Isabel Behncke đứng dưới bóng một đỉnh núi và nhìn tôi. “Tôi sẽ chỉ giải thích cho anh vì sao việc tách khỏi thế giới tự nhiên có thể gây ra trầm cảm nếu anh đồng ý leo lên núi với tôi, ngay bây giờ”, cô nói. Rồi cô chỉ tay lên đỉnh núi Tunnel, tọa lạc tại thị trấn Banff, Canada. Tôi hướng mắt nhìn theo tay cô ấy. Tôi không thể thấy được đỉnh của nó ở đâu cả, nhưng nhờ những tấm bưu thiếp, tôi biết nó ở đâu đó phía trên kia, phủ đầy tuyết, với những hồ nước xa xa phía sau.
Tôi ho một tiếng và cố lịch sự hết sức để giải thích với Isabel rằng có lẽ tôi không yêu thích thiên nhiên cho lắm. Tôi thích những bức tường bê tông đẹp, có giá sách bao phủ. Tôi thích những tòa nhà chọc trời. Tôi thích các ga tàu điện ngầm mà bước ra là thấy các xe bán bánh kẹp taco. Tôi thấy Công viên Trung tâm ở New York là một nơi quá sức thôn dã, và thường rẽ lên Đại lộ Mười để tránh nó. Tôi chỉ bước vào thế giới tự nhiên khi buộc phải làm vậy vì tôi đang theo đuổi một câu chuyện.
“Vậy, không leo núi thì không phỏng vấn”, Isabel nói chắc nịch. Thế là tôi đành miễn cưỡng lê bước – chỉ vì lý do phỏng vấn. Khi chúng tôi bắt đầu bước đi, tôi chợt nhận ra rằng trong số tất cả những người tôi biết, Isabel là người có nhiều khả năng sống sót sau ngày tận thế nhất. Cô lớn lên trong một trang trại ở vùng nông thôn Chile, vì vậy “tôi luôn cảm thấy thoải mái một cách kỳ lạ với thiên nhiên hoang dã”, cô nói khi chúng tôi leo núi cùng nhau. “Tôi cưỡi ngựa khi mới lên mười, và bị ngã. Cha tôi có vài con đại bàng. Chúng tôi có ba con đại bàng sống tự do trong nhà”. Đại bàng? Ở trong nhà ư? Tôi hỏi: “Chúng không tấn công cô sao?”. “Tôi xuất thân từ một hoàn cảnh rất khác thường”, cô đáp, rồi chúng tôi tiếp tục đi tiếp. Gia đình cô giống như một đoàn du cư, lang thang trong thiên nhiên. Họ sẽ chèo thuyền nhiều ngày ngoài đại dương, và ở tuổi lên tám, Isabel đã vẽ lại những con cá voi sát thủ mà cô tận mắt nhìn thấy. Không lâu sau, cô bắt đầu chuyến phiêu lưu vào rừng nhiệt đới lần đầu tiên trong đời.
Ở tuổi đôi mươi, cô bắt đầu được đào tạo để trở thành một nhà sinh học tiến hóa — có nghĩa là cô nghiên cứu “bản chất của bản chất con người”. Ở Oxford, công việc của cô ấy là tìm hiểu xem tại sao con người chúng ta lại trở thành như hiện nay, bằng cách nghiên cứu các tổ tiên và họ hàng về mặt tiến hóa của chúng ta. Nghiên cứu chính đầu tiên của cô là tại Sở thú Twycross, ở miền Nam nước Anh, và dự án là nghiên cứu sự khác biệt giữa tinh tinh (chimpanzee) và tinh tinh lùn (bonobo) trong điều kiện nuôi nhốt. Tinh tinh lùn trông giống như những con tinh tinh mảnh mai và chúng có mái tóc ngộ nghĩnh – nó rẽ ngôi giữa và tẽ sang hai bên, giống như một chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh. Một con tinh tinh lùn trưởng thành có kích thước bằng một đứa trẻ mười hai tuổi. Khi quan sát chúng, Isabel nhanh chóng quan sát được điều nổi tiếng nhất về tinh tinh lùn – chúng gắn bó với nhau bằng cách quan hệ tình dục nhóm rất thường xuyên, phần lớn là quan hệ đồng tính nữ.
