Tôi đã không gặp bạn tôi Rachel suốt gần ba năm, cho đến khi cô ấy bước vào phòng khách sạn của tôi tại một thị trấn nhỏ ở trung tâm nước Mỹ, nằm xuống giường và bật cười.
Khi mới chuyển đến New York, Rachel Shubert là một trong những người đầu tiên tôi thân thiết. Chúng tôi ngồi cạnh nhau khi tham gia một lớp học ở Đại học New York và cả hai đều có chút mất phương hướng, vì thành phố mới này và cả trong cuộc sống. Rachel đang mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân không suôn sẻ, vì đủ loại lý do. Khi đang cố gắng xây dựng sự nghiệp cho bản thân thì cô phát hiện mình đang mang thai đứa con đầu lòng. Riêng tôi thì đã te tua và mòn mỏi vì một loạt các cuộc khủng hoảng. Chúng tôi thân với nhau vì có vài điểm chung, và một trong số đó là cùng nhau ngồi chê bai. Cô đã sống ở Thụy Sĩ trong hai năm dài; bố tôi đến từ Thụy Sĩ và tôi đã từng sống ở đó như bị đi đày suốt các mùa hè khi còn nhỏ; vì vậy chúng tôi đều ngán ngẩm người Thụy Sĩ. Chúng tôi chê bai một số bạn cùng học. Chúng tôi chán ngán giáo viên của mình. Chúng tôi đã cười rất nhiều. Nhưng nó thường là tiếng cười cay đắng – kiểu cười không khiến bạn cảm thấy dễ chịu, dù không phải lúc nào cũng vậy. Có rất nhiều niềm vui trong tình bạn của chúng tôi – tình yêu của cô ấy với hài kịch Anh đã gắn bó chúng tôi suốt đời – nhưng cũng có rất nhiều giận dỗi mỗi khi chúng tôi gặp nhau.
Sau khi cuộc hôn nhân của cô ấy cuối cùng cũng chấm dứt, Rachel chuyển về quê ở một thị trấn tại vùng nông thôn Illinois, và chúng tôi mất liên lạc suốt một thời gian. Mãi sau này khi gặp lại Rachel, tôi nhanh chóng nhận ra rằng tính cách của cô ấy đã có sự thay đổi. Tinh thần cô có vẻ nhẹ nhàng hơn, và rõ ràng là ít trầm cảm hơn. Tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra. Rachel nói khi trở về quê nhà, cô đã thử dùng thuốc chống trầm cảm và có vẻ khả quan lúc đầu, nhưng sau đó tình trạng tồi tệ vẫn y như cũ. Thay vì tăng liều thuốc như lời khuyên của bác sĩ, cô đã bắt đầu suy nghĩ rất nhiều về cách tiếp cận cuộc sống. Cô giải thích rằng sau khi tham khảo từ nhiều nguồn, cô đã tìm thấy một số công cụ giúp cô ấy sống khác biệt, và một số trong đó được dựa trên các bằng chứng khoa học.
Rachel nhận ra rằng cô luôn cảm thấy tức giận và ghen tị. Thật xấu hổ khi nói về điều này, bởi cô biết nói vậy thì nghe giống như cô là người xấu tính. Ví dụ như, một người họ hàng đã khiến cô ấy phát điên trong nhiều năm. Người họ hàng đó rất tốt, Rachel không có lý do gì để không thích cô ấy cả. Nhưng mọi thành công của người đó – về công việc, về gia đình – đều giống như một sự sỉ nhục đối với Rachel, và điều đó khiến cô không thích người họ hàng đó, cũng như không thích chính mình. Sự đố kị này đã lan tràn trong cuộc sống của cô, khiến tâm trạng của cô đi xuống mỗi ngày, để rồi cuối cùng cô bị trầm cảm và lo lắng. Cô ấy bắt đầu cảm thấy không thể chịu nổi Facebook: cảm giác như thể mọi người đang phô trương sự vượt trội của họ, và đó cũng là lúc “con quái vật ghen tị” bên trong cô tác oai tác quái.
Trong những năm qua, cô ấy đã cố gắng tìm ra những thủ thuật nho nhỏ để khiến bản thân cảm thấy dễ chịu hơn. Khi nhìn thấy ai đó sở hữu thứ gì khiến cô ghen tị, cô ấy sẽ nghĩ đến mặt thiệt thòi của họ. Được rồi, bạn thật lộng lẫy, nhưng chồng bạn thì xấu xí. Được rồi, bạn có một sự nghiệp tuyệt vời, nhưng bạn thì không có con cái. Cô ấy nói với tôi đó là “cách cố gắng giảm bớt sự đố kị”. Điều này sẽ giúp cô ấy nhẹ nhõm, nhưng chỉ trong chốc lát.
Rachel nghĩ hẳn phải có điều gì đó không ổn với mình. Nhưng khi bắt đầu đọc về sự đố kị, cô nhận ra rằng nền văn hóa của chúng ta đang khiến cô cảm thấy như vậy. Cô nói bản thân mình đã được dạy phải liên tục cạnh tranh và so sánh. Cô giải thích: “Chúng ta theo đuổi chủ nghĩa cá nhân một cách quyết liệt”, và chúng ta thường xuyên được bảo rằng cuộc sống là một “trò chơi có tổng bằng không. Chỉ có một số lượng nhất định những điều tốt đẹp, vì vậy nếu ai khác có được thành công, hay vẻ đẹp hay bất cứ điều gì bằng cách nào, thì nghĩa là bạn sẽ chỉ còn một ít. Hoặc nếu bạn có được nó, thì cũng chẳng mấy ý nghĩa nếu tất cả những người khác cũng có nó”. Chúng ta được đào tạo để nghĩ rằng cuộc sống là một cuộc chiến tranh giành những nguồn tài nguyên khan hiếm, “ngay cả khi nó là vì thứ gì đó như trí thông minh, dù cho không có giới hạn nào về mức độ phát triển trí thông minh của con người trên toàn thế giới”. Việc bạn trở nên thông minh không khiến tôi kém thông minh hơn – nhưng chúng ta được lập trình để không tiếp nhận sự thật đó.
Rachel nhận thấy rằng nó gây tác hại tới mức nếu cô ngồi xuống và viết một cuốn sách tuyệt vời, đồng thời người họ hàng mà cô ghen tị cũng ngồi xuống và viết một cuốn sách tuyệt vời, “điều đó gần như làm tôi thấy nhụt chí – mặc dù nó chẳng làm gì hại đến cuốn sách hoàn toàn khác của tôi”. Chúng ta ghen tị với người khác và sau đó cố gắng khiến người khác phải ghen tị với mình – điều này như trò chơi bập bênh không hồi kết. “Có vẻ như chúng ta đã bị tẩy não rất nhiều từ các nhà quảng cáo bao lâu nay, bản thân chúng ta cũng trở thành chuyên gia tiếp thị, và giờ đây chúng ta quản lý và tiếp thị cuộc sống của chính mình một cách vô thức. Chúng ta vô thức học tất cả mọi điều đó từ nền văn hoá của mình”. Vì vậy, bạn thể hiện cuộc sống của mình trên Instagram và trong các cuộc trò chuyện như thể bạn là Giám đốc Tiếp thị của Bản Thân Mình, “không phải để kêu gọi người khác mua bất kỳ thứ gì từ bạn mà để khoe rằng bạn thật tuyệt vời và đáng ghen tị. Anh hiểu chứ?”.
Rachel nhận ra có điều gì đó không ổn khi một ngày nọ, cô nghe nói một người nào đó đang ghen tị với cô, và cô đã rất vui mừng. “Tôi rất xấu hổ khi thú nhận với anh điều này”, cô nói.
Rachel không muốn như vậy. Giống như tôi, cô ấy là người ủng hộ mạnh mẽ sự phản biện và tính hợp lý, vì vậy cô ấy đã tìm kiếm các phương pháp mà các nghiên cứu khoa học đã chứng minh được. Và cô đã khám phá ra một phương pháp cổ xưa được gọi là “niềm vui đồng cảm”.
Cô ấy nói, nó khá đơn giản. Niềm vui đồng cảm là một phương pháp thiền để nuôi dưỡng “thứ đối lập với sự ghen tị hay đố kị... Nó chỉ đơn giản là cảm thấy hạnh phúc cho những người khác”. Rachel đã hướng dẫn tôi cách thức thực hành phương pháp này.
Bạn nhắm mắt lại và hình dung chính mình. Bạn tưởng tượng điều gì đó tốt đẹp đang xảy ra với mình – ví dụ như phải lòng ai đó chẳng hạn – hay viết ra điều gì đó mà bạn tự hào. Bạn cảm thấy niềm vui sẽ đến từ điều đó. Hãy để nó chảy qua bạn.
Sau đó, bạn hình dung ai đó mà bạn yêu mến, và bạn tưởng tượng một điều tuyệt vời đang xảy ra với họ. Bạn cảm nhận được niềm vui từ điều đó, và bạn cũng để điều đó chảy qua bạn.
Bạn sẽ thấy rất dễ thực hiện các giai đoạn trên. Sau đó, bạn hình dung một người nào đó mà bạn không quen biết – giả sử, nhân viên phục vụ trong cửa hàng tạp hóa. Bạn tưởng tượng một điều tuyệt vời đang đến với cô ấy. Và bạn cố gắng cảm thấy vui mừng cho cô ấy, niềm vui thực sự ấy.
Tiếp theo là giai đoạn khó khăn hơn nữa. Bạn hình dung ai đó mà bạn không thích, và cố gắng tưởng tượng một điều tốt đẹp đang xảy ra cho người đó. Rồi bạn cố gắng cảm thấy vui mừng cho người đó. Bạn cố gắng cảm nhận niềm vui giống như khi thấy vui cho chính mình hay người bạn mà yêu thương vậy. Bạn tưởng tượng họ cảm thấy sung sướng ra sao và họ sẽ cảm động thế nào.
