Sau khi tôi đã viết gần xong cuốn sách này, vào một buổi chiều ở London, tôi ra ngoài đi dạo hàng giờ đồng hồ. Tôi nhận ra mình chỉ còn cách khu mua sắm – nơi tôi đã uống viên thuốc chống trầm cảm đầu tiên hồi còn là một cậu thiếu niên 20 năm trước – một quãng đi bộ ngắn. Tôi đi lang thang và đứng ở ngưỡng cửa tiệm thuốc, nhớ lại câu chuyện mà tôi đã tin vào ngày hôm đó và kéo dài rất lâu sau này. Tôi đã được bác sĩ, các hãng dược phẩm lớn trong nhóm Big Pharma và những cuốn sách bán chạy nhất bảo rằng: Vấn đề là ở trong đầu bạn. Đó là sự mất cân bằng hóa học. Cơ thể của bạn bị hỏng và nó cần được sửa chữa.
Mọi người ra vào tiệm thuốc đi ngang qua tôi, và họ cũng được cho những loại thuốc chống trầm cảm phổ biến. Có thể một trong số họ sắp uống viên thuốc chống trầm cảm đầu tiên trong đời, và toàn bộ câu chuyện này sẽ lại bắt đầu.
Tôi tự hỏi, sau tất cả những gì đã tìm hiểu được, nếu có thể quay ngược thời gian và nói chuyện với tôi ngày xưa – trước khi cậu ấy uống viên thuốc chống trầm cảm đầu tiên – thì tôi sẽ nói gì.
Tôi hy vọng sẽ cố gắng kể cho cậu thiếu niên đó nghe một câu chuyện trung thực hơn về nỗi đau khổ của cậu ấy. Tôi sẽ nói những gì người ta nói với cậu từ trước đến nay đều sai sự thật. Điều đó không có nghĩa là tất cả các loại thuốc chống trầm cảm đều không tốt; một số nhà khoa học đáng tin cậy cho rằng chúng giúp giảm nhẹ tạm thời cho một số ít người dùng và không nên loại bỏ tác dụng của chúng. Nhưng câu chuyện sai lầm nằm ở chỗ người ta đã tuyên bố rằng trầm cảm là do mất cân bằng hóa học trong não và giải pháp chính cho hầu hết mọi người là thuốc chống trầm cảm hóa học. Câu chuyện đó đã giúp Big Pharma thu về hơn 100 tỷ đô la, đó là một trong những lý do quan trọng khiến thuốc chống trầm cảm tồn tại.
Tôi sẽ giải thích cho cậu ấy câu chuyện thực tế đã được các nhà khoa học biết đến trong nhiều thập niên. Trầm cảm và lo âu có ba loại nguyên nhân: sinh học, tâm lý và xã hội. Tất cả chúng đều có thật, và không nguyên nhân nào trong số ba điều này có thể mô tả bằng một thứ thô thiển như ý tưởng về sự mất cân bằng hóa học. Các nguyên nhân xã hội và tâm lý đã bị bỏ qua trong một thời gian dài, mặc dù có vẻ như các nguyên nhân sinh học thậm chí sẽ không nảy sinh nếu không có chúng.
Tôi sẽ giải thích những nguyên nhân này không phải là một lý thuyết rối rắm nào đó. Chúng là kết luận chính thức của các tổ chức y tế hàng đầu thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tóm tắt bằng chứng rõ ràng vào năm 2011: “Sức khỏe tâm thần được tạo ra về mặt xã hội: Sự hiện diện hay không hiện diện của sức khỏe tâm thần trên hết là một chỉ số xã hội và do đó đòi hỏi các giải pháp về xã hội, cũng như cá nhân”.
