Có một chuyện mà chúng ta thường được nghe kể về bộ não của mình – rằng ta trầm cảm và lo âu đơn giản vì lượng serotonin trong não sụt giảm – đến giờ tôi đã biết câu chuyện đó không đúng. Tuy nhiên, tôi thấy một số người kết luận từ điều này rằng chẳng có câu chuyện sinh học nào mà chúng ta được nghe về chủ đề này là đúng cả, và tất cả đều là do các nhân tố xã hội và tâm lý tạo ra. Nhưng khi tôi phỏng vấn các nhà nghiên cứu, ngay cả những người khẳng định mạnh mẽ nhất các nguyên nhân môi trường và xã hội của chứng trầm cảm cũng nhấn mạnh rằng nguyên nhân sinh học có tồn tại và tồn tại rất thật.
Vì vậy, tôi muốn nghiên cứu xem: Chúng đóng vai trò gì? Hoạt động ra sao? Và chúng liên quan thế nào đến mọi thứ khác mà tôi đã tìm được?
*
Bạn bè của Marc Lewis đều nghĩ rằng anh đã chết.
Mùa hè năm 1969, cậu sinh viên trẻ tuổi ở California này cố gắng ngăn nỗi tuyệt vọng của mình bằng mọi cách có thể. Anh đã nuốt, hít hoặc tiêm bất kỳ chất kích thích nào có thể tìm thấy được trong suốt cả tuần. Sau khi tỉnh táo trong ba mươi sáu giờ liên tục, anh nhờ một người bạn tiêm heroin cho, để cuối cùng cũng ngã quỵ. Khi tỉnh lại, Marc nhận ra các bạn của anh đang cố gắng tìm một chiếc túi đủ lớn để nhét xác anh vào.
Marc đột nhiên nói chuyện khiến họ phát hoảng. Họ giải thích rằng tim anh đã ngừng đập trong vài phút.
Cuối cùng, khoảng mười năm sau đêm đó, Marc bỏ ma túy, và bắt đầu nghiên cứu khoa học thần kinh. Lần đầu tiên tôi gặp Marc Lewis ở Sydney, Úc, ông đã là nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực này, và là giáo sư ở Hà Lan. Ông muốn biết: Bộ não của ta thay đổi như thế nào khi ta chán nản cùng cực? Những thay đổi đó có khiến ta khó hồi phục hơn không?
Marc giải thích với tôi rằng hình ảnh quét não của một người bị trầm cảm hoặc lo âu cao độ trông sẽ khác với hình ảnh quét não của người không gặp phải những vấn đề ấy. Những khu vực liên quan đến cảm giác không vui, hoặc nhận thức được rủi ro, sẽ sáng như đèn trên cây thông Noel. Chúng to hơn và hoạt động mạnh hơn. Ông cho tôi xem sơ đồ và chỉ ra những phần não ấy.
Tôi bảo điều này phù hợp với những gì bác sĩ đã nói với tôi ở tuổi thiếu niên – rằng tôi bị trầm cảm vì não của tôi bị hỏng, và phải được chữa trị bằng thuốc chống trầm cảm. Vậy là trước giờ họ nói đúng chăng?
Marc buồn rầu đáp rằng không, hoàn toàn không phải thế.
Ông nói, trước khi hiểu tại sao thì ta phải nắm được một khái niệm quan trọng gọi là tính khả biến thần kinh (neuroplasticity). Mười lăm năm trước, nếu bạn cho tôi xem sơ đồ não bộ của tôi và mô tả nó, tôi – và hầu hết mọi người – sẽ nghĩ: Mình là vậy. Nếu các phần não liên quan đến cảm xúc không vui hoặc sợ hãi hoạt động mạnh hơn, thì số tôi đã được định sẵn là một người luôn cảm thấy bất hạnh hoặc luôn sợ hãi. Chân bạn có thể có ngắn, tay bạn có thể dài, còn tôi thì có một bộ não hoạt động mạnh về phần sợ hãi và lo lắng; cái số tôi là như vậy.
Nhưng bây giờ chúng ta biết điều đó không đúng. Marc giải thích rằng hãy nghĩ theo một cách khác. Giả sử tôi cho bạn xem phim chụp X-quang cánh tay của một người đàn ông, trông khẳng khiu và yếu ớt. Hãy tưởng tượng người này đã tham gia một khóa rèn luyện thể lực trong sáu tháng rồi quay lại chụp một tấm X-quang khác. Cánh tay của anh ta trông sẽ khác, chứ không cố định trước sau như một. Chúng sẽ thay đổi, tùy theo cách chúng được sử dụng. Và Marc nói bộ não của chúng ta cũng vậy: Nó thay đổi tùy theo cách ta sử dụng nó. “Tính khả biến thần kinh là xu hướng não tiếp tục tái cấu trúc dựa trên trải nghiệm”. Chẳng hạn, để lấy được bằng lái, tài xế taxi ở London phải ghi nhớ toàn bộ bản đồ của London để vượt được bài kiểm tra khó nhằn được gọi là “Kiến thức”. Nếu quét não một tài xế taxi ở London, phần não liên quan đến nhận thức không gian ở anh ta lớn hơn nhiều so với ở tôi hoặc bạn. Điều đó không có nghĩa là người này khi sinh ra đã khác. Nó chỉ có nghĩa là trong cuộc sống, anh ta sử dụng bộ não của mình theo cách khác.
