Sau nhiều năm, tôi còn nhận thấy một điều khác về chứng trầm cảm và lo âu của mình. Nó thường khiến tôi, theo một cách đặc biệt nào đó, chẳng thể nhìn được xa về tương lai. Khi nó ập đến, tôi chỉ có thể nghĩ về vài giờ tiếp theo: những giờ ấy sẽ dài dằng dặc và đau đớn đến thế nào. Cứ như thể tương lai đã tan biến mất rồi.
Khi nói chuyện với nhiều người bị trầm cảm hoặc lo âu nghiêm trọng, tôi nhận thấy họ cũng rất thường mô tả cảm giác tương tự. Một người bạn nói với tôi rằng, cô ấy luôn biết cơn trầm cảm của mình đang giảm dần khi cảm thấy thời gian mở rộng trở lại, có thể nghĩ đến tương lai một tháng sau hoặc một năm sau.
Tôi muốn hiểu rõ hiện tượng này và đào sâu vào nó, để rồi nó dẫn tôi đến một số nghiên cứu khoa học đáng chú ý. Trong tất cả các nguyên nhân gây trầm cảm và lo âu mà tôi biết, đây là nguyên nhân khiến tôi mất nhiều thời gian nhất mới thấm được – nhưng khi đã thấm, nó liền giúp tôi sáng tỏ nhiều bí ẩn.
*
Không lâu trước khi mất, một người Mỹ bản địa là tù trưởng Plenty Coups ngồi trong nhà tại vùng bình nguyên Montana và nhìn ra quang cảnh bên ngoài, nơi bộ tộc của ông từng một thời lang thang cùng đàn bò rừng, nhưng giờ thì không còn gì cả. Ông được sinh ra vào những ngày cuối cùng bộ tộc Crow của ông sống đời du cư săn bắn.
Ngày nọ, một chàng cao bồi da trắng đến và nói rằng muốn kể câu chuyện của người tù trưởng – ghi lại một cách trung thực, bằng chính lời của tù trưởng, cho nhiều đời sau. Nhiều người da trắng đã lấy trộm những câu chuyện của người Mỹ bản địa và xuyên tạc chúng, vì vậy phải mất một thời gian dài lòng tin mới được xây dựng giữa hai người đàn ông này. Nhưng khi đã tin, tù trưởng Plenty Coups bắt đầu kể một câu chuyện. Là chuyện về ngày tận thế.
Tù trưởng kể khi ông còn nhỏ, người bộ tộc ông đã rong ruổi trên lưng ngựa khắp đại bình nguyên, cuộc sống của họ luôn được tổ chức xoay quanh hai hoạt động cốt yếu. Họ săn bắn và chuẩn bị cho các cuộc chiến chống lại các bộ lạc đối thủ. Mọi thứ họ làm đều nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một trong hai cột trụ ấy. Nếu bạn nấu một bữa ăn, đó là để chuẩn bị cho cuộc đi săn, hoặc cho cuộc chiến. Nếu bạn tiến hành nghi lễ Vũ điệu chào Mặt trời, đó là để cầu mong sức mạnh cho cuộc đi săn, hoặc cho cuộc chiến. Ngay cả tên của bạn – cùng tất cả những người bạn biết – cũng được đặt theo vai trò của bạn trong cuộc đi săn, hoặc trong cuộc chiến.
Thế giới của họ đã từng như thế.
Ông mô tả nhiều quy tắc của thế giới ấy. Chẳng hạn, ở trung tâm thế giới quan của bộ tộc Crow là ý niệm trồng cây gậy lãnh địa – một que nhọn bằng gỗ được chạm khắc. Khi đi qua các vùng đồng bằng, bạn sẽ đánh dấu lãnh thổ của bộ tộc mình bằng cách trồng một gậy lãnh địa xuống đất. Cây gậy ấy mang ý nghĩa: bất kỳ ai vượt qua điểm này đều là kẻ thù và sẽ bị tấn công. Điều đáng ngưỡng mộ nhất bạn có thể làm, trong văn hóa của bộ tộc Crow, là trồng và bảo vệ những cây gậy lãnh địa. Chúng là cốt lõi trong hệ thống văn hóa tinh thần của họ.
Tù trưởng Plenty Coups tiếp tục mô tả chi tiết những quy tắc trong thế giới đã bị đánh mất của ông. Ông nói về cuộc sống của mình, các giá trị tinh thần của bộ tộc mình, mối quan hệ của họ với đàn bò rừng và với các bộ tộc đối thủ. Đó là một thế giới phức tạp chẳng kém gì các nền văn minh châu Âu, Trung Hoa hay Ấn Độ, và cũng được dựng nên bằng các quy tắc, ý nghĩa cùng một hệ thống các biểu tượng.
