Năm mười tám tuổi, tôi đã uống viên thuốc chống trầm cảm đầu tiên trong đời. Hôm ấy, dưới ánh nắng yếu ớt như hầu hết mọi ngày của nước Anh, tôi đứng bên ngoài một hiệu thuốc trên con phố mua sắm ở thủ đô London. Viên thuốc nhỏ, màu trắng, khi nuốt vào thì đầy mùi vị hóa học.
Trước khi đến hiệu thuốc, tôi đã đến gặp bác sĩ của mình vào sáng hôm đó. Tôi kể với ông rằng không có một ngày nào trôi qua mà tôi không u sầu khóc lóc. Ngay từ bé – dù ở trường phổ thông, trường đại học, ở nhà hay với bạn bè – tôi đều thường trốn vào một góc nào đó để khóc. Mà không chỉ nhỏ vài giọt nước mắt thôi đâu, tôi thực sự khóc nức nở thành tiếng. Ngay cả khi nước mắt không thể tuôn rơi thì hầu như lúc nào trong đầu tôi cũng có một cuộc độc thoại nội tâm đầy lo lắng và liên tục giằng xé. Rồi tôi sẽ tự mắng mỏ mình: “Tất cả chỉ ở trong đầu mày thôi! Vượt qua đi! Đừng yếu đuối như vậy chứ!”.
Lúc đó tôi đã rất xấu hổ khi kể với bác sĩ những câu độc thoại của mình. Giờ đây khi gõ lại những dòng này, nỗi xấu hổ ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Có thể bạn đã từng đọc những cuốn sách nói về chứng trầm cảm hoặc lo âu trầm trọng mà bản thân tác giả cũng là người từng trải qua điều đó. Trong mỗi cuốn sách như vậy, luôn có những trường đoạn nói về nỗi đau mà người mắc chứng trầm cảm phải chịu đựng, được viết bằng những câu từ khá nặng nề. Lúc trước, khi mọi người còn xa lạ với các khái niệm này thì chúng ta rất cần những mô tả chi tiết đó. Và cũng nhờ những người đã dám phơi bày những bí mật sâu thẳm như vậy trong suốt nhiều thập niên, mà giờ đây tôi không cần phải đào sâu chúng lại nữa trong cuốn sách này. Nhưng bạn hãy tin tôi: Trầm cảm gây ra nhiều tổn thương.
Một tháng trước khi bước vào phòng khám, tôi đang đứng trên một bãi biển ở Barcelona và khóc. Rồi đột ngột, lời giải thích cho tất cả những gì đang diễn ra cũng như giải pháp chợt ùa đến như những con sóng dưới chân tôi. Lúc đó tôi đang đi du lịch khắp châu Âu cùng một người bạn trong kỳ nghỉ hè, trước khi tôi chính thức bước vào đại học. Chúng tôi đã mua vé tàu giá rẻ cho sinh viên để có thể đi bất kỳ chuyến tàu nào ở châu Âu và nghỉ ngơi tại các nhà nghỉ giá rẻ dọc đường. Trước chuyến đi, tôi đã mường tượng về một bãi biển đầy nắng và những biểu tượng văn hóa của các nước châu Âu – bảo tàng Louvre, thuốc lá sợi cuốn, những cô nàng người Ý nóng bỏng. Nhưng ngay trước khi lên đường, tôi đã bị cô gái mà tôi ngỏ lời yêu đầu tiên từ chối. Tôi cảm thấy nỗi xấu hổ từ bên trong mình đang len lỏi rò rỉ ra khỏi cơ thể, thậm chí còn nhiều hơn lúc bình thường.
Chuyến đi đã không diễn ra như tôi mong đợi. Tôi đã òa khóc trên chiếc thuyền gondola ở Venice. Tôi khóc thảm thiết như một con thú hoang tru lên trên đỉnh Matterhorn. Tôi run rẩy trong ngôi nhà của nhà văn Franz Kafka ở Praha.
Đối với tôi, như thế là bất thường, nhưng chưa bao giờ bất thường đến mức ấy. Xét cho cùng, tôi đã từng trải qua những giai đoạn như thế này trước đây, khi nỗi đau dường như không thể kiểm soát nổi và tôi muốn trốn chạy khỏi cả thế giới này. Nhưng khi đến Barcelona, tôi vẫn không thể ngừng khóc, lúc đó cô bạn đi cùng mới nói với tôi: “Cậu biết là hầu như chẳng ai khóc đến mức như cậu đúng không?”.
