Bác sĩ John Haygarth cảm thấy khó hiểu. Trên khắp thành phố Bath của Anh – và trong nhiều ngõ hẻm ở khắp phương Tây – hình như có một điều phi thường đang diễn ra. Những người đau đớn vì bị liệt suốt nhiều năm đang dần khỏi bệnh và có thể bước đi trở lại. Bất kể bạn bị liệt vì bệnh thấp khớp hay do làm việc nặng nhọc, bạn cũng có hy vọng có thể đứng dậy được. Chưa ai từng thấy một điều gì giống như vậy.
John biết một công ty của một người Mỹ tên là Elisha Perkins, đến từ Connecticut, đã công bố vài năm trước đó rằng họ vừa khám phá ra giải pháp cho tất cả các chứng đau – và chỉ có một cách để có được nó: Bạn phải trả tiền để sử dụng một thanh kim loại dày mà họ được cấp bằng sáng chế, có tên là “máy kéo” (tractor). Thiết bị này có những tính chất đặc biệt mà công ty sở hữu không thể tiết lộ cho bạn biết, bởi vì nếu nói ra thì các đối thủ cạnh tranh sẽ sao chép và giành hết lợi nhuận. Nhưng nếu bạn cần giúp đỡ, một trong những người đã được đào tạo để sử dụng máy kéo sẽ đến nhà bạn, hoặc tận giường bệnh của bạn, và giải thích một cách mơ hồ rằng: Máy kéo sẽ kéo bệnh tật ra khỏi cơ thể bạn và thải ra ngoài không khí, giống như cột thu lôi hút sét. Sau đó, họ sẽ chĩa máy kéo về phía bạn mà không chạm vào bạn.
Bạn sẽ cảm thấy nóng, thậm chí có thể là bỏng rát. Họ nói một cách chắc chắn rằng nỗi đau đang được kéo đi. Bạn không cảm thấy thế sao?
Và khi quy trình này kết thúc, nó có hiệu quả thật. Nhiều người bị cơn đau hành hạ thực sự đứng dậy được. Nỗi thống khổ của họ thực sự đã bị kéo đi. Rất nhiều trường hợp tưởng như tuyệt vọng vì bệnh tật nay đã được khỏi bệnh – ngay từ lần thử máy kéo đầu tiên.
Điều mà bác sĩ John Haygarth không thể hiểu được là làm cách nào để có kết quả đó. Tất cả những gì ông học được ở trường y cho thấy thật vô lý khi tuyên bố rằng đau đớn là một thứ năng lượng quái gở mà ta có thể trục xuất ra ngoài không khí. Nhưng ở đây, chính các bệnh nhân đã nói với ông rằng phương pháp đó có hiệu quả. Dường như chỉ có kẻ ngốc mới nghi ngờ sức mạnh của chiếc máy kéo.
Vì vậy, John quyết định tiến hành một cuộc thử nghiệm. Tại bệnh viện đa khoa Bath, ông lấy một thanh gỗ trơn dài và ngụy trang nó trong một lớp kim loại cũ. Ông đã tạo ra một chiếc “máy kéo” giả – một thứ chẳng có đặc tính bí mật nào của chiếc máy thật cả. Rồi ông đến gặp năm bệnh nhân trong bệnh viện của mình, đó là những người bị tàn tật do cơn đau mạn tính, bao gồm cả bệnh thấp khớp, để nói với họ rằng ông đang nắm giữ một trong những cây đũa phép của hãng Perkins nổi tiếng lúc bấy giờ và có thể giúp đỡ họ. Thế là, vào ngày 7 tháng Giêng năm 1799, với năm vị bác sĩ ưu tú ở đó làm nhân chứng, ông đã chĩa cây đũa phép về phía các bệnh nhân. Sau này, ông kể lại: “Bốn trong số năm bệnh nhân tin rằng họ khỏi bệnh ngay lập tức, và ba người cảm thấy nhẹ nhõm rõ rệt nhờ cái máy kéo giả”. Ví dụ, một người đàn ông bị đau đầu gối đến mức không thể chịu nổi bắt đầu đi lại thoải mái – và ông ta cho các bác sĩ thấy điều đó với niềm vui sướng.
