Tôi hiểu tại sao rất nhiều người ở Kotti đã thoát khỏi trầm cảm và lo âu, nhưng đa số không phải ai cũng ở trong một hoàn cảnh sống như họ. Tôi tiếp tục tự hỏi, làm thế nào để nhân rộng sự biến chuyển trạng thái của họ từ bị cô lập sang được kết nối? Hóa ra câu trả lời, hoặc ít nhất là gợi ý đầu tiên, chỉ cách tôi vài dặm, trong một phòng khám nhỏ ở khu nghèo nhất London. Những người ở đó tin rằng họ có một mô hình giúp phổ biến nó rộng rãi hơn nhiều.
*
Lisa Cunningham ngồi trong phòng khám ở Đông London và nói rằng cô ấy không thể nào bị trầm cảm được. Sau đó, cô ấy bật khóc và không thể dừng lại. “Ôi trời, cô thật sự đang bị trầm cảm rồi.”, bác sĩ của cô ấy thốt lên. Bất lực trước nỗi đau, cô nghĩ: Điều này không thể xảy ra với mình. Mình là một y tá sức khỏe tâm thần mà. Công việc của mình là giải quyết những vấn đề như thế này chứ không phải bị khuất phục trước chúng.
Cô đã ngoài 30 tuổi và sức chịu đựng của cô đã đến giới hạn. Cô làm y tá tại khoa tâm thần của một bệnh viện hàng đầu tại London. Mùa hè năm đó là một trong những mùa hè nóng nhất trong lịch sử thành phố, khu của cô không có máy lạnh vì bệnh viện cố gắng tiết kiệm tiền, và cô đã bị sốc khi chứng kiến mọi thứ ngày càng tồi tệ hơn. Khoa của cô điều trị cho những người mắc đủ loại vấn đề sức khỏe tâm thần đến mức phải nhập viện, từ tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực cho đến rối loạn tâm thần. Cô trở thành y tá vì muốn giúp đỡ những người đó, nhưng rồi cô đã nhận thấy rõ ràng rằng bệnh viện nơi cô đang làm việc chỉ kê hàng đống thuốc cho bệnh nhân rồi thôi.
Một thanh niên bị rối loạn tâm thần, các bác sĩ cho cậu ấy uống thuốc nhiều đến mức chân cậu lúc nào cũng run và không thể đi lại được. Lisa chứng kiến anh trai của cậu phải cõng cậu từ phòng ngủ ra để cậu có thể ngồi ăn trưa. Một trong những đồng nghiệp của Lisa đã chế giễu cậu ấy. Một lần khác, một bệnh nhân không nhịn tiểu nổi đã bị một y tá đã mắng trước mặt tất cả các bệnh nhân khác. “Trời ơi, nhìn kìa, không biết chạy vào nhà vệ sinh mà tiểu à?”, cô ta cáu kỉnh quát.
Khi Lisa phản ứng vì thấy bệnh viện đối xử tệ với bệnh nhân, họ bảo rằng cô đang “quá nhạy cảm”, và không lâu sau, các y tá khác bắt đầu tỏ thái độ với cô. Lisa lớn lên trong một gia đình bạo lực, vì vậy đối với cô, việc thường xuyên bị đổ lỗi và chỉ trích như vậy sẽ gợi lại những ký ức đau buồn không thể chịu đựng nổi. “Một ngày nọ, tôi đi làm và nghĩ: Mình không thể chịu đựng nổi công việc này nữa”, cô ấy nói với tôi. “Tôi ngồi ở bàn làm việc và nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính. Nhưng không thể làm gì cả. Thật sự không thể nhúc nhích tay chân làm bất cứ cái gì. Tôi chợt nghĩ: Ôi, mình bị bệnh rồi, mình phải về nhà”. Khi về đến nhà, Lisa đóng cửa, bò lên giường và khóc lóc. Rồi gần như cô đã tự nhốt mình trong nhà suốt bảy năm trời.
Một ngày điển hình của Lisa trong suốt thời gian dài bị trầm cảm là thức dậy vào giữa trưa, bụng nhộn nhạo vì lo âu. “Thực sự, thực sự lo âu”, cô nói. Cô suy nghĩ một cách ám ảnh: “Mọi người nghĩ gì về tôi? Tôi có thể ra ngoài không? Anh biết đấy, lúc đó tôi sống ở khu East End của London. Tôi không thể đi ra khỏi cửa trước mà không gặp ai”. Ngày qua ngày, cô trang điểm, cố gắng ép mình bước ra khỏi cửa, rồi lại cởi bỏ tất cả và lăn ra giường. Nếu không phải vì con mèo của cô cần thức ăn, thì có lẽ cô ấy sẽ chỉ ở nhà và dần ốm o gầy mòn. Nhưng cô cũng ráng chạy đến cửa hàng nhỏ cách đó năm căn, mua thức ăn cho mèo cùng một lượng lớn sô-cô-la và kem, rồi nhanh chóng trở về. Ngay trước khi phát bệnh, cô đã bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm Prozac. Khi dùng thuốc, cô bắt đầu tăng cân rất nhiều. Cô phát phì lên tận 101 kí. Cô đã ăn một cách không thể kiểm soát – “cả ngày chả mấy lúc tôi ăn gì khác ngoài bánh kem lạnh và những thanh sô-cô-la”, cô nói.