Liên Hiệp Quốc, trong tuyên bố chính thức cho Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2017, đã giải thích rằng “câu chuyện y sinh học chiếm ưu thế về bệnh trầm cảm” dựa trên “việc sử dụng các kết quả nghiên cứu một cách thiên vị và có chọn lọc, gây hại nhiều hơn lợi, xâm phạm quyền được chăm sóc sức khỏe, và phải bị loại bỏ”. Họ khẳng định “cơ sở bằng chứng ngày càng tăng”, rằng có những nguyên nhân sâu xa hơn gây ra bệnh trầm cảm, vì vậy mặc dù thuốc có một vai trò nào đó, nhưng chúng ta cần ngưng sử dụng chúng “để giải quyết những căn bệnh liên quan chặt chẽ đến các vấn đề xã hội”. Chúng ta cần chuyển từ “tập trung vào ‘sự mất cân bằng hóa học’ sang tập trung vào ‘sự mất cân bằng về nội lực’”.
Vì vậy, tôi muốn nói với cậu thiếu niên đó rằng, những phát hiện này rất có ý nghĩa đối với nỗi đau của cậu.
Bạn không phải là một cỗ máy có các bộ phận bị hỏng. Bạn là một sinh vật không được đáp ứng các nhu cầu. Bạn cần phải có một cộng đồng. Bạn cần có những giá trị ý nghĩa, chứ không phải những giá trị nhất thời mà bạn đã nhồi nhét suốt cuộc đời, luôn nói với bạn rằng hạnh phúc đến từ tiền bạc và vật chất. Bạn cần những công việc có ý nghĩa. Bạn cần thế giới tự nhiên. Bạn cần cảm thấy mình được tôn trọng. Bạn cần một tương lai an toàn. Bạn cần kết nối với tất cả những thứ này. Bạn cần phải giải phóng bất kỳ sự xấu hổ nào mà bạn cảm thấy do sự ngược đãi.
Mỗi con người đều có những nhu cầu này. Trong nền văn hóa của chúng ta, chúng ta được đáp ứng các nhu cầu thể chất tương đối tốt. Chẳng hạn hầu như không ai phải chết đói, đó là một thành tích phi thường. Nhưng chúng ta đã trở nên khá tệ trong việc đáp ứng những nhu cầu tâm lý. Đó là lý do quan trọng khiến bạn – và rất nhiều người xung quanh – chán nản và lo âu.
Bạn không bị mất cân bằng hóa học trong não. Bạn đang bị mất cân bằng xã hội và tinh thần trong cách chúng ta sống. Không như những gì bạn đã được nghe cho đến lúc này, đó không phải là do chất dẫn truyền thần kinh; đó là do xã hội. Đó không phải là vì bộ não của bạn; đó là vì nỗi đau của bạn. Khía cạnh sinh học của bạn chắc chắn có thể làm cho nỗi đau của bạn tồi tệ hơn. Nhưng nó không phải là nguyên nhân. Nó không phải là tác nhân. Nó không phải là nơi để tìm kiếm lời giải thích chính hoặc giải pháp chính.
Bởi vì bạn đã bị giải thích sai về nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm và lo âu của bạn, nên bạn đang tìm kiếm một giải pháp sai. Bởi vì bạn nghĩ trầm cảm và lo âu là những chất hóa học trong não bị trục trặc, nên bạn sẽ ngừng tìm kiếm câu trả lời trong cuộc sống, tâm lý, môi trường của bạn và cách bạn có thể thay đổi chúng. Bạn sẽ bị phong tỏa trong một câu chuyện về chất truyền dẫn thần kinh. Bạn sẽ cố gắng rũ bỏ những cảm giác chán nản trong đầu. Nhưng điều đó sẽ không hiệu quả, trừ khi bạn loại bỏ được nguyên nhân gây ra cảm giác chán nản trong cuộc sống của mình.
Tôi sẽ nói với chính tôi thời trẻ rằng nỗi đau của cậu ấy không phải là một sự cố. Đó là một tín hiệu – một tín hiệu cần thiết.
