Tài năng trời phú cho chúng ta đương nhiên không giống với người khác. Mỗi người sinh ra trên đời này đều là duy nhất, không ai có thể thay thế. Chúng ta nhất định phải tạo dựng cho mình niềm tin: “Tôi là tuyệt nhất.” Đây không phải là thái độ ngông ngạo mà là khởi điểm của tự trọng và tự tin. Người có tự trọng tự khắc được người khác tôn trọng, người có tự tin tự khắc được mọi người tin theo.
1
TỰ TIN VÀO BẢN THÂN
Hãy tự tin vào bản thân, phát huy hết mức tiềm năng mà mình sở hữu
Bạn đã bao giờ tự hỏi, rào cản lớn nhất ngăn mình đến với thành công là gì chưa? Rất có khả năng đáp án là điều mà bạn không ngờ tới, đó chính là lòng tự ti của bạn, hay nói cách khác là bạn tự hạ thấp chính mình. Tự hạ thấp chính mình có rất nhiều biểu hiện khác nhau. Ví dụ bạn đọc được một tin tuyển dụng rất hấp dẫn, đó còn là công việc trong mơ của bạn, nhưng bạn không dám ứng tuyển vì nghĩ rằng: “Mình làm sao qua được vòng hồ sơ!” Hoặc bạn thực sự thích một cô gái, nhưng không dám theo đuổi vì cho rằng bản thân không xứng với cô ấy. Như vậy có thể thấy, đánh giá bản thân quá thấp sẽ cản trở bạn phát huy sở trường của mình, và cũng chính nó làm chậm đi đáng kể bước chân tiến đến thành công của bạn.
Nếu không đủ sức đảm nhiệm một công việc khó nào đó, bạn có thể chuyển nó cho người khác thực hiện, nhưng tuyệt đối đừng vì thế mà đánh giá thấp chính mình. Trong cạnh tranh, nếu ngay cả dũng khí thử sức mà bạn cũng không có, chưa đánh đã hàng, thì đó chính là biểu hiện điển hình của việc coi khinh bản thân. Những người tự ti, tự hạ thấp bản thân nhất định phải cố gắng thay đổi quan điểm ấy, dùng tấm lòng công bằng mà đối đãi với mình và người khác.
Từ xa xưa, các bậc hiền triết đã cho chúng ta một lời khuyên quý giá: Hiểu chính mình. Nhưng rất nhiều người lại tự diễn giải lời khuyên này thành phải tự kiểm điểm khiếm khuyết của bản thân và họ trở nên quá chú trọng đến điểm yếu, sở đoản của chính mình. Ý thức được mặt chưa hoàn thiện của bản thân là việc tốt vì nhân vô thập toàn, không có người nào sinh ra đã hoàn hảo. Nhưng nếu chỉ chú ý đến những mặt thiếu sót của mình thì lại là điều không tốt, sẽ khiến bạn cảm thấy bản thân không có giá trị.
Nền giáo dục phong kiến đã khiến nhiều người nghĩ rằng khiêm tốn là phẩm chất cao quý, còn thể hiện bản thân là xấu. Do đó, từ trong tiềm thức, nhiều người luôn muốn giấu đi sở trường của mình, ngay cả khi sở trường đó được người khác khen ngợi, thì họ cũng phải nói giảm bớt đi.
Khiêm tốn là một phẩm chất tốt. Nhưng nếu bạn khiêm tốn quá mức và cho rằng mình thực sự không có tài năng, hoặc bạn tự đánh giá mình quá thấp, bạn sẽ rơi vào trường hợp tự hạ thấp bản thân.
Dưới đây là một số cách giúp bạn xây dựng sự tự tin:
• Nắm rõ sở trường nổi bật của mình. Hãy nhờ người thân, bạn bè hoặc đồng nghiệp nhận xét về bạn, từ đó tự rút ra ưu điểm của bản thân. Họ sẽ cho bạn góc nhìn chân thực, khách quan về chính bạn;
• Đối chiếu bản thân với những người thành công. Trước tiên, hãy liệt kê các ưu điểm của bạn ra giấy. Dưới mỗi ưu điểm, viết tên một người thành công mà bạn biết. Sau đó, hãy tìm ra những phương diện mà họ không làm tốt bằng bạn.
Sau khi hoàn thành việc này, bạn sẽ nhận ra bản thân mình có những khía cạnh còn làm tốt hơn cả những người thành công. Như vậy, bạn có thể tự tin đưa ra kết luận, năng lực của bạn tốt hơn nhiều so với tưởng tượng của bạn.
Chúng ta sẽ cảm thấy rằng làm “nhân vật tầm cỡ” tốt hơn làm “nhân vật vô danh” nhiều. Có rất nhiều lí do để chúng ta có suy nghĩ như vậy, một trong số đó là sự tự tin của “nhân vật tầm cỡ”.
Muhammad Ali – nhà vô địch quyền anh thế giới người Mỹ, thường có những phát ngôn tự tin trước các trận đấu. Anh luôn tuyên bố trước báo giới những câu như: “Tôi sẽ hạ nốc ao đối thủ trong năm giây, và rồi anh ta chỉ biết nằm đó nhìn tôi giành chiến thắng.” Tại sao Ali lại mạnh miệng như vậy? Kì thực, anh làm vậy vì muốn nâng cao tinh thần của bản thân và làm giảm sự hưng phấn của đối thủ. Trên thực tế, khi đối thủ của Ali nghe được những lời phát biểu chắc như đinh đóng cột của anh, sự tự tin của họ bắt đầu lung lay. Khi trọng tài giải thích luật chơi trước trận đấu, Ali luôn nhìn chằm chằm vào đối thủ, như muốn cảnh cáo: “Hừm, anh thua chắc rồi, tôi sẽ sớm cho anh biết mặt.” Đòn tâm lí này luôn giúp Ali bứt phá khả năng vốn có của mình và thường xuyên giành được thắng lợi.
Đặng Á Bình – vận động viên bóng bàn người Trung Quốc đã giành được 18 chức vô địch thế giới, trong đó có 4 chức vô địch Olympic – cũng có một thứ vũ khí đặc biệt, đó là đôi mắt sắc và ánh nhìn uy hiếp đối thủ. Bất cứ ai từng thi đấu với Đặng Á Bình cũng đều thừa nhận, họ cảm thấy bản thân mất tinh thần khi nhìn vào mắt cô. Khi ấy, Đặng Á Bình sẽ chớp thời cơ đối thủ mất tập trung để giành chiến thắng.
Kì thực, bạn hoàn toàn không cần “nắn gân” đối thủ, bạn chỉ cần cho họ thấy quyết tâm chiến thắng tỏa ra từ bản thân. Bạn hãy tích cực khích lệ chính mình, rằng bạn là người tuyệt vời nhất, bạn nhất định sẽ làm được. Hãy thử việc này ngay nhé, tạm đặt cuốn sách này xuống và ra ngoài hét lên thật to: “Tôi là người vĩ đại nhất!” Nếu như bạn đang ở một mình, hãy hét to điều đó ba lần. Nói ra được câu này khiến bạn tràn đầy tự tin hơn đúng không nào?
Vì có sự tự tin, những “nhân vật tầm cỡ” luôn vui vẻ, hào phóng, khoan dung, sẵn sàng tiếp thu ý kiến góp ý của người khác, khi suy nghĩ về yêu cầu của bản thân cũng sẽ đồng thời xem xét đến nguyện vọng của người khác. Những người này cũng rất có chí tiến thủ, dám thừa nhận sai lầm và đứng ra gánh vác trách nhiệm. Họ dám đối mặt với thất bại, chỉ trích và khinh thường của người khác, bởi vì tất cả mọi khó khăn, thất bại về cơ bản không thể làm lung lay lòng tự tin của họ.
Trong Thế chiến thứ nhất đã từng xảy ra một câu chuyện như sau:
Khi thấy có người hút thuốc lá, một người lính đã hét to nhắc nhở: “Anh kia, mau tắt thuốc đi!” Ngay sau đó, người lính này được biết người bị mình góp ý chính là một vị tướng cấp cao. Anh ta hối hận vô cùng, tìm đến xin lỗi vị tướng. Nhưng vị tướng đó lại vỗ vai anh ta và bảo: “Làm tốt lắm chàng trai.” Rõ ràng một người lính không được phép làm một vị tướng mất thể diện. Lòng tự tin của vị tướng này đã giúp ngài thừa nhận sai phạm của mình, bình tĩnh xử lí và giao lưu cùng người lính.
Thế nhưng, đối với người thiếu tự tin, bị người khác nói một câu khinh nhờn, nhìn một ánh nhìn khinh bỉ cũng có thể khiến họ vô cùng đau khổ, tổn thương. Những người này thậm chí sẽ bới lông tìm vết, tự tìm ra những “cái gai” ngay cả trong những lời nói chân thành nhất mà người khác dành cho họ. Có thể nói, tất cả những sự hoài nghi này của họ đều là vì họ thiếu tự tin.
Nếu muốn thành công, muốn được mọi người yêu quý, bạn nhất định phải trở thành một người tràn đầy tự tin.
Napoléon Bonaparte đã khám phá sức mạnh bí ẩn của lòng tự tin và vận dụng nó vào thực tế một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả. Sau lần bị lưu đày đầu tiên, khi quân đội Pháp truy đuổi, ông đã không tháo chạy hay lẩn trốn mà dũng cảm tiến lên trước đón đầu, đơn thương độc mã đối phó với quân Pháp. Napoléon tin tưởng bản thân có thể làm chủ thế cục và sự tự tin này đã phát huy sức mạnh không ngờ tới. Ông xem đội quân đang truy lùng mình là đội quân phục vụ mình. Cuối cùng, sự tự tin vô đối của Napoléon đã khiến những người lính kia hàng phục, chấp nhận đứng vào hàng ngũ của ông.
Rõ ràng, sự tự tin là tài sản vô cùng quý giá. Tất nhiên, không ai có thể nhìn thấu xem bên trong bạn có bao nhiêu tự tin. Nhưng bạn có thể biểu hiện nó ra bên ngoài bằng những hành động nhỏ nhất, ví dụ như thần thái khi bước đi. Những người thiếu tự tin khi bước đi thường không có phong thái mạnh dạn mà thường mang bộ dáng dò dẫm, trước sợ sói sau sợ hổ. Còn người tự tin sẽ ngẩng cao đầu, ánh mắt nhìn thẳng về phía trước, chân bước vững chắc.