John đã viết thư cho bạn ông, một bác sĩ xuất sắc ở Bristol, để yêu cầu bạn mình thử làm một thí nghiệm tương tự. Không lâu sau, người bạn viết thư phúc đáp, giải thích với sự ngạc nhiên rằng chiếc máy kéo giả của ông ta – cũng chỉ là một cái que bọc phủ kim loại – đã tạo ra những hiệu ứng đáng chú ý tương tự. Ví dụ, một bệnh nhân bốn mươi ba tuổi tên Robert Thomas bị đau thấp khớp ở vai trong nhiều năm đến nỗi không thể nhấc tay lên khỏi đầu gối khi ngồi – cứ như nó đã bị đóng đinh vào đó vậy. Nhưng trong vòng bốn phút sau khi được vẫy cây đũa phép lên người, anh ta đã giơ tay lên được vài phân. Họ tiếp tục điều trị cho anh ta bằng cây đũa phép trong mấy ngày sau đó, và chẳng bao lâu sau, anh ta đã có thể chạm tay vào mặt lò sưởi. Sau tám ngày điều trị với cây đũa phép, anh ta có thể chạm vào tấm bảng gỗ cao hơn mặt lò sưởi hẳn ba tấc.
Điều đó xảy ra với hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. Thế nên họ tự hỏi: Lẽ nào trong chiếc que này có tính chất đặc biệt nào đó mà họ chưa từng biết đến? Họ đã thử thay đổi cuộc thí nghiệm bằng cách bọc một khúc xương cũ trong kim loại. Nó cũng hiệu nghiệm như vậy. Rồi họ thử bọc một tẩu hút thuốc lá cũ trong kim loại. “Cũng thành công y hệt”, ông ghi lại. “Một trò hề lạ lùng mà tôi chưa bao giờ được chứng kiến trước đây; chúng tôi gần như không dám nhìn mặt nhau”, một bác sĩ khác làm lại thí nghiệm đã viết cho ông như vậy. Tuy nhiên, các bệnh nhân lại nhìn các bác sĩ bằng cái nhìn biết ơn và chân thành nói: “Cầu mong Chúa phù hộ ngài”.
Tuy nhiên, điều bí ẩn là người ta ghi nhận rằng với một số bệnh nhân, tác dụng của chiếc đũa phép không kéo dài. Sau phép màu lúc đầu, họ lại trở về trạng thái cũ.
Điều gì đã xảy ra?
*
Khi bắt đầu nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi đã dành nhiều thời gian đọc những tranh luận khoa học về thuốc chống trầm cảm in trên các tạp chí y khoa trong vòng hơn hai thập niên trở lại đây. Tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng dường như không ai biết rõ những loại thuốc này có tác động gì với chúng ta, hay tại sao – kể cả những nhà khoa học ủng hộ chúng một cách mạnh mẽ nhất. Có sự tranh cãi rất lớn giữa các nhà khoa học và họ không có sự đồng thuận với nhau. Nhưng trong cuộc thảo luận này có tên một nhà khoa học liên tục xuất hiện, nhiều hơn bất kỳ cái tên nào khác, và khi đọc những kết luận của ông trong các bài báo khoa học và trong cuốn sách The Emperor’s New Drugs (tạm dịch: Những loại thuốc mới của hoàng đế), tôi đã có hai phản ứng.
Đầu tiên, tôi cười nhạo, vì những tuyên bố của ông có vẻ thật ngớ ngẩn và trái ngược với trải nghiệm trực tiếp của tôi về mọi mặt. Rồi sau đó tôi thấy tức giận. Ông ấy dường như đang đạp đổ những trụ cột mà nhờ đó tôi đã dựng lên câu chuyện về căn bệnh trầm cảm của chính mình. Ông ấy đang đe dọa những gì tôi biết về bản thân mình. Ông ấy là giáo sư Irving Kirsch, và vào thời điểm tôi đến gặp ông ở Massachusetts, ông đang là phó giám đốc một chương trình hàng đầu tại Trường Y Harvard.
