Khi tôi cố gắng áp dụng tất cả những gì tôi đã học được – để thay đổi, để bớt trầm cảm – tôi cảm thấy một sự giằng xé dai dẳng và âm ỉ bên trong mình. Tôi liên tục nhận được tín hiệu từ bên ngoài rằng cách để hạnh phúc rất đơn giản. Mua đồ. Đem khoe. Khẳng định đẳng cấp. Muốn gì được nấy. Những thôi thúc mời gọi này đến từ những mẩu quảng cáo và từ rất nhiều tương tác xã hội. Dù đã học được từ Tim Kasser rằng đó chỉ là những giá trị nhất thời, một cái bẫy dẫn đến lo âu và trầm cảm nhiều hơn; nhưng con đường nào để tôi vượt qua chúng? Tôi có thể hiểu rất rõ những lập luận chống lại chúng. Tôi đã bị thuyết phục. Nhưng chúng vẫn hiện diện trong đầu tôi và xung quanh tôi, cố gắng kéo tôi trở lại.
Tôi biết được rằng Tim đã đề xuất hai cách để thoát ra khỏi chúng. Đầu tiên là phòng thủ. Sau đó là chủ động thực hiện việc kích hoạt lại các giá trị bên trong của chúng ta.
*
Khi ô nhiễm không khí ngày càng tồi tệ, chúng ta ngăn chặn nguồn gây ô nhiễm, chẳng hạn như không cho phép các nhà máy bơm chì vào không khí. Theo Tim, quảng cáo là một dạng ô nhiễm tinh thần. Vì vậy, giải pháp rõ ràng là hạn chế hoặc cấm nguồn gây ô nhiễm tinh thần, giống như chúng ta hạn chế hoặc cấm nguồn gây ô nhiễm thể chất vậy.
Đây không phải là một ý tưởng trừu tượng, mà nó đã được thử thực hiện ở nhiều nơi.
Ví dụ, thành phố São Paulo ở Brazil đang dần bị bao trùm bởi các biển quảng cáo. Chúng bao phủ mọi không gian, các logo và nhãn mác lòe loẹt giăng mắc khắp nơi, nhìn đâu cũng thấy. Nó đã làm cho thành phố trở nên xấu xí và làm cho mọi người cảm thấy xấu xí, bằng cách nói ra rả với họ rằng họ phải tiêu thụ. Vì vậy, vào năm 2007, chính quyền thành phố đã thực hiện một bước đi táo bạo: Họ cấm tất cả quảng cáo ngoài trời. Tất tần tật. Họ gọi đó là Luật Thành phố Sạch – Clean City Law. Khi từng tấm bảng quảng cáo lần lượt bị gỡ bỏ, người ta bắt đầu nhìn thấy những tòa nhà cổ kính xinh đẹp đã bị che khuất từ lâu. Sự bực bội thường xuyên về những bảng quảng cáo kêu gọi người ta phải chi tiêu đã bị loại bỏ, thay vào đó là các tác phẩm nghệ thuật công cộng được trưng bày nhiều hơn. Khoảng 70% cư dân thành phố nói rằng sự thay đổi ấy đã khiến thành phố trở thành một nơi tốt hơn. Tôi đã đến đó để xem, hầu hết mọi người đều nói rằng thành phố có vẻ sạch sẽ và thông thoáng hơn về mặt tâm lý so với trước đây.
Một số quốc gia, như Thụy Điển và Hy Lạp, đã cấm quảng cáo nhắm vào trẻ em. Trong khi tôi viết cuốn sách này, đã có một cuộc tranh cãi sau khi một công ty tiếp thị sản phẩm dành cho người ăn kiêng đặt quảng cáo trên tàu điện ngầm London, hỏi rằng cơ thể bạn đã sẵn sàng để đi biển chưa, bên cạnh là ảnh một phụ nữ với đường nét quyến rũ đến mức khó tin. Nó ngụ ý rằng nếu bạn là một trong 99,99% người trông kém đẹp hơn thế này, bạn chưa “sẵn sàng” để khoe vóc dáng của mình trên bãi biển. Chiến dịch quảng cáo này đã vấp phải phản ứng dữ dội, và các áp phích đó cuối cùng đã bị cấm. Nó đã gây ra một làn sóng phản đối khắp London, người ta vẽ chồng lên các biển quảng cáo này dòng chữ: “Quảng cáo nhét những thứ rác rưởi vào đầu bạn”.
