Khái niệm và các triệu chứng của rối loạn trầm cảm đang dần ngày trở nên quen thuộc hơn với xã hội Việt Nam. Những hiểu lầm về trầm cảm như là một chứng bệnh của những tính cách yếu đuối, của những cơn buồn bã nhất thời, của những tưởng tượng của tuổi vị thành niên hướng nội,... nay đã bớt dần. Căn bệnh ảnh hưởng đến 264 triệu người trên thế giới dần được công nhận là một vấn đề y khoa, giống như bệnh tim hoặc tiểu đường. Chúng ta không còn ngần ngại khi cần phải gọi chúng là một căn bệnh – illness như thuật ngữ Hội Tâm Thần Hoa Kỳ đã dùng.
Sự công nhận đó là điều cần thiết nhưng cũng đầy dẫy nguy cơ. Nếu trước kia sự can thiệp cho căn bệnh chỉ là vài lời khuyên tùy tiện kiểu như “hãy vui lên nào”, “hãy suy nghĩ tích cực”, hay thậm chí là thái độ kỳ thị xem bệnh trạng như biểu hiện tâm lý đặc thù của một giai cấp thị dân nhàn rỗi, khuynh hướng điều trị chiếm ưu thế hiện nay lại mang đầy ảo tưởng về những viên thuốc thần có thể giải quyết mọi vấn đề của tâm lý. Khuynh hướng này không chỉ đơn giản là âm mưu thương mãi của những tập đoàn dược phẩm toàn cầu mà nó còn phát xuất từ sự lười biếng trong nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân, khi chúng ta thèm khát sự dễ dãi của việc uống vài viên thuốc mỗi ngày thay vì đánh giá lại cuộc sống hằng ngày.
Với hướng tiếp cận sinh thái cũng như bằng trải nghiệm trực tiếp với căn bệnh, tác giả Johann Hari đã lên tiếng đặt lại vấn đề nguyên nhân của chứng bệnh trầm cảm trong tác phẩm Mất kết nối: Khám phá các Nguyên nhân thực của Trầm cảm và các Giải pháp bất ngờ (Lost Connections: Uncovering the Real Causes of Depression – and the Unexpected Solutions) xuất bản năm 2018. Johann Hari không chỉ giới hạn việc nghiên cứu về đề tài này thông qua việc tham khảo các tài liệu y khoa từ nhiều giác độ khác nhau mà còn gặp gỡ trực tiếp thảo luận với các nhà khoa học tâm lý và tâm thần cũng như các bệnh nhân trầm cảm để hoàn tất cuốn sách của mình.
Nói tới hướng tiếp cận sinh thái, đã từ lâu các sách giáo khoa và chương trình đào tạo Tâm lý học ở Âu Mỹ đều nhắc đến mô hình tâm lý – xã hội – sinh học. Việc ứng dụng mô hình này có nghĩa là một hiện tượng, đề cập ở đây là bệnh trầm cảm, cần được đánh giá toàn diện để nhận diện không chỉ các nguyên nhân mà còn cả các tiếp cận điều trị dựa trên tất cả các yếu tố ấy. Ở một mức độ giới hạn hơn, cộng đồng khoa học chính thống cũng đã từ lâu nhắc đến các yếu tố môi trường khi cho rằng có hai loại trầm cảm: “trầm cảm nội sinh” (endogenous depression) do những rối loạn ở não hoặc cơ thể và “trầm cảm phản ứng” (reactive depression) do hậu quả từ sự trải nghiệm những biến cố khủng hoảng trong cuộc sống cá nhân của một cá nhân.
Thế nhưng lâu nay dường như những yếu tố tạo điều kiện cho chứng trầm cảm phản ứng luôn bị giới chuyên môn xem nhẹ. Mở đầu cho cuốn sách của mình, Johann Hari đã nhắc đến sự giới hạn này và nhắc đến nghiên cứu năm 1978 của George Brown, chuyên gia Xã hội học Y tế, và Tirril Harris, chuyên gia Tâm lý học Xã hội. Hai nhà nghiên cứu này đã phát hiện nguy cơ trầm cảm có thể cao hơn nhiều khi một người gặp phải một sự kiện tiêu cực nghiêm trọng chồng lên những điều căng thẳng và bất an kéo dài trong cuộc sống. Nguy cơ mắc trầm cảm của sự kết hợp đó tương tự như một phản ứng tỏa nhiệt trong hóa học; nó không chỉ là phép cộng mà là sự bùng nổ của rối loạn trầm cảm. Môi trường chúng ta sống mới chính là khởi đầu của những nguy cơ của chứng rối loạn tâm trạng đáng sợ này, đặc biệt khi chúng ta đánh mất sự kết nối với chúng.