Sau đó, bạn hình dung ra người nào đó mà bạn thực sự không thích hoặc người mà bạn thực sự ghen tị, như Rachel hình dung ra người họ hàng mà cô ấy ghen tị. Và bạn cố gắng cảm thấy vui mừng thực sự cho họ. “Khi bạn đang thiền, bạn có thể không thực sự cảm thấy như vậy. Thậm chí, bạn có thể sẽ cảm thấy rất khó chịu khi nói ra những điều đó”, cô nói. “Có thể bạn ghét người đó và những thành công của họ – nhưng bạn vẫn phải nói mình vui cho họ”.
Bạn làm điều này mỗi ngày, trong mười lăm phút. Trong vài tuần đầu tiên, Rachel nghĩ chuyện này thật vô nghĩa. Không có gì thay đổi cả. Nhưng rồi theo thời gian, cô bắt đầu nhận thấy: “Tôi không còn thấy đau nhói trong ruột nữa. Cảm giác đó đã biết mất”. Cô thấy những cảm xúc độc hại từ từ giảm bớt. Sự đố kị không dằn vặt cô vài lần mỗi ngày như trước. Cô thực hành càng lâu, những cảm giác này càng giảm bớt. Nghĩ về người họ hàng mà ngày xưa mình vẫn ghen tị, Rachel nói: “Điều đó không có nghĩa là tôi không còn cảm thấy ghen tị với cô ấy nữa. Chỉ là mức độ ghen tị đã giảm xuống nhiều đến mức tôi không còn thấy đau khổ như trước đây”.
Rachel bảo tôi loại thiền này là “hướng tâm đến một cảm nhận khác, gần giống như nói rằng ‘Tôi muốn cảm nhận khác về bạn’ và lặp lại điều đó nhiều lần cho đến khi bạn thực sự làm được”. Tôi nghĩ là nó tác động đến tầng nằm dưới tầng nhận thức thông thường của con người.
Khi tiếp tục luyện tập, cô bắt đầu cảm nhận được nhiều hơn. Một phần quan điểm của loại thiền “niềm vui đồng cảm” là bạn cảm thấy ít ghen tị hơn, nhưng một phần quan trọng hơn nữa là bạn bắt đầu nhận ra hạnh phúc của người khác không phải là một nỗi phiền muộn, mà là nguồn vui cho chính bạn. Một ngày nọ, Rachel đang ở công viên thì nhìn thấy một cô dâu trong bộ váy cưới cùng chú rể tạo dáng chụp ảnh. Trước đây, cô ấy sẽ cảm thấy ghen tị và tự an ủi mình bằng cách tìm ra khuyết điểm nào đó ở cô dâu hoặc chú rể. Còn lần này, cô lại cảm thấy một niềm vui dâng trào, và cảm xúc này đã thực sự nâng đỡ cô suốt cả ngày hôm đó. Cô không cảm thấy hạnh phúc của cô dâu đã lấy đi hạnh phúc của mình, mà là vun đắp thêm. Cô không bắt đầu so sánh cô dâu này với sự lộng lẫy của chính cô trong ngày cưới. Cô sẽ không bao giờ gặp lại cặp đôi này nữa, nhưng đôi mắt cô tràn đầy niềm vui đồng cảm.
Tôi hỏi Rachel cảm giác ấy thế nào. “Đó là hạnh phúc, sự ấm áp, và có gì đó rất dịu dàng”, cô nói. “Cảm giác gần giống như mọi người đều trở thành con cái của bạn vậy. Đó cũng là niềm hạnh phúc dịu dàng, ấm áp mà bạn dành cho con mình khi chúng vui vẻ và hạnh phúc, hoặc có được thứ gì đó chúng thích. Bạn có thể cảm nhận điều đó đối với một người hoàn toàn xa lạ, thật không thể tin được. Điều đó gần giống như việc nhìn họ qua đôi mắt của bậc phụ huynh đầy yêu thương, chỉ muốn người mình thương được hạnh phúc và có được những điều tốt đẹp, nó khơi gợi một niềm xúc động trong tôi”.
Cô ngạc nhiên khi chứng kiến mình có thể thay đổi theo cách này. “Bạn cứ nghĩ rằng có một số thứ nhất định không thể sửa chữa được”, nhưng “hoàn toàn có thể. Bạn có thể thật sự là một con quái vật ghen tị, nhưng đó chỉ là một phần con người bạn và bạn có thể thay đổi nó chỉ bằng cách làm một số việc cơ bản”.
Khi tôi và Rachel dành vài ngày cùng nhau, dạo chơi lang thang, ăn uống khắp các quán xá, tôi có thể thấy sự thay đổi thực sự ở cô, và trớ trêu thay, tôi lại bắt đầu ghen tị với điều đó. Rachel nhìn tôi và nói: “Tôi đã theo đuổi hạnh phúc cho bản thân cả đời mình, và tôi kiệt sức, tôi không cảm thấy mình có thể đạt được nó – vì không thấy được đích đến. Mỗi lần tôi tưởng mình chạm được nó thì nó lại bị dời đi xa hơn”. Nhưng cô nói, cách suy nghĩ khác biệt này dường như mang lại cảm giác tận hưởng thực sự và là một con đường để thoát khỏi những suy nghĩ kích thích sự trầm cảm, lo âu mà cô đang mắc phải. “Sẽ luôn có những điều tồi tệ ập đến trong cuộc sống của bạn, khiến bạn không hài lòng. Nhưng nếu bạn có thể vui cho niềm vui của người khác thì bạn đã tìm thấy nguồn niềm vui vô tận. Kiểu niềm vui gián tiếp này sẽ đến với bạn hàng triệu cách mỗi ngày. Nếu bạn nhìn vào người khác và hạnh phúc cho họ, bạn có thể hạnh phúc mỗi ngày, bất kể điều gì đang xảy ra với bạn”.
Khi bắt đầu thực hành phương pháp này, cô nhận ra đó thực sự là một bước đột phá so với những gì cô đã được dạy trước đây. Cô ý thức được rằng đối với nhiều người, phương pháp này giống như một triết lý dành cho người thua cuộc – bạn không thể làm được, vì vậy bạn chỉ còn cách là vui khi thấy người khác làm được thôi. Bạn sẽ mất đi khả năng cạnh tranh của mình. Bạn sẽ tụt lại phía sau trong một cuộc đua không ngừng để đạt tới thành công. Nhưng Rachel cho rằng đây là quan niệm thắng - thua sai lầm. Tại sao bạn không thể vừa vui cho người khác, vừa vui cho chính mình? Làm sao bạn có thể mạnh mẽ hơn khi bị lòng đố kị nuốt chửng?
Cô thấy mình đang dần nhận ra rằng, những thứ mà cô đã được nền văn hóa dạy phải ghen tị thực tế lại là những thứ kém giá trị nhất mà chúng ta có: “Đâu có ai ghen tị với tính cách tốt của người khác? Cũng chẳng có ai ghen tị với cách đối xử tuyệt vời của người khác dành cho vợ/chồng họ? Bạn không ghen tị những điều đó. Có thể là bạn ngưỡng mộ. Nhưng bạn không ghen tị. Những thứ mà bạn ghen tị là những thứ không đâu: Bạn ghen tị vì thấy người ta có tiền bạc hoặc có địa vị”. Khi thiền định được nhiều năm, Rachel nhận ra rằng ngay cả khi cô có được những thứ mình từng ghen tị với người khác, chúng cũng không thể khiến cô trở nên hạnh phúc – bởi lẽ chúng không phải là điều quan trọng.
“Tôi nghĩ cách nhìn nhận này có thể giúp ích cho rất nhiều người bị trầm cảm”, Rachel nói và chỉ cho tôi những bằng chứng khoa học mà sau đó tôi đã nghiên cứu chi tiết. Nghiên cứu khoa học lớn nhất về việc sử dụng thiền định như một phương pháp điều trị trầm cảm đã phát hiện ra một điều thực sự thú vị. Hóa ra là những người trầm cảm có nhiều khả năng phục hồi hơn nếu họ tham gia một chương trình thiền định kéo dài tám tuần so với những người trong nhóm đối chứng không tham gia. Khoảng 58% nhóm đối chứng bị tái trầm cảm, trong khi chỉ 38% những người mới tập thiền bị lại – một khoảng cách rất lớn. Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng thiền định cũng hữu ích tương tự đối với những người mắc chứng lo âu. Một nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng thiền định đặc biệt hiệu quả đối với những người bị trầm cảm do hậu quả của thời thơ ấu bị ngược đãi: họ có tỷ lệ cải thiện cao hơn 10% so với những người khác.
Nhưng tôi đặc biệt thích thú khi đọc các bằng chứng khoa học về phương pháp thiền đặc biệt mà Rachel đã hướng dẫn tôi, để tìm hiểu xem liệu nó có thực sự thay đổi chúng ta hay không. Nếu bạn tham gia vào một nghiên cứu lớn về một phương pháp như thế này, bạn sẽ được chỉ định ngẫu nhiên vào một trong hai nhóm – một nhóm thực hành thiền từ ái và nhóm kia không thực hành. Nếu ở trong nhóm đầu tiên, bạn sẽ thực hành phong cách thiền tương tự Rachel mỗi ngày trong vài tuần. Sau đó, cả hai nhóm đều được kiểm tra. Bài kiểm tra diễn ra theo một hình thức cụ thể: Bạn tham gia vào các trò chơi mà bạn được chỉ định là người khởi động. Bạn không biết rằng có một số người chơi thực tế là diễn viên. Trong các trò chơi, bằng một cách tinh vi và bất ngờ, một người trong nhóm sẽ đánh rơi thứ gì đó, hoặc thể hiện rõ ràng là họ cần sự giúp đỡ. Điều mà các nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu là: Liệu có sự khác biệt nào giữa những người đang thực hành phương pháp thiền này với những người chưa thực hành khi xảy ra tình huống trên không?
