Còn một trở ngại nữa đeo bám những nỗ lực vượt qua trầm cảm và lo âu, và có vẻ nó còn lớn hơn tất cả những gì tôi đã đề cập từ đầu đến giờ. Nếu bạn đang cố gắng tái kết nối theo những cách tôi đã mô tả – nếu giả sử bạn định phát triển cộng đồng, dân chủ hóa nơi làm việc hoặc thành lập các nhóm để khám phá các giá trị nội tại của mình – bạn sẽ cần thời gian, cũng như cần sự tự tin.
Nhưng chúng ta cứ liên tục bị cạn kiệt cả hai điều này. Hầu hết mọi người đều làm việc suốt ngày, và họ không an tâm về tương lai. Họ kiệt sức, họ cảm thấy như thể áp lực tăng dần mỗi năm. Thật khó để bước vào một cuộc đấu tranh lớn hơn khi cuộc sống hiện tại đã giống như một cuộc chiến mà bạn phải lê lết qua ngày. Yêu cầu mọi người gánh vác nhiều hơn trong khi họ đã kiệt sức sẽ chẳng khác gì một lời chế nhạo.
Và rồi tôi tìm thấy một thử nghiệm được thiết kế để giúp mọi người quay ngược thời gian và có cảm giác tự tin vào tương lai.
*
Vào giữa những năm 1970, một nhóm các quan chức chính phủ Canada đã chọn ngẫu nhiên một thị trấn nhỏ tên là Dauphin ở tỉnh nông thôn Manitoba. Họ biết là không có gì đặc biệt ở đó. Thành phố gần nhất, Winnipeg, cách đó bốn giờ lái xe. Thị trấn nằm giữa thảo nguyên, hầu hết những người sống ở đó là nông dân trồng cải dầu.
17.000 dân ở đó đã làm việc rất chăm chỉ nhưng cuộc sống của họ vẫn khó khăn. Khi cải dầu được mùa, mọi người đều làm ăn tốt – từ đại lý ô tô địa phương cho đến quán rượu. Khi cải dầu mất mùa, ai cũng khổ.
Và rồi một ngày, người dân Dauphin nhận được thông báo rằng họ đã được chọn tham gia một cuộc thử nghiệm, đó là một quyết định táo bạo của Đảng Tự do. Trong một thời gian dài, người dân Canada tự hỏi liệu rằng nhà nước phúc lợi mà họ đã dựng lên, định hình và vận hành trong những năm qua có quá rườm rà, kém hiệu quả và không che chở nổi cho người dân không. Đặc điểm của một nhà nước phúc lợi là phải thiết lập một mạng lưới an sinh xã hội mà trong đó không ai bị bỏ rơi, một nền tảng an toàn có thể ngăn tình trạng nghèo khổ và sự lo âu. Nhưng hóa ra vẫn còn rất nhiều người nghèo đói và nhiều bất an ở Canada. Có gì đó không ổn.
Vì vậy, ai đó đã nảy ra một ý tưởng gần như đơn giản đến mức ngớ ngẩn. Cho đến nay, nhà nước phúc lợi đã hoạt động bằng cách cố gắng bịt các lỗ hổng – chụp lấy những người đang rơi xuống một mức nào đó và đẩy họ lên trở lại. Nhưng nếu họ bất an là vì không có đủ tiền để sống, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cung cấp cho mọi người đủ dùng, mà không có ràng buộc gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta gửi qua đường bưu điện cho từng công dân Canada – trẻ, già, lớn, bé – một tấm séc hằng năm đủ để họ sống qua ngày? Số tiền sẽ được cân nhắc ở một tỷ lệ lựa chọn cẩn thận. Bạn sẽ có đủ tiền để tồn tại, nhưng không đủ để mua những thứ xa xỉ. Họ gọi đó là thu nhập cơ bản phổ quát. Thay vì dùng lưới để đỡ những người bị ngã, họ đề xuất nâng cái nền mà mọi người đang đứng trên đó lên.