Isabel thích chứng kiến cảnh các bà mẹ vô tình đưa con nhỏ đến sở thú và chứng kiến cảnh tượng này. “Mẹ ơi! Mẹ! Chúng đang làm gì vậy?”, bọn trẻ la lên. Các bà mẹ sẽ vội vội vàng vàng kéo lũ trẻ đi, đến xem những con rùa Galapagos ở một chuồng đối diện. Nhưng rồi đến mùa sinh sản của lũ rùa, cô nói: “Bạn không biết lũ rùa có thể hứng tình đến thế nào đâu, bởi vì khi con đực trèo lên con cái, nó sẽ phát ra âm thanh đó”.
Từ chỗ quan sát trong vườn thú, Isabel sẽ cười khúc khích khi những bà mẹ choáng váng lảo đảo từ cơn trác táng của tinh tinh lùn sang những con rùa đang lên đỉnh, miệng lẩm bẩm: “Ôi trời ơi, trời ơi”.
Ở đó, cô đã yêu những con tinh tinh lùn với toàn bộ cách nhìn của chúng về thế giới. Cô đặc biệt ấn tượng khi nhìn thấy một trong những con tinh tinh lùn cái tự làm một cái dương vật giả. “Một ngày nọ, nó được cho thức ăn trong một cái ống được cắt đôi – một cái ống màu xanh”, nó cắp cái ống đó đi rồi “mang theo khắp nơi và chỉ dùng để thủ dâm. Kinh ngạc thật! Sau đó tôi mới hiểu ra – bởi vì, tất nhiên là nhựa rất trơn láng. Bạn có muốn sử dụng các nhánh cây để thủ dâm không? Không trơn lắm đâu. Đó kiểu như là một giải pháp thiên tài”.
Nhưng có điều gì đó không ổn với những con tinh tinh lùn này, mà mãi sau này cô mới hiểu được.
Cô nhận ra rằng nếu thật sự muốn hiểu về loài này, cô phải đến môi trường sống tự nhiên của chúng ở Trung Phi – nhưng nhiều năm nay, chưa có ai làm được điều đó. Một cuộc chiến tranh kinh hoàng đã và đang tàn phá Cộng hòa Dân chủ Congo, mặc dù giờ đây cuộc chiến có vẻ sắp kết thúc. Khi cô nói với mọi người về kế hoạch của mình, họ nhìn cô như thể cô là kẻ điên. Nhưng Isabel không phải là kiểu phụ nữ mà ai bảo không thì cô sẽ không làm. Đó là lý do vì sao cuối cùng – sau rất nhiều vận động hành lang – cô đã ở giữa một khu rừng nhiệt đới Congo trong ba năm, sống trong một ngôi nhà làm bằng bùn và hằng ngày đi theo rình rập một đàn tinh tinh lùn. Cô đi bộ trung bình 17 cây số một ngày. Cô từng bị một con lợn rừng tấn công. Trong thời gian này, cô đã hiểu về tinh tinh lùn nhiều hơn bất cứ ai còn sống. Và ở đó, cô nhận ra một điều rất có ý nghĩa với chúng ta.
*
Khi ở Congo, cô để ý rằng nhiều điều cô từng thấy những con tinh tinh lùn làm khi chúng được đưa ra khỏi môi trường sống tự nhiên và bị nhốt vào sở thú – những thứ cô tưởng là bình thường – thật ra rất khác thường.
Ở rừng nhiệt đới, trong môi trường mà chúng tiến hóa để sinh tồn, tinh tinh lùn đôi khi sẽ bị nhóm xã hội của chúng bắt nạt; và khi điều này xảy ra, chúng bắt đầu cư xử khác đi. Chúng có thể tự gãi rất nhiều, một cách không kiểm soát được. Chúng sẽ ngồi ngoài rìa nhóm và nhìn xa xăm. Chúng sẽ chải chuốt bản thân ít hơn rất nhiều và cũng từ chối cho những con tinh tinh lùn khác đến chải chuốt cho mình. Khi Isabel nhìn thấy hành vi này, cô đã nhận ra ngay. Cô tin rằng, rõ ràng đây là thứ tương đương với chứng trầm cảm ở con người – vì những lý do như tôi đã mô tả trong chương trước. Chúng bị đối xử tệ bạc, nên chúng đang phản ứng với nỗi đau buồn và cảm thấy mất hy vọng.
