Bất cứ khi nào tôi thấy lạc quan về cơ hội tái kết nối từ những tia hy vọng như Kotti ở Berlin hay phòng khám Bromley-by-Bow ở Đông London, tôi lại gặp phải một trở ngại lớn và không tìm ra cách vượt qua nó trong một thời gian dài. Chúng ta dành phần lớn thời gian trong ngày của mình để làm việc, và 87% chúng ta cảm thấy hoặc bực bội hoặc phẫn nộ với công việc của mình. Tỷ lệ ghét công việc cao gấp đôi so với tỷ lệ yêu thích, và một khi bạn sử dụng email, số giờ làm việc trong cuộc sống chúng ta ngày càng tăng – lên tới 50-60 giờ một tuần. Đây không chỉ là một con dốc, mà nó là ngọn núi ở trung tâm cuộc sống của đa số chúng ta. Công việc chiếm phần lớn thời gian sống của chúng ta.
Đúng là bạn có thể khuyên mọi người thử sống theo những cách khác – như kết nối xã hội chẳng hạn – nhưng họ làm điều đó vào lúc nào bây giờ? Trong bốn tiếng đồng hồ mà họ gà gật trên sofa và đồng thời cố gắng chơi với con mình một chút, trước khi trèo lên giường chuẩn bị cho mọi thứ lặp lại từ đầu vào ngày hôm sau?
Nhưng đó không phải là trở ngại mà tôi nghĩ đến. Trở ngại là chúng ta phải làm những việc vô nghĩa. Nó không giống như một số nguyên nhân khác của trầm cảm và lo âu mà tôi đã nói đến, như chấn thương thời thơ ấu hoặc chủ nghĩa vật chất cực đoan, là những trục trặc không cần thiết trong hệ thống rộng lớn hơn. Công việc là điều cần thiết. Tôi nghĩ về những công việc mà tất cả người thân của tôi đã làm. Bà ngoại tôi làm nghề dọn dẹp nhà vệ sinh; ông ngoại tôi làm việc trên bến tàu; ông bà nội tôi là nông dân; bố tôi là một tài xế xe buýt; mẹ tôi làm việc trong một mái ấm dành cho nạn nhân bạo lực gia đình; em gái tôi là một y tá; anh trai tôi làm nhân viên đặt hàng cho một siêu thị. Tất cả những công việc này đều cần thiết. Nếu chúng bị ngưng trệ thì xã hội của chúng ta sẽ đình đốn. Và nếu nó có gây ra trầm cảm và lo âu bởi bạn bị chỉ đạo, bị bắt buộc phải làm những công việc tẻ nhạt nhưng cần thiết ấy, thì nó vẫn phải được tiếp tục. Nó cứ như một cái bẫy tất yếu.
Ở cấp độ cá nhân, một vài người trong chúng ta có thể trốn thoát. Nếu bạn có thể chuyển sang một công việc mà bạn ít bị kiểm soát và có quyền tự chủ nhiều hơn, hoặc được làm điều gì đó mà bạn tin rằng quan trọng hơn, thì mức độ lo âu và trầm cảm của bạn có thể sẽ giảm xuống. Nhưng trong bối cảnh chỉ có 13% số người được làm công việc mà họ thấy ý nghĩa, thì lời khuyên đó có vẻ tàn nhẫn. Hầu hết chúng ta đều không có được một công việc mà bản thân ta thấy là có ý nghĩa – trong môi trường như ngày nay. Tôi biết một bà mẹ đơn thân đang phải làm một công việc lương bổng bèo bọt mà cô rất ghét để ba đứa con có một mái nhà. Nếu bạn nói rằng cô ấy cần một công việc khiến cô thấy vui thích hơn, trong khi cô ấy đang vật lộn để giữ lấy công việc hiện tại thì lời khuyên ấy thật tồi tệ và vô nghĩa.
Tôi chỉ bắt đầu nghĩ theo cách khác về chướng ngại vật này – và tìm ra cách vượt qua nó – khi đến một nơi khá tẻ nhạt. Đó là một cửa hàng nhỏ ở Baltimore chuyên bán và sửa chữa xe đạp. Họ kể cho tôi nghe một câu chuyện. Và câu chuyện đó đã mở ra một cuộc tranh luận rộng lớn hơn, chứng minh rằng chúng ta có thể thổi vào công việc của mình một ý nghĩa to lớn hơn và làm cho nó hoàn toàn bớt buồn chán hơn, không chỉ cho một vài cá nhân có đặc quyền mà là cho cả xã hội.