Ý tưởng này thậm chí đã được các chính trị gia cánh hữu như Richard Nixon khuyến khích, nhưng trước đây chưa ai từng thử nghiệm. Vì vậy, người Canada quyết định làm thí điểm. Đó là lý do vì sao trong vòng vài năm, người dân ở thị trấn Dauphin được đảm bảo: Mỗi người sẽ được chính phủ chu cấp vô điều kiện mỗi năm một số tiền tương đương 19.000 đô la Mỹ (theo giá tiền tệ ngày nay). Bạn không phải lo lắng. Không gì làm bạn mất đi thu nhập cơ bản này. Bạn được quyền sở hữu nó.
Rồi họ chờ xem điều gì xảy ra.
*
Vào thời điểm đó, ở Toronto, một sinh viên kinh tế trẻ tên là Evelyn Forget được nghe về thử nghiệm này từ một vị giáo sư, và cô đã bị nó mê hoặc. Nhưng vào năm thứ ba của thử nghiệm, quyền lực ở Canada được chuyển giao cho Đảng Bảo thủ, và chương trình này đột ngột bị ngưng lại. Thu nhập đảm bảo biến mất. Đối với tất cả mọi người, trừ những người nhận được séc và cô sinh viên kinh tế trên, chương trình này nhanh chóng bị lãng quên.
30 năm sau, cô sinh viên kinh tế trẻ tuổi ngày xưa đã trở thành giáo sư tại trường y của Đại học Manitoba, và bà dần dần chứng kiến một số bằng chứng đáng lo ngại. Có một thực tế rõ ràng là bạn càng nghèo, bạn càng có nhiều rủi ro mắc bệnh trầm cảm hoặc lo âu, và bạn càng có nhiều khả năng bị ốm vì đủ thứ bệnh. Ở Hoa Kỳ, nếu bạn có thu nhập hằng năm dưới 20.000 đô la, bạn có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gấp đôi so với những người kiếm được 70.000 đô la trở lên. Và nếu bạn nhận được thu nhập thường xuyên từ tài sản mà bạn sở hữu, bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn lo âu thấp hơn 10 lần so với khi không nhận được bất kỳ khoản thu nhập nào từ nó. “Một trong những điều tôi thấy thật đáng kinh ngạc là mối quan hệ trực tiếp giữa nghèo đói và số lượng thuốc chống trầm cảm mà họ dùng chỉ để sống cho qua ngày”, Evelyn nói với tôi.
Evelyn đã luôn thắc mắc về thử nghiệm diễn ra mấy chục năm trước. Kết quả thế nào? Những người được cung cấp nguồn thu nhập đảm bảo đó có khỏe mạnh hơn không? Có điều gì khác đã thay đổi trong cuộc sống của họ? Evelyn tin rằng nếu bạn muốn thực sự giải quyết vấn đề sức khỏe của người dân, bạn cần phải giải quyết những câu hỏi này. Bà bắt đầu tìm kiếm các nghiên cứu học thuật được viết vào thời điểm đó. Nhưng không tìm thấy gì cả. Vì vậy, bà bắt đầu viết thư và gọi điện. Bà biết rằng thử nghiệm đã được nghiên cứu cẩn thận vào thời điểm đó, hàng núi dữ liệu chắc chắn đã được thu thập bởi đó là một nghiên cứu của chính phủ. Vậy thì chúng đã biến đi đâu?
Sau rất nhiều công sức điều tra kéo dài hơn 5 năm, cuối cùng bà đã có câu trả lời. Bà được biết rằng dữ liệu thu thập trong quá trình thử nghiệm đã bị giấu trong Cục lưu trữ Quốc gia, sắp bị ném vào thùng rác. “Tôi đến đó và tìm thấy hầu hết các giấy tờ liên quan. Bị nhét trong những cái thùng”, bà kể với tôi. “Có tới hơn 50m3 giấy tờ. Đó là 1.800 cái thùng loại ngân hàng hay dùng, đầy giấy”. Chưa từng có ai thống kê các kết quả. Khi Đảng Bảo thủ lên nắm quyền, họ không muốn bất kỳ ai đào sâu hơn – họ cho rằng cuộc thử nghiệm ấy chỉ lãng phí thời gian và đi ngược lại các giá trị đạo đức của họ.