*
Vào thập niên 1990, Irving Kirsch ngồi trong văn phòng đầy sách và nói với bệnh nhân của mình rằng họ nên dùng thuốc chống trầm cảm. Đó là một người đàn ông cao với mái tóc xám và giọng nói nhẹ nhàng, tôi có thể hình dung ra cảm giác nhẹ nhõm của các bệnh nhân ấy. Rồi ông để ý thấy, đôi khi thuốc có tác dụng và đôi khi không, nhưng ông không nghi ngờ gì về lý do tại sao thuốc thành công: Trầm cảm là do mức serotonin trong não thấp và những loại thuốc này làm tăng mức serotonin của người bệnh. Vì vậy, ông viết ra những cuốn sách, trong đó mô tả các loại thuốc chống trầm cảm mới là một phương pháp điều trị tốt và hiệu quả, cần được kết hợp với các liệu pháp điều trị cho bất kỳ vấn đề tâm lý nào đang diễn tiến. Irving tin vào lượng nghiên cứu khoa học khổng lồ đã được công bố, và ông có thể tận mắt nhìn thấy những tác động tích cực của thuốc chống trầm cảm khi các bệnh nhân bước qua cửa phòng khám của ông cảm thấy dễ chịu hơn.
Irving cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu trên thế giới trong lĩnh vực khoa học như John Haygarth khi lần đầu tiên ông vẫy cây đũa phép giả của mình. Ở thời điểm đó, bác sĩ Haygarth nhận ra rằng khi khám chữa cho một bệnh nhân, bạn đang thực sự mang đến cho người đó hai điều. Bạn cho họ một loại thuốc, thường sẽ có tác dụng về mặt hóa học trên cơ thể họ theo một cách nào đó. Và bạn kể cho họ một câu chuyện – về việc phương pháp điều trị sẽ ảnh hưởng đến họ như thế nào.
Haygarth kinh ngạc nhận ra rằng câu chuyện bạn kể thường quan trọng không kém gì phương thuốc. Làm sao chúng ta biết được điều này? Bởi vì nếu bạn không kê thuốc gì mà chỉ kể cho bệnh nhân nghe một câu chuyện – chẳng hạn, chiếc xương cũ bọc trong kim loại này sẽ chữa khỏi cơn đau cho bạn – thì nó cũng có tác dụng trong nhiều trường hợp hơn bạn có thể tưởng tượng.
Đây được gọi là hiệu ứng giả dược (placebo effect), và trong hai thế kỷ sau đó, rất nhiều bằng chứng khoa học đã được đưa ra. Các nhà khoa học như Irving Kirsch đã chỉ ra những hiệu quả rõ rệt từ giả dược. Chúng không chỉ có thể thay đổi cảm giác, mà còn thật sự có thể gây ra những tác động vật lý trong cơ thể chúng ta. Ví dụ, một giả dược có thể làm cho phần bị viêm ở hàm trở lại bình thường. Một giả dược có thể chữa khỏi bệnh loét dạ dày. Một giả dược có thể làm dịu – ít ra là làm dịu phần nào – hầu hết các vấn đề y tế ở một mức độ nào đó. Nếu bạn mong đợi nó có hiệu quả, thì với nhiều người trong chúng ta, nó sẽ hiệu quả.
