Vincent Felitti không chỉ muốn dừng lại ở việc khám phá ra một sự thật đau buồn – ông ấy muốn tìm thấy một giải pháp. Ông là vị bác sĩ đã khám phá ra bằng chứng đáng kinh ngạc về vai trò của sang chấn thời thơ ấu trong việc gây ra trầm cảm và lo âu sau này trong đời. Ông đã chứng minh rằng sang chấn thời thơ ấu khiến bạn dễ bị trầm cảm hoặc lo âu trầm trọng khi trưởng thành. Ông đã đi khắp nước Mỹ để giảng giải về điều này, và hiện tại ông đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi về mặt khoa học. Nhưng đối với Vincent, đó không phải là vấn đề. Ông không muốn nói với những người sống sót sau sang chấn rằng họ bị suy sụp và phải chịu đựng cuộc sống bức bối là vì không được bảo vệ đúng cách khi còn nhỏ. Ông muốn giúp họ thoát khỏi nỗi đau này. Nhưng bằng cách nào?
Ông đã thiết lập những dữ kiện cho nghiên cứu của mình một phần bằng cách gửi bảng câu hỏi cho từng người đã nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ công ty bảo hiểm Kaiser Permanente. Bảng câu hỏi này xoanh quanh 10 tổn thương có thể xảy ra với bạn khi còn nhỏ, sau đó đối sánh chúng với sức khỏe hiện tại của bạn. Sau khi làm việc này hơn một năm và có được dữ liệu rõ ràng, Vincent nảy ra một hướng nghiên cứu mới.
Giả thiết đặt ra là, nếu một bệnh nhân đánh dấu trong bảng hỏi rằng họ đã từng bị sang chấn thời thơ ấu, bác sĩ sẽ đợi cho đến khi họ đến khám bệnh vì bất kỳ loại bệnh nào và hỏi bệnh nhân về sang chấn ấy? Liệu cách thức này có tạo ra sự khác biệt nào không?
Vì vậy, họ đã bắt đầu một cuộc thử nghiệm. Tất cả bác sĩ trợ giúp cho bệnh nhân của Kaiser Permanente – các bác sĩ điều trị từ bệnh trĩ, bệnh chàm đến bệnh tâm thần phân liệt – đều được yêu cầu xem bảng hỏi về sang chấn của bệnh nhân và nếu bệnh nhân từng bị sang chấn thời thơ ấu, các bác sĩ sẽ nhận được một chỉ dẫn đơn giản. Họ được yêu cầu nói những điều như: “Tôi hiểu rằng cô đã phải vượt qua vấn đề X hoặc Y trong thời thơ ấu. Tôi rất tiếc vì điều đó đã xảy ra với cô, lẽ ra không nên như vậy. Cô có muốn nói về những trải nghiệm đó không?”. Nếu bệnh nhân nói cô ấy sẽ kể, thì bác sĩ được yêu cầu bày tỏ sự đồng cảm và hỏi: Cô có cảm thấy nó có ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến cô không? Nó có liên quan đến sức khỏe của cô hiện nay không?
Mục đích của thử nghiệm là cung cấp cho bệnh nhân đồng thời hai điều. Đầu tiên là cơ hội mô tả trải nghiệm sang chấn để tạo ra một câu chuyện về nó, từ đó giúp bệnh nhân có thể ý thức được nó. Khi thử nghiệm này bắt đầu, một trong những điều các nhà nghiên cứu phát hiện ra gần như ngay lập tức là nhiều bệnh nhân thực sự chưa bao giờ thừa nhận trải nghiệm sang chấn đã xảy ra với họ.
Điều thứ hai cũng quan trọng không kém, là cho họ thấy rằng họ sẽ không bị phán xét. Ngược lại, như Vincent giải thích với tôi, mục đích là để họ thấy rằng một người có thẩm quyền, mà họ tin tưởng, sẽ mang lại cho họ lòng trắc ẩn thực sự về những gì họ đã trải qua.