Trong tác phẩm của mình, Hari nhận diện có chín nguyên nhân của chứng trầm cảm và trong đó có sáu nguyên nhân đến từ việc mất mối kết nối: kết nối với công việc, với người khác, với những giá trị ý nghĩa, với vị trí xã hội và sự tôn trọng, với thế giới tự nhiên, và với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn. Hari cũng đề cập đến nguy cơ mất mối kết nối khác là “mất kết nối do những sang chấn tuổi thơ”; từ kiến thức về điều trị tâm lý chúng ta có thể hiểu đây là sự mất kết nối với tương lai khi nạn nhân bị kiềm tỏa trong những trải nghiệm kinh hoàng của quá khứ cũng như mất kết nối với những chức năng của bản ngã trong hội chứng phân ly [dissociation]. Trong chương cuối ở phần nhận diện nguyên nhân, Hari cũng đề cập đến vai trò của những thay đổi trong não bộ và gene nhưng tranh biện cho rằng đây chỉ là tiền đề chứ không phải là nguyên nhân trực tiếp.
Theo Hari, việc mất nối kết với công việc không chỉ đơn giản là thất nghiệp mà chính là tình trạng sa lầy trong “một công việc đơn điệu, nhàm chán, hủy hoại tâm hồn khiến người ta chết dần chết mòn khi phải đi làm mỗi ngày, bởi vì công việc đó chẳng chạm được đến bất cứ một phần nào trong con người họ”. Tác giả cho biết trong hệ thống công vụ với các tầng cấp quản lý và lãnh đạo, các nhà nghiên cứu cho thấy nhân sự sẽ ít bị trầm cảm hay nảy sinh cảm xúc đau khổ khi họ có mức độ kiểm soát công việc cao so với những người có cùng mức lương, cùng vị trí, cùng văn phòng, nhưng có mức độ kiểm soát công việc thấp hơn. Hari cũng đề cập đến tương quan giữa động lực làm việc và việc phản hồi từ quản lý hay đồng sự, một phát hiện đã được dạy từ lâu trong các cuốn nhập môn Tâm lý học. Ông mô tả “Khi các thanh tra thuế này làm việc thực sự chăm chỉ và cố gắng hết sức thì không ai để ý. Và khi họ có làm việc một cách tệ hại, thì cũng chẳng ai để ý”. Sự tuyệt vọng do mất sự nối kết xảy ra khi “thiếu sự cân bằng giữa nỗ lực và khen thưởng”. Và nghiêm trọng hơn nữa, trong tình huống đó, “tín hiệu bạn nhận được từ thế giới là: Bạn có tồn tại hay không cũng không ai quan tâm, và không ai quan tâm bạn làm gì”. Quả thật, nếu sự hiện hữu của chúng ta hoàn toàn vô nghĩa đối với thế giới, liệu chúng ta còn muốn tiếp tục tồn tại hay không? Một suy nghĩ đáng để trầm cảm.
Khi không ai quan tâm đến chúng ta cũng có nghĩa là chúng ta mất kết nối với người khác, nguyên do thứ hai do Hari đề ra. Trong tác phẩm của mình, Hari giới thiệu ở mỗi nguyên nhân kết nối một nhà nghiên cứu chính; và mất kết nối với tha nhân là nhà thần kinh học xã hội chuyên nghiên cứu về trạng thái cô đơn, John Cacioppo. Nghiên cứu của Cacioppo cho thấy cảm giác cô đơn có thể khiến mức cortisol của chúng ta tăng vụt lên đến mức tuyệt đối tương tự như khi chúng ta phải đối diện với một mối đe dọa khủng khiếp khiến hệ thống thần kinh giao cảm của chúng ta kích hoạt phản xạ chiến hay biến [fight/flight response]. Thậm chí, chúng ta có thể phải chịu sự căng thẳng giống như bị tấn công thể xác khi nỗi cô đơn được đẩy đến tột độ. Nghiên cứu của Cacioppo và một nhà khoa học khác là Lisa Berkman, chuyên gia Dịch tễ học, cho thấy khi mất kết nối với những người xung quanh, chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, nguy cơ bị cảm lạnh cao gấp ba lần và nguy cơ tử vong cao gấp 2-3 lần so với những người có nhiều mối quan hệ thân thiết. Chúng ta đang đối mặt với những nguy hiểm đến tính mạng khi chúng ta cô đơn: ung thư, bệnh tim, các vấn đề về hô hấp và trao đổi chất. Qua lời tường thuật của Hari, Cacioppo cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của cô đơn không chỉ nhất thời: “bản thân sự cô đơn dường như có thể gây chết chóc”.