Các nhà khoa học tiếp tục tình cờ phát hiện ra hiệu ứng này trong nhiều năm và cảm thấy thật bối rối với nó. Ví dụ: Khi quân đội Đồng minh chống cự Đức Quốc xã trong Thế chiến Thứ hai, những người lính bị rất nhiều vết thương khủng khiếp đến nỗi các đội y tế thường hết sạch thuốc giảm đau có gốc thuốc phiện. Một bác sĩ gây mê người Mỹ tên là Henry Beecher lo lắng rằng mình sẽ giết những người lính bằng cách khiến họ trụy tim nếu cứ cố phẫu thuật cho họ mà không có bất cứ thứ gì để gây tê. Thế nên, vì không biết phải làm gì khác, ông ấy đã làm một thử nghiệm. Ông nói với những người lính rằng ông đang cho họ uống morphin (một loại thuốc giảm đau), trong khi thực tế ông không cho họ uống gì ngoài một giọt nước muối chẳng pha tí thuốc giảm đau nào cả. Và các bệnh nhân phản ứng như thể họ được tiêm morphin. Họ không la hét và không bị sốc nặng. Nó đã có hiệu quả.
Vào giữa những năm 1990, Irving hiểu ngành khoa học này hơn hầu hết những người cùng thời, và ông sắp trở thành một nhân vật hàng đầu trong chương trình nghiên cứu nó tại Harvard. Nhưng ông biết rằng các loại thuốc chống trầm cảm mới hoạt động tốt hơn giả dược – rằng chúng có tác dụng hóa học thực sự. Ông biết điều này vì một lý do đơn giản. Nếu muốn bán một loại thuốc cho công chúng, bạn phải trải qua một quy trình nghiêm ngặt. Thuốc của bạn phải được thử nghiệm trên hai nhóm: một nhóm được cho uống thuốc thật, và nhóm còn lại được cho uống viên đường (hoặc một viên giả dược khác). Sau đó, các nhà khoa học sẽ so sánh hai nhóm này. Bạn chỉ được phép bán thuốc cho công chúng nếu nó hoạt động tốt hơn đáng kể so với giả dược.
Vì vậy, khi một trong những nghiên cứu sinh sau đại học của Irving – chàng trai trẻ người Israel tên là Guy Sapirstein – tiếp cận ông với một đề tài khoa học, ông đã bị hấp dẫn, nhưng không quá phấn khích. Guy nói rằng anh đang thắc mắc và muốn điều tra một điều. Bất cứ khi nào chúng ta dùng một loại thuốc, luôn có một tác dụng nào đó của giả dược bên cạnh tác dụng thật sự của chất hóa học. Nhưng tác dụng đó ở mức độ nào? Với các loại thuốc có dược tính mạnh, tác dụng của giả dược luôn được coi là một yếu tố phụ. Guy nghĩ rằng các loại thuốc chống trầm cảm mới là một trường hợp thú vị để thử tìm hiểu điều này – để xem niềm tin của chúng ta đóng bao nhiêu phần trăm vào hiệu quả của loại thuốc đó. Cả Irving và Guy đều biết trước rằng nếu họ bắt đầu khám phá câu hỏi này thì chắc chắn kết quả tìm thấy vẫn sẽ là dược chất đóng vai trò chủ yếu, nhưng đối với những nhà khoa học như họ thì việc hiểu rõ hơn về tác dụng giả dược – dù cho tác dụng này nhỏ đến mức nào – cũng là một điều thú vị.
Vì vậy, họ bắt đầu với một kế hoạch khá đơn giản. Có một cách dễ dàng để phân biệt tác dụng của bất kỳ loại thuốc nào mà bạn dùng, bao nhiêu phần là do hóa chất trong thuốc và bao nhiêu phần là do niềm tin của bạn vào chúng. Các nhà điều tra tiến hành chia những người tham gia thử nghiệm thành ba nhóm. Nếu bạn thuộc nhóm đầu tiên, họ nói với bạn rằng họ đang cho bạn uống một loại thuốc chống trầm cảm hóa học – nhưng thật ra, họ chỉ đưa cho bạn một loại giả dược: một viên thuốc đường, có hiệu quả giống như cây đũa phép của John Haygarth. Nếu bạn thuộc nhóm thứ hai, bạn được thông báo rằng bạn đang dùng thuốc chống trầm cảm hóa học – và bạn nhận được một viên thuốc thật sự. Còn nếu bạn thuộc nhóm thứ ba, bạn sẽ không được đưa bất cứ thứ gì – không thuốc thật mà cũng không thuốc đường; bạn chỉ được theo dõi.
