Đầu thế kỷ 21, một bác sĩ tâm thần người Nam Phi là tiến sĩ Derek Summerfield đã tới Campuchia, ở một vùng nông thôn như mọi miền nông thôn Nam Á mà chúng ta từng thấy – với những cánh đồng lúa yên bình gợn sóng đến tận chân trời. Hầu hết mọi người ở đây là nông dân trồng lúa tự cung tự cấp, như cách người ta vẫn sống từ nhiều thế kỷ trước – nhưng họ có một vấn đề. Thỉnh thoảng, lại có người giẫm lên một ụ đất, và một vụ nổ vang khắp cánh đồng. Những bãi mìn cũ từ cuộc chiến tranh với Mỹ những năm 1960 và 1970 vẫn còn đó, xung quanh họ.
Derek đã ở đó để tìm hiểu xem mối nguy này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của người Campuchia địa phương như thế nào. (Tôi cũng đã đến đó trong quá trình nghiên cứu để viết cuốn sách này). Thật tình cờ, không lâu trước khi anh đến, thuốc chống trầm cảm bắt đầu được bán lần đầu tiên trên thị trường Campuchia – nhưng các công ty cũng gặp phải một vấn đề khi cố gắng bán chúng. Hóa ra không có từ nào tương đương rõ ràng để dịch “antidepressant – chống trầm cảm” sang tiếng Khmer. Đó là một ý tưởng dường như đánh đố họ.
Derek cố gắng giải thích, rằng trầm cảm là cảm giác buồn sâu sắc mà bạn không thể nào thoát ra được. Người Campuchia suy nghĩ kỹ càng rồi nói: Vâng, chúng tôi có một số người như vậy. Họ đưa ra ví dụ: Một người nông dân bị mìn nổ làm mất chân trái, người này đã đến nhờ bác sĩ giúp đỡ, được lắp chi mới nhưng không hồi phục được. Anh ta thường xuyên cảm thấy lo lắng về tương lai và chìm trong tuyệt vọng.
Sau đó, họ giải thích rằng họ không cần những loại thuốc chống trầm cảm mới, vì đã có cách chống trầm cảm cho người như thế ở Campuchia. Derek cảm thấy hấp dẫn và yêu cầu họ giải thích thêm.
Khi nhận ra người kia đang chán nản, bác sĩ và hàng xóm ngồi lại với anh ta, nói chuyện về cuộc sống và những rắc rối của anh ta. Họ nhận ra rằng ngay cả khi đã có chiếc chân giả mới thì công việc cũ – làm việc trên đồng – vẫn quá khó khăn, anh nông dân thường xuyên căng thẳng và bị đau đớn về thể xác, điều đó khiến anh ta muốn tự tử.
Vì vậy, họ đã nảy ra một ý. Họ tin anh ta hoàn toàn có khả năng trở thành nông dân chăn nuôi bò sữa, như thế vừa bớt đau đớn do phải đi lại nhiều bằng chân giả và cũng ít bị gợi lại ký ức đáng buồn. Và họ mua cho anh một con bò.
Trong những năm tháng sau đó, cuộc sống của anh này đã thay đổi. Nỗi muộn phiền não nề của anh đã biến mất. “Ông thấy đấy bác sĩ, con bò là thuốc giảm đau, cũng là thuốc chống trầm cảm”, họ nói với Derek. Đối với người Campuchia, thuốc chống trầm cảm không phải để thay đổi hóa chất trong não, một ý tưởng có vẻ kỳ lạ đối với nền văn hóa của họ. Mà đó là cộng đồng cùng nhau tiếp sức giúp người bị trầm cảm thay đổi cuộc đời.
Ngẫm nghĩ lại, Derek nhận ra điều này đúng trong quá trình thực hành điều trị tâm thần của chính mình, tại một bệnh viện hàng đầu ở London. Anh nghĩ về những bệnh nhân của mình ở đó, và tỉnh ra: “Tôi tạo ra sự khác biệt khi nhắm đến hoàn cảnh xã hội của họ, chứ không phải nhắm đến thứ nằm giữa hai tai họ”, anh nói khi cùng tôi nhâm nhi một cốc bia.