Bộ não liên tục thay đổi nhằm đáp ứng nhu cầu của ta. Nó thực hiện điều này chủ yếu theo hai cách: bằng cách lược bớt các synap thần kinh mà bạn không sử dụng, và bằng cách phát triển các synap thần kinh mà bạn sử dụng. Vì vậy, chẳng hạn nếu bạn nuôi dạy một đứa trẻ trong bóng tối hoàn toàn, ở đứa trẻ ấy sẽ loại bỏ các synap thần kinh liên quan đến thị lực – bộ não cho rằng đứa trẻ không cần chúng nữa và tốt hơn là nên phát triển năng lực trí tuệ ở một vùng não khác.
Marc giải thích rằng chừng nào ta còn sống, chừng đó tính khả biến thần kinh còn chưa dừng lại, và não bộ “luôn thay đổi”. Và đấy là lý do tại sao những gì các bác sĩ nói với tôi lúc ở tuổi thiếu niên là một sai lầm nghiêm trọng. Theo Marc, việc một bác sĩ nói với người bị trầm cảm rằng “‘não của anh/chị hỏng rồi, vì nó khác với những bộ não bình thường’, chẳng có ý nghĩa gì trong bối cảnh hiện tại – bởi chúng ta biết rằng bộ não luôn thay đổi. Sinh lý học luôn song hành với tâm lý học”. Ông nói, hình ảnh quét não là “ảnh chụp của hình động. Bạn có thể chụp nhanh bất kỳ khoảnh khắc nào trong một trận đấu bóng đá, nhưng nó không cho chúng ta biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo hoặc bộ não đang đi đến đâu”. Bộ não thay đổi khi ta trở nên chán nản, lo âu, và nó sẽ lại thay đổi khi ta không còn chán nản và lo âu. Nó luôn thay đổi để đáp lại các tín hiệu từ thế giới.
Khi Marc còn nghiện ngập, bộ não của ông chắc hẳn trông rất khác so với hiện tại. Điều đó chỉ cho bạn biết rằng ông đang sử dụng nó theo cách khác.
Khi tôi kể với Marc rằng người ta đã cho tôi dùng thuốc chống trầm cảm suốt 13 năm và luôn bảo rằng tất cả những khổ sở của tôi đều do một vấn đề bên trong não gây ra, ông thốt lên: “Thật điên rồ. Nó luôn liên quan đến cuộc sống và hoàn cảnh cá nhân của bạn”. Marc tin 7 yếu tố xã hội và tâm lý mà tôi đã nghiên cứu có khả năng thay đổi về mặt thể chất não bộ của hàng triệu người. Nếu việc học bản đồ London thay đổi được bộ não của bạn thì sự cô đơn, cô lập, hoặc đặt nặng vật chất,... cũng thay đổi được nó. Và, quan trọng là, việc kết nối lại mọi thứ bạn đã mất kết nối có thể thay đổi bộ não. Ông nói, chúng ta đã suy nghĩ quá đơn giản. Không thể suy ra cốt truyện của một bộ phim bằng cách tháo tung tivi của bạn ra xem; tương tự cũng không thể tìm ra gốc rễ của nỗi đau bằng cách tháo tung bộ não. Bạn phải nhìn vào các tín hiệu mà tivi, hoặc bộ não của bạn, đang phát ra.
Trầm cảm và lo âu, theo ông, “không giống như khối u, thứ phát triển trong não vì có một xáo trộn thực sự trong mô dẫn đến các vấn đề tâm lý. Không phải như vậy. Trầm cảm là do cả hai yếu tố kết hợp” – sự đau khổ do thế giới bên ngoài gây ra và những thay đổi bên trong bộ não.
*
Tuy nhiên, Marc nói, cũng có một điều rất đáng lưu ý – đó là cách mà những gì xảy ra trong não bộ thật sự làm thay đổi câu chuyện trong đầu những người bị trầm cảm hoặc lo âu.
Hãy tưởng tượng bạn đang phải gánh chịu một số trong 7 nguyên nhân gây trầm cảm hoặc lo âu mà tôi đã đề cập cho đến lúc này. Một khi quá trình này bắt đầu, nó – giống như mọi thứ khác xảy ra với chúng ta – gây ra những thay đổi thực sự trong não, và khi đó chúng có thể tác động ngược trở lại và làm trầm trọng thêm các tác động từ thế giới bên ngoài.
Marc bảo tôi hãy tưởng tượng rằng “cuộc hôn nhân của bạn vừa tan vỡ, bạn mất việc, và chưa hết, mẹ bạn vừa bị đột quỵ. Mọi chuyện ập đến thật quá sức bạn”. Bởi vì bạn đau đớn dữ dội suốt một thời gian dài, não của bạn cho rằng đây là trạng thái mà bạn sẽ phải có để tồn tại – vì thế nó bắt đầu loại bỏ các synap thần kinh liên quan đến những điều mang lại cho bạn niềm vui, đồng thời củng cố các synap thần kinh liên quan đến nỗi sợ hãi và tuyệt vọng. Đó là lý do tại sao bạn thường cảm thấy mình như bị dính cứng vào trạng thái trầm cảm hoặc lo âu ngay cả khi nguyên nhân ban đầu của nỗi đau dường như đã qua đi. Theo tôi nhớ, John Cacioppo – nhà khoa học mà tôi đã trao đổi, cũng là người đã khám phá ra cách thức điều này xảy đến với nỗi cô đơn – gọi đây là hiệu ứng “quả cầu tuyết”.