Khi tôi ngồi với Lisa nhiều năm sau đó, cô ấy vẫn cảm thấy khó chia sẻ về những năm tháng ấy. “Nó đã khiến tôi hoàn toàn bị tê liệt. Tất cả những điều mà tôi đã tự tin làm trước đó đã biến mất. Tôi đã từng thích khiêu vũ. Khi mới chuyển đến London, tôi nổi tiếng là người luôn nhảy màn mở đầu, vì vậy tôi thường được miễn phí vào các câu lạc bộ. ‘Ôi, có phải Lisa kia không? Cho cô ấy vào miễn phí đi. Cô ấy sẽ nhảy mở màn cho chúng ta’. Nhưng tất cả những điều đó đã bị chứng trầm cảm chôn vùi. Tôi cảm thấy đánh mất mình... Tôi đã đánh mất hoàn toàn con người của tôi”.
Rồi một ngày, bác sĩ của cô nói về một ý tưởng mới, và hỏi cô có muốn tham gia không.
*
Vào một buổi chiều giữa thập niên 1970, trên bờ biển phía Tây xám xịt của Na Uy, hai cậu trai 17 tuổi đang làm việc trong một xưởng đóng tàu. Họ trong đội thợ đang đóng một chiếc tàu lớn. Đêm hôm trước có gió lớn, và để tránh cho chiếc cần cẩu bị lật, họ đã vật lộn với một cái móc để cố định chiếc cẩu vào một tảng đá vững chãi. Nhưng sáng hôm sau, ai đó quên rằng cần cẩu vẫn còn đang gắn vào tảng đá – vì vậy khi một người thợ cố gắng di chuyển nó, các chàng trai nghe thấy một tiếng rít lớn và chiếc cần cẩu đột nhiên đổ sầm về phía họ. Một trong hai người – Sam Everedton – đã tránh được. Cậu nhìn người bạn bên cạnh mình biến mất ngay dưới cần trục.
“Có những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời khi bạn nghĩ – chết tiệt, mình sắp chết rồi”, Sam nói với tôi. Sau khoảnh khắc chứng kiến bạn mình mất, anh đã tự hứa với mình rằng anh sẽ không bất cẩn nữa trong suốt cuộc đời này, rằng anh sẽ sống trọn vẹn. Và điều đó có nghĩa là từ chối làm theo ý của người khác để làm những gì thực sự quan trọng với anh.
Khi còn là một bác sĩ trẻ ở Đông London, Sam nghĩ về khoảnh khắc đó, ông cảm thấy không thoải mái vì liên tục nhận ra điều gì đó mà ông vốn không định để tâm. Nhiều bệnh nhân đến gặp ông vì trầm cảm và lo âu, và ông đã được đào tạo để đưa ra các hướng dẫn trị liệu. “Khi chúng tôi học trường y”, ông giải thích, “mọi thứ đều được giải thích ở khía cạnh y sinh, vì vậy những mô tả bạn đọc được là trầm cảm là do chất dẫn truyền thần kinh – đó là sự mất cân bằng hóa học”. Khi đó, giải pháp là kê thuốc an thần. Nhưng giải pháp này dường như không phù hợp với thực tế những gì ông đang thấy. Nếu Sam ngồi nói chuyện với các bệnh nhân của mình và thực sự lắng nghe, thì vấn đề ban đầu – việc có điều gì không ổn bên trong não của họ – “rất hiếm khi trở thành vấn đề thực sự”. Hầu như luôn có điều gì đó sâu sắc hơn, và họ sẽ nói về nó nếu ông hỏi.
Một ngày nọ, một thanh niên đang chìm trong tuyệt vọng tên là Eastender bước vào. Sam lấy cho anh ta mấy viên thuốc và giới thiệu anh đến gặp một nhân viên xã hội. Người thanh niên nhìn ông và bảo: “Tôi không cần một nhân viên xã hội chết tiệt nào cả. Tôi cần tiền lương của nhân viên xã hội”. Sam nhìn anh ta và nghĩ: “Anh ta nói đúng. Mình sai rồi”. Ông điểm lại những gì mình đã học và nhận ra: “Mình đang bỏ sót một điều gì đó”. Sau này ông nói với tôi, tất cả những gì ông đã được đào tạo “đã bỏ sót một phần lớn của giải pháp”. Ông nhận ra rằng bệnh nhân thường bị trầm cảm vì cuộc sống của họ đã bị tước đoạt khỏi những thứ đáng giá. Và ông nhớ lại lời hứa của bản thân khi còn trẻ. Thế nên ông nghĩ: Nếu trung thực đối mặt với chứng trầm cảm thì mình phải làm gì bây giờ?
