“Không được có bụng hại người, nhưng phải có tâm phòng người.” Hãy xem đồng nghiệp như đối thủ cạnh tranh, khi xử thế phải cẩn trọng như đi trên băng mỏng mới tránh bị người ta đâm lén sau lưng. Mắt luôn nhìn bốn phương, tai thường nghe tám hướng, mới có thể tránh bị thua thiệt.
1
ĐÂM THẲNG DỄ TRÁNH, ĐÁNH LÉN KHÓ PHÒNG
Không được có bụng hại người nhưng ắt phải có tâm phòng người
Khi khuyên nhủ lớp trẻ, những người đi trước thường nói: “Không được có bụng hại người nhưng ắt phải có tâm phòng người.”
Trong cuộc sống, chúng ta “không được có bụng hại người”. Tuy nhiên khi xông pha ngoài xã hội, chỉ như vậy thôi là chưa đủ, còn phải “có tâm phòng người” mới được.
Người xưa có câu: “Đâm thẳng dễ tránh, đánh lén khó phòng.” Không ai muốn hại bạn lại chạy đi thông báo với bạn trước khi ra tay. Ví dụ, có người vì muốn thăng chức, sẽ tìm cách loại bỏ các đối thủ cạnh tranh khác. Có người vì sinh tồn, không ngần ngại bán đứng bạn bè. Có người vì bị dồn vào đường cùng liền bất chấp tất cả, không màng tới ai.
Trong những năm tháng lăn lộn ở chốn công sở, bạn khó tránh khỏi sẽ có lúc bị bán đứng, thù ghét, tấn công hay hãm hại... Nếu có thể dự liệu trước những việc này, từng bước phòng tránh nó thì sự nghiệp của bạn sẽ càng thuận buồm xuôi gió.
Khi tiếp xúc với những đồng nghiệp cùng cương vị công tác, bạn phải học được kĩ xảo tiến lui ứng đối giữa người với người. Tự bản thân bạn phải biết dự liệu trước, nếu mình hành động thế này thì đối phương sẽ đáp lại thế nào.
Vậy bạn cần làm gì để đề phòng đối phương đánh lén? Đầu tiên, cần phải tăng cường cẩn trọng để người khác không nắm thóp bạn. Tại môi trường công sở, bạn cần tránh để lộ nhược điểm trong tính cách, không được dễ dàng tiết lộ tham vọng và ý đồ của bản thân, không để lộ ý muốn cạnh tranh, không gây hiềm khích với người khác, cũng đừng nên quá thẳng thắn... Khi người khác không thể bắt bẻ nhược điểm của bạn, họ sẽ không có cơ hội lợi dụng hay hãm hại bạn.
Tiếp theo, cần ngăn chặn đối phương chơi xấu. Khi ai đó bỗng dưng tỏ rõ thiện chí với bạn, hoặc mời gọi bạn cùng hợp tác, hãy cân nhắc ý đồ thực sự của đối phương. Hãy phân tích cách ứng xử của người này với bạn trong quá khứ, liên hệ với tình hình của cả hai ở hiện tại, bạn có thể nhìn ra mục đích của đối phương.
Cuối cùng, không ai có thể hoàn toàn ngăn cản được địch ý của người khác, vì vậy bạn chỉ cần chú ý cảnh giác là được.
Tuy nhiên, nếu như vì muốn cẩn trọng mà bạn xa cách mọi người thì lại thành phản tác dụng. Khi đó bạn sẽ trở thành mục tiêu loại trừ của những người khác. Nhưng bất luận thế nào, “phòng người” vẫn luôn là điều tối cần thiết.
Là dân công sở, bạn sẽ phải chịu uy hiếp từ các phía. Đa số những uy hiếp này là biểu hiện ngấm ngầm, bạn rất khó nhìn ra và chủ yếu đến từ các đồng nghiệp. Ở văn phòng, rất nhiều người cư xử hòa nhã, nói cười vui vẻ với bạn. Bạn coi họ là những người thân thiết nhất với mình, chuyện vui chuyện buồn, sở thích sở ghét đều dốc bầu tâm sự, chia sẻ. Nhưng có những người lại không hề đáp lại tấm chân tình của bạn. Ngược lại, bởi vì họ biết quá rõ về bạn, cho nên họ phân tích điểm yếu của bạn và lợi dụng chúng để làm hại bạn. Tất cả lời nói, hành động của những đồng nghiệp có ý xấu khi tiếp xúc với bạn đều là cái bẫy. Phải đến khi chịu tổn thương, bạn mới nhận ra điều này.
Trên thương trường, trong giới kinh doanh, bên ngoài bắt tay hợp tác, bên trong đấu đá lẫn nhau là câu chuyện không còn hiếm lạ. Nếu muốn thành công, bạn phải luyện được khả năng đọc vị người khác, xem tâm tư của họ đối với bạn có phải là bên ngoài thân thiết, bên trong đâm lén hay không. Bạn phải nhớ kĩ, thế giới này không phải lúc nào cũng có tình thân, tình bạn ấm áp gọi mời, có nhiều khi và trong nhiều trường hợp đó chỉ là những ảo ảnh dối trá và lừa gạt.