Khoảnh khắc đó là một trong những khoảnh khắc bừng tỉnh hiếm hoi trong cuộc đời tôi. Tôi quay sang cô ấy và nói: “Mình bị trầm cảm! Không phải do mình tưởng tượng ra! Không phải là mình không vui hay yếu đuối, mà mình-bị-trầm-cảm!”.
Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng ở khoảnh khắc đó, trong tôi trào dâng một niềm vui khó tả – giống như bạn bất ngờ tìm thấy một đống tiền dưới ghế sofa nhà bạn vậy. Có hẳn một thuật ngữ để chỉ cảm giác này! Nó là một hội chứng y khoa, cũng giống như cách người ta gọi bệnh tiểu đường hay hội chứng ruột kích thích. Tất nhiên, tôi đã nghe thấy thuật ngữ này trong suốt nhiều năm, như một thông điệp lan truyền khắp các nền văn hóa, nhưng bây giờ tôi mới thật sự hiểu. Hóa ra trước giờ người ta nói về căn bệnh của tôi mà tôi không biết! Và trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nhớ rằng có một giải pháp cho chứng trầm cảm: thuốc chống trầm cảm. Thế nên đó là những gì tôi cần! Ngay khi về đến nhà, tôi sẽ đi mua thuốc để uống, rồi tôi sẽ bình thường trở lại. Trước giờ tôi vẫn có những nhu cầu của một người không bị trầm cảm: tôi thích gặp gỡ mọi người, thích học hỏi và thích tìm hiểu thế giới. Những nhu cầu đó sẽ không còn bị điều gì ngăn cản nữa, tôi tự nhủ, tôi sẽ sớm được tự do thôi.
Ngày hôm sau, chúng tôi đến Parc Güell, nằm giữa thành phố Barcelona. Đó là một công viên rất kỳ lạ do kiến trúc sư Antoni Gaudí thiết kế – mọi thứ đều nằm ngoài quy luật phối cảnh, như thể bạn đang bước vào một nhà cười. Có đoạn bạn sẽ đi qua một đường hầm mà trong đó mọi thứ đều xiêu vẹo như bị sóng đánh vào. Ở đoạn khác, bạn sẽ thấy những con rồng giống như đang bay lên các mô hình tòa nhà làm bằng sắt. Không có gì giống với thế giới bình thường. Khi loạng choạng đi vòng quanh nhà cười, tôi nghĩ: “Đầu óc tôi giống hệt thế này – méo mó và sai lệch”. Và nó sẽ sớm được “sửa chữa” thôi.
Tôi biết trầm cảm là gì. Tôi đã từng nghe về trầm cảm trong những bộ phim truyền hình và đã đọc về nó trong sách. Tôi đã nghe mẹ tôi nói về chứng trầm cảm và lo âu, thấy bà ấy uống hàng vốc thuốc vì nó. Và tôi biết phương pháp chữa trị, bởi vì nó đã được công bố trên truyền thông toàn cầu mới vài năm trước thôi. Tuổi thiếu niên của tôi cũng là thời đại ra đời thuốc Prozac – buổi bình minh của các loại thuốc đầu tiên trên thế giới hứa hẹn có thể chữa khỏi bệnh trầm cảm mà không gây tác dụng phụ. Một trong những cuốn sách bán chạy nhất của thập niên ấy giải thích rằng những loại thuốc này sẽ thực sự giúp bạn “tốt hơn cả tốt” – chúng giúp bạn mạnh mẽ hơn và khỏe hơn người bình thường.
Tôi đắm chìm trong tất cả những lời đường mật ấy mà chưa bao giờ thực sự dừng lại để suy ngẫm về nó. Nhiều cuộc nói chuyện như thế nhan nhản khắp nơi vào cuối thập niên 1990. Và bây giờ, cuối cùng tôi cũng thấy rằng nó có thể áp dụng cho tôi.