Vì vậy, các bác sĩ bắt đầu đặt câu hỏi. Dù một số bệnh nhân không muốn nói ra, nhưng nhiều người đã làm vậy. Một số bắt đầu giải thích về việc bị cha mẹ bỏ rơi, bị tấn công tình dục hoặc bị đánh đập. Hóa ra, hầu hết bệnh nhân chưa bao giờ tự hỏi bản thân rằng liệu những trải nghiệm này có liên quan đến sức khỏe của họ hiện tại hay không. Khi được gợi ý theo cách này, họ bắt đầu nghĩ về nó.
Điều mà Vincent muốn biết là liệu điều này có giúp ích gì không? Hay nó sẽ có hại khi khơi dậy những vết thương lòng cũ? Ông hồi hộp chờ đợi kết quả được tổng hợp từ hàng chục nghìn cuộc tham vấn này.
Cuối cùng, các số liệu cũng được đưa ra. Trong những năm tháng sau đó, các bệnh nhân gặp sang chấn thời thơ ấu được một người có thẩm quyền như bác sĩ công nhận một cách đầy trắc ẩn dường như đã giảm bệnh tật đáng kể – họ giảm được 35% khả năng trở lại bệnh viện cho bất kỳ bệnh gì.
Ban đầu, các bác sĩ lo sợ rằng điều này có thể làm bệnh nhân khó chịu và cảm thấy xấu hổ. Nhưng thực tế thì không ai phàn nàn cả; và trong những lần thăm hỏi, rất nhiều bệnh nhân cho biết họ rất vui khi được tâm sự. Ví dụ, một phụ nữ lớn tuổi – lần đầu tiên nói ra chuyện đã bị cưỡng hiếp khi còn nhỏ – viết cho bác sĩ một lá thư: “Cảm ơn vì đã hỏi”, bà nói một cách đơn giản. “Tôi cứ sợ rằng mình sẽ chết đi mà không ai biết được chuyện gì đã xảy ra”.
Trong một nghiên cứu thí điểm nhỏ hơn, sau khi được hỏi những câu hỏi này, bệnh nhân được lựa chọn thảo luận về những gì đã xảy ra trong một buổi làm việc với một nhà phân tâm học. Những bệnh nhân này giảm được khả năng quay lại gặp bác sĩ vì bị bệnh hay phải dùng thuốc trong năm tiếp theo với tỷ lệ hơn 50%.
Vì vậy, có vẻ như họ ít đến gặp bác sĩ hơn vì họ thực sự bớt lo lắng và bớt cảm thấy khó chịu về sức khỏe. Đây là những kết quả đáng ngạc nhiên. Vì sao lại thế? Vincent nghi ngờ câu trả lời có liên quan đến sự xấu hổ. “Trong một quá trình diễn ra rất ngắn gọn đó” – ông nói – “một người kể cho một người quan trọng đối với họ nghe ... về điều [mà họ cho rằng] rất đáng xấu hổ, thông thường là lần đầu tiên trong đời. Và [họ] nhận ra rằng – ‘Có vẻ như mình vẫn được người ấy chấp nhận.’ Đây là một trải nghiệm có thể thay đổi cuộc sống của họ”.
Điều này cho thấy không chỉ riêng sang chấn thời thơ ấu mới là nguyên nhân gây ra những vấn đề như trầm cảm và lo âu, mà cả việc phải che giấu sang chấn đó. Bạn không nói với ai vì bạn xấu hổ. Khi bạn khóa chặt nó trong tâm trí, nó sẽ mưng mủ và cảm giác xấu hổ sẽ ngày càng lớn dần lên. Là một bác sĩ, Vincent không thể phát minh ra cỗ máy thời gian để quay ngược lại và ngăn chặn việc bệnh nhân của mình bị lạm dụng. Nhưng anh ấy có thể giúp bệnh nhân ngừng trốn tránh và không còn cảm thấy xấu hổ.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy cảm giác nhục nhã đóng một vai trò quan trọng trong chứng trầm cảm. Khi tôi hỏi liệu cảm giác nhục nhã đó có vai trò gì ở đây không, Vincent trả lời: “Tôi tin rằng những gì chúng tôi đang làm rất hiệu quả trong việc giúp giảm đáng kể sự tủi nhục và suy nghĩ thấp kém về bản thân”. Ông bắt đầu coi đó là một phiên bản thế tục của việc rửa tội trong Giáo hội Công giáo. “Tôi không nói điều này với tư cách là một người theo tôn giáo bởi vì tôi vốn không theo đạo, nhưng việc rửa tội đã có truyền thống từ hơn 1.800 năm nay. Có lẽ nó phải đáp ứng một số nhu cầu cơ bản của con người thì mới có thể tồn tại lâu như vậy”. Bằng chứng này cho thấy khi tái kết nối một người với sang chấn thời thơ ấu và cho họ thấy rằng một người quan sát bên ngoài không nghĩ điều đó là đáng xấu hổ, thì bạn đã tiến một bước đáng kể trong việc giúp họ thoát khỏi một số tác động tiêu cực của trải nghiệm đó. “Vậy thì, đó có phải là tất cả những gì cần làm chưa?”, Vincent hỏi tôi. “Chưa. Nhưng đó là một bước tiến lớn”, anh tự đáp.