Vì vậy, Marc nói, mặc dù nói nguồn gốc của vấn đề chỉ nằm trong bộ não là sai, nhưng cũng sai không kém khi nói rằng phản ứng bên trong bộ não không khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nỗi đau do cuộc sống gặp trục trặc có thể kích hoạt phản ứng “mạnh mẽ đến mức bộ não có xu hướng mắc kẹt rất lâu ở trạng thái phản ứng đau đớn, cho đến khi có thứ gì đẩy nó ra, đến một trạng thái linh hoạt hơn”. Và nếu thế giới tiếp tục khiến bạn đau đớn khôn cùng, tất nhiên bạn sẽ bị mắc kẹt ở đó một thời gian dài, quả cầu tuyết sẽ ngày càng lớn.
Nhưng ông tin việc nói với người bị trầm cảm rằng tất cả chỉ đơn giản do bộ não của họ gây ra chẳng khác nào đưa cho họ một tấm bản đồ sai lạc – một tấm bản đồ không có ích gì cho việc cố gắng tìm ra lý do tại sao họ thực sự cảm thấy như vậy hoặc làm thế nào để hồi phục. Trên thực tế, tấm bản đồ này có thể là cái bẫy đối với họ.
*
Trong bài diễn văn nhậm chức tổng thống lần đầu tiên và duy nhất của mình, John F. Kennedy đã nói một câu nổi tiếng: “Đừng hỏi đất nước có thể làm gì cho bạn. Hãy hỏi bạn có thể làm gì cho đất nước”. Marc nói với tôi rằng, nếu muốn tìm hiểu về nguồn gốc căn bệnh trầm cảm và mối liên quan của nó đến não bộ như thế nào, theo cách chính xác hơn những điều chúng ta đã được dạy suốt nhiều thập kỷ qua, thì nên biết đến câu mà nhà tâm lý học W. M. Mace đã nói nhiều năm trước, phỏng theo lời JFK:
“Đừng hỏi bên trong đầu bạn có những gì. Hãy hỏi đầu bạn đang vướng trong những gì.”
*
Có một nguyên nhân thể chất khác gây ra trầm cảm và lo âu mà hầu hết mọi người đã nghe nói đến.
Mẹ tôi đã có những giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng trước (và sau) khi sinh tôi. Cả hai người bà của tôi đều có những giai đoạn trầm cảm – mặc dù hồi đó không ai dùng từ này. Vì vậy, trong suốt những năm tháng dùng thuốc chống trầm cảm, ngoài suy nghĩ rằng chứng trầm cảm sinh ra do trục trặc trong não, trong chừng mực nào đó, tôi còn cho rằng mình thừa hưởng nó trong gene. Đôi khi tôi nghĩ trầm cảm giống như người anh chị em sinh đôi đã mất, sinh ra cùng với tôi từ bụng mẹ. Nhiều năm trôi qua, tôi cũng nghe người khác nói điều tương tự. “Tôi bị trầm cảm bẩm sinh”, một người bạn liên tục muốn tự tử đã nói với tôi như thế khi chúng tôi ngồi với nhau một buổi tối, và tôi cố nói cho anh ấy những lý do để sống.
Vì vậy, tôi muốn biết – có bao nhiêu phần trăm trầm cảm là do gene quy định? Khi nghiên cứu vấn đề này, tôi được biết các nhà khoa học vẫn chưa xác định được một gene hoặc tập hợp gene cụ thể nào gây ra trầm cảm hoặc lo âu. Nhưng chúng ta biết rằng có một yếu tố di truyền quan trọng – và có một cách khá đơn giản để kiểm tra nó.
Bạn sẽ so sánh nhóm các cặp song sinh cùng trứng và nhóm các cặp song sinh khác trứng với số mẫu lớn. Tất cả các cặp song sinh đều giống nhau về mặt di truyền, nhưng song sinh cùng trứng thì giống nhiều hơn: Họ xuất phát từ cùng một quả trứng, tách làm đôi. Vì vậy, nếu nhận thấy tỷ lệ (giả sử như) tóc đỏ, nghiện ngập hoặc béo phì ở các cặp song sinh cùng trứng cao hơn so với cặp khác trứng, bạn biết rằng ở họ, thành phần di truyền lớn hơn. Bằng cách xem xét mức độ khác biệt, các nhà khoa học cho rằng có thể phỏng chừng mức độ ảnh hưởng của gene đối với chứng trầm cảm hoặc lo âu.
Điều mà các nhà khoa học hàng đầu tìm thấy – theo đánh giá của Viện Y tế Quốc gia từ nghiên cứu đáng tin cậy nhất về các cặp song sinh – là đối với chứng trầm cảm, 37% do di truyền; trong khi đối với chứng lo âu nghiêm trọng, tỷ lệ này là từ 30 đến 40%. Để bạn dễ hình dung, tỷ lệ được kế thừa về chiều cao của bạn là 90%; còn tỷ lệ được kế thừa trong việc bạn có thể nói tiếng Anh là 0%. Vì vậy, những người nghiên cứu cơ sở di truyền của chứng trầm cảm và lo âu đã kết luận rằng điều này là có thật, nhưng nó không chịu trách nhiệm cho hầu hết những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, ở đây cũng có một cú bẻ lái.