Điều đó khiến tôi nghĩ: Hãy tưởng tượng nếu chúng ta có một cơ quan quản lý quảng cáo nghiêm khắc cấm tất cả các quảng cáo được thiết kế để khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ theo bất kỳ cách nào. Vậy thì còn bao nhiêu quảng cáo tồn tại? Đó là một mục tiêu có thể đạt được, và nó sẽ xóa bỏ rất nhiều sự ô nhiễm tinh thần khỏi tâm trí của chúng ta.
Việc cấm đó sẽ có những giá trị của riêng nó, nhưng tôi nghĩ cuộc đấu tranh cho lệnh cấm đó có thể thúc đẩy một cuộc trò chuyện sâu sắc hơn. Quảng cáo chỉ là hình thức PR cho một hệ thống kinh tế vận hành bằng cách khiến chúng ta cảm thấy thiếu thốn và cho chúng ta biết giải pháp là không ngừng chi tiêu. Trực giác của tôi cho rằng một khi chúng ta thực sự nói về việc điều này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của những thay đổi sâu sắc hơn.
Có một thử nghiệm cố gắng đi sâu hơn theo hướng đó – không chỉ để chặn những thông điệp xấu xa khiến chúng ta ham muốn những thứ vớ vẩn, mà còn để xem liệu chúng ta có thể rút ra những giá trị tích cực cho mình hay không. Điều này dẫn đến lối thoát thứ hai – và cũng là giải pháp thú vị nhất – mà Tim đã khám phá.
*
Nathan là một trung niên đã làm việc trong ngành dịch vụ tài chính ở Pennsylvania nhiều năm; ông tư vấn cho mọi người về các khoản đầu tư. Một ngày nọ, ông đang nói chuyện với một cô giáo trường cấp hai và cô ấy bảo rằng những đứa trẻ mà cô đang dạy có vấn đề. Chúng thuộc tầng lớp trung lưu, không giàu có, nhưng cứ nghĩ rằng sự hài lòng và ý nghĩa của cuộc đời chúng đến từ việc mua sắm. Khi cha mẹ không đáp ứng được sự vòi vĩnh đó, chúng có vẻ thực sự rất đau khổ. Cô hỏi Nathan xem có thể nhờ ông vào lớp để nói chuyện với bọn trẻ về tài chính trong thực tế không.
Ông dè dặt đồng ý. Nhưng quyết định đó khiến ông phải lao vào nghiên cứu, nó thách thức rất nhiều điều mà ông vốn cho là đương nhiên.
Bọn trẻ đã lặp đi lặp lại với Nathan Dungan một điều: Chúng cần vật chất. Chúng cần được xem như đối tượng tiêu dùng. Chúng thất vọng – và tức giận – vì không có được những thứ đó. Cha mẹ chúng đã từ chối mua giày thể thao hoặc quần áo hàng hiệu, hoặc các tiện ích mới nhất mà chúng cần phải có, và điều đó đẩy chúng vào một cơn hoảng loạn. Cha mẹ của chúng không biết việc sở hữu tất cả những thứ này quan trọng thế nào sao?
*
Nathan tin rằng nhiệm vụ của mình rất rõ ràng. Ông ở đó để chỉ cho bọn trẻ và cha mẹ chúng cách lập ngân sách và sống trong khả năng tài chính của họ. Nhưng rồi ông vấp phải bức tường nhu cầu và cơn đói khát cồn cào này. Đối với ông, điều đó thật khó hiểu. Tại sao chúng muốn tiêu dùng đến vậy? Sự khác biệt giữa giày thể thao có logo Nike với những đôi giày khác là gì? Tại sao khoảng cách đó lại lớn đến mức khiến bọn trẻ hoảng sợ?