Rõ ràng, vào hôm tôi đến gặp bác sĩ, ông ấy cũng đã tiếp thu tất cả những thông tin đó giống như tôi. Trong phòng khám nhỏ của mình, ông kiên nhẫn giải thích cho tôi lý do tại sao tôi lại cảm thấy như vậy. Ông nói rằng một số người tự nhiên bị cạn kiệt một chất hóa học có tên là serotonin trong não, đó là nguyên nhân gây ra trầm cảm – và tình trạng bất hạnh kỳ lạ, dai dẳng, cảm thấy mình tắt ngúm đó sẽ không biến mất. May mắn thay, đúng vào giai đoạn tôi trưởng thành, đã có một thế hệ thuốc mới – thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc trên serotonin (SSRIs) – giúp khôi phục serotonin trong não về mức bình thường. Ông nói rằng trầm cảm là một căn bệnh về não và đây là cách chữa trị. Rồi ông lấy ra một bức ảnh chụp não và giải thích cho tôi.
Ông nói thật ra chứng trầm cảm chỉ tồn tại ở trong đầu tôi thôi – nhưng theo một cách rất khác. Nó không phải là tưởng tượng. Nó rất thực, và nó là một sự trục trặc của não.
Ông ấy chẳng cần thuyết phục tôi, vì đó là câu chuyện tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần rồi. Chỉ mười phút sau, tôi rời phòng khám với toa thuốc Seroxat (hay Paxil, như cách nó thường được gọi ở Hoa Kỳ).
Mãi nhiều năm sau – trong quá trình viết cuốn sách này – mới có người chỉ ra cho tôi tất cả những câu mà bác sĩ đã không hỏi tôi vào ngày hôm đó. Ví dụ như: Có lý do gì khiến bạn cảm thấy đau khổ như vậy không? Cuộc sống của bạn có vấn đề gì không? Có điều gì khiến bạn bị tổn thương mà chúng ta có thể thay đổi được không? Nhưng giả sử bác sĩ có hỏi thì tôi cũng không nghĩ là mình có thể trả lời ông. Tôi ngờ rằng tôi sẽ nhìn ông bằng ánh mắt vô hồn. Tôi hẳn sẽ nói rằng cuộc sống của tôi rất ổn. Chắc chắn rồi, tôi gặp một số vấn đề, nhưng chẳng có lý do gì để cảm thấy bất hạnh cả – chắc chắn không phải là kiểu bất hạnh thế này.
Dù sao thì bác sĩ đã không hỏi, và tôi cũng không thắc mắc. Trong 13 năm tiếp theo, các bác sĩ tiếp tục kê đơn cho tôi thứ thuốc ấy, và cũng không ai trong số họ hỏi gì. Nếu họ có hỏi, tôi cho rằng mình sẽ phẫn nộ và bắt bẻ lại: Nếu ông có một bộ não hỏng bét không thể sản sinh các chất hóa học để tạo ra hạnh phúc cho đúng kiểu, thì hỏi những câu như vậy có ích lợi gì? Hỏi thế chẳng phải tàn nhẫn quá sao? Ông đâu có hỏi một bệnh nhân bị sa sút trí tuệ là tại sao họ không thể nhớ ra được nơi họ để chìa khóa. Ông hỏi ngốc vừa thôi chứ! Có phải ông tốt nghiệp trường y ra không đấy?
Bác sĩ bảo tôi rằng sẽ mất hai tuần tôi mới cảm nhận được tác dụng của thuốc, nhưng ngay sau khi uống thuốc đêm hôm đó, tôi đã cảm thấy một luồng hơi ấm chạy khắp người – như một cú gõ nhè nhẹ mà tôi chắc chắn là đã giúp các “mối nối” giữa các sợi thần kinh trong não tôi vặn vẹo ăn khớp với nhau về đúng nơi đúng chỗ. Tôi nằm trên giường nghe đi nghe lại một cuốn băng cát-sét yêu thích và biết rằng mình sẽ không khóc trong một thời gian dài nữa.
Vài tuần sau đó, tôi rời khỏi nhà để nhập học đại học. Lần này, với bộ giáp mới là thuốc chống trầm cảm, tôi không còn thấy sợ hãi. Ở trường, tôi đã trở thành một người tuyên truyền cho thuốc chống trầm cảm. Bất cứ khi nào có một người bạn buồn bã, tôi sẽ cho họ vài viên thuốc của mình để họ uống thử và bảo họ đến bác sĩ xin thêm một ít. Tôi đã tin chắc rằng mình chẳng những đã hết hẳn chứng trầm cảm mà còn có được một tình trạng tốt hơn – tôi nghĩ đó là “kháng trầm cảm”. Tôi tự nhủ, mình thật sôi nổi và đầy năng lượng. Đúng là tôi có cảm thấy một số tác dụng phụ về thể chất do thuốc – tôi đã tăng cân rất nhiều và tôi hay đổ mồ hôi bất chợt. Nhưng đó là một cái giá rất hời để ngăn chặn việc gieo rắc nỗi buồn lên những người xung quanh. Và hãy nhìn xem – giờ đây tôi có thể làm bất cứ điều gì!