Bên cạnh bạn có lẽ sẽ có rất nhiều người đối đãi với bạn rất tốt, thề thốt chắc nịch, hứa hẹn cùng bạn chung lưng đấu cật, hợp tác lâu dài để cùng tạo lập một chân trời nghề nghiệp mới.
Trong hoàn cảnh này, bạn có thể sẽ cảm thấy hoang mang, bởi vì bạn không thể nào biết được đâu là thật, đâu là giả. Thế nhưng, chỉ cần chú ý quan sát và thể nghiệm, bạn sẽ rất dễ dàng phân biệt được thật giả. Hãy chú ý những điểm sau:
• Khi trao đổi cùng bạn, đối phương sẽ chăm chú lắng nghe và đáp lại một cách chân thành, hay mất tập trung, có lúc như đang trầm ngâm suy nghĩ? Nếu là trường hợp sau, vậy thì nhiều khả năng đối phương là người lòng dạ khó lường. Tất nhiên, bạn còn cần quan sát kĩ lời nói và hành động của đối phương, đồng thời nhìn vào mắt anh ta để xem biểu cảm. Đôi mắt không biết nói dối;
• Hãy nhớ kĩ lại xem, khi bạn vô tình hay hữu ý muốn ngừng chia sẻ về chuyện của bản thân, đối phương có khéo léo dẫn dắt bạn quay lại chủ đề này hay không? Và những gì bạn nói tiếp sau có dễ dàng trở thành bằng chứng chống lại bạn hay không?
• Nếu bạn tình cờ biết được ai đó luôn dò hỏi người thân, bạn bè hay đồng nghiệp về chuyện của mình, vậy thì tốt nhất là bạn nên tránh xa họ;
• Có một số người tỏ ra thân thiện thái quá. Họ hưởng ứng mọi lời bạn nói, bật cười với mỗi câu chuyện bạn kể. Nếu đây không phải là người mà bạn vốn có quan hệ thân thiết, vậy thì bạn cũng nên chú ý cẩn thận.
Nếu có chuyện gì đó khó giữ trong lòng, không nói ra sẽ thấy bứt rứt, vậy thì bạn nên tìm một người có thể tin tưởng, như bố mẹ, vợ chồng, bạn bè thân thiết để tâm sự. Điều này sẽ giúp giải tỏa cảm xúc trong lòng, đồng thời bạn cũng không phải lo lắng về việc tâm tư của mình sẽ bị người không đáng tin nghe được.
2
TIÊN HẠ THỦ VI CƯỜNG, HẬU THỦ VI TAI ƯƠNG1
Đối với việc phòng ngừa và phản kích những kẻ đóng vai trò “tai mắt”, nếu muốn chiến thắng và lật ngược tình thế, bạn không thể là người bị động
Khi thực hiện công việc chung, khó tránh khỏi có lúc giữa bạn và đồng nghiệp sẽ xảy ra xích mích. Nếu bạn “gây thù chuốc oán” với một kẻ tiểu nhân, đối phương rất có thể sẽ đi tìm sếp để “mách tội” bạn.
Nhìn chung, nhóm “săn tin” thích “mật báo” đều đầu tư nghiên cứu để ảnh hưởng của tin tức thêm phần tiêu cực. Sau nhiều lần làm hại người khác, những người này đã dần đúc rút ra quy luật hành động. Đó là ấn tượng đầu tiên thường rất sâu sắc, một khi đã hình thành thì sẽ trở thành một loại định thức tư duy. Ví dụ, bình thường A không có ấn tượng gì đặc biệt về B, không thích mà cũng không ghét. Lúc này, lại có người nói với A rằng B hành xử không đúng mực, đạo đức bại hoại… Vậy thì cho dù A không tin lời của người kia, nhưng thẳm sâu trong lòng vẫn là đặt dấu hỏi lớn về nhân phẩm của B và dần có tâm lí chán ghét B. Sau đó cho dù bản thân B hay một người khác muốn biện hộ cho B, rằng B có nhân phẩm đàng hoàng, hành xử đứng đắn, những lời kia rõ ràng để nhằm bôi nhọ B thì cũng đã quá muộn. Bởi vì những luận điểm này mâu thuẫn với ấn tượng đầu tiên, cho nên người ta rất khó tiếp nhận nó. Trừ khi ấn tượng về sau đặc biệt mạnh mẽ hay lặp đi lặp lại nhiều lần mới có thể thay đổi hoặc làm nhạt đi ấn tượng đầu tiên.
1 Tiên hạ thủ vi cường, hậu thủ vi tai ương: Ra tay trước sẽ giành được lợi thế, trở thành kẻ mạnh; ra tay sau sẽ chịu phần thua thiệt, bất lợi.
Những người hay “mật báo” thường nắm chắc đặc điểm này trong tâm lí và tư duy của con người, luôn cố gắng vượt lên trước và đánh đòn phủ đầu. Mà những người bị trúng “ám tiễn” thường là do lơ là phòng bị, đến khi đối phương ra tay lại không kịp xoay sở, cho nên bị đẩy vào thế bất lợi. Có một số nạn nhân không có cơ hội để biện giải, cứ thế chịu tiếng xấu.