Tôi biết điều này khó nghe, nhưng tôi sẽ nói với cậu ấy, bởi vì tôi biết nỗi đau khổ của cậu đã cắt sâu đến đâu. Nhưng nỗi đau này không phải là kẻ thù của cậu cho dù nó đau đến mức nào. Nỗi đau là đồng minh của cậu, dẫn dắt cậu thoát khỏi cuộc sống lãng phí và chỉ đường cho một cuộc sống trọn vẹn hơn.
Sau đó, tôi sẽ nói với cậu ấy: Bây giờ cậu đang ở ngã ba đường. Cậu có thể cố gắng bóp nghẹt tín hiệu. Chuyện đó sẽ dẫn cậu đến nhiều năm lãng phí với cơn đau dai dẳng. Hoặc cậu có thể lắng nghe tín hiệu và để nó dẫn dắt mình – tránh xa những thứ đang gây tổn thương và khiến cậu kiệt quệ, và hướng tới những thứ sẽ đáp ứng nhu cầu thực sự của cậu.
*
Tại sao lúc đó không ai nói với tôi tất cả những điều này? Doanh thu 100 tỷ đô la từ việc bán thuốc chống trầm cảm có lẽ là nơi thích hợp để bạn bắt đầu tìm kiếm một lí giải. Nhưng như thế chưa đủ; chúng ta không thể đổ hết lỗi cho Big Pharma. Tôi thấy họ thành công chỉ vì họ biết tận dụng một xu hướng ăn sâu trong nền văn hóa của chúng ta.
Trong nhiều thập niên, rất lâu trước khi những loại thuốc chống trầm cảm mới này được tạo ra, chúng ta đã ngắt kết nối với nhau và với những gì quan trọng. Chúng ta đã mất niềm tin vào ý tưởng về bất cứ điều gì to lớn hơn hoặc có ý nghĩa hơn so với cá nhân, và chúng ta tích lũy vật chất ngày càng nhiều. Khi tôi còn nhỏ, Margaret Thatcher đã nói: “Không có cái gọi là xã hội, chỉ có cá nhân và gia đình của họ”, và trên toàn thế giới, quan điểm của bà ấy đã chiến thắng. Chúng ta đã tin điều đó, ngay cả với những người từng bác bỏ quan điểm này. Bây giờ tôi biết điều này, bởi vì tôi có thể thấy rằng khi bị trầm cảm, trong 13 năm, tôi đã không hề liên hệ nỗi đau khổ của mình với thế giới xung quanh. Tôi nghĩ rằng tất cả là do tôi, và đầu óc của tôi. Tôi đã hoàn toàn cá nhân hóa nỗi đau của mình, và những người tôi quen biết cũng vậy.
Trong một thế giới cho rằng không có cái gọi là xã hội, việc nói rằng chứng trầm cảm và lo âu có nguyên nhân xã hội sẽ không khiến mọi người hiểu được. Nó giống như nói chuyện bằng tiếng Ả Rập cổ đại với một đứa trẻ ở thế kỷ 21. Big Pharma đang cung cấp giải pháp mà một nền văn hóa cô lập, thiên về vật chất cho rằng nó cần, một giải pháp mà bạn có thể mua. Chúng ta đã mất khả năng hiểu rằng có một số vấn đề không thể giải quyết bằng cách mua sắm.
Nhưng hóa ra tất cả chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội, ngay cả khi chúng ta giả vờ như không phải như vậy. Khao khát kết nối không bao giờ mất đi.
Vì vậy, thay vì coi chứng trầm cảm và lo âu của bạn là một dạng bệnh tâm thần, tôi sẽ nói với bản thân mình thời trẻ: Cậu cần thấy sự tỉnh táo trong nỗi buồn này. Cậu cần thấy rằng nó có ý nghĩa. Tất nhiên là nó rất kinh khủng. Tôi luôn sợ hãi viễn cảnh nỗi đau sẽ quay trở lại, mỗi ngày trong cuộc đời tôi. Nhưng điều đó không có nghĩa là nỗi đau đó là điên rồ hoặc phi lý. Nếu bạn chạm tay lên cái bếp đang đỏ lửa, nó khiến bạn đau đớn, bạn sẽ giật tay ra càng nhanh càng tốt. Đó là một phản ứng lành mạnh. Nếu bạn cứ để tay trên bếp, tay bạn sẽ cháy và cháy cho đến khi nó bị thiêu rụi.