Một ví dụ khác là việc bắt tay. Thông qua cái bắt tay, người khác có thể nắm bắt tâm thái của bạn. Cái bắt tay yếu ớt, vô lực chứng tỏ bạn đang thiếu tự tin. Cái bắt tay mạnh bạo cho thấy bạn đang cố phô trương thanh thế, có thái độ tự cao. Còn một cái bắt tay vừa đủ lực, chắc chắn mang thông điệp: “Tôi rất ổn, tôi tràn đầy tự tin.”
Ngoài ra ngữ điệu khi trò chuyện cũng có thể biểu lộ tâm tư, tình cảm của bạn. Giọng nói của bạn tràn đầy hứng khởi hay uể oải, vô hồn sẽ phản ánh rõ tâm trạng của bạn tốt hay xấu, nội tâm bạn mạnh mẽ hay yếu đuối.
Hãy nhớ rằng, tự tin sẽ giúp bạn dễ dàng giao lưu với những người khác. Nếu bạn tự tin vào bản thân, hãy thể hiện nó ra bằng hành động. Như vậy người khác cũng sẽ tin tưởng và vui vẻ kết giao với bạn.
Hãy nhớ kĩ, bạn chưa phát huy hết sức mạnh sở trường của bản thân. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và kết luận rằng con người thường chỉ sử dụng chưa đến 10% khả năng của mình. Nếu bạn tràn đầy tự tin vào bản thân thì chắc chắn thành tích của bạn sẽ còn xuất sắc hơn rất nhiều.
Mỗi người có cách riêng để đạt được thành công, nhưng đều có thể tổng kết lại bằng một câu: Tự tin vào bản thân, phát huy hết mức tiềm năng mà mình có.
2
ĐỪNG TỰ HẠ THẤP GIÁ TRỊ CỦA CHÍNH MÌNH
Hãy suy xét kĩ càng trước khi lựa chọn nắm lấy thời cơ
Khổng Tử vì gấp gáp muốn được thi thố tài năng, cho nên đã mấy lần muốn vứt bỏ nguyên tắc để giành lấy cơ hội có đất dụng võ.
Công Sơn Phất Nhiễu là gia thần Lý tộc. Sau khi gây loạn ở Phí Thành, hắn liền cho người đi mời Khổng Tử đến làm quân sư. Khổng Tử ngay lập tức muốn đồng ý. Nhưng đại đệ tử của ông là Tử Lộ lại không vui mà nói: “Vì sao phải nhận lời mời của Công Sơn Phất Nhiễu này?”
Khổng Tử nghe được liền đáp: “Người đến gọi ta đâu phải để ta ngồi không. Nếu đã có ý trọng dụng ta, ta sẽ làm cho đạo nhà Chu ở phương Đông được phục hưng.”
Thời đó, tại nước Lỗ, tranh giành quyền binh giữa các phe phái diễn ra rất khốc liệt. Năm thế lực ở phe chống đối là Quý Ngụ (em trai của Quý Hoàn Tử), Công Thư Cực, Công Sơn Phất Nhiễu, Thúc Tôn Triếp và Thúc Trọng đều cầu cứu Dương Hóa. Khi ấy Dương Hóa đã bỏ qua Quý Hoàn Tử, lập Quý Ngụ lên làm chủ. Thúc Tôn Triếp tự đứng ra làm chủ họ Thúc. Dương Hóa cũng phế bỏ Mạnh Ý Tử, tự mình đứng đầu họ Mạnh với ý đồ sử dụng học phái của mình để độc chiếm nước Lỗ. Nhưng kế hoạch này sớm đã bị các thế lực cầm quyền tại nước Lỗ nhìn ra, vì vậy nó nhanh chóng gặp thất bại. Vào lúc này, Công Sơn Phất Nhiễu chiếm lấy Phí Thành làm căn cứ địa để dấy binh làm phản, nhằm hỗ trợ cho cuộc đảo chính của Dương Hóa.
Khổng Tử là người rất kiên trì với lí tưởng quân-thần, vì vậy Tử Lộ cho rằng cho dù khó tìm được người trọng dụng mình, ông cũng sẽ không chịu nhượng bộ. Mà nay ông lại nhận lời hợp tác với thuộc hạ của đám phiến quân, như vậy chẳng phải là tự mâu thuẫn với mình hay sao? Cho nên Tử Lộ mới bất mãn như vậy.
Khổng Tử đã học được biết bao nhiêu điều mới mẻ mà chưa có cơ hội thể hiện. Cho nên ông luôn hi vọng mình sẽ có đất dụng võ. Hơn nữa lúc đó nước Lỗ là thần tử nhà Chu, họ Lý lại là thần tử nước Lỗ. Nếu giúp đỡ Công Sơn Phất Nhiễu, Khổng Tử sẽ càng có cơ hội được trọng dụng. Cho nên ông đã không còn quan tâm đến chuyện tư tưởng trước sau bất nhất.
Về sau, cuối cùng Khổng Tử cũng nghe theo Tử Lộ, không đi gặp Công Sơn Phất Nhiễu. Nhưng ông vẫn nghe ngóng tìm cơ hội ra làm quan để thi thố tài năng.
Bột Thận là gia thần của Tấn đại phu cũng phái người cho mời Khổng Tử về giúp sức. Khi Khổng Tử có ý muốn đi, Tử Lộ lại nói: “Trước kia con từng nghe thầy nói rằng: ‘Đồ vật cứng thật, cho dù người mài thế nào cũng không thể mòn. Đồ trắng thật, cho dù người nhuộm thế nào cũng không hề đen.’ Cho nên bất kể ta đi đâu, gặp phải tình cảnh gì, cũng đều không thay đổi.”
Lúc đó, các bè phái của nước Tấn đang xâu xé lẫn nhau. Quân của Triệu Ưởng tuy mạnh nhưng vì bị phe đối thủ là họ Phạm và họ Trung Hành cùng truy đuổi mà phải chạy tới Tấn Dương. Tấn Định Công xuất binh bao vây Tấn Dương cùng với đồng đảng của Triệu Ưởng là Tuân Lịch, Hàn Giản Tử, Ngụy Tương Tử... sau đó chuyển sang phản công họ Phạm, khiến họ Phạm, họ Trung Hành thua chạy. Lúc này Bột Thận bỏ chạy đến nước Vệ, đây rõ ràng là hành vi phản bội nước Tấn.
Đối với việc Khổng Tử muốn tiếp nhận lời mời của nhóm phản loạn này, Tử Lộ không phục, cho nên mới lần nữa can ngăn ông. Vì thế Khổng Tử lại bỏ cơ hội ra làm quan lần này, nhưng ông mãi mãi không từ bỏ suy nghĩ tìm cách thi thố tài năng.
Liễu Cống thấy Khổng Tử không ra làm quan, liền ví von: “Tôi có một viên ngọc quý, vậy tôi nên cất nó vào tủ hay là bán nó với giá hời?”
Khổng Tử trả lời: “Bán luôn đi! Đương nhiên phải bán rồi! Tôi sẽ đợi người trả giá tốt đến mua.”
Trong cuộc đời, mỗi người đều theo đuổi giá trị sống của riêng mình, đều khát vọng đạt được thành công. Tuy nhiên đừng vì vậy mà chấp nhận mọi cơ hội hay tận dụng mọi thời cơ. Hãy suy xét kĩ càng trước khi lựa chọn nắm lấy thời cơ. Đừng tự hạ thấp giá trị của chính mình.
3
ĐÓN NHẬN BẢN THÂN VÀ NỖ LỰC TRƯỞNG THÀNH
Khi đã nhìn nhận đúng về bản thân, bạn hãy mạnh dạn tiến bước trên con đường đã chọn
Có thể bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên: “Lẽ nào có người còn không thích cả bản thân mình hay sao?” Nhưng nếu tôi hỏi bạn rằng: “Có khi nào bạn cảm thấy tự ti không?”, bạn hẳn là không thấy có gì kì lạ. Xung quanh chúng ta không thiếu những người có tâm lí tự ti như vậy. Cái gọi là “tự ti” chính là chán ghét hoặc không hài lòng với một số phương diện (hoặc tất cả các phương diện) của bản thân, luôn cảm thấy xấu hổ vì thua kém người khác, không muốn tiếp nhận một bản thân kém cỏi như vậy.
Những người không hài lòng với bản thân sẽ luôn thấy uể oải, chán chường, thờ ơ với cuộc sống xung quanh. Họ cho rằng mình có tư tưởng quái đản, không hòa hợp với con người hay môi trường xung quanh. Họ cũng oán trách người thân, bạn bè, đồng nghiệp vì không hiểu họ... Đối với những người này, chúng ta chỉ có thể trao đổi thẳng thắn với họ rằng: “Con người anh hoàn toàn ổn. Vấn đề nằm ở chỗ anh không chịu tiếp nhận bản thân mình và từ đó ảnh hưởng tới việc anh tiếp nhận những người khác, dẫn tới anh làm gì cũng gặp khó khăn, trắc trở.” Những người như vậy chưa từng nghĩ tới nguyên nhân này, rằng họ đang tự làm khổ mình, có khuynh hướng chối bỏ bản thân. Dựa trên những trải nghiệm cá nhân, cộng với quá trình bình tĩnh phân tích tình hình thực tế, họ sẽ hiểu được vấn đề nằm ở đâu và sẽ dần vui vẻ trở lại.
Qua đây có thể thấy rằng, đối với mỗi người, đánh giá đúng bản thân và chấp nhận bản thân là một việc rất quan trọng. Nó liên quan đến việc chúng ta hình thành quan niệm chính xác về bản thân, thích ứng được với hoàn cảnh và phát triển tính cách lành mạnh. Chấp nhận bản thân và biết xóa bỏ sự tự ti là một đảm bảo quan trọng cho tinh thần khỏe mạnh.
Vậy phải làm thế nào mới có thể vui vẻ chấp nhận bản thể vốn có của chính mình?