Vài tháng sau, tôi bắt đầu nhận thấy có những khoảnh khắc buồn bã quay lại một cách bất ngờ. Chúng dường như không thể giải thích được, và rõ là phi lý. Tôi quay lại gặp bác sĩ và chúng tôi thống nhất rằng tôi cần một liều cao hơn. Vì thế, từ 20 miligam thuốc mỗi ngày, tôi tăng lên 30 miligam; những viên thuốc màu trắng trở thành những viên thuốc màu xanh lam.
Và mọi chuyện cứ tiếp diễn như thế suốt những năm cuối thời niên thiếu và cả những năm tuổi đôi mươi của tôi. Tôi tiếp tục ca tụng về lợi ích của những loại thuốc này cho đến khi nỗi buồn quay trở lại sau một thời gian. Bác sĩ lại cho tôi một liều cao hơn: 30 miligam trở thành 40; 40 trở thành 50; rốt cuộc, tôi phải uống hai viên thuốc to màu xanh lam mỗi ngày, với liều lượng 60 miligam. Mỗi lần như vậy, tôi lại phát phì thêm. Mỗi lần như vậy, tôi lại đổ mồ hôi nhiều hơn. Mỗi lần như vậy, tôi lại nghĩ đó là một cái giá đáng phải trả.
Tôi giải thích cho bất kỳ ai thắc mắc, rằng trầm cảm là một căn bệnh về não, còn SSRIs là thuốc chữa trị. Khi đã trở thành một nhà báo, tôi cần mẫn viết nhiều bài báo để giải thích điều này cho công chúng. Tôi mô tả nỗi buồn quay trở lại với tôi như một quá trình y khoa – rõ ràng là hàm lượng serotonin trong não tôi lại dần giảm xuống, nằm ngoài khả năng kiểm soát hay hiểu biết của tôi. Nhờ trời, những loại thuốc này cực kỳ mạnh mẽ và chúng thật hiệu quả. Hãy nhìn tôi đây. Tôi là bằng chứng sống. Thỉnh thoảng, tôi sẽ nghe thấy một nỗi hồ nghi dấy lên trong đầu mình – nhưng tôi sẽ nhanh chóng gạt nó sang một bên bằng cách nuốt thêm một hoặc hai viên thuốc vào ngày hôm đó.
Trên thực tế, bây giờ tôi mới nhận ra câu chuyện của mình có hai phần. Đầu tiên là nguyên nhân gây ra trầm cảm: đó là một trục trặc trong não do thiếu hụt serotonin hoặc một sự cố nào khác trong phần cứng bộ não của bạn. Thứ hai là về thứ có thể giải quyết chứng trầm cảm: những loại thuốc giúp “sửa chữa” các chất hóa học trong não bạn.
Tôi đã rất thích câu chuyện này. Nó hợp lý đối với tôi và đã dẫn lối cho tôi trong cuộc sống.
*
Chỉ có một lời giải thích khác mà tôi từng nghe về lý do tại sao tôi lại cảm thấy như vậy. Không phải từ bác sĩ, mà tôi đọc được trong sách và xem người ta bàn luận về nó trên tivi. Lời giải thích đó nói rằng trầm cảm và lo âu đã nằm sẵn trong gene của bạn. Tôi biết mẹ tôi đã bị trầm cảm và lo âu trầm trọng trước khi tôi được sinh ra (cả sau này nữa), rằng những vấn đề này xuất hiện trong lịch sử gia đình tôi trước đó rất lâu. Đối với tôi, cả hai cách lý giải đều có điểm tương đồng – trầm cảm là một chứng bệnh bẩm sinh, vốn nằm sẵn trong cơ thể bạn.
*
Tôi bắt đầu viết cuốn sách này cách đây ba năm vì cảm thấy bối rối trước vài ẩn số – những điều kỳ lạ mà tôi không thể giải thích bằng câu chuyện tôi đã kể bấy lâu nay – và tôi muốn tìm câu trả lời.