Vậy nếu người bị hại có thể sớm vô hiệu hóa thủ đoạn của kẻ xấu, tích cực và chủ động đề phòng, hoặc có thể nghe ngóng động tĩnh, thì liệu có thay đổi được cục diện hay không? Đối với việc phòng ngừa và phản kích lại những kẻ đóng vai trò “tai mắt”, nếu muốn chiến thắng và lật ngược tình thế, bạn không thể là người bị động.
Hãy xem xét ví dụ dưới đây.
Vào thời Hán Cảnh Đế, Triều Thác là quan Nội sử, rất được nhà vua tin dùng. Ông đã mạnh dạn đưa ra rất nhiều chính sách cải cách. Vì những cải cách của Triều Thác xâm hại lợi ích của Thừa tướng Thân Đồ Gia nên ông ta luôn nghĩ kế hãm hại Triều Thác. Phủ đệ của Triều Thác ngăn cách với bên ngoài bằng một đoạn tường quây nằm gần Thái miếu Tiên hoàng, ra vào rất bất tiện, cho nên Triều Thác bèn trổ hai cửa ở phía nam bức tường này. Thân Đồ Gia biết chuyện, muốn lợi dụng việc này để dâng tấu cáo trạng Triều Thác tội khi quân vì dám chiếm tường Thái miếu làm cửa, xin xử ông tội chết. Sau khi Triều Thác nghe ngóng được mưu đồ của Thân Đồ Gia, ông gấp gáp đến bái kiến Hán Cảnh Đế và tâu rõ sự tình trước khi Thân Đồ Gia kịp dâng tấu. Khi Thân Đồ Gia dâng tấu cáo trạng, Hán Cảnh Đế chỉ lạnh nhạt nói một câu: “Không phải bức tường cao, chỉ là một đoạn tường ngắn ở bên ngoài khu vực Thái miếu”, bác bỏ cáo trạng của Thân Đồ Gia. Thân Đồ Gia trở về phủ, tức giận đùng đùng nói: “Đáng ra mình đã làm hắn thân bại danh liệt, thế mà hắn còn ra tay trước, biến nguy thành an. Thật là tức quá!” Sự cảnh giác của Triều Thác đã giúp ông tránh được họa diệt thân.
Do đó bạn phải hành động quyết đoán, trước khi đám “săn tin” kịp “mật báo” ác ý hại mình, đã phải nắm chắc thời cơ ra đòn phản công. Hãy dùng lời lẽ đanh thép và bằng chứng thuyết phục để bác bỏ những tin đồn ác ý mà đối phương thêu dệt về bạn.
3
ỨNG ĐỐI VỚI NHỮNG KẺ VU OAN
Không cho tiểu nhân có cơ hội hãm hại mình cũng chính là giúp bản thân tránh khỏi mầm họa, ngăn chặn hậu họa xảy ra
Lời vu khống độc ác có thể làm hại người vô tội, vì vậy chúng ta nhất định phải luôn cảnh giác đề phòng những lời vu vạ. Nắm chắc mấy chiêu thức dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa hữu hiệu trước trò vu khống hại người của đối phương:
Công khai đấu tranh
Mấu chốt để áp dụng đối sách phòng ngừa và phản công này là chọn đúng mục tiêu. Hãy nhằm thẳng vào kẻ tung tin thất thiệt, công khai tranh luận, mạnh dạn vạch trần và kiên quyết bác bỏ những tin đồn sai lệch.
Đầu tiên, bạn phải chủ động xuất kích, trình bày tường tận chân tướng sự việc trước mọi người một cách khách quan, để mọi người hiểu được tình huống ở một mức nhất định.
Tiếp theo, công khai tranh luận cùng kẻ tung tin, đem sự thật khách quan phản bác lại những điều bịa đặt vô căn cứ của đối phương để mọi người cùng biết. Cuối cùng, một lần nữa, dẫn dắt và giúp đỡ mọi người so sánh sự thật khách quan và tin đồn, để mọi người cùng tham chiếu.
Theo cách này, những tin đồn thất thiệt do những kẻ xấu bịa đặt để hãm hại bạn đều được vạch trần và bác bỏ một cách thuyết phục.
Mượn sức người thứ ba
Mượn sức người thứ ba hay bên thứ ba để phản biện lại những lời vu khống, hãm hại cũng có thể tạo cho mọi người ấn tượng chân thực, đáng tin về những gì bạn nói.
Hán Vũ Đế lúc trẻ là một vị hoàng đế anh minh nhưng đến cuối đời lại trở nên hồ đồ. Lúc đó, Hán Vũ Đế tin dùng một tên vô lại là Giang Sung. Giang Sung vì tư lợi mà gây ra hàng loạt vụ án oan sai, cuối cùng án oan còn nhằm vào Thái tử. Giang Sung vu cáo Thái tử dùng tà thuật nhằm mưu hại Hoàng đế, hắn còn chôn sẵn con rối hình nhân ở cung Thái tử để sau đó đào lên làm bằng chứng. Thái tử không biết minh oan cho bản thân thế nào, chỉ có thể căm hận Giang Sung xảo quyệt, sau đó giết chết Giang Sung rồi bỏ chạy khỏi Hoàng cung.