Thừa nhận nỗi sợ của bản thân
Để giành được một hợp đồng bảo hiểm khổng lồ, nhân viên B cần đến gặp ông vua xe hơi F. Khi tiến vào văn phòng hết sức sang trọng của ngài F, nhìn thấy ông uy nghiêm ngồi đó, B ngay lập tức bị mất tinh thần. Hai tay anh run lẩy bẩy, răng va vào nhau lập cập, cả người toát mồ hôi hột.
Ngài F nghĩ rằng B đột nhiên đổ bệnh, quan tâm hỏi xem anh thấy khó chịu ở đâu. “Tôi không sao!”, B lấy hết can đảm trả lời ông vua xe hơi và nói tiếp: “Ngài F, khó khăn lắm hôm nay tôi mới có cơ hội gặp được ngài. Không ngờ tôi vui quá hóa sợ, vừa nhìn thấy ngài, tôi đã phát hoảng thành ra thế này...”
B cứ lắp ba lắp bắp, cuối cùng cũng nói xong nguyên do. Nhưng đến đây, phép màu đã xảy ra, tâm lí căng thẳng, sợ hãi của anh bỗng nhiên biến mất sạch. B cảm thấy bản thân đã bình tĩnh trở lại. Anh ngồi xuống đối diện ngài F, trình bày rành mạch nội dung đã chuẩn bị kĩ lưỡng và cuối cùng đã giành được hợp đồng béo bở này.
Câu chuyện này muốn nói với chúng ta rằng: “Nếu thấy sợ hãi, hãy thẳng thắn thừa nhận.”
Loại bỏ chủ nghĩa hoàn mĩ
Trên thế giới này vốn không có gì hoàn mĩ. Người thân, bạn bè, đồng nghiệp, ai cũng đều có khuyết điểm. Cho nên chúng ta nên học tâm thái “biết đủ là vui”. Khoan dung, độ lượng không chỉ giúp bạn dễ dàng kết giao với người khác mà còn khiến bạn bớt đòi hỏi cao ở bản thân. Bạn cần hiểu rằng, làm hài lòng tất cả mọi người là chuyện không tưởng và bạn cũng không cần tốn công tốn sức làm như vậy.
Để có thể chấp nhận bản thể vốn có của bản thân, quan trọng nhất là bạn phải thẳng thắn, thành thật. Bạn phải có dũng khí thừa nhận những thiếu sót trên phương diện năng lực hay phẩm chất của mình, phát huy sở trường, khắc phục sở đoản. Có như vậy bạn mới ngày càng trưởng thành và tiến bộ.
Hàm ý của việc “được chào đón” là khiến người khác đón nhận con người thật của bạn, chứ không phải là khiến người ta ngưỡng mộ hình ảnh hoàn mĩ nhất của bạn. Hãy nếm thử hương vị của một lần muốn mà không được, thẳng thắn đối mặt với những điều không như ý sẽ giúp bạn xóa bỏ áp lực tâm lí. Đừng tự trách bản thân, ai cũng có lúc lầm đường lạc lối. Đừng tự hạ thấp mình, bạn gặp phải chuyện gì không quan trọng, bạn phản ứng như thế nào trong hoàn cảnh đó mới là việc cần bàn đến.
Khi đã nhìn nhận đúng về bản thân mình, bạn hãy mạnh dạn tiến bước trên con đường đã chọn.
Đặt ra mục tiêu phấn đấu phù hợp với điều kiện của bản thân
Mục tiêu là đích đến bạn muốn đạt được thông qua sự cố gắng. Nó thể hiện năng lực, sự phấn đấu của bạn. Khi xác định đúng mục tiêu, nó sẽ là động lực cho bạn tiến lên.
Đề ra mục tiêu phù hợp, có tính khả thi mới giúp bạn có cơ hội phát huy hết tài trí của bản thân. Đồng thời, những chiến thắng mà bạn giành được sẽ giúp bạn gia tăng lòng tự tin. Có một số người đặt mục tiêu quá xa rời thực tế, cho nên dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể đạt được. Như vậy đương nhiên sẽ khiến họ hoài nghi và thất vọng về bản thân.
Mục tiêu của bạn phải xuất phát từ chính bản thân bạn. Hãy phân tích năng lực, hoàn cảnh hiện tại của bản thân để vạch ra mục tiêu bạn có khả năng hoàn thành nhất. Sau đó, hãy chia nhỏ nó thành từng kế hoạch ngắn hạn. Đó chính là những nhiệm vụ mà bạn phải hoàn thành.
Không ngừng nâng cao năng lực, kinh nghiệm
Cách nhanh nhất để rút ngắn con đường thực hiện mục tiêu là không ngừng nâng cao năng lực của bản thân. Có rất nhiều cách giúp bạn gia tăng kĩ năng, kiến thức: thông qua học tập ở trường lớp, nghiên cứu tài liệu, sách báo, và quan trọng nhất là tự thực hành. Chỉ có thông qua rèn luyện trong thực tế, bạn mới có thể mau chóng tiến bộ.
Những kĩ năng bạn có được chính là kinh nghiệm, hành trang quý báu giúp bạn giải quyết mọi khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện mục tiêu của mình. Bên cạnh kinh nghiệm tự bản thân đúc rút, bạn cũng có thể học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước, đã có thâm niên trong lĩnh vực bạn đang tìm hiểu. Người ta có câu: “Hãy học từ sai lầm của người khác. Bạn sẽ không bao giờ sống đủ lâu để phạm phải tất cả sai lầm” chính là như vậy đấy. Hãy nỗ lực hết sức để ngày càng trưởng thành hơn.
Mạnh dạn tin tưởng chính mình
Năm 1818, cô bé Maria Mitchell sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo ở nước Mỹ. Thời kì đó, hầu hết phụ nữ đều không được đến trường đi học. Nhưng cha của Maria đã bất chấp luật lệ, kiên quyết gửi con gái đi học. Từ nhỏ, Maria đã yêu thiên văn. Cô thường xuyên quan sát bầu trời đêm qua chiếc kính thiên văn nhỏ lắp trên nóc tòa nhà nội trú.
Ngày 1 tháng 10 năm 1847, Maria phát hiện ra một ngôi sao chổi mới. Thành quả này đã được các nhà thiên văn học thuộc Đại học Harvard xác nhận. Vì muốn đạt được thành tựu lớn hơn, Maria đã gửi rất nhiều đơn ứng tuyển tới các trường đại học ở miền đông nước Mỹ, nhưng tất cả đều bị từ chối vì cô là phụ nữ. Cho đến năm 1861, Maria lấy hết can đảm nộp đơn vào trường Vassar College. Cuối cùng nỗ lực của Maria đã được đền đáp, Vassar College đã chấp nhận đơn ứng tuyển của cô và Maria trở thành nữ giáo sư thiên văn học đầu tiên của nước Mỹ.
Nếu Maria không kiên trì và dũng cảm gửi hồ sơ xin việc tới nhiều nơi như vậy, có lẽ cô sẽ mãi mãi là một phụ nữ vô danh. Vậy nên nếu bạn muốn thành công, “mạnh dạn tin tưởng chính mình” là bản lĩnh ắt không thể thiếu.
4
THIẾT LẬP THƯƠNG HIỆU CÁ NHÂN
Nếu một người hoặc một sản phẩm có uy tín hoặc ảnh hưởng, tức thương hiệu được yêu thích, thì người hoặc sản phẩm đó cũng có giá trị cao trên thị trường
Uy tín là thành tựu đặc biệt của cá nhân hay tập thể được công nhận rộng rãi trong xã hội. Nhờ có uy tín, cá nhân hoặc tập thể sẽ có được không chỉ sự tuân thủ, chấp hành mà còn cả sự quý mến, tôn trọng, kính nể. Uy tín không phải là quyền lực. Ở tầng cấp thấp của nền văn minh nhân loại, quyền lực gắn với bạo lực, đàn áp còn uy tín đi liền với các yếu tố không gây hại cho người khác.
Uy tín là thứ mà một người hoặc một tập thể có được sau khi đạt được một thành tựu to lớn. Trong nền kinh tế tri thức, mỗi người đều cần tạo ra thành tựu mang tính sáng tạo. Theo nghĩa này, uy tín chính là thương hiệu. Đó có thể là thương hiệu cá nhân hoặc thương hiệu tổ chức.
Là một thương hiệu, uy tín cũng có thể “tùy thời ngã giá”. Đặc biệt là trong nền văn minh tiêu dùng, thương hiệu càng là một phương tiện hiệu quả để doanh nghiệp thu hút người tiêu dùng và chiếm lĩnh thị trường. Nếu một người hoặc một sản phẩm có uy tín hoặc ảnh hưởng, tức thương hiệu được yêu thích, thì người hoặc sản phẩm đó cũng có giá trị cao trên thị trường.
Ví dụ nữ diễn viên Lưu Hiểu Khánh – Ảnh hậu của Trung Quốc – “bán” một tin tức về bản thân, chỉ gồm tiêu đề, không có nội dung cụ thể cũng có thể thu được hơn một triệu Nhân dân tệ. Tin tức cá nhân này của Lưu Hiểu Khánh sẽ là vô giá trị nếu nó không có hiệu ứng từ thương hiệu “Ảnh hậu Trung Quốc” (uy tín mang tính nghề nghiệp). Có tin đồn rằng tin tức về Ảnh hậu mới là diễn viên Củng Lợi cũng có thể bán được 500 nghìn Nhân dân tệ. Đây đều là giá trị được tạo ra từ ảnh hưởng của thương hiệu cá nhân.
Vì vậy, xây dựng thương hiệu cá nhân hoặc thương hiệu tập thể là một hướng đi đúng đắn và là thước đo cho sự cố gắng của mỗi người trong xã hội hiện đại.
Đương nhiên, để gây dựng được uy tín không phải là chuyện dễ dàng. Nhất là uy tín ở bậc cao nhất cần hội tụ đủ nhiều yếu tố thì mới đạt được. Ngoại trừ việc có kiến thức và năng lực chuyên môn thì phần kiến thức và năng lực không thuộc chuyên môn cũng rất quan trọng. Nói cách khác, một người, một sản phẩm hoặc bất cứ thứ gì khác muốn có uy tín phải có năng lực vượt xa tiêu chuẩn thông thường, đồng thời phải có thêm rất nhiều ưu điểm vượt trội khác nữa.