*
Đó là lần đầu tiên Lisa vào trung tâm bác sĩ mà Sam đang điều hành. Trung tâm Bromley-by-Bow nằm giữa hai bức tường bê tông ở Đông London, bị kẹp giữa một số dự án nhà ở xấu xí, gần cuối một đường hầm giao thông khổng lồ. Cô e dè và lo lắng người khác nghĩ gì về mình một cách kinh khủng. Cô hầu như đã không rời khỏi nhà suốt nhiều năm. Tóc của cô dài ra, trở nên xoăn tít và bù xù. Cô nghi ngờ không biết rằng liệu chương trình mới này có giúp ích được gì không, liệu cô có thể chịu đựng được lâu dài với mọi người xung quanh không.
Kế hoạch của Sam và nhóm cộng sự của ông rất đơn giản. Ông tin rằng sự bất ổn của những bệnh nhân trầm cảm không phải chủ yếu do não bộ hay cơ thể họ, mà ở cuộc sống của họ; và nếu muốn giúp họ một cách hiệu quả hơn, ông phải giúp bệnh nhân của mình thay đổi cuộc sống. Những gì họ cần là tái kết nối. Vì vậy, ông đã tham gia vào dự án biến phòng mạch thành trung tâm cho tất cả các nhóm tình nguyện ở Đông London, như một phần của một thử nghiệm chưa từng có tiền lệ. Khi đến gặp bác sĩ, bạn không chỉ nhận được những viên thuốc. Bạn được chỉ định một trong hơn một trăm cách khác nhau để tái kết nối – với những người xung quanh bạn, với xã hội và với những giá trị thực sự quan trọng.
Giải pháp mà Lisa được kê đơn là làm một việc rất bình thường. Quanh góc đường gần trung tâm y tế có một chỗ mà người dân địa phương gọi là “Hẻm phân chó” – một nơi lộn xộn không có gì ngoài cỏ dại, một cái bệ đã bể nát và phân chó. Một trong những chương trình mà Sam đã giúp thực hiện là biến khu đất hoang xấu xí này thành một khu vườn đầy hoa và rau. Họ chỉ có một nhân viên điều phối, nhưng lại có đến một nhóm khoảng 20 người tình nguyện là những bệnh nhân bị trầm cảm hoặc mắc các dạng lo âu khác. Họ nói với các bệnh nhân: Nơi này là của bạn, hãy giúp chúng tôi làm đẹp nó. Vào ngày đầu tiên, Lisa nhìn vào mảnh đất trống và nhìn các tình nguyện viên khác, ý nghĩ rằng họ phải chịu trách nhiệm về việc này khiến cô nôn nao lo lắng. Họ làm được gì chỉ với hai ngày một tuần? Tim cô bắt đầu đập thình thịch.
Cô tỏ ra rất lo lắng và ngập ngừng trò chuyện với các thành viên khác trong nhóm. Cô gặp một người đàn ông da trắng thuộc tầng lớp lao động, anh ấy nói với cô rằng mình đã bỏ học khi còn rất trẻ. Sau đó, các bác sĩ kể cho Lisa rằng trong nhiều năm anh ấy đã đến gặp họ, hung hăng đe dọa, họ đã phải suy nghĩ rất kỹ trước khi để anh ấy tham gia chương trình. Cô đã gặp Singh, một người đàn ông châu Á lớn tuổi, nói rằng ông đã đi khắp thế giới và kể những câu chuyện kỳ ảo về những nơi ông từng đến. Có hai người gặp khó khăn nghiêm trọng trong học tập. Và có một số người thuộc tầng lớp trung lưu không thể dứt khỏi nỗi buồn chán. Lisa nhìn họ và nghĩ: Chắc London hết chỗ nên khiến chúng ta gặp nhau ở đây. Nhưng họ đồng ý rằng họ có chung một mục tiêu – làm đẹp công viên này cho người đi đường.
Trong vài tháng đầu tiên, họ tìm hiểu về hạt giống và cây trồng, thảo luận về việc nên trồng loại cây nào. Họ đều là người thành phố nên không có ý tưởng gì. Vì vậy họ nhận ra là mình phải tìm hiểu về thiên nhiên. Đó là một quá trình thật chậm. Họ trồng một giống cây và mong cả tuần chờ nó mọc lên, nhưng chẳng thấy gì. Đến khi chọc ngón tay vào đất, họ mới nhận ra sai lầm là đã gieo hạt vào phần đất sét. Nhiều tuần trôi qua, họ bắt đầu thấy mình sẽ phải học nhịp điệu của các mùa và đất đai dưới chân.