Irving nói, nhóm thứ ba thật sự quan trọng – mặc dù hầu như tất cả các nghiên cứu đều bỏ qua nhóm này. Ông giải thích: “Hãy tưởng tượng rằng bạn đang nghiên cứu một phương pháp điều trị mới cho bệnh cảm lạnh”. Bạn cho mọi người dùng giả dược hoặc một loại thuốc. Theo thời gian, mọi người đều trở nên tốt hơn. Tỷ lệ thành công có vẻ đáng kinh ngạc. Nhưng rồi bạn nhớ ra rằng: rất nhiều người bị cảm sẽ bình phục trong vòng vài ngày. Nếu không tính đến điều đó, bạn sẽ nhận định thực sự sai lệch về hiệu quả của loại thuốc chữa cảm lạnh đang được nghiên cứu – cứ như loại thuốc này cũng chữa khỏi cho cả những người đã hồi phục một cách tự nhiên. Bạn cần nhóm thứ ba để kiểm tra tỷ lệ những người tự hồi phục mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào.
Thế là Irving và Guy bắt đầu so sánh kết quả đối với thuốc chống trầm cảm từ ba nhóm này, trong mọi nghiên cứu đã từng được công bố. Để tìm hiểu tác dụng hóa học của thuốc, bạn cần làm hai việc. Đầu tiên, bạn loại trừ tất cả những người tự hồi phục. Sau đó, bạn loại trừ tất cả những người khỏe hơn khi được cho một viên thuốc đường. Phần còn lại là tác dụng thực sự của thuốc.
Nhưng khi tổng hợp số liệu từ tất cả các nghiên cứu khoa học đã công bố về thuốc chống trầm cảm, những gì tìm được đã khiến họ cảm thấy bối rối.
Các con số cho thấy 25% tác dụng của thuốc chống trầm cảm là do phục hồi tự nhiên, 50% là do câu chuyện bạn đã được nghe kể về chúng, và chỉ 25% là thật sự nhờ hóa chất. “Điều đó làm tôi ngạc nhiên tột độ”, Irving nói với tôi trong tiền sảnh nhà ông ở Cambridge, Massachusetts. Họ cho rằng kết quả này không đúng – rằng có một sai lầm nào đó trong tính toán của họ. Ông kể với tôi rằng Guy tin chắc “có điều gì đó không ổn với dữ liệu này”. Vì vậy, họ tiếp tục xem xét nó, làm đi làm lại trong nhiều tháng. Ông nói: “Tôi phát ốm khi cứ phải nhìn vào các bảng tính và dữ liệu để phân tích nó theo mọi cách có thể”, nhưng họ biết chắc rằng phải có một sai lầm ở đâu đó. Tuy nhiên họ lại không thể tìm ra bất kỳ lỗi nào – vì vậy, họ quyết định công bố dữ liệu của mình để xem các nhà khoa học khác có khám phá nào khác từ đó không.
Kết quả là một ngày nọ, Irving nhận được một email nói rằng ông có lẽ chỉ mới phát hiện ra dấu vết đầu tiên của một vụ bê bối gây sốc hơn nhiều. Tôi nghĩ đây là khoảnh khắc Irving biến thành Sherlock Holmes của thuốc chống trầm cảm.
*
Trong email, một nhà khoa học tên là Thomas J. Moore giải thích rằng ông đã rất ấn tượng với phát hiện của Irving và ông tin rằng có một cách để thúc đẩy cuộc điều tra này – để tìm hiểu ngọn ngành về những gì đang thực sự diễn ra.
