Một đêm xuân năm 2014, tôi đang đi dọc phố cổ Hà Nội thì nhìn thấy một quầy bán trái cây ven đường. Những quả táo to, đỏ một cách kỳ lạ và đầy vẻ mời gọi. Vốn rất dở mặc cả, thế nên tôi đã trả 3 đô la để mua một quả táo, rồi mang nó về phòng mình ở khách sạn Very Charming Hanoi. Như bất kỳ người nước ngoài nào đã đọc được những lời cảnh báo về sức khỏe khi đến Việt Nam, tôi rửa quả táo một cách kỹ càng bằng nước đóng chai. Nhưng khi cắn một miếng táo, tôi cảm thấy vị đắng của hóa chất tràn ngập trong miệng. Đó là mùi vị mà hồi nhỏ tôi từng tưởng tượng rằng tất cả thức ăn đều sẽ giống như thế sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tôi biết mình không nên ăn nữa, nhưng tôi đã quá mệt để có thể ra ngoài kiếm món gì khác, vì vậy tôi ăn nửa quả táo rồi để nó sang một bên, dù trong người cảm thấy khó chịu.
Hai giờ sau, tôi bắt đầu đau bụng. Suốt hai ngày trời, tôi nằm lì trong phòng và cảm giác như căn phòng bắt đầu quay xung quanh tôi ngày càng nhanh hơn, nhưng tôi không quá lo lắng. Trước đây tôi từng bị ngộ độc thực phẩm rồi nên tôi biết mọi thứ sẽ diễn tiến như thế nào. Bạn chỉ cần uống nước rồi chờ cơn đau qua đi.
Vào ngày thứ ba, tôi nhận ra thời gian ở Việt Nam của mình đang trôi đi trong cảnh bệnh tật ảm đạm. Tôi đến Việt Nam là để tìm một số người sống sót sau chiến tranh cho một dự án sách khác mà tôi đang thực hiện. Vì vậy tôi gọi cho người phiên dịch của mình, anh Đặng Hoàng Linh, và bảo anh ấy rằng chúng tôi nên lái xe về vùng quê như kế hoạch đã có từ trước. Khi chúng tôi đến một khu ổ chuột và thăm một nạn nhân chất độc da cam sống ở đó, tôi dần cảm thấy khỏe lại. Sáng hôm sau, anh Linh đưa tôi đến túp lều của một bà lão tám mươi bảy tuổi nhỏ thó, môi bà nhuộm màu trầu đỏ tươi. Bà lê mình về phía tôi trên một tấm ván gỗ có gắn vài cái bánh xe. Bà kể rằng, suốt chín năm ròng thời chiến tranh, bà đã chạy trốn hết quả bom này đến quả bom khác để bảo toàn mạng sống cho bầy con của mình. Họ là gia đình duy nhất còn sống sót trong làng sau chiến tranh.
Trong lúc bà kể chuyện, tôi bắt đầu trải nghiệm một điều gì đó thật kỳ lạ. Giọng bà dường như vọng lại từ một nơi rất xa, còn căn phòng có vẻ đang quay mòng mòng xung quanh tôi. Sau đó, thật bất ngờ, tôi nôn ói tung tóe khắp lều của bà. Một lát sau, tôi dần tỉnh táo lại và thấy bà lão đang nhìn mình với ánh mắt sầu thảm. “Chú này phải đến bệnh viện. Chú ốm nặng quá rồi”, bà nói.
Không, không cần, tôi khăng khăng. Hồi sống ở Đông London, tôi chỉ ăn gà rán suốt nhiều năm liền nên đây đâu phải là lần đầu tiên tôi bị nhiễm trùng đường ruột. Tôi nhờ Linh chở mình về khách sạn ở Hà Nội để có thể vừa xem CNN vừa nghỉ ngơi trong phòng và đối diện với mớ hỗn độn trong bụng mình vài ngày nữa.