*
Ngày mà Meredith Mitchell nộp đơn nghỉ việc, cô tự hỏi liệu mình có đang làm một việc điên rồ hay không. Cô làm cho chi nhánh gây quỹ của một nhóm vận động phi lợi nhuận ở Maryland. Đó là một công việc văn phòng điển hình: Cô được giao các nhiệm vụ có thời hạn, trách nhiệm của cô là gật đầu và làm những gì được bảo. Đôi khi cô có những ý tưởng để cải tiến công việc. Nhưng nếu cố gắng đề xuất, cô sẽ được yêu cầu cứ tiếp tục làm những việc đã được giao. Sếp của cô có vẻ như là một người tốt, nhưng bà ấy khá thất thường, và Meredith không bao giờ thực sự biết cách đọc tâm trạng của bà. Meredith biết rằng, về mặt lý thuyết, công việc của cô cũng không tệ, nhưng cô chưa bao giờ cảm thấy có sự kết nối nào với nó. Nó giống như bạn đi hát karaoke – công việc của cô là hát theo một ca khúc do người khác chọn, chứ cô không được chọn bài hát của riêng mình. Ở tuổi 24, cô có thể thấy sự buồn chán này sẽ tiếp tục kéo dài trong 40 năm tới.
Trong khoảng thời gian này, Meredith bắt đầu cảm thấy một sự lo âu lan tỏa mà cô không thể hiểu nổi. Vào các đêm Chủ nhật, cô ấy cảm thấy tim mình đập thình thịch trong lồng ngực vì sợ hãi về một tuần sắp tới. Chẳng bao lâu sau, cô cũng không thể ngủ được vào các ngày trong tuần. Cô liên tục thức giấc với cảm giác lo âu đến tê liệt cả người, nhưng không biết tại sao.
Tuy nhiên, khi nói với sếp rằng cô sẽ nghỉ việc, cô không dám chắc rằng mình đang làm đúng. Cô lớn lên trong một gia đình bảo thủ về chính trị, và những gì cô sắp làm có vẻ cấp tiến và lạ lùng đối với họ – và, thật lòng mà nói, với chính bản thân cô nữa. Josh, chồng của Meredith, đã có một kế hoạch. Anh đã làm việc trong các cửa hàng xe đạp từ năm 16 tuổi và yêu thích đạp xe đạp từ nhiều năm trước đó: Anh yêu thích những chiếc xe đạp trình diễn có bánh xe đường kính 50cm, cưỡi lên nó thì bạn có thể lượn quanh thành phố và thực hiện các pha nguy hiểm bên hông các tòa nhà có đường dốc. Nhưng anh biết làm việc trong các cửa hàng xe đạp là một cách kiếm sống thực sự khó khăn. Đó là công việc lương bổng eo hẹp. Bạn không có hợp đồng làm việc, trợ cấp ốm đau hay các kỳ nghỉ. Đôi khi nó có thể nhàm chán nữa. Và bạn luôn cảm thấy không an toàn. Bạn không thể lập kế hoạch cho bất cứ điều gì và không có con đường thăng tiến – về cơ bản bạn đang bị mắc kẹt ở nấc thang cuối cùng. Nếu muốn được tăng lương, được nghỉ một ngày hay ở nhà khi bị ốm, bạn đều phải xin ông chủ.
Josh đã làm việc được vài năm trong một cửa hàng bán xe đạp trong thành phố. Trên phương diện cá nhân, chủ cửa hàng không phải người xấu, nhưng những ngày tháng làm việc trong cửa hàng xe đạp của ông ta khá khốn khổ, vì tất cả các lý do kể trên. Bạn có thể chịu đựng điều đó khi còn là một thiếu niên, nhưng khi bước vào tuổi hai mươi và bắt đầu nghĩ về tương lai, bạn sẽ thấy trước mắt thật mờ mịt.