Hóa ra, nếu bạn thực hành thiền từ ái, bạn có khả năng giúp đỡ người khác cao gần gấp đôi so với những người chưa thực hành. Đây là một dấu hiệu ban đầu cho thấy Rachel đã đúng: Bạn có thể nhân đôi lòng trắc ẩn của mình thông qua việc thực hành phương pháp này dù chỉ trong một thời gian ngắn. Và điều đó sẽ dẫn đến sự kết nối với người khác nhiều hơn. Dường như thiền từ ái đã hoạt động như một cơ chế giúp chúng ta chịu đựng và chống lại những điều tồi tệ nhất trong nền văn hóa của chúng ta. Trong mười lăm phút đó, chẳng có gì nhiều xảy ra, nhưng Rachel đã cảm thấy rằng “bạn đang gieo hạt trong quá trình thiền định, và nó nở hoa một cách tự nhiên suốt cả ngày, trong suốt cuộc sống của bạn”.
*
Trong cả cuốn sách này, tôi đã nói về những bằng chứng cho thấy có ba loại nguyên nhân khác nhau gây ra trầm cảm – sinh học, tâm lý và xã hội. Ngay ở phần đầu, tôi đã nói về việc các biện pháp can thiệp sinh học hiện có – thuốc chống trầm cảm – không tác dụng gì nhiều đối với hầu hết chúng ta. Và cho đến lúc này, tôi đã nói về việc những thay đổi môi trường hoặc xã hội có thể giúp chúng ta thế nào.
Nhưng những gì Rachel chỉ cho tôi thấy là một điều khác biệt. Cô ấy đang đề xuất một sự thay đổi về tâm lý.
Có những loại thay đổi tâm lý khác mà chúng ta có thể thử. Một là cầu nguyện – có bằng chứng cho thấy những người thường cầu nguyện sẽ ít trầm cảm hơn. (Tôi là một người vô thần, vì vậy điều đó không phù hợp với tôi). Một phương pháp khác là Liệu pháp Nhận thức Hành vi (CBT), khuyến khích mọi người rèn luyện bản thân thoát khỏi những khuôn mẫu hoặc suy nghĩ tiêu cực và chuyển sang những điều tích cực hơn. Bằng chứng cho thấy rằng loại liệu pháp này ít tác dụng và không kéo dài, nhưng dù sao thì nó cũng thực sự hiệu quả. (Giáo sư Richard Layard, người ủng hộ nhiệt thành cho phương pháp CBT, nói rằng nó nên được kết hợp với sự thay đổi xã hội nếu bạn muốn có được kết quả tốt nhất). Và một phương pháp khác là tâm lý trị liệu. Thật khó để đo lường một cách khoa học rằng liệu pháp này có giúp ích được gì cho bạn hay không, bởi bạn không thể thiết lập một thử nghiệm lâm sàng mà trong đó bạn đưa cho người ta liệu pháp giả rồi so sánh nó với liệu pháp thực sự. Nhưng có một số bằng chứng nổi bật về giá trị của liệu pháp này đối với những người có tuổi thơ bị sang chấn mà tôi sẽ đề cập trong chương tiếp theo.
Vì vậy, điều đáng được nhấn mạnh là: Không chỉ sự thay đổi môi trường mới có thể giúp ích cho mọi người. Ngay cả khi bạn thực sự tin rằng bạn đang bị mắc kẹt và bạn thực sự không thể thay đổi môi trường của mình, thì một số phương pháp kể trên cũng có thể hữu ích.
Khi chưa nghe câu chuyện của Rachel, tôi có phần định kiến với thiền định. Tôi nhận ra có hai lý do. Đầu tiên là tôi sợ phải tĩnh lặng và cô đơn với những suy nghĩ của mình – tôi đã liên tưởng thiền với chứng trầm cảm và lo âu.
Thứ hai là tôi thấy những lý do khiến thiền được quảng bá trong những năm qua có vấn đề. Có những bậc thầy self-help (hoàn thiện bản thân) đã nói ra rả với mọi người rằng thiền định có thể giúp bạn trở thành một chú ong thợ giỏi hơn, có khả năng đối phó với chuyện làm việc liên tục và những áp lực căng thẳng trong cuộc sống. Đối với tôi, điều này lại là một “giải pháp” theo chủ nghĩa cá nhân khác mà không giải đáp được cho câu hỏi: Nguyên nhân ban đầu gây ra cảm giác quá tải và căng thẳng cho rất nhiều người là gì, và làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn nó xảy ra?
Nhưng bây giờ tôi đã biết có rất nhiều loại thiền định khác nhau. Trường phái thiền này của Rachel đối lập với lối thiền theo chủ nghĩa cá nhân từng làm tôi băn khoăn. Mục tiêu của nó không phải là làm sao để đối phó tốt hơn với sự khó khăn và căng thẳng của sự mất kết nối, mà là về việc tìm cách tái kết nối trở lại.
*
Điều khiến tôi thích thú nhất về sự biến đổi của Rachel là cách cô ấy thay đổi mối quan hệ với bản ngã của chính mình. Có vẻ như cô ấy không còn bị cái tôi của mình làm mất bình tĩnh trước những yếu tố liên tục tác động trong nền văn hóa này – từ quảng cáo, mạng xã hội, đến những người cạnh tranh xung quanh. Cô đã tìm ra cách để bảo vệ mình khỏi nó.
Khi nhìn thấy điều này, tôi đã tự hỏi: Chúng ta có thể làm gì hơn để bảo vệ mình khỏi căn bệnh trầm cảm? Chúng ta có thể làm gì khác để thu nhỏ cái tôi của mình và củng cố các mối quan hệ của chúng ta?
Khi đọc thêm về mặt khoa học của thiền định, tôi bắt đầu đi sâu vào một loạt nghiên cứu khác nhau có liên quan, mà nói thật lúc đầu tôi khá nghi ngờ. Nếu bạn từng đọc cuốn sách trước của tôi “Chasing the dream” (tạm dịch: Đuổi theo giấc mơ), bạn chắc hẳn sẽ biết tôi từng nhắc đến một số mặt của thiền một cách hoài nghi.
Tuy nhiên, tôi vẫn tiếp tục xem xét các kết quả khoa học mới nhất, và chúng đã khiến tôi giật mình, vì vậy tôi đã bắt đầu một cuộc hành trình tìm hiểu lĩnh vực này. Những gì tôi biết được thoạt nghe có vẻ lạ lùng đối với bạn. Tôi cũng từng lấy làm lạ. Nhưng hãy kiên nhẫn chút nhé.
*
Roland Griffith đã cố gắng tập thiền, nhưng anh ấy không thể làm được. Chỉ ngồi đó vài phút thôi mà anh thấy giống như đã ngồi hàng giờ bất tận đầy đau đớn. Tất cả những gì anh cảm nhận được khi kết thúc buổi thiền là sự thất vọng, vì vậy anh đã từ bỏ nó. Suốt 20 năm sau đó, anh không bao giờ ngồi thiền nữa; nhưng rồi anh lại tham gia vào việc khám phá ra một điều quan trọng không chỉ cho bản thân anh, mà còn cho tất cả chúng ta.
Khi những nỗ lực thiền định ban đầu vụt tắt, Roland là một học viên cao học trẻ trung đang bắt đầu một sự nghiệp xuất sắc trong lĩnh vực tâm lý học. Ông đã vươn lên để trở thành giáo sư hàng đầu tại Trường Y thuộc Đại học Johns Hopkins ở Maryland, một trong những học viện tốt nhất thế giới. Ở thời điểm tôi gặp ông, ông là một trong những nhân vật được kính trọng trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về việc dùng chất kích thích, đặc biệt là ảnh hưởng của chất caffeine. Khi chúng tôi cùng ngồi trong văn phòng của ông, ông giải thích rằng sau 20 năm vươn lên vị trí này, “nếu tôi không phải là người nghiện công việc thứ thiệt thì cũng gần gần kiểu vậy”.
“Sự nghiệp của tôi tiến triển tốt đẹp”, ông nói, nhưng ông lại cảm thấy thiếu vắng một điều gì đó. “Ở một vài khía cạnh, với vai trò là một nhà khoa học, tôi cảm thấy như thể tôi đang trải qua những biến động trong sự nghiệp khoa học của mình”. Ông thấy mình đang bắt đầu suy nghĩ lại, dù hoàn toàn không biết tại sao, về những nỗ lực không ngừng để tập thiền trong suốt những năm trước đó. Trong lĩnh vực của ông, việc nghĩ về nội ngã (inner self) tồn tại sâu thẳm bên trong mỗi con người thì thật đúng là dị giáo. Ông là một chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học, vốn coi tất cả những điều này là những thứ vô nghĩa lập dị, và không phải là điều mà các nhà tâm lý học hàn lâm nghiêm túc nên nghĩ đến. Nhưng ông nói: “Đối với tôi, rõ ràng là có điều gì đó thú vị trong phương pháp thiền này, suốt hàng ngàn năm đã tập trung vào việc cố gắng thăm dò chiều sâu của những trải nghiệm sâu thẳm của tâm trí, cái tôi, ý thức – bất kể bạn gọi nó là gì đi nữa”.