Ông tự hỏi mình có nên nói về cách lập ngân sách nữa không, hay nên bàn về việc tại sao ngay từ đầu các thiếu niên lại muốn có những thứ đó. Và điều này đã phát triển sâu hơn thế. Có điều gì đó khi thấy các thiếu niên thèm muốn những vật chất dường như vô nghĩa khiến Nathan phải suy nghĩ: Là người lớn, chúng ta có khác nhiều so với bọn trẻ không?
Nathan không biết phải bắt đầu câu chuyện từ đâu, vì vậy ông mở đầu với luận điểm này. Và nó đã dẫn đến một thử nghiệm khoa học nổi bật mà ông đã cùng Tim Kasser thực hiện.
Một thời gian ngắn sau đó, trong một phòng họp ở Minneapolis, Nathan đã gặp những gia đình sẽ trở thành tâm điểm cho cuộc thử nghiệm của ông. Họ là một nhóm 60 phụ huynh và những đứa con tuổi teen của họ, đang ngồi trên ghế trước mặt ông. Ông sẽ thực hiện hàng loạt các phiên thảo luận dài với họ trong hơn ba tháng để tìm hiểu những vấn đề này và các giải pháp thay thế. (Đồng thời, thử nghiệm cũng theo dõi một nhóm riêng biệt có cùng quy mô, nhưng nhóm này không gặp Nathan và không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào khác. Họ là nhóm đối chiếu với thử nghiệm).
Nathan bắt đầu cuộc trò chuyện bằng cách đưa cho mọi người bảng tính với một danh sách các câu hỏi mở. Ông giải thích rằng không có câu trả lời đúng, ông chỉ muốn họ bắt đầu suy nghĩ về những câu hỏi này. Một câu trong đó ghi: “Đối với tôi, tiền là...” và bạn phải điền vào chỗ trống.
Lúc đầu, mọi người rất hoang mang. Họ chưa bao giờ được hỏi một câu như thế trước đây. Rất nhiều người tham gia đã viết rằng tiền rất khó kiếm. Hoặc là một thứ gây căng thẳng. Hoặc điều gì đó mà họ cố gắng không nghĩ đến. Sau đó, họ chia thành các nhóm tám người, và bắt đầu ngập ngừng suy ngẫm về câu trả lời của họ. Nhiều thiếu niên chưa bao giờ nghe cha mẹ nói về nỗi lo tiền bạc trước đây.
Sau đó, các nhóm bắt đầu thảo luận về câu hỏi: Tại sao tôi lại chi tiêu? Họ bắt đầu liệt kê lý do tại sao họ mua những thứ cần thiết (hiển nhiên như đồ ăn), và sau đó là lý do tại sao họ mua những thứ không cần thiết. Đôi khi, họ nói rằng họ mua những thứ không cần thiết khi cảm thấy chán nản. Thông thường, các thiếu niên sẽ nói chúng khao khát món đồ quá mức vì chúng muốn có cảm giác thuộc về một nhóm nào đó – những bộ quần áo hàng hiệu đồng nghĩa với việc bạn được cả nhóm chấp nhận hoặc có địa vị.
Khi họ khám phá điều này trong cuộc trò chuyện, mọi chuyện trở nên rõ ràng – mà không cần Nathan nhắc nhở – rằng việc mua một món đồ thường không liên quan đến bản thân món đồ đó. Nó liên quan đến việc đạt được trạng thái tâm lý khiến bạn cảm thấy tốt hơn. Mọi người nhanh chóng nhận ra và nêu lên bản chất của vấn đề, mặc dù khi chính miệng nói ra những điều đó, họ có vẻ hơi ngạc nhiên. Họ biết rằng chúng ở đâu đó trong đầu, nhưng trước đây chưa bao giờ được yêu cầu nói rõ cảm giác tiềm ẩn ấy.