Nhưng đây mới là chỗ kỳ lạ. Trong môi trường hoang dã, đối với tinh tinh lùn, có một giới hạn về mức độ phát triển của chứng trầm cảm, như một tầng sàn bên dưới đủ để chúng không bị nhấn chìm. Tuy nhiên, trong các sở thú, có vẻ như những con tinh tinh lùn sẽ ngày càng trượt xuống sâu hơn, theo kiểu mà chúng sẽ không bao giờ gặp phải nếu sống trong thế giới hoang dã. Chúng sẽ gãi cho đến khi trầy da chảy máu. Chúng sẽ hú lên. Chúng sẽ bị mắc tật máy giật(*) hoặc bắt đầu lắc lư không kiểm soát. Trong môi trường sống tự nhiên của chúng, cô chưa bao giờ thấy những con tinh tinh lùn mắc chứng “trầm cảm mãn tính, phát triển mạnh” như thế, nhưng trong các sở thú thì nó khá phổ biến.
(*) Chứng rối loạn Tic: Hiện tượng cơ thỉnh thoảng lại giật một cách tự phát, nhất là ở mặt. (BTV)
Hóa ra điều này không chỉ giới hạn ở tinh tinh lùn. Từ hơn một thế kỷ quan sát động vật bị nuôi nhốt, chúng ta biết rằng khi bị tước đoạt môi trường sống tự nhiên, động vật thường phát triển các triệu chứng trông giống như tuyệt vọng cực độ. Vẹt sẽ tự rứt lông của mình. Ngựa sẽ bắt đầu lắc lư không ngừng. Voi sẽ mài những chiếc ngà – nguồn sức mạnh và niềm tự hào của chúng trong tự nhiên – vào tường chuồng giam cho đến khi chúng chỉ còn là những mẩu cụt nham nhở. Một số động vật nuôi nhốt bị sang chấn nặng đến mức ngủ đứng suốt nhiều năm, lúc nào cũng xê dịch cơ thể một cách bấn loạn. Không có loài nào từng cư xử theo cách như vậy trong tự nhiên. Nhiều động vật bị nuôi nhốt đánh mất ham muốn quan hệ sinh sản – đó là lý do tại sao rất khó để động vật giao phối được trong sở thú.
Vì vậy, Isabel bắt đầu đặt ra câu hỏi: Tại sao động vật lại mắc trầm cảm nặng hơn rất nhiều khi bị tách ra khỏi môi trường sống tự nhiên của chúng?
*
Đây trở thành một câu hỏi khá cá nhân đối với Isabel khi cô đang viết một vài nghiên cứu tại Oxford. Trong thời gian nhốt mình trong phòng cả ngày, cố gắng làm việc, lần đầu tiên trong đời cô thấy mình bị trầm cảm. Cô không thể ngủ, không thể tập trung tâm trí vào việc làm thế nào để thoát khỏi cảm giác đau đớn khủng khiếp ấy. Cô đã uống thuốc chống trầm cảm, nhưng giống như hầu hết những người dùng chúng, cô vẫn bị trầm cảm. Cô bắt đầu tự hỏi: Có khi nào căn bệnh trầm cảm của chính cô có liên quan đến chứng trầm cảm mà cô đã nhìn thấy ở những con tinh tinh lùn bị nhốt trong lồng không? Cô tự hỏi, có khi nào con người cũng bị trầm cảm hơn khi không được tiếp cận với kiểu môi trường mà chúng ta đã tiến hóa để sống trong đó? Đó có phải là lý do khiến cô cảm thấy tồi tệ quá mức như vậy?
*
Từ lâu, người ta đã biết rằng tất cả các loại vấn đề sức khỏe tâm thần – bao gồm cả những vấn đề nghiêm trọng như loạn thần kinh và tâm thần phân liệt – ở thành phố sẽ tệ hơn rất nhiều so với nông thôn, nhưng những tác động tâm lý của việc bị cắt đứt với thế giới tự nhiên chỉ mới bắt đầu được nghiên cứu trong 15 năm qua.
Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Essex của Anh đã thực hiện nghiên cứu chi tiết nhất về câu hỏi này cho đến nay. Họ đã theo dõi sức khỏe tâm thần của hơn 5.000 hộ gia đình trong vòng ba năm. Họ muốn xem xét cụ thể hai loại hộ gia đình – những người chuyển từ vùng nông thôn lên thành phố và những người chuyển từ thành phố về vùng nông thôn. Họ muốn biết: Liệu có thay đổi nào về mức độ trầm cảm ở những người đó không?
Kết quả họ phát hiện ra rất rõ ràng: những người chuyển đến các khu vực nhiều cây xanh cho thấy chứng trầm cảm giảm đi đáng kể, còn những người rời bỏ khu vực nhiều cây cối cho thấy chứng trầm cảm gia tăng đáng kể. Hóa ra đây chỉ là một trong nhiều nghiên cứu có kết quả tương tự. Tất nhiên, các nhà khoa học khi xem xét vấn đề này biết rằng mọi yếu tố đều có thể đóng một vai trò nào đó ở đây: Có thể các khu vực nông thôn có cộng đồng mạnh hơn, ít tội phạm và ít ô nhiễm hơn, và có thể chính điều đó – chứ không phải không gian xanh – mới là lý do khiến người ta cảm thấy khỏe hơn. Vì vậy, một nghiên cứu khác của Anh đã quyết định sàng lọc những yếu tố ảnh hưởng đó. Họ so sánh các khu vực nội đô có một số không gian xanh với các khu vực nội đô giống như vậy nhưng không có không gian xanh. Tất cả mọi thứ khác – như mức độ kết nối xã hội – đều giống nhau. Nhưng hóa ra ở khu vực nhiều cây xanh hơn sẽ có ít căng thẳng và ít tuyệt vọng hơn.
Khi đọc qua tất cả các bằng chứng này, một trong những nghiên cứu gây ấn tượng với tôi nhất có lẽ là nghiên cứu đơn giản nhất. Họ mời những người sống ở các thành phố đi dạo trong thiên nhiên, sau đó kiểm tra tâm trạng và mức độ tập trung của họ. Tất cả mọi người, như có thể dự đoán, đều cảm thấy tốt hơn và khả năng tập trung cao hơn – nhưng tác động này lại lớn hơn đáng kể đối với những người từng bị trầm cảm. Sự cải thiện của họ nhiều gấp năm lần so với sự cải thiện của những người khác.
Tại sao lại vậy? Chuyện gì đã xảy ra?
*
Chúng tôi đang ở lưng chừng núi, Isabel nhìn chằm chằm về phía hồ nước đằng xa trong khi tôi thú nhận một bí mật với cô ấy. Tôi có thể thấy quang cảnh này đẹp theo một cách trừu tượng nào đó. Nhưng tôi không muốn tận hưởng thứ mà đối với tôi, thành thật mà nói, trông như một màn hình chờ máy tính. Một màn hình chờ đáng yêu. Tôi cảm thấy vô thức ngứa ngáy khi nhìn vào nó: Tôi cảm thấy như thể đã quá lâu rồi tôi chưa nhấn một phím nào trên máy tính xách tay của mình.
Isabel cười, nhưng đó là một tiếng cười buồn. “Bây giờ tôi cảm thấy bản thân có lỗi trong việc anh cảm thấy đây là một màn hình chờ! Tôi thấy đó là trách nhiệm của mình. Chẳng có ý nghĩa gì khi tôi cứ nói về điều này [và bảo anh]... quay lại ngồi trước màn hình đi”. Cô bắt tôi hứa sẽ cùng leo lên đến đỉnh núi. Vì vậy, tôi lại tiếp tục lê bước tiến lên. Khi nói chuyện nhiều hơn, tôi biết rằng Isabel về cơ bản đã chắt lọc những suy nghĩ của cô về chủ đề này – dựa trên một phạm vi khoa học rộng lớn – xuống còn ba lý thuyết. Cô thẳng thắn nói rằng chúng ta cần nghiên cứu thêm về cả ba, và chúng trùng lặp ở một mức độ nào đó.