Họ quyết định trồng hoa thủy tiên vàng, các loại cây bụi chính và các loại hoa theo mùa. Lúc đầu, công việc diễn ra rất chậm và khó khăn. Họ nhận ra “thiên nhiên có điều gì đó rất thú vị”, Lisa nói với tôi. “Bạn không thể thay đổi tính chất của tự nhiên mà phải trông chờ vào thời tiết. Bạn muốn trồng gì thì trồng, nhưng được hay không thì còn tùy. Bạn phải quen với chuyện này. Bạn phải học cách kiên nhẫn.
Không thể cải tạo một cách gấp gáp được. Muốn tạo ra một khu vườn thì cần có thời gian, đầu tư năng lượng và sự tận tâm... Bạn có thể thấy mình không tạo ra nhiều tác động trong một buổi làm vườn, nhưng nếu làm điều đó hằng tuần, trong một khoảng thời gian đủ lâu, bạn sẽ thấy sự thay đổi”. Cô đã học được rằng “đó là sự gắn kết với một điều mà phải mất nhiều thời gian và cần đủ kiên nhẫn mới làm được”.
Thông thường, bên cạnh việc uống thuốc, những người trầm cảm hoặc lo âu thường phải trả lời những câu hỏi của bác sĩ về việc họ cảm thấy như thế nào, nhưng đó là điều họ rất ghét làm. Cảm giác của họ lúc ấy là vô cùng khủng khiếp. Còn ở nơi đây, họ có thể làm điều gì đó thật chậm rãi và ổn định, và không ai gây áp lực để buộc họ nói về bất cứ điều gì khác. Khi bắt đầu tin tưởng nhau, họ sẽ chủ động nói về cảm xúc của mình, ở một nhịp độ mà họ cảm thấy thoải mái. Lisa bắt đầu chia sẻ câu chuyện của mình cho các thành viên cô thích trong nhóm. Lần lượt họ cũng chia sẻ lại chuyện của họ với cô.
Và những gì Lisa nhận ra là mọi người ở đó đều có những lý do dễ hiểu cho cảm giác kinh khủng của mình. Một trong những người đàn ông đến với nhóm đã ngủ trên xe buýt số 25 hằng đêm, anh ấy kể với Lisa: Các tài xế biết anh ấy là người vô gia cư, nên họ không tống cổ anh đi. Lisa nhìn anh ấy và nghĩ: Làm sao bạn không trầm cảm cho được trong một tình huống như vậy? Cũng giống như các bác sĩ ở Campuchia khi nhận ra người nông dân cần một con bò, Lisa nhận ra rằng nhiều thành viên trầm cảm của nhóm làm vườn cần những giải pháp thiết thực. Vì vậy, cô bắt đầu điện thoại và quấy rầy hội đồng thành phố cho đến khi cuối cùng họ cũng đồng ý cho người đàn ông này thuê nhà. Trong những tháng sau đó, tâm trạng của anh ấy trở nên khá hơn.
Thời gian trôi qua, hoa cả nhóm trồng bắt đầu nở. Người dân bắt đầu đi bộ qua công viên, và họ cảm ơn cả nhóm – những người cô độc và cảm thấy mình vô dụng quá lâu – vì những gì nhóm đang làm. Một bà lão da trắng luôn dừng lại trên đường đi mua sắm về và cho một số phụ nữ Bengal trong nhóm tiền để trồng thêm hoa. Ông Singh, người đàn ông Bengal lớn tuổi, nói chuyện với nhóm về cách những cái cây này kết nối với mọi thứ trong vũ trụ – như một phần của kế hoạch vũ trụ. Họ bắt đầu cảm thấy, theo cái cách khiêm tốn của mình, rằng họ có một mục đích, rằng họ có thể làm được điều gì đó.
Một ngày nọ, một thành viên khác trong nhóm hỏi Lisa rằng vì sao cô bị trầm cảm, cô kể lại câu chuyện, rồi anh ấy nói: “Cô bị bắt nạt tại nơi làm việc ư? Tôi cũng đã bị như vậy”. Sau này, anh nói với cô rằng đó là thời điểm quan trọng trong cuộc đời anh. “Tôi nhận ra cô cũng giống tôi”, anh nói.
Khi Lisa nói với tôi điều đó, cô đã rơi nước mắt: “Ôi Chúa ơi, đó thực sự mới là ý nghĩa của dự án này”.