Về sau, có một người ở Sơn Tây tên là Lệnh Hồ Mậu dâng biểu tới Hán Vũ Đế tâu bày rằng Thái tử vô tội, chính Giang Sung là kẻ hãm hại Thái tử. Người này đồng thời liệt kê ra những vụ án oan mà Giang Sung từng gây ra trước đó, hi vọng Hán Vũ Đế không tin lời sàm tấu của Giang Sung mà ngờ oan cho Thái tử. Lúc bấy giờ Hán Vũ Đế mới tỉnh ngộ.
Nếu như không có người ngoài dũng cảm vạch trần, những lời sàm tấu của Giang Sung rất khó bị bác bỏ. Hán Vũ Đế nhờ có lời tâu của Lệnh Hồ Mậu mới thức tỉnh và biết sửa chữa sai lầm của bản thân.
Không cho tiểu nhân có cơ hội hãm hại
Tục ngữ có câu “Cây ngay không sợ chết đứng.” Nếu bạn làm việc gì cũng đường đường chính chính, nói lời ngay, làm việc thẳng, nhận được sự coi trọng của cấp trên, vậy thì kẻ gian cũng không dám có ý đồ xấu với bạn, đồng thời cũng rất khó nắm được sơ hở của bạn. Do đó, không cho tiểu nhân có cơ hội hãm hại mình cũng chính là giúp bản thân tránh khỏi mầm họa, ngăn chặn thảm họa xảy ra.
4
ĐỐI PHÓ VỚI DƯ LUẬN
Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân
Trong tập thể, khó tránh khỏi chuyện luôn có người xì xào, bàn tán sau lưng chúng ta, tạo thành làn sóng dư luận. Trên thực tế, xử lí chuyện bị bàn tán là điều vô cùng cần thiết. Nếu bạn giải quyết không thỏa đáng, rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Hãy phân tích bản chất của các tin đồn này sau đó bình tĩnh xử lí, chúng ta có thể đối phó với chúng, thậm chí có lúc còn có thể lật ngược tình thế, giành lấy lợi thế về mình. Dưới đây là các kiểu bàn tán và một số giải pháp phù hợp để các bạn tham khảo.
Dư luận khen ngợi thiện chí
Được người khác khen ngợi là một điều may mắn. Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo, những việc làm tử tế của bạn đã nhận được báo đáp tốt lành, nhưng lúc này bạn không nên quá đắc ý. Trước cơn mưa lời khen, chúng ta phải duy trì sự tỉnh táo, biến chúng thành động lực để tiến lên giành lấy những thành tích cao hơn. Đừng đắm chìm trong sự tán thưởng và ru ngủ bản thân, hãy nhớ rằng những lời ngợi ca nhanh đến và cũng rất nhanh đi.
Dư luận trung tính khách quan
Kiểu bàn tán này là những lời nhận xét chân thực, là tấm gương để chúng ta soi mình vào đó và đánh giá bản thân. Một trong những điểm yếu của con người là luôn dễ dàng đưa ra đánh giá về người khác hơn là chính mình. Để có thể “chấm điểm” bản thân một cách khách quan, chúng ta phải có đủ trí tuệ và sự dũng cảm. Có nhiều người không dám thừa nhận con người thật của mình. Chúng ta thường sống trong sự tự lừa dối và tự an ủi để tìm được cảm giác thỏa mãn. Nếu có thể dũng cảm tiếp nhận dư luận khách quan, bạn mới có thể nhìn nhận lại bản thân và vượt lên chính mình.
Dư luận chỉ trích ác ý
Luôn có một số người tạo dựng những bàn tán ác ý về người khác với mục đích xấu. Trước kiểu dư luận này, chúng ta cần giữ được bình tĩnh.
Trước hết, hãy hành xử một cách chính trực. Trong công ty, bạn miệt mài phấn đấu, nỗ lực không ngừng để đạt được thành tích tốt, những dư luận ác ý, đơm đặt sẽ dần biến mất.
Thứ hai, hãy thường xuyên giao lưu với đồng nghiệp để mọi người hiểu rõ về bạn. Nếu có thể đem đến cho những người xung quanh ấn tượng rằng bạn là người thành thật, đáng tin, thì cho dù có người dị nghị sau lưng bạn cũng không thể hình thành dư luận xấu.
Nên nhớ kĩ, tuyệt đối không tranh cãi với kẻ đặt điều về mình, việc này chỉ làm hỏng hình tượng của bạn. Hãy duy trì thái độ điềm tĩnh, tập trung làm tiếp những việc bạn phải làm, dư luận sẽ tự biến mất.
Đừng quan tâm đến những lời bàn tán, bạn chỉ cần duy trì tỉnh táo, dùng hành động thực tế để chứng minh sự ưu tú của bản thân. Dù ai nói ngả nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân, giống như các triết gia đã nói: “Đường mình mình đi, mặc ai bàn tán!”