Để hiểu tại sao chúng ta cảm thấy khỏe mạnh hơn trong những cảnh quan thiên nhiên, bạn phải bắt đầu với một điều thực sự cơ bản: “Chúng ta là động vật, nhưng chúng ta cứ quên chuyện đó đi”, và nếu là động vật thì “thứ này được tạo ra để di chuyển”, cô chỉ tay vào người mình. Cô nói, khi chúng ta tìm kiếm giải pháp cho những cảm xúc tồi tệ của mình, chúng ta cố gắng tìm kiếm nó trong ngôn ngữ, và trong những biểu tượng mà chúng ta đã tạo ra với tư cách một loài. Nhưng những biểu tượng này, so với chiều dài lịch sử, thì chỉ mới xuất hiện rất gần đây. “Chúng ta đã là động vật không xương sống gần 500 triệu năm. Chúng ta đã là động vật có vú trong khoảng 250 – 300 triệu năm. Chúng ta đã là động vật linh trưởng trong 65 triệu năm”. Cô giải thích rằng thời gian cô ở trong rừng mưa Congo, cùng sống, cùng ngủ, cùng ăn với những con tinh tinh lùn đã dạy cô rằng chúng ta gần gũi với chúng đến mức nào. “Chúng ta đã từng là những động vật di chuyển lâu hơn là những động vật biết nói và biết truyền đạt các khái niệm. Nhưng chúng ta vẫn nghĩ rằng trầm cảm có thể được chữa trị bằng tầng khái niệm này. Tôi nghĩ [câu trả lời trước nhất] thật đơn giản. Cứ sửa chữa sinh lý trước đã. Hãy bước ra ngoài. Di chuyển đi”.
Cô cho biết, một con vật trong môi trường sống tự nhiên và có địa vị tương đối trong đàn không thể bị trầm cảm – hầu như không có ghi chép nào về điều đó. Bằng chứng khoa học cho thấy rõ ràng rằng tập thể dục làm giảm đáng kể chứng trầm cảm và lo âu. Cô nghĩ sở dĩ như vậy là vì nó đưa chúng ta trở lại trạng thái tự nhiên nhiều hơn – một nơi mà chúng ta được thể hiện đúng bản chất, chúng ta là động vật, chúng ta đang di chuyển, endorphin của chúng ta tăng lên. “Tôi không nghĩ rằng trẻ em hoặc người lớn không di chuyển và không ở trong tự nhiên trong một khoảng thời gian nhất định lại có thể được coi là những sinh vật hoàn toàn khỏe mạnh”.
Nhưng hẳn phải còn điều gì đó sâu sắc hơn thế, cô nói. Khi các nhà khoa học so sánh những người chạy trên máy chạy bộ trong phòng tập thể dục với những người chạy trong tự nhiên, họ nhận thấy rằng cả hai đều giảm trầm cảm, nhưng những người chạy trong tự nhiên giảm được nhiều hơn. Vậy các yếu tố còn lại là gì?
Khi nói đến đây, tôi nhận ra chúng tôi đang ở trên đỉnh núi. Ngó sang hai bên, tôi có thể nhìn thấy khung cảnh bao quát. “Giờ thì bạn có màn hình chờ ở cả hai phía. Thiên nhiên bao quanh chúng ta rồi”, Isabel nói.
*
Một con sóc chuột đang ngập ngừng đến gần chúng tôi, nó chỉ cách chân tôi có vài phân. Tôi đặt xuống đất một món ăn vặt mà tôi đã mua ở thị trấn trước khi leo núi.
“Có một giả thuyết khác được các nhà khoa học đưa ra về lý do tại sao nhiều người có vẻ không còn bị trầm cảm khi ở trong thế giới tự nhiên”, Isabel nói với tôi. Nhà sinh vật học E. O. Wilson – một trong những nhà khoa học quan trọng nhất của lĩnh vực này trong thế kỷ 20 – đã lập luận rằng tất cả con người đều có ý thức tự nhiên về một thứ gọi là “biophilia” (yêu tự nhiên). Đó là tình yêu bẩm sinh dành cho những cảnh quan mà con người đã sống trong phần lớn thời gian tồn tại của chúng ta, cũng như mạng lưới sự sống tự nhiên bao quanh chúng ta và giúp chúng ta có thể tồn tại.
