Thật khó để mô tả cảm giác trầm cảm và lo âu cấp tính là như thế nào. Đó là trạng thái mất phương hướng đến mức không lời nào tả xiết, nhưng chúng ta có vài cách để mô tả về nó. Ví dụ, chúng ta thường nói rằng mình cảm thấy muốn “gục xuống”. Khi tôi bị trầm cảm, tôi cảm thấy như thân thể mình bị nhấn xuống. Tôi muốn gục đầu, cơ thể tôi sụm xuống và nhỏ bé lại. Những người khác từng bị trầm cảm cũng nói như vậy.
Nhiều năm trước, một nhà khoa học đã nhận thấy điều gì đó về việc này – và nó đã dẫn ông đến một khám phá.
*
Vào một buổi chiều cuối thập niên 1960, trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở thành phố New York, một cậu bé Do Thái 11 tuổi tên Robert Sapolsky đang nhìn chằm chằm vào chiếc lồng kính có một con khỉ đột khổng lồ nhồi bông. Cậu cứ nài nỉ mẹ quay lại đó. Cậu bé bị con vật quyến rũ, mê hoặc, dù không biết tại sao. Hồi bé, cậu từng mơ được trở thành một con ngựa vằn, phi qua các đồng cỏ xavan ở châu Phi; sau đó, cậu mơ thấy mình là một con côn trùng; nhưng giờ cậu đang say mê với các loài linh trưởng. Đối với cậu, thế giới đó như một nơi ẩn náu – một nơi mà cậu cảm thấy mình thuộc về.
Chỉ hơn một thập niên sau, Robert đã làm được điều cậu mong ước. Anh đang đứng một mình trên những đồng cỏ xavan đó, bắt chước cách hành động của một con khỉ đầu chó. Chúng sống theo đàn từ 50 đến 150 con, trên những đồng cỏ trải dài khắp Kenya. Anh lắng nghe tiếng chúng gọi nhau và dành hàng giờ để cố gắng bắt chước tiếng gọi của chúng.
Khi quan sát lũ khỉ đầu chó, anh luôn nhớ rằng, về mặt tiến hóa, chúng là họ hàng của chúng ta. Một ngày nọ, “một con khỉ cái địu theo chú khỉ con đang leo trèo trên cây: đó là con đầu lòng của nó, và nó chưa thành thạo cho lắm, và nói cho dễ hiểu là... nó đã đánh rơi con của nó”, Robert kể với tôi. Tất cả năm con khỉ cái đang nhìn theo đều há hốc mồm – cả anh cũng vậy. Tất cả đều chăm chú theo dõi, xem liệu chú khỉ con có sống sót hay không. May thay, nó đứng dậy và quay về với mẹ. Năm con khỉ cái kia đều cảm thấy nhẹ nhõm. Anh cũng thế.
Anh đến đây không phải để nghỉ mát, mà để cố gắng giải đáp một bí ẩn của riêng mình. Hồi còn ở New York, Robert bị trầm cảm lần đầu tiên, và anh ngờ rằng chìa khóa để hiểu được bệnh trầm cảm có thể nằm ở đây, nơi những người họ hàng của chúng ta sinh sống.
*
Không lâu sau khi Robert đến nơi, lần đầu tiên anh nhìn thấy khỉ đầu chó alpha(*). Đứng đầu đàn khỉ đầu chó mà anh sẽ đi theo suốt 20 năm tiếp theo là một vị vua đu cây chuyền cành, một yếu nhân của rừng xanh – con vật được anh đặt tên là Solomon, theo tên vị vua khôn ngoan nhất trong Kinh Cựu ước. Khỉ đầu chó sống theo một hệ thống phân cấp nghiêm ngặt và từng con trong đàn đều biết vị trí của chúng trong bảng xếp hạng, từ cao xuống thấp. Solomon ở vị trí trên cùng, có thể làm bất cứ điều gì nó muốn. Nếu nó nhìn thấy bất kỳ con khỉ nào trong đàn đang nhai thứ gì đó, nó có thể giật lấy cho riêng mình. Nó có thể giao cấu với bất kỳ con khỉ cái nào nó muốn – một nửa số hoạt động duy trì nòi giống trong cả đàn đều có Solomon tham gia hành sự. Khi trời nóng, nó có thể xô bất cứ con nào đang ngồi trong bóng râm ra và giành lấy chỗ mát đó. Nó đã leo lên vị trí này bằng cách khủng bố con đực alpha già, buộc vị vua cũ phải thần phục.