5
THẬN TRỌNG KHI GIAO LƯU VỚI ĐỒNG NGHIỆP
Biết người, biết mặt, khó biết lòng
Đồng nghiệp là những người mà bạn tiếp xúc hàng ngày, giữ một mối quan hệ qua lại nhất định. Để mối quan hệ này luôn tốt đẹp, khi giao lưu với đồng nghiệp, bạn nên chú ý những điều sau:
Không chịu trách nhiệm thay người khác
Trong một công ty, sẽ có những nhân viên rất thân thiết với nhau. Ngày thường họ là đồng nghiệp tốt, luôn giúp đỡ nhau thực hiện nhiệm vụ chung, sẻ chia chuyện vui buồn cá nhân. Nhưng khi công việc xảy ra sự cố, một số người sẵn sàng bỏ qua quan hệ thân tình, đổ vấy sai phạm cho đồng nghiệp, muốn đối phương chịu trách nhiệm thay.
Để tránh rơi vào tình trạng này, bạn cần hết sức cẩn thận khi thực hiện công việc, đặc biệt là các nhiệm vụ chung. Hãy đề nghị cấp trên phân công trách nhiệm cụ thể, tốt nhất là có văn bản rõ ràng. Đối với phần việc của cá nhân bạn, hãy chuyên chú thực hiện, không cẩu thả, hoàn thành đúng thời hạn. Có như vậy, khi công việc xảy ra sai phạm, bạn mới có thể bảo vệ chính mình.
Mặt khác, việc đánh giá kết quả công việc, mức độ của sai phạm, hình thức truy cứu, xử phạt đều do cấp trên quyết định. Cho nên trong tình huống này, có mối quan hệ tốt với cấp trên sẽ giúp bạn nhanh chóng giải quyết vấn đề.
Tránh dây dưa tiền bạc với đồng nghiệp
Ngạn ngữ có câu: “Muốn mất bạn, chỉ cần cho anh ta vay tiền.” Đồng nghiệp không thể thân thiết như bạn bè, vì vậy nếu thường xuyên vay đi mượn lại tiền bạc của nhau thì càng dễ xảy ra xích mích. Nếu vay tiền người khác ba lần liên tiếp thì dù bạn là người đáng tin, đối phương cũng không dám cho bạn mượn tiền nữa. Khi mọi người đóng góp tiền cho hoạt động chung nào đó cũng vậy, chỉ cần bạn có ba lần liên tục quên mang tiền, sẽ chẳng còn ai tin bạn nữa.
Cho nên liên quan đến vấn đề tiền bạc, bạn hãy nhớ kĩ năm điều dưới đây:
• Luôn nhớ mang theo tiền bên người;
• Hết sức tránh cho người khác mượn tiền;
• Đừng nhớ tiền cho mượn, đừng quên tiền đã vay;
• Nếu không mang theo nhiều tiền, đừng tham gia vào các hoạt động giao lưu tập thể cần đóng góp chung;
• Hình thành thói quen tiêu tiền có kế hoạch.
Quá thẳng thắn sẽ tự mình hại mình
Một trường đại học nổi tiếng tổ chức một kì hội thảo kéo dài suốt 13 tuần về lí thuyết kinh doanh với chủ đề “Lợi ích của trung thực và thẳng thắn”. Một năm sau, các nhà tổ chức tiến hành điều tra và nhận thấy rằng hơn một nửa số người tham gia hội thảo đã từ chức ở công ty cũ. Tiếp tục phỏng vấn những người này, kết quả cho thấy họ đã áp dụng phương pháp quản lí được nhắc đến trong hội thảo vào công việc, vì thế dẫn tới xung đột nghiêm trọng với đồng nghiệp, khiến họ phải nghỉ việc.
Thẳng thắn và chính trực nghe có vẻ là những phẩm chất tốt, nhưng nếu áp dụng sai cách, bạn có thể sẽ đánh mất tình bạn, tình yêu, sự nghiệp. Nếu những người thích lí luận lại quá thẳng tính, thì phần nhiều sẽ không được những người xung quanh tôn trọng. Kiểu người này nếu giữ vị trí quản lí trong công ty thì chẳng khác nào chính tay họ tự phơi bày điểm yếu chí mạng của mình cho đối thủ cạnh tranh và những cấp dưới ham mê quyền lực.
Vậy nên nếu là người thẳng tính, bạn cần lưu tâm đến những điều trên để gìn giữ các mối quan hệ tại văn phòng.
Không nói xấu cấp trên với đồng nghiệp
Có một số người, ban ngày bị sếp phê bình thậm tệ, buổi tối liền hẹn mấy đồng nghiệp cùng đi uống rượu, sau đó phàn nàn về sếp. Họ cho rằng mình đã mời rượu đồng nghiệp, đồng nghiệp cũng phải đứng về phía mình, cùng nhau mượn rượu để lên án sếp.