Lúc đầu, giải pháp của Josh là thử một cách ít được quan tâm trong đời sống ở Hoa Kỳ. Anh tiếp cận các đồng nghiệp của mình – có mười người đang làm việc trong cửa hàng – và hỏi liệu họ có muốn cùng nhau thành lập liên đoàn lao động để chính thức yêu cầu những điều kiện tốt hơn không. Phải mất một thời gian để thuyết phục mọi người, nhưng Josh là một chàng trai nhiệt tình và tất cả những người làm việc ở đó đều đồng ý ký tên. Họ lập ra một danh sách những nhu cầu khá cơ bản mà họ cảm thấy sẽ giúp cho cuộc sống của họ khá hơn. Họ muốn có hợp đồng làm việc. Họ muốn tăng lương cho hai người trong nhóm, để nâng họ lên ngang hàng với những người khác. Và muốn có các cuộc họp hằng năm để thảo luận về tiền lương. Không nhiều, nhưng họ cảm thấy như vậy sẽ khiến họ bớt lo lắng và an tâm hơn.
Nhưng thực tế, danh sách các yêu cầu còn có ý nghĩa nhiều hơn thế. Đó là một cách để nói rằng: Chúng ta không chỉ là bánh răng trong một cỗ máy, giống như những cái đinh vít mà chúng ta lắp vào xe đạp khi sửa chữa. Chúng ta là những con người, với những nhu cầu của mình. Chúng ta là đối tác và chúng ta đáng được tôn trọng. Sau đó, Josh không hoàn toàn còn nghĩ về nó theo cách ban đầu nữa, mà giờ là việc khôi phục nhân phẩm cho những người thuộc tầng lớp lao động, những người mà về cơ bản bị xem rẻ và có thể bị gạt qua một bên bất cứ lúc nào, như sau này anh tâm sự với tôi. Tuy nhiên, Josh cảm thấy họ đang ở một vị trí vững chắc vì anh biết công việc kinh doanh không thể hoạt động nếu thiếu họ.
Khi nghe về các yêu cầu, ông chủ của Josh tỏ ra thực sự ngạc nhiên, rồi nói sẽ nghĩ về điều đó. Vài ngày sau, ông ta thuê một tay luật sư lao động khó nhằn, và một quá trình dài cố gắng bác bỏ yêu cầu của họ bắt đầu. Cuộc chiến kéo dài hàng tháng trời và toàn bộ hệ thống luật pháp của Hoa Kỳ được thiết kế để gây khó khăn cho việc tổ chức công đoàn cũng như khiến công đoàn của họ dễ dàng bị giải thể. Các công nhân không thể thuê bất kỳ luật sư nào. Ông chủ của anh đưa công nhân mới vào để phá hoại công đoàn. Về cơ bản, Josh biết rằng sẽ là bất hợp pháp nếu ông chủ sa thải anh hoặc các công nhân khác, nhưng cả hai bên đều biết các công nhân không thể theo đuổi một cuộc chiến pháp lý lâu dài để khẳng định quyền đó.
Đó là lúc Josh nảy ra một ý tưởng. Anh biết các cửa hàng xe đạp hoạt động như thế nào. Các công nhân biết nó hoạt động như thế nào, bởi vì họ thực sự đã làm hầu hết các công đoạn. Anh nghĩ: Chúng ta cũng có thể làm được. Chúng ta có thể tự điều hành một cửa hàng như thế này mà không cần ông chủ. Nếu đây là một câu chuyện điển hình của Mỹ, thì Josh giờ đây sẽ nghỉ việc và thành lập công việc kinh doanh của riêng mình rồi vươn lên trở thành Jeff Bezos(*) trong ngành xe đạp. Nhưng Josh không muốn trở thành người ra lệnh cho mọi người xung quanh. Trong những năm làm việc tại các cửa hàng xe đạp, anh đã nhận thấy một số điều. Ông chủ thường bị cô lập. Nên dù cho anh ấy có là một chàng trai tốt, nhưng nếu bị đẩy vào vị trí kỳ lạ này, khi buộc phải kiểm soát người khác, thì anh sẽ khó kết nối với họ theo những cách thông thường. Và hệ thống có một người đứng đầu, ra lệnh, đối với Josh có vẻ khá kém hiệu quả. Những người cọ xát thực tế với công việc đã có vô số ý tưởng hay về cách làm cho việc kinh doanh trở nên tốt hơn. Họ có thể thấy những thứ mà ông chủ không thể nhìn thấy. Nhưng họ sẽ không thể làm nên điều gì khác biệt vì suy nghĩ của họ không được quan tâm. Và Josh nghĩ điều đó thực sự gây hại cho bản thân công việc kinh doanh.