Điều này có vẻ xa lạ với hầu hết người phương Tây trong thời đại của thuốc chống trầm cảm hóa học. Chúng ta được bảo rằng trầm cảm sinh ra do mất cân bằng hóa học, vì vậy bảo một con bò cũng là thuốc chống trầm cảm nghe chẳng khác nào trò đùa. Nhưng vấn đề là ở đó. Người nông dân Campuchia kia đã khỏi trầm cảm khi hoàn cảnh xã hội của anh ta thay đổi. Không phải nhờ một giải pháp theo chủ nghĩa cá nhân – họ không nói với người nông dân rằng vấn đề tất cả đều nằm trong đầu anh ta, không thúc anh ta phải cố gắng thêm hay phải uống thuốc đi. Mà đó là một giải pháp tập thể. Anh ta không bao giờ tự có được con bò đó; giải pháp không thể đến từ một mình anh, bởi anh đang quá đau khổ và cũng không có tiền. Tuy nhiên, xã hội đã giải quyết được vấn đề của anh và giải quyết được nỗi tuyệt vọng trong anh.
Khi du lịch ở Đông Nam Á, gặp những người có hoàn cảnh tương tự, và sau cuộc trò chuyện dài cùng Derek, lần đầu tiên tôi tự hỏi: Nhỡ đâu chúng ta đã định nghĩa thuốc chống trầm cảm sai cách rồi? Chúng ta coi thuốc chống trầm cảm chỉ như những viên thuốc phải uống một lần (hoặc hơn) mỗi ngày. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta bắt đầu nghĩ về thuốc chống trầm cảm như một thứ gì đó rất khác? Nếu việc thay đổi cách sống – theo những cách đặc biệt, có mục tiêu, dựa trên bằng chứng – cũng được coi là phương thuốc chống trầm cảm thì sao?
Điều gì sẽ đến nếu chúng ta bắt đầu mở rộng khái niệm về thuốc chống trầm cảm?
Ngay sau đó, tôi trao đổi mọi thứ mình tìm hiểu được với một nhà tâm lý học lâm sàng, tiến sĩ Lucy Johnstone, và cô thấy rất thuyết phục. Tuy nhiên, cô bảo bây giờ tôi phải trả lời một câu hỏi khác. “Sẽ khác như thế nào”, cô nói, “nếu khi bạn đến gặp bác sĩ và bị chẩn đoán mắc chứng ‘mất kết nối’?”. Điều gì sẽ xảy ra?
*
Bởi xác định vấn đề không chính xác nên chúng ta đã tìm ra các giải pháp đầy thiếu sót. Nếu đây chủ yếu là vấn đề trong não, thì việc tìm kiếm câu trả lời chủ yếu trong não là hợp lý. Còn nếu là một vấn đề quan trọng hơn, như về cách sống, thì chúng ta cần tìm kiếm câu trả lời chủ yếu trong cuộc sống của chính mình. Nhưng bắt đầu từ đâu?
Rõ ràng nếu sự mất kết nối là nguyên nhân chính dẫn đến trầm cảm và lo âu, chúng ta cần tìm cách kết nối lại. Vì vậy, tôi đã đi hàng ngàn dặm, phỏng vấn bất cứ ai có thể hiểu được điều này.
Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng câu hỏi này được nghiên cứu còn ít hơn cả nguyên nhân gây trầm cảm và lo âu. Bạn có thể chất đầy các xưởng chứa máy bay với các nghiên cứu về những gì xảy ra trong não của một người trầm cảm, đầy một chiếc máy bay những nghiên cứu về các nguyên nhân xã hội gây trầm cảm và lo âu. Nhưng bạn chỉ chất đầy một chiếc máy bay... đồ chơi với nghiên cứu về khả năng tái kết nối.
Nhưng tôi cũng vừa kịp khám phá ra 7 loại tái kết nối mà bằng chứng ban đầu cho thấy có thể chữa trầm cảm và lo âu. Tôi bắt đầu nghĩ về chúng như những loại thuốc chống trầm cảm xã hội hoặc tâm lý, trái ngược với loại thuốc chống trầm cảm hóa học hiện nay. Nhìn lại 7 giải pháp đã tìm được, tôi ý thức được hai điều: chúng có vẻ quá nhỏ và đồng thời cũng có vẻ lớn đến không tưởng.
Theo một nghĩa nào đó, 7 hình thức tái kết nối này chỉ là những bước thăm dò đầu tiên, vì được xây dựng dựa trên nghiên cứu tạm thời ban đầu. Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta chỉ đang ở giai đoạn đầu tìm hiểu về chúng, và dù có bằng chứng cho thấy chúng sẽ giúp giải quyết rất nhiều về chứng trầm cảm và lo âu mà ta đang trải qua, nhưng thật sự chúng mới chỉ là bước khởi đầu – còn rất nhiều việc nữa phải làm ngay cả khi ta đã áp dụng 7 hình thức tái kết nối trên. Nhưng nếu chúng ta nhìn kỹ hơn vào những hình thức đó, có thể chúng ta sẽ nhận ra một hướng áp dụng khác. Chúng không phải là một chương trình trị liệu cố định, chúng chỉ đóng vai trò định hướng mà thôi.