Sau đó, Nathan yêu cầu mọi người liệt kê những điều họ thực sự coi trọng, những điều họ nghĩ là quan trọng nhất trong cuộc sống.
Nhiều người cho biết đó là chăm sóc gia đình, nói lên sự thật, hoặc giúp đỡ người khác. Một cậu bé 14 tuổi chỉ viết đơn giản là “tình yêu”, và khi cậu ấy đọc lên, cả phòng chợt im lặng trong giây lát, đến nỗi “bạn có thể nghe cả tiếng kim rơi”, Nathan nói với tôi. “Những gì cậu bé đó nói là: Được kết nối là điều rất quan trọng đối với con”.
Chỉ cần hỏi hai câu: “Bạn tiêu tiền vào việc gì?” và “Bạn thực sự coi trọng điều gì?”, hầu hết mọi người đã thấy có khoảng cách giữa các câu trả lời mà họ thảo luận. Họ đang tích lũy và tiêu tiền vào những thứ gì không thực sự quan trọng với họ, mà những thứ họ tin tưởng trong lòng mới là điều quan trọng. Tại sao lại vậy?
*
Nathan đã đọc những bằng chứng về việc chúng ta thèm muốn tất cả những thứ trên quảng cáo như thế nào. Ông biết rằng một người Mỹ trung bình tiếp xúc với quảng cáo tới 5.000 lần mỗi ngày, từ bảng quảng cáo đến logo trên áo phông, cho đến quảng cáo trên tivi. Chúng ta bơi trong quảng cáo. Và “câu chuyện kể rằng nếu bạn mua thứ này, nó sẽ mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc hơn, vì vậy bạn bị bủa vây trong thông điệp đó hàng nghìn lần mỗi ngày”, ông nói với tôi. “Ai đang vẽ ra câu chuyện đó?”. Đó không phải là những người thực sự đã tìm ra điều gì sẽ khiến chúng ta hạnh phúc, cũng không phải những người có lòng tốt lan tỏa những tin vui. Những nhà quảng cáo chỉ có một động cơ duy nhất – khiến chúng ta mua sản phẩm của họ.
Nathan bắt đầu tin rằng trong nền văn hóa của chúng ta, ta liên tục bị tấn công bởi những thông điệp rằng ta sẽ cảm thấy tốt hơn (thơm tho hơn, đỡ xấu hơn và ít vô dụng hơn) chỉ khi mua một số sản phẩm cụ thể; và sau đó mua thêm thứ gì đó; và lại mua – cứ thế cho đến khi gia đình mua cho ta một cỗ quan tài. Điều ông thấy băn khoăn là, nếu mọi người dừng lại để suy ngẫm về điều này và thảo luận về các lựa chọn thay thế, như nhóm của ông đang làm, thì liệu chúng ta có thể tắt chế độ “lái tự động” và giành lại quyền kiểm soát cho mình không?
Ở phiên tiếp theo, ông yêu cầu những người tham gia thử nghiệm làm một bài tập nhỏ, họ phải liệt kê một món hàng tiêu dùng mà họ cảm thấy phải có ngay lập tức. Họ phải mô tả nó là gì, lần đầu tiên họ nghe về nó là khi nào, tại sao họ khao khát nó, cảm giác của họ khi có được nó và cảm giác của họ sau một thời gian mua nó là gì. Đối với nhiều người, khi nói về chuyện này, có một điều đã trở nên rõ ràng: Niềm vui thường nằm ở cảm giác khao khát và mong đợi. Tất cả chúng ta đều từng trải qua cảm giác khi ta đã có được thứ mình muốn và đem nó về nhà thì ta lại cảm thấy mất hứng một cách kỳ lạ, và chẳng bao lâu sau, chu kỳ thèm muốn mới lại bắt đầu.