Khi không còn nối kết với tha nhân, liệu sự hiện hữu của chúng ta còn giá trị? Nguyên nhân kế tiếp của trầm cảm Hari đề cập đến là sự mất kết nối với giá trị. Tim Kasser, nhà Tâm lý học tại Đại học Rochester chuyên nghiên cứu về tương quan giữa khuynh hướng duy vật chất và sự an lạc thân tâm đã tìm ra mối tương quan đặc biệt này giữa những giá trị theo đuổi trong đời sống và tình trạng sức khỏe của chúng ta. Trong suốt chiều dài tư tưởng của nhân loại, các nhà hiền triết lẫn giáo chủ các tôn giáo lớn đều cảnh báo về sự nguy hiểm của việc coi trọng tiền bạc và tài sản, và khuyến khích chúng ta tôn thờ những giá trị của trí tuệ và từ bi. Thế nhưng, xã hội chúng ta lại tôn thờ những thượng đế khác, quyền lực, danh vọng, và tiền bạc. Nghiên cứu cho thấy những người sống thiên về vật chất, từ việc tích lũy tài sản đến địa vị cao, có mức độ trầm cảm và lo âu cao hơn những người khác không có mối quan tâm tương tự. Trong khi đó, những người đạt được mục tiêu nội tại, những mục tiêu vốn mang tính đạo đức bao hàm trong những giá trị phổ quát của nhân loại đã tuyên dương nhiều thế kỷ, lại thật sự trở nên hạnh phúc, sống trọn vẹn trong dòng chảy (“flow” theo định nghĩa của Mihaly Csikszentmihalyi), và ít trầm cảm hay lo âu hơn. Nỗ lực trở thành một người tốt không vì mục đích chinh phục và sở hữu những của cải ngoại tại mà vì tự thân nó đem lại sự an lạc và hạnh phúc dường như đã được mã hóa trong mỗi tế bào của chúng ta qua hàng ngàn năm tiến hóa. Thế nhưng những thông điệp mà nền văn hóa của chúng ta cổ võ trong suốt thế kỷ vừa qua lại là một cách thế sống quá coi trọng vật chất. Cả xã hội tiêu thụ không vận hành theo cơ chế cung cầu tự nhiên, nhưng lại bị thao túng bởi guồng máy quảng cáo, tạo cho “mọi người cảm thấy chưa đủ, rồi giới thiệu sản phẩm như một giải pháp để bù đắp cảm giác thiếu thốn” đó. Bên cạnh đó có cả những xã hội không chỉ tuyên truyền cho sự thiếu thốn về vật chất, mà còn cả sự thiếu thốn về tinh thần. Đó là nơi hệ thống cán bộ và tăng lữ với bộ đồng phục thay thế những tay bán hàng cổ cồn cà vạt tinh tươm. Con người bị đẩy vào nỗi hoảng sợ thua người với nỗi ganh tức điên cuồng; sống để “chứng tỏ” bằng của cải vật chất lẫn vai vế chức quyền.