Bạn nhất định phải tránh xa những hành vi như vậy. Trong môi trường công sở đầy cạnh tranh, dù mối quan hệ giữa các đồng nghiệp có thân thiết đến đâu vẫn tồn tại khoảng cách, bạn không thể hiểu thấu hoàn toàn con người thật của họ. Nói xấu sếp với đồng nghiệp chẳng khác nào để cho người ta nắm thóp bạn, đến một ngày rất có thể họ sẽ dùng chính lời nói của bạn để làm hại bạn.
Ngay cả khi đồng nghiệp đó là người bạn tin tưởng sẽ không bán đứng, không loan tin về bạn thì vẫn phải cẩn thận tai vách mạch rừng. Trong môi trường công sở, những chuyện bạn nói xấu sếp rất dễ bị kẻ xấu rình nghe được.
Vậy nên, tốt nhất đừng nói xấu cấp trên với đồng nghiệp.
Đề phòng đồng nghiệp thích dò la chuyện riêng tư
Nếu bạn có một đồng nghiệp thích dò la chuyện riêng tư của người khác, thì bạn phải cẩn thận khi giao lưu với đối phương. Kiểu đồng nghiệp “nhiều chuyện” này có lòng hiếu kì rất lớn, thích xem trộm tư liệu bí mật của bạn, thích nghe ngóng chuyện cá nhân của bạn, muốn biết những việc người ngoài không biết về bạn.
Có một số người sẽ sỗ sàng hỏi bạn những câu đầy tính riêng tư. Thậm chí những khi bạn có việc đi ra ngoài, họ còn đến bàn làm việc của bạn lục lọi linh tinh. Đừng nghĩ rằng bạn cảnh cáo sẽ khiến họ xấu hổ, những người này rất giỏi bỏ ngoài tai lời phê bình.
Đối với đồng nghiệp thích nghe ngóng chuyện riêng tư, hãy nhớ rằng bạn không cần thỏa mãn lòng hiếu kì của họ, không cần trả lời những câu hỏi thuộc phạm trù cá nhân. Để tránh gây ra không khí căng thẳng, khi từ chối trả lời những câu hỏi này, bạn cũng có thể nói thẳng cho đối phương biết đây là chuyện liên quan đến đời tư, bạn không tiện trả lời.
Cân nhắc khi tâm sự với đồng nghiệp
Đồng nghiệp trong cùng công ty cần giao lưu với nhau. Nhưng nếu bạn coi tất cả đồng nghiệp là bạn tâm giao, có thể chia sẻ mọi tâm tư, ai dám đảm bảo đối phương không phải người xấu, sẵn sàng lợi dụng bạn để mưu cầu lợi ích cá nhân. Bạn đã bộc bạch với đối phương hết mọi nỗi niềm, người kia đã biết quá rõ về bạn, vì vậy trong quá trình cạnh tranh thăng tiến, rất có thể đối phương sẽ dùng bí mật của bạn để hại bạn.
Ngạn ngữ có câu: “Gặp người chỉ nói ba phần chuyện.” Bạn hẳn sẽ cho rằng những tay lão luyện chỉ nói ba phần câu chuyện là những kẻ xảo quyệt, không chân thành. Tuy nhiên, khi giao lưu, còn phải xem đối phương là kiểu người nào mới có thể quyết định nên tiết lộ tâm tư đến đâu. Nếu đối phương là người không nên dốc bầu tâm sự, vậy thì nói ba phần chuyện đã là nhiều. Nếu bạn không có quan hệ thân thiết với người kia nhưng lại nói lời gan ruột với họ, liệu phản ứng của đối phương sẽ ra sao? Nếu đó là chuyện riêng của bạn, liệu đối phương có muốn nghe hay không? Nếu chuyện bạn nói là chuyện riêng của đối phương, bạn lại không phải chỗ thân thiết, liệu người kia có thấy khó chịu khi bạn bàn luận về nó không? Nếu đó là chuyện công việc, lập trường của đối phương thế nào bạn cũng không rõ ràng, thái độ của đối phương với nhân vật được đề cập đến bạn cũng không biết, mà bạn lại mạnh miệng nói bừa thì chỉ rước họa vào thân. Cho nên gặp người chỉ nói ba phần chuyện không phải là không thành thật, mà là không nên nói những chuyện không liên quan với những người không liên quan.
6
ỨNG PHÓ KHI BỊ ĐỒNG NGHIỆP TẨY CHAY
Khi bị đồng nghiệp tẩy chay, hãy mau chóng tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời xoay chuyển tình hình
Nếu một ngày bạn phát hiện ra có đồng nghiệp nào đó bỗng nhiên trở mặt, không còn đối tốt với bạn nữa, việc gì cũng tỏ ra bất hợp tác, không bỏ qua cơ hội làm khó bạn, vậy thì hãy cẩn thận. Những hành vi này gửi đến bạn một tín hiệu nguy hiểm: Đồng nghiệp đó đang muốn tẩy chay bạn.