Moore nói rằng, hầu như tất cả các nghiên cứu khoa học mà Irving đã xem xét cho đến nay đều có một cái bẫy. Phần lớn các nghiên cứu về việc thuốc có hiệu quả hay không là do các công ty dược phẩm lớn tài trợ, và họ thực hiện những nghiên cứu này vì một lý do cụ thể: Họ muốn tiếp thị những loại thuốc đó để có thể thu được lợi nhuận từ chúng. Đó là lý do tại sao các công ty sản xuất thuốc tiến hành các nghiên cứu khoa học của họ một cách bí mật và chỉ công bố những kết quả nào có lợi cho thuốc của họ hoặc làm cho thuốc của đối thủ trông tệ hơn. Họ làm điều này vì những lý do giống như kiểu KFC sẽ không bao giờ tiết lộ thông tin cho biết rằng gà rán không tốt cho bạn chẳng hạn.
Đây được gọi là “thiên kiến công bố” (publication bias). Trong số tất cả nghiên cứu mà các công ty sản xuất thuốc thực hiện, 40% không bao giờ được công bố cho công chúng, và rất nhiều nghiên cứu khác chỉ được công bố một cách chọn lọc, tất cả các phát hiện có tính tiêu cực đều bị giấu kín.
Vì vậy, email ấy giải thích cho Irving rằng, cho đến nay ông chỉ đang xem xét những gì các công ty dược phẩm muốn chúng ta xem. Nhưng Thomas Moore nói rằng có một cách để vượt qua điều này. Moore nói với Irving rằng thực sự có một cách để tiếp cận tất cả dữ liệu mà các công ty dược phẩm không muốn công bố. Cách đó như sau: Nếu muốn phát hành một loại thuốc vào thị trường Hoa Kỳ, bạn phải đăng ký với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) – cơ quan quản lý thuốc chính thức. Để hoàn thiện đơn đăng ký, bạn phải gửi đầy đủ tất cả các thử nghiệm bạn đã tiến hành, dù chúng có lợi hay có hại cho tỷ suất lợi nhuận của bạn. Giống như khi chụp ảnh selfie, bạn tự chụp mình hai mươi lần, chỉ để xóa hết mười chín tấm mà mặt bạn thấy rõ nọng hay mắt lờ đờ. Bạn chỉ đăng lên Facebook hoặc Instagram những tấm nào trông bạn thật nóng bỏng (hoặc, trong trường hợp của tôi, ít xấu xí nhất). Nhưng theo luật, các công ty dược phẩm phải gửi cho FDA toàn bộ những bức ảnh selfie họ đã chụp, kể cả những bức ảnh khiến họ trông béo hơn.
Email của Thomas cho biết, nếu Irving nộp đơn thông qua Đạo luật Tự do Thông tin, ông sẽ có thể xem mọi thứ. Khi đó, ta sẽ có thể biết điều gì đang thực sự diễn ra.
Bị hấp dẫn bởi điều này, Irving đã cùng với Thomas yêu cầu xem thông tin do các công ty dược cung cấp cho sáu loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng rộng rãi nhất ở Hoa Kỳ vào thời điểm đó – Prozac, Paxil (loại thuốc tôi đang dùng), Zoloft, Effexor, Duronin và Celexa. Vài tháng sau, dữ liệu được gửi đến cho họ, và Irving bắt đầu xem xét nó như Sherlock Holmes với chiếc kính lúp.
Ông lập tức biết rằng, trong nhiều năm các công ty dược phẩm đã công bố các nghiên cứu một cách có chọn lọc ở mức độ lớn hơn những gì ông vẫn nghĩ. Ví dụ, trong một thử nghiệm đối với Prozac, loại thuốc này đã được cung cấp cho 245 bệnh nhân, nhưng công ty dược phẩm chỉ công bố kết quả của 27 người trong số họ. Đó là 27 bệnh nhân mà thuốc dường như có hiệu quả.
