Ở hầu hết các nước phương Tây, có lẽ người ta sẽ thông báo với Nuriye rằng có điều gì đó không ổn với sự vận hành các chất hóa học trong não của bà. Những người khác ở Kotti cũng vậy. Họ sẽ uống thuốc và ở một mình trong căn hộ nhỏ cho đến khi bị lãng quên rồi dần tan biến. Không nơi đâu bằng ở Kotti, đã làm tôi cảm thấy rõ ràng rằng câu chuyện này thật sai lầm. Họ dạy tôi rằng khi mọi người dành thời gian tìm hiểu nhau, những vấn đề trước đây tưởng chừng như không thể giải quyết được bắt đầu trở nên khả dĩ. Nuriye đã có ý định tự tử. Tuncai đã từng bị nhốt trong một bệnh viện tâm thần. Mehmet đã bị doạ đuổi học. Vậy điều gì đã giúp giải quyết vấn đề của họ? Tôi thấy dường như những người khác đang đứng về phía họ, cam kết đi trên con đường cùng họ, tìm ra giải pháp chung cho vấn đề của họ. Họ không cần phải nốc hàng vốc thuốc. Họ cần phải ở bên nhau.
Nhưng tất cả điều này chỉ mới là cảm tưởng cá nhân. Vì vậy, tôi còn bỏ ngỏ với hai câu hỏi: Có bằng chứng khoa học nào cho thấy những thay đổi như thế này làm giảm lo lắng và trầm cảm, ngoài những giai thoại của những người tôi đã gặp ở đó? Và có cách nào chúng ta có thể nhân rộng nó, ngoài những trường hợp ngoại lệ ở Kotti?
Sau khi đọc những nghiên cứu quan trọng về vấn đề này, tôi đã đến Berkeley, California, để nói chuyện với một trong những nhà khoa học xã hội đã nghiên cứu đề tài này – một phụ nữ lỗi lạc tên là Brett Ford. Chúng tôi gặp nhau trong một quán cà phê ở trung tâm thành phố Berkeley, nơi được thế giới coi là khởi nguồn của chủ nghĩa cực đoan cánh tả, nhưng trên đường đến gặp cô, tôi đã đi qua rất nhiều thanh niên vô gia cư – tất cả đều van xin, tất cả đều bị phớt lờ. Brett đang vội vã gõ bàn phím máy tính xách tay của mình khi tôi đến. Cô giải thích rằng cô đang nộp đơn xin việc. Vài năm trước, cô đã bắt đầu thực hiện một số nghiên cứu về một câu hỏi khá cơ bản với các đồng nghiệp Maya Tamir và Iris Mauss – cả hai đều là giáo sư.
Họ muốn biết: Chủ tâm cố gắng của một người nhằm khiến bản thân hạnh phúc hơn có thực sự hiệu quả không? Nếu bạn quyết định rằng, từ hôm nay, từ lúc này, bạn sẽ thong thả dành nhiều thời gian hơn để tìm kiếm hạnh phúc, liệu bạn có thực sự hạnh phúc hơn sau một tuần hay một năm? Nhóm đã nghiên cứu câu hỏi này ở bốn khu vực: Mỹ, Nga (tại hai địa điểm khác nhau), Nhật Bản và Đài Loan. Họ đã theo dõi hàng nghìn người, một số người đã quyết định cân nhắc việc theo đuổi hạnh phúc, còn một số thì không.
Khi so sánh các kết quả, họ đã tìm ra thứ mà họ không ngờ tới. Nếu bạn sống ở Mỹ và bạn chủ tâm cố gắng trở nên hạnh phúc, bạn sẽ không hạnh phúc hơn. Nhưng nếu bạn sống ở Nga, Nhật Bản hoặc Đài Loan, bạn sẽ làm được. Lý do là vì sao?