Vì vậy, Evelyn và một nhóm các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nhiệm vụ dài hạn là tìm ra những gì mà thử nghiệm về thu nhập cơ bản đã thực sự đạt được. Đồng thời, họ bắt đầu tìm đến những người đã sống trong thời kỳ đó để khám phá những ảnh hưởng lâu dài từ cuộc thử nghiệm.
*
Điều đầu tiên gây ấn tượng với Evelyn khi nói chuyện với những người đã tham gia chương trình là họ nhớ về nó vô cùng sâu sắc. Mỗi người đều có một câu chuyện về việc nó đã tác động đến cuộc sống của họ ra sao. Họ nói với bà rằng: “Tiền chủ yếu đóng vai trò như một hợp đồng bảo hiểm. Nó giúp loại bỏ sự căng thẳng và lo lắng về việc bạn có đủ khả năng cho con tiếp tục đi học, hay bạn có đủ khả năng chi trả cho những thứ mình phải trả hay không”.
Đây từng là một cộng đồng nông dân bảo thủ, và một trong những thay đổi lớn nhất là cách phụ nữ nhìn nhận bản thân. Evelyn đã gặp một người phụ nữ từng nhận tấm séc và sử dụng nó để trở thành người phụ nữ đầu tiên trong gia đình bà học qua cấp trung học. Bà đã đi học để trở thành một thủ thư và vươn lên thành một trong những người được kính trọng nhất trong cộng đồng. Bà cho Evelyn xem những bức ảnh về hai cô con gái sắp tốt nghiệp và nói bà rất tự hào khi được trở thành hình mẫu cho các con.
Những người khác đã nói về việc lần đầu tiên họ có thể ngoi lên khỏi những bất an thường trực trong đời. Một phụ nữ có chồng tàn tật và 6 đứa con, kiếm sống bằng nghề cắt tóc cho mọi người, chia sẻ rằng bà xem khoản thu nhập cơ bản ấy như “một ít kem trong tách cà phê” – những thứ nhỏ nhặt giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đây là những câu chuyện cảm động – nhưng thực tế không thể chối cãi lại nằm ở những con số biết nói. Sau nhiều năm thu thập dữ liệu, đây là một số tác động chính mà Evelyn phát hiện ra: Học sinh được đi học lâu hơn và học giỏi hơn. Số trẻ sơ sinh nhẹ cân giảm vì nhiều phụ nữ không còn trì hoãn việc sinh con cho đến khi sẵn sàng. Những phụ huynh mới có con được ở nhà lâu hơn để chăm sóc con cái mà không phải vội vàng trở lại làm việc. Nhìn chung, giờ làm việc giảm xuống, vì mọi người dành nhiều thời gian hơn cho con cái hoặc học hành.
Nhưng có một kết quả đặc biệt quan trọng đối với tôi.
*
Evelyn đã xem qua hồ sơ y tế của những người tham gia và bà nhận thấy rằng “có ít người đến gặp bác sĩ để chữa trị các chứng rối loạn tâm trạng hơn”. Tình trạng trầm cảm và lo âu trong cộng đồng giảm đáng kể. Vấn đề trầm cảm nghiêm trọng và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác khiến bệnh nhân phải nhập viện đã giảm 9% chỉ trong ba năm.
Tại sao vậy? “Nó loại bỏ căng thẳng hoặc giảm bớt căng thẳng mà mọi người phải đối phó trong cuộc sống hằng ngày của họ”, Evelyn kết luận. Bạn biết mình sẽ có thu nhập đảm bảo trong tháng tới và năm sau, vậy thì bạn có thể tạo ra một bức tranh ổn định về bản thân trong tương lai.
*
Evelyn nói với tôi rằng nó còn có một tác dụng không ngờ nữa. Nếu bạn biết mình sẽ có đủ tiền để sống một cách an toàn, cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, bạn có thể từ chối một công việc mà bạn bị đối xử tệ, hoặc làm bạn thấy nhục nhã. Bà nói: “Nó giúp bạn bớt phải trở thành nô lệ của công việc mà bạn đang làm; và một số công việc người ta làm chỉ để sinh tồn là những công việc tồi tệ, hạ thấp giá trị của bản thân”. Nó đã cho bạn “một chút sức mạnh để nói: Mình không cần phải ở lại đây”. Điều đó có nghĩa là các nhà tuyển dụng phải làm cho công việc hấp dẫn hơn. Và theo thời gian, nó giúp giảm sự bất bình đẳng trong thị trấn – điều mà chúng ta mong đợi là giảm bớt trầm cảm do sự khác biệt quá mức về địa vị gây ra.