Xuất sắc đến mức hoàn hảo chính là yêu cầu chung của uy tín. Để có được danh tiếng trong nền bóng đá nước nhà và thế giới, Maradona – vua bóng đá người Argentina, phải có ý chí kiên cường, sự rèn luyện phi thường và kĩ năng chơi bóng tuyệt đỉnh. Điều đó được chứng minh bằng những màn trình diễn mãn nhãn khán giả, những giải thưởng danh giá mang tầm khu vực và quốc tế. Quá trình nỗ lực, phấn đấu này là không hề dễ dàng và là điều không phải ai cũng có thể làm được.
Xây dựng thương hiệu cá nhân cũng đồng nghĩa với việc tạo ra phong cách riêng biệt cho bản thân. Điều này sẽ giúp bạn thể hiện được sức hút đặc biệt của mình. Đương nhiên, tôi không cổ xúy bạn đạp lên mọi chuẩn mực xã hội để trở thành một người không giống ai theo nghĩa tiêu cực. Hãy đọc câu chuyện dưới đây để hiểu rõ hơn.
Edward M. House có thân hình thấp bé, lại thêm hơi thở hổn hển. Theo tiêu chuẩn của xã hội, ông không có những điều kiện lí tưởng trở thành một người thành công.
Thế nhưng, bất chấp những điều kiện không phù hợp, Edward đã trở thành một nhà ngoại giao tầm cỡ thế giới, đồng thời là cố vấn cho Tổng thống Mỹ thứ 28, ngài Thomas Woodrow Wilson. Edward làm được những điều đó là nhờ ông biết cách phát huy lợi thế của bản thân, có kĩ xảo giao tiếp đặc biệt.
Một trong những kĩ năng quan trọng giúp Edward giao tiếp thành công là: Ông có thể nhanh chóng ghi nhớ tên và nội dung trò chuyện của mọi người, có thể nhanh chóng đoán đúng sở thích của đối phương. Chỉ với hai khả năng thiên phú này, Edward có thể kết giao với rất nhiều người chỉ trong một bữa tiệc xã giao.
Có một người mẫu nổi tiếng nọ được một ông bầu phát hiện tài năng khi còn sống ở nơi thâm sơn cùng cốc. Khi đó, có người hỏi ông bầu rằng làm sao ông nhìn ra được triển vọng của người mẫu đó. Ông bầu này đáp: “Lần đầu gặp gỡ, tôi thấy cô ấy không đẹp. Nhưng khi chúng tôi đi tới đám đông, tôi thấy mọi người đều nhìn cô ấy, vì vậy tôi biết cô ấy nhất định có điểm hấp dẫn sự chú ý của những người khác.”
Vì “có điểm hấp dẫn sự chú ý của người khác” nên cô gái kia từ một thiếu nữ vô danh đã trở thành siêu mẫu thế giới. Đa số chúng ta không may mắn được ông trời ban cho sức hấp dẫn như vậy, nhưng điều này không quan trọng. Phong cách độc đáo được xây dựng từ những điều không hoàn mĩ. Nhìn từ góc độ khác, cái gọi là phong cách độc đáo có thể chính là những khiếm khuyến có một không hai của chúng ta.
Tổng thống thứ 32 của Mỹ, Franklin D. Roosevelt không những có vẻ ngoài bình thường mà còn có giọng nói khàn khàn, đôi mắt thiếu thần thái và hàm răng khấp khểnh. Nhưng Roosevelt lại là một trong những tổng thống được người dân Mỹ yêu thích nhất, vì ông chính là một người biết cách biến khuyết điểm thành lợi thế của bản thân.
Trước tiên, Roosevelt đã luyện tập để sửa chất giọng vốn có thành giọng khàn truyền cảm của riêng mình. Đồng thời ông thường xuyên chơi các môn thể thao như bơi lội, đua ngựa, bóng đá... để có một thân hình cân đối và nâng cao tự tin, dũng khí, ý chí. Ngoài ra, Roosevelt còn dành thời gian tu dưỡng những phẩm chất tốt đẹp khác như khiêm tốn, kiên nhẫn...
Trải qua nhiều cố gắng, cuối cùng Roosevelt đã trở thành một người được mọi người hoan nghênh bởi nguồn năng lượng tích cực có sức truyền cảm, bởi cá tính mạnh mẽ mà tình cảm, bởi tài ăn nói lão luyện... Những khiếm khuyết trời sinh trải qua rèn luyện lại trở thành vốn quý để Roosevelt đi đến thành công.
Trong xã hội cạnh tranh ngày nay, muốn tạo dựng được uy tín và thương hiệu cá nhân, bạn phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng nếu thành công, bạn sẽ trở thành nhân vật đứng trên đỉnh cao.
5
CHĂM CHÚT CHO HÌNH TƯỢNG CỦA BẢN THÂN
Một trong những bí quyết gặt hái thành công chính là “nhào nặn” được một hình tượng đẹp
Có một quý ông kể lại một câu chuyện như sau:
“Một buổi chiều tối của một ngày mùa hè, tôi đi thăm một vị khách đến từ Hồng Kông. Vì khách sạn mà vị khách này nghỉ lại cách nhà tôi tương đối gần, cho nên tôi cũng không thay sang một bộ trang phục lịch sự, đến cuộc hẹn trong một bộ đồ hơi cũ. Người phục vụ ở sảnh khách sạn thấy tôi ăn mặc nhàu nhĩ như vậy, lập tức đề cao cảnh giác, nhìn chằm chằm vào tôi. Khi tôi đi đến thang máy, anh ta chặn tôi lại để hỏi, khiến tôi cảm thấy vô cùng ngượng ngùng. Tôi bất đắc dĩ phải nói nặng anh ta mấy câu, anh ta bực bội rời đi, tuy nhiên trong lòng tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ. Lúc gặp mặt, tôi cũng kể lại chuyện này cho vị khách của tôi nghe. Anh ta cười xòa: ‘Anh ăn mặc thế này có chút thoải mái quá rồi.’ Từ đó, mỗi khi đến những nơi sang trọng, cho dù vội đến mấy tôi cũng luôn chú ý ăn mặc lịch sự.”
Ngạn ngữ có câu: “Mắt tục không nhìn thấu cao nhân”, kẻ chỉ đánh giá người khác qua vẻ ngoài thì chính là người nông cạn. Tuy nhiên, nghĩ theo chiều ngược lại, nếu bạn không chăm chút cho ngoại hình của mình, vậy có phải bạn cũng đang không tôn trọng người khác?
Một trong những bí quyết gặt hái được thành công chính là “nhào nặn” được một hình tượng đẹp, khiến không ai có thể coi thường bạn. Dưới đây là một số cách xây dựng hình tượng đẹp cho bản thân để bạn đọc tham khảo:
Đầu tư cho phụ kiện, trang sức
Bên cạnh mục đích làm đẹp cho chính mình hay khoe khoang, phụ nữ đeo trang sức chủ yếu là vì yêu cầu công việc, vì muốn tạo hình ảnh đẹp trong những dịp xã giao long trọng. Người nổi tiếng, doanh nhân, những người vợ đi xã giao cùng chồng hoặc nhân viên tiếp tân đều hiểu rõ “quy tắc ngầm” này. Một quý bà từng nói về tâm lí này của phụ nữ một cách hài hước như sau: “Thực ra tôi không thích đeo trang sức, lúc ở nhà hay đi ra ngoài tôi đều không dùng đến. Nhưng mỗi khi đi dự tiệc cùng chồng hoặc tham gia hoạt động long trọng nào đó, tôi luôn đeo trang sức. Trong những dịp trang trọng này, không đeo trang sức sẽ không phù hợp với địa vị, hoàn cảnh. Mà chồng tôi lại phải tham gia nhiều hoạt động xã giao, nên tôi cũng bất đắc dĩ phải mua rất nhiều trang sức.”
Một món phụ kiện đắt tiền, ví dụ như một chiếc đồng hồ hàng hiệu, là một món đầu tư đáng giá. Bạn chi ra hàng ngàn đô-la để mua chiếc đồng hồ hàng hiệu đó, sau khi “thể hiện” bản thân xong, nếu bán lại, vẫn có thể thu về số tiền không nhỏ.
Xây dựng phong cách thời trang riêng
Ngày nay, các minh tinh thường ăn mặc, trang điểm rất khác lạ. Bị cuốn theo phong cách của thần tượng, không ít người hâm mộ đã học theo mà nhuộm tóc hay mặc một món đồ y hệt với người nổi tiếng. Hoặc khi trên thế giới xuất hiện một trào lưu thời trang mới, thì ngoài đường phố sẽ có không ít người, đặc biệt là các bạn trẻ, ăn vận theo đúng trào lưu đó. Trên thực tế, không cần chi quá nhiều tiền để chạy theo mốt như vậy. Hãy tự xây dựng phong cách thời trang của riêng bạn.
Hãy quan sát để nắm rõ các đặc điểm trên cơ thể bạn như cân nặng, dáng người, màu da… Sau đó, bạn có thể lên mạng và tìm hiểu những kiểu trang phục phù hợp với các đặc điểm này, học cách kết hợp chúng để tạo ra những bộ trang phục khoe được ưu điểm và che được khuyết điểm. Một cách khác là bạn hãy đến các cửa hàng thời trang và nhờ nhân viên tư vấn. Những người có kinh nghiệm chắc chắn sẽ giúp bạn xây dựng được một phong cách như ý.
