Vào mùa hè năm 2011, trong một dự án xây dựng nhà ở kiên cố ở Berlin, một người phụ nữ 63 tuổi trong chiếc khăn trùm đầu cố sức rướn người khỏi xe lăn để dán một thông báo trên cửa sổ. Tờ giấy viết rằng bà đã bị đuổi khỏi nhà vì chậm trả tiền thuê nhà, và vì vậy, trước khi thừa phát lại(*) đến, trong thời gian đúng một tuần, bà sẽ tự sát. Bà không yêu cầu sự giúp đỡ, bởi vì bà biết sẽ không có ai giúp. Bà chỉ muốn mọi người biết lý do cái chết của bà.
Sau này, bà nói với tôi: “Tôi có thể cảm thấy mình đã đến đường cùng, cứ như ngày tận thế đang đến”. Bà Nuriye Cengiz hầu như không biết hàng xóm của mình là ai, và họ cũng không biết bà. Dự án nhà ở nơi bà sinh sống nằm trong một khu phố tên Kotti, tức Berlin’s Bronx – nơi các bậc cha mẹ trung lưu dặn con cái của họ không bao giờ được bén mảng tới vào ban đêm. Dự án nhà ở này cũng giống những dự án mà tôi đã được nhìn thấy trên toàn thế giới, từ Đông London đến Tây Baltimore – một khu vực rộng lớn, không ai biết ai, nơi mà mạnh ai tự hối hả đi thật nhanh về nhà và khóa cửa ba lần.
(*) Thừa phát lại (bailiff) là người được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định. (BTV)
Sự tuyệt vọng của Nuriye chỉ là một trong số nhiều tín hiệu rằng đây không phải là nơi để sống. Trong cả dự án này, đâu đâu cũng có thể thấy sự hiện diện của lo âu và cả những viên thuốc chống trầm cảm.
Không lâu sau, một số cư dân khác bắt đầu gõ cửa nhà Nuriye. Họ ngập ngừng tiếp cận. Bà ổn chứ? Bà có cần giúp đỡ gì không? Bà đã cảnh giác. “Tôi đã nghĩ đó chỉ là sự quan tâm thoáng qua. Tôi nghĩ họ xem tôi là một bà già ngu ngốc trong chiếc khăn trùm đầu”, bà nói.
Trong hành lang và trên con phố bên ngoài căn hộ của Nuriye, những người đã lướt qua nhau trong nhiều năm bỗng dừng lại và nhìn nhau. Họ có lý lẽ chắc chắn để hiểu vì sao Nuriye ra nông nỗi này. Trên khắp Berlin, giá thuê nhà nơi đâu cũng tăng, nhưng người dân ở khu vực lân cận này đang phải đối mặt với mức tăng giá đặc biệt mạnh vì một sự cố lịch sử. Khi Bức tường Berlin được xây dựng gấp rút vào năm 1961, cắt đôi thành phố, tuyến đường của bức tường được vẽ khá tùy tiện, với một số đường ngoằn ngoèo kỳ lạ; và khu vực này, Kotti, đã trở thành một phần của Tây Berlin bị lệch sang Đông Berlin như một chiếc răng. Điều đó có nghĩa đây là tiền tuyến: Nếu phe Liên Xô tấn công, nó sẽ bị chiếm trước. Vì vậy, khu phố đã bị xóa sổ, và đối tượng duy nhất muốn sống trong đống đổ nát là những người bị dân Berlin khác xa lánh. Đó là những người lao động chân tay Thổ Nhĩ Kỳ như Nuriye, những người chiếm đất cánh tả, phiến quân, và những người đồng tính.
Khi họ chuyển đến nơi gần như đã trở nên hoang tàn này, các công nhân Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay vào tái thiết khu phố Kotti, và những người chiếm đất cánh tả cùng những người đồng tính đã ngăn cản chính quyền Berlin đập bỏ toàn bộ nơi này để biến nó thành đường cao tốc. Họ đã cứu cả khu phố.
Nhưng những nhóm này vẫn luôn nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ trong nhiều năm. Họ có thể đoàn kết với nhau khi nghèo khó, nhưng họ lại bị chia rẽ theo mọi cách khác. Sau đó, Bức tường Berlin sụp đổ, và đột nhiên Kotti không còn là khu vực nguy hiểm nữa; nó trở thành bất động sản hàng đầu. Trong khoảng thời gian hai năm, những căn hộ được thuê với giá 600 euro bị đẩy lên 800 euro. Hầu hết những người sống trong dự án nhà ở này đã phải chi hơn một nửa thu nhập của họ cho tiền thuê nhà. Hậu quả là một số gia đình chỉ còn 200 euro để sống cho hết tháng. Nhiều người buộc phải dọn đi, rời khỏi khu phố duy nhất mà họ từng sống.
Vì vậy, thông báo của Nuriye đã khiến những người sống trong dự án nhà ở này khựng lại, không chỉ vì sự đồng cảm, mà vì họ nhìn thấy chính mình trong câu chuyện của bà.
Trong những tháng trước khi bà quyết định dán thông báo lên cửa sổ nhà mình, những người khác trong khu phố đã cố gắng tìm cách thể hiện cơn thịnh nộ của họ. Đây là năm diễn ra cuộc cách mạng Quảng trường Tahrir (và tiếp theo là phong trào Chiếm đóng), và sau khi xem các sự kiện lướt qua tin tức, một trong những người hàng xóm đã nảy ra ý tưởng. Có một con đường chính chạy ngang qua dự án nhà ở của họ vào trung tâm thành phố. Thỉnh thoảng, một số người trong khu phố đã tập trung ở đó để phản đối giá thuê nhà tăng cao.
Lúc ấy họ tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chặn đường bằng một đống ghế và các khúc gỗ, và những cư dân bị buộc phải dời đi khỏi khu phố này – bao gồm cả Nuriye – bước ra khỏi căn hộ của họ và đến đó cùng biểu tình? Điều gì sẽ xảy ra nếu Nuriye ngồi ngay giữa, trên chiếc xe lăn điện to đùng của bà ấy, còn chúng ta đứng cùng bà và tuyên bố sẽ không đi đâu cho đến khi bà ấy được ở lại nhà mình?
Chúng ta sẽ nhận được sự chú ý, truyền thông có thể sẽ đến và có lẽ Nuriye sẽ không tự sát.