Từ lâu, các nhà khoa học xã hội đã biết rằng, nói một cách thô thiển, có một sự khác biệt đáng kể giữa các xã hội phương Tây và hầu hết các nước châu Á trong cách con người nghĩ về bản thân. Có rất nhiều cách thử nghiệm nho nhỏ để kiểm chứng điều này. Ví dụ: Hãy gặp một nhóm người phương Tây, cho họ xem ảnh một người đàn ông đang nói chuyện trước đám đông rồi yêu cầu họ mô tả những gì họ nhìn thấy. Sau đó, tiếp cận nhóm khách du lịch Trung Quốc, cho họ xem bức ảnh đó và cũng yêu cầu họ mô tả tương tự. Người phương Tây hầu như luôn luôn mô tả cá nhân người đàn ông trước, thật chi tiết – sau đó mới mô tả đám đông. Người châu Á thì ngược lại: Họ thường sẽ mô tả đám đông rồi sau đó, gần như sau khi chẳng tìm được gì để nói nữa, họ mới mô tả anh chàng đang diễn thuyết.
Hoặc chụp ảnh một cô bé đang tươi cười giữa một nhóm những cô bé khác trông rất buồn. Cho vài đứa trẻ xem và hỏi chúng: Cô bé ở giữa này trông có vẻ vui hay cũng buồn giống các bạn? Những đứa trẻ phương Tây nghĩ rằng cô bé ấy hạnh phúc. Trẻ em châu Á nghĩ rằng cô bé đang buồn. Tại sao? Bởi vì trẻ em phương Tây không có vấn đề gì với việc tách biệt một cá nhân ra khỏi nhóm, trong khi trẻ em châu Á coi việc một đứa trẻ bị bao quanh bởi nỗi đau khổ thì đứa trẻ đó cũng sẽ đau khổ là điều hiển nhiên.
Nói cách khác, người phương Tây chủ yếu có cách nhìn cuộc sống theo chủ nghĩa cá nhân, còn người châu Á chủ yếu có cách nhìn tập thể về cuộc sống.
Khi Brett và các đồng nghiệp của cô tìm hiểu sâu hơn, đây có vẻ là cách giải thích tốt nhất cho sự khác biệt mà họ đã phát hiện ra. Nếu bạn quyết định theo đuổi hạnh phúc ở Mỹ hoặc Anh, bạn đang theo đuổi nó cho bản thân mình, bởi vì bạn nghĩ đó là cách thức đúng đắn. Bạn làm những gì tôi đã làm trong phần lớn cuộc đời: bạn sở hữu tài sản vật chất, bạn đạt được thành tựu cho chính mình, bạn xây dựng cái tôi của riêng bạn. Nhưng nếu chủ ý theo đuổi hạnh phúc ở Nga, Nhật Bản hoặc Trung Quốc, bạn sẽ làm một điều hoàn toàn khác. Bạn cố gắng làm mọi thứ tốt hơn cho nhóm của mình, cho những người xung quanh bạn. Đó là những gì bạn định nghĩa về hạnh phúc, vì vậy đó có vẻ là điều hiển nhiên đối với bạn. Đây là những quan điểm mâu thuẫn cơ bản về ý nghĩa của việc trở nên hạnh phúc hơn. Và hóa ra phiên bản hạnh phúc kiểu phương Tây không thực sự hiệu quả, trong khi quan điểm tập thể về hạnh phúc thì có.
“Bạn càng nghĩ hạnh phúc là một thứ có tính xã hội thì bạn càng trở nên tốt hơn”, Brett giải thích, tóm tắt những phát hiện của cô ấy và hàng loạt nghiên cứu khoa học xã hội khác.
Khi Brett nói về nghiên cứu này, tôi nhận ra những gì tôi đã nhìn thấy ở Kotti trước đó. Họ đã chuyển từ chủ nghĩa cá nhân trong cách sống – đóng cửa trong nhà, tích lũy đồ đạc cho mình – sang chủ nghĩa tập thể: chúng ta là một nhóm; chúng ta thuộc về nhau; chúng ta được kết nối. Ở phương Tây, chúng ta đã thu hẹp ý thức về bản thân xuống chỉ còn bản ngã của chúng ta (hoặc nhiều nhất là gia đình của chúng ta), và điều này khiến cho nỗi đau của chúng ta tăng lên, còn hạnh phúc thì giảm xuống.
Bằng chứng này cho thấy, nếu quay lại nhìn nỗi đau khổ và niềm vui của mình như một thứ mà chúng ta chia sẻ với những người xung quanh, thì chúng ta sẽ cảm thấy khác biệt.