Trong chương nói về việc mất kết nối với công việc, Hari đã nhắc đến việc thành phần quản lý và lãnh đạo sẽ ít bị trầm cảm hay nảy sinh cảm xúc đau khổ khi họ có mức độ kiểm soát công việc cao. Điều này không chỉ giới hạn trong một công ty nơi bạn là nhân viên; nó có nghĩa là bạn càng ở dưới đáy của các bậc thang xã hội, bị khinh bỉ, chà đạp, và áp bức, bạn lại càng có nguy cơ bị trầm cảm. Với những nghiên cứu ở loài vật, Robert Sapolsky, giáo sư Thần kinh học Nội tiết của Đại học Stanford, đã cho thấy trong cuộc chiến tranh giành vị trí xã hội, con khỉ chó nào có thứ bậc càng thấp lại càng căng thẳng triền miên hơn. Chúng bị đẩy xuống đáy xã hội của loài khỉ, “luôn gục đầu xuống và cúi mình; nó không muốn di chuyển; nó mất cảm giác thèm ăn; nó cạn kiệt tất cả năng lượng. Khi con khác đến gần, nó sẽ lập tức lùi lại”. Còn trong xã hội của chúng ta? Nghiên cứu của Kate Pickett và Richard Wilkinson, hai nhà Dịch tễ học Xã hội được Hari tường thuật, cho thấy khi xã hội càng bất bình đẳng, tất cả các dạng bệnh tâm thần càng phổ biến. Bất bình đẳng càng cao thì trầm cảm càng nhiều. Ý thức về vị trí của mình trong xã hội khi mình ở những bậc thang dưới cùng chắc chắn không phải là điều dễ chịu, nhất là khi sự bất bình đẳng đó được củng cố bởi các giáo điều, chủ thuyết, tín ngưỡng – những khía cạnh và cấu phần khác nhau của văn hóa. Chúng ta sẽ cảm giác mọi nỗ lực để vươn lên chỉ là vô vọng và tương lai chỉ là nguy cơ tuột xuống tận đáy. Khi tập nhiễm bất lực trở thành cơ chế tâm lý duy nhất, chúng ta sẽ không khác những chú khuyển trong thí nghiệm của Martin Seligman, gục đầu xuống và cảm thấy bị đánh bại.
Nói đến tình trạng tuyệt vọng dưới đáy xã hội, có lẽ không nỗi tuyệt vọng nào có thể so sánh với nỗi niềm của một tập thể bị kỳ thị và phân biệt, bằng cả một hệ thống văn hóa lẫn cơ chế chính trị. Đó là chủ đề của chương “mất kết nối với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn” của Hari. Trong suốt lịch sử của loài người, việc một thành phần dân tộc hay của một nhóm sắc tộc bị đày ải chỉ vì sự khác biệt trong lối sống và tư tưởng của mình không phải là chuyện xa lạ. Thậm chí việc phân biệt này không phải lúc nào cũng phát khởi từ những tín điều lạc hậu của một tôn giáo nào đó. Nhiều khi nó lại là hậu quả của một chủ thuyết toàn trị với những tiêu chí “công dân” đầy ảo tưởng. Hari đã chọn câu chuyện ở Canada để minh họa thảm trạng trầm cảm vì sự đánh mất tương lai này, nhưng chúng ta cũng cần nhớ trong thực tế nạn diệt chủng văn hóa [cultural genocide] cũng đã xảy ra tại Mỹ và Úc khi nhân danh văn hóa, tại Đức và Campuchia khi nhân danh chủ nghĩa. Các chính phủ như Mỹ, Úc và Canada đã quyết tâm phá bỏ văn hóa của người bản địa bằng cách cách ly con cái với cha mẹ, “đem nuôi dưỡng trong các trại trẻ mồ côi, cấm những đứa trẻ này nói ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, và cấm nói bất kỳ lời nào về cách bộ tộc của họ sinh sống”. Và hậu quả? Tỷ lệ nghiện ngập, bệnh tâm thần, tự sát ở người bản địa cao nhất cả nước. Điều kinh hoàng Hari đã tường thuật trong tác phẩm của mình không chỉ là việc các nhóm thiểu số này bị áp bức đến mức không có tương lai, nhưng họ, đặc biệt là những đứa trẻ trong bộ tộc bị đày ải, không còn khả năng suy nghĩ hay ước vọng về tương lai. Nếu niềm tin về tương lai là thứ giúp chúng ta tiếp tục sống, điều gì sẽ xảy ra khi niềm tin này bị cướp đi?