Nhưng chàng cao bồi nhận thấy trong câu chuyện có điều kỳ lạ. Khi người châu Âu da trắng đến, bò rừng bị giết hết, người tộc Crow bị tàn sát, và những người sống sót bị dồn vào một biệt khu cho người da đỏ, vị tù trưởng này mới chỉ là một thiếu niên. Thế mà câu chuyện của ông luôn kết thúc ở đó. Trong phần đời còn lại của mình, ông lại chẳng có câu chuyện nào để kể. Ông chẳng có gì để nói.
Câu chuyện của ông chỉ dẫn đến thời điểm bộ tộc Crow bị đẩy vào biệt khu cho người da đỏ, và: “Sau đó, không có gì xảy ra nữa cả”.
Tất nhiên chàng cao bồi biết – ai cũng biết – vị tù trưởng còn làm nhiều điều nữa trong cuộc đời mình. Rất nhiều điều đã xảy ra. Nhưng theo một nghĩa rất thật, thế giới với ông, và với bộ tộc của ông, đã kết thúc.
Chắc chắn họ vẫn có thể trồng những cây gậy lãnh địa xuống đất ở biệt khu, nhưng còn có nghĩa lý gì? Ai sẽ vượt qua nó chứ? Họ sẽ chống giữ lãnh thổ của mình thế nào đây? Chắc chắn họ có thể nói về lòng dũng cảm, giá trị mà họ trân trọng nhất – nhưng làm sao họ thể hiện được lòng dũng cảm theo bất kỳ cách nào có ý nghĩa nữa đây khi không còn săn bắn, không còn chiến đấu? Chắc chắn họ vẫn có thể thực hiện Vũ điệu chào Mặt trời, nhưng để làm gì, khi chẳng còn phải thắng trong một cuộc săn hay cuộc chiến nào? Thể hiện tham vọng, tinh thần, hoặc bản lĩnh bằng cách nào được?
Ngay cả các hoạt động hằng ngày dường như cũng trở nên vô nghĩa. Trước đây, các bữa ăn được chuẩn bị cho các cuộc săn bắn hoặc chiến đấu. “Rõ ràng là người bộ tộc Crow vẫn tiếp tục nấu ăn”, triết gia Jonathan Lear giải thích khi viết về việc này. “Nếu được hỏi, họ có thể nói mình đang làm gì. Và nếu được hỏi thêm, họ có thể nói rằng họ đang cố gắng để tồn tại, cố gắng để gắn kết gia đình ngày qua ngày”. Nhưng “những hoạt động đó không còn nằm trong một khuôn khổ ý nghĩa rộng lớn nào nữa”.
*
Một thế kỷ sau, giáo sư tâm lý học Michael Chandler đã có một khám phá. Ông đã xem trên tin tức – như rất nhiều người Canada khác – một câu chuyện kinh hoàng được báo cáo, năm này qua năm khác.
Rải rác trên khắp đất nước của ông có 196 nhóm Bộ tộc Đầu tiên (First Nations), cách gọi ở Canada dành cho những nhóm người châu Mỹ bản địa sống sót sau cuộc xâm lược của châu Âu – dù bị dồn vào các biệt khu của người da đỏ, bị mất phương hướng như tù trưởng Plenty Coups cùng bộ tộc Crow của mình. Giống như ở Hoa Kỳ, nhiều đời chính phủ Canada đã quyết tâm phá bỏ văn hóa của người bản địa bằng cách giành lấy con cái của họ, đem nuôi dưỡng trong các trại trẻ mồ côi, cấm những đứa trẻ này nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và cấm nói bất kỳ lời nào về cách bộ tộc của họ sinh sống. Việc này kéo dài mãi cho đến vài thập niên gần đây. Hậu quả là tỷ lệ tự tử ở người bản địa phải trải qua tất cả những điều ấy – cùng con cái của họ – cao nhất cả nước. Đến năm 2016, vấn đề này đã được đưa lên trang nhất ở Canada khi chỉ trong một đêm, tại chỉ một biệt khu, 11 người thuộc các Bộ tộc Đầu tiên đã tự sát.