Hầu hết các loài động vật đều đau khổ nếu bị tước đoạt loại cảnh quan mà chúng đã tiến hóa để sống trong đó. Một con ếch có thể sống trên cạn, nhưng chắc chắn nó sẽ cảm thấy đau khổ khủng khiếp và sớm bỏ cuộc. Isabel tự hỏi: Tại sao con người lại là ngoại lệ đối với quy tắc này? Nhìn ra xung quanh, Isabel nói: “Chừng nào chúng ta mới chịu hiểu đây mới là môi trường sống của chúng ta!”.
Đây là một khái niệm khó có thể kiểm chứng về mặt khoa học, nhưng đã có một người cố gắng thực hiện điều đó. Hai nhà khoa học xã hội Gordon Orians và Judith Heerwagene đã làm việc với nhiều người trên khắp thế giới, trong các nền văn hóa hoàn toàn khác nhau, và cho họ xem một loạt hình ảnh về các cảnh quan rất khác nhau, từ sa mạc, thành phố đến đồng cỏ xavan. Những gì họ tìm ra là ở khắp mọi nơi, bất kể văn hóa khác nhau như thế nào, người ta đều thích những cảnh quan trông giống các đồng cỏ xavan ở châu Phi. Họ kết luận rằng có điều gì ở đây dường như mang tính bẩm sinh.
*
Điều này dẫn đến một lý do khác khiến Isabel cho rằng những người trầm cảm hoặc lo âu sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi ở trong cảnh quan thiên nhiên. Nhờ kinh nghiệm bản thân, Isabel biết rằng khi chán nản, bạn sẽ cảm thấy “bây giờ mọi thứ căn bản là do bạn”. Bạn bị mắc kẹt trong câu chuyện và những suy nghĩ của chính mình, chúng cứ lởn vởn trong đầu bạn với một sự cứng đầu cay đắng, ngớ ngẩn. Mắc phải trầm cảm hoặc lo âu là một quá trình trở thành tù nhân cho chính bản ngã của bạn, nơi không chút không khí nào từ bên ngoài có thể xâm nhập vào. Và một loạt các nhà khoa học đã chỉ ra rằng phản ứng phổ biến khi bước ra ngoài thế giới tự nhiên hoàn toàn trái ngược với cảm giác kinh sợ khi bị mắc kẹt bên trong chính mình: một cảm giác choáng ngợp.
Đối mặt với cảnh quan thiên nhiên, bạn có cảm giác rằng bạn và những mối quan tâm của bạn là rất nhỏ nhoi, còn thế giới thì quá rộng lớn – và cảm giác đó có thể thu nhỏ bản ngã xuống một kích cỡ có thể kiểm soát được. “Đó là một thứ lớn lao hơn bản thân bạn”, Isabel nhìn xung quanh và nói. “Có điều gì đó rất sâu sắc, lành mạnh về mặt bản ngã cá nhân trong cảm giác đó. Đó là những khoảnh khắc ngắn ngủi, thoáng qua và chúng ta rất thích những khoảnh khắc đó”. Và điều này giúp bạn nhìn thấy cách bạn được kết nối với mọi thứ xung quanh ở những phương diện sâu rộng hơn. “Nó gần giống như một phép ẩn dụ rằng bạn thuộc về một hệ thống to lớn hơn. Bạn luôn luôn là một phần của một mạng lưới”, ngay cả khi bạn không nhận ra điều đó; bạn “chỉ là một nút thắt” trong tấm thảm dệt khổng lồ này.
Ở Oxford, Isabel cảm thấy rất dễ rơi vào trạng thái trầm cảm khi phải cách xa tất cả những điều này. Ở Congo, sống với đàn tinh tinh lùn, cô thấy mình không thể trầm cảm. Cô nói rằng việc thoát khỏi sự tự khép kín trong bản ngã của chính mình đã giải phóng cô khỏi sự tuyệt vọng.
Con sóc chuột đánh hơi thấy miếng thịt khô mà tôi đã đặt trên mặt đất, nó trông có vẻ ghê tởm và chạy mất. Chỉ khi nhìn vào bao bì, tôi mới nhận ra thứ tôi đã mời nó là cá hồi khô – món mà dường như người Canada luôn tình nguyện chọn để ăn. “Sóc chuột có vị giác xuất sắc lắm”, Isabel nói khi nhìn vào gói đồ ăn của tôi rồi bắt đầu dẫn tôi xuống núi.