Trong xã hội hiện đại, không thể phủ nhận rằng ngoại hình đóng vai trò không nhỏ đối với thành công của một người. Hãy chăm chút cho vẻ bề ngoài của bản thân, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường gặp một số trường hợp như thế này: Có một số người, bởi vì một số thói xấu của họ làm phiền người khác, vậy là họ trở thành những người không được mọi người chào đón. Những thói xấu này của họ giống như con sâu bỏ rầu nồi canh, như mây đen che lấp Mặt trăng sáng, làm lu mờ hết vẻ đẹp và hào quang của họ. Vậy nên trong xử thế, chúng ta cần chú ý những điểm sau:
Không ngáp khi người khác đang nói chuyện
Trong cuộc trò chuyện, tán gẫu cùng bạn bè, nhất là khi những người khác đang hứng chí thao thao bất tuyệt nói ra ý kiến của họ, lúc đó có thể bạn cảm thấy nhàm chán và buồn ngủ, vậy bạn có thể kiềm chế mà không ngáp to không? Khi tham gia các buổi hội họp đông người, khi phải nghe phổ biến những thông tin dài dòng, bạn có thể tránh ngáp không? Giả sử bạn gặp lại bạn cũ, khi đối phương hào hứng cùng bạn ôn lại chuyện xưa, bạn có biết nếu bạn đột nhiên ngáp to thì đối phương sẽ cảm thấy mất hứng thế nào không? Ngáp trong các trường hợp xã giao sẽ khiến người khác có ấn tượng là bạn bất lịch sự, thiếu kiên nhẫn, từ đó không muốn giao lưu với bạn.
Không dụi mắt, ngoáy tai, ngoáy mũi nơi công cộng
Có một số người có tật táy máy chân tay, họ không thể ngồi yên được một lúc, chỉ cần rảnh tay là sẽ dụi mắt, ngoáy mũi, ngoáy tai. Đặc biệt là trong phòng ăn, khi mọi người đang ăn uống mà lại ngoáy tai, ngoáy mũi thì thực bất lịch sự vô cùng. Cho dù hành động đó của bạn chỉ nhằm mục đích nhìn rõ, nghe rõ hơn, thì nó cũng không phù hợp trong hoàn cảnh ấy. Đồng thời, ngoáy mũi ngoài bất lịch sự còn vô cùng mất vệ sinh và khiến người khác phản cảm.
Che chắn khi ho, hắt hơi
Ho hay hắt hơi là phản ứng bình thường của cơ thể với môi trường xung quanh. Nhưng có nhiều người có thói xấu là ho hoặc hắt hơi mà không che chắn khi ở nơi công cộng. Điều này không những bất lịch sự mà còn có nguy cơ lây truyền bệnh cho người khác.
Tuy nhiên, nhiều người lại lấy tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Đây là hành động sai lầm vì nó khiến đưa mầm bệnh vào cơ thể. Khi ho hay hắt hơi, chúng ta nên che miệng bằng giấy ăn rồi sau đó vứt đi. Nếu không có giấy ăn, có thể che miệng bằng mặt trong của khủy tay.
Lịch sự khi xỉa răng ở nơi công cộng
Khi ăn xong, có nhiều người sẽ xỉa răng bằng tăm hoặc chỉ nha khoa. Nếu vừa xỉa răng vừa nhổ vụn thức ăn ra ngoài thì thật là thô lỗ và thiếu giáo dục. Hoặc nếu để vụn thức ăn văng vào người hoặc đồ ăn của người khác thì cũng thật mất vệ sinh. Vì vậy tốt nhất khi ăn xong, bạn nên vào nhà vệ sinh để xỉa răng, nếu không có nhà vệ sinh thì nên ý tứ lấy tay che miệng khi xỉa răng.
Không gãi đầu ở nơi công cộng
Có một số người da đầu nhiều gàu khiến họ luôn bị ngứa, nên kể cả lúc đi xã giao cũng không nhịn được mà phải đưa tay lên gãi đầu. Hành động gãi đầu sẽ khiến gàu từ đầu bạn bay ra ngoài, điều này không chỉ mất thẩm mĩ mà còn mất vệ sinh, khiến người xung quanh khó chịu. Gãi đầu ở nơi công cộng trong một số trường hợp còn là hành động vô lễ. Đặc biệt là trong những dịp trang trọng, hành động này rất mất lịch sự, khiến người khác có ấn tượng không tốt về bạn.
Hạn chế các hành vi thiếu tế nhị tại nơi công cộng
Nhiều người có thói quen rung đùi khi ngồi. Trong môi trường yên tĩnh, động tác này sẽ gây ra tiếng động làm phiền đến những người xung quanh. Đồng thời nếu bạn cứ rung đùi liên tục sẽ khiến người khác nghĩ rằng bạn đang bất ổn, sẽ tự động tránh xa bạn. Tương tự, đung đưa chân khi ngồi cũng là một hành vi bất lịch sự.
Đánh rắm là một hiện tượng sinh lí do một loại vi khuẩn có lợi trong ruột người gây ra. Trong điều kiện thông thường, không ai cần hạn chế nhu cầu sinh lí này. Nhưng tại nơi công cộng, nhiều khi một “quả” rắm có thể phá hủy hoàn toàn bầu không khí tốt đẹp. Đặc biệt là trong không gian kín, rắm sẽ càng nặng mùi. Theo một số bác sĩ, khi bạn muốn đánh rắm, hãy hít thở sâu ba lần, bạn sẽ nhịn được. Nếu không, bạn hãy vào nhà vệ sinh hoặc tìm một nơi tương đối riêng tư để “giải quyết” rồi hãy quay lại.
Quên kéo khóa quần tuy chỉ là sơ suất nhưng lại gây “mất điểm” trầm trọng. Việc này thậm chí có thể khiến bạn bị hiểu lầm là kẻ biến thái thích “khoe hàng”. Cho nên tuyệt đối phải kiểm tra khóa quần, khóa áo, dây giày trước khi ra khỏi nhà.
Không để móng tay dài, cáu bẩn
Nuôi móng tay dài là một sở thích, nhưng có một số người không chú ý cắt tỉa và vệ sinh móng tay. Khi bắt tay người khác hay khi tham gia hoạt động chung, móng tay dài đâm vào tay đối phương, thậm chí để lại cả dấu móng sâu, thật khiến người ta khó chịu. Vì vậy, bạn cần thường xuyên chăm sóc và vệ sinh móng tay. Một bàn tay sạch sẽ, hồng hào sẽ khiến người khác có ấn tượng tốt về bạn.
Tiểu tiết quyết định thành bại, hình tượng cá nhân chính là một tấm danh thiếp vô hình. Để giành được thiện cảm của người khác và phát triển mối quan hệ tốt đẹp với đối phương, trước hết chúng ta phải trở thành một người chỉn chu. Vì vậy, cần chú ý xóa bỏ những thói xấu có thể gây tổn hại tới hình ảnh của bạn trong mắt mọi người.
6
KHÉO ĂN NÓI SẼ CÓ ĐƯỢC TIỀN ĐỒ XÁN LẠN
Người có thể trình bày rõ ràng, rành mạch ý kiến của mình thì ngay từ khi cất lời đã thu hút được sự chú ý của mọi người
Ngoài tâm thái và hình tượng, sự tự tin của bạn còn được hình thành nhờ tài ăn nói. Muốn vậy, cần chú ý những điều sau:
Khắc phục tâm lí ngại giao tiếp
Trước khi giao tiếp với người khác, cần chuẩn bị tốt tâm lí. Đây cũng chính là tiền đề để việc giao tiếp diễn ra suôn sẻ. Một điểm bạn cần nhận thức rõ là: Xã hội có cả người tốt và người xấu, nhưng người tốt vẫn chiếm đại đa số. Trong giao tiếp bình thường, chỉ cần bạn chân thành, tôn trọng đối phương, không có thái độ bỡn cợt, lừa gạt, thù địch thì việc giao tiếp sẽ không còn đáng sợ nữa. Hãy giữ cho mình tâm thái tích cực, rằng bạn có thể giao lưu một cách vui vẻ với người khác, thì tức khắc mọi người sẽ thân thiện chào đón bạn.
Giao tiếp xã hội kì thực không phải việc quá dễ dàng nhưng cũng không quá khó khăn. Cái khó thể hiện ở hai phương diện: Một là không dễ dàng hiểu được tâm lí của đối phương, hai là không thể khống chế dư luận xã hội. Ví dụ, nếu giao lưu với người sang trọng hơn mình, bạn sẽ bị nghi ngờ là thấy người sang bắt quàng làm họ, muốn nhờ bóng quan lớn. Nếu giao lưu với lãnh đạo, cấp trên, bạn sẽ bị người ta dị nghị là muốn nịnh bợ, luồn cúi. Nếu thân thiết với người khác giới, bạn có thể bị nói là “lẳng lơ”, “dễ dãi”, “sở khanh”, “thả dê”...
Chúng ta có thể khắc phục những tình huống trên bằng ba giải pháp sau: Xác định rõ mục tiêu của việc giao tiếp; lường trước dư luận xã hội, lên tiếng đính chính khi cần thiết; tự tin vào bản thân, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Dùng khẩu khí khẳng định
Trong các cuộc trò chuyện, nếu mỗi khi nói ra suy nghĩ của mình chúng ta đều dùng khẩu khí khẳng định chắc nịch, khó tránh khỏi sẽ có lúc bị hiểu nhầm là kiêu ngạo và độc đoán. Nhưng phần nhiều sự chắc chắn của chúng ta sẽ để lại ấn tượng về con người có chủ kiến, có tự tin, có khí thế... trong lòng những người xung quanh. Ngược lại, những người nói năng hàm hồ, ba phải kiểu “mười rằm cũng ừ, mười tư cũng gật”, cho dù xây dựng được hình tượng người biết lựa lời ăn nói, nhưng đa số trường hợp đều khiến người nghe cảm thấy mệt mỏi bởi ấn tượng rằng người đó thiếu tự tin, thiếu quyết đoán, thiếu chủ kiến, tính cách nhu nhược...
Tóm lại, trò chuyện bằng ngữ khí khẳng định có thể thể hiện được con người lạc quan, cởi mở của bạn. Mà tính cách lạc quan, cởi mở này sẽ dẫn dắt người khác tới những ấn tượng tốt đẹp khác như có chí cầu tiến, có động lực. Một người có những ưu điểm này, có ai lại không muốn kết giao cùng?
Ngữ khí khẳng định không đồng nghĩa với việc bạn sẽ nói “Không thể”. Đặc biệt là khi nói về bản thân, cho dù bạn muốn biểu hiện thái độ khiêm tốn, tốt nhất cũng đừng chọn nói ra hai chữ “Không thể” này.