Michael muốn hiểu lý do. Vì vậy, vào thập niên 1990, ông bắt đầu xem xét số liệu thống kê tình trạng tự sát trong những Bộ tộc Đầu tiên, để xem chúng đang xảy ra ở đâu. Ông nhận thấy một điều kích thích sự tò mò. Có một số bộ tộc bản địa (hoặc “bộ lạc” như cách họ được gọi ở Hoa Kỳ) hoàn toàn không có vụ tự sát nào, trong khi ở các bộ tộc khác thì tỷ lệ lại rất cao. Tại sao lại như vậy? Tại sao lại có sự khác biệt này?
Michael có một linh cảm. “Các chính phủ trong quá khứ đã đối xử với người bản địa như trẻ con và tự cho mình vai trò là cha mẹ kiểm soát cuộc sống của họ”, ông giải thích. Nhưng “trong các thập niên gần đây, nhiều nhóm người bản địa đã chống lại phương pháp này và cố gắng tìm lại quyền kiểm soát cuộc sống của chính họ”. Một số đã có thể giành lại quyền kiểm soát vùng đất truyền thống của mình, hồi sinh ngôn ngữ của mình, có được quyền kiểm soát trường học, dịch vụ y tế và cảnh sát riêng để tự mình bầu chọn và điều hành. Ở một số nơi, chính quyền đã nhượng bộ tổ chức của các Bộ tộc Đầu tiên và thừa nhận một số quyền tự do, còn ở những nơi khác thì không.
Điều đó đồng nghĩa rằng có một khoảng cách khá xa giữa các nhóm Bộ tộc Đầu tiên vẫn hoàn toàn bị kiểm soát và phụ thuộc vào bất kỳ quyết định nào của chính phủ Canada ban cho họ với các bộ tộc bản địa khác, những người đã có được một số quyền tự do để xây dựng lại nền văn hóa phù hợp với những giá trị của họ.
Vì vậy, Michael và các đồng nghiệp đã dành nhiều năm thu thập và nghiên cứu số liệu thống kê một cách cẩn thận. Họ phát triển 9 cách đánh giá mức độ kiểm soát mà một nhóm bộ lạc có được, sau đó đưa chúng vào cùng biểu đồ với thống kê số người tự sát. Họ muốn biết: Liệu có mối liên quan nào không?
Sau đó, họ tổng hợp kết quả. Hóa ra các cộng đồng có quyền kiểm soát cao nhất có tỷ lệ tự tử thấp nhất; còn các cộng đồng có quyền kiểm soát thấp nhất có tỷ lệ tự tử cao nhất. Nếu đưa hai yếu tố này vào một biểu đồ, với 196 nhóm bộ lạc, sẽ thấy một đường thẳng băng – bạn có thể dự đoán tỷ lệ tự sát chỉ bằng cách nhìn vào tỷ lệ bị kiểm soát của cộng đồng. Đây chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất gây đau đớn cho các nhóm Bộ tộc Đầu tiên. Còn có thể kể đến như việc gia đình họ bị nhà nước Canada cố tình phá hoại và chia rẽ, và việc họ bị gửi đến các “trường nội trú” ngược đãi khủng khiếp, gây ra hàng loạt đau thương truyền qua nhiều thế hệ. Nhưng Michael đã chứng minh rằng sự thiếu quyền kiểm soát của cộng đồng là yếu tố chính và rất lớn.
Khám phá này tự bản thân nó đã là một khám phá gây chấn động. Nhưng nó còn khiến Michael phải suy nghĩ sâu thêm.
*
Khi xem xét kết quả từ việc nghiên cứu các nhóm Bộ tộc Đầu tiên, Michael nghĩ lại một nghiên cứu mà chính ông đã thực hiện vài năm trước.
Sau khi tốt nghiệp Đại học California, Berkeley, nhà tâm lý học trẻ Michael vào năm 1966 đã tò mò về một trong những câu hỏi cơ bản và xa xưa nhất của loài người: Làm sao để định nghĩa được căn tính của mình? Làm sao để bạn biết bạn là ai? Đó có vẻ là câu hỏi quá lớn. Nhưng bạn hãy tự hỏi điều này: Sợi dây kết nối từ đứa bé mới ngày nào còn nôn trớ trong bạn đến người đang đọc cuốn sách này là gì? Hai mươi năm nữa bạn vẫn như bây giờ chứ? Nếu gặp người ấy, bạn có nhận ra không? Mối quan hệ giữa bạn trong quá khứ với bạn trong tương lai là gì? Có phải vẫn là cùng một người không?