Theo một cách nào đó, trầm cảm và lo âu có thể là phản ứng tỉnh táo nhất mà bạn có. Đó là một tín hiệu nói rằng: Bạn không nên sống theo cách này và nếu bạn không được giúp đỡ để tìm ra một con đường tốt hơn, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp nhất về con người.
*
Chiều hôm đó, tôi chợt nghĩ về rất nhiều người tôi đã quen trong chuyến hành trình này, đặc biệt là Joanne Cacciatorre, người đã mất đi đứa con gái nhỏ và cảm thấy nỗi buồn sâu sắc là lẽ tự nhiên và đúng đắn khi bạn cảm nhận được tình yêu sâu sắc rồi đột nhiên bị tước đoạt mất. Tuy nhiên, cô ấy chứng kiến những người đang đau buồn được các bác sĩ tâm thần tuyên bố – một cách chính thức – rằng nếu sự đau khổ sâu sắc của họ còn kéo dài sau một thời gian ngắn, thì nghĩa là họ bị bệnh tâm thần và cần phải uống thuốc.
Joanne nói với tôi rằng thương tiếc người đã mất là cần thiết. Chúng ta thương tiếc vì chúng ta đã yêu thương. Chúng ta thương tiếc vì người thân quá cố ấy quan trọng với chúng ta. Nói rằng cần phải chấm dứt thương tiếc thật nhanh là một sự xúc phạm đến tình yêu mà chúng ta cảm nhận được.
Cô ấy giải thích với tôi rằng, thương tiếc và trầm cảm sâu sắc có những triệu chứng giống hệt nhau là có lý do. Tôi nhận ra rằng trầm cảm tự nó là một dạng thương tiếc – đối với tất cả các kết nối mà chúng ta cần, nhưng lại không có.
Và bây giờ tôi nhận ra, giống như Joanne thấy thật sự bị xúc phạm khi người ta nói rằng nỗi thương tiếc khôn nguôi cô dành cho con gái đã mất là một dạng rối loạn chức năng tâm thần, thật là một sự xúc phạm khi tôi ngày xưa bị nói rằng nỗi đau của tôi chỉ là kết quả của phản ứng hóa học sai trái trong não. Đó là một sự xúc phạm đối với những gì tôi đã trải qua và những gì tôi cần khi đó.
Trên toàn thế giới ngày nay, nỗi đau của mọi người đang bị xúc phạm. Chúng ta cần đáp trả lại sự xúc phạm đó, và yêu cầu những người xúc phạm chúng ta tham gia vào các vấn đề thực sự cần được giải quyết.
*
Khi đã tiếp thu tất cả bằng chứng này trong vài năm qua, tôi cố gắng áp dụng những gì tôi học được vào cuộc sống của chính mình. Tôi đã thực hành một số phương pháp tâm lý mà tôi nhắc đến trong cuốn sách này: Tôi đã học cách giảm bớt thời gian đề cao cái tôi của mình, không lao vào việc tìm kiếm của cải vật chất hay tìm kiếm một địa vị cao hơn. Giờ đây tôi thấy tất cả đều là những viên thuốc mà cuối cùng chỉ làm tôi cảm thấy tồi tệ hơn. Tôi đã học cách dành nhiều thời gian hơn cho việc theo đuổi những giá trị nội tại của mình. Tôi đã sử dụng các kỹ thuật như thiền để bình tĩnh hơn. Tôi đã giải tỏa được sang chấn của mình.