Roland có một người bạn thường xuyên đến một đạo tràng – nơi tu luyện tâm linh – ở ngoại ô New York để thiền. Một ngày nọ, ông xin được đi cùng. Không giống như những nỗ lực nhiều năm trước, lần này ông có người hướng dẫn thiền và chỉ dẫn cho ông cách thực hành. Lần này, ông thấy mình đã có thể thiền được. Khi tiếp tục, ngày này qua ngày khác, ông ngạc nhiên nhận ra “thế giới nội tâm này đã bắt đầu mở ra, và tôi cũng mở lòng mình hơn”. “Thành thật mà nói, điều đó đã làm tôi say mê”, ông nói. Ở những người đã thiền định nhiều năm mà ông được gặp, dường như có một chiều sâu tâm linh trong cuộc sống của họ thực sự mang lại lợi ích về mọi mặt cho họ. Họ trông bình tĩnh hơn, vui vẻ hơn và ít lo lắng hơn. Roland bắt đầu cảm thấy có một số chiều kích nào đó trong nội tâm của chính mình – cũng như của người khác – mà ông đã bỏ qua, và các học giả khác cũng không quan tâm nghiên cứu.
Vì vậy, ông tự đặt ra cho mình một số câu hỏi cơ bản. Điều gì xảy ra khi người ta thiền? Điều gì thay đổi trong họ? Nếu bạn thiền một cách chuyên tâm, đủ lâu, thì hầu hết mọi người – như Rachel, bạn tôi – đều nói rằng họ bắt đầu trải qua một sự thay đổi tinh thần: Họ đánh giá mọi thứ theo cách khác. Họ nhìn thế giới một cách khác biệt. Roland muốn biết tại sao lại vậy? Tại sao thiền định khiến mọi người cảm thấy họ đang thay đổi theo một cách thần bí, và điều đó có nghĩa là gì?
Ông bắt đầu tìm các nghiên cứu khoa học đề cập đến những trải nghiệm thần bí trong lúc hành thiền, và phát hiện ra có một tài liệu khá lớn về vấn đề này, mặc dù nó khá kỳ lạ. Từ giữa thập niên 1950 đến cuối thập niên 1960, các nhóm khoa học gia khác nhau làm việc tại các trường đại học hàng đầu trên khắp nước Mỹ đã phát hiện ra nếu bạn cho một người dùng thuốc gây ảo giác (thuốc thức thần) – chủ yếu là LSD, loại thuốc hợp pháp vào thời điểm đó – trong điều kiện lâm sàng, bạn có thể đoán trước được rằng họ sẽ có cảm giác giống như trải nghiệm tâm linh. Bạn có thể khiến họ cảm thấy như đang vượt qua cái tôi và những mối quan tâm hằng ngày, đồng thời kết nối mãnh liệt với một điều gì đó sâu sắc hơn nhiều – với những người khác, với thiên nhiên, thậm chí với bản chất của chính sự tồn tại. Phần lớn những người được bác sĩ cho dùng thuốc nói rằng nó khiến họ cảm thấy như vậy và trải nghiệm đó có vẻ tác động mạnh đến họ.
Khi đọc qua nghiên cứu này, Roland nhận thấy một điều đặc biệt. Cách mọi người mô tả cảm giác khi họ dùng thuốc gây ảo giác rất giống với cách người ta mô tả cảm giác khi theo đuổi một chương trình thiền sâu và lâu dài.
Khi đọc chúng vào những năm 1990, Roland tò mò muốn tìm hiểu xem liệu có mối liên hệ nào giữa những trải nghiệm tìm thấy ở những người hành thiền lâu năm và những trải nghiệm mà người ta có được khi dùng thuốc gây ảo giác hay không. Nếu đây là hai con đường khác nhau để cảm nhận cùng một điều, thì liệu nó có giúp chúng ta biết được điều gì đang thực sự xảy ra không? Thế là, Roland đã nộp đơn để tiến hành thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về thuốc gây ảo giác kể từ lệnh cấm cách đây nhiều năm. Ông muốn đưa psilocybin, một chất hóa học tự nhiên được tìm thấy trong nấm “ma thuật”, cho những người chưa từng sử dụng nó trước đây, để xem liệu họ có trải nghiệm thần bí nào sau khi uống nó hay không, và xem những kết quả lâu dài hơn (nếu có) là gì.
“Tôi phải nói thẳng rằng tôi là một người đa nghi”, ông nói với tôi khi chúng tôi ngồi cùng nhau ở Maryland. Ông không nghĩ rằng một loại thuốc có thể kích hoạt một trải nghiệm có thể so sánh với việc thực hành thiền định sâu, bền vững, kéo dài hàng thập niên mà ông đã chứng kiến ở đạo tràng. Và ông không nghĩ rằng thuốc sẽ có nhiều tác dụng hơn việc thiền định. Không một nhà khoa học nào khác được phép làm điều này kể từ lệnh cấm vào những năm 1960. Nhưng độ uy tín và tin cậy của Roland lớn đến mức ông được cấp phép trong sự kinh ngạc của nhiều người. Nhiều người cho rằng điều này xảy ra chỉ vì cơ quan chức năng cho rằng ông muốn chứng minh tác hại khủng khiếp của thuốc gây ảo giác đối với con người. Vì vậy, hàng chục người bình thường có nghề nghiệp đàng hoàng đã được tuyển chọn tham gia thử nghiệm ở Maryland.
*
Mark không biết điều gì sẽ xảy ra khi anh bước vào phòng thí nghiệm của Roland, một căn phòng được trang trí giống như phòng khách của một ngôi nhà bình thường. Có một chiếc ghế sofa, những bức tranh tạo cảm giác dễ chịu trên tường và một tấm thảm. Anh là một nhà tư vấn tài chính 49 tuổi, tính tình nghiêm túc. Anh đã xem một quảng cáo trên tờ báo địa phương, nói rằng đây là một nghiên cứu mới về tâm linh. Trước đây, anh chưa bao giờ dùng thuốc gây ảo giác; anh thậm chí còn chưa từng hút cần sa.
Anh đồng ý tham gia vì đã ly hôn với vợ và lâm vào trầm cảm. Anh đã dùng thuốc chống trầm cảm – Paxil, loại mà tôi đã dùng – trong bốn tháng, nhưng nó chỉ khiến anh cảm thấy uể oải. Trong một năm rưỡi kể từ khi ngừng thuốc, anh trở nên lo lắng về bản thân mình. “Điều tôi cảm thấy còn thiếu trong cuộc sống của mình là khả năng kết nối với những người khác”, anh nói với tôi. “Tôi phải đứng cách người khác một sải tay. Tôi không thực sự thoải mái khi đến gần mọi người”. Mọi chuyện bắt đầu xảy ra khi Mark lên mười, lúc đó bệnh tim của cha anh trở nặng. Một ngày nọ, ông lên cơn đau và được đưa đến bệnh viện. Khi Mark nhìn ông được đưa đi, linh tính cho anh biết rằng anh sẽ không bao giờ gặp lại cha mình nữa. Mẹ Mark chìm trong đau buồn đến mức không thể nói về cái chết của cha anh với anh, và cũng không có người thân nào trong nhà làm điều đó cả. “Tôi bị bỏ mặc, tự xoay xở với các phương cách của mình để hiểu được điều này và hòa nhập với cuộc sống”, anh nói, “tôi nghĩ rằng tôi đã cố giấu hết mọi thứ vào bên trong mình và chuyển sang chế độ chối bỏ”. Đó là khởi đầu cho một khuôn mẫu đối với anh: che giấu cảm giác của mình để bảo vệ bản thân.
Khi anh lớn hơn, cảm giác xa cách này gây ra cho anh rất nhiều lo lắng về xã hội. Khi được mời đến dự một bữa tiệc, anh sẽ luôn viện lý do để không đi. Nếu buộc phải tham dự, anh sẽ bẽn lẽn đứng ở một góc. Anh nói: “Tôi đã quá cẩn trọng về những gì mình nói và giám sát bản thân quá mức”. Anh độc thoại nội tâm liên tục rằng: Nói như vậy có ngớ ngẩn quá không? Mình nên nói gì tiếp đây? Điều đó có ngớ ngẩn không? Rồi mình sẽ nói gì sau đó?
Khi Mark nằm trên sofa trong phòng khách dựng tạm của phòng thí nghiệm, sự lo âu của anh cũng bùng lên vào ngày hôm đó. Đây là buổi đầu tiên trong ba buổi mà anh sẽ được uống psilocybin. Để chuẩn bị, anh đã dành vài tháng để học với nhà tâm lý Bill Richards của Đại học Johns Hopkins về cách thiền. Họ giao cho anh một câu thần chú để tự niệm – om mani padme hum – nhằm giúp anh ổn định nếu anh trở nên bối rối hoặc hoảng sợ trong khi trải nghiệm tác dụng của thuốc. Bill giải thích với Mark rằng ông sẽ ở đó trong suốt toàn bộ quá trình, để trấn an và hướng dẫn anh.
Tất cả những gì Mark từng nghe về thuốc gây ảo giác là chúng sẽ khiến bạn phát điên. Tại nhà thờ Baptist anh tham gia, người ta thường phát cho thanh thiếu niên những mẩu truyện tranh nhỏ về một người đàn ông uống LSD và nghĩ rằng khuôn mặt của anh ta đang tan chảy. Anh ta luôn cảm thấy như thế rồi bị đưa vào một khu bệnh tâm thần, và không bao giờ hồi phục. Mark không hình dung rằng mình sẽ uống một thứ như thế này tại trung tâm của một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới.
Khi được yêu cầu mang theo một vài đồ vật có ý nghĩa với bản thân, Mark mang theo vài tấm hình của cha mẹ đã khuất và hình cô bạn gái mới của anh, Jean. Anh cũng mang theo một hạt dẻ mà anh đã nhặt được và giữ lại vào ngày anh ly hôn, dù không biết tại sao. Anh nằm xuống ghế sofa và khi đã cảm thấy thoải mái, anh được đưa cho một viên thuốc psilocybin nhỏ để nuốt. Rồi sau đó anh bình tĩnh cùng Bill xem một số hình ảnh trong một cuốn sách – những tấm hình chụp phong cảnh – rồi Bill bịt mắt anh lại, đeo tai nghe cho anh và mở một bản nhạc nhẹ nhàng. Trong vòng 45 phút, Mark bắt đầu cảm thấy có điều gì đó khác lạ.