Chắc hẳn phải có nguyên nhân nào đó khiến đồng nghiệp bỗng nhiên tẩy chay bạn. Nguyên nhân của chuyện này thường không nằm ngoài các lí do dưới đây:
• Gần đây bạn liên tục tạo ra thành tích, được thăng tiến, tăng lương, tăng thưởng khiến đồng nghiệp khác đố kị nên quyết định dồn ép bạn;
• Bạn là nhân viên mới, có những điều kiện vượt trội khiến đồng nghiệp khác ghen tị như: học vấn cao, bối cảnh tốt, ngoại hình đẹp...;
• Người trọng dụng bạn là người bị nhiều đồng nghiệp khác công khai oán hận, vì vậy bạn phải chịu liên lụy;
• Bạn thích thể hiện bản thân, thích nổi bật khiến đồng nghiệp khác “ngứa mắt”;
• Bạn quá chú trọng lấy lòng sếp mà bỏ bê việc giao lưu cùng đồng nghiệp;
• Bạn tranh giành quyền lợi, lợi ích với đồng nghiệp.
Nếu thuộc nhóm nguyên nhân thứ nhất và thứ hai, thì đây là một tình huống hết sức khách quan. Thực tế, chỉ cần bạn có thái độ thân thiện và hành vi đúng mực với mọi người, đồng nghiệp xung quanh sẽ sớm nhận ra bạn là người chân thành, theo thời gian họ sẽ vui vẻ kết giao cùng bạn. Ngoài ra, hãy tự rèn luyện để trở thành người nói chuyện có duyên, vì thông qua các cuộc trò chuyện, bạn có thể gây dựng thiện cảm với đồng nghiệp.
Nếu là nguyên nhân thứ ba, thì chỉ có thể nói rằng bạn đã không gặp may. Hãy đợi cơ hội để biểu thị cho đồng nghiệp thấy, bạn làm công việc này là vì bạn yêu thích nó, không liên quan gì đến người trọng dụng bạn, và bạn không có quan hệ thân thiết với người đó. Khi đồng nghiệp hiểu được bạn không phải “tai mắt” của kẻ thù, bạn sẽ được chào đón.
Nếu là lí do thứ tư và thứ năm, vậy thì bạn cần phản tỉnh bản thân, vì đây là lỗi của bạn. Nếu muốn đồng nghiệp thay đổi cách nhìn về mình, bạn cũng phải sửa đổi thái độ và hành vi của bản thân. Đừng nghĩ gì nói nấy, hãy học cách lắng nghe. Có cách ăn mặc, trang điểm phù hợp, chỉnh tề và đúng mực.
Nếu thuộc lí do thứ sáu, bạn nên chú ý đến phạm vi công việc của mình. Lợi ích là điều mà đồng nghiệp nào cũng muốn đạt được và sẵn sàng tranh giành nó. Ai cũng muốn giành được nhiều lợi ích hơn, trước hết là giành lấy sự trọng dụng của cấp trên, sau đó là có quan hệ tốt với đồng nghiệp.
Ai cũng vui mừng khi đạt được lợi ích, nhưng không thể quá coi trọng, càng không được tranh danh đoạt lợi ích với đồng nghiệp. Có câu nói rất hay rằng: Cái gì thuộc về mình, chối cũng không chối được; cái gì không thuộc về mình, cướp cũng không cướp nổi. Hiểu rõ đạo lí này, bạn sẽ biết mình cần làm gì. Khi gặp tình huống này, phải buông liền buông, hãy thể hiện thái độ không tranh đoạt. Cho dù trước mắt bạn phải chịu thiệt, nhưng về lâu dài sẽ được lợi. “Tái ông thất mã” vì gặp họa mà được phúc, trước mắt thấy đó là thiệt, ai dám chắc rằng sau này không có kết quả tốt đẹp.
7
KHÔNG LÀM NGƯỜI “TỐT DỞ”
Cái gọi là người “tốt dở” chính là người tốt không có nguyên tắc, không có chủ kiến, cũng không kiên định
Người tốt ngày nay đã sớm trở thành những cá nhân quý hiếm trong xã hội, ai cũng thích, ai cũng hoan nghênh họ. Bởi người tốt rất hiền lành, họ không làm hại người khác, thậm chí còn hi sinh bản thân vì người khác. Người tốt không chỉ dừng lại ở “tốt” mà còn có thể trở nên “vĩ đại”.
Vậy làm người tốt là chuyện tốt hay xấu?
Trên thực tế, trở thành người tốt hay người xấu là do tính cách quyết định chứ không phải ý chí. Nói cách khác, có người “tính bổn thiện” lại có người “tính bổn ác”. Chịu ảnh hưởng của giáo dục và môi trường sống, những người “tính bổn thiện” cũng có lúc có mặt “ác”, những người “tính bổn ác” cũng có lúc có mặt “thiện”. Những điểm yếu đã hình thành trong tính cách không phải nói sửa là sẽ sửa được. Cho nên câu hỏi làm người tốt là chuyện tốt hay xấu chỉ có thể trả lời thế này:
Trong quan hệ với những người xung quanh, làm người tốt là việc xứng đáng tôn vinh. Tuy nhiên, không được làm người “tốt dở”.