Tôi cũng bắt đầu sử dụng một số công cụ môi trường mà tôi đã nói đến. Tôi đã cố gắng gắn bó bản thân sâu sắc hơn với tập thể – bạn bè, gia đình, cùng những điều có ý nghĩa lớn lao hơn bản thân tôi. Tôi đã thay đổi môi trường sống để không còn bị vây quanh bởi những tác nhân khiến tôi cảm thấy chán nản – tôi đã cắt giảm triệt để mạng xã hội, và ngừng xem bất kỳ chương trình tivi nào có quảng cáo. Thay vào đó, tôi dành nhiều thời gian hơn để gặp gỡ những người tôi yêu quý và theo đuổi những lý do mà tôi biết là thực sự quan trọng. Tôi được kết nối sâu sắc hơn bao giờ hết với những người khác và với ý nghĩa cuộc sống.
Khi thay đổi đời mình theo cách này, chứng trầm cảm và lo âu của tôi đã giảm đi đáng kể. Nó không phải là một đường thẳng. Tôi vẫn có những ngày tồi tệ, vì những thách thức cá nhân và bởi vì tôi vẫn sống trong một nền văn hóa nơi tất cả những thế lực mà chúng ta nói đến đang hoành hành. Nhưng tôi không còn cảm thấy cơn đau bùng phát trong người theo một cách không kiểm soát được nữa. Điều đó đã biến mất.
Nhưng tôi thực sự không dám kết thúc cuốn sách này bằng một câu nói đơn giản: “Tôi đã làm được, và bạn cũng vậy”. Bởi vì điều đó không trung thực. Tôi đã có thể thực hiện những thay đổi này bởi vì tôi thật sự may mắn. Tôi có một công việc cho phép tôi có một cuộc sống theo một kiểu rất khác. Tôi có rất nhiều thời gian. Tôi có thu nhập từ cuốn sách mới nhất để có thể tạo ra khoảng lặng trong cuộc sống của mình. Tôi không có người phụ thuộc cần phải chăm sóc như con cái. Nhiều người đang đọc cuốn sách này chán nản và lo âu – vì nền văn hóa chúng ta đang sống – mà phải sống trong điều kiện khó khăn hơn tôi rất nhiều.
Đây là lý do tại sao tôi tin rằng chúng ta không nên chỉ nói về việc giải quyết chứng trầm cảm và lo âu thông qua những thay đổi của cá nhân. Nói với mọi người rằng giải pháp chủ yếu chỉ nằm ở việc điều chỉnh cuộc sống của chính bạn sẽ là sự phủ nhận rất nhiều điều mà tôi đã tìm hiểu được trong hành trình này. Một khi bạn hiểu rằng trầm cảm phần lớn là một vấn đề tập thể, do một sai lầm nào đó trong nền văn hóa của chúng ta gây ra, thì rõ ràng là các giải pháp cũng phải chủ yếu mang tính tập thể. Chúng ta phải thay đổi văn hóa để nhiều người được tự do thay đổi cuộc sống của họ.
Cho đến nay, chúng ta đã tập trung vào việc giải quyết chứng trầm cảm và lo âu của những người mắc chứng này. Chúng ta lên lớp hoặc phỉnh phờ họ bằng cách nói rằng họ phải làm tốt hơn (hoặc uống thuốc đi). Nhưng nếu vấn đề không bắt nguồn từ cá nhân họ, thì nó không thể được giải quyết bởi một mình họ. Là một nhóm, chúng ta phải cùng nhau thay đổi văn hóa của mình để loại bỏ các nguyên nhân trầm cảm và lo âu đang gây ra sự bất hạnh sâu sắc.
Vì vậy, đây là điều chính yếu tôi muốn nói với bản thân mình khi còn trẻ. Bạn sẽ không thể giải quyết vấn đề này một mình. Đó không phải là một thiếu sót ở bạn. Khát khao thay đổi điều này đang ở xung quanh bạn, chỉ chờ được trỗi dậy. Hãy nhìn những người đối diện bạn ở nơi công cộng khi bạn đọc những dòng này. Nhiều người trong số họ bị trầm cảm và lo âu. Nhiều người khác luôn cảm thấy bất hạnh và lạc lõng trong thế giới mà chúng ta đã tạo ra. Nếu bạn bị bỏ lại và cô lập, bạn có thể sẽ bị trầm cảm và lo âu. Nhưng nếu kết hợp với những người khác, bạn có thể thay đổi môi trường của mình.