Đối với nhiều thành viên của nhóm, hai dạng mất kết nối sâu sắc đang được hàn gắn. Dạng thứ nhất là mất kết nối với những người khác. Có một quán cà phê ở Trung tâm Bromley-by-Bow mà Sam điều hành, các bệnh nhân sẽ đến đó ngồi với nhau nhau sau các buổi làm vườn. Sau vài tháng, Lisa nhận ra rằng cô nói to như hét, bởi cô thấy thật nhẹ nhõm khi thực sự được nói chuyện lại với mọi người sau một thời gian dài. Cô đã rất sợ phải rời khỏi nhà, và hoàn toàn không thoải mái để tiếp xúc với mọi người; nhưng bây giờ cô nhận ra mình đã được giúp đỡ vượt qua ngưỡng khó khăn ban đầu đó. Cô nói: “Tôi thực sự gần như tuyệt vọng với việc tái kết nối với mọi người”. Nhưng khi cô gắn kết với những vấn đề và niềm vui của người khác, “tôi đã ngừng ám ảnh quá nhiều về bản thân. Tôi đã có những người khác để bận tâm”.
Phil, anh chàng da trắng trẻ tuổi hay cáu giận, người đã khiến các bác sĩ khá e dè và cảnh giác khi đưa vào chương trình, đã hỗ trợ cho hai người trong nhóm bị chứng rối loạn về học tập. Anh là người đầu tiên giúp đỡ họ tham gia vào mọi thứ. Anh cũng gợi ý rằng tất cả họ nên đi học để lấy chứng chỉ làm vườn, và cả nhóm đã đồng ý thực hiện.
Lisa tin rằng dạng mất kết nối thứ hai đang được chữa lành nhờ tự nhiên. Cô nói: “Có điều gì đó khi bạn gắn với môi trường tự nhiên, ngay cả khi đó chỉ là một mảnh đất nhỏ ở một khu vực thật sầm uất. Tôi đang kết nối lại với Trái đất và nhận thấy những điều nhỏ nhặt. Bạn không còn nghe thấy tiếng máy bay và xe cộ nữa, bạn sẽ cảm nhận được chúng ta nhỏ bé và bình thường đến mức nào”. Ngừng một lúc, cô tiếp: “Tay tôi thực sự lấm bẩn theo đúng nghĩa đen”, việc đó đã giúp cô khám phá ra “một cảm nhận về không gian. Ở đó, không chỉ có mình tôi. Ngoài kia còn có bầu trời và những tia nắng... Mọi thứ đâu phải chỉ xoay quanh tôi, đúng không? Đâu chỉ xoay quanh cuộc chiến của tôi với những bất công. Còn có một bức tranh lớn hơn và tôi phải ghép mình vào đó lần nữa. Đó là cảm giác của tôi khi ngồi trên vỉa hè trong khu vườn này và chạm tay vào những luống hoa”.
Nhờ có chương trình nhỏ bé khiêm tốn này mà “hai thứ tôi đã hoàn toàn mất kết nối” – con người và thiên nhiên – “nay đã quay trở lại cuộc sống của tôi”.
Đối với Lisa, cảm giác khi khu vườn sống lại thì các thành viên trong nhóm cũng sống lại theo. Lần đầu tiên sau nhiều năm, họ cảm thấy tự hào về việc mình làm. Họ đã làm nên một điều đẹp đẽ. Khi tôi đi dạo qua khu vườn mà họ xây dựng, tôi cảm nhận được sự thanh bình trong ốc đảo nhỏ bé xanh tươi có đài phun nước này giữa khu vực ô nhiễm trì trệ của Đông London, nơi tôi đã sống bấy lâu nay.
Sau khi tham gia chương trình làm vườn được vài năm, Lisa ngừng dùng thuốc Prozac và trong vài năm tiếp theo, cô đã giảm được 28 kí. Cô đã gặp và yêu một người làm vườn tên Ian, và vài năm sau nữa, cô chuyển đến một ngôi làng ở Wales, nơi tôi đến gặp cô, và giờ cô sắp mở một trung tâm làm vườn của riêng mình. Cô vẫn giữ liên lạc với một số người trong nhóm làm vườn. Cô nói với tôi rằng họ đã cứu nhau. Họ và đất đai.
*
Khi nói chuyện với Lisa hàng giờ trong bữa ăn sáng với xúc xích và khoai tây chiên ở Đông London, cô nói với tôi rằng một số người có thể hiểu sai bài học từ nhóm làm vườn. “Đó không phải là một điều chỉ đơn thuần xảy ra. Tôi nghĩ rằng khi bạn trầm cảm, bạn không thể chỉ ra ngoài, tìm một khu vườn và loay hoay trong đó mà có thể cảm thấy tốt hơn được. Phải có sự quản lý và hỗ trợ. Nếu mọi người chỉ nói: ‘Ồ, cứ ngồi trong công viên đi, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy đi dạo trong rừng, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn’. Vâng, tất nhiên là đúng, nhưng phải có người giúp bạn làm điều đó”.