Môi trường sống của chúng ta chắc chắn không chỉ giới hạn trong xã hội nhân quần, ngoài kia còn là thế giới thiên nhiên, và việc mất kết nối với thiên nhiên rộng lớn đó cũng là nguyên do của trầm cảm được Hari đã đề cập trong tác phẩm của mình. Những phát hiện của nhà Sinh học Tiến hóa Isabel Behncke cho thấy các con tinh tinh lùn trở nên trầm cảm với những hành vi tự trấn tĩnh đến hành vi tự hại: lắc lư đầu, máy giật bắp thịt mặt, hú hét, hay tự gãi cho đến khi trầy da chảy máu. Thế còn con người? Hari đã trình bày các nghiên cứu so sánh giữa khối thị dân đang sống giữa bê tông cốt sắt và khối còn lại trong những khu vực nhiều cây xanh hơn. Một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Essex của Anh đã nhận thấy những người chuyển đến các khu vực nhiều cây xanh hơn đã giảm đi những triệu chứng trầm cảm đáng kể khi so với những người rời bỏ khu vực nhiều cây cối. Dường như niềm yêu thích thiên nhiên của chúng ta không đơn giản chỉ là phong trào hay sự phản kháng lại khung cảnh của những thành phố công nghiệp. Hari cho biết hai nhà khoa học xã hội Gordon Orians và Judith Heerwagene đã khảo sát nhiều người trên khắp thế giới trong các nền văn hóa hoàn toàn khác nhau và nhận thấy họ đều thích những cảnh quan trông giống các đồng cỏ savan ở châu Phi. Cho dù chúng ta yêu thích thiên nhiên sẵn từ trong tế bào, câu hỏi tồn tại là điều gì khiến chúng ta giảm trầm cảm khi hòa mình vào thiên nhiên? Hari lý luận, “mắc phải trầm cảm hoặc lo âu là một quá trình trở thành tù nhân cho chính bản ngã của bạn, nơi không chút không khí nào từ bên ngoài có thể xâm nhập vào... (trong khi đó) đối mặt với cảnh quan thiên nhiên, bạn có cảm giác rằng bạn và những mối quan tâm của bạn là rất nhỏ nhoi, còn thế giới thì quá rộng lớn... có điều gì đó rất sâu sắc, lành mạnh về mặt bản ngã cá nhân trong cảm giác đó”. Kết luận của Hari mang màu sắc của hệ tư tưởng Gaia lẫn kinh Hoa Nghiêm, “Nó gần giống như một phép ẩn dụ rằng bạn thuộc về một hệ thống to lớn hơn. Bạn luôn luôn là một phần của một mạng lưới... một nút thắt trong tấm thảm dệt khổng lồ này.”
Hành trình hướng ngoại tìm nguyên nhân của trầm cảm sẽ không trọn vẹn nếu không có chuyến quy hồi nội tâm. Tìm về bên trong và quá khứ để thấy chúng ta cũng sẽ mất kết nối với chính mình vì những chấn thương tâm lý trầm trọng. Hari kể chuyện tiến sĩ Vincent Felitti và Robert Anda đã nghiên cứu về mối liên hệ giữa quá khứ và trầm cảm. Kết quả thật đáng sợ. Tất cả các loại trải nghiệm chấn thương thiếu thời đều có thể khiến chúng ta có nguy cơ mắc phải trầm cảm khi trưởng thành. Những con số như một lời cảnh báo nghiêm khắc: nguy cơ trầm cảm tăng gấp 5 khi trải nghiệm 6 loại chấn thương trong thời thơ ấu, và tỉ lệ tự tử tăng 3100% khi trải nghiệm 7 loại chấn thương. Tại sao chấn thương thiếu thời lại xảy ra? Hari đề xuất một giải thích: chúng ta hầu như không có khả năng thay đổi môi trường sống của mình khi còn nhỏ bằng cách chạy trốn hay chống lại kẻ bạo hành, vì thế khi bị làm tổn thương, chúng ta chỉ có thể cam phận bất lực hay tự trách chính mình. Chấn thương tâm lý hay sự hủy hoại tinh thần của chúng ta còn đến từ muôn ngả như Hari đã liệt kê: bị bạn đời lừa dối ngoại tình, bị tấn công khủng bố, hay thậm chí bị nhồi sọ bởi một nhãn quan cực kỳ tiêu cực về con người. Hậu quả là chúng ta phải sống suốt đời với chứng bệnh lo âu và trầm cảm, với những hành vi tự hại và tự bại, với tình trạng thể chất bệnh hoạn tồi tệ, như nghiên cứu của CDC mà Hari đã trích dẫn.
Mặc dù có nhắc đến các yếu tố di truyền và sinh học, Hari không mặn mà với các nguyên nhân vốn “thời thượng” và tưởng chừng dễ dàng giải quyết với những viên thuốc đủ màu. Trong cuốn sách của mình Hari đã trích dẫn Marc Lewis, nhà Khoa học Thần kinh Trầm cảm, về nguyên do sóng đôi của trầm cảm, “cả hai yếu tố kết hợp – sự đau khổ do thế giới bên ngoài gây ra và những thay đổi bên trong bộ não”. Nó là vòng luân hồi tiêu cực khi cách thế tư duy và sinh hoạt của chúng ta tác động và thay đổi từ chức năng đến cấu trúc não bộ, rồi não bộ của chúng ta tác động ngược trở lại thể hiện qua cảm xúc và hành vi, làm trầm trọng thêm các tác động từ thế giới bên ngoài. Mặc dù nhà di truyền học Avshalom Caspi khi theo dõi 1000 đối tượng trong suốt 25 năm ở New Zealand đã tìm ra một biến thể của gene gọi là 5-HTT có liên quan đến chứng trầm cảm, nhưng những phát hiện trong nành di truyền học biểu sinh [epigenetics] lại cho thấy gene lại là do môi trường kích hoạt. Chính Caspi đã phát hiện ra ngay cả khi chúng ta sở hữu loại gene 5-HTT, nguy cơ trầm cảm tăng lên rất nhiều nhưng chỉ trong môi trường nhất định”, đặc biệt là những tình huống gây căng thẳng kéo dài hoặc những tổn thương thời thơ ấu. Hari khẳng định vai trò của các yếu tố sinh học, tuy nhiên ông cho rằng việc xem đó là nguyên nhân duy nhất là sai lầm.