Tuy nhiên theo một nghĩa khác thì những hình thức tái kết nối này lại có vẻ táo bạo, vì chúng đòi hỏi những sự thay đổi to lớn – trong cuộc sống cá nhân của chúng ta và cả trên bình diện xã hội – ở một thời điểm mà chúng ta đã mất đi niềm tin rằng có thể cùng nhau tạo ra những thay đổi. Đôi khi tôi tự hỏi – Liệu mình có đòi hỏi nhiều quá chăng? Nhưng khi suy ngẫm kỹ hơn, tôi nhận ra mức độ táo bạo của những thay đổi đó không phản ánh điều gì về tôi, mà nó phản ánh vấn đề này đã ăn sâu đến mức nào. Nếu bạn cảm thấy những thay đổi đó là quá lớn thì cũng chỉ vì vấn đề chúng ta đang gặp là quá lớn.
Nhưng một vấn đề lớn không có nghĩa là một vấn đề không thể giải quyết.
*
Tôi muốn thẳng thắn cho bạn biết cảm giác của tôi khi nghiên cứu. Khi đóng vai trò nhà báo và đặt câu hỏi cho mọi người, tôi thấy thật hay; nhưng khi trở về phòng khách sạn, tôi thường bức bối với suy nghĩ là nó liên quan đến cuộc sống của chính tôi như thế nào. Điều mà các nhà khoa học nói với tôi – theo những cách khác nhau – là trong suốt tuổi trưởng thành của mình, tôi đã tìm kiếm sai chỗ cho lời giải thích về căn bệnh trầm cảm và lo âu của mình. Tôi thấy điều này thật đau đớn. Và thật không dễ để điều chỉnh tâm trí mình nhìn nguồn gốc nỗi đau theo hướng mà họ đang nói.
Tôi đặt chân đến Berlin vào mùa đông cũng chính trong trạng thái tâm trí ấy. Tôi không rõ tại sao mình đến đó. Đôi khi tôi tự hỏi liệu tất cả chúng ta có bị thu hút, theo một cách không thể nói thành lời, đến những nơi mà cha mẹ chúng ta từng cảm thấy hạnh phúc nhất hay không. Cha mẹ tôi sống ở phía Tây Berlin, dưới bóng của Bức tường Berlin khi thành phố còn chia cắt, anh trai tôi được sinh ra ở đó. Cũng có thể do tôi có mấy người bạn đã chuyển đến thủ đô nước Đức vài năm trước để thoát khỏi London hoặc New York trong nỗ lực tìm cách sống lành mạnh. Một người bạn của tôi, nhà văn Kate McNaughton, liên tục nói với tôi qua điện thoại rằng Berlin là nơi mà những người như chúng tôi – sắp sang tuổi bốn mươi – làm việc ít hơn và sống nhiều hơn. Cô ấy không quen ai làm việc từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều cả. Đó là nơi mọi người có thể thở theo cách mà họ không thể làm được ở những thành phố đầy áp lực như nơi tôi sống. Berlin đối với cô ấy như một bữa tiệc miên man mà không cần bảo vệ tống cổ những kẻ phá phách, cũng không mất phí vào cửa. Cứ đến và ở lại đây, cô ấy nói thế.
*
Vậy là mỗi sáng, tôi lại được chú mèo của người bạn cùng phòng với cô bạn mình đánh thức, trong một căn hộ ở quận Mitte của Berlin. Suốt nhiều tuần, tôi lang thang trong thành phố, chuyện trò vu vơ với mọi người. Tôi dành hàng giờ nói chuyện với những người Berlin cao tuổi đã sống gần một thế kỷ tại đây. Là một người Berlin cao tuổi đồng nghĩa với việc đã chứng kiến cảnh thế giới được dựng lên, tàn phá, rồi dựng lên một lần nữa. Một phụ nữ lớn tuổi tên Regina Schwenke đưa tôi xuống boongke bà từng ẩn náu khi còn nhỏ cùng với gia đình và nguyện cầu được sống. Một người khác thì đi bộ cùng tôi dọc theo Bức tường Berlin.
Và rồi một ngày nọ, có người kể cho tôi nghe câu chuyện về một địa điểm ở Berlin đã thay đổi cuộc đời ông như thế nào. Ngay hôm sau, tôi tìm đến đó, để rồi ở lại suốt một thời gian dài, phỏng vấn hàng tá người, và cứ tiếp tục quay lại thêm nhiều lần nữa suốt ba năm sau đó.
Tôi nghĩ đó là nơi đã dạy tôi cách bắt đầu tái kết nối.