Hầu hết mọi người đều nghi ngờ, nhưng một nhóm nhỏ hàng xóm đã đến gặp Nuriye, đề nghị bà đến ngồi cùng họ trong khu trại biểu tình tạm bợ nằm chắn ngang đường. Bà nghĩ có lẽ họ hơi điên rồi. Nhưng vào một buổi sáng, bà bước ra, và ngồi ở ngay bên giao lộ chính. Cảnh tượng một người phụ nữ lớn tuổi quàng khăn trùm đầu, ngồi trên xe lăn ngay giữa phố, bên cạnh là một ụ chướng ngại vật, đã gây hiếu kỳ. Các phương tiện truyền thông địa phương đã được bật đèn xanh đến tìm hiểu điều gì đang xảy ra. Những người hàng xóm khác bắt đầu kể câu chuyện của họ trước máy quay. Mọi người nói về việc họ sống gần như vô sản, và lo sợ phải chuyển ra vùng ngoại ô, nơi người ta có nhiều thành kiến hơn đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc phe cánh tả hay người đồng tính. Một trong những phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ vì nghèo đói đã buộc phải rời bỏ đất nước của mình 30 năm trước, sau này giải thích với tôi: “Chúng tôi đã từng một lần mất đi nơi ở của mình. Chúng tôi không thể để mất nó hai lần”.
Ngạn ngữ có câu: “Con không khóc, mẹ không cho bú”. Họ nói họ bắt đầu cuộc biểu tình vì nghĩ rằng đây là cách duy nhất có thể khiến ai đó lắng nghe.
Nhưng ngay sau đó, cảnh sát đến và nói – được rồi, vui thế đủ rồi; đã đến lúc giải tán ai về nhà nấy. Những người hàng xóm trả lời rằng họ chưa được nghe một tuyên bố đảm bảo chuyện Nuriye có thể giữ được nhà của bà ấy, và quan trọng hơn, giờ đây họ muốn được đảm bảo rằng giá thuê nhà phải có mức trần. Sandy Kaltnborn, người có cha mẹ là công nhân xây dựng di cư từ Afghanistan, nói: “Chúng tôi đã xây nên thành phố này. Chúng tôi không phải là những kẻ cặn bã của xã hội. Chúng tôi có quyền đối với thành phố, bởi vì chúng tôi đã xây dựng thành phố này. Những người đã làm cho thành phố này trở nên đáng sống không phải là những chủ đầu tư đang đòi tăng giá kia, mà là tất cả người dân”.
Những người hàng xóm sợ rằng vào ban đêm, cảnh sát sẽ dọn hết đống ghế và gỗ mà họ đã dựng lên, vì vậy họ đã đề ra một kế hoạch. Một người phụ nữ tên là Taina Gartner cũng sống ở Kotti tình cờ có một chiếc còi điện lớn trong căn hộ của cô, và cô đã mang nó đến. Cô nói rằng họ nên lập một bảng chia ca điều động người trực tại địa điểm biểu tình, nếu cảnh sát đến, bất cứ ai ở đó cũng có thể bấm còi. Rồi mọi người sẽ ùa ra ngăn cản.
Người ta bắt đầu giành nhau ghi tên vào bảng phân chia để làm việc theo ca, suốt ngày đêm, ở địa điểm biểu tình trên phố. Bạn không biết mình sẽ bắt cặp với ai, chỉ biết rằng đó là một người hàng xóm ngẫu nhiên mà bạn chưa từng gặp. “Tôi không nghĩ việc này kéo dài được hơn ba ngày”, Uli Hamann, một trong những người hàng xóm có mặt đêm đó nhớ lại. Hầu như tất cả mọi người đều nghi ngờ như nhau.
*
Đó là giữa đêm Berlin lạnh giá, Nuriye đang ngồi giữa phố, trên chiếc xe lăn của mình. Ai cũng sợ hãi khi phải ngồi ngoài trời đêm ở Kotti, nhưng bà nói: “Tôi nghĩ, tôi không có gì để mất, tôi không có tiền; nếu người ta muốn giết tôi thì tôi đã chết rồi, vậy nên không có gì phải lo lắng”.
Có vẻ như chẳng mấy chốc toàn bộ trại biểu tình sẽ tan rã, bởi vì mọi người đang được ghép cặp thông qua vị trí ngẫu nhiên của tên họ trên giấy với những người mà họ đã ngờ vực từ lâu. Nuriye ban đầu được ghép đôi với Taina, một bà mẹ đơn thân 46 tuổi có mái tóc xù, ngực và cánh tay xăm trổ đầy mình, mặc một chiếc váy ngắn cũn cỡn giữa mùa đông nước Đức. Đứng cạnh nhau, họ trông giống như một bộ đôi hài kịch, hai cực đối lập của cuộc sống ở Berlin – một người Thổ Nhĩ Kỳ nhập cư theo Hồi giáo và một người Đức theo phong cách híp-pi.
Họ ngồi bên nhau, giữ vững các chướng ngại vật. Taina nghĩ cô biết mọi thứ về khu phố này, nhưng nhìn trong bóng tối, cô bắt đầu thấy nó khác đi – nó im lặng thế nào vào ban đêm, đèn đường tỏa ánh sáng lờ mờ ra sao.
Lúc đầu, Taina lúng túng gõ nhẹ vào máy tính xách tay của mình. Nhưng rồi sau nhiều đêm, họ bắt đầu kể cho nhau nghe về cuộc sống của mình. Và họ phát hiện ra một điều. Cả hai đều đến Kotti khi còn rất trẻ, và cả hai đều đang chạy trốn.
Nuriye lớn lên bên bếp lửa nấu ăn, bởi vì trong khu phố nghèo nơi bà sống không có điện và không có nước máy. Năm 17 tuổi, bà kết hôn và có con. Bà quyết tâm cho các con một cuộc sống tốt hơn, vì vậy bà khai gian thêm vài tuổi để có thể đến Kotti làm việc ở nhà máy lắp ráp linh kiện. Trong nhà máy, bà kiếm tiền để có thể gửi cho chồng. Nhưng khi gửi tiền về được thì bà nhận một tin sét đánh: Ông đã bất ngờ qua đời. Đột nhiên, Nuriye nhận ra bà đang một mình giữa nước Đức, chưa đến 20 tuổi, xa quê hương, với hai đứa con phải nuôi nấng.
Bà đã phải làm việc không ngừng. Khi tan ca ở nhà máy, bà làm nghề dọn dẹp; sau đó về nhà ngủ vài giờ rồi thức dậy vào lúc bình minh để đi giao báo.