(*) Cá thể alpha là thuật ngữ sinh học chỉ cá thể đứng đầu trong một bầy đàn ở động vật xã hội và được hưởng nhiều đặc quyền. (Theo Wikipedia)
Không bao lâu, Solomon cũng bắt đầu khẳng định sự thống trị của mình với Robert. Một ngày nọ, nó đi đến chỗ nhà linh trưởng học trẻ tuổi khi anh đang ngồi trên một tảng đá, rồi đẩy anh té ngã dúi dụi đến vỡ cả ống nhòm.
Nếu bạn là một con khỉ đầu chó cái, bạn sẽ thừa kế vị trí trong hệ thống phân cấp từ mẹ bạn, như một nhà quý tộc Anh thời Trung cổ vậy. Nhưng nếu bạn là một con khỉ đầu chó đực, vị trí của bạn sẽ được xác lập thông qua một cuộc xung đột tàn khốc để xem ai có thể leo lên đứng đầu.
Và bạn sẽ thực sự không muốn ở dưới đáy. Trong đàn khỉ này, Robert đã thấy một chú khỉ gầy gò, yếu ớt mà anh đặt tên là Job, theo tên người đàn ông xui xẻo nhất trong Kinh Torah và Kinh Thánh. Job lúc nào cũng run rẩy và trông như bị động kinh. Đôi khi lông của nó bị rụng. Bất cứ con nào trong đàn gặp phải một ngày tồi tệ cũng đều có thể trút giận lên Job – giật thức ăn của nó, xô nó vào chỗ nắng nóng và đánh đập nó rất nhiều. Giống như tất cả những con khỉ đầu chó có địa vị thấp khác, người nó đầy những vết cắn.
Ở giữa Solomon và Job là một chuỗi những con đực quản lý và chỉ huy. Số 4 đứng trên Số 5 và có thể giành đồ của Số 5. Số 5 đứng trên Số 6 và có thể giành đồ của Số 6. Và cứ thế. Vị trí của khỉ đầu chó trong hệ thống phân cấp quyết định nó có gì để ăn, có được giao cấu tùy ý hay không và mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của nó.
*
Mỗi sáng, Robert thức dậy trong lều của mình vào lúc năm giờ rưỡi, và những âm thanh từ đồng cỏ xavan dường như cũng thức giấc cùng anh. Sau khi thức dậy, anh chuẩn bị một bộ dụng cụ y tế và một phi tiêu chứa thuốc an thần. Công việc của anh là ra ngoài và phóng một liều thuốc an thần vào một trong những con khỉ đầu chó để có thể lấy mẫu máu. Chúng đã trở nên khá thành thạo trong việc né tránh anh, và anh phải canh lúc chúng không để ý để phóng vào lưng chúng. Sau đó, mẫu máu này sẽ được kiểm tra một số thành phần chính – một trong số đó là lượng hormone căng thẳng cortisol có trong máu của chúng. Anh muốn biết con khỉ đầu chó nào đang căng thẳng nhất, vì anh tin rằng thông tin đó có thể tiết lộ một điều quan trọng.
Hóa ra, kết quả xét nghiệm cho thấy, khi có cuộc chiến tranh giành vị trí con đực alpha, những con khỉ đầu chó căng thẳng nhất là những con ở thứ bậc trên cùng. Nhưng trong phần lớn thời gian, con khỉ nào có thứ bậc càng thấp, thì nó càng căng thẳng hơn; và những con khỉ đầu chó ở dưới đáy xã hội, như Job, bị căng thẳng triền miên.
*
Để không bị cắn, những con khỉ đầu chó có địa vị thấp nhất sẽ buộc phải thể hiện rằng chúng biết mình đã bị đánh bại. Chúng làm điều này bằng cách thực hiện cái được gọi là những cử chỉ phục tùng – cúi đầu xuống, trườn bằng bụng. Đó là cách chúng báo hiệu:
Đừng tấn công tôi nữa. Tôi bị hạ gục rồi. Tôi không phải là mối đe dọa cho bạn đâu. Tôi đầu hàng.
Và đây mới là chỗ ấn tượng. Khi một con khỉ đầu chó hành xử theo cách này – khi không con nào xung quanh thể hiện chút tôn trọng nào với nó, và nó bị đẩy xuống đáy xã hội – thì nó trông giống một người bị trầm cảm kinh khủng. Nó luôn gục đầu xuống và cúi mình; nó không muốn di chuyển; nó mất cảm giác thèm ăn; nó cạn kiệt tất cả năng lượng. Khi con khác đến gần, nó sẽ lập tức lùi lại.