Cô không thể làm điều đó một mình. Bác sĩ phải dẫn dắt cô đến dự án đó, nói chuyện với cô một cách nhẹ nhàng về giá trị chữa lành của nó và thúc giục cô tiếp tục, như vậy thì việc trị liệu mới có kết quả. Nếu không, cô e rằng mình có thể vẫn đang tự giam mình trong ngôi nhà đó, ngốn ngấu đồ ngọt, sống khép mình và sợ bị người khác nhìn thấy.
*
Tại quầy tiếp tân của Trung tâm Bromley-by-Bow, bạn có thể được giới thiệu đến gặp một bác sĩ hoặc một trong hơn một trăm chương trình xã hội đang mà bạn có thể tham gia ở đây. Các chương trình này vô cùng đa dạng – từ làm gốm đến các lớp tập thể dục để hòa nhập cộng đồng, giúp đỡ những người khác. Nếu đến gặp bác sĩ, bạn sẽ thấy nó có vẻ hơi khác so với bất kỳ phòng khám nào mà bạn từng đến. Bác sĩ không ngồi sau bàn làm việc với màn hình trước mặt. Bác sĩ và bạn ngồi cạnh nhau, cùng nhau. Sam nói với tôi chính những khác biệt rất nhỏ và tinh tế này đã thể hiện một cách nhìn nhận khác về sức khỏe.
Với tư cách là một bác sĩ, Sam được đào tạo để làm nghề như một “người có kiến thức”. Bệnh nhân đến, mô tả một số triệu chứng, ông cho làm một số xét nghiệm, sau đó phát hiện điều không ổn và đưa ra hướng giải quyết. Đó là cách tiếp cận phù hợp cho một số trường hợp, ông nói: “Nếu bị nhiễm trùng phổi, bạn cần một loại thuốc kháng sinh, đó là điều rõ rành rành”, nhưng phần lớn không phải như vậy. Hầu hết mọi người đến với bác sĩ vì họ đang đau khổ. Ngay cả trường hợp bạn bị đau về thể chất – chẳng hạn như đau đầu gối – thì nếu bạn cảm thấy mình không còn gì trong cuộc sống, và mất hết các kết nối thì cơn đau thể chất đó cũng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Ông nói, hầu như tất cả các cuộc tư vấn của ông đều liên quan đến sức khỏe cảm xúc của bệnh nhân. Phần lớn công việc của bác sĩ là lắng nghe.
Đặc biệt đối với chứng trầm cảm và lo âu, ông đã học được cách chuyển từ câu hỏi – “Có chuyện gì với bạn?” thành “Điều gì quan trọng với bạn?”. Nếu muốn tìm ra giải pháp, bác sĩ cần lắng nghe những điều đang thiếu vắng trong cuộc sống của người bị trầm cảm hoặc lo âu, và giúp họ tìm ra cách để có lại được điều đó.
Các bác sĩ tại Bromley-by-Bow vẫn kê đơn thuốc chống trầm cảm, họ kiên trì với việc đó và tin rằng chúng có tác dụng. Nhưng họ chỉ xem đó là một phần nhỏ của bức tranh, chứ không phải giải pháp lâu dài. Saul Marmot, một bác sĩ khác ở đó, nói với tôi rằng: “không ích gì... khi dán một miếng băng keo cá nhân” lên cơn đau của bệnh nhân. Điều bạn phải làm là giải quyết lý do khiến họ bị cơn đau đó ngay từ đầu”. Rồi ông nói: “Sẽ chẳng có ích gì khi sử dụng thuốc chống trầm cảm nếu mọi thứ khác không có gì thay đổi, để rồi khi ngưng thuốc, họ vẫn quay về tình trạng cũ... Phải thay đổi điều gì đó, nếu không bệnh sẽ lại tái phát”.
Thông thường, giống như tôi, các bệnh nhân đến đây đều tin rằng chứng trầm cảm của họ hoàn toàn là về thể chất, là một trục trặc trong não. Sam bắt đầu bằng cách giải thích với họ hai vấn đề, cả hai điều này đều có thể gây ngạc nhiên cho bệnh nhân. Đầu tiên, ông nói với họ rằng rất nhiều bác sĩ không thực sự biết về trầm cảm và lo âu, và đây là một vấn đề phức tạp, vì vậy các bác sĩ sẽ phải làm việc với bệnh nhân để tìm đến ngọn ngành. “Triết lý cơ bản của chúng tôi là có đủ sự khiêm tốn để thừa nhận: ‘Tôi không biết’. Điều này thực sự quan trọng. Có thể nói đó là điều quan trọng nhất. Và bằng cách này, bệnh nhân sẽ tin tưởng nhiều hơn đối với bạn”.