Taina đặt chân đến Kotti năm 14 tuổi, sau khi bị mẹ ném ra đường. Cô không muốn vào trại mồ côi, và cô nói với tôi: “Tôi luôn tò mò muốn đến Kreutzberg 36 (Kotti)”, bởi vì mẹ cô nói rằng nếu cô đến đó thì “mày sẽ ăn ngay một dao vào lưng”. Điều này đối với cô dường như vô cùng thú vị. Khi đến nơi, cô thấy “tất cả các ngôi nhà đều trông giống như vừa trải qua Thế chiến thứ hai – tất cả đều trống rỗng và bị phá hủy... Vì vậy, chúng tôi bắt đầu chiếm những ngôi nhà dưới bóng bức tường Berlin. Chỉ có một số người như tôi và một số người Thổ Nhĩ Kỳ sống ở đây từ trước, trong những ngôi nhà hoang mà họ đã được cấp cho”.
Khi cô bước vào những ngôi nhà đổ nát, “đôi khi nó thực sự rất ma quái, bởi vì tất cả bàn ghế vẫn còn nguyên, đầy đủ trang thiết bị, chỉ có mọi người là biến mất. Chúng tôi nghĩ, chuyện gì đã xảy ra ở đây nhỉ?”. Taina đã cùng vài người bạn thành lập một công xã, và họ sống tập thể cùng nhau trong những phế tích còn sót lại. “Chúng tôi đã từng là rác rưởi của xã hội. Chúng tôi từng bị chối bỏ bởi nền chính trị – và rồi chúng tôi biến các ngôi nhà đó thành những câu lạc bộ, với những ban nhạc của riêng mình ở đó. Không tốn bất cứ chi phí nào cả – chỉ cần một, hai, ba đồng mark là ban nhạc cũng có thể sống; bia và đồ uống mọi thứ đều rất rẻ”. Sau vài năm, cô phát hiện ra mình có thai trong khi cuộc sống vẫn đang rất tạm bợ. “Đối với tôi, đó là một tình huống rất tồi tệ. Đột nhiên tôi chỉ có một mình với đứa con trai của tôi. Không có ai xung quanh giúp tôi cả. Đó là một tình huống thực sự kỳ lạ”.
Taina và Nuriye đều đã ở một mình và làm mẹ đơn thân ở một nơi mà họ không hề quen thuộc.
Vào ngày Bức tường Berlin sụp đổ, Taina đang đẩy con trai nhỏ trong chiếc xe nôi thì nhìn thấy vài thanh niên Đông Đức đang chui qua một cái lỗ trên tường. “Cửa hàng băng đĩa gần nhất ở đâu?”, họ hỏi. “Chúng tôi muốn mua mấy đĩa nhạc punk”. Cô trả lời: “Có một cái ở rất gần, nhưng tôi không nghĩ mấy người có tiền”. Họ hỏi cô ấy giá cả, và khi cô nói giá, mặt họ sầm xuống. Lúc đó, Taina nghèo rớt mồng tơi, nhưng cô đã mở ví và đưa cho họ tất cả những gì mình có. Cô nói: “Này, mấy người. Đi đi. Đi mua đĩa đi”.
Khi Nuriye nghe Taina kể như vậy, bà nghĩ thầm: “Lại là một kẻ điên rồ như mình!”. Trước đây bà chưa từng kể ai nghe, nhưng bà tâm sự với Taina rằng chồng bà ở Thổ Nhĩ Kỳ không chết vì bệnh tim như bà vẫn luôn nói. Ông ấy chết vì bệnh lao. “Tôi luôn xấu hổ khi nói ra điều đó”, bà nói. “Đó là một căn bệnh của nghèo đói. Ông ấy không đủ ăn, không được chăm sóc y tế. Đó cũng là một lý do khiến tôi đến đây, tôi đã nghĩ ông ấy sẽ có cơ hội được điều trị y tế và có lẽ tôi sẽ đưa được ông ấy sang đây. Nhưng đã quá muộn”.
Sau giờ trực đêm của Nuriye và Taina, tiếp theo là Mehmet Kavlak, một cậu bé người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ 17 tuổi mặc chiếc quần jean rộng thùng thình. Cậu suốt ngày nghe hip-hop và có nguy cơ bị đuổi khỏi trường. Mehmet được ghép ca với một giáo viên da trắng đã nghỉ hưu tên là Detlev, một người theo chủ nghĩa Cộng sản kiểu cũ. Ông ta gắt gỏng nói với Mehmet: “Điều này đi ngược lại tất cả niềm tin của tôi”. Ông nghĩ loại chính trị “cải cách” này – cố gắng mang lại sự thay đổi dần dần – thật vô nghĩa. Nhưng ông vẫn trực ở đó. Nhiều đêm trôi qua, Mehmet bắt đầu kể về những vấn đề của mình ở trường. Sau một thời gian, Detlev đề nghị cậu nên mang theo bài tập ở trường đến để ông có thể dạy kèm cho cậu. Khi nhiều tuần rồi nhiều tháng trôi qua, “ông ấy đã trở thành một người ông của tôi”, Mehmet nói. Kết quả học tập của cậu bắt đầu tiến bộ, nhà trường đã ngừng đe dọa đuổi học cậu.
*
Mái dù che khu trại tạm bợ nhỏ bé này được tài trợ bởi Sudblock, một quán cà phê và câu lạc bộ dành cho người đồng tính nam mở cửa vài năm trước, nằm ngay đối diện dự án nhà ở. Khi nó khai trương, một số cư dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tỏ ra phẫn nộ và cửa sổ của nó bị đập vỡ trong đêm. “Tôi nghĩ họ không nên mở một quán cà phê đồng tính nam trong khu phố của tôi”, Mehmet nói.
Richard Stein – một cựu y tá, chủ câu lạc bộ – có bộ râu hơi nhọn. Anh kể rằng anh đến Kotti khi mới trạc 20, từ ngôi làng nhỏ quê anh ở gần Cologne. Cũng như Nuriye và Taina, anh coi mình như một kẻ chạy trốn. “Khi bạn lớn lên ở một ngôi làng nhỏ ở Tây Đức và là một người đồng tính, thì bạn phải ra đi. Không có lựa chọn nào khác”. Khi anh mới đến đây, để vào Tây Berlin, bạn phải đi dọc theo một đường cao tốc nhỏ hẹp bao quanh là các vệ binh vũ trang, bởi vì “Tây Berlin là một hòn đảo nằm giữa biển Cộng sản”, và Kotti “được bao quanh bởi bức tường”, vì vậy anh xem nó như một hòn đảo bị đắm bên trong một hòn đảo bị đắm. Anh nói với tôi, người Berlin thực thụ luôn đến từ một nơi khác. Và đây là Berlin thực sự của anh.