Cái gọi là người “tốt dở” chính là người tốt không có nguyên tắc, không có chủ kiến, cũng không kiên định. Kiểu người này không suy nghĩ đến việc liệu chuyện này mình có giúp được hay không, có lúc muốn kiên trì làm đến cùng, nhưng chỉ cần người khác can ngăn là nhanh chóng buông xuôi. Vì thiếu kiên trì và không có nguyên tắc nên họ không biết phân biệt tốt xấu. Khi sự việc bế tắc, họ sẽ hi sinh bản thân để nhường lợi ích cho người khác. Có lúc họ muốn nghĩ cho mình nhưng lại không dám “ích kỉ”. Lúc này họ bắt đầu tự trách, tự vấn bản thân liệu có nên làm như vậy.
Hiệu ứng đạt được của người tốt và người “tốt dở” hoàn toàn không giống nhau. Bởi vì người tốt luôn tốt một cách có nguyên tắc, vậy nên mọi người đều khen ngợi, kính nể, thậm chí là nể phục đối phương. Nhưng người “tốt dở” lại không như vậy, trong mắt mọi người, anh ta chính là một người “không thể giao cho làm việc lớn”. Bởi vì mọi người đã hiểu rõ nhược điểm của anh ta, rằng kể cả khi người khác tính kế, hãm hại, lợi dụng, tranh đoạt của anh ta, anh ta cũng sẽ không phản kháng hay từ chối. Vì vậy mọi người đều chiếm được phần lợi, chỉ có người “tốt dở” là thiệt thân, chẳng được gì.
Làm người “tốt dở” sẽ không có kết cục tốt đẹp, vậy thì những người này phải làm thế nào?
Hành vi của con người do tính cách quyết định, vì vậy những người “tốt dở” nên làm theo những lời khuyên dưới đây:
• Nhớ kĩ hậu quả của việc làm người “tốt dở”;
• Học cách từ chối lời nhờ vả quá sức và kiên trì với mục tiêu của mình;
• Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn điểm hạn chế trong tính cách, thì có thể nhờ những người xung quanh nhắc nhở, cổ vũ, giúp bạn có thêm động lực và quyết tâm không trở thành người “tốt dở”.
Nói tóm lại, trong công việc và trong cuộc sống, cần tỉnh táo để không trở thành người “tốt dở”, vừa không được tôn trọng đồng thời lại khiến bản thân phải chịu thiệt.
8
ÂM THẦM PHẤN ĐẤU TRONG CÔNG VIỆC
Chỉ cần chúng ta lưu ý, sẽ phát hiện ra rất nhiều cơ hội tốt để thể hiện bản thân mà không khiến đồng nghiệp chú ý
Khi bắt đầu làm việc tại công ty mới, bạn phải tìm hiểu thấu đáo về cơ cấu, hoạt động của công ty, xem xem bản thân mình có cơ hội thăng tiến hay không.
Nếu việc thăng tiến hỏi phải có một số bằng cấp chuyên môn nhưng hiện tại bạn chưa có, tốt nhất nên tận dụng thời gian này để học ngay và đề nghị công ty trợ cấp cho bạn đi học.
Đừng coi nhẹ việc này. Đề nghị của bạn có được chấp nhận hay không, hoặc bạn được trợ cấp bao nhiêu tiền (tất nhiên có còn hơn không) không quan trọng, quan trọng nhất là bạn đã gửi đến công ty một thông điệp: Bạn ham học hỏi và sau khi bạn học xong, công ty sẽ có thêm một chuyên gia trong nghề.
Nếu công ty đồng ý trợ cấp cho bạn đi học, điều đó đồng nghĩa với việc ban lãnh đạo coi trọng nỗ lực của bạn. Khi công ty có đợt đề bạt nhân sự, nhiều khả năng bạn sẽ được cất nhắc.
Ngoài ra, việc đi học sẽ giúp bạn nâng cao năng lực công tác. Trong lúc người khác không để ý thì bạn đã âm thầm tích lũy “vốn liếng” để thăng chức.
Ví dụ nói trên chỉ là một trong các cách để nắm lấy cơ hội thăng tiến. Chỉ cần chúng ta lưu ý, sẽ phát hiện ra rất nhiều cơ hội tốt để thể hiện bản thân mà không khiến đồng nghiệp chú ý.
Ngoài ra bạn cũng có thể tận dụng cơ hội kiêm nghiệm công việc của đồng nghiệp xin nghỉ phép. Việc này một mặt có thể thể hiện sự nhiệt tình công tác của bạn, mặt khác sẽ giúp bạn trau dồi thêm hiểu biết, kinh nghiệm về những phần việc khác trong công ty.
Đương nhiên, công ty giao cho bạn tạm thời đảm nhiệm vị trí của sếp bạn khi anh ta nghỉ phép chứng tỏ ban lãnh đạo cũng muốn bồi dưỡng bạn. Bạn nên trân trọng những cơ hội như vậy.
Tuyệt đối đừng vì muốn thể hiện bản thân mà có những hành động không phù hợp. Xung quanh bạn có vô số cơ hội, gióng trống khua chiêng về mục đích của mình là việc lợi bất cập hại. Muốn vươn lên cao hơn, trước tiên phải lẳng lặng phấn đấu.