Hầu như ai cũng thấy những câu hỏi này khó trả lời. Theo bản năng, chúng ta cảm thấy trong suốt cuộc đời mình vẫn chỉ là một người – nhưng khó giải thích được lý do tại sao. Tuy nhiên, có một nhóm người dường như thấy điều ấy là không thể.
Michael đến một khoa chữa trị tâm thần cho thanh thiếu niên ở Vancouver và dành hàng tháng trời phỏng vấn những đứa trẻ ở đó. Các em sống trên những chiếc giường tầng, được điều trị và thường che đi những vết sẹo trên cánh tay vì xấu hổ. Ông đặt ra nhiều câu hỏi về cuộc sống của các em. Một số câu đã trở thành trọng tâm của cuộc tranh luận này: Bạn hình thành căn tính của mình như thế nào? Chủ đề này được ông nêu lên theo nhiều cách khác nhau, trong đó có một cách khá đơn giản. Ở Canada có một loạt sách chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển thành truyện tranh. Một trong số đó là bản chuyển thể tác phẩm A Christmas Carol (Bài hát đêm Giáng sinh) của Charles Dickens. Có thể bạn đã biết cốt truyện: Lão già keo kiệt tên Scrooge bị ba hồn ma đến thăm; trải nghiệm này đã thay đổi con người ông và ông trở nên siêu hào phóng. Một cuốn truyện tranh khác chuyển thể tác phẩm kinh điển Les Misérables (Những người khốn khổ) của Victor Hugo. Chắc bạn cũng biết cuốn này: Người đàn ông tội nghiệp tên Jean Valjean phạm tội và bỏ trốn. Ông thay đổi danh tính, trở thành thị trưởng – cho đến khi ngài thanh tra Javert đến bắt ông.
Các thanh thiếu niên trong viện được Michael chia thành hai nhóm khác nhau và cho đọc các cuốn truyện tranh này. Một nhóm bao gồm những thanh thiếu niên bị chứng chán ăn đến mức phải nhập viện; nhóm còn lại gồm những thanh thiếu niên bị trầm cảm muốn tự sát. Ông yêu cầu cả hai nhóm suy nghĩ về nhân vật. Liệu Scrooge có vẫn là người như cũ sau khi đã gặp những hồn ma và thay đổi tâm hồn? Nếu vẫn thế, thì tại sao? Liệu Jean Valjean có vẫn là con người cũ sau khi bỏ trốn và đổi tên? Vì sao lại như thế?
Cả hai nhóm trẻ đều bị bệnh như nhau và mức độ khổ sở tương đương nhau. Tuy nhiên, nhóm biếng ăn có thể trả lời các câu hỏi này một cách bình thường trong khi nhóm trầm cảm thì không. “Điểm đặc biệt ở nhóm muốn tự sát là hoàn toàn không hiểu nổi làm sao mà một con người vẫn có thể y hệt như cũ”, Michael nói với tôi. Những đứa trẻ trầm cảm suy sụp có thể trả lời tất cả các loại câu hỏi khác một cách bình thường – nhưng khi gặp câu hỏi khiến các em phải suy nghĩ về bản thân hoặc bất kỳ ai khác sẽ ra sao trong tương lai, trông các em lại rất lúng túng. Các em biết mình có khả năng trả lời được; nhưng sau đó, buồn thay, các em lại nói: “Em chẳng biết”.
Và đây là điều thú vị. Cũng giống như không thể thấy được Jean Valjean ra sao trong tương lai, hóa ra các em cũng không thể thấy chính mình sẽ ra sao trong tương lai. Đối với các em, tương lai đã biến mất. Khi được yêu cầu mô tả bản thân trong 5, 10 hoặc 20 năm sau, các em đã đầu hàng. Nó giống như một cơ bắp mà các em không thể sử dụng.
Khi đi sâu vào vấn đề, Michael phát hiện ra rằng những người đã cực kỳ chán nản và suy sụp bị mất kết nối với ý thức về tương lai, điều mà người chán nản ở mức độ nhẹ hơn không bị. Tuy nhiên, từ nghiên cứu ban đầu, rất khó để biết triệu chứng của những đứa trẻ này là nguyên nhân hay hậu quả. Cả hai trường hợp đều có thể xảy ra. Có thể việc mất cảm giác về tương lai khiến người ta muốn tự sát – cũng có thể việc vô cùng chán nản đã khiến người ta không thể nghĩ nổi về tương lai. Michael tự hỏi: Làm sao để biết được trường hợp nào là đúng?