Một nhóm các nhà khoa học do nhà di truyền học Avshalom Caspi đứng đầu đã thực hiện một trong những nghiên cứu chi tiết nhất từng được tiến hành về tính di truyền của bệnh trầm cảm.
Trong 25 năm, nhóm của ông theo dõi 1.000 đối tượng ở New Zealand từ khi còn bé đến khi trưởng thành. Một trong những mục tiêu của họ là cố gắng tìm ra gene nào khiến con người dễ bị trầm cảm hơn.
Sau nhiều năm làm việc, họ đã phát hiện thấy một điều nổi bật: Một biến thể của gene gọi là 5-HTT có liên quan đến chứng trầm cảm.
Tuy nhiên, mọi chuyện phức tạp hơn như vậy. Tất cả chúng ta đều được sinh ra với những gene di truyền – nhưng gene lại là do môi trường kích hoạt. Chúng có thể được bật hoặc tắt bởi những gì xảy đến với ta. Và Avshalom đã phát hiện ra – như giáo sư Robert Sapolsky giải thích – “nếu bạn có sở hữu loại gene 5-HTT, nguy cơ trầm cảm của bạn tăng lên rất nhiều, nhưng chỉ trong môi trường nhất định”. Nghiên cứu cho thấy nếu bạn mang gene này, bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn – nhưng chỉ khi bạn đã trải qua một sự việc căng thẳng khủng khiếp hoặc gặp phải nhiều tổn thương thời thơ ấu. (Họ không kiểm tra hầu hết các nguyên nhân khác gây bệnh trầm cảm mà tôi đã đề cập đến trong cuốn sách này, chẳng hạn như sự cô đơn, vì vậy ta không biết liệu chúng có tương tác với các gene theo cách này hay không.)
Nếu những điều tồi tệ đó không xảy ra với bạn thì ngay cả khi có gene liên quan đến trầm cảm trong người, bạn cũng không có nhiều nguy cơ bị trầm cảm hơn so với người khác. Gene làm tăng độ nhạy của bạn đối với nguyên nhân gây trầm cảm, đôi khi đáng kể. Nhưng tự bản thân chúng không phải là nguyên nhân.
Điều này có nghĩa là nếu các gene khác cũng hoạt động giống gene 5-HTT – và có vẻ là như vậy – thì không ai phải lãnh bản án trầm cảm hoặc lo âu cũng đều có nguyên nhân từ gene của mình. Gene của bạn chắc chắn có thể khiến bạn dễ bị tổn thương hơn, nhưng chúng không viết nên số phận của bạn. Tất cả chúng ta đều thấy được cách hoạt động này khi xét đến cân nặng. Một số người rất khó tăng cân: Họ có thể ăn cả miếng hamburger to mà vẫn gầy. Nhưng một số người khác chỉ ăn một miếng bánh sô-cô-la nhỏ xíu thôi là đã bắt đầu trông giống cá voi rồi. Tất cả chúng ta đều ganh tị với những người ăn hamburger mà vẫn gầy kia – nhưng chúng ta cũng biết rằng, ngay cả khi thừa hưởng xu hướng dễ tăng cân hơn thì ta vẫn phải có nhiều thức ăn trong môi trường để ăn vào thì ta mới tăng cân được. Còn nếu bị mắc kẹt trong rừng mưa hay sa mạc trong tình trạng không có gì để ăn, bạn sẽ giảm cân bất kể gene di truyền của bạn thế nào.
Các bằng chứng hiện tại cho thấy trầm cảm và lo âu cũng có phần như vậy. Các yếu tố di truyền góp phần gây ra trầm cảm và lo âu là có thực, nhưng chúng cần yếu tố kích hoạt trong môi trường sống hoặc trong tâm lý. Gene của bạn có thể cộng hưởng với các yếu tố đó, nhưng không thể tự tạo ra chúng.
*
Khi tìm hiểu sâu hơn, tôi nhận ra mình không thể không đặt ra những câu hỏi về vai trò của bộ não và gene tại đây.
Người ta từng nghĩ trầm cảm có thể sinh ra do những gì đã xảy đến với chúng ta trong cuộc sống, ngoài ra còn một loại trầm cảm khác thuần túy hơn, do có điều gì đó không ổn trong não bộ. Loại trầm cảm đầu tiên được gọi là “ trầm cảm phản ứng”, và loại thứ hai thuần túy bên trong gọi là “trầm cảm nội sinh”.
Vì vậy, tôi muốn biết, liệu có những người trầm cảm nào mà nỗi đau của họ thực sự sinh ra theo cách bác sĩ giải thích cho tôi không – rằng não của họ gặp trục trặc, hoặc do một số khiếm khuyết bẩm sinh khác? Và nếu có tồn tại, thì nó phổ biến đến mức độ nào?
Nghiên cứu khoa học đích thực duy nhất về vấn đề này mà tôi có thể tìm ra là của George Brown và Tirril Harris. Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu đầu tiên về nguyên nhân xã hội gây ra trầm cảm ở phụ nữ ở phía Nam London, khi xem xét những người phải nhập viện vì trầm cảm phản ứng và so sánh với những người thuộc phân loại trầm cảm nội sinh. Hóa ra hoàn cảnh của hai nhóm hoàn toàn giống nhau: đã có rất nhiều điều xảy ra kích hoạt nỗi tuyệt vọng trong họ. Đối với họ vào thời điểm đó, dựa trên bằng chứng, việc phân biệt hai loại trầm cảm này dường như là vô nghĩa.