(*) Người sáng lập, CEO và chủ tịch của công ty công nghệ đa quốc gia Amazon. (BTV)
Điều Josh muốn là trở thành một phần của doanh nghiệp hoạt động dựa trên một lý tưởng khác của Mỹ: dân chủ. Anh đã đọc về lịch sử của một thứ gọi là hợp tác xã. Hóa ra cách làm việc mà tất cả chúng ta đều coi là đương nhiên – một công ty được điều hành như quân đội, với một người đứng đầu ra lệnh cho quân lính bên dưới, những người không có tiếng nói – thật ra mới xuất hiện gần đây. Mãi cuối thế kỷ 19, nó mới trở thành tiêu chuẩn làm việc cho con người. Khi mô hình có người chủ điều hành mới bắt đầu xuất hiện, nó đã bị phản đối dữ dội. Nhiều người chỉ ra rằng nó sẽ tạo ra một hệ thống “nô lệ làm công ăn lương”, trong đó mọi người sẽ bị kiểm soát mọi lúc mọi nơi và cuối cùng sẽ cảm thấy đau khổ. Josh biết rằng một số người đã đề xuất cách tổ chức công việc theo những nguyên tắc hoàn toàn khác. Nó được gọi là hợp tác xã dân chủ, và Josh biết rằng một số mô hình đã thật sự thành công.
Vì vậy, Josh nói với vài người bạn thân đã làm việc nhiều năm cùng anh, và với vợ anh, Meredith, về một ý tưởng. Hãy điều hành cửa hàng xe đạp của riêng chúng ta như một hợp tác xã. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ chia sẻ công việc và chia sẻ lợi nhuận. Chúng ta sẽ đưa ra quyết định một cách dân chủ. Chúng ta sẽ không có chủ, bởi vì tất cả chúng ta đều là chủ. Chúng ta sẽ làm việc chăm chỉ, nhưng chúng ta sẽ làm việc theo cách khác. Như vậy ta sẽ thấy tốt hơn. Meredith nghĩ lời đề nghị đó có vẻ hấp dẫn, nhưng khi bỏ công việc cũ của mình, cô vẫn tự hỏi: Nó có thực tế không? Nó sẽ hoạt động như thế nào?
*
Khi tôi đến gần cửa hàng Baltimore Bicycle Works ở góc phố thuộc khu trung tâm thành phố, nó trông giống như bất kỳ cửa hàng xe đạp nào khác. Ở tầng trệt, có những chiếc xe đạp và phụ kiện sáng màu trên nền xi măng và có một quầy thu ngân, nơi Meredith đang làm việc. Khi cô đưa tôi lên lầu, tôi thấy một dãy xe đạp được nâng lên như thể có ròng rọc bên trên, và những người đàn ông đang đứng bên cạnh đó, trông cứ như họ đang thực hiện một cuộc phẫu thuật cho chúng vậy. Họ đang tháo những chiếc xe đạp ra để thay thế linh kiện bằng tua vít và một số dụng cụ mà tôi chưa từng thấy trước đây.
Alex Ticu, một chàng trai chừng ngoài hai mươi có bộ ria mép rậm, vẫn tiếp tục công việc bên chiếc xe đạp trong lúc kể cho tôi nghe cuộc sống của anh trước thời điểm anh trở thành đối tác của cửa hàng, khi anh làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ ăn uống. Thông thường, anh sẽ nhận điện thoại của sếp hai tuần một lần, “đó là một cuộc điện thoại vào buổi sáng, cô ấy mắng tôi hoặc bày tỏ sự thất vọng, sau đó là một cuộc điện thoại vào đêm muộn, vẫn là la hét hoặc bày tỏ sự thất vọng... Nhưng cô ấy không biết tôi đang làm gì, vì vậy tôi không bao giờ hiểu làm thế nào cô ấy có thể thất vọng về tôi”. Giống như nhiều người lao động phổ thông khác, anh “thường giật mình tỉnh giấc lúc nửa đêm trong trạng thái căng thẳng. Tình trạng khá trầm trọng. Nó gây ảnh hưởng đến mọi thứ”.