*
Một ngày nọ, sau khi Solomon đứng đầu hệ thống cấp bậc được một năm, một con khỉ đầu chó trẻ hơn tên Uriah đã làm một việc gây sốc. Khi Solomon đang nằm trên một tảng đá với một trong những con khỉ cái nóng bỏng nhất trong đàn, Uriah bước vào giữa chúng và bắt đầu cố gắng giao cấu với cô nàng – ngay trước mặt ông trùm của nó. Solomon nổi điên lên, tấn công Uriah và xé toạc môi trên của nó. Uriah bỏ chạy.
Nhưng ngày hôm sau, Uriah trở lại. Và ngày tiếp theo lại thế. Hết ngày này sang ngày khác. Nó liên tục bị đánh – nhưng mỗi lần như vậy, Solomon lại kiệt sức hơn một chút và cảnh giác hơn.
Rồi một ngày nọ, khi Uriah tấn công, Solomon đã lùi lại một chút. Chỉ trong một khoảnh khắc. Thế là trong vòng một năm, Uriah lên ngôi vua, còn Solomon bị đẩy xuống vị trí Số 9 trong hệ thống phân cấp – tất cả những ai từng bị nó đánh đập hay trêu tức đều đang tìm cách trả thù. Cả đàn bắt đầu hành hạ nó, và độ căng thẳng của nó tăng lên hết mức.
Một ngày nọ, Solomon quá tuyệt vọng, nó bỏ đi vào đồng cỏ xavan và không bao giờ quay trở lại.
*
Robert đã phát hiện ra rằng khỉ đầu chó, những người họ hàng gần gũi nhất của chúng ta thường bị căng thẳng nhất trong hai tình huống – khi địa vị của chúng bị đe dọa (như lúc Solomon bị Uriah tấn công) và khi địa vị của chúng quá thấp (như Job tội nghiệp, luôn luôn như vậy).
Khi Robert công bố nghiên cứu của mình lần đầu tiên, nó bắt đầu khuấy động giới khoa học nghiên cứu thêm về những câu hỏi này, và anh đã trở thành giáo sư hàng đầu về sinh học và thần kinh học tại Stanford.
Vài năm sau đột phá ban đầu của Robert, người ta phát hiện ra rằng ở những người bị trầm cảm cũng tràn ngập loại hormone căng thẳng mà bạn có thể tìm thấy ở những con khỉ đầu chó đực có địa vị thấp. Khi Robert nghiên cứu sâu hơn, anh còn khám phá ra nhiều điều hơn nữa. Anh giải thích, bạn cũng sẽ có “cùng một sự thay đổi cấu trúc trong não, tuyến yên và tuyến thượng thận... như ở những người trầm cảm”.
Vì vậy, một số nhà khoa học khác bắt đầu nghi ngờ rằng, trầm cảm phần nào có thể là điều gì đó nằm sâu trong gốc gác động vật của chúng ta.
Nhà tâm lý học Paul Gilbert bắt đầu dẫn ra trường hợp rằng đối với con người, trầm cảm phần nào là một “phản ứng phục tùng” – tương đương với sự tiến hóa của Job, con khỉ đầu chó ở cuối hệ thống phân cấp – theo kiểu: Không, xin dừng lại. Xin hãy để tôi yên. Bạn không cần phải chiến đấu với tôi. Tôi không phải là mối đe dọa với bạn.
Sau khi biết được điều này, đặc biệt là khi đã phỏng vấn nhiều người trầm cảm, tôi bắt đầu tự hỏi liệu có phải trầm cảm phần nào là phản ứng với cảm giác bị sỉ nhục mà thế giới hiện đại đã gây ra cho nhiều người chúng ta. Cứ xem tivi đi, rồi bạn sẽ được cho biết rằng những người duy nhất được chú ý trên thế giới là những người nổi tiếng và giàu có, mà bạn biết cơ hội để tham gia vào một trong hai nhóm đó của mình gần như là bằng không. Cứ lướt Instagram hay một tờ tạp chí bóng bẩy đi, rồi thân hình bình thường của bạn sẽ khiến bạn cảm thấy ghê tởm. Cứ đi làm đi, rồi bạn sẽ phải tuân theo những ý tưởng bất chợt của một ông chủ ở nơi xa xôi nào đó có thu nhập cao hơn bạn hàng trăm lần.