Khi mọi người bắt đầu nói về cách họ chi tiêu, họ dần hiểu ra bản chất vấn đề. Về bản chất, chi tiêu thường (không phải luôn luôn) liên quan đến việc “lấp đầy một lỗ hổng, một khoảng trống cô đơn nào đó”. Nhưng bằng việc đẩy họ tiến gần hơn đến sự thèm khát nhanh chóng tan biến đó, mua sắm cũng kéo họ đi xa khỏi những thứ mà họ thực sự quý trọng, những thứ sẽ khiến họ cảm thấy hài lòng về lâu dài. Họ cảm thấy mình đang trở nên rỗng tuếch.
Có một số người, cả thiếu niên lẫn người lớn, đã phản đối điều này một cách quyết liệt. Họ nói những thứ họ mua sắm khiến họ hài lòng và họ muốn gắn bó với nó. Tuy nhiên, hầu hết mọi người trong nhóm tham gia thử nghiệm đều sẵn sàng suy nghĩ theo cách khác.
Họ bắt đầu nói về quảng cáo. Lúc đầu, hầu hết mọi người đều tuyên bố rằng quảng cáo có thể ảnh hưởng đến người khác nhưng không ảnh hưởng nhiều đến họ. “Ai cũng cho rằng mình thông minh hơn quảng cáo”, Nathan nói với tôi. Nhưng ông đã yêu cầu họ nhìn nhận lại những món hàng mà họ khao khát muốn có. Chẳng bao lâu sau, các thành viên của nhóm đã nói với nhau: “Không có chuyện các công ty chi hàng tỷ đô la để quảng cáo nếu nó không có tác dụng. Họ sẽ không làm vậy. Chẳng có công ty nào làm vậy cả”.
Cho đến thời điểm này của thử nghiệm, điều Nathan muốn đạt được là khiến mọi người đặt câu hỏi về những giá trị nhất thời mà họ đã tiêm vào đầu bấy lâu nay.
Phần quan trọng nhất của thử nghiệm sau đó mới bắt đầu. Nathan giải thích sự khác biệt giữa giá trị bên trong và giá trị bên ngoài mà ở Chương 8 tôi đã đề cập. Ông yêu cầu mọi người lập ra một danh sách các giá trị nội tại, những thứ họ nghĩ là quan trọng vì chính nó chứ không phải vì bạn kiếm được gì từ nó. Rồi ông hỏi: Nếu hành động của bạn dựa trên những giá trị này thì cuộc sống của bạn sẽ khác đi như thế nào?
Khi thành viên của các nhóm cùng nhau thảo luận, họ đã rất bất ngờ. Chúng ta thường xuyên được khuyến khích nói về các giá trị bên ngoài, nhưng hiếm khi được yêu cầu nói về các giá trị bên trong của mình. Giờ đây, một số người nói rằng họ sẽ làm việc ít hơn và dành nhiều thời gian hơn cho những người họ yêu thương. Nathan chỉ cần đặt ra vài câu hỏi mở đã khiến hầu hết mọi người có mặt trải lòng một cách tự nhiên.
Nathan nhận ra rằng những động lực bên trong của chúng ta vẫn luôn tồn tại, chỉ là chúng đang nằm im lìm và chờ được khơi dậy. Nathan nhận ra rằng những cuộc trò chuyện như thế này hiếm khi xảy ra “trong nền văn hóa của chúng ta hiện nay. Chúng ta không dành thời gian hoặc tạo ra cơ hội cho những cuộc trò chuyện thực sự quan trọng thế này diễn ra, vì vậy điều đó càng ngày càng làm chúng ta bị cô lập”.
Bây giờ, khi những người tham gia thử nghiệm đã biết rằng họ đã bị các giá trị tạp nham lừa dối ra sao và xác định được các giá trị nội tại, Nathan muốn biết: Liệu cả nhóm có thể bắt đầu theo đuổi các mục tiêu nội tại của họ không? Họ có thể dụng tâm nuôi dưỡng những giá trị có ý nghĩa không?