Đối với Evelyn, tất cả chuyện này cho chúng ta biết một điều nền tảng về bản chất của chứng trầm cảm. “Nếu nó chỉ là một sự rối loạn về não bộ, nếu nó chỉ là một căn bệnh về thể chất, thì bạn sẽ không thấy được mối tương quan chặt chẽ đến vậy với nghèo đói”, và bạn sẽ không thấy mức giảm đáng kể như vậy khi người ta được cấp cho một khoản thu nhập cơ bản đảm bảo. “Chắc chắn nó đã làm cho cuộc sống của những người nhận tiền thoải mái hơn, nó hoạt động như một loại thuốc chống trầm cảm”, bà nói.
Khi Evelyn nhìn vào thế giới ngày nay, và sự thay đổi của nó so với thị trấn Dauphin giữa thập niên 1970, bà nghĩ rằng nhu cầu về một chương trình như thế này – ở tất cả các xã hội – chỉ tăng lên thêm. Ngày xưa, “mọi người chỉ mong tốt nghiệp trung học, đi xin việc và làm việc ở một công ty [hoặc] ít nhất là trong một ngành cho đến khi họ 65 tuổi, sau đó họ sẽ nghỉ hưu với một chiếc đồng hồ vàng đẹp đẽ và một khoản tiền trợ cấp tốt”. Nhưng “người ta phải vật lộn để tìm được sự ổn định kiểu đó trong môi trường lao động ngày nay... Tôi không nghĩ rằng những ngày xưa đó sẽ quay trở lại. Chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa. Về cơ bản, thế giới đã thay đổi”. Chúng ta sẽ không có lại sự an toàn bằng cách thụt lùi, đặc biệt là khi robot và công nghệ ngày càng khiến nhiều công việc trở nên lỗi thời, nhưng chúng ta có thể tiến về phía trước, đến một mức thu nhập cơ bản cho mọi người. Như Barack Obama đã gợi ý trong một cuộc phỏng vấn vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của mình, thu nhập cơ bản phổ quát có thể là công cụ tốt nhất mà chúng ta có để tái tạo sự an toàn, không phải với những lời hứa hão huyền rằng sẽ xây dựng lại một thế giới đã mất, mà bằng cách làm một điều gì đó đặc biệt mới mẻ.
Vùi mình giữa những thùng dữ liệu đầy bụi bặm trong Cục lưu trữ Quốc gia Canada, Evelyn có lẽ đã tìm ra một trong những loại thuốc chống trầm cảm quan trọng nhất trong thế kỷ 21.
*
Để hiểu thêm ý nghĩa của điều này, tôi đã đến gặp một nhà sử học kinh tế xuất sắc người Hà Lan tên là Rutger Bregman. Ông là nhà tư tưởng hàng đầu châu Âu về ý tưởng thu nhập cơ bản phổ quát. Chúng tôi ăn bánh mì kẹp thịt, nhấm nháp chút cà phê rồi nói chuyện đến khuya để thảo luận về tác động của tất cả những điều này. “Hết lần này đến lần khác”, ông nói, “chúng ta cứ đổ lỗi một vấn đề tập thể cho cá nhân. Đang trầm cảm à? Bạn sẽ nhận được một viên thuốc. Không có việc làm? Hãy đến gặp chuyên gia tư vấn việc làm, họ sẽ dạy bạn cách viết sơ yếu lý lịch hoặc bảo bạn tham gia LinkedIn đi. Nhưng rõ ràng, điều đó không đi vào gốc rễ của vấn đề... Chẳng mấy người đang nghĩ về những gì đã thực sự xảy ra với thị trường lao động và xã hội của chúng ta, rằng những hình thức tuyệt vọng này đang xuất hiện ở khắp mọi nơi”.