Ông tin rằng nghiên cứu về những người Canada thuộc các nhóm Bộ tộc Đầu tiên sẽ cho thấy câu trả lời. Nếu sống trong một cộng đồng không có quyền kiểm soát vận mệnh của chính mình, bạn sẽ khó hình dung nổi bức tranh về một tương lai bảo đảm hoặc hứa hẹn trong tâm trí. Bạn đang lệ thuộc các thế lực bên ngoài, những thế lực đã nhiều lần hủy hoại bộ tộc của bạn. Nhưng nếu bạn sống trong một cộng đồng có quyền tự kiểm soát vận mệnh, bạn có thể dễ dàng hình dung về một tương lai đầy hy vọng – bởi vì, cùng nhau, các bạn sẽ quyết định nó.
Ông kết luận rằng đánh mất tương lai chính là điều đang khiến tỷ lệ tự tử tăng cao. Niềm tin về tương lai là thứ bảo vệ bạn. Nếu ngày hôm nay tồi tệ, bạn có thể nghĩ: Đau thật đấy, nhưng sẽ không đau mãi. Nhưng khi niềm tin này mất đi, bạn có thể cảm thấy như nỗi đau của mình sẽ mãi mãi không bao giờ nguôi ngoai.
*
Sau khi thực hiện nghiên cứu, Michael nói ông đâm ra nghi ngờ cách chúng ta nói về trầm cảm và lo âu như thể chúng chủ yếu là do các khiếm khuyết trong não hoặc gene gây ra. “Đó là kiểu nhận thức từ góc nhìn đã bị phương Tây hóa, y tế hóa cao độ về sức khỏe và hạnh phúc”, ông nói, và nó thiếu “bất kỳ đánh giá nghiêm túc nào về bối cảnh văn hóa mà những điều ấy đang diễn ra”. Nếu hành động theo cách này là bạn đã lờ đi “tính chính đáng của quyền được chán nản” ở những người bị tước bỏ hy vọng. Tuy nhiên, thay vì suy nghĩ về nguyên nhân gây ra trầm cảm như vậy, chúng ta chỉ đơn giản cho họ dùng thuốc và “nó đã trở thành một ngành công nghiệp”.
*
Khi trở lại London một thời gian, tôi tìm gặp một người bạn cũ quen biết từ 12 năm trước ở trường đại học nhưng đã mất liên lạc nhiều năm. Tôi tạm gọi cô ấy là Angela. Khi còn học cùng nhau, Angela thuộc dạng người đa nhiệm – tham gia đóng kịch, đọc sách Tolstoy, là bạn thân của mọi người, đi chơi với những chàng trai hấp dẫn nhất trường. Ở cô dường như lúc nào cũng tràn đầy adrenaline, cocktail và những cuốn sách kinh điển. Nhưng tôi đã nghe từ một số người bạn chung rằng, những năm sau đó Angela gặp phải vấn đề lo âu và trầm cảm nghiêm trọng, nghe phi lý đến mức tôi muốn tìm gặp để nói chuyện với cô ấy.
Tôi đưa cô bạn mình đi ăn trưa thật lâu, và được cô kể cho nghe câu chuyện đời mình kể từ lần cuối chúng tôi gặp nhau bằng thứ giọng líu ríu và cô liên tục xin lỗi, dù không rõ là xin lỗi điều gì.
Angela kể, sau khi chúng tôi tốt nghiệp, cô lấy được bằng thạc sĩ. Tuy nhiên, khi bắt đầu nộp đơn xin việc khắp nơi thì cô liên tục nhận được cùng một phản hồi: Đơn vị tuyển dụng nói rằng năng lực của cô cao quá tầm của họ và rằng nếu để cô nhận việc thì rồi cô cũng sớm nghỉ việc mà thôi. Điều này kéo dài nhiều tháng liền. Một năm trôi qua, Angela vẫn phải nghe điều tương tự. Angela là một người chăm chỉ, và việc không được làm gì đối với cô thật kỳ cục. Cuối cùng, cô không trả nổi các hóa đơn của mình nữa nên đã đăng ký làm theo ca tại tổng đài chăm sóc khách hàng với mức lương 8 bảng Anh một giờ, chỉ cao hơn mức lương tối thiểu của Anh Quốc vào thời điểm đó một chút.