Đây là ẩn số đầu tiên: Một ngày nọ, nhiều năm sau khi tôi bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm, tôi đang ngồi trong phòng khám của bác sĩ trị liệu và bày tỏ lòng biết ơn của mình vì thuốc chống trầm cảm đã có mặt trên đời và giúp tôi trở nên khỏe mạnh hơn. Bác sĩ chợt nói: “Thật kỳ lạ. Bởi vì tôi cảm thấy có vẻ như anh vẫn thật sự khá trầm cảm”. Tôi bối rối. Ý ông ấy là gì chứ? Ông nói tiếp: “À thì, anh vẫn có rất nhiều cảm xúc đau khổ. Tôi nghĩ điều đó có vẻ không khác mấy so với cách anh mô tả về quãng thời gian trước khi anh dùng thuốc”.
Tôi kiên nhẫn giải thích cho bác sĩ rằng ông ấy chẳng hiểu gì cả: Trầm cảm là do mức serotonin bị thấp và tôi đang được điều trị để tăng mức serotonin lên. Tôi bực bội nghĩ: Các nhà trị liệu này được đào tạo theo kiểu quái gì vậy nhỉ?
Nhiều năm trôi qua, thỉnh thoảng ông lại nhẹ nhàng nhắc tới điều ấy. Ông chỉ ra việc tôi tin rằng tăng liều thuốc là có thể giải quyết vấn đề dường như không phù hợp với thực tế, bởi vì tôi vẫn cứ suy sụp, trầm cảm và lo âu. Mỗi lần như vậy, tôi bị chùn lại, tâm trạng thì nửa tức giận, nửa cảm thấy tự ái.
Phải mất nhiều năm tôi mới chịu lắng nghe những gì ông nói. Khi bước vào độ tuổi ba mươi, tôi đã có một khoảnh khắc bừng tỉnh theo hướng tiêu cực – trái ngược với khoảnh khắc trên bãi biển Barcelona nhiều năm trước. Dù tôi có sử dụng thuốc chống trầm cảm với liều cao đến đâu, thì nỗi buồn vẫn luôn là kẻ chiến thắng. Cảm giác giải tỏa mà tôi có được từ thuốc như một bong bóng dễ vỡ, rồi sau đó cảm giác bất hạnh đau nhói lại quay về. Tôi bắt đầu có những suy nghĩ lặp đi lặp lại thật mạnh mẽ rằng: cuộc sống này thật vô nghĩa; mọi thứ mày đang làm đều vô nghĩa; tất cả những thứ này chỉ tổ lãng phí thời gian thôi. Mối lo âu của tôi cứ thế dài vô tận.
Vậy, ẩn số đầu tiên tôi muốn tìm hiểu là: Vì sao tôi vẫn bị trầm cảm trong khi đang dùng thuốc chống trầm cảm? Tôi đã làm đúng mọi việc, nhưng vẫn có điều gì đó không ổn. Tại sao lại thế?
*
Một điều kỳ lạ đã xảy ra với gia đình tôi suốt mấy thập niên qua. Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã có ký ức về những chai thuốc nằm sẵn trên bàn bếp, với nhãn y tế màu trắng khó hiểu dán trên đó. Gia đình tôi nghiện thuốc men và một trong những ký ức đầu đời của tôi là cố đánh thức một người thân trong nhà mà không thể làm được. Nhưng thứ thống trị cuộc sống của chúng tôi không phải là những loại thuốc bị cấm, mà chính là những loại thuốc được các bác sĩ kê đơn: thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần thế hệ cũ như Valium, giúp điều chỉnh, sửa đổi về mặt hóa học để chúng tôi vượt qua trầm cảm mỗi ngày.
Thật ra gia đình chúng tôi không kỳ lạ. Mà điều kỳ lạ là mãi đến khi tôi lớn lên, nền văn minh phương Tây mới bắt kịp gia đình tôi. Khi tôi còn nhỏ và chơi với bạn bè, tôi để ý thấy không có gia đình người bạn nào uống thuốc vào bữa sáng, bữa trưa hoặc bữa tối. Không ai dùng thuốc an thần, thuốc gây hưng phấn hay thuốc chống trầm cảm cả. Tôi nhận ra gia đình mình thật không bình thường.