“Ở đây, mọi thứ vận hành theo một cách khác”, anh nói. Tại Baltimore Bicycle Works, họ có một cuộc họp vào sáng thứ Năm hằng tuần để cùng nhau thảo luận về những quyết định mà họ phải đưa ra với tư cách là một doanh nghiệp. Họ đã chia công việc của doanh nghiệp thành bảy mảng khác nhau – từ tiếp thị đến sửa chữa những chiếc xe đạp bị hỏng – và mọi người cùng chịu trách nhiệm về ít nhất hai trong số đó. Nếu ai đó có ý tưởng để cải tiến điều gì hoặc chấm dứt những việc không hiệu quả, thì đều có thể đề xuất tại cuộc họp. Nếu có ai ủng hộ ý tưởng, họ sẽ thảo luận nhóm về nó, rồi bỏ phiếu thông qua nó. Vì vậy, chẳng hạn như, nếu ai đó muốn phát triển một thương hiệu xe đạp mới thì họ phải thông qua quy trình đó.
Có sáu cộng sự chính thức trong doanh nghiệp, cùng nhau chia sẻ lợi nhuận, và khi tôi đến đó, còn có ba người học việc đang dành một năm tham gia vào quy trình. Nếu mọi người cảm thấy họ phù hợp, họ sẽ trở thành các cộng sự chính thức. Vào cuối mỗi năm, cả nhóm lại thực hiện đánh giá hằng năm về những người khác. Mục đích là để mọi người cảm thấy ai cũng tận tâm như nhau đối với hợp tác xã và có thể tìm cách đóng góp cho hợp tác xã một cách tốt nhất trong khả năng của mình.
Thành lập một doanh nghiệp mới là một công việc khó khăn, Meredith nói cô đã làm việc mười giờ một ngày, tất cả các ngày, trong năm đầu tiên. Cô phải nhận nhiều trách nhiệm hơn so với công việc cũ. Nhưng Meredith nhận thấy một điều đáng ngạc nhiên. Sau khi làm ở đây một thời gian ngắn, những lần tim đập thình thịch, cảm giác lo lắng thức trắng đêm biến mất và không tái phát nữa.
Tôi hỏi cô tại sao. Cô nêu lên một số ý kiến và chúng rất phù hợp với những gì tôi đã biết về trầm cảm và lo âu trước đó. Cô nói mọi công việc trước đây đều là “một trải nghiệm ngoài tầm kiểm soát”. Ở đó, “dù bạn có ý tưởng hay đến đâu đi nữa, nhưng nếu nó nằm ngoài phạm vi công việc của bạn thì không ai thực sự quan tâm đến nó cả. Bạn đã có vị trí của mình và bạn phải làm công việc ở vị trí đó, bạn xếp hàng chờ đợi, rồi có thể sẽ được thăng chức sau năm năm, và bạn sẽ làm công việc tiếp theo đó trong năm năm nữa”. Còn ở đây, ý tưởng của cô, và ý tưởng của mọi người, đều có giá trị. “Tôi thấy có sự khác biệt vì nếu tôi có một ý tưởng hay hoặc muốn khám phá điều gì xa hơn, thì tôi cảm thấy mình được tự do thực hiện, và xem những ý tưởng ấy có trở thành hiện thực hay không”. Khi cô đề xuất một chiến lược quảng cáo khác, tìm ra sai lầm mà họ đã mắc phải khi sửa một loại xe đạp, hoặc nghĩ ra một mặt hàng mới nên nhập kho, những việc đó đều có thể thực hiện và cô sẽ thấy được kết quả.
Khi ngồi với Meredith và quan sát việc sửa xe đạp ở đây, tôi chợt nhớ lại những gì tôi đã học được từ Michael Marmot, nhà khoa học xã hội đã thực hiện nghiên cứu về các công chức Anh, chỉ ra nguyên nhân vì sao công việc có thể làm chúng ta phát ốm, cả về thể chất lẫn tinh thần. Ông giải thích với tôi: Không phải bản thân công việc khiến bạn bị ốm, mà là ba điều sau. Thứ nhất là cảm giác bị kiểm soát, trở thành một bánh răng vô nghĩa trong một hệ thống. Thứ hai là cảm giác rằng dù có làm việc chăm chỉ đến đâu, bạn cũng sẽ bị đánh đồng và không ai nhận ra – đó là sự mất cân bằng giữa nỗ lực và phần thưởng. Và thứ ba là cảm giác tệ hại về thứ bậc – là một người có địa vị thấp, không quan trọng gì so với vị sếp ngồi trong văn phòng.