“Tôi có thể cảm thấy tâm trí mình thả lỏng hơn”, anh kể cho tôi. “Tôi có thể cảm nhận được rằng có điều gì đó, một sự thay đổi sắp xảy ra, như họ nói... Tôi thấy rõ là nó sắp đến với tôi”.
Rồi khá đột ngột, Mark hoảng sợ. Anh không biết chuyện gì đang xảy ra với mình. Anh đứng dậy và nói rằng anh muốn đi ra. Anh nhận ra mình đã không hoàn toàn thành thật với bạn gái về cảm nhận của anh với cô ấy. Anh muốn đi nói cho cô ấy biết.
Bill khuyên nhủ anh một cách nhẹ nhàng. Sau một vài phút, Mark quyết định ngồi lại sofa; anh bắt đầu niệm câu thần chú đã học để định tâm và thư giãn. Anh nhận ra mình phải để trải nghiệm này “đi sâu, đi sâu hơn” và tin tưởng vào nó. Trong quá trình chuẩn bị, các nhà khoa học đã giải thích cho anh rằng việc gọi những loại thuốc này là “chất gây ảo giác” (hallucinogene) vốn dĩ có chút sai lầm. Ảo giác thực sự liên quan đến việc nhìn thấy thứ gì đó không có thật mà nghĩ rằng nó có thật. Điều đó thật ra rất hiếm. Họ nói chính xác hơn nên gọi chúng là “chất gây thức thần” (psychedelic) – theo nghĩa đen trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “biểu lộ tâm trí”. Những gì các loại thuốc này làm là lôi mọi thứ ra khỏi tiềm thức của bạn và đưa chúng hiện hữu trong tâm trí bạn. Vì vậy, bạn không bị ảo giác, mà thay vào đó bạn sẽ nhìn thấy mọi thứ giống như cách bạn nhìn thấy chúng trong mơ, trừ việc bạn đang có ý thức. Và tại bất kỳ thời điểm nào, bạn cũng đều có thể nói chuyện với người hướng dẫn của mình – Bill, bạn biết anh ta đang có mặt bằng xương bằng thịt và biết rằng những thứ bạn đang nhìn thấy do thuốc không tồn tại thật sự.
Mark nói với tôi: “Tôi không hề nhìn thấy những bức tường đảo lộn hay bất cứ thứ gì bất thường cả. Chỉ hoàn toàn một màu đen. Và tất cả những gì tôi nghe thấy là những bản nhạc đang được mở như một phương tiện giữ tôi không đi khỏi thực tại. Tất cả mọi thứ khác đều là hình ảnh bên trong tâm trí của tôi... Nó giống như nằm mơ khi đang thức vậy”, chỉ có điều sau đó anh có thể nhớ lại tất cả, một cách sống động – “sống động như bất cứ điều gì tôi từng trải qua trong đời”.
Khi nằm lại trên ghế sofa, Mark cảm thấy mình đang chèo trong một hồ nước mát lạnh tuyệt vời. Anh bắt đầu lang thang ngược xuôi, và có thể thấy những vịnh nhỏ khác nhau xung quanh mình, và có những con lạch chảy ra từ các vịnh nhỏ đó. Anh cảm nhận được bằng trực giác – như bạn làm trong một giấc mơ – rằng hồ nước này tượng trưng cho toàn bộ loài người. Anh nghĩ rằng, tất cả chúng ta đều trút hết vào hồ nước này toàn bộ cảm xúc, toàn bộ khao khát, toàn bộ suy nghĩ của chúng ta.
Anh quyết định sẽ khám phá một trong những vịnh nhỏ ấy. Anh nhảy từ tảng đá này sang tảng đá khác, ngược dòng con suối, và anh cảm thấy có điều gì đó đang kêu gọi anh tiếp tục đi, sâu hơn, sâu hơn nữa. Sau đó, anh đến một thác nước cao 60 mét và kinh ngạc đứng trước nó. Anh nhận ra rằng mình có thể bơi ngược lên, và anh nghĩ khi lên đến đỉnh thác, anh sẽ được ở bất cứ nơi nào anh muốn đến trong đời và “câu trả lời sẽ đợi tôi ở đó”.
Anh kể cho Bill, người hướng dẫn của anh, những gì đang xảy ra. “Hãy tận hưởng cảm giác đó đi”, Bill nói.
Khi lên đến đỉnh thác, Mark nhìn thấy một chú nai nhỏ đang đứng giữa dòng suối uống nước. Nó nhìn Mark và nói: “Có một số việc dở dang ở đây cần anh xem lại [từ thời thơ ấu của anh]. Đây là điều anh cần phải quan tâm nếu muốn tiếp tục phát triển hơn nữa”. Mark tiết lộ rằng anh cảm thấy trải nghiệm này muốn nói với anh rằng: “Tôi đã che giấu một số trải nghiệm của mình. Tôi đã nếm trải những điều này từ rất sớm trong đời, nhưng tôi đã cố gắng che đậy chúng để hòa nhập tốt nhất có thể với cuộc sống”.
Giờ đây, trên đỉnh thác này, lần đầu tiên trong đời Mark cảm thấy có thể an toàn để đối diện với nỗi đau mà anh đã che giấu từ năm 10 tuổi. Anh đi theo con nai xa hơn dọc theo dòng suối và tìm thấy một giảng đường. Và ở đó, cha của Mark đang đợi anh, trông ông giống y hệt lần cuối cùng anh nhìn thấy ông.
Cha của Mark nói rằng ông sẽ nói một số điều mà ông đã muốn nói với anh từ lâu. Trước hết, ông muốn Mark biết rằng ông vẫn ổn. “Rằng ông ấy phải ra đi”, Mark nhớ lại, “và ông cảm thấy thật đau khổ về điều đó, nhưng ông nói: ‘Mark này, con hoàn hảo theo cách của con và con có mọi thứ con cần’”.
Mark bật khóc khi nghe điều đó, theo cách mà anh chưa bao giờ khóc vì cha mình trước đây. Cha anh ôm lấy anh và nói: “Mark, đừng lẩn tránh. Hãy theo đuổi con đường phía trước”.
Sau đó, Mark biết: “Toàn bộ cuộc hành trình này, tất cả những gì tôi đã trải qua, toàn bộ sự thúc đẩy này, có thể tóm gọn là: Cuộc đời là để sống. Hãy ra ngoài và sống. Hãy bước ra mà khám phá, tận hưởng, nếm trải mọi thứ đi”. Anh có một cảm giác mãnh liệt về vẻ đẹp của sự sống, của con người – “vẻ đẹp lộng lẫy của nó, sự thông thái của nó, thật choáng ngợp”. Nhưng anh cũng có ý thức mạnh mẽ rằng “điều điên rồ chính là tất cả mọi thứ này không đến từ bên ngoài. Nó chỉ đến từ bên trong tôi, bạn biết không? Đây không phải là loại thuốc mang lại thứ gì đó. Nó chỉ là loại thuốc mở ra một không gian khác trong tôi”, một không gian đã luôn ở đó, ẩn dưới sự mất mát của anh.
Rồi sau đó, anh bắt đầu cảm thấy thuốc hết tác dụng, giống như “bạn đã trở lại với bản ngã của chính mình”, như anh nói. Anh đến Johns Hopkins lúc chín giờ sáng và rời đi lúc năm giờ rưỡi chiều. Khi Jean, bạn gái của anh đến đón, cô ấy hỏi anh mọi chuyện đã diễn ra như thế nào, anh đã không biết phải nói gì.
Trong những tháng sau đó, Mark nhận thấy anh có thể nói về cha mình theo cách mà trước đây anh chưa từng làm được. Anh có một cảm giác mạnh mẽ rằng “càng cởi mở và càng trải lòng, tôi càng cảm thấy tốt hơn”. Anh cảm thấy sự lo âu của mình được thay thế bằng cảm giác ngạc nhiên tươi mới đáng kể. “Tôi cảm thấy mình đã có thể mở lòng mình hơn một chút với mọi người”, và anh thậm chí còn bắt đầu đi khiêu vũ với bạn gái, dù trước đây cô ấy phải la hét lôi kéo thì anh mới chịu đi.
Đó là ba tháng trước buổi thứ hai. Họ vẫn tuân theo quy trình tương tự như lần trước, nhưng lần này anh thấy nhiều hình ảnh rời rạc dường như không đặc biệt quan trọng đối với anh. “Nó không phải là thơ, mà là một bài diễn văn nhàm chán”, anh nói. Anh cảm thấy thất vọng.
Nhưng sau đó là phiên thứ ba, một phiên mà theo anh “đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời tôi”.
*
Khi bạn tham gia các thử nghiệm này, họ không cho bạn biết bạn đang dùng thuốc liều thấp, trung bình hay cao, nhưng Mark cảm thấy chắc chắn rằng lần cuối cùng anh đã được dùng liều cao.