Ông nói rằng ngay cả những người thuộc tầng lớp trung lưu cũng đang sống với tình trạng “thiếu cảm giác chắc chắn” triền miên hàng tháng trời. Cách tiếp cận thay thế – thu nhập đảm bảo – sẽ phần nào xóa bỏ sự sỉ nhục này và thay thế bằng sự an toàn. Hiện nó đã được thử nghiệm ở nhiều nơi với quy mô nhỏ, như tài liệu của ông trong cuốn sách Utopia for Realists (tạm dịch: Xã hội không tưởng cho các nhà hiện thực). Ông chỉ ra rằng cách đón nhận của mọi người luôn có mẫu số chung. Khi nó được đề xuất, mọi người sẽ nói: Cái gì, chỉ cần đưa tiền ư? Điều đó sẽ hủy hoại đạo đức lao động. Mọi người sẽ chỉ vung tiền cho rượu và ma túy, và xem tivi cả ngày. Sau đó họ mới thấy kết quả.
Ví dụ: ở Great Smoky Mountains, có một nhóm bộ lạc người Mỹ bản địa gồm 8.000 người quyết định mở một sòng bạc. Nhưng họ đã làm điều đó hơi khác một chút. Họ quyết định sẽ chia đều lợi nhuận cho mọi người trong nhóm – tất cả họ sẽ nhận được tấm séc (cụ thể là) 6.000 đô la một năm, sau đó tăng lên 9.000 đô la. Trên thực tế, đó là thu nhập cơ bản chung cho tất cả mọi người. Người ngoài bảo họ điên. Nhưng khi chương trình được các nhà khoa học xã hội nghiên cứu chi tiết, hóa ra thu nhập được đảm bảo này đã tạo ra một sự thay đổi lớn. Các bậc cha mẹ đã chọn dành nhiều thời gian hơn cho con cái, và bởi vì họ ít căng thẳng hơn, nên họ có thể ở bên con nhiều hơn. Kết quả là gì? Các vấn đề về hành vi như rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn (ADHD) và chứng trầm cảm ở trẻ đã giảm 40%. Tôi không thấy có trường hợp nào khác đạt được hiệu quả nhiều đến thế khi so sánh tương đương. Họ đã làm điều đó bằng cách tạo cho các bậc cha mẹ có nhiều không gian kết nối với con cái của họ hơn.
Trên khắp thế giới – từ Brazil đến Ấn Độ – những thử nghiệm này tiếp tục cho ra kết quả giống nhau. Rutger nói với tôi: “Khi tôi hỏi mọi người ‘Cá nhân bạn sẽ làm gì với mức thu nhập cơ bản?’, thì khoảng 99% trả lời: ‘Tôi có ước mơ, tôi có hoài bão, tôi sẽ làm điều gì đó một cách đầy tham vọng và hữu ích’”. Nhưng khi ông hỏi rằng họ nghĩ người khác sẽ làm gì với thu nhập cơ bản, thì họ nói: “Ồ, họ sẽ trở thành những thây ma vô hồn, họ sẽ say sưa xem Netflix cả ngày”.
Ông nói, chương trình này thực sự tạo ra một sự thay đổi lớn, nhưng không phải là chương trình mà hầu hết mọi người tưởng tượng. Rutger tin rằng thay đổi lớn nhất sẽ nằm ở cách mọi người nghĩ về công việc. Khi ông hỏi mọi người rằng họ thực sự làm gì tại nơi làm việc và liệu họ có nghĩ rằng điều đó có đáng giá hay không, ông đã rất ngạc nhiên vì rất nhiều người sẵn sàng thừa nhận rằng công việc họ làm là vô nghĩa và chẳng đóng góp gì cho thế giới. Rutger nói, chìa khóa của thu nhập đảm bảo là nó cho phép mọi người nói lời từ chối. Lần đầu tiên, họ sẽ có thể rời bỏ những công việc làm họ tha hóa, khiến họ bị sỉ nhục, hoặc gây kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể chất của họ. Rõ ràng, một số công việc nhàm chán sẽ vẫn phải được thực hiện. Điều đó có nghĩa là những người chủ đó sẽ phải đưa ra mức lương cao hơn hoặc điều kiện làm việc tốt hơn. Trong một thời gian ngắn, những công việc tồi tệ nhất, những công việc gây ra trầm cảm và lo âu nhiều nhất, sẽ phải cải thiện triệt để mới thu hút được người lao động.