Rồi ông kể cho họ nghe câu chuyện rằng vài năm trước, sau khi ly hôn, ông đã trở nên cực kỳ lo âu trong suốt mấy năm trời. Ông nói, điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Bạn không cô độc. “Tự nói với mình rằng ‘Mày được phép như vậy’ sẽ giúp ích rất nhiều. Tôi không dám dùng từ ‘bình thường’, nhưng thật sự đó là điều rất bình thường”, Sam nói.
Ngược lại, nếu Sam nói với bạn rằng bạn có vấn đề trong não, thì “bạn không thể kiểm soát nó và bạn không thể làm gì với nó. Điều đó rõ ràng hoàn toàn vô nghĩa. Và làm sao nó có thể giúp bạn khá lên về lâu dài?”, ông hỏi. “Khi bạn trầm cảm, bạn đang ở một nơi rất tăm tối. Nếu ai đó có thể mang đến cho bạn cảm giác hồi phục, dù chỉ thoảng qua, chỉ là một chút hy vọng nhỏ nhoi, thì việc đó cũng vô cùng quan trọng. Và nguồn hy vọng đó thể đến từ bất cứ điều gì mà bạn sẽ không thể nói trước được”. Vì vậy, ông đưa ra một danh sách các hoạt động ở đủ các thể loại và kèm theo các bước nhỏ mà họ có thể thực hiện để tái kết nối.
Ông cố gắng đưa mô tình tái kết nối đó vào những cuộc nói chuyện với bệnh nhân. Ông nói một phần công việc của ông “là trở thành một người bạn”. Ông sống cách trung tâm chỉ vài trăm thước. Vì thế, ông luôn sẵn sàng trò chuyện với họ. Và một phần quan trọng khác trong triết lý của trung tâm là: “Dịp gì cũng tổ chức tiệc”. Họ luôn tìm một lý do nào đó để tổ chức lễ kỷ niệm và tất cả bệnh nhân của họ đều được mời.
Sam gọi cách tiếp cận này là “liều thuốc xã hội” và nó đã châm ngòi một cuộc tranh luận thực sự. Những lợi thế tiềm năng thật rõ ràng. Chỉ riêng quỹ tín thác sức khỏe của Sam đã chi 1 triệu bảng mỗi năm (khoảng 1,2 triệu đô la) để cung cấp thuốc chống trầm cảm hóa học cho 17.000 bệnh nhân, với kết quả hạn chế. Sam ngờ rằng việc kê các liều thuốc xã hội có thể mang lại kết quả tương tự hoặc tốt hơn với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều. Vì vậy, trong suốt nhiều năm, Trung tâm Bromley-by-Bow và các nhóm thực hiện phương pháp kê đơn xã hội khác đã kiên nhẫn thu thập dữ liệu, hy vọng rằng các học giả sẽ đến nghiên cứu những gì họ đang làm. Nhưng rất ít nghiên cứu được thực hiện cho đến nay. Tại sao? Đó là câu chuyện tương tự mà tôi đã nghe ở khắp mọi nơi. Bán cho mọi người thuốc điều trị trầm cảm và lo âu là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, vì vậy, rất nhiều nguồn quỹ cực lớn đang xoay quanh để tài trợ cho việc nghiên cứu về thuốc (và những nghiên cứu đó thường bị bóp méo, như tôi đã khám phá được). Còn việc kê các liều thuốc xã hội, nếu thành công, sẽ không kiếm được nhiều tiền. Trên thực tế, nó sẽ tạo ra một lỗ hổng trong thị trường dược phẩm trị giá hàng tỷ đô la – sẽ có ít lợi nhuận hơn. Vì vậy, không nhóm chuyên trách nào muốn biết kết quả.
Tuy nhiên, đã có một loạt các nghiên cứu khoa học về “trị liệu thông qua làm vườn”, khuyến khích mọi người thử làm vườn để cải thiện sức khỏe tâm thần. Chưa có nghiên cứu nào được thực hiện trên các nhóm đặc biệt lớn hoặc trong một thời gian dài, và các nghiên cứu cũng không được thiết kế hoàn hảo, vì vậy chúng ta nên tiếp cận với một tâm thế hoài nghi. Một nghiên cứu về những người bị trầm cảm ở Na Uy cho thấy rằng một chương trình như thế này giúp người bệnh trung bình tiến lên 4,5 điểm trên thang điểm trầm cảm – cao hơn gấp đôi tác dụng của thuốc chống trầm cảm hóa học. Một nghiên cứu khác về những người phụ nữ trẻ mắc chứng lo âu trầm trọng cũng cho thấy những kết quả tương tự. Điều này cho thấy ít nhất đó là một khởi đầu tốt để gieo mầm nghiên cứu.