Quán bar đầu tiên Richard mở vào đầu những năm 1990 có tên là Café Anal. (Anh đã từng nghĩ đến một cái tên khác, Gay Pig). Họ tổ chức những đêm tiệc giả trang nữ, và trong những năm sau khi Bức tường sụp đổ, khi cả thế giới hướng về Berlin để tổ chức tiệc tùng ở miền Tây hoang dã mới, những bữa tiệc của họ được coi là thuộc dạng khiêu dâm bậc nhất thành phố. Vì vậy, khi Richard đến đây mở quán Sudblock, anh đã mời những người hàng xóm đến quán của mình uống cà phê và ăn bánh, nhưng họ đều tỏ ra cảnh giác, hoặc tệ hơn, một số người sẽ nổi cáu với anh.
Khi cuộc biểu tình của Nuriye bắt đầu, Richard và những người khác ở Sudblock đã cung cấp ghế, dù che, đồ uống và thức ăn, hoàn toàn miễn phí. Nhưng đến lúc Richard đề xuất rằng các cư dân có thể gặp nhau bất cứ khi nào họ muốn ở Sudblock, có thể tổ chức tất cả các cuộc họp lập kế hoạch ở đó, thì “một số người trong chúng tôi tỏ ra lưỡng lự”, Matthias Clausen, một trong những cư dân nói với tôi, “bởi vì có rất nhiều người bảo thủ ở đây”. Sandy Kaltnborn cho biết thêm: “Rất nhiều người trong số họ thực sự kỳ thị người đồng tính”. Vì vậy, họ lo lắng mọi người sẽ không đến.
Nhưng trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, họ đã ở đó, dẫu còn ngập ngừng – tất cả những bà già đội khăn trùm đầu, những người đàn ông sùng đạo, ngồi với những người mặc váy ngắn, trong một câu lạc bộ đồng tính nam. Tất cả các bên đều lo lắng. Một số người đồng tính cũng lo lắng về điều đó, họ nghĩ rằng điều này sẽ hủy hoại sự đoàn kết của cư dân bằng cách đẩy những người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ đi quá xa. Nhưng có vẻ như nhu cầu chống lại việc tăng giá thuê nhà đã vượt qua mối âu lo này. “Mọi người đều đã rời bỏ xuất phát điểm của mình rất xa”, Uli Kaltnborn nhớ lại.
Một số cư dân cánh tả có ý thức hơn, những người đã từng tham gia vào các cuộc biểu tình trước đây, đã phát hiện ra điều gì đó ngay trong những cuộc họp ban đầu. Matthias Clausen nói với tôi: “Chúng tôi nói những ngôn ngữ khác nhau theo nghĩa đen”. Nếu họ sử dụng các biệt ngữ của những nhà hoạt động cánh tả – ngôn ngữ thông thường mà người cánh tả nói với nhau – thì những người bình thường này thực sự không biết họ đang nói về cái gì. Họ sẽ nhìn ngược lại, đầy bối rối. Vì vậy, Matthias nói: “Chúng tôi phải tìm cách nói... sao cho mọi người có thể hiểu. Điều đó buộc chúng tôi phải suy nghĩ về những gì mình muốn nói, không nên lạm dụng những thuật ngữ quá chuyên môn mà cuối cùng chẳng nói lên được điều gì”. Và nó liên quan đến việc lắng nghe những người mà anh ấy chưa bao giờ lắng nghe trước đây.
Mọi người đều nhất trí về một mục tiêu: Giá thuê nhà quá cao và phải giảm giá xuống. “Đó là khoảnh khắc mà mọi người cùng đồng lòng rằng... chúng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa”, một người dân nói với tôi. “Chúng tôi ở đây. Chúng tôi đã xây dựng khu phố này. Và chúng tôi không muốn chuyển đi nơi khác”.
Một số công nhân xây dựng sống ở Kotti cho rằng đây sẽ là một cuộc chiến lâu dài, và vì vậy họ cảm thấy họ nên biến trại biểu tình dựng bằng ghế và dù che thành một công trình kiên cố hơn. Các công nhân xây dựng sống ở đó đã xây cho nó những bức tường và một mái nhà. Ai đó đã lấy một chiếc ấm đun trà xinh đẹp kiểu Nga cũ – một cách để đun nước pha trà và các đồ uống nóng khác phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ – trong nhà mình đưa cho những người biểu tình. Họ đặt tên cho khu trại là “Kotti and Co.”. Trước đó, một số ít cư dân đã tự liên hệ riêng với các chính trị gia Berlin để phàn nàn về việc tăng tiền thuê nhà, nhưng đã bị từ chối hoặc bị làm lơ. Bây giờ mọi người từ khắp nơi trong thành phố đều kéo đến để xem cuộc biểu tình, và những người biểu tình đã xuất hiện trên trang nhất các tờ báo. Nuriye đã trở thành một biểu tượng. Vì vậy, các chính trị gia bắt đầu quay ngoắt lại, họ cam kết sẽ xem xét yêu cầu.
Những người sống ở Kotti, những người trước đây hoàn toàn ngắt kết nối với người khác – chỉ đi từ nhà đến nơi làm việc, né tránh ánh mắt của người khác – bắt đầu giao tiếp bằng cách nhìn vào mắt nhau trở lại. “Đột nhiên, bạn bước vào một không gian mà bạn chưa từng bước vào trước đây”, một người dân tên Sandy nói với tôi. “Bạn phải lắng nghe nhiều hơn... Chúng tôi đã gặp những người mà chúng tôi chưa bao giờ gặp trước đây”. Một đêm, anh ấy được hai người đàn ông lớn tuổi kể lại cảm giác thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ. Anh ấy chưa bao giờ nghĩ rằng những người hàng xóm của mình từng sống như thế.
Nuriye đã rất ngạc nhiên khi mọi người đã đáp lại thông điệp trên cửa sổ của bà ấy. “Họ có vẻ thích tôi, tôi thực sự không biết tại sao”, bà nói với tôi. “Họ luôn đến và dành thời gian ở lại với tôi”.
Sau vài tháng, họ quyết định cần phải đẩy mạnh các cuộc biểu tình hơn nữa, vì vậy họ quyết định tổ chức một cuộc tuần hành. Nuriye chưa bao giờ tham gia một cuộc biểu tình nào trước đây, nên bà muốn ở phía sau. Taina – trong bộ váy ngắn cũn cỡn – nói với bà điều đó thật vô lý: Họ sẽ ở ngay phía trước, dẫn đầu cuộc tuần hành. Và thế là họ đã ở đó, dẫn đầu cuộc biểu tình. Họ gõ vào nồi chảo, và khi đoàn biểu tình đi qua Kotti, mọi người trên đường phố đều cổ vũ họ. Từ cửa sổ, một gia đình đã treo biểu ngữ: TẤT CẢ CHÚNG TA SẼ Ở LẠI ĐÂY.