*
Tuy nhiên, điều này lại đụng phải một vấn đề mà tôi hơi xấu hổ thú nhận. Khi bắt đầu viết cuốn sách này, tôi muốn có những giải pháp nhanh cho chứng trầm cảm và lo âu của mình – những giải pháp mà tôi có thể tự theo đuổi một cách nhanh chóng. Tôi muốn điều gì đó mà tôi có thể làm ngay, cho bản thân mình, để giúp mình cảm thấy tốt hơn. Tôi muốn một viên thuốc, và nếu những viên thuốc không công hiệu, tôi muốn một thứ gì đó có tác dụng nhanh tương tự một viên thuốc. Bạn, khi đã chọn đọc một cuốn sách về trầm cảm và lo âu, có lẽ cũng muốn như vậy.
Khi tôi thảo luận về một số ý tưởng trong cuốn sách này, một người tôi quen nói rằng tôi chưa chọn đúng thuốc: “Bạn nên thử thay bằng thuốc Xanax xem”. Tôi đã bị cám dỗ. Nhưng sau đó nhận ra: Sao có thể nói thuốc an thần là giải pháp vĩnh viễn cho tất cả những đau đớn và khổ sở có thể hiểu được mà tôi đang mô tả đây, cho hàng triệu bệnh nhân?
Tuy nhiên, thành thật mà nói, đó là loại giải pháp mà tôi khao khát. Một cái gì đó cá nhân; điều gì đó bạn có thể làm một mình, không cần nỗ lực gì; một thứ chỉ mất hai mươi giây để nuốt vào mỗi sáng, để bạn có thể tiếp tục cuộc sống như trước đây. Nếu nó không phải là hóa chất, tôi muốn một mẹo nào khác, một công tắc nào đó tôi có thể bật để làm cho mọi thứ trở nên tốt đẹp.
Nhưng những bằng chứng này đã cho tôi thấy việc tìm kiếm các giải pháp nhanh chóng cho cá nhân chỉ là một cái bẫy. Trên thực tế, việc tìm kiếm các giải pháp riêng lẻ là một phần nguyên nhân khiến chúng ta gặp phải vấn đề này ngay từ đầu. Chúng ta đã bị giam cầm bên trong cái tôi của chính mình, bị che khuất để không thể đến được với sự kết nối thực sự.
Tôi bắt đầu nghĩ đến một trong những câu nói sáo rỗng rõ ràng nhất mà chúng ta thường nói với nhau mọi lúc mọi nơi: Hãy là chính mình. Chúng ta chia sẻ nó trên mạng xã hội. Chúng ta nói điều đó để khuyến khích người khác khi họ lạc lối hoặc thất vọng. Ngay cả những chai dầu gội đầu cũng nói với chúng ta rằng: Vì bạn xứng đáng.
Nhưng điều tôi học được lại là: Nếu muốn thôi chán nản, đừng là bạn nữa. Đừng là chính mình. Đừng cố gắng xem bạn xứng đáng thế nào. Những suy nghĩ về bạn, bạn, bạn và bạn... chỉ làm bạn cảm thấy tồi tệ. Đừng là bạn. Hãy là chúng ta. Là một phần của cộng đồng. Làm cho cộng đồng trở nên có giá trị hơn. Các nghiên cứu nói với tôi rằng: Con đường thực sự dẫn đến hạnh phúc đến từ việc phá bỏ bức tường bản ngã của chúng ta, từ việc để bản thân hòa vào câu chuyện của người khác và để câu chuyện của họ chảy vào câu chuyện của bạn; từ việc hợp nhất bản sắc của bạn, từ việc nhận ra rằng bạn chưa bao giờ là bạn – đơn độc, anh hùng, buồn bã – ngay từ đầu.
Không, đừng là bạn. Hãy kết nối với mọi người xung quanh. Hãy là một phần của tổng thể. Đừng cố gắng trở thành người hướng đến đám đông. Hãy cố gắng trở thành đám đông.