Mọi người tại Baltimore Bicycle Works cho biết họ cảm thấy hạnh phúc hơn, ít lo âu hơn và ít trầm cảm hơn so với khi làm việc trong các hệ thống từ trên xuống vốn thống trị trong xã hội của chúng ta.
Nhưng đây mới là điều khiến tôi thích thú nhất – nó chỉ cho tôi một con đường vượt qua những trở ngại mà tôi từng nghĩ là không thể. Công việc thực tế hằng ngày, đối với hầu hết mọi người ở đây, không hoàn toàn thay đổi. Những người trước đây sửa xe đạp thì bây giờ vẫn sửa xe đạp. Những người làm công việc quảng cáo thì vẫn làm quảng cáo. Nhưng việc thay đổi cấu trúc làm việc đã thay đổi hoàn toàn cách họ cảm nhận về chính thành quả của mình trong công việc. Khi phỏng vấn Josh vào một ngày khác, anh đã nói với tôi lý do tại sao anh lại nghĩ như vậy. “Tôi chắc chắn có thể thấy trầm cảm và lo âu liên quan đến việc mọi người cảm thấy thực sự, thực sự hoang mang và bất lực... Tôi nghĩ rằng thật khó để sống trong một xã hội mà bạn không có quyền kiểm soát bất cứ điều gì... Bạn không kiểm soát được đời sống kinh tế của mình, vì bạn không biết chắc được ngày mai mình sẽ có việc để làm hay không. Nếu may mắn có được việc làm, bạn sẽ đến chỗ làm, dành bốn mươi, năm mươi, sáu mươi, tám mươi giờ một tuần ở đó. Bạn không có quyền tự do ngôn luận. Bạn không có bất kỳ quyền biểu quyết nào”. Anh nói: “Đối với tôi, lo âu và trầm cảm dường như là phản ứng hợp lý với tình huống này, trái ngược với một số kiểu trục trặc sinh học”.
Anh giải thích, cách sống và làm việc này là một nỗ lực để giải quyết vấn đề đó. Khi bạn không có tiếng nói trong công việc của mình, công việc sẽ chết lịm và trở nên vô nghĩa. Nhưng khi bạn kiểm soát được công việc, bạn có thể bắt đầu truyền cho nó ý nghĩa. Và nếu có điều gì đó về công việc khiến bạn cảm thấy chán nản, bạn có thể cùng mọi người tranh luận để phân tích nó ra hoặc thay thế nó bằng điều gì đó có ý nghĩa hơn, và bạn có cơ hội được mọi người lắng nghe.
Việc mô tả một cửa hàng bán xe đạp theo cách này nghe có vẻ quá phô trương, nhưng với tôi, có vẻ như họ đã tìm ra một cách hoạt động gần giống với các bộ lạc từng sống trên các trảng cỏ ở châu Phi hàng thiên niên kỷ trước – mỗi cá nhân đều được tập thể cần đến và cả tập thể đóng một vai trò có ý nghĩa đối với từng cá nhân. (Họ cũng có rất nhiều lợi thế mà người nguyên thủy không có – sẽ không có loài vật khổng lồ nào tới cửa hàng xe đạp Baltimore ăn thịt họ, và họ sẽ vẫn sống khỏe mạnh ở độ tuổi ngoài ba mươi). Với tôi, cách làm việc này cung cấp một số hình thức tái kết nối cùng một lúc. Bạn được tái kết nối với công việc của mình – bạn cảm thấy mình đang chọn nó, bạn thấy được sự khác biệt mà nó tạo ra và bạn trực tiếp hưởng lợi từ công việc mình làm. Bạn được tái kết nối với cảm giác về địa vị – bạn không bị bẽ mặt khi có ai đó cứ lải nhải ra lệnh cho bạn hoặc yêu cầu bạn phải làm gì. Và bạn được tái kết nối với tương lai – thay vì biết mình có thể bị sa thải bất cứ lúc nào, bạn biết mình sẽ ở đâu trong một năm hoặc năm năm tới, nếu bạn tiếp tục làm việc chăm chỉ.