Vào ngày đầu tiên đi làm, cô đến một xưởng trộn sơn cũ ở phía Đông London. Có một dãy bàn mặt nhựa chân mảnh – kiểu vẫn thường thấy ở các trường tiểu học của nước Anh – bên trên kê máy tính, và ở chính giữa là một người giám sát, ngồi ở bàn lớn hơn. Cô được cho biết là anh ta có thể nghe cuộc gọi của bất kỳ ai vào bất cứ lúc nào, và sẽ đưa ra phản hồi về cuộc gọi đó. Trung tâm này thực hiện các cuộc gọi đến những nhà hảo tâm thay mặt cho ba tổ chức từ thiện hàng đầu nước Anh; công việc của Angela là thực hiện cuộc gọi ngẫu nhiên và hoàn thành thứ được gọi là “ba yêu cầu”. Đầu tiên là yêu cầu quyên góp một khoản tiền lớn: Bạn có thể quyên góp 50 bảng một tháng không? Nếu họ đáp không, bạn yêu cầu một khoản nhỏ hơn: 20 bảng Anh thì sao? Nếu họ nói không nữa thì hỏi: Thế 2 bảng một tháng? Cuộc gọi của bạn chỉ được coi là thành công nếu bạn thực hiện được cả ba yêu cầu.
Tại trung tâm này chẳng có khái niệm “công việc” theo cách hiểu của ông bà Angela – những người từng làm công nhân nhà máy và người hầu gái. Người giám sát nói là họ sẽ thông báo việc có giữ Angela lại không thông qua email mỗi tuần một lần, liệt kê các ca làm việc trong tuần tiếp theo – có thể là bốn, cũng có thể là không, tùy thuộc vào người giám sát cũng như vào mức độ thể hiện của nhân viên mỗi ngày.
Vào cuối ngày đầu tiên, người giám sát nói với Angela rằng tất cả các cuộc gọi của cô đều không ổn, và nếu không cải thiện thì cô sẽ không được xếp ca nữa. Cô phải quyết đoán hơn. Phải duy trì một tỷ lệ cao những người cho phép bạn hỏi họ ba câu, và sau đó thì cần một tỷ lệ cao những người đồng ý. Vài tuần sau đó, Angela hiểu được rằng nếu tỷ lệ giảm, dù chỉ 2% so với ca trước, người giám sát sẽ hét vào mặt bạn và đó có thể là ca làm cuối cùng của bạn.
Đôi khi Angela gọi ngẫu nhiên đến thì nghe người ta khóc lóc nói rằng họ không còn khả năng quyên góp nữa. Đã có lần một bà lão vừa khóc nức nở vừa nói: “Tôi biết những đứa trẻ khiếm thị cần tôi giúp... Thôi, hay là tôi sẽ mua thức ăn hiệu khác cho chó của tôi để tặng những đồng xu tiết kiệm được cho mấy đứa trẻ”. Angela được chỉ đạo để lấy cho bằng được những đồng xu ấy.
Trong tháng đầu tiên, Angela nghĩ mình có thể làm tốt hơn và sẽ chịu được công việc này cho đến khi tìm được một công việc thích hợp. “Tôi lúc đó nghĩ rằng... ừ thì mình không thực sự thích nó, nhưng sẽ ổn. Sẽ ổn thôi”, cô kể. Trong những tuần có bốn ca làm việc, cuối cùng Angela cũng có thể đi xe buýt đi làm và mua cả một con gà về ăn dần nhiều bữa trong tuần. Trong những tuần có hai ca làm việc hoặc ít hơn, cô ăn đậu và đi bộ đến nơi làm việc. Bạn trai của cô cũng buộc phải làm công việc bấp bênh khó chịu tương tự, và một ngày nọ anh bị ốm. Cô thấy mình nổi giận vì bạn trai không cố đi làm: Anh không biết chúng ta cần 60 bảng đó sao?
Sang đầu tháng thứ hai, Angela nhận ra mình run rẩy trên xe buýt mỗi ngày trên đường đi làm. Cô không thể nói được là tại sao. Sau giờ làm việc, thỉnh thoảng cô tự mua nửa lít Guinness ở quán rượu bên kia đường, và lần đầu tiên trong đời, cô khóc ở nơi công cộng. Cũng trong khoảng thời gian đó, cô thấy mình dễ tức giận theo cách chưa từng xảy ra trước đó. Thỉnh thoảng lại có một loạt ứng viên mới xin vào làm theo ca và do đó các ca của cô bị cắt bớt. “Bạn bắt đầu thực sự ghét những người mới”, cô nói. Cô và bạn trai cũng bắt đầu hét vào mặt nhau chỉ vì những điều nhỏ nhặt.