Vì vậy, một phần của việc vượt qua chứng trầm cảm và lo âu của chúng ta – bước đầu tiên và là một trong những bước quan trọng nhất – là đến với nhau, như những cư dân ở Kotti đã làm, và thực tế là: Những gì chúng ta có cho đến giờ là chưa đủ. Cuộc sống mà chúng ta đang bị áp lực và được tuyên truyền phải theo đuổi đã không đáp ứng được nhu cầu tâm lý của chúng ta – về sự kết nối, sự che chở hoặc gần gũi với nhau. Chúng ta cần nhiều hơn thế và chúng ta sẽ cùng nhau chiến đấu để có những thứ tốt hơn. Từ khóa ở đây là “chúng ta”. Tại Kotti, cư dân nhận được một số thứ họ cần ngay từ đầu – nhưng không phải mọi thứ. Tuy nhiên, quá trình xích lại gần nhau để chiến đấu cho cùng một sứ mệnh đã cho họ cảm giác rằng họ không phải là những cá nhân tuyệt vọng, mà họ là một tập thể.
Tôi biết tại một số hiệu sách, cuốn sách này sẽ được xếp vào mục sách self-help (phát triển bản thân). Nhưng bây giờ tôi thấy rằng toàn bộ cách suy nghĩ đó là một phần của vấn đề. Cho đến nay, mỗi khi cảm thấy thất vọng, phần lớn thời gian tôi đều cố gắng tự giúp mình. Tôi quay sang chính tôi. Tôi nghĩ rằng bản thân có điều gì đó không ổn, mà việc sửa chữa và phát triển bản thân sẽ là giải pháp. Tôi chú trọng vào đó. Nhưng hóa ra bản thân tôi không phải là giải pháp. Câu trả lời đúng đắn duy nhất là vượt qua sự cá nhân của chính mình.
Mong muốn của tôi về một giải pháp riêng tư và cá nhân – một giải pháp tâm lý gọn nhẹ tương đương với kích cỡ một viên thuốc – thực tế lại là một triệu chứng của suy nghĩ đã gây ra chứng trầm cảm và lo âu của tôi ngay từ đầu.
*
Khi biết về nghiên cứu của Brett, tôi đã thấy được sai lầm của mình. Giờ đây, mỗi lần cảm thấy bản thân bắt đầu sa sút, tôi không làm điều gì đó cho bản thân mà sẽ cố gắng làm điều gì đó cho người khác. Tôi đến gặp một người bạn và cố gắng tập trung hết sức vào cảm nhận của họ, giúp họ cảm thấy tốt hơn. Tôi cố gắng làm điều gì đó cho mạng lưới kết nối của mình, hoặc nhóm của tôi, hoặc thậm chí cố gắng giúp đỡ những người lạ trông có vẻ đau khổ. Tôi đã học được điều mà tôi không nghĩ là có thể thực hiện được ngay từ đầu. Ngay cả khi đang bị đau, bạn kỳ thực vẫn luôn có thể làm cho người khác cảm thấy tốt hơn một chút. Hoặc tôi sẽ cố gắng chuyển nó thành các hành động chính trị công khai hơn, để làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Khi áp dụng kỹ thuật này, tôi nhận ra rằng nó thường xuyên, dù không phải luôn luôn, ngăn chặn được sự xuống dốc tinh thần. Nó đem lại hiệu quả hơn nhiều so với việc chỉ đơn thuần cố gắng xây dựng bản thân.
*
Trong khoảng thời gian ấy, tôi đã biết về một lĩnh vực nghiên cứu khác có liên quan mật thiết đến câu hỏi này, vì vậy tôi quyết định đến gặp các đối tượng nghiên cứu của nó.
Lần đầu tiên tôi thấy chiếc xe ngựa độc mã của người Amish trên đồng bằng Indiana là khi xe hơi của tôi vù qua nó với tốc độ 70 dặm/giờ. Bên cạnh đường cao tốc, một người đàn ông với bộ râu dài và áo choàng đen đang ngồi trên xe ngựa. Phía sau ông là một đứa trẻ và hai người phụ nữ mặc áo len, mà tôi thấy giống như những người tị nạn trong một bộ phim lịch sử của đài BBC lấy bối cảnh thế kỷ 17. Trong khung cảnh bằng phẳng rộng lớn của miền trung Tây nước Mỹ, nơi chỉ có những đường chân trời tiếp nối, họ trông gần giống như những bóng ma.