Nhưng thế không nhất thiết có nghĩa là không tồn tại trầm cảm nội sinh. Nó chỉ có thể hàm nghĩa là các bác sĩ vào thời điểm đó không giỏi trong việc phát hiện ra sự khác biệt. Chưa có bất kỳ nghiên cứu rõ ràng nào về điều này. Vì vậy, tôi đã hỏi nhiều chuyên gia trị liệu trầm cảm xem họ có tin trầm cảm nội sinh – loại chỉ sinh ra do não hoặc cơ thể bị trục trặc – là có thật hay không. Họ bất đồng ý kiến với nhau. Giáo sư Joanna Moncrieff nghĩ rằng nó hoàn toàn không tồn tại. Tiến sĩ David Healy nói đó là “một lượng vô cùng nhỏ – không quá 1% trong số những người bị gán nhãn trầm cảm, có thể ít hơn”. Tiến sĩ Saul Marmot thì lại cho rằng có thể cứ hai mươi người tìm đến ông điều trị trầm cảm thì lại có một người là trầm cảm nội sinh.
Nhưng tất cả đều đồng ý rằng nếu có tồn tại, thì đó là nhóm thiểu số trong những người bị trầm cảm. Và như thế cũng đồng nghĩa rằng việc kể cho những người bị trầm cảm câu chuyện chỉ tập trung vào nguyên nhân thể chất là một ý tưởng tồi.
Tuy nhiên, tôi muốn biết những căn bệnh như chứng rối loạn lưỡng cực hay hưng-trầm cảm thì sao, có vẻ yếu tố thể chất đóng vai trò lớn hơn ở đó? Theo giáo sư Joanna Moncrieff, điều này có vẻ đúng, nhưng không nên phóng đại. Những người mắc bệnh này có tỷ lệ rất nhỏ trong những người bị trầm cảm, nhưng trong trường hợp của họ, bà nói: “Tôi nghĩ chứng trầm cảm có một số yếu tố sinh học”. Giai đoạn hưng cảm hơi giống với việc uống nhiều thuốc amphetamine, và trầm cảm là khi chất amphetamine sụt xuống. Nhưng bà cũng nói không nên vì thế mà hiểu lầm. Ngay cả khi có yếu tố sinh học thực sự, đó chắc chắn không phải là bức tranh toàn cảnh – vì nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các nguyên nhân xã hội gây trầm cảm và lo âu vẫn sẽ ảnh hưởng đến mức độ và tần suất phát bệnh của họ.
Có những tình huống khác mà chúng ta biết rằng sự thay đổi sinh học có thể khiến bạn dễ bị tổn thương hơn. Những người bị tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm trùng, hoặc bị suy giáp chẳng hạn, có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn hẳn.
Sẽ thật sai lầm khi phủ nhận việc có một yếu tố sinh học thực sự gây ra trầm cảm và lo âu (sinh học có thể còn có những vai trò khác mà chúng ta chưa xác định được) – nhưng cũng sai lầm không kém khi nói đó là nguyên nhân duy nhất.
*
Vậy tại sao chúng ta cứ bám dính câu chuyện tập trung vào não hoặc gene? Khi phỏng vấn nhiều người về vấn đề này, tôi có thể tìm ra bốn lý do chính. Trong đó có hai lý do rất dễ hiểu, và hai lý do lại không thể tha thứ.
Hầu như ai cũng đều có quen biết người bị trầm cảm hoặc lo âu dù dường như chẳng có gì khiến họ không hài lòng. Khó hiểu quá: người mà bạn thấy như thể họ có mọi lý do để hạnh phúc bỗng nhiên hoàn toàn tuyệt vọng. Tôi biết rất nhiều người như thế. Ví dụ, tôi có một người bạn lớn tuổi được bạn đời yêu thương, có một căn hộ đẹp, có rất nhiều tiền và một chiếc xe thể thao màu đỏ. Bỗng một ngày nọ, ông bắt đầu cảm thấy vô cùng buồn bã, và trong vòng vài tháng, ông đã cầu xin bạn đời giết mình đi. Việc diễn ra quá đột ngột, và dường như chẳng phải do nguyên nhân nào trong cuộc sống hiện tại của ông gây ra. Nguyên nhân hẳn phải do thể chất rồi. Còn có thể giải thích bằng cách nào được nữa?
Tôi chỉ bắt đầu nghĩ về ông, và nhiều người như ông, theo cách khác đi khi bản thân tôi tình cờ đọc được một số tác phẩm kinh điển đầu tiên về nữ quyền từ những năm 1960, và nhận ra vài điều.
Hãy hình dung một bà nội trợ ở thập niên 1950, sống trước thời nữ quyền hiện đại. Người này đến gặp bác sĩ để nói rằng ở bà có điều gì đó rất không ổn. Bà nói những điều như: “Tôi có mọi thứ mà một người phụ nữ mong muốn. Tôi có một người chồng tốt chu cấp cho tôi. Tôi có một ngôi nhà đẹp với hàng rào xinh. Tôi có hai đứa con khỏe mạnh. Tôi có một chiếc xe hơi. Tôi không có gì để không hài lòng cả. Nhưng hãy nhìn tôi – tôi cảm thấy thật tồi tệ. Chắc là trong cơ thể tôi có trục trặc gì đó. Làm ơn, hãy cho tôi một ít thuốc an thần được không?”.