Khi thuốc bắt đầu phát huy tác dụng, anh lại cảm thấy mình đang ở trong một không gian rất khác. Nhưng lần này không phải một phong cảnh quen thuộc giống như thác nước. Nó là một cái gì đó hoàn toàn khác, và khác xa với tất cả những gì anh đã từng trải qua. Anh cảm thấy mình đang lơ lửng trong hư vô – “giống như ở một nơi nào đó vô tận” ngoài không gian. Rồi sau đó, khi anh đang cố gắng tìm hiểu xem mình đang ở đâu, thì một sinh vật xuất hiện bên cạnh anh, trông có vẻ giống như một anh hề hay pha trò trong triều đình ngày xưa. Theo bản năng, Mark biết rằng sinh vật này sẽ giúp anh vượt qua trải nghiệm. Quay ra xa, Mark có thể nhìn thấy một vật thể hình trụ to lớn, và trực giác anh cảm nhận được rằng nó chứa đựng tất cả trí tuệ của toàn bộ vũ trụ và nó đang xuất hiện trong tầm mắt, nếu anh chịu lĩnh hội, nó sẽ được chuyển tải vào anh.
Lúc đầu, Mark nhìn thấy điều này và nói: “Tôi biết. Tôi biết”. Nhưng sau đó anh nghe thấy rất nhiều giọng nói cùng đồng thanh cất lên, và anh tham gia cùng họ: “Chúng ta biết. Chúng ta biết”.
“Chúng ta biết” đối với anh ấy dường như mạnh mẽ hơn rất nhiều. “Nó giống như toàn bộ vũ trụ được hút vào tôi, và nó bỗng dưng dừng lại khi người hướng dẫn của tôi nói: ‘Chúng ta cần tập trung vào một điều khác trước đã’. Rồi anh ta đưa tay vào bên trong tôi, lôi ra phần người run rẩy, lo lắng, sợ hãi hiện hữu bên trong tôi; anh ta lấy hắn ta ra ngoài và cùng trò chuyện. Anh ta nói: ‘Mark, chúng ta cần nói chuyện với phần người này của anh’... Anh ta nói với hắn: ‘Cậu đã làm một công việc tuyệt vời cho Mark. Cậu đã bảo vệ anh ấy. Cậu đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đáng kinh ngạc cho anh ấy – những bức tường tuyệt đẹp mà cậu đã tạo ra cho Mark, những chiến hào này, giàn giáo này đã bảo vệ Mark trong rất nhiều năm và đưa anh ấy đến được nơi này. Chúng tôi cần đảm bảo rằng cậu vẫn ổn khi hạ những bức tường này xuống để cậu có thể trải nghiệm những gì tiếp theo’”.
“Và điều đó diễn ra trong sự yêu thương”, Mark nói. “Không phán xét. Không có cảm giác gì như kiểu ‘Thật kinh khủng khi mày ở đây’”. Và phần sợ hãi của Mark đồng ý để bức tường của mình sụp đổ. Khi làm vậy, Mark nhận ra rằng ở gần đó, anh có thể nhìn thấy những người anh yêu thương, những người đã qua đời – cha anh và dì của anh – đang vỗ tay hoan nghênh anh.
Sau đó, Mark cảm thấy anh được mở rộng để đón nhận bất cứ sự thông thái nào mà vũ trụ ban cho. Anh có thể cảm thấy nó chảy trong mình, và anh cảm thấy hạnh phúc.
“Bạn biết đấy, trong chúng ta luôn có một phần người luôn đánh giá, luôn soi mói chăm chú thái quá bản thân và người khác”, Mark nói với tôi. “Và [trong khoảnh khắc đó] bản ngã của tôi đã tan biết. Mọi người hay mô tả nó như là cái chết của cái tôi. Nhưng ‘cái tôi’ không thuộc về nơi đó, nó hoàn toàn bị tắt đi”. Lần đầu tiên trong đời, Mark có thể cảm thấy “không có sự phán xét nào cả. Chỉ còn lòng trắc ẩn, một cảm giác ngập tràn cảm thông đối với bản thân và mọi người khác trong vũ trụ”. Và anh có một cảm giác mãnh liệt về sự hợp nhất của tất cả các sinh vật, được gắn kết với nhau thông qua thiên nhiên.
Khi đắm chìm trong niềm vui này, Mark quay sang anh hề, cha anh, dì anh, và hỏi: “Ai là Đức Chúa Trời duy nhất và chân thật?”. Tất cả họ đều nhìn anh và nhún vai nói: “Bọn ta không biết. Bọn ta biết rất nhiều. Nhưng bọn ta không biết điều đó”. Rồi tất cả họ đều cười, Mark cũng cười theo họ.
Khi trở lại sau trải nghiệm đó, Mark không bao giờ cảm thấy như trước nữa. Anh nói với tôi rằng trải nghiệm đã nói rõ với anh rằng mọi người cần cảm giác “được chấp nhận, cảm thấy mình có ý nghĩa, và được yêu thương. Tôi có thể trao tặng cảm giác đó cho bất kỳ ai, vào bất cứ lúc nào. Nó vô cùng đơn giản. Chỉ cần quan tâm hơn. Chỉ cần ở cùng mọi người. Chỉ cần biết yêu thương”.
Rồi, một chuyện khác đã xảy ra với Mark.
*
Một phần công việc của Roland – nhà khoa học theo chủ nghĩa hoài nghi đang phụ trách thử nghiệm này – là phỏng vấn tất cả những người đã được uống psilocybin, hai tháng sau trải nghiệm. Những người này lần lượt được hỏi, và câu trả lời của họ hầu như luôn giống nhau. Thông thường họ sẽ nói đó là “một trong những trải nghiệm ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi” và so sánh nó với sự ra đời của một đứa con hay cái chết của cha mẹ. Mark là một điển hình. Roland nói với tôi: “Ban đầu, điều đó khiến tôi cảm thấy vô cùng khó tin. Tôi lập tức nghĩ rằng: Những người này đã trải qua những gì trong đời [trước cuộc thử nghiệm] chứ? Nhưng họ là những người có năng lực cao, hầu hết có công việc đàng hoàng. Vì vậy câu trả lời của họ thực sự đáng tin cậy... Đó là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi. Tôi không có cách nào lý giải nó”.
Hai tháng sau đó, khoảng 80% những người được sử dụng liều psilocybin cao nhất cho biết, rằng đó là một trong năm điều quan trọng nhất từng xảy ra trong đời họ. Roland và nhóm của ông đo lường mức độ thay đổi ở những người tham gia thử nghiệm. Phần lớn có “thái độ tích cực hơn về bản thân và cuộc sống, mối quan hệ tốt hơn với những người khác, và họ trở nên từ ái hơn”. Đó chính xác là những gì đã được chứng minh là sẽ xảy ra với người hành thiền. Roland không nói nên lời.
Khi tôi phỏng vấn những người đã trải qua chương trình này và các thử nghiệm khác tương tự, tôi thấy họ tràn đầy năng lượng một cách kỳ lạ. Nhiều người trong số họ có những câu chuyện về sang chấn thời thơ ấu bị chôn vùi từ lâu mà cuối cùng cũng có thể nói ra, hoặc cảm giác sợ hãi cuối cùng đã có thể vượt qua. Nhiều người trong số họ đã khóc vì vui sướng khi họ mô tả nó.
Roland không lường trước được điều này ngay từ đầu, nhưng bằng cách thực hiện nghiên cứu khoa học đầu tiên về chất gây thức thần trong một nhóm người, ông đã mở ra một cánh cổng bị đóng lại từ lâu; và với kết quả ấn tượng ấy, nhiều nhà khoa học đã bắt đầu tiếp bước theo ông. Đây chỉ là thử nghiệm đầu tiên trong số hàng chục thử nghiệm mới. Để hiểu điều gì đang xảy ra, tôi đã đến Los Angeles, Maryland, New York, London, Aarhus ở Đan Mạch, Oslo ở Na Uy và São Paulo ở Brazil để gặp gỡ những nhà khoa học trong các nhóm đã bắt đầu nghiên cứu lại về chất gây thức thần, để cố gắng tìm ra ý nghĩa của việc vượt qua trầm cảm và lo âu.
Một nhóm làm việc với Roland tại Johns Hopkins muốn xem điều gì sẽ xảy ra khi bạn kê psilocybin cho những người hút thuốc lâu năm, đã cố gắng bỏ thuốc trong nhiều năm mà không thành công. Chỉ sau ba buổi – giống như Mark – 80% trong số họ đã bỏ thuốc và duy trì được điều này trong sáu tháng tiếp theo. Đó là tỷ lệ thành công cao hơn bất kỳ kỹ thuật nào có thể so sánh được ở bất kỳ đâu. Một nhóm làm việc tại Đại học College London đã kê psilocybin cho những người bị trầm cảm nặng chưa từng được giúp đỡ bằng bất kỳ hình thức điều trị nào khác. Đó chỉ là một nghiên cứu sơ bộ, vì vậy chúng ta không nên phóng đại nó, nhưng họ phát hiện rằng gần 50% bệnh nhân cảm thấy chứng trầm cảm của họ đã biến mất hoàn toàn trong khoảng thời gian ba tháng tham gia thử nghiệm.
Và đặc biệt, các nhà nghiên cứu đã khám phá ra một thứ còn quan trọng hơn. Những tác động tích cực này phụ thuộc vào một thứ: Khả năng hồi phục sau trầm cảm hoặc nghiện ngập của bạn phụ thuộc vào mức độ trải nghiệm tâm linh của bạn khi sử dụng thuốc. Trải nghiệm tâm linh càng mãnh liệt, kết quả càng tốt về sau.
Tất cả các nhà khoa học liên quan đều cảnh báo tôi rằng đừng khái quát hóa kết quả từ một số lượng mẫu nhỏ. Nhưng đây là những kết quả ban đầu đáng chú ý, và chúng dường như chứng minh cho nghiên cứu đã được thực hiện vào thập niên 1960.
Roland bắt đầu tin rằng “những tác động này thực sự có tiềm năng biến đổi cuộc sống, theo một cách rất sâu sắc”. Vậy điều gì đã xảy ra? Và lợi ích là gì?