Trong một thời gian dài, chúng ta đã đi từ thái cực này qua thái cực khác khi xác định nguyên nhân của trầm cảm. Các nhà khoa học và cả chúng ta dễ dàng quên là con người không đến từ hư không và cũng không hiện hữu trong hư không. Chúng ta dễ dàng cho trầm cảm chỉ là sản phẩm của sự thất bại về tinh thần hoặc là một căn bệnh não bộ. Chúng ta quen suy nghĩ tuyến tính [linear thinking] và quên thế giới chúng ta đang sống trong đó có cả môi trường thiên nhiên là một hệ thích ứng phức hợp [complex adaptive system]. Trầm cảm có thể xem là một cách thế mà chúng ta phản ứng đối với môi trường chúng ta sống, một tiếng thét cảnh báo về sự bất ổn trong tương quan của chúng ta đối với thế giới bên ngoài, và vì đó, với cả thế giới nội tâm của chúng ta. Chỉ khi nhận ra điều đó, chúng ta mới có thể đi từ việc thông cảm cho căn bệnh sinh học đến việc đồng cảm cho thận phận của con người. Hari cho rằng việc nhìn nhận những yếu tố môi trường sẽ khiến cho chúng ta bớt tàn nhẫn hơn đối với cả bản thân và người khác.
Đọc tác phẩm Mất kết nối của Johann Hari tôi cũng tìm được nhiều ý vị của Đông Phương và Phật Giáo. Đồng thời với việc cổ võ cho một thái độ dấn thân vì nhân quần, Hari còn ý thức được sự nhỏ bé hay nói đúng hơn là vô vị của bản ngã. Một mặt, Hari chủ trương con người có quyền lựa chọn, đặc biệt tìm “những cách thiết thực để phá hủy hệ thống thứ bậc và tạo ra một thế giới bình đẳng hơn, nơi mọi người cảm thấy họ có được một mức độ tôn trọng và địa vị”. Mặt khác, khi tác giả đứng trước thiên nhiên, ông ta đã “cảm thấy bản ngã của mình bị thu hẹp lại, tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé, còn thế giới thì quá lớn” và vì thế lại thấy lo lắng. Bởi vì, “tôi muốn có bản ngã của mình. Tôi muốn bám vào nó”. Hari tường thuật phải mất nhiều năm sau ông ta mới hiểu được điều này. Chẳng phải cái bản ngã mà chúng ta điên cuồng bám chấp, củng cố, và thể hiện nó chính là nguyên nhân khiến chúng ta mất nối kết với tất cả, thiên nhiên, tha nhân, và cả chúng ta hay sao?
Tôi sẽ để dành phần giải pháp của Johann Hari trong cuốn Mất kết nối cho các bạn thưởng thức để tiếp tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Làm sao chúng ta có thể tìm lại được mối kết nối với công việc, với người khác, với những giá trị ý nghĩa, với vị trí xã hội và sự tôn trọng, với thế giới tự nhiên, và với một tương lai chắc chắn hoặc đầy hứa hẹn? Giải pháp của Hari chắc chắn sẽ đem lại cho bạn những bất ngờ nhưng cũng đầy niềm hy vọng và nỗi hân hoan.
Đây là một cuốn sách rất đáng để nghiền ngẫm và chiêm nghiệm cho dù bạn có bị trầm cảm hay không. Bởi vì phải chăng mỗi khủng hoảng trong cuộc đời là cơ hội để chúng ta chuyển hóa cho một hiện sinh ý nghĩa và hạnh phúc hơn?
– Tiến sĩ Lê Nguyên Phương
Chuyên gia Giáo dục và Tâm lý