Rồi dần dần năm tháng trôi qua, tôi để ý thấy những viên thuốc xuất hiện trong cuộc sống của ngày càng nhiều người hơn, được kê đơn, phê duyệt, khuyến nghị. Ngày nay, chúng nhan nhản xung quanh chúng ta. Cứ năm người trưởng thành ở Hoa Kỳ thì có một người đang dùng ít nhất một loại thuốc chữa một vấn đề tâm thần; gần 1/4 phụ nữ trung niên ở Hoa Kỳ đang dùng thuốc chống trầm cảm tại một thời điểm nhất định. Khoảng 1/10 nam sinh tại các trường trung học Mỹ được kê đơn một loại thuốc kích thích cực mạnh để giúp tập trung; tình trạng nghiện thuốc hợp pháp và bất hợp pháp hiện đang phổ biến đến mức tuổi thọ của đàn ông da trắng lần đầu tiên bị giảm trong toàn bộ lịch sử thời bình của Hoa Kỳ. Những tác động này đã lan rộng ra khắp thế giới phương Tây. Khi bạn đọc những dòng này, cứ ba người Pháp lại có một người đang sử dụng một loại thuốc hợp pháp tác động đến tâm thần như thuốc chống trầm cảm, trong khi Vương quốc Anh có lượng sử dụng gần như cao nhất châu Âu. Khi các nhà khoa học kiểm tra nguồn cung cấp nước của các nước phương Tây, họ luôn phát hiện ra rằng nó có chứa thuốc chống trầm cảm, bởi vì rất nhiều người trong chúng ta đang uống vào và thải chúng ra ngoài, và đơn giản là người ta không thể lọc chúng ra khỏi thứ nước ta uống mỗi ngày. Chúng ta thực sự chìm đắm trong những loại thuốc này.
Những gì trước kia nghe có vẻ thật đáng sợ thì nay đã trở thành bình thường. Không cần nói nhiều về nó, chúng ta đã chấp nhận rằng rất nhiều người xung quanh chúng ta đang trầm cảm đến mức cảm thấy họ cần phải uống một loại hóa chất mạnh mỗi ngày để giữ cho bản thân không suy sụp.
Vì vậy, ẩn số thứ hai khiến tôi bối rối là: Tại sao ngày càng có nhiều người mắc chứng trầm cảm và lo âu trầm trọng? Điều gì đã thay đổi?
*
Đến khi ba mươi mốt tuổi, lần đầu tiên tôi thấy mình “trần trụi” khi ngưng tất cả các loại thuốc. Suốt gần một thập niên, tôi đã phớt lờ những lời nhắc nhở nhẹ nhàng của bác sĩ trị liệu rằng tôi vẫn bị trầm cảm dù đang dùng thuốc. Chỉ sau một cơn khủng hoảng trong đời, tôi mới quyết định lắng nghe ông ấy. Điều mà tôi thử bấy lâu nay dường như không hề có tác dụng. Và thế là, khi đổ bỏ những gói Paxil cuối cùng của mình, tôi thấy những ẩn số này đang chờ đợi tôi tìm lời giải đáp. Tại sao tôi vẫn bị trầm cảm? Tại sao lại có quá nhiều người giống như tôi?
Và tôi nhận ra rằng có một ẩn số thứ ba, bao trùm tất cả. Có khi nào nguyên nhân gây ra trầm cảm và lo âu là một thứ gì đó khác chứ không phải việc mất cân bằng hormone trong não tôi, hay trong nhiều người khác xung quanh tôi? Nếu vậy thì đó có thể là gì?
Tuy nhiên, tôi vẫn trì hoãn việc tìm hiểu sâu điều đó. Một khi đã chìm vào câu chuyện về nỗi đau của mình, bạn sẽ không muốn thách thức nó chút nào. Nó giống như một sợi dây xích mà tôi đã tròng vào nỗi đau của mình để giữ nó trong tầm kiểm soát. Tôi sợ rằng nếu gây xáo trộn câu chuyện mà bấy lâu nay mình đã chung sống thì nỗi đau sẽ giống như một con thú bị tháo xích và tấn công tôi.
Vài năm sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu về những ẩn số trên – bằng cách đọc các bài báo khoa học và trò chuyện với các nhà khoa học đã viết ra chúng – nhưng tôi luôn lùi lại, bởi những gì họ nói khiến tôi cảm thấy mất phương hướng và lo lắng hơn cả lúc bắt đầu. Thay vào đó, tôi tập trung viết một cuốn sách khác – Chasing the Scream: The First and Last Days of the War on Drugs (tạm dịch: Săn đuổi tiếng thét: Những ngày đầu tiên và cuối cùng của cuộc chiến chống lại ma túy). Nghe có vẻ nực cười khi nói rằng tôi thấy phỏng vấn những người đàn ông bị các băng đảng ma túy ở Mexico đánh đập thì dễ dàng hơn là tìm hiểu xem điều gì gây ra trầm cảm và lo âu – đối với tôi thì điều này có vẻ còn nguy hiểm hơn nhiều.