Các cư dân bắt đầu điều tra lý do tại sao giá thuê nhà lại tăng. Họ phát hiện ra rằng nhiều năm trước đó, vào những năm 1970, có hàng loạt giao dịch tài sản kỳ lạ đã được thực hiện. Vào thời điểm đó, mọi người đang rời bỏ Tây Berlin, và chính phủ Tây Đức biết rằng sẽ thật bẽ mặt cho phương Tây nếu phòng trưng bày của thế giới tự do ở giữa lòng chủ nghĩa cộng sản này lại bị bỏ hoang. Vì vậy các nhà phát triển bất động sản được ưu đãi rất hào phóng để đổi lại việc họ chịu đầu tư xây dựng những khu nhà ở khu vực này. Theo tính toán của những người phản đối thì phần ưu đãi tiền thuê mà các công ty đã được nhận trong suốt nhiều năm đã bù được gấp năm lần chi phí đầu tư vào việc xây dựng các tòa nhà. Nhưng rồi, các cư dân vẫn phải trả tiền thuê nhà ngày càng cao.
Các cuộc biểu tình của họ vẫn tiếp tục trong nhiều tháng. Đôi khi có rất nhiều người đến, đôi khi không.
Một ngày nọ, một trong những cư dân gắn bó nhất, Uli Kaltnhorn, đã bật khóc tại một trong những cuộc họp. Cô đã kiệt sức. Đã có rất nhiều ca trực đêm, và rất nhiều hoạt động, mà dường như giá thuê không có gì thay đổi cả. “Trông cô thật mệt mỏi. Trông cô xuống sức quá”, một người dân khác nói. “Chúng ta nên dừng lại, chúng ta nên dừng biểu tình và về nhà. Thật không đáng khi cô xuống tinh thần như vậy”.
Nhưng, Uli nhớ lại: “Cho dù đây là cái giá phải trả thì chúng ta vẫn đấu tranh đến cùng. Chúng tôi đã nhìn nhau: Để xem, chúng tôi có thể chịu đựng được đến đâu”.
*
Khoảng ba tháng sau khi cuộc biểu tình bắt đầu, một ngày nọ, một người đàn ông độ ngoài 50 xuất hiện tại địa điểm biểu tình “Kotti and Co.”. Tên ông ta là Tuncai; ông chỉ còn vài chiếc răng, và vòm miệng dị tật khiến ông ta khó nói chuyện. Tuncai rõ ràng đã sống không nhà không cửa suốt một thời gian. Ông ấy bắt đầu dọn dẹp mạng nhện mà không cần ai yêu cầu. Rồi tình nguyện hỏi còn việc gì khác để làm không.
Tuncai quanh quẩn trong vài ngày, sửa một vài thứ lặt vặt và xách nước từ câu lạc bộ dành cho người đồng tính bên kia đường tới trại biểu tình, cho đến khi Mehmet – cậu bé hâm mộ hip-hop, một trong những người trực ca đêm – nói với ông rằng ông cứ qua đêm ở đó. Trong vài tuần tiếp theo, Tuncai đã nói chuyện với một số cư dân Thổ Nhĩ Kỳ bảo thủ nhất, những người đã tránh xa cuộc biểu tình. Họ mang quần áo và thức ăn cho ông ta, và bắt đầu làm thân với nhau.
Chẳng bao lâu sau, trại được những phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ địa phương điều hành vào ban ngày – đó những người thường phải ở nhà một mình gần như suốt cả ngày. Họ yêu mến Tuncai.
“Chúng tôi cần ông ở đây luôn”, một ngày nọ Mehmet nói với Tuncai, và họ dọn cho ông một chiếc giường, mọi người đua nhau cho Tuncai đồ đạc, cho đến khi quán bar đồng tính Sudblock bên kia đường nhận ông vào làm. Tuncai trở thành một phần quan trọng của trại: bất cứ khi nào mọi người xuống đó, ông sẽ ôm họ. Khi họ dẫn đầu các cuộc tuần hành, ông sẽ đi phía trước, thổi còi.
Rồi một ngày, cảnh sát ập đến một trong những cuộc biểu tình. Tuncai không thích mọi người tranh cãi, vì vậy khi nghĩ rằng họ đang tranh cãi, ông tiến đến một người cảnh sát và cố gắng ôm anh ta. Họ đã bắt ông đi. Rồi người ta phát hiện ra rằng nhiều tháng trước khi Tuncai đến “Kotti and Co.”, Tuncai đã trốn khỏi một viện tâm thần, nơi ông đã bị giam giữ hầu hết quãng đời trưởng thành. Cảnh sát đã đưa ông trở lại đó. Bệnh nhân tâm thần được chia vào các viện tâm thần của Berlin theo chữ cái đầu tiên trong họ của họ, vì vậy Tuncai được gửi đến phía bên kia thành phố. Ông bị nhốt trong một căn phòng trống, không có đồ đạc gì ngoài một chiếc giường, và cửa sổ luôn đóng kín. Ông kể với tôi: “Cửa sổ luôn luôn đóng. Điều tồi tệ nhất là sự cô lập. Bạn bị cô lập khỏi mọi thứ ”.
Trở lại “Kotti and Co.”, mọi người yêu cầu được biết Tuncai bị đưa đi đâu. Những người phụ nữ lớn tuổi người Thổ Nhĩ Kỳ bước vào Sudblock và nói với chủ quán Richard Stein: “Họ bắt Tuncai rồi! Chúng ta phải cứu anh ấy về lại đây. Anh ấy thuộc về chúng ta”.
Các cư dân đã đến gặp cảnh sát, ban đầu họ không được cho biết bất cứ điều gì. Cuối cùng thì họ cũng lần ra được Tuncai tại nơi anh đang bị giam giữ. Ba mươi người từ “Kotti and Co.” đã đến đó để giải thích rằng họ muốn Tuncai trở lại với họ. Khi được thông báo rằng phải nhốt Tuncai, họ nói: “Không đời nào. Tuncai không phải là người cần phải bị nhốt. Thả anh ấy ra để anh ấy về với chúng tôi”.
Khi trại tự biến mình thành một phong trào Giải phóng Tuncai – họ cùng nhau đưa ra một bản kiến nghị để cứu ông ra ngoài, và họ liên tục xuất hiện tại cơ sở tâm thần đó, từng nhóm lớn, để yêu cầu được gặp Tuncai và để ông về nhà với họ. Nơi này được bao quanh bởi hàng rào thép gai, an ninh như một sân bay. Họ nói với các bác sĩ tâm thần: “Tất cả chúng tôi đều biết bản chất con người anh ấy, và chúng tôi yêu mến anh ấy”.