Tiến sĩ Jim Cates và tôi đã lái xe suốt hai giờ từ thành phố gần nhất là Fort Wayne để đến một thị trấn Amish tên là Elkhart-LaGrange. Jim là nhà tâm lý học đã thực hiện đánh giá tâm lý các thành viên trong cộng đồng người Amish, những người không sống theo pháp luật của Hoa Kỳ. Mặc dù là “người Anh” – cách người Amish gọi tất cả mọi người bên ngoài cộng đồng của họ – nhưng Jim là người hiếm hoi đã trở thành một phần của cộng đồng Amish trong nhiều năm. Ông đồng ý giới thiệu tôi với mọi người ở đó.
Chúng tôi bắt đầu đi bộ qua thị trấn, thấy nhiều ngựa hơn và đi qua những người phụ nữ mặc cùng một kiểu quần áo mà tổ tiên họ đã mặc cách đây 300 năm. Khi người Amish đến Hoa Kỳ vào thời điểm đó, họ quyết tâm sống theo một đức tin chính thống đơn giản về Cơ Đốc giáo và từ chối bất kỳ sự phát triển tân tiến nào có thể gây trở ngại cho đức tin của họ. Quyết tâm đó đã tồn tại lâu dài. Vì vậy, những người tôi sắp gặp không sử dụng mạng lưới điện. Họ không có tivi, không Internet, không ô tô, hầu như không có hàng tiêu dùng. Họ dùng một ngôn ngữ vốn là biến thể của tiếng Đức, tiếng mẹ đẻ của họ. Họ hiếm khi qua lại với những ai không phải người Amish. Họ có một hệ thống trường học riêng biệt và một hệ giá trị hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của Hoa Kỳ.
Khi tôi còn nhỏ, tôi sống không xa một cộng đồng người Do Thái chính thống giáo cực đoan giống như thế này, và khi đi ngang qua họ trên đường, tôi luôn bối rối: Tại sao ai đó lại sống như vậy? Khi lớn lên, thật lòng mà nói, tôi đã nảy sinh một sự khinh thường đối với bất kỳ nhóm người nào từ chối lợi ích của thế giới hiện đại. Tôi xem họ là những kẻ lạc hậu điên rồ. Nhưng bây giờ, khi đang suy ngẫm về một số sai sót trong cách chúng ta đang sống, tôi tự hỏi liệu họ có thể dạy cho tôi điều gì đó hay không.
Freeman Lee Miller đang đợi để gặp chúng tôi bên ngoài một quán ăn. Anh sắp ba mươi tuổi và có bộ râu dài vừa phải (đàn ông Amish bắt đầu nuôi râu khi họ kết hôn). Gần như trước khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện, anh ấy đã chỉ vào một thứ gì đó ở phía xa xa. “Ngay đằng kia, chỗ mái nhà màu đỏ và xanh lá đó, ngay nhà kho ngay đó, thấy không? Đó là nơi tôi lớn lên”, anh nói. Anh sống ở đó từ nhỏ, trong một cụm nhà nằm gần nhau, cùng với bốn thế hệ trong gia đình, tính từ ông bà cố. Họ dùng pin hoặc khí propan để thắp sáng, và việc đi được bao xa phụ thuộc vào khả năng của đôi chân hoặc của ngựa kéo xe.
Điều này có nghĩa là nếu một người lớn không có mặt, “bạn đã có những người khác hướng dẫn bạn đi đúng đường”. Quanh bạn luôn có những người lớn và những đứa trẻ: “Cho nên có thể nói tôi nhận được đầy đủ sự quan tâm”, anh nói. Họ không có khái niệm dành thời gian cho gia đình, vì họ luôn ở bên gia đình. Thông thường, “dành thời gian cho gia đình là đi ra ngoài làm việc trên cánh đồng hoặc vắt sữa bò”. Những lúc khác, nó có nghĩa là thời gian gia đình liên tục ăn uống và tham gia các sự kiện của cộng đồng. Anh giải thích, một gia đình Amish không giống một gia đình người Anh. Đó không chỉ là mẹ, cha và anh chị em của bạn. Đó là một bộ lạc lớn liên kết với nhau gồm khoảng 150 người – thực tế là toàn bộ người Amish, sống trong khoảng cách có thể đi bộ hoặc đi xe ngựa từ nhà. Không có một nhà thờ nào ở chỗ người Amish. Họ thay phiên nhau tụ tập tại nhà của nhau để làm lễ vào Chủ nhật. Không có hệ thống thứ bậc cố định nào trong tôn giáo, mọi người thay phiên nhau làm mục sư và vai trò này được phân bổ ngẫu nhiên.