*
Trong Nhà tù Bang Southern Michigan vào thập niên 1970, có một thí nghiệm hoàn toàn tình cờ đã dẫn đến một số khám phá về ý tưởng này. Do cách xây dựng nhà tù, một nửa phòng giam phạm nhân nhìn ra khu đất nông nghiệp và cây cối, và một nửa nhìn ra những bức tường gạch trần. Một kiến trúc sư tên Ernest Moore đã nghiên cứu hồ sơ y tế của những nhóm tù nhân khác nhau này (ngoài ra họ không có điểm gì khác biệt), và ông phát hiện nếu bạn nằm trong nhóm có thể nhìn thấy thế giới tự nhiên, bạn sẽ giảm được 24% khả năng bị bệnh về thể chất hoặc tinh thần.
Sau này, giáo sư Howard Frumkin – một trong những chuyên gia hàng đầu về chủ đề này trên thế giới – cho biết: “Tôi phải nói rằng nếu chúng tôi có một loại thuốc mà kết quả ban đầu hiệu quả đến vậy, thì chúng tôi sẽ muốn nghiên cứu phát triển loại thuốc đó hơn bất cứ gì khác... Đây là một phương pháp điều trị có rất ít tác dụng phụ, không tốn kém, không yêu cầu chuyên gia phải được đào tạo hoặc được cấp phép mới có thể kê đơn, và đã có bằng chứng khá tốt về hiệu quả cho đến nay”. Nhưng rất khó tìm được nguồn tài trợ để nghiên cứu, bởi vì “rất nhiều định hướng nghiên cứu y sinh hiện đại là do ngành công nghiệp dược phẩm quyết định”, họ không quan tâm ý tưởng này vì “rất khó để thương mại hóa sự tiếp xúc với thiên nhiên”. Vì không thể bán nên họ không muốn biết.
*
Nhưng tôi cứ thắc mắc khi đã tiếp thu tất cả những điều này: Vậy tại sao cả đời tôi cứ muốn kháng cự thế giới tự nhiên? Sau khi suy nghĩ về điều này suốt nhiều tháng, và nghe đi nghe lại đoạn băng ghi âm phỏng vấn trong chuyến leo núi của tôi với Isabel, tôi mới nhận ra một điều. Trong tự nhiên, tôi cảm thấy bản ngã của mình bị thu hẹp lại, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, còn thế giới thì quá lớn, đúng như cô ấy nói – nhưng phần lớn thời gian, điều đó không khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm, mà lại thấy lo lắng.
Tôi muốn có bản ngã của mình. Tôi muốn bám vào nó.
Mãi về sau trong cuộc hành trình, tôi mới hiểu rõ điều này.
*
Isabel đã thấy rằng việc nuôi nhốt khiến đàn tinh tinh lùn có các triệu chứng giống như trầm cảm mà chúng sẽ không gặp phải trong tự nhiên. Còn với con người, “tôi nghĩ chúng ta có nhiều hình thức nuôi nhốt hiện đại”, cô ấy nói với tôi. Bài học mà những con tinh tinh lùn bị trầm cảm đã dạy cho cô là: “Đừng để bị giam cầm. Hãy thoát khỏi sự giam cầm”.
Ngay trên đỉnh ngọn núi ở Banff, có một mỏm đá mà nếu bạn đi bộ dọc theo nó, bạn sẽ nhìn được bao quát mọi hướng ra cảnh quan Canada, trải dài trước mắt bạn. Tôi hoảng sợ nhìn mỏm đá. Isabel nhất quyết nắm tay tôi để dắt tôi ra ngoài đó. Cô nói, điều tàn nhẫn nhất của chứng trầm cảm là nó làm bạn cạn kiệt hết khao khát được sống trọn vẹn như thế này – nuốt trọn toàn bộ trải nghiệm. “Chúng ta muốn cảm thấy mình đang sống”. Chúng ta muốn điều đó, và cần điều đó kinh khủng. Rồi cô nói tiếp: “Rõ ràng chúng ta đang đối mặt với cái chết, nhưng anh lại cảm thấy mình tràn đầy sự sống, đúng không? Bạn hẳn đã rất hoảng sợ – nhưng không hề trầm cảm”.
Vâng, trong giây phút đó, tôi không hề trầm cảm.