Tất nhiên, họ đều nói với tôi rằng họ vẫn có những ngày tồi tệ. Họ có những ngày phải thúc nhau làm gì đó; họ có những ngày cảm thấy không muốn làm việc; công việc vẫn có những khía cạnh chán phèo. Một trong những người cộng tác ban đầu nói rằng anh ấy cảm thấy có quá nhiều trách nhiệm – chẳng hạn như phụ trách một phần công việc kinh doanh – rồi cả những công việc văn phòng thông thường. Đây không phải là một giải pháp kỳ diệu. Nhưng “từ khi bắt đầu làm việc ở đây, tôi không còn khó ngủ nữa”, Meredith nói.
Họ cũng cảm thấy cách vận hành này hiệu quả hơn – rằng họ đã có một cửa hàng xe đạp tốt hơn. Trong hệ thống cũ, bộ não của người chủ sẽ giải quyết mọi vấn đề, ông ta có thể lắng nghe người khác nếu những người đó... may mắn. Ở đây, bộ não của 9 người cùng nhau giải quyết mọi vấn đề.
*
Khi đến các quán bar hay các bữa tiệc, Meredith kể với mọi người về công việc này, và họ thường tỏ ra nghi ngờ. “Mọi người thường xuyên ngạc nhiên, họ không hiểu làm thế nào bạn có thể điều hành một doanh nghiệp như thế này”, cô giải thích. Nhưng Meredith nói với họ: Chúng ta trước giờ đều tồn tại trong một môi trường nhóm – trong một gia đình hoặc trong một đội. Tất cả chúng ta đều biết nó hoạt động như thế nào. “Tuy nhiên, nếu họ bỗng nhiên phải nghĩ về nó trong bối cảnh kiếm tiền hoặc điều hành một doanh nghiệp, thì đầu họ muốn nổ tung. Nhưng tôi không cảm thấy nó phức tạp đến vậy. Họ thậm chí không thể tưởng tượng được mọi người sẽ làm việc cùng nhau thế nào để đưa ra những quyết định đơn giản... Tôi muốn giải thích rằng đó là một tổ chức dân chủ. Đây không phải là một khái niệm ngoại lai. Bạn sống ở Mỹ mà. Chúng ta khẳng định rằng chúng ta có một nền dân chủ, nhưng mọi người đã bị đẩy đi xa khỏi khái niệm này”, Meredith nói.
Các chính trị gia của chúng ta liên tục ca tụng rằng dân chủ là hệ thống tốt nhất. Cái mà Meridith và mọi người đang làm đơn giản chỉ là một sự mở rộng khái niệm dân chủ đó đến nơi mà chúng ta đang dành hầu hết thời gian của mình mà thôi. Josh nói rằng hệ thống tuyên truyền của chính phủ đã có một chiến thắng đáng kinh ngạc – khi nó bắt bạn phải làm việc trong một môi trường mà bạn thường không thể chịu đựng được, làm điều đó với phần lớn thời gian trong ngày, chứng kiến số tiền lao động của bạn bị tầng lớp thống trị bòn rút, và sau đó còn khiến bạn “nghĩ mình là một người tự do”.
Ở các quán bar và các bữa tiệc Meredith tham dự, người ta nói với cô rằng nếu không có người chủ, mọi người chắc chắn sẽ chỉ ngồi vơ vẩn mà không làm gì cả. Nhưng cô ấy giải thích: “Công việc kinh doanh là kế sinh nhai của chúng tôi. Nếu tất cả chúng tôi chỉ ngồi chơi mà không làm gì, thì chúng tôi sẽ chẳng có thu nhập”. Từ kinh nghiệm này, cô ấy đã học được rằng “mọi người muốn làm việc. Ai cũng muốn làm việc. Ai cũng muốn cảm thấy hữu ích và có mục đích”. Sự sỉ nhục và kiểm soát của rất nhiều nơi làm việc có thể làm giảm sút hoặc làm mất hẳn những động lực đó, nhưng nó vẫn luôn ở đó và nếu ở trong một môi truờng phù hợp, nó sẽ lại xuất hiện. Mọi người “muốn cảm thấy họ đã có tác động đến những người khác, rằng họ đã cải thiện thế giới theo một cách nào đó”.