Nhờ sử dụng những con số thật này, Irving và Guy nhận ra họ có thể tính toán được con số những người dùng thuốc chống trầm cảm có hiệu quả hơn là bao nhiêu so với những người dùng giả dược. Các nhà khoa học đo mức độ trầm cảm ở một người nào đó bằng cách sử dụng một công cụ có tên là thang Hamilton, do nhà khoa học Max Hamilton phát minh ra vào năm 1959. Thang Hamilton tăng dần từ 0 (bạn đang nhảy nhót một cách vui vẻ) đến 51 (bạn đang nhảy vào trước mũi tàu hỏa) để cung cấp cho bạn một tiêu chuẩn so sánh. Chẳng hạn như, bạn có thể nhận được một bước nhảy vọt 6 điểm trong thang Hamilton nếu cải thiện được giấc ngủ của mình.
Irving phát hiện ra rằng, trong dữ liệu thật chưa được chạy qua một bộ lọc quảng cáo, thuốc chống trầm cảm thực sự giúp cải thiện điểm Hamilton: chúng làm cho những người trầm cảm cảm thấy tốt hơn. Số điểm cải thiện được là 1,8 điểm.
Irving nhíu mày. Như vậy tác dụng của thuốc chống trầm cảm còn chưa bằng một phần ba so với việc ngủ ngon hơn. Thật đáng ngạc nhiên. Nếu điều này là đúng, thì nó cho thấy rằng các loại thuốc hầu như không có tác dụng đáng kể nào cả, ít nhất là đối với những bệnh nhân bình thường – giống như các bệnh nhân của bác sĩ John Haygarth ở bệnh viện Bath.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy tác dụng phụ của thuốc lại khá rõ rệt. Chúng làm cho nhiều người tăng cân, rối loạn chức năng tình dục, hoặc bắt đầu đổ mồ hôi nhiều. Đây là những loại thuốc thật, có tác động thật. Nhưng khi nói đến những tác động mà chúng sẽ có đối với chứng trầm cảm và lo âu thì sao? Chúng thật sự không có khả năng giải quyết vấn đề cho hầu hết mọi người.
Irving không muốn điều này thành sự thật – nó mâu thuẫn với các công trình đã công bố của chính ông – nhưng ông nói với tôi: “Một điều khiến tôi tự hào là tôi đã xem xét dữ liệu và cho phép bản thân thay đổi suy nghĩ khi dữ liệu khác với những gì tôi mong đợi”. Ông đã quảng cáo những loại thuốc này cho bệnh nhân khi tất cả những gì ông có thể dựa vào là các nghiên cứu được lựa chọn cẩn thận của các công ty dược phẩm. Bây giờ, khi đã có cơ sở khoa học không bị che đậy, ông bắt đầu nhận ra rằng mình không thể tiếp tục như trước đây.
*
Khi Irving công bố những số liệu này trên một tạp chí khoa học, ông đã lường trước sự phản kháng dữ dội từ các nhà khoa học đã đưa ra tất cả những dữ liệu này. Nhưng trên thực tế, trong những tháng sau đó, ông nhận thấy nhiều người trong số họ có cảm giác nhẹ nhõm xen lẫn xấu hổ. Một nhóm các nhà nghiên cứu viết rằng đúng là có một “bí mật bẩn thỉu nho nhỏ” đã bị che giấu suốt một thời gian dài, khi tác động của những loại thuốc này đối với bệnh trầm cảm trên thực tế là rất ít. Trước khi công bố, Irving đã nghĩ rằng ông có một tin sốt dẻo, một sự thật gây sốc mà trước đây người ta chưa từng biết đến. Nhưng trên thực tế, ông chỉ khám phá ra những gì mà nhiều người trong lĩnh vực này đã biết nhưng giấu kín ngay từ đầu.
*
Một ngày nọ, sau khi những tiết lộ này được báo chí đưa tin rầm rộ, Guy – anh nghiên cứu sinh sau đại học đồng hành cùng giáo sư Irving – đang tham dự một bữa tiệc gia đình thì một người họ hàng của anh đến bắt chuyện. Chị ấy đã dùng thuốc chống trầm cảm suốt nhiều năm. Chị bật khóc nức nở và bảo rằng chị cảm thấy giống như anh đang nói tất cả những gì chị đã trải nghiệm khi dùng thuốc chống trầm cảm – những cảm xúc cơ bản nhất của chị – đều là giả dối.