Khi tôi hỏi Angela cảm thấy thế nào khi làm công việc này, cô ngừng lại trong giây lát. “Giống như bị bóp đến nghẹt thở – giống như lúc nào cũng cố ép mình cho vừa vào một cái ống rất hẹp. Bạn biết không – nó giống như cố gắng trượt xuống một chiếc cầu trượt, và nhận ra mọi thứ về bạn đều không đúng, bạn không thở nổi, cảm thấy bệnh, cảm thấy như thể sẽ không bao giờ thoát ra được. Và cảm thấy mình thật ngu ngốc – không đủ năng lực, giống như một đứa trẻ, một đứa trẻ không thể tự quản lý cuộc sống của mình, vậy là bạn đã bị giáng xuống thế giới tồi tệ nơi người ta có thể nói rằng bạn không đủ tốt và sa thải bạn bất cứ lúc nào họ muốn”, rồi bạn tôi búng tay một cái.
Bà của Angela từng làm công việc hầu gái, được gia hạn hợp đồng mỗi năm một lần vào Lễ Truyền tin. Mẹ của Angela có một công việc thuộc giới trung lưu với hợp đồng lâu dài. Angela cảm thấy bản thân bị thụt lùi, thậm chí so với những việc mà bà cô từng làm vào những năm 1930. Cô phải thử việc mỗi giờ, trong mỗi cuộc gọi. Nó khiến cô “khiếp đảm khi phải đi làm, bởi vì sợ ngày ấy rồi sẽ kinh khủng ra sao, cùng với cả nỗi sợ rằng đây sẽ là ngày tôi thực sự rối lên và bị sa thải, rồi chúng tôi sẽ gặp rắc rối”.
Đến một ngày, Angela chợt nhận ra một “cảm giác không có tương lai” luôn bám theo cô không có cách nào rũ bỏ. Cô thậm chí không thể lên kế hoạch cho vài ngày sau. Khi nghe bạn bè nói về các khoản thế chấp và lương hưu, những điều ấy đối với cô gần như là không tưởng. “Nó giết chết bất kỳ ý thức về giá trị bản thân nào mà bạn có thể có, và thay vào đó bằng sự xấu hổ, lo lắng và sợ hãi... Mình là ai? Mình không là ai cả. Mình là ai?”. Bạn tôi không thể hình dung nổi bản thân trong tương lai trông khác gì so với hôm nay: “Tôi kinh hãi khi hình dung ra cảnh mình nghèo túng ở độ tuổi sáu mươi, bảy mươi, giống như khi còn ở tuổi đôi mươi”, cô nói. Cảm giác như “tắc đường vĩnh viễn”, sẽ không bao giờ nhích được dù chỉ một li. Đêm đến, cô lại bắt đầu uống rượu rẻ tiền, vì quá lo lắng nên không thể nào chợp mắt ngủ được.
Ba mươi năm qua, trên hầu hết thế giới phương Tây, kiểu bất an này đã là đặc điểm công việc của ngày càng nhiều người. Khoảng 20% người Hoa Kỳ và Đức làm việc không có hợp đồng mà thay vào đó phải làm việc theo ca. Triết gia người Ý Paolo Virno nói rằng chúng ta đã chuyển từ “giai cấp vô sản” – một khối vững chắc những người lao động chân tay có công ăn việc làm – sang “vô sản bấp bênh”, một khối lớn những người luôn bất an không biết liệu sang tuần mình có còn việc làm hay không, và có thể không bao giờ có việc làm ổn định.
Hồi sinh viên, khi Angela còn có niềm tin về tương lai, cô là một người rất tích cực. Bây giờ, khi ngồi đối diện với tôi, nói về tương lai vô vọng, cô đã kiệt sức, gần như không còn cảm xúc.
Đã từng có một khoảng thời gian những người ở tầng lớp công nhân và trung lưu có được cảm giác an toàn nhất định và có thể lập kế hoạch cho tương lai. Những khoảng thời gian đó đã đóng lại – hậu quả trực tiếp từ các quyết định chính trị nhằm giải phóng doanh nghiệp khỏi các quy định và khiến người lao động rất khó để bảo vệ quyền lợi của mình, thứ chúng ta đang mất đi là cảm giác dự đoán được tương lai. Angela không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Làm việc theo cách này đồng nghĩa là cô không thể hình dung nổi một bức tranh về bản thân sau vài tháng, chứ đừng nói đến vài năm hay vài thập niên nữa.