Các tác phẩm kinh điển về nữ quyền nói rất nhiều về những người phụ nữ như thế. Đã có hàng triệu phụ nữ nói những điều giống thế. Và họ đang nói thật. Tuy nhiên, bây giờ, nếu có thể lên cỗ máy thời gian quay trở lại và nói chuyện với những người phụ nữ này, điều chúng ta muốn nói là: Chị đã có mọi thứ mà một phụ nữ có thể muốn theo các chuẩn mực văn hóa. Theo các chuẩn mực văn hóa thì chị không có gì phải bất mãn cả. Nhưng bây giờ chúng tôi biết rằng các chuẩn mực lúc đó là sai. Phụ nữ cần nhiều hơn một ngôi nhà, một chiếc xe hơi, một người chồng và những đứa con. Họ cần sự bình đẳng, công việc có ý nghĩa và quyền tự chủ.
Chúng ta sẽ cho họ biết bản thân họ không có gì sai. Là văn hóa đã sai.
Và nếu các chuẩn mực văn hóa lúc đó đã sai, thì tôi nhận ra, bây giờ chúng cũng có thể sai. Bạn có thể đã có mọi thứ mà một người có thể cần theo chuẩn mực văn hóa hiện nay, nhưng những chuẩn mực đó có thể đánh giá sai những gì một con người thực sự cần để có một cuộc sống hạnh phúc hoặc thậm chí chỉ là cuộc sống mà họ có thể chấp nhận được. Bằng những giá trị vô bổ mà chính tôi cũng đã được học, văn hóa đã tạo ra một bức tranh về những gì bạn “cần” để hạnh phúc nhưng nó lại không phản ánh được những gì bạn thật sự cần.
Tôi lại nghĩ về người bạn lớn tuổi đột nhiên chìm trong tuyệt vọng của mình. Ông cảm thấy không ai cần đến ông, hoặc không còn ai quan tâm chút nào đến một ông già. Ông nói cuộc sống của ông từ nay sẽ chỉ toàn bị phớt lờ, điều đó thật nhục nhã và ông không chịu nổi. Bây giờ tôi nhận ra, tôi đã chọn coi đó là một trục trặc trong não bởi không muốn nhìn thấy văn hóa của chúng ta đang làm gì với ông. Tôi chẳng khác nào vị bác sĩ nói với một bà nội trợ thập niên 1950 rằng, lý do duy nhất khiến một phụ nữ không hạnh phúc là bởi trong não hoặc dây thần kinh của cô ấy có khiếm khuyết – phớt lờ hoàn toàn việc cô ấy không có việc làm, không có sáng tạo và không kiểm soát được cuộc sống của chính mình.
*
Lý do thứ hai khiến chúng ta bám vào ý tưởng cho rằng vấn đề chỉ là do bộ não gây ra thậm chí còn sâu xa hơn. Suốt một thời gian dài, những người bị trầm cảm và lo âu đã phải nghe rằng nỗi đau khổ của họ không có thật – đó chỉ là sự lười biếng, hoặc yếu đuối, hoặc sự buông thả bản thân. Tôi đã phải nghe như thế nhiều lần trong đời. Học giả cánh hữu Katie Hopkins của nước Anh gần đây còn nói trầm cảm là “tấm hộ chiếu cuối cùng cho sự tự ám thị. Bình tĩnh đi chứ, mọi người”, và thêm rằng chúng ta nên ra ngoài chạy bộ và bớt rên rỉ đi.
Chúng ta chống lại sự khó chịu này bằng cách nói trầm cảm là một căn bệnh. Nếu bạn không nỡ quát bệnh nhân ung thư phải lo mà vực mình dậy, thì làm điều đó với người mắc trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng cũng tàn nhẫn không kém. Con đường thoát khỏi sự kỳ thị là kiên nhẫn giải thích đây là một căn bệnh thể chất giống như tiểu đường hoặc ung thư.
Vì vậy, tôi lo lắng nếu cho mọi người thấy bằng chứng rằng trầm cảm chủ yếu không phải do não hoặc cơ thể có vấn đề thì sẽ mở lại cánh cửa cho sự giễu cợt này. Thấy chưa! Ngay cả anh cũng thừa nhận đó không phải một căn bệnh như ung thư. Thế thì lo mà tự vực mình dậy đi!
Chúng ta đã tin con đường duy nhất thoát khỏi sự kỳ thị là giải thích cho mọi người rằng đây là một căn bệnh sinh học với nguyên nhân hoàn toàn sinh học. Dựa trên động cơ tích cực này, chúng ta đã cố gắng tìm ra các tác động sinh học, và lấy chúng làm bằng chứng để bác đi những lời dè bỉu.