*
Tôi quay lại gặp nhà khoa học xã hội Michael Marmot, người đầu tiên phát hiện ra rằng công việc vô nghĩa khiến chúng ta trầm cảm. Ông đã bắt đầu hành trình của mình tại một phòng khám ở Sydney, nơi ông quan sát được rằng khi những bệnh nhân trầm cảm tìm đến phòng khám vì cuộc sống của họ quá tồi tệ, người ta chỉ đưa cho họ một chai hỗn dược màu trắng rồi bảo họ về nhà. Vì biết Michael đã đến thăm và tư vấn không chính thức cho Trung tâm Bromley-by- Bow trong nhiều năm, nên tôi muốn nghe ý kiến của ông về điều đó. Ông nói với tôi rằng những gì họ đang làm rất đơn giản. Khi mọi người đến gặp bác sĩ với một vấn đề thể chất, họ sẽ chữa trị bệnh đó. Nhưng có lẽ hầu hết những lý do khiến chúng ta đến gặp bác sĩ không phải là vậy. “Khi mọi người đến gặp bác sĩ với một vấn đề trong cuộc sống, thì bác sĩ phải cố gắng giải quyết vấn đề trong cuộc sống đó”, ông nói.
*
Sam, vị bác sĩ đã giúp thay đổi phòng khám này, cho rằng một thế kỷ nữa, nhân loại sẽ xem phát hiện này – rằng bạn cần đáp ứng nhu cầu cảm xúc của con người nếu muốn họ khỏi bệnh trầm cảm và lo âu – là thời điểm quan trọng trong lịch sử y tế. Cho đến những năm 1850, không ai biết nguyên nhân nào đã gây ra dịch tả, nhưng nó đã giết chết rất nhiều người. Sau đó, một bác sĩ tên là John Snow đã phát hiện (thật tình cờ là chỉ cách phòng khám của Sam vài dặm) rằng căn bệnh này lây nhiễm qua nguồn nước và chúng ta đã bắt đầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải thích hợp. Kết quả là chúng ta đã ngăn chặn được dịch tả ở phương Tây.
Họ đã biết được rằng thuốc chống trầm cảm không đơn thuần chỉ ở dạng một viên thuốc. Đó có thể là bất cứ điều gì kéo bạn ra khỏi sự tuyệt vọng. Những bằng chứng cho thấy thuốc chống trầm cảm hóa học không có tác dụng đối với hầu hết mọi người không khiến chúng ta từ bỏ ý định dùng thuốc chống trầm cảm. Nhưng nó sẽ khiến chúng ta tìm kiếm những loại thuốc chống trầm cảm tốt hơn, và chúng có thể trông không giống như những thứ mà Big Pharma(*) đang hướng chúng ta nghĩ đến.
Saul Marmot, một trong những bác sĩ đa khoa ở đó, nói với tôi rằng lợi ích của phương pháp mà họ đã phát triển tại Bromley-by-Bow là “quá rõ ràng, tôi không biết tại sao trước đây tôi không thể nhìn ra nó, và tôi không biết tại sao cả xã hội không nhìn ra được”.
(*) Big Pharma bao gồm 10 hãng dược phẩm khổng lồ trên thế giới. Thuyết âm mưu về Big Pharma cho rằng cộng đồng y tế nói chung và các công ty dược phẩm nói riêng, đặc biệt là các tập đoàn lớn, hoạt động vì những mục đích thâm độc và chống lại lợi ích chung. Họ che giấu các phương pháp điều trị hiệu quả, hay thậm chí nguyên nhân gây bệnh, và làm trầm trọng thêm các căn bệnh vì mục đích lợi nhuận. (ND)
*
Khi Sam Everedton và tôi ngồi nói chuyện trong một quán cà phê nhộn nhịp ở trung tâm, có nhiều người liên tục cắt ngang để nói chuyện hoặc ôm ông ấy. “Đây là người phụ nữ đã dạy mọi người cách sơn cửa sổ”, ông giới thiệu. Hoặc “Ngày xưa, ông ấy là cảnh sát nên thỉnh thoảng đến đây, nhưng rồi dần dần yêu mến chỗ này và cuối cùng là vào làm ở đây luôn”. Ông nói, nhiều lúc cũng rất buồn cười, có những cậu thanh thiếu niên chạy đến xin ông cho một lời khuyên giả định để tránh lâm vào một hoạt động phi pháp giả định.
Sau khi vẫy tay chào một người nữa, Sam nói với tôi một chuyện. Những gì ông học được là khi bạn có thể kết nối với những người xung quanh, thì “đó là sự khôi phục bản chất con người”. Một người phụ nữ bàn bên cạnh, nãy giờ vẫn đang lắng nghe cuộc trò chuyện của chúng tôi, mỉm cười, với ông, và với chính mình.
Sam nhìn cô, và cười đáp lại.