Các nhà chức trách quản lý bệnh viện tâm thần rất bối rối. Họ chưa bao giờ thấy một cuộc biểu tình đòi thả bệnh nhân lớn đến như thế. Sandy nói với tôi: “Họ chưa bao giờ nghĩ ai đó sẽ quan tâm đến một trong những người được gọi là ‘thân chủ’ của họ”. Uli nói thêm: “Sự bướng bỉnh của chúng tôi, việc chúng tôi không tin rằng hệ thống chết tiệt này sẽ chống cự được lâu, đã khiến chúng tôi thúc ép bọn họ”. Họ biết được rằng trước đó Tuncai đã từng trốn thoát năm lần, và lần nào ông ấy cũng bị bắt giam trở lại. “Không ai cho anh ấy bất kỳ cơ hội nào”, Sandy nhận ra. “Đó là một ví dụ điển hình về việc nhiều người không có bất kỳ cơ hội nào”.
Cuối cùng, sau tám tuần phản đối, các nhà chức trách đã đồng ý trả tự do cho Tuncai nếu có thể đáp ứng một số điều kiện nhất định. Ông ấy cần phải có một căn hộ và một công việc được trả lương lâu dài. “Bất kỳ ai quen Tuncai đều biết đó là những điều cuối cùng anh ấy nghĩ đến”, Uli nói. “Điều anh ấy cần là ý thức về cộng đồng mà anh ấy gắn bó và thấy mình có ích. Anh ấy cần cảm nhận một điều gì đó, một cảm nhận về mặt xã hội, một mục tiêu mà anh ấy thích và được chia sẻ với mọi người. Họ chưa bao giờ nhìn ra điều đó”. Nhưng tốt thôi. Sudblock xác nhận rằng Tuncai có một công việc lâu dài ở chỗ họ. Và một người đàn ông lớn tuổi đã quyết định rời bỏ căn hộ của mình sau khi tivi của ông bị cháy, vì vậy Tuncai đã được giao cho căn hộ đó, cả cộng đồng đã cùng đến giúp sửa sang, trang trí lại nó để chào đón ông về nhà.
Khi tôi ngồi với Tuncai trong trại biểu tình, ông ấy nói với tôi: “Họ đã cho tôi rất nhiều – quần áo, thức ăn nóng hổi và một nơi để ở. Khi tôi ở trong bệnh viện, họ đã làm đơn đòi thả tôi ra, tôi không biết làm sao đền đáp lại tất cả ân tình đó. Thật không thể tin được”. Rồi ông nói thêm: “Tôi vô cùng hạnh phúc. Gia đình tôi là Uli và Mehmet và tất cả những người đứng đằng sau tôi, hạnh phúc vô cùng... Được ở đây và được làm việc ở quán Café Sudblock là điều thật tuyệt vời”.
“Cho tới 53 tuổi, anh ấy mới tìm thấy căn nhà đầu tiên của mình”, Uli nói với tôi.
Rất nhiều người bị lôi cuốn vào các cuộc biểu tình ở Kotti đã cảm thấy như vậy. Matthias Clausen, một sinh viên sống trong dự án nhà ở, nói với tôi: “Từ khi còn rất nhỏ, cứ bốn hoặc sáu năm tôi lại chuyển nhà một lần, và chưa nơi nào cho tôi cảm giác là nhà như khi ở đây. Tôi chưa bao giờ quen biết nhiều hàng xóm đến vậy, điều đó rất đặc biệt... Tôi chưa bao giờ có được điều gì đó như thế này với bất kỳ người hàng xóm nào trong đời, và cũng chẳng mấy người có được đâu”.
Trong cuộc chiến đòi giảm giá thuê nhà và cuộc chiến giành lại Tuncai, những người phản đối đã dần thay đổi lẫn nhau. Việc câu lạc bộ đồng tính nam tập hợp lại để giải cứu người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ khốn khổ này đã gây ấn tượng cho tất cả những người hàng xóm Thổ Nhĩ Kỳ của họ. Mehmet – người đã phản đối khi câu lạc bộ đồng tính mở cửa – nói với tôi: “Khi hiểu về họ, tôi mới nhận ra rằng mọi người đều có thể làm những gì họ muốn. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ Sudblock... Điều đó chắc chắn đã thay đổi tôi”. Và khi nói đến các cuộc biểu tình lớn hơn, cậu ấy nói: “Một người khiến tôi ngạc nhiên nhất là chính bản thân mình. Tôi nhận ra mình có thể làm gì, nhận ra năng lực của bản thân”.
Khi có ai đó nhận xét rằng điều ấy thật lạ lùng – liên minh của người Hồi giáo và người đồng tính, những người ngồi xổm và những người quàng khăn trùm đầu – những người ở Kotti sẽ chế giễu ngược lại họ. “Đó không phải là vấn đề của tôi! Đó là vấn đề của những người nghĩ như vậy!”. Nuriye nói với tôi: “Đó không phải là vấn đề của tôi. Nếu ai đó cảm thấy không hài lòng về cái váy ngắn ngủn của Taina và chiếc khăn trùm đầu của tôi, đó không phải là vấn đề của tôi. Chúng tôi nghĩ rằng chúng hợp nhau”. Bà phá lên cười. “Nếu bạn thấy điều này không bình thường thì cứ đến gặp chuyên gia tâm lý đi! Chúng tôi là bạn bè. Tôi đã học được trong gia đình và trong suốt cuộc đời mình là đừng quan tâm đến vẻ bề ngoài. Điều quan trọng là tâm hồn”.
Con đường học cách chấp nhận người khác không là một con đường thẳng. Nó có những đoạn gãy, những khúc ngoằn ngoèo. “Mọi người nên làm những gì họ muốn, miễn là họ không cố gắng cải tạo tôi”, Nuriye nói. “Tôi không chắc mình sẽ phản ứng thế nào nếu các con tôi nói rằng chúng là người đồng tính, tôi không biết nữa”. Sudblock đề nghị tài trợ cho đội bóng đá nữ thiếu niên Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng cha mẹ các em nói việc ghi tên câu lạc bộ đồng tính trên áo thi đấu của con gái họ là đi quá xa.