Câu hỏi này đã khiến tôi băn khoăn suốt nhiều tháng. Một ngày nọ, tôi thảo luận về nó với nhà thần kinh học Marc Lewis, và ông hỏi tôi tại sao lại cho rằng việc nói với mọi người điều gì đó là một căn bệnh thì sẽ giúp giảm sự kỳ thị. Mọi người đều biết, ngay từ đầu, AIDS là một căn bệnh; nhưng không ngăn được những người mắc bệnh AIDS bị kỳ thị kinh khủng. Ông nói: “Những người mắc bệnh AIDS vẫn bị kỳ thị, bị kỳ thị rất nhiều. Không ai nghi ngờ phong cùi là một căn bệnh, và người bệnh phong vẫn bị hành hạ suốt nhiều thiên niên kỷ”.
Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó, và tôi đã sững người. Liệu nói thứ gì đó là một căn bệnh có thực sự làm giảm sự kỳ thị không? Rồi tôi phát hiện ra vào năm 1997, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Auburn, Alabama đã nghiên cứu chính câu hỏi này. Giáo sư phụ trách – Sheila Mehta, người mà tôi phỏng vấn sau đó – đã thiết lập thí nghiệm để tìm hiểu xem việc nói rằng thứ gì đó là một căn bệnh sẽ khiến người ta tử tế hơn hay tàn nhẫn hơn với người đang khổ sở vì căn bệnh ấy.
Nếu tham gia thử nghiệm này, bạn sẽ được đưa vào một căn phòng, được giải thích rằng đây là một thử nghiệm để xem mọi người tiếp nhận thông tin mới ra sao, và yêu cầu bạn đợi một chút trong khi họ chuẩn bị. Trong khi chờ đợi, người bên cạnh bắt đầu trò chuyện với bạn.
Bạn không biết điều này, nhưng người nói chuyện với bạn thực chất là một diễn viên. Anh chàng này ngẫu nhiên đề cập đến việc mình bị bệnh tâm thần, rồi nói một, hai điều về nó – chẳng hạn đó là “bệnh giống như bất kỳ căn bệnh nào khác”, là hậu quả của việc “sinh hóa” của anh ta không hoạt động bình thường; hoặc nói đó là vì những điều đã xảy ra trong cuộc sống của anh ta, chẳng hạn như một tuổi thơ không êm ả.
Sau đó, bạn sang một căn phòng khác và được thông báo rằng bài kiểm tra đang bắt đầu.
Bạn được dạy cách nhấn các nút theo một thứ tự khá phức tạp, và việc của bạn sau đó là dạy lại cho người kia trong thử nghiệm – người diễn viên mà bạn trò chuyện lúc nãy. Những nhà nghiên cứu sẽ nói với bạn rằng họ muốn tìm hiểu xem mọi người nắm bắt được những điều này tốt đến mức nào. Và cái bẫy nằm ở đây. Khi người kia nhấn nút không đúng cách, bạn sẽ nhấn vào một nút lớn màu đỏ – và làm như thế sẽ khiến anh chàng kia bị một cú sốc điện, tuy không đến mức chết người nhưng chắc chắn là đau đớn.
Khi diễn viên làm sai, bạn khiến anh ta bị giật tưng tưng một chặp. Thực tế anh ta chỉ đang giả vờ bị giật, nhưng bạn không biết điều đó. Bạn chỉ biết mình đang làm tổn thương anh ta.
Điều Sheila và cộng sự muốn biết là: Liệu có sự khác biệt giữa tần suất và cường độ bị giật điện của diễn viên dựa trên lý do anh ta đưa ra cho chứng trầm cảm của mình hay không?
Và kết quả chỉ ra rằng, bạn có nhiều khả năng sẽ làm tổn thương người khác nếu tin bệnh tâm thần của họ là do quá trình sinh hóa hơn là tin rằng đó là hậu quả từ những gì đã xảy ra trong cuộc sống của họ. Tin rằng trầm cảm là một căn bệnh không làm giảm sự ác cảm. Trong thực tế, nó còn làm tăng thêm.
Thí nghiệm này đã giúp chúng ta hiểu được phần nào. Trong một thời gian dài, ta được bảo rằng chỉ có hai cách nghĩ về bệnh trầm cảm. Đó hoặc là một thất bại về tinh thần – dấu hiệu của sự yếu kém – hoặc là một căn bệnh về não. Cả hai đều không có tác dụng tốt trong việc chấm dứt trầm cảm, hoặc chấm dứt sự kỳ thị. Nhưng tất cả những gì tôi đã tìm hiểu cho thấy rằng có một lựa chọn thứ ba – coi trầm cảm là một phản ứng đối với cách chúng ta đang sống.
Marc nói cách này tốt hơn, bởi vì nếu đó là bệnh sinh học bẩm sinh thì điều bạn có thể hy vọng nhiều nhất từ người khác là sự thông cảm – cảm giác rằng bạn, cùng sự khác biệt của mình, đáng được họ rộng lòng tử tế đón nhận. Nhưng nếu đó là sự phản ứng với cách chúng ta sống, bạn có thể nhận được điều quý giá hơn: sự đồng cảm – bởi vì điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai. Đó không phải là điều gì xa lạ. Đó là tính dễ bị tổn thương chung của con người.
Bằng chứng cho thấy Marc đúng – nhìn nhận theo cách này khiến mọi người bớt tàn nhẫn hơn, với bản thân và cả với người khác.