“Không được đâu, làm sao một người bình thường như tôi có thể gánh vác nổi trọng trách này”, “Năng lực của tôi không đủ, chỉ sợ sẽ phụ lòng tin của anh”, chúng ta thường xuyên nghe được những câu nói đánh giá thấp bản thân như vậy ở khắp nơi. Có lẽ bản thân những người nói ra những câu trên cũng chỉ muốn thể hiện thái độ khiêm tốn. Nhưng nếu không muốn người khác nghĩ rằng bạn là một người hay lo lắng, không có dũng khí làm bất cứ điều gì, tốt nhất bạn nên hạn chế nói ra những điều như vậy.
Nếu không ngừng nói rằng bản thân “Không thể”, bạn chắc chắn chẳng thể thu được tiếng thơm là người khiêm tốn mà chỉ làm hỏng ấn tượng tốt đẹp ban đầu bạn đã tạo ra.
Cho nên khi nói về bản thân, nhất định phải duy trì ngữ khí khẳng định và thường xuyên nói rằng: “Tôi có thể.”
Nói to, rõ ràng
Trong các các buổi hội họp, những người nói to, phát biểu dõng dạc luôn chiếm được lợi thế hơn những người “ăn không nên đọi nói không nên lời”, phát biểu lúng ba lúng búng như gà mắc tóc. Người có thể trình bày rõ ràng, rành mạch ý kiến của mình thì ngay từ khi cất lời đã thu hút được sự chú ý của mọi người. Điều này tất nhiên sẽ gây được hiệu ứng tích cực cho người nghe.
Nói nhỏ, phát biểu lí nha lí nhí dễ khiến người khác có ấn tượng rằng: Người này có vẻ có tật giật mình, nói năng ấp úng cứ như sợ lỡ lời nói ra điều đang giấu giếm. Một khi người nghe đã có định kiến này, thì ấn tượng về bạn trong lòng họ đã không được tốt đẹp rồi. Lúc này, cho dù bạn có nói toàn lời hay ý đẹp, mọi người cũng không chú ý nghe và tin tưởng vào lời bạn nói nữa.
Càng nguy hiểm hơn nữa là khi bạn nói nhỏ tiếng, người nghe rất có thể không hiểu được điều bạn muốn nói, muốn truyền đạt. Như vậy, đối phương sẽ có suy nghĩ rằng: Người này ngay cả nói rõ ý mình còn không làm nổi thì còn trông mong gì được nữa.
Một trong những cách chữa bệnh nói quá nhỏ, không mạch lạc, rõ ràng là khi chuẩn bị cất lời, bạn phải mở rộng khẩu hình để tiếng nói phát ra to và vang ngay từ âm tiết đầu tiên. Vì nếu bạn không thể bật ra tiếng đầu tiên to, rõ ràng thì rất khó có thể nói ra những câu sau một cách dõng dạc.
Nếu bạn có thể điều chỉnh âm lượng, nâng cao hay hạ thấp tông giọng một cách diễn cảm, vậy thì những điều bạn nói ra càng dễ dàng được tiếp thu, và ấn tượng về bạn trong lòng người nghe sẽ lập tức được nâng cao.
Dùng những từ ngữ tích cực, lạc quan
Bạn có hay đọc tự truyện của các danh nhân không? Bạn có để ý thấy cách hành văn của những danh nhân này đều có một điểm chung không? Đó chính là: Họ thường dùng những từ ngữ lạc quan, tích cực để khích lệ những người khác, ví dụ như: “Chúng ta sắp thành công rồi”, “Chúng ta bất khả chiến bại”...
Lẽ nào với những danh nhân này mọi chuyện đều xuôi chèo mát mái, sự tình lúc nào cũng lạc quan? Thực tế, cuộc đời họ không phải luôn thuận lợi như vậy, mà ngược lại, đa phần công việc của họ đều khó khăn và tồn tại nhiều nguy cơ. Nhưng nếu bản thân các danh nhân này lại tỏ ra thiếu tự tin, thì cấp dưới của họ sẽ càng cảm thấy hoang mang, rối loạn. Còn chưa bắt đầu vào việc, mọi người đã mất tinh thần như vậy thì đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội thành công.
Dù không phải là nhân vật nổi danh nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học theo họ. Vốn từ tất nhiên là quan trọng nhưng quan trọng hơn là việc chúng ta vận dụng từ ngữ thế nào để tạo ảnh hưởng với người khác.
Khi nói hoặc viết, từ một góc độ nào đó, bạn giống như một chiếc máy chiếu đang chiếu phim cho người khác xem. Những nội dung bạn phát ra sẽ quyết định phản ứng của người khác với bạn.
Ví dụ bạn nói với mọi người: “Rất xin lỗi, tôi phải nói với các bạn rằng chúng ta đã thất bại.” Vậy người nghe sẽ nghĩ gì? Họ sẽ xoáy vào từ khóa “thất bại” mà bạn cung cấp, từ đó liên tưởng theo đủ hướng: tất cả nỗ lực bỏ ra đều thành công cốc rồi; tiền đồ mờ mịt rồi; xong rồi, hết rồi... Muốn vực dậy tinh thần cho những người đã hình thành suy nghĩ tiêu cực chẳng phải việc dễ dàng.
Nhưng cũng trong hoàn cảnh sắp rơi vào thất bại như vậy, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã hành động hoàn toàn khác. Khi thủ đô London bị đánh bom trong Thế chiến thứ hai, tình hình thực tế không mấy khả quan, nhưng Churchill đã lấy hết dũng khí, dõng dạc phát biểu trước truyền thông: “Chúng ta tạm thời gặp chút rắc rối, nhưng nhiệt tình và lí trí vẫn hừng hực trong mỗi con người. Lúc này vẫn còn có cách khác và tôi tin rằng cuối cùng chúng ta sẽ thành công.” Khi Churchill khẳng khái tuyên bố như vậy, tinh thần của người dân Anh đã được vực dậy và họ tiếp tục hăng hái tin theo ông.
7
NGƯỜI TÔN TRỌNG CHÍNH MÌNH MỚI ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC TÔN TRỌNG
Hãy tôn trọng chính mình, không vì địa vị thấp mà khinh thường bản thân, cũng không vì nghề nghiệp bình thường mà tự ti
Ai cũng cần tôn trọng chính mình. Người tôn trọng bản thân rất tự tin trong giao tiếp. Khi gặp gỡ, trò chuyện với người khác, họ luôn có thể cư xử đúng mực, linh hoạt ứng đối. Gặp người khí thế mạnh mẽ, họ không bị át vía lạc thần. Gặp người cố tình gây sự, họ có thể khéo léo né tránh hoặc kiên cường đứng lên tự vệ. Gặp người yếu đuối, họ sẽ thấu hiểu và giúp đỡ. Gặp hoàn cảnh trắc trở, khó khăn, họ không nản lòng. Tóm lại, người tôn trọng bản thân luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng trong quan hệ xã hội và dễ dàng nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Trong xã giao, những người tự tin thái quá tuy vui vẻ, hoạt bát, thích tiếp xúc với người khác, nhưng đồng thời họ có lòng hiếu thắng rất mạnh. Họ thích nói rõ suy nghĩ trong lòng, thích bày tỏ quan điểm của mình nhưng lại không thích lắng nghe ý kiến của người khác. Họ dễ dàng trở nên hưng phấn, dễ bị kích động và đôi khi có những hành vi bốc đồng.
Người tôn trọng bản thân ở mức độ vừa phải có thể thoải mái nói ra ý kiến cũng như bộc lộ cảm xúc của mình và khi nói chuyện luôn đủ tỉnh táo để lưu ý đến hoàn cảnh và đối tượng. Họ có thể xử lí tốt các mối quan hệ xã giao, không cảm tính, không khó tính cũng không hung hăng. Khi bị người khác phê bình, chỉ trích, họ sẽ không đau khổ, suy sụp nhưng cũng biết đề cao cảnh giác.
Người không biết tôn trọng chính mình thường có xu hướng tự hạ thấp bản thân, không tin tưởng chính mình, lúc nào cũng u sầu, uể oải. Họ luôn cảm thấy bản thân cô độc, kém may mắn và cũng không thích kết giao bạn bè. Họ thường từ chối các hoạt động giao lưu và không thích giao tiếp với người khác. Có thể thấy rằng, không tôn trọng bản thân sẽ gây trở ngại rất nhiều cho cuộc sống. Nếu bạn tự coi mình là vai phụ, có cũng được không có cũng chẳng sao trên sân khấu cuộc đời của chính mình, bạn sẽ luôn cảm thấy bản thân thấp kém, chẳng bằng người khác. Từ đó bạn càng thêm coi thường bản thân, chưa làm đã sợ, sau đó cứ phí hoài ngày tháng sống trong ưu phiền, ngăn cản chính mình vươn lên vị trí cao hơn trong xã hội.
Vậy chúng ta nên tôn trọng chính mình đến mức độ nào là phù hợp? Điều chúng ta cần làm là tự hào về bản thân và tự trọng. Cụ thể hơn, nó gồm những hàm nghĩa như sau:
Thứ nhất, giữ gìn danh tiếng tốt đẹp cho bản thân. Mặc Tử nói: “Danh dự không tự sinh ra mà danh dự cũng không tự lớn lên.” Danh dự là đánh giá của mọi người về một người, cũng là thước đo giá trị của một người trong xã hội. Bạn hãy xây dựng danh tiếng tốt đẹp và giữ gìn danh dự cho bản thân, việc này cũng đồng thời giúp bạn giữ gìn danh dự cho tập thể mà mình tham gia.
Thứ hai, giữ gìn thành tựu và tiền đồ của bạn. Thành tựu là quá khứ của bạn, tiền đồ là tương lai của bạn. Tôn trọng bản thân chính là trân quý và bảo vệ những gì mình đã làm được và những cơ hội sắp tới.
Thứ ba, giữ gìn sinh mạng của bản thân. Biết yêu quý bản thân nghĩa là không làm ra những hành động hủy hoại thân thể như coi thường tính mạng, có bệnh không chữa, sinh hoạt kém điều độ…
Thứ tư, quý trọng thời gian. Thời gian là tài sản quý giá nhất của một người, có thời gian thì mới có điều kiện để thực hiện những việc muốn làm. Yêu quý bản thân không thể tách rời với việc quý trọng thời gian, phải tận dụng từng giây từng phút để làm những việc có ý nghĩa.
