tính cách và công việc là hai phạm trù khác nhau: “Có thể Todt là một người ngang ngược, nhưng cô phải hiểu rằng nếu muốn thực hiện kế hoạch của mình thì cô cần có kinh phí, đồng nghĩa với việc cô cần anh ta phối hợp với mình.”
Mary càng nói càng hăng, Brenda miễn cưỡng nhận lời sẽ thử làm hòa với Todt. Ba tháng sau, Mary đến gặp Brenda và nhận thấy cô đã biết cách làm việc với người mình không hòa hợp. “Tôi bắt đầu kết thân với Todt,” Brenda nói. “Tôi giúp anh ta giải quyết một vấn đề nhân sự hóc búa, sau đó có mấy lần chúng tôi còn ăn trưa cùng nhau. Anh ta không phải là người tôi thích giao lưu nhiều. Nhưng nếu có anh ta ủng hộ, hạng mục kia của tôi sẽ được triển khai thuận lợi.”
Nếu đó là mâu thuẫn có ngọn nguồn sâu xa, bạn có thể chủ động nói chuyện cùng đồng nghiệp, xác nhận xem bạn có từng làm mất lòng hay gây tổn thương cho đối phương hay không. Để làm được điều này đòi hỏi bạn phải thực tâm mong muốn hòa hảo với đối phương để giải quyết tốt các công việc chung. Chúng tôi từng chứng kiến nhiều người ngồi lại để hòa giải nhưng trong quá trình trò chuyện, họ càng bảo thủ về ý kiến của bản thân, khiến sự tình thêm nghiêm trọng.
Khi nỗ lực thực hiện những việc trên thì về cơ bản, bạn đã có thể hóa giải mâu thuẫn với đồng nghiệp. Nếu gặp phải người cố chấp, cho dù bạn cố gắng hòa giải, đối phương vẫn không đồng ý làm hòa, vậy thì bạn cũng không cần phải buồn bã. Đối với kiểu người cứng đầu, cố chấp này, không mấy ai có thể đả thông tư tưởng. Vấn đề không nằm ở bạn, hãy bỏ qua nó để tập trung làm tốt công việc của mình, không cần để ý đến đồng nghiệp đó nữa.
9
HÒA HỢP VỚI ĐỒNG NGHIỆP KHÓ ƯA
Đồng nghiệp có xích mích vẫn có thể hợp tác với nhau, chỉ cần bạn biết cách xóa bỏ hiềm khí
Nhìn chung, giữa đồng nghiệp có xảy ra xích mích, va chạm, có khoảng cách, có đề phòng... cũng là chuyện thường thấy nơi công sở. Nhưng tuyệt đối đừng đẩy quan hệ “không ưa” này thành “đối đầu”, thậm chí là cục diện không đội trời chung “một núi không thể dung hai hổ”. Không ưa nhau vẫn có thể cùng hợp tác, nhưng chắc chắn khi đã đối đầu thì hít thở chung bầu không khí còn khó, nói gì đến chuyện làm việc cùng nhau. Vì vậy, để không “gây thù chuốc oán” với đồng nghiệp, chúng ta phải nắm chắc những biện pháp dưới đây:
Tìm ra điểm tích cực trong những lời chỉ trích
Nếu có đồng nghiệp thẳng tay công kích những sai lầm của bạn trong công việc, ngay cả khi bạn không vui, cũng tuyệt đối không tranh cãi tay đôi cùng đối phương. Hãy đứng trên góc độ tích cực để nhìn nhận những lời chỉ trích, phê bình này. Như vậy, không những bạn có thể sửa đổi sai lầm mà còn tránh được cục diện cả giận mất khôn, trở mặt thành thù không cần thiết.
Quan tâm đến thành tựu của đồng nghiệp
Quan tâm đến thành tích của đồng nghiệp cũng là cách biến thù thành bạn. Thể hiện bạn thực lòng tán dương thành tựu của đồng nghiệp cũng là một cách hay để biểu thị sự tôn trọng của bạn dành cho đối phương. Nếu đồng nghiệp thích khoe khoang thành tích công việc không mấy liên quan đến anh ta, bạn cũng vẫn nên chú ý lắng nghe và đừng quên chúc mừng. Như vậy bạn sẽ giành được thiện cảm của người đồng nghiệp này.
Bỏ ngoài tai lời khiêu khích
Những câu khiêu khích, gây hấn, dọa dẫm như: “Anh nghĩ anh giỏi hơn tôi à?”, “Người gì mà ngay cả mấy kiến thức nền tảng cũng không biết”, “Thách đấy!”... đều là những câu nói nhằm khiêu chiến, là mồi lửa dẫn đến xích mích. Nếu bạn không thể nhẫn nhịn, đôi bên tất sẽ dẫn đến xung đột. Nhưng nếu bạn có thể bỏ ngoài tai những câu này thì nghĩa là bạn đã không cho đối phương cơ hội khiêu khích, giảm khả năng trở mặt thành thù giữa đôi bên.
Cho đồng nghiệp biết bạn “dựa dẫm” vào họ
Mọi người đều hi vọng bản thân là chỗ dựa cho người khác. Việc bạn thể hiện cho đối phương thấy anh ta chính là “hậu phương” vững chắc của bạn, cũng đồng nghĩa với việc bạn đề cao địa vị của anh ta, thỏa mãn lòng tự tôn của anh ta. Điều này sẽ giúp đôi bên tránh được những hiểu lầm tai hại, giảm thiểu nguy cơ gây thù chuốc oán sau này.
Coi trọng ý kiến của đồng nghiệp
Khi có đồng nghiệp tìm đến bạn và chân thành góp ý về một phương diện nào đó trong công việc, bạn hãy chăm chú nghe đối phương nói hết suy nghĩ, sau đó nhắc lại những điểm mấu chốt để đối phương thấy bạn rất coi trọng và biết ơn ý kiến của anh ta. Bạn cũng có thể liên hệ các công việc sắp tới với ý kiến ấy để đối phương thấy được bạn đặc biệt tôn trọng anh ta, rất ghi nhận và cảm kích góp ý của anh ta với công việc của bạn.
Khi đồng nghiệp chỉ ra lỗi sai của bạn, bạn nên thể hiện rằng bản thân vô cùng cảm kích hành động ấy. Đồng thời hãy khen ngợi góp ý của anh ta là “thuốc đắng dã tật” đối với bạn và coi anh ta là bạn quý vì “người chỉ ra sai lầm cho ta chính là bạn ta”. Ngoài ra, chủ động tiếp thu ý kiến đóng góp cũng là cách để đối phương sớm kết thúc câu chuyện, tránh vì bạn không chịu nhận lỗi mà chuyện bé xé ra to, càng nói càng hăng.
Chú ý mức độ thể hiện bản thân trong công việc
Hãy thể hiện cho đồng nghiệp thấy năng lực công tác của bạn nhưng đừng “phô trương thanh thế” quá mức. Đừng khoe khoang thành tích của bản thân, tránh tìm cách để trở nên quá nổi bật trong công việc, khiến đồng nghiệp đố kị và coi bạn là đối thủ cạnh tranh mạnh nhất mà tập trung đối phó.
Thận trọng trong lời nói
Chỉ lên tiếng khi đã hiểu rõ sự việc, không phát ngôn hàm hồ. Cũng không nên lạm bàn chuyện thị phi của đồng nghiệp và lãnh đạo, tránh bị người khác lợi dụng, truyền đạt sai để người nghe hiểu sai ý của bạn, phá hoại quan hệ tốt đẹp giữa bạn và cấp trên cũng như đồng nghiệp.