Mọi người sẽ được tự do thành lập doanh nghiệp dựa trên những điều họ tin tưởng và điều hành các dự án kiểu Kotti nhằm cải thiện cộng đồng của họ, cũng như có nhiều thời gian hơn để chăm sóc trẻ nhỏ và người già. Đó đều là công việc thực sự, nhưng phần lớn thời gian, thị trường không trả công xứng đáng cho loại công việc này. Khi mọi người thoải mái nói không, Rutger nói: “Tôi nghĩ định nghĩa mới về công việc sẽ làm tạo ra một giá trị, để làm cho thế giới thú vị hơn, hoặc tốt đẹp hơn”.
Chúng ta phải thẳng thắn nói rằng đây là một đề xuất tốn kém – thu nhập thực tế được đảm bảo sẽ chiếm một phần lớn trong tổng tài sản quốc gia của bất kỳ đất nước phát triển nào. Hiện tại, đó là một mục tiêu xa vời. Nhưng mọi đề xuất văn minh đều bắt đầu từ một giấc mơ không tưởng – từ nhà nước phúc lợi, đến quyền của phụ nữ, đến bình đẳng cho người đồng tính. Tổng thống Obama từng nói điều này có thể xảy ra trong 20 năm tới. Nếu bây giờ chúng ta bắt đầu tranh luận và vận động cho nó – như một loại thuốc chống trầm cảm, như một cách để đối phó với căng thẳng đang kéo rất nhiều người trong chúng ta xuống – thì sau một thời gian, nó cũng sẽ giúp chúng ta nhìn ra nguyên nhân cốt lõi gây ra tất cả nỗi tuyệt vọng này. Rutger giải thích với tôi rằng đó là một cách để khôi phục một tương lai an toàn cho những người đang mất khả năng tự nhìn thấy tương lai của chính họ; một cách khôi phục cho tất cả chúng ta một không gian hít thở để thay đổi cuộc sống và văn hóa của chúng ta.
*
Khi điểm lại 7 gợi ý tạm thời về các giải pháp cho chứng trầm cảm và lo âu, tôi ý thức được rằng chúng đòi hỏi những thay đổi lớn, trong bản thân chúng ta và cả trong xã hội của chúng ta. Mỗi khi tôi cảm thấy như vậy, một giọng nói lại xuất hiện và lải nhải trong đầu tôi. Nó nói: “Sẽ không có gì thay đổi đâu. Các hình thức thay đổi xã hội mà mày đang cổ xuý chỉ là viển vông. Chúng ta đang mắc kẹt ở đây. Mày có xem tin tức chưa? Mày thật sự nghĩ rằng những thay đổi tích cực sắp xảy ra à?”.
Khi những suy nghĩ này xuất hiện, tôi luôn nghĩ đến một trong những người bạn thân nhất của mình.
Năm 1993, nhà báo Andrew Sullivan bị chẩn đoán là dương tính với HIV. Đó là đỉnh điểm trong cuộc khủng hoảng AIDS. Những người đồng tính nam đang chết dần trên khắp thế giới. Không có thuốc điều trị trong tương lai gần. Suy nghĩ đầu tiên của Andrew là: “Mình đáng bị điều này. Mình đã tự rước nó vào người”. Ông lớn lên trong một gia đình Công giáo, trong một nền văn hóa kỳ thị người đồng tính. Hồi nhỏ, ông cứ nghĩ mình là người đồng tính duy nhất trên thế giới, bởi vì ông chưa bao giờ nhìn thấy ai giống mình trên tivi, trên đường phố, hoặc trong sách... Ông đã sống trong một thế giới mà nếu bạn may mắn, đồng tính được coi là một sự khiếm khuyết; còn nếu bạn không may, nó sẽ khiến bạn bị thoi một cú vào mặt.
Vì vậy, lúc đó ông nghĩ: Chuyện gì đến đã đến. Căn bệnh hiểm nghèo này là hình phạt mà mình đáng phải chịu.