Ngay cả khi không bị sỉ nhục một cách chủ động, thậm chí nhiều người trong chúng ta vẫn cảm thấy như thể địa vị của mình có thể bị cướp mất bất cứ lúc nào. Ngay cả tầng lớp trung lưu – thậm chí tầng lớp giàu có – cũng đang cảm thấy bất an tràn lan. Robert phát hiện ra rằng việc phải ở trong tình trạng không an toàn thì thậm chí còn đau khổ hơn là có một địa vị thấp.
Vậy, có vẻ xuất hiện điều gì đó trong lý thuyết cho rằng trầm cảm và lo âu là phản ứng với tình trạng lo lắng liên tục ở nhiều người trong chúng ta ngày nay. Nhưng làm sao có thể kiểm tra lý thuyết này?
*
Tôi đến gặp một cặp vợ chồng đã chỉ dẫn tôi về lĩnh vực khoa học này và tìm ra một cách điều tra hấp dẫn. Nghiên cứu của Kate Pickett và Richard Wilkinson về những vấn đề này – được chắt lọc trong cuốn sách có tên The Spirit Level (tạm dịch: Cấp độ tinh thần) – đã đưa họ trở thành hai trong số những nhà khoa học xã hội có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Khi xem xét công việc của Robert, họ biết rằng với khỉ đầu chó, hệ thống phân cấp khá cố định: Chúng luôn hoạt động theo cách đó, chỉ có những biến thể rất nhỏ. Nhưng Kate và Richard biết rằng đối với con người, hệ thống phân cấp của chúng ta không hoàn toàn hoạt động giống như vậy. Với tư cách là một loài, chúng ta đã tìm ra rất nhiều cách khác nhau để chung sống. Một số nền văn hóa (như Hoa Kỳ) có khoảng cách rất lớn giữa những người ở trên đỉnh và những người dưới đáy. Ở những nơi đó, có một số ít Solomon ở trên cùng, và phần lớn bị bỏ lại dưới đáy, như Job. Nhưng các nền văn hóa khác (như Na Uy) thì lại hoàn toàn khác – với lối sống cực kỳ bình đẳng, đỉnh và đáy rất gần nhau. Trong những nền văn hóa đó, hầu như không có Solomon và hầu như không có Job – hầu hết mọi người sống ở vùng trung gian, như Số 10 đến Số 13 trong hệ thống phân cấp của khỉ đầu chó.
Nếu áp dụng những hiểu biết của Robert cho con người, thì Richard và Kate biết rằng trong các xã hội bất bình đẳng cao như Hoa Kỳ, họ sẽ thấy mức độ đau khổ về tinh thần nhiều hơn, còn trong các xã hội bình đẳng cao như Na Uy, họ sẽ tìm thấy mức độ này ít hơn. Vì vậy, họ bắt tay vào một chương trình nghiên cứu lớn để tìm hiểu, sàng lọc một lượng dữ liệu khổng lồ.
Cuối cùng, khi đã có thể dựng dữ liệu thành đồ thị, họ mới giật mình khi thấy mối quan hệ đó chặt chẽ đến thế nào. Xã hội của bạn càng bất bình đẳng thì tất cả các dạng bệnh tâm thần càng phổ biến. Sau đó, các nhà khoa học xã hội khác đã đi sâu hơn để xem xét cụ thể chứng trầm cảm, và phát hiện ra rằng bất bình đẳng càng cao thì trầm cảm càng nhiều. Điều này luôn đúng khi bạn so sánh các quốc gia khác nhau và cả khi bạn so sánh các tiểu bang khác nhau của Hoa Kỳ. Có ý kiến cho rằng, có điều gì đó liên quan đến bất bình đẳng dường như đang làm gia tăng chứng trầm cảm và lo âu.
Richard nói với tôi, khi bạn sống trong một xã hội có những cách biệt lớn về thu nhập và địa vị, bạn sẽ có cảm giác “một số người dường như cực kỳ quan trọng, còn những người khác dường như chẳng quan trọng chút nào”. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến những người ở dưới cùng. Trong một xã hội có tính bất bình đẳng cao, mọi người đều phải suy nghĩ rất nhiều về địa vị. Mình có đang duy trì được vị trí xã hội của mình không? Những kẻ nào đang đe dọa mình? Mình có thể bị tuột xuống hạng nào? Cứ lẩn quẩn với những câu hỏi này sẽ khiến cuộc sống của chúng ta ngày càng thêm căng thẳng.