Sự bấp bênh này có thể nhìn thấy đầu tiên ở những người làm công việc nhận mức lương thấp nhất. Nhưng từ đó, sự bếp bênh này ngày càng dâng cao lên và chạm đến các tầng lớp cao hơn trong xã hội. Hiện tại, nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu đang phải làm các công việc theo dự án mà không có bất kỳ hợp đồng hoặc sự bảo đảm nào. Chúng ta đặt cho nó những cái tên hoa mỹ: “làm việc tự do” (self-employed) hay “nền kinh tế không cố định” (gig economy). Đối với hầu hết mọi người, cảm giác ổn định về tương lai đang tan dần, và chúng ta được bảo rằng hãy xem đó như một hình thức giải phóng.
*
Sẽ thật lố bịch nếu so sánh điều xảy ra với người lao động phương Tây với những gì mà người bản địa châu Mỹ đã phải trải qua sau một cuộc diệt chủng và hơn một thế kỷ bị ngược đãi. Nhưng khi nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi đã sống ít lâu tại Vành đai Rỉ sét(*). Vài tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, tôi đến Cleveland để cố gắng vận động ngăn Donald Trump đắc cử. Một chiều nọ, tôi đi bộ xuống một con phố phía Tây Nam thành phố, một phần ba số nhà cửa ở đó đã bị chính quyền phá bỏ, một phần ba bị bỏ hoang, và số còn lại vẫn có những người sống chen chúc bên trong những tấm bảo vệ bằng thép trên cửa sổ. Tôi gõ cửa và một phụ nữ khoảng chừng năm mươi lăm tuổi ra mở cửa. Người này bắt đầu đùng đùng xả hết – nào chuyện khiếp hãi hàng xóm của mình ra sao, nào chuyện bọn trẻ trong khu vực phải đi vệ sinh như thế nào, nào chuyện tha thiết mong có bất kỳ ai sẽ khiến mọi thứ tốt lên, nào chuyện quanh đây thậm chí không còn bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào nữa mà phải bắt ba chuyến xe buýt chỉ để mua thức ăn. Nhân tiện, người này nói rằng mình ba mươi bảy tuổi, khiến tôi giật cả mình.
(*) “Rust Belt”, tức các bang vùng Trung Tây Hoa Kỳ, trung tâm công nghiệp hùng mạnh một thời nhưng đã bị suy thoái từ thập niên 1980. (ND)
Người phụ nữ này sau đó nói một câu khiến tôi nhớ mãi, mãi đến rất lâu sau cuộc bầu cử. Cô mô tả khu vực này vào thời ông bà cô, thời đó người ta có thể làm việc trong nhà máy và có cuộc sống trung lưu. Và cô buột miệng “khi tôi còn sống” – dù ý cô định nói là “khi tôi còn trẻ”.
*
Lời cô ấy nói khiến tôi nhớ lại điều mà người bộ tộc Crow đã nói với một nhà nhân chủng học hồi những năm 1890: “Tôi đang cố gắng sống một cuộc sống mà tôi không hiểu”.
Angela – cùng những người bạn khác của tôi đã bị nuốt chửng bởi cảnh vô sản bấp bênh – họ không hiểu chuyện gì đang xảy ra với họ, khi tương lai như thể đang vỡ vụn trước mắt họ. Tất cả những kỳ vọng được họ nuôi dưỡng cho tương lai dường như đã tan biến hết.
Khi tôi nói về các nghiên cứu của giáo sư tâm lý học Michael Chandler, Angela cười buồn. Cô nói chúng có ý nghĩa trực quan với mình, giải thích rằng khi bạn có một bức tranh ổn định về bản thân trong tương lai, điều nó mang lại cho bạn là “niềm tin về tương lai – không phải sao? Bạn có thể nói: ‘Ừ thì ngày hôm nay của tôi tệ. Nhưng đời tôi không tệ’”. Cô chưa bao giờ mơ tưởng tới cảnh tiệc tùng với nhân vật nổi tiếng nào đó hoặc sở hữu một chiếc du thuyền. Nhưng cô đã mong có thể lên kế hoạch cho những kỳ nghỉ hằng năm. Cô đã mong đợi – vào cuối độ tuổi ba mươi – được biết ai sẽ thuê mình vào tuần sau, và tuần sau nữa. Nhưng thay vào đó, cô bị mắc kẹt trong cảnh vô sản bấp bênh.
Và sau đó là một tương lai vô định.