Đối với Andrew, việc được thông báo rằng mình sẽ chết vì bệnh AIDS khiến ông nghĩ đến một hình ảnh. Ông từng đi xem một bộ phim và máy chiếu gặp trục trặc gì đó khiến hình ảnh cứ bị méo mó, nó hiển thị ở một góc kỳ lạ, không thể xem được. Cứ như vậy trong vài phút. Ông nhận ra, cuộc sống của ông bây giờ giống như đang ngồi trong rạp chiếu phim đó vậy, ngoại trừ hình ảnh này sẽ không bao giờ bình thường trở lại.
Không lâu sau, ông bỏ công việc biên tập viên ở một trong những tạp chí hàng đầu Hoa Kỳ, New Republic. Người bạn thân nhất của ông, Patrick, đang chết dần vì AIDS – số phận mà giờ đây Andrew nghĩ chắc chắn đang chờ đợi ông.
Vì vậy, Andrew đã đến Provincetown, vùng đất của những người đồng tính nam ở Cape Cod, Massachussetts, để chờ chết. Mùa hè năm đó, trong một ngôi nhà nhỏ gần bãi biển, ông bắt đầu viết sách. Ông biết đó sẽ là điều cuối cùng mình làm, vì vậy ông quyết định viết thứ gì đó ủng hộ một ý tưởng điên rồ, phi lý – một ý tưởng kỳ quặc đến nỗi chưa từng có ai viết về nó trước đây. Ông sắp đề xuất cho những người đồng tính được phép kết hôn, giống như người bình thường. Ông cho rằng đây sẽ là cách duy nhất để giải thoát những người đồng tính khỏi sự tự căm ghét và xấu hổ về chính mình. Mọi chuyện đã quá muộn đối với Andrew, nhưng có lẽ nó sẽ giúp ích cho những người sau ông.
Khi cuốn sách Virtually Normal (tạm dịch: Gần như bình thường) ra mắt một năm sau đó, Patrick qua đời khi nó mới lên kệ ở hiệu sách được vài ngày. Andrew đã bị nhiều người chế giễu vì dám đề xuất một điều vô lý như hôn nhân đồng tính. Andrew đã bị tấn công không chỉ bởi những người cực hữu, mà còn bởi nhiều người đồng tính cánh tả. Họ bảo ông là một kẻ ham tiền, một kẻ thích làm người dị tính, một kẻ kỳ dị vì tin vào hôn nhân đồng tính. Một nhóm được gọi là Lesbian Avengers đã xuất hiện để phản đối các sự kiện của ông với hình ảnh khuôn mặt của ông trong ống ngắm một khẩu súng. Andrew nhìn ra đám đông và tuyệt vọng. Ý tưởng điên rồ này – điều cuối cùng ông làm trước khi chết – rõ ràng sẽ chẳng đi đến đâu.
Khi tôi nghe mọi người nói rằng những thay đổi mà chúng ta cần thực hiện để đối phó với chứng trầm cảm và lo âu sẽ không thể xảy ra, tôi tưởng tượng mình sẽ quay ngược thời gian trở về mùa hè năm 1993, đến ngôi nhà trên bãi biển ở Provincetown và nói với Andrew rằng:
Andrew này, anh sẽ không tin tôi đâu, nhưng đây là những gì sẽ xảy ra tiếp theo. 25 năm nữa, anh vẫn không phải chết. Tôi biết, quá tuyệt vời, đúng không? Nhưng đợi đã – đó chưa phải là phần tuyệt vời nhất. Cuốn sách anh đã viết sẽ khơi dậy một phong trào. Và cuốn sách này sẽ được trích dẫn trong một phán quyết quan trọng của Tòa án Tối cao khi tuyên bố bình đẳng hôn nhân cho những người đồng tính. Tôi sẽ ở bên anh và người chồng tương lai của anh trong ngày anh nhận được lá thư từ Tổng thống Hoa Kỳ nói rằng cuộc chiến giành quyền kết hôn đồng tính mà anh khởi xướng đã thành công một phần là nhờ anh. Ông ấy sẽ thắp sáng Nhà Trắng bằng lá cờ cầu vồng vào ngày hôm đó. Ông ấy sẽ mời anh ăn tối ở đó, để cảm ơn anh vì những gì anh đã làm. À, nhân tiện, vị tổng thống đó, ông ấy sẽ là người da đen.