Điều này liệu có đúng không? Có bằng chứng từ các nghiên cứu khoa học khác cho thấy rằng sự xấu hổ khiến người ta phát bệnh. Ví dụ, những người đồng tính nam giấu giếm giới tính thật của mình, trong cuộc khủng hoảng AIDS, trung bình chết sớm hơn những người đồng tính nam công khai từ hai đến ba năm, ngay cả khi họ được chăm sóc sức khỏe ở cùng thời điểm phát bệnh. Việc giam cầm một phần của bản thân và nghĩ rằng điều đó thật kinh tởm sẽ đầu độc cuộc sống của bạn. Liệu trầm cảm và lo âu có hoạt động theo cơ chế tương tự?
Các nhà khoa học tham gia vào các thử nghiệm này chính là những người đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa để tìm ra cách xây dựng giải pháp dựa trên bước đầu tiên đáng khích lệ này. Đây chỉ nên là sự khởi đầu. “Ngay lúc này đây, tôi nghĩ việc tạo ra một cơ sở khoa học đầy đủ về lĩnh vực này cần được thực hiện sớm”, cộng sự của Vincent là Robert Anda nói với tôi. “Câu hỏi mà anh đặt ra sẽ đòi hỏi một cách tư duy hoàn toàn mới và một thế hệ các nghiên cứu nhằm kết hợp tất cả những điều này lại với nhau. Cho đến nay thì nó vẫn chưa được thực hiện”.
*
Tôi chưa bao giờ kể cho ai nghe về những bạo hành và ngược đãi mà tôi phải vượt qua khi còn là một đứa trẻ, cho mãi đến giữa độ tuổi hai mươi, khi gặp được một nhà trị liệu xuất sắc. Tôi kể lại quãng đời thơ ấu của mình cho ông ấy nghe, và tôi cũng kể cho ông câu chuyện mà tôi đã tự kể với chính mình từ nhỏ đến lớn: rằng tôi trải qua những chuyện này bởi vì tôi đã làm sai điều gì đó, và tôi đáng bị như vậy.
“Hãy lắng nghe những gì bạn đang nói”, ông nói với tôi. Lúc đầu, tôi không hiểu ý ông. Nhưng sau đó ông lặp lại. “Bạn nghĩ có đứa trẻ nào nên bị đối xử như vậy không? Bạn sẽ nói gì nếu bây giờ bạn thấy một người lớn nói điều đó với một đứa trẻ 10 tuổi?”.
Bởi vì đã giấu kín những ký ức này, nên tôi chưa bao giờ đặt câu hỏi về câu chuyện mà tôi đã gánh chịu lúc nhỏ. Với tôi, nó rất tự nhiên. Vậy nên, câu hỏi của ông ấy khiến tôi giật mình.
Lúc đầu, tôi bênh vực những người lớn đã cư xử kiểu đó. Tôi đã trách cứ ký ức của bản thân về thời thơ ấu. Dần dần, theo thời gian, tôi mới hiểu ông ấy muốn nói gì.
Và tôi đã thực sự giải phóng mình khỏi nỗi xấu hổ.