“Chúng tôi sẽ có nhà thờ trong nhà mình vào Chủ nhật”, anh nói, và sẽ có gia đình ruột thịt, nhưng cũng có tất cả các thành viên Amish khác, một số người anh biết rất rõ, một số người anh chỉ biết sơ qua. “Vì vậy nó xây dựng một mối quan hệ khác... Đó là sự kết nối tình cảm trong cộng đồng của chúng tôi. Và tôi nghĩ đó là chỗ chúng tôi gặp phải khủng hoảng – nếu đột nhiên có người lạ xuất hiện”.
Khi bước sang tuổi 16, tất cả người Amish đều phải bắt đầu một hành trình để được trang bị đầy đủ kiến thức về nền văn hóa của Hoa Kỳ. Họ phải sống trong thế giới của “người Anh” vài năm. Nó được gọi là cuộc dấn thân Rumspringa và ở bên ngoài, họ không cần tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt của người Amish trong khoảng hai năm. Họ say xỉn; họ đến các câu lạc bộ thoát y (ít nhất Freeman Lee đã làm vậy); họ sử dụng điện thoại và Internet. Và sau đó – khi đã trải nghiệm chán chê các thú vui – họ phải đưa ra lựa chọn. Bạn muốn bỏ lại tất cả những điều đó và trở về nhà để tham gia vào Giáo hội Amish, hay bạn muốn ở ngoài thế giới? Nếu ở ngoài thế giới, bạn vẫn có thể về thăm nhà, nhưng bạn sẽ không bao giờ còn là người Amish nữa. Khoảng 80% chọn gia nhập Giáo hội. Trải nghiệm tự do này là một trong những lý do tại sao người Amish không bị coi là một giáo phái. Đó là một sự lựa chọn chân chính.
Freeman Lee yêu thích rất nhiều thứ của thế giới bên ngoài, anh ấy nói với tôi rằng anh vẫn nhớ các trận bóng chày trên tivi và những bài hát nhạc pop mới nhất. Nhưng một trong những lý do khiến anh quay trở lại là vì anh ấy tin rằng cộng đồng Amish là nơi tốt hơn để có con và được làm con. Ở thế giới bên ngoài, anh cảm thấy như thể “bạn luôn hối hả. Bạn không có thời gian cho gia đình. Bạn không có thời gian cho những đứa trẻ”. Anh không hiểu nổi điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ trong một nền văn hóa như vậy. Làm sao chúng trưởng thành? Đó là kiểu sống gì chứ? Tôi hỏi anh rằng liệu mối quan hệ của anh với các con sẽ thay đổi như thế nào nếu (giả sử) anh có tivi. “Chúng tôi có thể xem tivi cùng nhau”, anh nhún vai nói. “Chúng tôi có thể tận hưởng thời gian xem tivi cùng nhau. Nhưng nó vẫn không thể sánh được với việc ra chơi đùa ở ngoài sân. Ngay cả với việc lau dọn xe ngựa cùng nhau thôi, nó cũng không sánh được”.
Sau đó, tôi đến gặp Lauron Beachey, một người đàn ông Amish khoảng ngoài ba mươi, làm nghề bán đấu giá, thường bán giảm giá đồ đạc trong các ngôi nhà đổi chủ. Chúng tôi ngồi trong tiền sảnh nhà anh, xung quanh là những cuốn sách, và anh giải thích với tôi rằng bạn chỉ có thể hiểu sự khác biệt giữa thế giới Amish với thế giới bên ngoài nếu hiểu rằng người Amish đã chọn sống chậm lại một cách có ý thức, và họ không coi đó là một sự thiếu thốn. Anh nói rằng anh biết tôi vừa mới bay đến đây từ một nơi cách xa hàng ngàn dặm: “Tôi muốn bay đến Đất Thánh(*), nhưng giáo hội của chúng tôi đã đồng thuận rằng chúng tôi sẽ không dùng máy bay. Quy ước này giữ cho chúng tôi sống chậm hơn và giúp gia đình gắn bó với nhau hơn – bởi nếu chúng tôi bay được thì tôi có thể bay đến California làm một cuộc đấu giá rồi bay về, còn khi không được bay thì việc đến California sẽ không dễ dàng, vì vậy chúng tôi ở nhà nhiều hơn”.