Nghe giống như chuyện khoa học viễn tưởng. Nhưng nó đã xảy ra. Lật lại lịch sử 2.000 năm những người đồng tính bị bỏ tù, bị khinh bỉ, bị đánh đập và bị thiêu sống không phải là chuyện nhỏ. Điều tưởng như viễn tưởng kia xảy ra chỉ vì một lý do: Những người đủ dũng cảm đã tập hợp lại bên nhau và đòi hỏi quyền lợi của họ.
Mỗi độc giả đọc cuốn sách này đều được thụ hưởng những thay đổi lớn của xã hội văn minh – điều vốn dường như không thể xảy ra khi ai đó lần đầu tiên đề xuất chúng. Bạn là phụ nữ ư? Theo luật, bà của tôi thậm chí không được phép có tài khoản ngân hàng riêng cho đến độ tuổi 40. Bạn là người lao động à? Kỳ nghỉ cuối tuần đã bị chế giễu là một ý tưởng bất khả thi khi các công đoàn lao động lần đầu tiên đấu tranh cho nó. Bạn là người da đen, hay người châu Á, hay người khuyết tật? Bạn đâu cần tôi điền giúp bạn tiếp danh sách này.
Vì vậy, tôi tự nhủ: Nếu bạn nghe thấy một ý nghĩ trong đầu nói với bạn rằng chúng ta không thể đối phó với các nguyên nhân xã hội gây ra trầm cảm và lo âu, bạn nên dừng lại và nhận ra: Đó là một triệu chứng của chính chứng trầm cảm và lo âu. Vâng, những thay đổi chúng ta cần bây giờ là rất lớn. Người ta từng nói về mức độ khó khăn của cuộc cách mạng chống lại cách đối xử tàn nhẫn với người đồng tính. Nhưng cuộc cách mạng đó đã xảy ra.
Có một cuộc chiến rất lớn phía trước để thực sự giải quyết những vấn đề này. Chúng ta có thể phủ nhận điều đó, nhưng rồi chúng ta sẽ bị mắc kẹt trong vấn đề. Andrew đã dạy tôi: Cách đối phó với một cuộc khủng hoảng lớn không phải là về nhà khóc lóc. Bạn cần một giải pháp lớn. Đó là đòi hỏi một điều dường như bất khả, và đấu tranh không ngơi nghỉ cho đến khi đạt được nó.
*
Thỉnh thoảng, Rutger – nhà vận động hàng đầu của châu Âu về thu nhập cơ bản phổ quát – đọc được qua tin tức một câu chuyện về một người nào đó đã có một lựa chọn nghề nghiệp quyết liệt. Một người đàn ông 50 tuổi nhận ra mình không đạt yêu cầu trong vai trò người quản lý nên đã xin nghỉ việc và trở thành một ca sĩ opera. Một phụ nữ 45 tuổi rời Goldman Sachs và đi làm cho một tổ chức từ thiện. “Nó luôn được đóng khung như một thứ gì đó thật anh hùng”, Rutger nói với tôi, khi chúng tôi uống lon Diet Coke thứ 10. Mọi người hỏi họ với vẻ kinh ngạc: “Bạn có thực sự sắp làm những gì bạn muốn làm không?”. Bạn có thực sự sắp thay đổi cuộc sống của mình? Bạn có đang làm một điều gì đó khiến bạn hài lòng phải không?
Rutger nói, đó là một dấu hiệu cho thấy chúng ta đã chệch hướng như thế nào, rằng tìm kiếm sự thỏa mãn trong công việc được coi là một điều kỳ lạ, thay vì tất cả chúng ta nên sống như thế. Việc mang đến cho mọi người một thu nhập cơ bản được đảm bảo, “thật sự chỉ là để chúng ta có thể nói với mọi người: ‘Tất nhiên bạn sẽ làm được những gì bạn muốn. Bạn là một con người. Bạn chỉ sống một lần. Sao không làm những gì bạn muốn, thay vì phải làm những gì bạn không muốn?’”.