Thứ năm, có nhân cách tốt đẹp. Nhân cách là nhân phẩm, là phẩm chất đạo đức của con người. Nhân cách bao gồm tính khí, năng lực, chí hướng… của một người, cần được liên tục xây dựng, bồi đắp và giữ gìn.
Nói một cách đơn giản, hãy tôn trọng chính mình, không vì địa vị thấp mà khinh thường bản thân, cũng không vì nghề nghiệp bình thường mà tự ti. Nhưng trong đời luôn có những người oán giận số phận của mình và ghen ghét với người khác.
Có một thanh niên trẻ chuyển từ Trung Quốc tới Hồng Kông làm việc và được người thân gọi điện thoại hỏi thăm tình hình. Cậu ta nói bản thân có ấn tượng vô cùng mạnh rằng nghiệp vụ của các ngành dịch vụ tại Trung Quốc kém hơn Hồng Kông rất nhiều. Ở Hồng Kông, tất cả nhân viên phục vụ đều làm việc chu đáo và chuyên nghiệp, và điều khiến cậu ta rất ngạc nhiên đó chính là họ đều rất tự hào về bản thân. Ví dụ người phụ trách dọn vệ sinh phòng của cậu ta là một phụ nữ trung niên. Bác ấy lúc nào cũng vui vẻ làm việc và rất thoải mái trò chuyện cùng cậu, không cho rằng công việc của mình thấp kém hay bản thân mình không bằng người khác.
Sự tôn trọng bản thân của người Mỹ cũng có điểm giống với người Hồng Kông, trên tạp chí Độc giả của Trung Quốc có đăng một chuyên đề bàn về hiện tượng này. Có rất nhiều người Mỹ xuất thân từ tầng lớp thấp kém trong xã hội nhưng họ không cảm thấy tự ti. Khi bước vào một khách sạn hạng sang ở Mỹ, bạn có thể thấy cậu bé phục vụ giúp bạn mở cửa lên xe sẽ không tỏ ra khúm núm, sợ sệt trước bạn mà vẫn tràn đầy tự tin. Cậu bé ấy tự hào về chính mình và không hề ghen tị với hoàn cảnh của bạn. Rất nhiều người Mỹ đã dựa vào hoàn cảnh thực tế của bản thân để chọn công việc, chọn cách sống phù hợp và sống tràn đầy tự trọng.
8
ĐỂ LẠI ẤN TƯỢNG TỐT ĐẸP VỚI NGƯỜI KHÁC
Bạn chỉ cần luôn là chính mình là đủ. Chỉ cần bạn chân thành, người khác tất sẽ có ấn tượng tốt và cảm tình với bạn
Một chuyên gia quản lí hình tượng người Mỹ đã đưa ra lời khuyên về việc để để lại ấn tượng tốt đẹp với những người xung quanh như sau:
Có thái độ tự tin
Trước hết, mỗi chúng ta phải hiểu rõ về chính mình, phải nắm được các ưu điểm của bản thân như ngoại hình, giọng nói, ngữ khí, động tác, cử chỉ, biểu cảm và các yếu tố có thể thu hút sự chú ý của người khác. Bạn phải luôn nhớ rằng, ấn tượng của người khác về bạn được hình thành trên các yếu tố này. Cho nên khi giao lưu cùng mọi người, bạn phải tràn đầy lòng tự tin thì mới có thể phát huy thế mạnh của bản thân, gây ấn tượng với những người xung quanh.
Giữ gìn bản sắc cá nhân
Người thành công sẽ không bao giờ thay đổi tính cách của mình khi giao lưu với các đối tượng khác nhau. Hãy luôn là chính mình, giữ gìn bản sắc cá nhân, đó chính là bí quyết để tạo được ấn tượng tốt với mọi người. Bất kể là khi tâm sự thân tình cùng bạn bè thân thiết, hay khi phát biểu, diễn thuyết trước đông người, bạn đều phải thể hiện con người chân thật của mình. Nếu không, người khác sẽ thấy rằng bạn là người giả dối, thảo mai, lời nói và hành động bất nhất.
Giỏi sử dụng ánh mắt
Bất kể là nói chuyện cùng một người hay cùng hàng trăm người, bạn đều phải nhớ giao lưu bằng mắt với đối phương. Có một số người, khi bắt đầu nói chuyện sẽ nhìn vào đối phương, nhưng nói được vài câu, ánh mắt của họ đã lạc đi tận nơi nào, không tập trung vào người đang cùng giao lưu. Như vậy sẽ khiến đối phương cho rằng bạn đang không tôn trọng họ.
Khi tiến vào một căn phòng đông người, bạn hãy tự nhiên đưa mắt nhìn xung quanh và mỉm cười, dùng ánh mắt thể hiện sự quan tâm của bạn và nhớ đừng tránh né ánh mắt của mọi người. Điều này sẽ giúp bạn ghi điểm với người khác bởi phong thái tự tin, cởi mở.
Nắm tình hình trước khi hành động
Khi tham gia hội họp, tiệc tùng hay trả lời phỏng vấn, bạn đừng vội vàng phát biểu ý kiến. Hãy dừng một chút để hiểu rõ, hiểu đúng tình hình lúc đó, xem xét tâm tình của mọi người xung quanh. Bầu không khí trao đổi nơi đây đang lên cao hay xuống thấp? Mọi người đang háo hức chờ đợi nghe bạn nói hay thờ ơ không quan tâm? Chỉ khi nắm rõ phản ứng của những người khác, bạn mới có thể giao lưu hiệu quả với họ.
Thả lỏng tâm tình
Muốn khiến người khác thoải mái khi giao tiếp cùng mình, bạn cũng phải thể hiện mình đang vô cùng thoải mái đón nhận đối phương. Cho dù gặp phải sự tình nghiêm trọng thế nào, bạn cũng phải cố gắng thả lỏng tâm lí hết mức. Đôi khi hãy tỏ ra hài hước, đừng lúc nào cũng mang dáng vẻ quá mức nghiêm túc hoặc chán chường. Bạn phải có tâm tình thoải mái, nếu không người thân, bạn bè, đồng nghiệp sẽ cảm thấy mệt mỏi mỗi khi ở gần bạn.
Tóm lại, đừng đột nhiên thay đổi thái độ của bạn, càng không cần vờ vĩnh thay đổi. Bạn chỉ cần luôn là chính mình là đủ. Chỉ cần bạn chân thành, người khác tất sẽ có ấn tượng tốt và cảm tình với bạn.
9
LOẠI BỎ SUY NGHĨ VÀ LỜI NÓI TIÊU CỰC
Hãy suy nghĩ tích cực lên nhé! Mọi vấn đề khó khăn bạn gặp phải đều có thể được giải quyết nhanh chóng
Xung quanh chúng ta luôn có những người có suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Nếu không xóa bỏ những suy nghĩ tiêu cực như vậy, sẽ rất khó duy trì lòng cầu tiến tích cực.
Do đó, thỉnh thoảng bạn vẫn nên kiểm tra suy nghĩ và hành động của mình lẫn những đề xuất của người khác để phân chia thành nội dung tích cực và nội dung tiêu cực, đồng thời đề cao cảnh giác với các “trào lưu tiêu cực”. Nói tóm lại, bạn luôn cần loại bỏ tâm thái, suy nghĩ, lời nói tiêu cực.
Dưới đây là những suy nghĩ, lời nói tiêu cực mà bạn cần “tiêu diệt”:
“Thận trọng một chút”
Những người làm chuyện gì cũng “Thận trọng một chút” rất khó đạt được thành tựu lớn. Cẩn thận là điều tốt, tuy nhiên quá cẩn thận lại không phải là một cách xử lí vấn đề tích cực. Tùy điều kiện, năng lực và hoàn cảnh, chúng ta phải dám dũng cảm làm việc khó và sẵn sàng chịu trách nhiệm.
“Hết cách”
Câu nói này đã bóp chết không biết bao nhiêu suy nghĩ tích cực. Bạn đừng biến nó thành câu cửa miệng, cũng đừng để người khác dùng nó khiến bạn có thái độ buông xuôi tiêu cực. Trên thực tế, chỉ cần bạn bỏ thời gian, sức lực để suy nghĩ, tìm tòi và chấp nhận rủi ro thì mọi vấn đề đều có thể giải quyết.
“Tàm tạm”
Hẳn là bạn đã từng có trải nghiệm như thế này: Khi hàn huyên với bạn bè, đôi bên thường hỏi nhau: “Gần đây thế nào?”, và đại khái câu trả lời thường là: “Cũng tàm tạm.” Thực chất đây cũng là một câu nói có hàm nghĩa tiêu cực. Cho dù nghe có vẻ vô hại và khiêm tốn, nhưng thực chất nó khiến bạn có tâm lí hạ thấp yêu cầu với mọi việc, lâu dần khiến bạn mất đi nhiệt huyết vươn tới thành công.
Bạn hãy nhớ rằng: Cho dù bạn không thể khống chế hoàn cảnh, bắt nó biến đổi theo ý mình, nhưng bạn hoàn toàn có thể làm chủ suy nghĩ của bản thân. Bạn phải tự nói với bản thân rằng mình đang sống rất tốt. Không phải tôi đang khuyên bạn lừa mình dối người, mà là muốn bạn điều chỉnh tâm thái để có thể đột phá cục diện. Bạn hãy nhớ, một người có tâm thái “cũng tạm” sẽ không thể có được thành tựu “trên cả tuyệt vời”.
Nói tóm lại, bạn cần phân biệt những lời nói tích cực và tiêu cực, sau đó đẩy những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí. Mọi giải pháp đều được sinh ra bởi một tâm thái tích cực.
Hãy suy nghĩ tích cực lên nhé! Mọi vấn đề khó khăn bạn gặp phải đều có thể được giải quyết nhanh chóng. Hoặc ngay cả khi bạn không thể giải quyết dứt điểm nó, ít nhất bạn cũng không khiến tình hình trở nên xấu đi. Trong quá trình tìm tòi cách xử lí vấn đề, bạn sẽ rút ra được những bài học đắt giá. Tất nhiên, đầu tiên chúng ta phải tích cực làm chủ suy nghĩ và cuộc sống của mình. Nói cách khác, bạn phải biết làm chủ bản thân, không để các yếu tố bên ngoài chi phối chính mình.