Cuối cùng, tôi quyết định không thể lờ đi được nữa. Vì vậy, trong khoảng thời gian ba năm, tôi đã di chuyển hơn 40.000 dặm. Tôi thực hiện hơn 200 cuộc phỏng vấn khắp thế giới, với một số nhà khoa học xã hội lỗi lạc, với những người đã trải qua vực thẳm của chứng trầm cảm và lo âu, và với những người đã hồi phục. Tôi dừng chân ở tất cả những nơi mà tôi không thể đoán nổi khi bắt đầu – một ngôi làng của người Amish ở Indiana, một dự án nhà ở tại Berlin đang tạo nên cuộc bạo động, một thành phố Brazil cấm quảng cáo, một phòng thí nghiệm ở Baltimore giúp mọi người phục hồi sau những sang chấn theo cách hoàn toàn không ngờ đến. Những gì tôi học được buộc tôi phải xem xét lại toàn bộ câu chuyện của mình – về bản thân tôi và về nỗi đau khổ đang lan tràn khắp nền văn hóa của chúng ta.
*
Tôi muốn nhấn mạnh ngay từ đầu hai điều định hình ngôn ngữ mà tôi sẽ sử dụng trong toàn bộ cuốn sách này. Cả hai đều gây ngạc nhiên cho tôi.
Bác sĩ cho biết tôi đang bị trầm cảm và lo âu cấp tính. Tôi đã tin rằng đó là những vấn đề tách biệt, và đó là cách chúng được nhắc đến trong suốt 13 năm tôi được chăm sóc y tế. Nhưng tôi đã nhận thấy một điều kỳ lạ khi thực hiện nghiên cứu của mình. Mọi thứ làm tăng trầm cảm thì cũng làm tăng lo âu, và ngược lại. Chúng tăng và giảm cùng nhau.
Điều thứ nhất này có vẻ kỳ lạ, và tôi chỉ bắt đầu hiểu hơn khi ngồi nói chuyện với Robert Kohlenberg, một giáo sư tâm lý học ở Canada. Ông cũng từng nghĩ rằng trầm cảm và lo âu là hai thứ khác nhau. Nhưng khi nghiên cứu nó – suốt hơn hai mươi năm nay – thì ông đã phát hiện ra rằng “dữ liệu cho thấy chúng không tách biệt đến vậy”.
Trên thực tế, “các chẩn đoán riêng của chứng trầm cảm và lo âu trùng lặp với nhau”. Đôi khi một bên rõ rệt hơn bên còn lại – bạn có thể bị cơn hoảng sợ tấn công trong tháng này và khóc nhiều vào tháng sau. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy chúng tách biệt giống như kiểu bị viêm phổi và bị gãy chân chẳng hạn. Ông đã chứng minh được rằng nó “lẫn lộn vào nhau”. Phe ủng hộ lập luận của Robert đã chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận khoa học. Trong vài năm qua, Viện Y tế Quốc gia – cơ quan chủ yếu tài trợ cho nghiên cứu y tế ở Hoa Kỳ – đã ngừng tài trợ cho các nghiên cứu thể hiện trầm cảm và lo âu dưới dạng các chẩn đoán khác nhau. “Họ muốn cái gì đó thực tế hơn, tương ứng với cách mà người ta đang thực hành lâm sàng thật sự”, ông giải thích.
Tôi bắt đầu thấy trầm cảm và lo âu giống như các bản cover khác nhau cho cùng một bài hát. Trầm cảm là bản cover của một ban nhạc u sầu, còn lo âu là bản cover của một ban nhạc rock đang gào thét, nhưng nhạc gốc thì chỉ là một. Chúng không giống hệt, nhưng chúng là một cặp sinh đôi.