“Không được”, bà lão nói chắc nịch. “Đưa nó tới bệnh viện đi”.
“Này, Johann”, Linh bảo tôi, “Đây là người phụ nữ duy nhất sống sót cùng các con trong suốt chín năm Mỹ dội bom ở làng bà ấy. Tôi sẽ nghe lời bà ấy hơn là nghe anh”. Nói rồi anh lôi tôi vào xe. Trong suốt đoạn đường xe chạy đến một tòa nhà cũ kỹ mà sau này tôi mới biết đó là bệnh viện do Liên Xô xây dựng nhiều thập niên trước, tôi liên tục thở gấp và co giật. Tôi là người nước ngoài đầu tiên được điều trị ở đó. Khi xe đến nơi, một nhóm y tá – vừa phấn khích, vừa bối rối – hối hả chạy ra và đưa tôi vào phòng bệnh. Họ bắt đầu quát tháo với Linh và Linh cũng quát ngược lại các y tá. Cả hai bên đang hét vào nhau bằng một thứ ngôn ngữ mà một chữ bẻ đôi tôi cũng không hiểu. Sau đó tôi thấy y tá quấn chặt một thứ gì đó quanh cánh tay mình.
Tôi cũng để ý thấy trong góc phòng có một cô bé bị dán băng cá nhân trên mũi. Cô bé đang nằm một mình và nhìn tôi. Tôi nhìn lại cô bé. Phòng bệnh chỉ có mỗi hai chúng tôi là bệnh nhân.
Sau khi đo huyết áp, cô y tá nói rằng huyết áp của tôi thấp đến mức nguy hiểm – Linh dịch lại. Và rồi họ bắt đầu gắn đủ loại dây nhợ và cắm kim vào người tôi. Về sau, Linh kể lại với tôi là anh đã nói dối các bác sĩ rằng tôi là một người rất quan trọng ở phương Tây, và nếu tôi chết ở đó thì đây sẽ là một nỗi xấu hổ to lớn cho người Việt Nam. Trong mười phút Linh trao đổi cùng họ, tay tôi có cảm giác nặng dần với những mũi kim và ống truyền dịch. Sau đó, họ bắt đầu gào lên hỏi các triệu chứng của tôi thông qua Linh. Tôi có cảm giác rằng dù hai bên trao đổi qua lại rất nhiều nhưng vẫn chưa mô tả được hết bệnh tình của tôi.
Khi tất cả những điều này đang diễn ra, tôi cảm thấy trong người rất kì lạ, như thể mình đang phân làm đôi. Một phần trong tôi cảm thấy buồn nôn – mọi thứ quay rất nhanh, và tôi cứ nghĩ: “Đừng quay nữa, đừng quay nữa, đừng quay nữa”. Nhưng một phần khác của tôi – đang đứng từ góc nhìn phía dưới, phía trên hoặc phía bên kia – đang thực hiện một cuộc độc thoại khá lý trí, “Ồ, mày sắp chết rồi đó! Mày bị hạ gục bằng một quả táo độc chẳng khác nào bà Eva hay Bạch Tuyết”.
Rồi tôi nghĩ, chẳng lẽ ý nghĩ cuối cùng của mày trước khi chết lại là một ý nghĩ như vậy sao?
Rồi tôi lại nghĩ, nếu mày ăn nửa quả táo mà đã ra nông nỗi này, thì những người nông dân tiếp xúc với chúng mỗi ngày trong suốt nhiều năm trời sẽ còn ra sao nữa? Đây sẽ là một chủ đề hay để bàn luận sau này.