“Tôi hoàn toàn không có ý đó”, anh trả lời chị ấy. “Thực tế rằng hầu hết [tác dụng của thuốc] là giả dược chỉ có nghĩa là bộ não của chị là bộ phận đáng kinh ngạc nhất trong cơ thể của chị – và bộ não của chị đang làm một công việc tuyệt vời là khiến chị cảm thấy tốt hơn”. Anh nói rằng không phải những gì chị ấy cảm nhận không có thật, chỉ là nguyên nhân thật sự khác với nguyên nhân mà chị ấy được kể.
Chị ấy không cảm thấy thuyết phục, và vì thế đã tuyệt giao với Guy suốt nhiều năm sau đó.
*
Một thời gian ngắn sau, Irving được giao cho một nghiên cứu bị rò rỉ khác. Câu chuyện này đặc biệt gây ấn tượng mạnh với tôi, bởi vì nó trực tiếp nói về một tình huống mà tôi đã trải qua.
Không lâu trước khi tôi bắt đầu dùng Seroxat (còn được bán trên thị trường với cái tên Paxil), GlaxoSmithKline – nhà sản xuất thuốc này, đã bí mật tiến hành ba thử nghiệm lâm sàng về việc liệu có nên dùng Seroxat cho lứa tuổi thiếu niên như tôi hay không. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tác dụng giả dược ở thuốc này hoạt động tốt hơn; một nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt giữa thuốc và giả dược; và một nghiên cứu cho kết quả hỗn tạp. Không nghiên cứu nào cho thấy sự thành công cả. Tuy nhiên, khi công bố một phần kết quả, họ tuyên bố: “Paroxetine [một tên khác của thuốc] có hiệu quả đối với chứng trầm cảm nặng ở thanh thiếu niên”.
Cuộc thảo luận trong nội bộ công ty từ thời điểm này về sau cũng bị rò rỉ. Một người trong công ty đã tuyên bố: “Thật không thể chấp nhận được về mặt thương mại nếu cho công chúng biết rằng hiệu quả của thuốc chưa được chứng minh, vì điều này sẽ làm Paroxetine trở nên mất uy tín”. Nói cách khác, chúng ta không thể nói rằng nó không hiệu quả, vì như thế sẽ kiếm được ít tiền hơn. Thế là họ giấu nhẹm sự thật.
Cuối cùng, trước tòa, họ buộc phải bồi thường 2,5 triệu USD cho bang New York vì tội lừa dối sau khi Bộ trưởng Tư pháp của New York là Eliot Spitzer khởi kiện họ. Nhưng tôi đã được kê loại thuốc này khi còn là một thiếu niên và tiếp tục dùng nó suốt hơn một thập niên. Sau đó, tạp chí y khoa hàng đầu thế giới Lancet đã tiến hành một nghiên cứu chi tiết về mười bốn loại thuốc chống trầm cảm chính được sử dụng cho thanh thiếu niên. Bằng chứng từ các kết quả thực tế và chưa qua màng lọc cho thấy chúng đơn giản là không có hiệu quả gì cả, trừ một trường hợp ngoại lệ, nhưng hiệu quả của trường hợp này không đáng kể. Tạp chí này kết luận rằng không nên kê các loại thuốc ấy cho thanh thiếu niên nữa.
Những dòng chữ ấy là một bước ngoặt đối với tôi. Đây là loại thuốc tôi đã bắt đầu sử dụng từ khi còn là một thiếu niên, và chính công ty sản xuất nó đã nói rằng nó không có tác dụng gì với những người như tôi – nhưng họ vẫn tiếp tục quảng bá nó.
Khi đọc được những dòng chữ ấy, tôi nhận ra rằng mình không thể tiếp tục bác bỏ những gì giáo sư Irving Kirsch đã nói một cách dễ dàng như vậy nữa. Nhưng đây mới là tiết lộ đầu tiên của ông ấy. Cú sốc lớn nhất vẫn chưa đến.