Một ngày nọ, sau khi cuộc biểu tình đã kéo dài khá lâu, Richard Stein đang ở trong quán bar của mình thì một trong những cư dân Thổ Nhĩ Kỳ bảo thủ nhất – một phụ nữ trùm khăn niqab kín mít – đưa cho anh một ít bánh ngọt. Anh mở hộp. Trên lớp kem của một cái bánh, bà cắm một lá cờ nhỏ màu cầu vồng(*).
(*) Cờ cầu vồng là biểu tượng của cộng đồng LGBT, trong đó có người đồng tính nam. (BTV)
*
Nhưng trong khi những thành viên của “Kotti and Co.” trở nên gần gũi với nhau hơn, thì những vụ trục xuất vẫn tiếp tục. Một ngày nọ, Nuriye gặp một người phụ nữ giống mình. Rosemary ở độ tuổi 60, chủ yếu ngồi trên xe lăn, cũng sắp bị đuổi khỏi nhà vì không trả nổi tiền thuê ở một khu vực khác của Berlin. “Bà ấy đã phải chịu đựng rất nhiều ở Đông Đức, bà ấy từng bị tra tấn và không được khỏe mạnh, bà ấy bị bệnh về cả thể chất lẫn tinh thần”, Nuriye nhớ lại. “Tôi cảm thấy rúng động vì người phụ nữ này sắp bị đuổi ra đường”. Vì vậy, Nuriye quyết định hành động trực tiếp hơn. Khi nghe tin có một vụ trục xuất nào xảy ra, bà sẽ đi đến đó – thường là với Taina – và chặn chiếc xe lăn điện lớn của mình ngang cửa, để các thừa phát lại không thể vào nhà.
“Tôi rất tức giận và quyết định chặn cửa bằng bất cứ cách nào có thể”, bà nói. Khi cảnh sát đến và cố gắng kéo bà ra, bà nói rằng bà vừa được phẫu thuật cắt túi mật – đó là sự thật. “Tôi đã nói nếu các người chạm vào tôi, nếu tôi có mệnh hệ nào thì những người ở đây sẽ làm chứng cho tôi, các ông sẽ gặp chuyện đó... Tôi sẽ không phản kháng, tôi sẽ không nguyền rủa, nhưng những gì các ông đang làm thật sai lầm. Đừng động vào tôi”.
“Khuôn mặt chảy dài của họ cho thấy họ không mong thấy chuyện như vậy”, Taina nói với tôi. “Một cuộc biểu tình như thế, một phụ nữ Hồi giáo ngồi xe lăn ở lì ra đó và chẳng e ngại họ chút nào. Họ có tất cả công cụ để thi hành cưỡng chế, mà bà ấy cứ ngồi trên chiếc xe lăn của mình và mỉm cười nói: ‘Tôi sẽ không đi đâu cả’”.
Nhưng Rosemary đã bị đuổi khỏi nhà. Hai ngày sau, trong một nơi trú ẩn lạnh lẽo dành cho người vô gia cư, bà qua đời vì một cơn đau tim.
Bản thân Nuriye, không lâu sau chuyện này, cũng bị buộc phải rời khỏi căn nhà của mình, dù sau một thời gian dài cuống cuồng tìm kiếm, cộng đồng đã tìm được cho bà một căn hộ khác chỉ cách đó một quãng ngắn.
Vì vậy, “Kotti and Co.” đã tăng cường hoạt động của họ. Họ phản đối nhiều hơn. Họ tranh luận nhiều hơn. Họ diễu hành nhiều hơn. Họ thu hút nhiều phương tiện truyền thông hơn.
Họ tìm hiểu sâu hơn về tài chính của các công ty sở hữu nhà, và nhận thấy rằng ngay cả các chính trị gia của thành phố cũng không hiểu những hợp đồng lố bịch đã được soạn thảo từ rất lâu trước đây.
Và một ngày nọ, một năm sau khi cuộc biểu tình của họ bắt đầu, tin tức được công bố. Nhờ áp lực chính trị của Kotti, giá thuê nhà của họ sẽ được ổn định. Người ta đảm bảo rằng giá thuê nhà sẽ không tăng nữa. Điều này đã không xảy ra ở bất kỳ dự án nhà ở nào khác tại Berlin, nhưng nó đã xảy ra ở đây. Đó là hiệu quả trực tiếp từ hoạt động tích cực của họ.
Mọi người rất xúc động, nhưng khi trò chuyện, họ nói với tôi rằng họ không còn nghĩ cuộc biểu tình chỉ là về tiền thuê nhà nữa. Một trong những phụ nữ người Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ tại Kotti tên Neriman Tuncer nói với tôi rằng, cô đã nhận được một điều quan trọng hơn nhiều so với lúc mức giá thuê thấp hơn, là cô “nhận ra có bao nhiêu người tốt đang sống xung quanh bạn, như những người hàng xóm của bạn”. Họ sống ở đó từ lâu, nhưng chưa bao giờ gặp nhau. Và bây giờ tất cả đều ở đây. Khi họ sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, những người phụ nữ ở đó đã gọi cả ngôi làng của họ là “nhà”. Còn khi đến Đức, họ học được rằng những gì bạn phải nghĩ về nhà là bốn bức tường của riêng bạn và không gian bên trong chúng – một cảm giác như nhà đã bị gò nén, thu hẹp lại. Khi những cuộc biểu tình này nổ ra, ý thức về nhà của họ lại một lần nữa mở rộng, bao trùm toàn bộ dự án nhà ở và mạng lưới dày đặc những người sống ở đó.
Khi nghe Neriman nói điều ấy, tôi tự hỏi có bao nhiêu người trong chúng ta – trong nền văn hóa của chúng ta – nếu xét theo tiêu chuẩn của “Kotti and Co.”, là người vô gia cư. Có bao nhiêu người trong chúng ta – nếu bị đuổi khỏi nhà, hoặc bị đưa đến một viện tâm thần – sẽ được hàng chục người đứng cạnh bên bảo vệ chúng ta? “Đó là trọng tâm của cuộc biểu tình này, tất cả chúng tôi đều vượt qua giới hạn bằng cách quan tâm đến nhau”, một trong những người biểu tình nói với tôi. “Bằng cách quan tâm đến nhau, chúng tôi đã trưởng thành”.
Bên ấm nước, Mehmet nói với tôi rằng nếu cuộc biểu tình này không xảy ra, cậu ấy hẳn đã bỏ ngang trung học. Cậu nói bản thân đã học được rằng: “Ở đây, bạn có ai đó để dựa vào, và cùng nhau, chúng ta có thể trở nên mạnh mẽ... Tôi rất vui vì được quen biết nhiều người tốt”. Taina nói với tôi: “Tất cả chúng tôi đã học được rất nhiều điều, tôi có thể nhìn thấy điều gì đó qua ánh mắt của người khác và đó là nguồn sống mới... Chúng tôi giống như một gia đình vậy”.