10
THIẾT LẬP TƯ TƯỞNG BÌNH ĐẲNG
Thiết lập tư tưởng bình đẳng với người khác sẽ giúp bạn có được tâm thái tự tin để theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, sự nghiệp thành công
Nói đến sự không tự tin, cảm giác thua kém người khác, tự cho mình là người có địa vị thấp kém trong xã hội, chúng ta không thể không nhắc tới nhân vật AQ trong tác phẩm AQ chính truyện của nhà văn Lỗ Tấn.
Nhân vật này làm người đọc cười ra nước mắt và cũng khiến người ta phải khóc không thành tiếng, bởi vì từ đầu đến cuối tác phẩm, AQ chưa từng coi mình bình đẳng với những người khác. Đối với những người đáng thương như mình, AQ khinh thường và tùy ý bắt nạt họ. Đối với những kẻ áp bức mình, anh ta lại sợ hãi, nhưng chỉ dám thầm khinh ghét trong lòng.
Đương nhiên, AQ cũng có lúc tỏ ra bất bình. Anh ta sẽ tức giận vì không có nhiều chấy rận như Vương râu xồm, tức giận vì “Tây giả” không cho anh ta đi làm cách mạng. Cách mạng của AQ là gì? Là nửa đêm lẻn vào nhà người khác trộm đồ, là muốn những người phụ nữ như cô tiểu chùa Tĩnh Tu, vú Ngô, em gái Triệu Tư Thần phải chính chuyên.
AQ là người rất sợ “những người có lai lịch”. Ở phần Đoàn viên, AQ bị bắt giam vào ngục, bị đưa lên công đường xử tội. Tại đây, anh ta gặp một tên quan đầu trọc lốc như sư ông (thời đó đàn ông Trung Quốc để tóc đuôi sam nên những người làm cách mạng sẽ cạo tóc). AQ biết người này nhất định có quyền thế, chân tay anh ta lập tức nhũn ra, và anh ta quỳ sụp xuống. Cho dù những người xung quanh nói AQ không cần quỳ lạy, anh ta vẫn không đứng dậy nổi, cứ nằm bò ra đất như thể trời sinh đã là người không xương.
Trong lòng luôn cảm thấy thua kém người khác thì không thể nào có được tâm lí tự tin. Coi mình bình đẳng với người khác, việc người khác làm được mình cũng làm được, đây mới chính là tâm thái của người thành công. Nếu không, đừng mơ mộng đến việc đứng trên đỉnh vinh quang.
Lại có câu chuyện về Tướng quốc Bình Nguyên Quân đi cầu viện Sở Vương đem quân cứu nước Triệu. Ông muốn thực hiện kế sách Hợp tung1 với Sở Vương, thuyết phục từ sáng tới giữa trưa, miệng khô lưỡi đắng nhưng vẫn không thành công. Mười chín vị môn khách đi theo đứng dưới thềm rồng cũng sốt ruột như kiến bò chảo nóng nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Có người đề xuất: “Mao tiên sinh, ông thử đi!”
1 Hợp tung: Kế sách liên minh các nước chư hầu thời Xuân Thu Chiến Quốc.
Không ngờ Mao Toại thực sự đứng lên, vừa nói vừa bước lên thềm rồng, đĩnh đạc đứng trước mặt Sở Vương: “Có liên minh hay không, chuyện nói hai câu ba điều là xong. Vì sao các ngài phải bàn lâu như vậy?”
Sở Vương đương nhiên cảm thấy khó chịu, bèn quay sang Bình Nguyên Quân và trách khéo: “Người này là ai?”
Bình Nguyên Quân đáp: “Đây là Mao Toại, môn khách của tôi.”
Chỉ là một người dân thường được nuôi làm môn khách lại dám ăn nói như vậy trước mặt vua một nước, Sở Vương hai tay nắm vào ngai vàng, quay sang nạt nộ Mao Toại: “Ta với chủ của ngươi đang bàn việc quốc gia đại sự. Chuyện này đâu đến lượt nhà ngươi mở mồm, còn không mau cút ra ngoài cho ta.”
Mao Toại không chút run sợ, tay đặt chắc trên kiếm, bước lên phía trước và nói: “Sở Vương xin đừng ỷ thế ép người. Chủ tôi còn ở đây, Đại vương mắng tôi như vậy là có ý gì?”
Trong mắt Sở Vương, Mao Toại chỉ là kẻ thường dân của một nước nhỏ, đang đến nước Sở xin cứu binh. Nhưng Mao Toại không giống phường phàm phu tục tử, có khí phách vô cùng lẫm liệt. Trước tình cảnh này, Sở Vương cũng đành dịu giọng: “Vậy tiên sinh có cao kiến gì, xin chỉ giáo!”
Mao Toại bèn lôi chuyện nước Sở thua trận trước kia ra nói: “Nước Sở vốn là nước lớn, nhưng từ khi nước Tần nổi lên, nước Sở luôn thua trận, thậm chí ngay cả vua Sở cũng bị bắt làm tù binh rồi chết ở nước Tần. Vua Tần chẳng qua chỉ hạng võ phu, vậy mà đánh một trận đã chiếm được kinh đô nước Sở, buộc Đại vương phải dời đô. Người nước Triệu chúng tôi còn thấy nhục thay cho Đại vương, mà nay Đại vương lại không muốn phục thù. Nói thực, chuyện liên minh mà chủ tôi bàn cùng Đại vương hôm nay chủ yếu là vì nước Sở chứ đâu phải vì nước Triệu chúng tôi.”
Sở Vương càng nghe càng thẹn, cuối cùng quyết định liên minh cùng nước Triệu chống lại nước Tần như lời Mao Toại.
Mao Toại dám lên tiếng là vì ông có tài nên không sợ thua kém, và cũng là bởi vì không sợ thua kém cho nên mới phát huy được tài năng.
Người ở địa vị cao không thể kiêu ngạo, vì kiêu ngạo tất vô đức, mất đi nhân tâm. Người ở địa vị thấp lại có thể tự tin để phát huy tài cán, đây gọi là trên dưới bình đẳng. Tôn Trung Sơn2và Trương Chi Động3 chính là kiểu quan hệ như vậy. Trương Chi Động là quan thuộc triều đình Mãn Thanh, Tôn Trung Sơn lại muốn lôi kéo Trương Chi Động ủng hộ cách mạng dân chủ.
2 Tôn Trung Sơn (1866-1925): Tên thật là Tôn Văn, tự Tải Chi, hiệu Nhật Tân, Dật Tiên. Ông là nhà cách mạng, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 đã lật đổ triều đại Mãn Thanh và khai sinh ra Trung Hoa Dân Quốc.
3 Trương Chi Động (1837-1909): Là viên quan lại, chính trị gia nổi tiếng người Trung Quốc vào cuối triều đại nhà Thanh và là người ủng hộ phái cải cách một cách thận trọng.
Một ngày nọ, Tôn Trung Sơn đến phủ Trương Chi Động, chỉ đưa một tấm danh thiếp đề ba chữ “Tôn Trung Sơn” cùng lí do xin gặp và nhờ gia nhân trình tới Trương Chi Động. Lúc đó Trương Chi Động đã là quan lớn của triều Thanh còn Tôn Trung Sơn chỉ là một chàng trai chưa ai biết đến. Trương Chi Động không muốn gặp Tôn Trung Sơn, cho nên truyền gia nhân bảo ông đi vào bằng cửa ngách, quyết “dạy bảo” ông một bài học. Tôn Trung Sơn rất tức giận, nhất quyết không đi vào qua cửa ngách, bèn bảo gia nhân nhà Trương Chi Động truyền lời giúp rằng: “Tôn Trung Sơn nhất định phải gặp ‘người anh em’ Trương Chi Động để bàn chuyện đại sự.”
Trương Chi Động vuốt râu ngẫm nghĩ: “Tôn Trung Sơn dám gọi mình là ‘người anh em’, ngông cuồng như vậy lẽ nào là vì cậy có tài?” Vì vậy Trương Chi Động quyết định gặp mặt để xem Tôn Trung Sơn rốt cuộc là người thế nào. Trương Chi Động ra một câu đối cho Tôn Trung Sơn, đại ý trách khéo ông gặp quan nhất phẩm mà dám xưng huynh đệ. Tôn Trung Sơn không chút yếu thế, đối lại bằng một câu, đại ý đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường, nhìn người không thể nhìn hình thức.
Đọc được câu đối của Tôn Trung Sơn, Trương Chi Động liền sai người mở cổng chính, trịnh trọng mời ông vào trong trò chuyện.
Tôn Trung Sơn vào gặp Trương Chi Động, cùng Trương Chi Động bàn về chuyện con đường đúng đắn nhất của Trung Quốc lúc này là tiến hành cách mạng dân chủ.
Bởi tư tưởng của hai người quá khác biệt, cho nên Trương Chi Động và Tôn Trung Sơn nói chuyện hồi lâu vẫn không tìm được tiếng nói chung. Nhưng Trương Chi Động thấy Tôn Trung Sơn có phong thái bình tĩnh, tài hoa hơn người, cho nên không lớn lối khệnh khạng, ra vẻ quan lớn.
Tự coi thường bản thân sẽ khiến tinh thần bạn sa sút, không còn nhuệ khí, không có chí tiến thủ, như vậy đối với bản thân là không công bằng. Nhưng quá coi trọng bản thân, luôn đặt mình lên trên người khác, luôn thấy bản thân hơn người, thì tự tin sẽ biến thành tự kiêu, chí cầu tiến sẽ biến thành cậy mạnh cướp đoạt, như vậy sẽ gây bất lợi cho bản thân.
Đối với xã hội, mọi sự bất bình đẳng đều gây ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là tạo ra gánh nặng tâm lí. Còn bình đẳng khiến mọi người cảm thấy được tôn trọng, từ đó sinh ra lòng tự tin. Thiết lập tư tưởng bình đẳng với người khác sẽ giúp bạn có được tâm thái tự tin để theo đuổi cuộc sống hạnh phúc, sự nghiệp thành công.