*
Trong nhiều thập niên, các bác sĩ tâm thần trong quá trình đào tạo đã được dạy về thứ gọi là mô hình sinh học – tâm lý – xã hội. Họ chỉ ra rằng trầm cảm và lo âu có ba loại nguyên nhân: sinh học, tâm lý và xã hội. Vậy mà hầu như không người nào bị trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng mà tôi biết từng được nghe bác sĩ nhắc đến câu chuyện tôi đã kể – và hầu hết không được giúp bất cứ gì ngoài việc cho thuốc uống để tác động đến hóa chất trong não họ.
Vì muốn hiểu lý do tại sao, tôi đã đến Montreal để gặp Laurence Kirmayer, trưởng khoa Tâm thần Xã hội tại Đại học McGill, một trong những người trăn trở nhiều nhất về những câu hỏi này.
“Mọi thứ đã thay đổi trong lĩnh vực tâm thần học”, ông nói, và sau đó cho tôi hai lý do quan trọng giải thích tại sao chúng ta chỉ được kể những câu chuyện về bộ não và gene của mình. “Tâm thần học đã bị hạn chế thực sự từ cách tiếp cận xã hội – tâm lý – sinh học này. Một số người vẫn đãi bôi với nó, nhưng tâm thần học chính thống đã thiên về tính sinh học quá nhiều”. Ông nhíu mày: “Việc đó rất có vấn đề”. Chúng tôi kết lại bằng “một bức tranh đơn giản hóa quá mức” về căn bệnh trầm cảm mà ông nói rằng “không xét đến các yếu tố xã hội... Nhưng đối với tôi, ở cấp độ sâu hơn, nó đã không xét đến các cơ chế hoạt động cơ bản của con người”.
Một lý do vì sao việc nói rằng rất nhiều người đang cảm thấy tồi tệ vì cách xã hội của chúng ta hiện nay vận hành sẽ là một “thách thức lớn mang tính chính trị”. Ông nói với tôi rằng sẽ có ích hơn nhiều cho hệ thống “chủ nghĩa tư bản tân tự do” nếu nói: “Được rồi, chúng tôi sẽ giúp bạn hoạt động hiệu quả hơn, nhưng xin đừng bắt đầu đặt câu hỏi... bởi vì làm như thế sẽ khiến tất cả mọi thứ mất ổn định”.
Ông tin rằng nhận xét này phù hợp với một lý do quan trọng khác. “Các công ty dược phẩm là thế lực chính định hình ngành tâm thần học, bởi vì đó là ngành kinh doanh lớn – trị giá hàng tỷ đô la”. Họ trả tiền, vì vậy họ nắm phần lớn quyền quyết định, và rõ ràng họ muốn nỗi đau của chúng ta được coi là một vấn đề hóa học để có thể giải quyết bằng một giải pháp hóa học. Kết quả là chúng ta, với tư cách cả một nền văn hóa, phải đón lấy một nhận thức méo mó về nỗi khổ của chính mình. Ông nhìn tôi: “Thật sự rất đáng lo ngại khi nhìn thấy toàn bộ các nghiên cứu tâm thần đều như thế này”.
*
Vài tháng sau, tiến sĩ Rufus May, một nhà tâm lý học Anh, nói với tôi rằng việc bảo người ta rằng nỗi đau khổ của họ phần lớn hoặc hoàn toàn xuất phát từ trục trặc sinh học đưa đến một số tác động nguy hiểm.
Tác động đầu tiên xảy ra là “bạn khiến người đó mất tự tin, cảm thấy họ không đủ tốt – bởi vì bộ não của họ không đủ tốt”. Thứ hai, ông nói, “nó khiến chúng ta chống lại chính con người mình”. Cách giải thích này nói rằng có một cuộc chiến đang diễn ra trong đầu bạn. Một bên là cảm giác đau khổ của bạn, gây ra bởi trục trặc trong não hoặc gene của bạn; ở phía bên kia là phần lành mạnh. Bạn chỉ có thể hy vọng làm cho kẻ địch phải khuất phục mãi mãi bằng thuốc. Ảnh hưởng chưa dừng lại ở đây mà thậm chí còn sâu xa hơn thế. Nó nói rằng đau khổ của bạn chẳng có ý nghĩa gì – chỉ đơn giản là não của bạn bị lỗi. Nhưng Rufus nói: “Tôi nghĩ chúng ta đau khổ vì những lý do chính đáng”.
Tôi nhận ra đây là điểm phân biệt lớn nhất giữa giọng điệu cũ về chứng trầm cảm và lo âu với câu chuyện mới. Câu chuyện cũ nói rằng nỗi khổ của chúng ta về cơ bản là vô lý, do những sai sót trong đầu ta gây ra. Câu chuyện mới thì nói rằng nỗi khổ của chúng ta – dù đau đớn đến mấy – thực tế lại là hợp lý và lành mạnh.
Rufus nói với những bệnh nhân của mình rằng: Bạn không điên khi cảm thấy đau khổ như vậy. Bạn không bị hỏng hay bị lỗi. Đôi khi ông còn dẫn lời triết gia phương Đông Jiddu Krishnamurti rằng: “Điều chỉnh cho vừa vào một xã hội bệnh tật, ấy không phải là thước đo sức khỏe”.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này suốt một năm trời. Rất khó để tiếp nhận, và tôi đã phải lắng nghe từ nhiều hướng và đến nhiều nơi trước khi thực sự thấu hiểu nó. Công việc của tôi bây giờ là mang lại ý nghĩa cho nỗi đau của mình.
Và, có lẽ, cho nỗi đau của chúng ta.