(*) Đất Thánh (Holy Land) là thuật ngữ trong Do Thái giáo chỉ Vương quốc Israel, còn trong Hồi giáo và Kitô giáo chỉ toàn bộ khu vực giữa sông Jordan và Địa Trung Hải. Nhiều nơi trong Đất Thánh là những địa điểm hành hương tôn giáo của người Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo từ thời Thánh Kinh. (Theo Wikipedia)
Tôi hỏi vì sao anh chọn sự chậm rãi. Lauron nói rằng anh hiểu sẽ đánh mất một số thứ khi giảm tốc độ, nhưng anh nghĩ rằng phần mình đạt được là nhiều hơn. Bạn có được “cảm giác về cộng đồng hàng xóm gần nhà tại địa phương”. Anh nói, “Nếu chúng tôi có xe hơi thì sau đó giáo khu của chúng tôi sẽ rải ra khắp hai mươi dặm. Chúng tôi sẽ không còn sống ngay bên cạnh nhau nữa. Những người hàng xóm sẽ không đến ăn tối thường xuyên như vậy... Sự gần gũi về thể chất sẽ dẫn đến sự gần gũi về tâm linh, về tinh thần. Ô tô và máy bay luôn tiện lợi và chúng tôi thấy được sự tiện lợi của tốc độ đó, nhưng với tư cách là một nhóm người, tôi cho rằng chúng tôi đã quyết định chống lại nó và nhờ đó chúng tôi có được một cộng đồng gắn bó”.
Anh tin rằng nếu bạn có thể ở khắp mọi nơi – trong xe, trên mạng – thì bạn sẽ không ở đâu cả. Ngược lại, người Amish luôn có “cảm giác như đang ở nhà”. Anh ấy đã cho tôi một hình ảnh để mô tả điều này. Theo anh, cuộc đời con người giống như một đống lửa than lớn, ấm áp và rực sáng. Nhưng nếu bạn gắp một viên than ra và cô lập nó, nó sẽ nhanh chóng lụi tàn. Chúng tôi giữ ấm cho nhau bằng cách ở bên nhau. Anh nói: “Tôi rất muốn trở thành một người lái xe tải rong ruổi trên đường, ngắm nhìn đất nước và được trả tiền mà không phải đổ mồ hôi. Tôi rất thích xem các trận tranh suất NBA hằng đêm. Tôi thích xem That ’70s Show vui nhộn. Nhưng tôi không thấy khó để từ bỏ mấy thứ đó”.
Khi chúng tôi trò chuyện lâu hơn, anh bắt đầu so sánh người Amish với các nhóm xung quanh họ ở thế giới của người nói tiếng Anh, như Weight Watchers, nơi mọi người tập hợp lại để giảm cân và hỗ trợ lẫn nhau. Bạn sẽ không bao giờ có thể tự mình chống lại tất cả những thức ăn đó; nhưng khi là một nhóm, kết hợp với nhau, kiểm tra lẫn nhau, khuyến khích lẫn nhau, bạn thấy mình có thể.
Tôi nhìn Lauron, cố gắng xử lý những gì anh đang nói. Tôi hỏi: “Vậy anh đang nói cộng đồng Amish gần giống như một nhóm hỗ trợ chống lại sự cám dỗ của một nền văn minh theo chủ nghĩa cá nhân?”.
Lauron nghĩ về điều đó một lúc, mỉm cười và nói: “Vâng, đó là một lợi ích lớn”.
*
Với tất cả những gì đã học được từ trước, tôi thấy mình như đang bị mất phương hướng khi đến nói chuyện với những người Amish. Nếu khi còn trẻ, tôi sẽ coi tất cả những điều này chỉ là sự lạc hậu. Nhưng một nghiên cứu khoa học lớn về sức khỏe tâm thần của người Amish vào thập niên 1970 cho thấy họ có mức độ trầm cảm thấp hơn đáng kể so với những người Mỹ khác. Một số nghiên cứu nhỏ hơn sau đó cũng đã củng cố phát hiện này.