Ở dự án nhà ở Kotti mà tôi đã dành rất nhiều thời gian tại Berlin, sự thay đổi đó bắt đầu với một thứ tầm thường như yêu cầu quy định về tiền thuê nhà, nhưng trong cuộc chiến đó họ nhận ra rằng có nhiều mối liên hệ mà họ đã bỏ lỡ từ lâu. Tôi đã nghĩ rất nhiều về câu chuyện mà một trong những người phụ nữ ở Kotti đã kể với tôi. Cô ấy lớn lên trong một ngôi làng ở Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cô xem cả làng như nhà của mình. Nhưng khi đến châu Âu, cô ấy biết rằng bạn phải nghĩ nhà chỉ là căn hộ của riêng mình, và cô ấy cảm thấy cô đơn ở đó. Khi cuộc biểu tình bắt đầu, cô bắt đầu nghĩ về toàn bộ dự án nhà ở và mọi người ở đó là nhà của mình. Cô nhận ra rằng mình đã “vô gia cư” suốt hơn 30 năm, nhưng bây giờ cô đã lại có nhà.
Nhiều người trong chúng ta ngày nay cũng là người “vô gia cư” theo ý nghĩa ấy. Chỉ cần một động lực nhỏ – một khoảnh khắc kết nối – để mọi người tại Kotti nhìn thấy điều đó và tìm ra cách khắc phục nó. Nhưng cần có ai đó tiên phong.
Đây là những gì tôi muốn nói với bản thân mình thời trẻ. Bây giờ cậu phải hướng về tất cả những người bị tổn thương khác xung quanh mình, và tìm cách kết nối với họ. Hãy cùng nhau xây dựng tổ ấm với những người này, một nơi mà mọi người gắn kết với nhau và cùng nhau tìm thấy ý nghĩa trong cuộc sống của mình.
Chúng ta đã không có “bộ lạc” và đã mất kết nối quá lâu rồi. Giờ là lúc tất cả chúng ta trở về nhà.
*
Trong khoảnh khắc đó, lần đầu tiên tôi hiểu được lý do tại sao trong suốt cuộc hành trình, tôi cứ nghĩ về cái ngày tôi bị ốm nặng ở vùng nông thôn Việt Nam. Khi tôi la hét đòi bác sĩ cho thuốc để ngăn triệu chứng tồi tệ nhất của mình – cảm giác buồn nôn khủng khiếp – thì bác sĩ nói với tôi: “Anh cần buồn nôn. Đó là một thông điệp, và chúng ta phải lắng nghe thông điệp của cơ thể. Nó sẽ cho chúng ta biết anh bị làm sao”. Nếu tôi bỏ qua hoặc kìm nén triệu chứng đó, thận của tôi hẳn đã hỏng và tôi hẳn đã chết.
Bạn cần buồn nôn. Bạn cần nỗi đau của mình. Đó là một thông điệp, và chúng ta phải lắng nghe thông điệp. Tất cả những người trầm cảm và lo âu trên khắp thế giới đang gửi cho chúng ta một thông điệp. Họ đang nói với chúng ta rằng có điều gì đó không ổn trong cách chúng ta sống. Chúng ta cần phải ngừng cố gắng bóp nghẹt nó, ngừng im lặng hoặc biến nỗi đau đó thành một dạng bệnh lý. Thay vào đó, chúng ta cần lắng nghe và tôn trọng nó. Chỉ khi lắng nghe nỗi đau của mình, chúng ta mới có thể lần về cội nguồn của nó – và chỉ khi nhìn ra nguyên nhân thực sự của nó, chúng ta mới có thể bắt đầu vượt qua nó.