Trên thực tế, có bằng chứng thuyết phục cho thấy điều này đã làm tăng hiệu quả về lâu dài. Một nghiên cứu lớn của các nhà khoa học tại Đại học Cornell đã điều tra 320 doanh nghiệp nhỏ. Một nửa có quyền kiểm soát từ trên xuống, và một nửa để công nhân tự thiết lập chương trình làm việc theo mô hình gần gũi với hệ thống dân chủ như công ty xe đạp Baltimore. Các doanh nghiệp gần với mô hình dân chủ tăng trưởng trung bình gấp bốn lần so với các doanh nghiệp khác. Tại sao ư? Alex Ticu, trong lúc vẫn đang chăm chú lắp ráp chiếc xe đạp, nói với tôi rằng tại đây, lần đầu tiên “tôi cảm thấy tự hào về công việc mình làm”. Một người thợ sửa xe đạp khác, Scott Myers, nói với tôi: “Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất thỏa mãn khi bạn đến chỗ làm và không nghĩ về nó như một nơi bạn đến chờ cho hết giờ làm việc, mà là nơi bạn đã góp phần xây dựng nên”.
Meredith nói khi chúng tôi nhìn ra sàn để xe đạp, đôi khi cô ấy cảm thấy rằng “chúng ta đang bắt đầu thay đổi văn hóa”. Những người ở công ty xe đạp Baltimore tự hỏi: Tại sao chúng ta cứ phải làm việc theo cách cũ, trong khi có thể giành lại quyền kiểm soát công việc của mình và làm cho nó đầy ý nghĩa trở lại?
*
Tôi được biết có hàng chục nghìn nơi làm việc dân chủ như công ty xe đạp Baltimore trên khắp thế giới. Một số nhà khoa học xã hội nổi tiếng đã cố gắng tìm nguồn tài trợ để nghiên cứu những gì xảy ra với sức khỏe tâm thần của bạn ở những nơi làm việc dân chủ và tất cả đều bị từ chối, vì vậy chúng ta không có nhiều dữ liệu. Nhưng có rất nhiều bằng chứng – như tôi đã thảo luận ở trên – cho thấy cảm giác bị kiểm soát và ra lệnh ở nơi làm việc, cũng như cảm thấy bạn đang ở cuối hệ thống cấp bậc, khiến bạn trở nên trầm cảm và lo âu hơn. Do đó, có vẻ hợp lý khi cho rằng sự lan rộng của mô hình hợp tác xã sẽ có tác dụng chống trầm cảm, mặc dù đây là điều cần được nghiên cứu nhiều hơn.
Tôi nhận ra rằng công thức cho sức khỏe tâm thần có thể rút gọn thành năm từ mà ai trong nền văn hóa của chúng ta cũng đều hiểu một cách bản năng: Tự Chọn Chủ Cho Mình. Làm được điều đó, công việc sẽ không còn là một cực hình hay một thứ gì đó mà bạn phải chịu đựng. Bạn sẽ là một phần của bộ lạc dân chủ và bạn có quyền kiểm soát nhiều như bất kỳ ai khác. Một trong những khẩu hiệu chính trị phổ biến nhất vài năm qua là: “Hãy giành lại quyền kiểm soát”. Người ta đã đúng khi nêu cao khẩu hiệu này – họ đã mất quyền kiểm soát và họ khao khát giành lại nó – nhưng khẩu hiệu đó lại được sử dụng bởi các lực lượng chính trị, như những người ủng hộ Brexit hoặc Donald Trump, và nó thậm chí còn khiến họ có ít quyền kiểm soát hơn. Tôi nghĩ đây là một cách để đòi lại khẩu hiệu đó và giúp mọi người đạt được những gì họ đang khao khát một cách chính đáng.
*
Trước khi chia tay, Meredith nói với tôi là cô ấy tin rằng niềm khao khát được làm một công việc có ý nghĩa – được có tiếng nói đối với hoạt động mà bạn dành phần lớn thời gian sống của mình – luôn chực chờ trỗi dậy ở tất cả mọi người. “Hạnh phúc thực sự là cảm giác bạn đã tạo ra tác động tích cực đến một người khác. Tôi nghĩ rất nhiều người muốn công việc của họ như vậy”. Rồi cô nhìn quanh nơi làm việc mà cô đã xây dựng và điều hành cùng với các đồng sự, sau đó quay sang nhìn tôi và hỏi: “Anh hiểu chứ?”.