*
Một trong những cách mà các nhà nghiên cứu sử dụng để tìm cách trả lời những câu hỏi này là so sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa những trải nghiệm này với thiền định sâu. Fred Barrett, một giáo sư trợ giảng tại Johns Hopkins, đang thực hiện một nghiên cứu với Roland, trong đó họ kê psilocybin cho những người đã từng thực hành thiền sâu trong hơn một thập niên. Anh giải thích với tôi rằng những người như Mark – chưa từng thiền định trước đây và chưa sử dụng thuốc gây thức thần bao giờ – thường không có từ nào (ít nhất là vào lúc đầu) để mô tả những gì họ đã trải qua với thuốc và không thể nghĩ ra bất kỳ điều gì tương tự trong đời họ. Nhưng những người hành thiền lâu năm lại có ngôn ngữ rất phong phú, bởi vì đối với họ, thuốc dường như đang đưa họ đến “chính cái nơi” mà đôi khi họ đạt đến khi bước vào trạng thái sâu nhất của thiền. Fred nói với tôi: “Nhìn chung, họ nói rằng những nơi này gần như giống hệt nhau”.
Vậy nên, người ta đặt ra câu hỏi: Hai loại thực hành này tạo nên điều gì? Chúng có đặc điểm gì chung? Khi chúng tôi ngồi ăn tối trong một nhà hàng Thái Lan, Fred đã đưa ra một lời giải thích khiến tôi phải dừng lại suy nghĩ.
Anh nói, cả hai đều phá vỡ “chứng nghiện bản thân” của chúng ta. Khi ra đời, là những đứa trẻ, chúng ta không có ý thức về con người mình. Nếu bạn quan sát một đứa trẻ sơ sinh một lát, bạn sẽ thấy nó tự đánh vào mặt mình, vì nó chưa biết những giới hạn của cơ thể mình. Khi lớn lên, nó sẽ phát triển ý thức về con người của mình. Nó sẽ xây dựng các giới hạn. Đa số những điều đó là lành mạnh và cần thiết. Bạn cần một số giới hạn để bảo vệ mình. Nhưng một số giới hạn chúng ta xây dựng theo thời gian lại có tác động lẫn lộn qua lại với nhau. Khi bị cô lập ở tuổi lên 10, Mark đã xây dựng những bức tường để tự bảo vệ mình trước sự đau buồn về cha mình mà không thể nói với ai. Và khi lớn hơn, những bức tường bảo vệ đó lại trở thành nhà tù, ngăn anh sống một cuộc đời trọn vẹn. Bản ngã của chúng ta, ý thức về bản thân của chúng ta, luôn có cả hai đặc tính này – bảo vệ và giam cầm.
Nhưng điều mà cả thiền định sâu và trải nghiệm ảo giác đều dạy chúng ta là khả năng thấy được bao nhiêu phần cấu thành nên cái bản ngã đó. Mark đột nhiên có thể thấy rằng chứng tránh né xã hội của anh đã là một cách để bảo vệ bản thân, nhưng anh không cần nó nữa. Bạn tôi, Rachel có thể thấy rằng lòng đố kị của cô là một cách để bảo vệ bản thân khỏi nỗi buồn, và thiền định giúp cô thấy mình không cần phải như vậy; thay vào đó, cô có thể bảo vệ bản thân bằng sự tích cực và tình yêu thương.
Roland nói với tôi, cả hai quá trình này “tạo ra một mối quan hệ hoàn toàn mới với tâm trí”. Bản ngã là một phần của bạn. Nhưng nó không phải là toàn bộ con người bạn. Nhờ có những khoảnh khắc bản ngã của bạn “hòa tan và hòa nhập vào tổng thể vĩ đại hơn”, vào hồ nhân loại mà Mark đã nhìn thấy, bạn có thể nhìn thấy những gì bên ngoài bản ngã của mình. Bạn có được một cách nhìn hoàn toàn khác về bản thân. Như Fred Barrett đã nói với tôi, những trải nghiệm này dạy bạn rằng “bạn không nhất thiết phải chịu sự kiểm soát của quan niệm về bản thân mình”.
Roland nói: “Nếu thiền là một phương pháp đã được thử nghiệm và chứng minh là phù hợp để khám phá ra điều này, thì psilocybin chắc chắn là phương pháp vô cùng mới mẻ”.
Tất cả những người từng làm việc với thuốc gây thức thần về phương diện lâm sàng mà tôi phỏng vấn đều nhấn mạnh rằng những chất này thường để lại cho mọi người cảm giác kết nối đặc biệt với người khác, với thiên nhiên và với cảm giác về ý nghĩa sâu sắc hơn. Chúng đối lập với những giá trị nhất thời mà chúng ta vốn đắm chìm trong đó.
Sau cuộc thử nghiệm với psilocybin, Fred Barrett đã nói với tôi: “Một chủ đề khá phổ biến khi mọi người rời khỏi phòng thí nghiệm là sự yêu thương. Họ đã nhận ra mối liên hệ giữa họ với những người khác... Họ cảm thấy có động lực hơn để kết nối với người khác. Họ cảm thấy có động lực hơn để chăm sóc bản thân theo những cách lành mạnh, thay vì những cách tiêu cực”. Khi nghe điều này, tôi cứ nghĩ mãi về 7 nguyên nhân xã hội và tâm lý gây ra trầm cảm, lo âu mà tôi đã xác định, rõ ràng là có sự tương đồng. Những trải nghiệm này khiến mọi người có thể hiểu ra rằng những thứ ám ảnh chúng ta hằng ngày – việc mua sắm, địa vị, những thứ vụn vặt – thực sự không quan trọng. Chúng cho phép mọi người nhìn những sang chấn thời thơ ấu của họ theo một cách hoàn toàn khác. Như Roland đã nói, chúng mang đến cho bạn “một sự biến đổi về nhận thức, nơi bạn nhận ra rằng bạn không bị lệ thuộc vào suy nghĩ, tình cảm hoặc cảm xúc của bạn, rằng bạn thực sự có quyền lựa chọn từng khoảnh khắc và tận hưởng niềm vui” trong từng khoảnh khắc đó. Đó là lý do tại sao 80% người hút thuốc lâu năm đã từ bỏ được thuốc lá sau trải nghiệm này chẳng hạn. Nó không bật một công tắc hóa học nào đó trong não của họ. Mà đó là nhờ bạn nhìn lại và nhận ra sự kỳ vĩ của sự sống, và bạn nghĩ: Thuốc lá à? Thèm thuồng sao? Mình lớn lao hơn thế.
Chia sẻ trên của Roland cũng giúp chúng ta hiểu tại sao cuộc thử nghiệm nhỏ ban đầu tại Đại học College London dường như đã cho thấy kết quả đáng chú ý như vậy với những người trầm cảm nặng. “Trầm cảm là một kiểu nhận thức bị hạn chế”, Bill Richards, cũng là người hướng dẫn các thử nghiệm tại Johns Hopkins, nói với tôi. “Bạn có thể nói rằng người ta đã quên mất họ là ai, họ có khả năng gì, họ lâm vào bế tắc... Bạn biết không, nhiều người trầm cảm chỉ có thể nhìn thấy những nỗi đau, tổn thương, sự phẫn uất và thất bại của họ. Họ không thể nhìn thấy bầu trời xanh và những chiếc lá vàng”. Quá trình mở rộng ý thức này có thể phá vỡ điều đó, và do đó, nó phá vỡ cảm giác trầm cảm. Nó phá bỏ những bức tường của cái tôi và mở ra cho bạn sự kết nối với những gì quan trọng.
Và “mặc dù trải nghiệm [do thuốc] sẽ phai nhạt dần”, Roland nói, “nhưng ký ức về trải nghiệm đó vẫn tồn tại”, và nó có thể trở thành một sự dẫn dắt mới trong suốt cuộc đời.
*
Thí nghiệm tại Johns Hopkins đã cho tôi hai bài học quan trọng và chúng đều rất đáng chú ý.
Đầu tiên là trong khi một số người cảm thấy được giải thoát khỏi bản ngã của mình, thì một số người lại thấy điều đó rất đáng sợ. Khoảng 25% số người tham gia các nghiên cứu của Johns Hopkins đã có ít nhất một số khoảnh khắc kinh hoàng thực sự. Đối với hầu hết mọi người, như Mark, cảm giác đó chỉ thoáng qua, nhưng đối với số ít, đó là sáu giờ kinh khủng. Một người phụ nữ mô tả cảm giác khi cô lang thang qua một vùng đất hoang vắng, nơi mọi người đều đã chết. Rất nhiều tuyên bố về thuốc gây thức thần đã được đưa ra từ những năm 1960 – như việc chúng sẽ khiến bạn nhìn chằm chằm vào mặt trời cho đến khi mù mắt – đều không đúng; nhưng “chuyến du hành khủng khiếp” không phải là một sự bịa đặt. Nó đã xảy ra với rất nhiều người.
Khi tìm hiểu thêm về tất cả chuyện này, tôi nhớ ra một điều. Trở lại ngọn núi ở Canada, Isabel Behncke đã thuyết phục tôi rằng việc chúng ta không kết nối với thiên nhiên đang làm gia tăng chứng trầm cảm và lo âu. Cô nói với tôi rằng, giữa thế giới tự nhiên, chúng ta thường nhận ra mình nhỏ bé biết bao. Những câu chuyện mà bản ngã của chúng ta nói với chúng ta – “Bạn rất quan trọng! Những lo lắng của bạn thật cấp thiết!” – đột nhiên có vẻ rất nhỏ nhặt. Bạn trải nghiệm việc thu hẹp cái tôi của mình trong thế giới tự nhiên, và điều đó giúp rất nhiều người trở nên tự do. Khi cô ấy nói với tôi điều này, tôi nhận ra đó là sự thật, và tôi cảm thấy điều đó đang xảy ra trên sườn núi, chỉ trừ việc tôi không thấy đó là sự giải thoát. Tôi đã xem nó như một mối đe dọa. Tôi muốn chống lại nó. Nhưng tôi bối rối không hiểu tại sao. Isabel nói rằng thiên nhiên sẽ làm giảm chứng trầm cảm và lo âu của tôi, và tôi có thể thấy tất cả các bằng chứng khoa học đều chứng minh rằng cô ấy đúng.