*
Điều thứ hai đến từ một thứ khác mà tôi đã học được khi nghiên cứu về 9 nguyên nhân gây ra trầm cảm và lo âu. Trước đây, bất cứ khi nào viết về chứng trầm cảm và lo âu, tôi đều mở đầu bằng cách giải thích một điều: Tôi không nói về sự bất hạnh. Bất hạnh và trầm cảm là những thứ hoàn toàn khác nhau. Không có gì khiến một người trầm cảm tức giận hơn là được bảo hãy vui lên, hoặc được gợi ý những giải pháp nho nhỏ để tìm niềm vui, như thể họ chỉ đang trải qua một tuần tồi tệ. Cảm giác đó giống như được bảo hãy tự làm mình vui bằng cách ra ngoài khiêu vũ trong khi bạn bị gãy cả hai chân.
Khi nghiên cứu các bằng chứng, tôi nhận thấy một điều mà tôi không thể bỏ qua.
Có những “thế lực” đang khiến một số người trong chúng ta trầm cảm và lo âu trầm trọng đồng thời cũng khiến nhiều người khác cảm thấy bất hạnh. Hóa ra có một mối liên kết giữa bất hạnh và trầm cảm. Tuy nhiên, chúng vẫn rất khác nhau – giống như mất một ngón tay trong vụ tai nạn xe hơi khác với mất một cánh tay, và ngã trên đường khác với ngã xuống vách đá. Nhưng chúng kết nối với nhau. Trầm cảm và lo âu chỉ là những cạnh sắc nhất của ngọn giáo đâm vào hầu hết mọi người trong nền văn hóa của chúng ta ngày nay. Đó là lý do tại sao ngay cả những người không bị trầm cảm hoặc lo âu trầm trọng cũng sẽ nhận ra rất nhiều điều tôi sắp mô tả sau đây.
*
Chúng ta đã tiếp nhận những thông tin sai lệch một cách có hệ thống về trầm cảm và lo âu.
Tôi đã tin hai câu chuyện về chứng trầm cảm trong đời mình. Trong mười tám năm đầu tiên của cuộc đời, tôi đã nghĩ rằng nó “hoàn toàn nằm trong đầu mình” – nghĩa là nó không có thực, mà chỉ là tưởng tượng, giả tạo, là một sự nuông chiều, một nỗi xấu hổ, một điểm yếu. Sau đó, trong 13 năm tiếp theo, tôi tin rằng nó “hoàn toàn nằm trong đầu mình” theo một cách rất khác – đó là do một bộ não bị trục trặc.
Nhưng rồi tôi biết rằng cả hai câu chuyện này đều không đúng. Nguyên nhân chính của tất cả sự trầm cảm và lo âu ngày càng tăng này không nằm trong đầu chúng ta. Mà đó là do phần lớn thế giới và cách chúng ta đang sống trong đó, như tôi đã khám phá được. Tôi biết ít nhất 9 nguyên nhân đã được chứng minh của chứng trầm cảm và lo âu (mặc dù trước đây chưa từng có ai ghép chúng lại với nhau thế này) và những người gặp phải chúng đang dần tăng lên – khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn thật sự.
Đây không phải là một hành trình dễ dàng đối với tôi. Như bạn sẽ thấy, tôi quá cố chấp với câu chuyện cũ của mình, rằng chứng trầm cảm là do não tôi bị “hỏng”. Suốt một thời gian dài, tôi đã từ chối nhìn nhận bằng chứng mà người ta chỉ ra cho tôi. Nó không đơn giản là bạn rẽ ngoặt sang một lối suy nghĩ khác, mà nó là một cuộc chiến.
Nhưng nếu cứ tiếp tục với những lỗi lầm mà ta đã mắc phải trong thời gian dài, chúng ta vẫn sẽ bị mắc kẹt trong trạng thái này, và chúng sẽ tiếp tục phát triển. Tôi biết bạn sẽ rất nản khi bắt đầu đọc về nguyên nhân gây ra trầm cảm và lo âu vì chúng đã ăn quá sâu vào nền văn hóa của chúng ta. Nó đã làm tôi nản lòng. Nhưng khi bước tiếp trên hành trình này, tôi nhận ra điều gì ở phía bên kia: các giải pháp thực sự.
Cuối cùng, khi hiểu được điều gì đang xảy ra với tôi và với rất nhiều người như tôi, tôi mới biết rằng có những loại thuốc chống trầm cảm thực sự đang chờ chúng ta. Chúng không giống như các loại thuốc chống trầm cảm hóa học đã không có tác dụng đối với rất nhiều người trong chúng ta. Chúng không phải là thứ mà bạn có thể mua hay uống. Nhưng chúng có thể mở ra một con đường thật sự giải thoát chúng ta khỏi nỗi đau.