Chính ở Elkhart-LaGrange, tôi cảm thấy mình có thể nhìn thấy rõ ràng nhất những gì chúng ta đã đánh mất trong thế giới hiện đại – đồng thời, biết chúng ta đã đạt được những gì. Người Amish có một cảm giác thân thuộc và ý nghĩa sâu sắc. Nhưng tôi cũng có thể thấy rằng thật vô lý khi coi cách họ sống như một liều thuốc chữa bách bệnh. Jim và tôi đã dành một buổi chiều ngồi với một người phụ nữ Amish, cô đã cầu xin cộng đồng giúp đỡ khi chồng bạo hành cô và các con trai của họ một cách thô bạo. Các trưởng lão trong giáo hội nói với cô rằng phụ nữ Amish là phải phục tùng chồng, bất kể thế nào. Cô tiếp tục bị bạo hành trong nhiều năm trước khi bỏ đi – một vụ tai tiếng với nhiều người trong cộng đồng.
Cộng đồng người Amish đã được gắn kết theo những cách có thể truyền cảm hứng, nhưng nó cũng được gắn kết bởi một thuyết thần học mà trong nhiều trường hợp có thể coi là cực đoan và tàn bạo. Phụ nữ bị phụ thuộc; người đồng tính bị đối xử tàn tệ; việc đánh đập trẻ em được xem là tốt. Elkhart-LaGrange khiến tôi nhớ lại ngôi làng của cha tôi ở vùng núi Thụy Sĩ, nơi gia đình và cộng đồng có ý nghĩa sâu sắc nhưng các gia đình cũng thường có những nề nếp khắc nghiệt. Điều đó cho thấy tính cộng đồng có sức mạnh và ý nghĩa như thế nào đối với mỗi con người. Và đối với một số người thì sức mạnh này còn đủ lớn để họ chấp nhận nỗi đau và gánh nặng mà mặt trái của nó mang lại.
Tôi tự hỏi đây có phải là một sự đánh đổi không thể tránh khỏi? Việc nâng cao vị thế và các quyền lợi cá nhân có tất yếu dẫn đến sự suy yếu sức mạnh và ý nghĩa của cộng đồng? Liệu chúng ta có phải lựa chọn giữa sự gần gũi đẹp đẽ nhưng tàn nhẫn của Elkhart-LaGrange và nền văn hóa cởi mở nhưng chán nản của Edgware, nơi tôi lớn lên? Tôi không muốn từ bỏ thế giới hiện đại để quay trở về quá khứ thần thoại, nơi chúng ta được kết nối nhiều hơn theo nhiều cách nhưng đồng thời cũng tàn bạo hơn ở nhiều mặt. Tôi muốn xem liệu mình có thể tìm thấy một sự hài hòa mà trong đó chúng ta có thể tiến gần hơn đến sự gắn kết của người Amish mà không làm bản thân ngộp thở hay không. Để đạt được điều đó, chúng ta sẽ phải từ bỏ những gì và củng cố những gì?
Khi tiếp tục lên đường, tôi dần tìm thấy những địa điểm và phương pháp mà tôi nghĩ là có thể cho tôi phần mở đầu cho một giải pháp.
*
Ngồi tại vùng đất của người Amish, Freeman Lee nói với tôi rằng anh biết thế giới của anh có vẻ xa lạ với tôi. “Tôi hiểu các bạn sẽ nhìn nó như thế nào”, anh nói. “Nhưng suy nghĩ của chúng tôi là, bạn có thể có một chút thiên đường trên trái đất này chỉ bằng việc tương tác với những người khác. Bởi vì đó là cách chúng tôi hình dung khi cuộc sống kết thúc, khi bạn lên thiên đường, là tương tác với mọi người. Đó là cách chúng tôi nhìn nhận”. Anh hỏi tôi, nếu hình dung về thế giới bên kia hoàn hảo nghĩa là ở bên những người bạn luôn yêu thương, vậy tại sao bạn không chọn làm điều đó ngay hôm nay, khi bạn vẫn còn sống, để thực sự hiện diện bên cạnh những người bạn yêu thương? Tại sao bạn lại cứ muốn lạc lối trong màn sương mù của những mối bận tâm xao lãng?