Điều này có nghĩa là nhiều người sẽ phản ứng một cách vô thức với sự căng thẳng bằng một phản ứng đã nằm sâu trong lịch sử tiến hóa của chúng ta: Gục đầu xuống và cảm thấy bị đánh bại.
Richard nói: “Chúng ta cực kỳ nhạy cảm với những điều này”. Khi khoảng cách địa vị quá lớn, nó tạo ra “cảm giác thất bại mà bạn không thể thoát được”.
*
Ngày nay, chúng ta đang sống với những cách biệt về địa vị lớn hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại. Nếu bạn làm việc cho một công ty, thì ngày xưa ông chủ của bạn có thể kiếm được gấp hai mươi lần so với nhân viên bình thường. Bây giờ, con số đó là ba trăm lần. Sáu người thừa kế tài sản của Walmart giàu hơn 100 triệu người Mỹ có địa vị thấp nhất. Tám tỷ phú sở hữu số tài sản nhiều hơn 50% nghèo nhất của nhân loại.
Khi hiểu được tất cả những điều này, Richard giải thích với tôi, bạn có thể biết tại sao nỗi đau khổ của nhiều người trong chúng ta không phải là do một sự lầm lạc tự phát nào đó của các chất hóa học trong não. Không, đó là “một thứ mà bạn cũng như rất nhiều người khác đều có. Đây là phản ứng chung của con người đối với hoàn cảnh mà tất cả chúng ta đang sống. Đây không phải là thứ ngăn cách bạn với thế giới. Mà thật ra, nó là thứ bạn có chung với vô số người khác”. Ông nói, chúng ta cần thấy “đây không chỉ là vấn đề của cá nhân tôi”, mà là “một vấn đề chung, có liên quan đến kiểu xã hội chúng ta đang sống”.
*
Sau khi trở về từ cuộc sống với bầy khỉ đầu chó hoang dã trên các đồng cỏ xavan ở Kenya, Robert Sapolsky đã có một giấc mơ lặp đi lặp lại. Trong mơ, ông đang ở trên một chuyến tàu điện ngầm ở New York, và bị một băng nhóm đầy đe dọa tiến đến, xác định sẽ đánh ông. Robert nhìn đám người ấy, lòng đầy kinh hãi. Có một hệ thống cấp bậc trong giấc mơ này và ông ở dưới đáy của hệ thống đó. Ông sẽ trở thành con mồi, giống như Job, con khỉ đầu chó yếu ớt người đầy vết cắn, vì bất kỳ con nào cũng có thể ra đòn với nó.
Nhưng trong mơ, Robert lại làm một điều không ngờ. Ông nói chuyện với băng đảng bạo lực đó. Ông giải thích với những kẻ đang sẵn sàng tấn công mình rằng đây là một tình huống điên rồ và không nhất thiết phải như vậy. Một vài đêm, ông nói chuyện với những tên côn đồ về nguồn gốc nỗi đau của họ – tại sao họ lại muốn đánh ai đó – rằng ông cảm thông với họ và nỗi đau khổ của họ, rồi hướng dẫn cho họ một liệu pháp ngẫu hứng nho nhỏ. Lần khác, ông pha trò, và họ cười với ông. Mỗi lần như vậy, họ lại quyết định không làm tổn thương ông.
Tôi nghĩ đây là một giấc mơ về cách chúng ta có thể thực hiện. Khỉ đầu chó bị khóa chặt trong hệ thống phân cấp của chúng. Chúng cần ai đó ở phía dưới để đánh đập và làm nhục. Job không thể thuyết phục Solomon đối xử tốt với mình bằng cách bày ra những trò đùa và liệu pháp nho nhỏ, cũng như không thể thuyết phục những con khỉ đầu chó khác chọn sống theo cách bình đẳng hơn.
Nhưng con người có quyền lựa chọn. Chúng ta có thể tìm những cách thiết thực để phá hủy hệ thống thứ bậc và tạo ra một thế giới bình đẳng hơn, nơi mọi người cảm thấy họ có được một mức độ tôn trọng và địa vị. Hoặc chúng ta có thể dựng lên những hệ thống thứ bậc và làm tăng thêm nỗi đau bị sỉ nhục – như cách mà chúng ta đang làm.
Khi làm như vậy, nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy mình đang bị đạp xuống, cả về mặt thể chất, và nhiều người sẽ tỏ dấu hiệu phục tùng. Chúng ta sẽ gục đầu và cúi người xuống rồi thầm nói: Hãy để tôi yên. Bạn đã đánh bại tôi rồi. Tôi không thể chịu đựng nổi nữa.