Rồi tôi lại nghĩ tiếp, mày không nên có những suy nghĩ này khi mày đang ở trên bờ vực cái chết. Mày nên nghĩ về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời mày. Lẽ ra sẽ có nhiều khoảnh khắc đẹp ùa về. Những lúc nào trong đời mà mày đã thực sự hạnh phúc? Và rồi tôi hình dung ra khung cảnh lúc mình còn bé, đang nằm trên giường, ôm bà tôi và cùng bà xem bộ phim truyền hình Coronation Street của Anh trong ngôi nhà cũ của gia đình chúng tôi. Tôi hình dung ra mình của nhiều năm sau đó, khi đang trông nom đứa cháu nhỏ. Thằng bé gọi tôi dậy lúc bảy giờ sáng và đến nằm cạnh tôi trên giường, rồi hỏi tôi một loạt những câu hỏi nghiêm túc về cuộc sống. Tôi hình dung ra mình đang nằm trên một chiếc giường khác, năm mười bảy tuổi, với người con gái đầu tiên tôi yêu. Đó không phải là một ký ức về nhục dục, bởi chúng tôi chỉ nằm đó và ôm lấy nhau.
Ơ khoan nào. Chẳng lẽ mày chỉ thấy hạnh phúc khi nằm trên giường? Điều này tiết lộ điều gì về mày? Sau đó, đoạn độc thoại nội tâm này bị lấn át bởi một cơn thở dốc. Tôi van nài các bác sĩ cho tôi thứ gì có thể cắt cơn buồn nôn cực độ này. Linh nói chuyện sôi nổi với các bác sĩ, rồi cuối cùng quay sang tôi: “Bác sĩ nói anh cần buồn nôn. Đó là một thông điệp, và chúng ta phải lắng nghe thông điệp của cơ thể. Nó sẽ cho chúng ta biết anh bị làm sao”. Và đúng lúc đó, tôi lại bắt đầu nôn mửa.
Nhiều giờ sau, một vị bác sĩ trạc bốn mươi tuổi đến trước mặt tôi và nói: “Chúng tôi thấy rằng thận của anh đang ngưng hoạt động. Anh bị mất nước trầm trọng. Vì bị nôn mửa và tiêu chảy liên tục nên cơ thể anh đã không hấp thụ được nước trong một khoảng thời gian dài. Tình trạng của anh giống như một người đi lang thang trong sa mạc suốt nhiều ngày vậy”. Linh nói xen vào: “Ông ấy còn bảo nếu chúng tôi đưa anh về Hà Nội thì anh hẳn đã chết trên đường đi rồi”.
Bác sĩ bảo tôi liệt kê mọi thứ tôi đã ăn trong ba ngày qua. Thật ra cũng chẳng có gì – chỉ một quả táo. Ông ta hỏi tôi một cách đầy giễu cợt: “Quả táo đó có sạch không?”. “Có chứ”, tôi đáp, “tôi đã rửa nó bằng nước đóng chai mà”. Mọi người phá lên cười như thể vừa nghe diễn viên hài Chris Rock bật ra một câu kết đắt giá cho phần diễn hài của mình vậy. Hóa ra ở Việt Nam, bạn không thể chỉ rửa một quả táo là xong. Chúng được phun đầy thuốc trừ sâu để giữ độ tươi trong nhiều tháng mà không bị thối rữa. Do vậy, bạn cần phải gọt bỏ hết vỏ trước khi ăn – nếu không thì có thể bạn cũng sẽ bị ngộ độc giống tôi.
Mặc dù không thể hiểu tại sao, nhưng trong suốt thời gian viết cuốn sách này, tôi cứ nghĩ mãi về điều mà bác sĩ đã nói với tôi ngày hôm đó, trong cơn ngộ độc chẳng có gì hay ho của tôi.
Bạn cần buồn nôn. Đó là một thông điệp. Nó sẽ cho chúng ta biết ta bị làm sao.
Mãi sau này, trong chặng cuối hành trình đi tìm hiểu nguyên nhân thực sự gây ra chứng trầm cảm và rối loạn lo âu cũng như lối thoát cho những vấn đề đó, ở một nơi khác cách xa hàng ngàn dặm, tôi mới hiểu rõ lý do vì sao.