Một người khác trong số những người biểu tình, Sandy, nói với tôi rằng các cuộc biểu tình cho thấy việc tất cả chúng ta ngồi cách xa nhau, theo đuổi câu chuyện nhỏ của riêng mình, xem chiếc tivi nhỏ của riêng mình và phớt lờ mọi người xung quanh thật là kỳ cục. “Quan tâm lẫn nhau vốn là một điều hiển nhiên trong cuộc sống”, anh nói.
*
Đôi khi tôi nghĩ những người ở “Kotti and Co.” cho rằng tôi thật điên rồ, bởi vì thỉnh thoảng tôi lại đến, ngồi với họ, lắng nghe câu chuyện của họ, và đôi lúc còn bật khóc.
Trước các cuộc biểu tình, Sandy nhận thấy rằng “rất nhiều người đang trầm cảm. Họ tách mình khỏi mọi người... Trầm cảm cao độ. Đang phải dùng thuốc... Họ đau ốm, bệnh tật vì những vấn đề này”. Nuriye chán nản đến mức định tự vẫn. Nhưng sau đó, “nhờ những cuộc biểu tình này, họ lại trở thành những người đấu tranh vì cộng đồng”. Sandy nói nhẹ nhàng: “Nó giống như liệu pháp cho chúng tôi”.
Một trong những người biểu tình, Uli, nói với tôi rằng tại Kotti, họ “công khai bản thân”. Lúc đầu, khi nghe điều này, tôi đã nghĩ đó là một câu dịch hơi vụng về mặc dù tiếng Anh của cô rất hoàn hảo. Nhưng sau đó tôi nghĩ về nó nhiều hơn, và tôi nhận ra rằng cô ấy đã thực sự tìm được những từ lý tưởng để mô tả việc họ đã làm. Họ đã thôi tách biệt. Họ đã không còn ngồi một mình. Họ đã công khai bản thân. Và chỉ khi làm được như vậy – bằng cách đặt mình vào một cái gì đó to lớn hơn bản thân mình – thì họ mới có thể thoát khỏi nỗi đau của chính mình.
*
Hai năm sau thời điểm Nuriye dán lời kêu cứu lên cửa sổ, khi tôi đến đó trong một chuyến thăm khác, tôi thấy rằng những người từ Kotti đã hợp tác với các nhà hoạt động khác trên khắp Berlin để đẩy mạnh cuộc đấu tranh của họ. Tại thủ đô của Đức, bạn – với tư cách là một công dân bình thường – có thể khởi động một cuộc trưng cầu dân ý để mọi người trong thành phố bỏ phiếu, nếu như bạn thu thập đủ chữ ký trên đường phố từ những người có chung nguyện vọng. Vì vậy, những người tôi đã gặp ở Kotti đã đi khắp thành phố, tiếp cận những người Berlin khác để kêu gọi họ đăng ký một cuộc trưng cầu dân ý yêu cầu giữ giá thuê nhà thấp cho tất cả mọi người. Đó là một chương trình với rất nhiều cải cách – trợ cấp nhiều hơn, các hội đồng được bầu ra để kiểm soát hệ thống nhà ở, cam kết rằng bất kỳ khoản tiền nào kiếm được từ hệ thống sẽ hướng tới việc giúp cho nhà ở xã hội giá rẻ hơn, chấm dứt tình trạng đuổi người nghèo ra khỏi nhà.
Họ đã thu thập được số lượng chữ ký lớn nhất đối với một cuộc trưng cầu dân ý trong lịch sử lâu đời của thành phố Berlin. Các thành viên của Hội đồng Berlin – hoảng sợ trước chủ nghĩa cấp tiến của các đề xuất – đã tiếp cận những người ở Kotti và những người tổ chức cuộc trưng cầu dân ý, đề nghị cắt bớt một thỏa thuận. Họ nói, nếu quý vị rút lại đề xuất trưng cầu dân ý, chúng tôi sẽ đồng ý với hầu hết những gì quý vị muốn. Nếu không, khi quý vị thắng, chúng tôi sẽ phản đối kết quả của tòa án châu Âu vì vi phạm luật cạnh tranh châu Âu, luật này sẽ làm đóng băng các cải cách trong nhiều năm.
Họ đưa ra một số thay đổi nhỏ. Nếu bạn nghèo và không đủ tiền thuê nhà, bạn sẽ được trợ cấp thêm 150 euro mỗi tháng – một số tiền lớn đối với một gia đình nghèo. Việc trục xuất chỉ là phương án cuối cùng và hiếm khi xảy ra. Ban quản lý các công ty nhà ở từ nay sẽ bầu các thành viên của cư dân vào hội đồng quản trị. Matti nói với tôi: “Đó không phải là toàn bộ những gì chúng tôi muốn, nhưng cũng đã là rất nhiều rồi. Vậy đã là rất nhiều, chắc chắn thế”.
*
Vào ngày cuối cùng ở Kotti, tôi ngồi bên ngoài quán Café Sudblock, nhiều nhân vật trong câu chuyện này đang dạo bước xung quanh khi tôi ngồi với Taina, người đang hạnh phúc hút thuốc dưới ánh nắng mùa lạnh. Địa điểm biểu tình bên kia đường bây giờ là một tòa nhà kiên cố. Nó sẽ không bao giờ bị tháo dỡ. Một số phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đang uống cà phê, và mấy đứa trẻ đang đá bóng xung quanh họ.
Rít một hơi thuốc, Taina nói với tôi rằng trong xã hội hiện đại, nếu bạn thất vọng, bạn thường “cảm thấy nó chỉ xảy ra với bạn. Chỉ mỗi bạn thôi. Bởi vì bạn đã không thành công, bạn không kiếm được một công việc kiếm được nhiều tiền hơn. Đó là lỗi của bạn. Bạn là một người cha tồi. Và rồi đột nhiên, khi chúng tôi đi trên phố, rất nhiều người nhận ra: Này, tôi cũng vậy! Tôi cũng nghĩ tôi là người duy nhất... Đó là điều mà nhiều người cũng đã nói với tôi, tôi đã từng cảm thấy rất lạc lõng và trầm cảm, nhưng bây giờ... Tôi là một chiến binh. Tôi cảm thấy tuyệt vời. Bạn đi ra khỏi góc tối u buồn, và bạn bắt đầu chiến đấu”.
Cô nhả khói lên trời và nói, “Nó thay đổi con người bạn. Bạn cảm thấy mình mạnh mẽ hơn”.