Sau khi nghiên cứu bằng chứng về thiền định và chất gây thức thần – và đặc biệt là sau khi nói chuyện với Mark về cách nó giúp anh vượt qua nỗi đau về người cha đã mất – tôi cảm thấy đã có thể hiểu được sự phản kháng của mình. Tôi đã xây dựng cái tôi – ý thức về tầm quan trọng của tôi trên thế giới – để bảo vệ mình, đôi khi trong những hoàn cảnh nguy hiểm. Khi bạn nhìn thấy một người đang chịu tác động của thuốc gây thức thần, bạn sẽ biết tại sao chúng ta cần một bản ngã. Bản ngã của họ bị tắt, và họ thực sự không có khả năng tự vệ. Cái tôi bảo vệ chúng ta. Nó che chở chúng ta. Nó cần thiết. Nhưng khi nó quá lớn, nó cắt đứt khả năng kết nối của chúng ta. Do đó, việc hạ gục nó không phải là điều nên làm một cách tùy tiện. Đối với những người chỉ cảm thấy an toàn sau những bức tường, việc dỡ bỏ những bức tường của họ sẽ không giống như một cuộc vượt ngục; nó giống như một cuộc xâm lược.
Trong khung cảnh thiên nhiên vào ngày hôm đó với Isabel, tôi chưa sẵn sàng để rũ bỏ những bức tường bản ngã mà tôi thấy mình vẫn cần.
Đó là lý do tại sao không ai trong số những người mà tôi đã phỏng vấn nghĩ rằng để cho những người bị trầm cảm hoặc lo âu đi mua thuốc gây thức thần về dùng là một ý tưởng hay, khi họ không được chuẩn bị và hỗ trợ. Chúng có tác động rất lớn. Bill Richards nói với tôi rằng nó giống như trượt tuyết xuống dốc: Làm việc đó mà không có hướng dẫn thì đúng là ngu ngốc. Những gì họ nghĩ là có lẽ nên đấu tranh để thay đổi các điều luật hiện hành, để những loại thuốc này được sử dụng có điều kiện kiểm soát, trong những trường hợp thích hợp.
Bill nói với tôi mục tiêu dài hạn không phải là tiêu diệt cái tôi mà là đưa chúng ta trở lại mối quan hệ lành mạnh với cái tôi của chính mình. Để làm được điều đó, mọi người phải cảm thấy đủ an toàn để phá vỡ bức tường sâu thẳm nhất của họ tại một thời điểm thích hợp, trong một không gian an toàn, với những người mà họ tin tưởng.
*
Bài học thứ hai, tôi nghĩ là còn quan trọng hơn. Tiến sĩ Robin Carhart Harris là một trong những nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm kê psilocybin cho những người trầm cảm nặng ở London. Khi chúng tôi ngồi thảo luận về nó hàng giờ trong một quán cà phê ở Notting Hill, ông đã mô tả một điều mà họ nhận thấy khi tiếp tục thử nghiệm. Chất gây thức thần đã có một tác dụng đáng kể trong khoảng ba tháng đầu: Hầu hết mọi người cảm thấy được kết nối hơn một cách triệt để và vì vậy cơ bản họ cảm thấy tốt hơn. Nhưng ông đã mô tả một bệnh nhân cụ thể, và có vẻ như cô đại diện cho một xu hướng rộng hơn.
Sau trải nghiệm phi thường này, cô ấy đã quay trở lại cuộc sống bình thường. Cô là một nhân viên lễ tân bình thường ở một thị trấn Anh nhỏ bé. Cô ấy đã có sự thức tỉnh rằng chủ nghĩa vật chất không quan trọng, rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng, rằng sự phân biệt địa vị của chúng ta là vô nghĩa. Và bây giờ cô ấy trở lại sống trong một thế giới luôn dạy chúng ta rằng chủ nghĩa vật chất là điều quan trọng nhất, rằng chúng ta không bình đẳng và tốt hơn là bạn nên tôn trọng sự phân biệt địa vị. Đó là sự quay trở lại cái bể tắm lạnh lẽo của sự mất kết nối. Và dần dần cô lại trở nên trầm cảm, bởi vì những hiểu biết mà cô có được nhờ trải nghiệm của thuốc thức thần hiện tại không thể duy trì ở thế giới bên ngoài.
Tôi đã dành một thời gian dài để suy nghĩ về điều này. Mãi đến khi trò chuyện cùng tiến sĩ Andrew Weil, người đã thực hiện một số nghiên cứu trong thập niên 1960 về lĩnh vực này, tôi mới thấy nó thực sự có ý nghĩa như thế nào. Không ai tuyên bố rằng thuốc gây thức thần hoạt động theo cách mà chúng ta đã nghe về thuốc chống trầm cảm vào thập niên 1990, chúng không “sửa chữa” bạn bằng cách thay đổi những chất hóa học trong não bạn. Những gì chúng làm là mang lại cho bạn một cảm giác kết nối đáng kể – khi trải nghiệm diễn ra tốt đẹp – trong một khoảng thời gian rất ngắn. Andrew nói với tôi: “Giá trị của trải nghiệm là cho bạn thấy khả năng” – rằng sự kết nối có thể khiến bạn cảm thấy thế nào. Rồi ông nói thêm: “Tìm ra những cách khác để duy trì trải nghiệm là việc của bạn”. Giá trị của cuộc thử nghiệm không nằm ở trải nghiệm về thuốc mà là trải nghiệm về học hỏi. Và bạn cần tiếp tục thực hành điều mình đã học được, bằng cách này hay cách khác.
Nếu sau trải nghiệm dữ dội này, bạn lại trở về trạng thái ngắt kết nối, thì nó sẽ không kéo dài. Nhưng nếu bạn sử dụng nó để xây dựng cảm giác kết nối sâu sắc hơn, lâu dài hơn – vượt qua thói ham mê vật chất và vượt qua bản ngã – thì điều đó có thể. Nó cho bạn thấy những gì chúng ta đã mất và những gì chúng ta vẫn cần.
Đó là bài học mà Mark đã rút ra được từ việc tham gia và trải nghiệm thực tế trong nghiên cứu tại Johns Hopkins. Sau lần trải nghiệm thứ ba, cũng là lần cuối cùng với psilocybin, anh hỏi người phụ trách thử nghiệm: “Ông Roland, tôi phải làm gì với những thay đổi này bây giờ? Tôi cần một cái gì đó trong cuộc sống có thể giúp tôi nuôi dưỡng những thay đổi đó”. Và Roland – người đã từng chìm đắm trong thói nghiện công việc đến mức không thể thiền quá vài phút – giờ đã biết câu trả lời. Ông giới thiệu Mark đến một trung tâm nghiên cứu các kỹ thuật thiền sâu. Bây giờ Mark thường xuyên đến đó, và anh đã thiền được gần 5 năm vào thời điểm tôi phỏng vấn. Mark biết rằng anh không thể sống hoàn toàn trong không gian mà anh đã tìm thấy khi sử dụng psilocybin và anh cũng không muốn như vậy. Nhưng anh ấy muốn tích hợp những hiểu biết sâu sắc về nó vào cuộc sống hằng ngày. Anh nói với tôi: “Tôi không muốn mất đi cảm giác về những gì tôi đã nhận được”.
Roland không bao giờ tưởng tượng mình là người đề xuất thiền và thuốc gây thức thần; Mark cũng không bao giờ tưởng tượng mình sẽ háo hức đón nhận những đề xuất đó. Đối với cả hai người, đây dường như là một ngã rẽ khó tin trong câu chuyện cuộc đời của họ – nhưng họ đã bị rung động bởi sức nặng tuyệt đối của bằng chứng và sự rõ ràng của những gì họ đã thấy.
*
Mark giờ đã trở thành người hướng dẫn thiền. Áp dụng những kỹ thuật của thiền, anh không còn cảm thấy hoảng sợ xã hội như trước nữa. Anh cảm thấy cởi mở với những gì thế giới muốn đem đến cho anh. Vào lần phỏng vấn cuối cùng, Mark nói với tôi rằng anh cảm thấy giờ đây anh có “một kiểu kết nối không bao giờ mất”, một cảm giác sâu sắc về niềm vui đồng cảm. Anh không còn nghĩ đến thuốc chống trầm cảm hóa học kể từ đó. Chúng chưa bao giờ có tác dụng với anh, và bây giờ anh càng không cần đến chúng, anh nói.
*
Mark nói với tôi rằng không nhất thiết ai cũng nên theo lối của anh. Bạn có thể có nhiều cách ngăn chặn những thứ đang xâu xé chúng ta – những giá trị nhất thời cũng như tính vị kỷ mà những giá trị đó tạo ra. Một số người sẽ làm điều đó với thuốc gây thức thần; nhiều người khác sẽ chọn thiền từ ái, và chúng ta cũng cần xem xét nhiều phương pháp khác nữa. Nhưng dù chọn cách nào thì “đó cũng không phải là một chiêu đánh lừa trí óc. Đó là một sự mở mang đầu óc cho phép bạn nhìn thấy... những thứ vốn đã ở sẵn bên trong bạn rồi”, anh nói.
“Nó chỉ đơn thuần”, Mark nói với tôi khi nhìn lại chặng đường dài này, “mở ra cánh cổng” dẫn đến những điều mà – dù ý thức hay vô thức – chúng ta luôn biết là cần thiết đối với chúng ta.