Sau khi mỗi người đã tìm ra mục tiêu nội tại của riêng mình, họ sẽ báo cáo lại trong những buổi gặp mặt tiếp theo rằng họ đã làm những gì để bắt đầu tiến tới mục tiêu đó. Bây giờ họ đã có cơ hội dừng lại để suy nghĩ về những gì họ thực sự mong muốn trong cuộc sống và cách để đạt được điều đó. Ví dụ, có người nói về cách để làm việc ít hơn và gặp gỡ con cái nhiều hơn, hoặc có người lại nói sẽ học chơi một loại nhạc cụ, hoặc có người thì nói họ bắt đầu viết lách.
Tuy nhiên, không ai biết liệu tất cả những điều này có tạo ra được ảnh hưởng thực sự hay không. Liệu những cuộc trò chuyện này có thực sự làm giảm thói ham mê vật chất của con người và nâng cao giá trị nội tại của họ không?
Các nhà khoa học xã hội độc lập đã đo lường mức độ ham mê vật chất của người tham gia khi bắt đầu thử nghiệm và đo lường lại lần nữa khi kết thúc. Trong khi chờ đợi kết quả, Nathan rất hồi hộp.
Khi kết quả được thông báo, cả Nathan và Tim đều rất vui mừng. Trước đó, Tim đã chỉ ra rằng thói ham mê vật chất có mối tương quan chặt chẽ với việc gia tăng trầm cảm và lo âu. Thử nghiệm này lần đầu tiên cho thấy có thể can thiệp vào cuộc sống của con người theo cách làm giảm đáng kể mức độ ham mê vật chất của họ. Những người đã trải qua thử nghiệm cho thấy mức độ ham muốn vật chất ở họ giảm xuống khá thấp và sự tự tin tăng cao hơn đáng kể.
Đó là bằng chứng ban đầu cho thấy một nỗ lực đầy quyết tâm nhằm lật đổ các giá trị đang khiến chúng ta trở nên bất hạnh.
Nathan tin rằng những người tham gia nghiên cứu không bao giờ có thể thực hiện những thay đổi này một mình. “Chính sự gắn kết với nhau thành một cộng đồng đang mang lại một sức mạnh phá vỡ sự cô lập và nỗi sợ. Vì vẫn còn có rất nhiều nỗi sợ xoay quanh chủ đề này”. Chỉ khi chung sức, với tư cách là một nhóm, họ mới có thể “bóc tách những lớp đó ra, [để] có thể thực sự tìm về trái tim và hiểu được ý nghĩa cuộc sống: cảm nhận của họ về mục đích sống”.
Tôi hỏi Nathan: Liệu chúng ta có thể ứng dụng điều này vào cuộc sống thường ngày của mình không? Chẳng hạn như tất cả chúng ta cùng thiết lập và tham gia vào một tổ chức cai nghiện kiểu như “Người nghiện rượu Ẩn danh” (Alcoholics Anonymous) đối với những giá trị nhất thời – một không gian mà tất cả chúng ta có thể gặp gỡ để đánh giá lại những suy nghĩ gây ra trầm cảm mà ta đã bị tiêm nhiễm thay cho những giá trị nội tại của mình. “Chắc chắn nên như vậy”, Nathan trả lời.
Hầu hết chúng ta đều coi trọng những thứ sai lầm quá lâu và chúng ta cần đảo ngược những giá trị nhất thời đang khiến chúng ta đau ốm về mặt tinh thần kia. Từ phòng thí nghiệm của mình ở Minneapolis, Nathan đã chứng minh được rằng vốn dĩ chúng ta có thể giải phóng mình khỏi những giá trị tệ hại ấy. Bằng cách đến gặp gỡ những người khác, suy nghĩ sâu sắc và kết nối lại với những gì thực sự quan trọng, chúng ta có thể bắt đầu đào một đường hầm để quay trở lại với những giá trị có ý nghĩa.