Một năm sau khi tôi uống viên thuốc chống trầm cảm đầu tiên của mình, Tipper Gore – phu nhân của Phó Tổng thống Al Gore – giải thích với tờ USA Today lý do tại sao gần đây bà lại trầm cảm. “Đó chắc chắn là chứng trầm cảm lâm sàng, một chứng bệnh mà tôi cần được giúp đỡ để vượt qua. Những gì tôi biết là não của bạn cần một lượng serotonin nhất định và khi hết serotonin thì giống như sắp hết xăng”. Hàng chục triệu người – bao gồm cả tôi – cũng được rỉ tai điều tương tự.
Khi Irving Kirsch phát hiện ra rằng những loại thuốc tăng serotonin này không có tác dụng như quảng cáo, ông ngạc nhiên và đặt ra một câu hỏi thậm chí còn cơ bản hơn. Ông tự hỏi: Bằng chứng đâu khi nói rằng trầm cảm chủ yếu là do mất cân bằng serotonin hay bất kỳ chất hóa học nào khác trong não? Kết luận đó từ đâu mà có?
*
Irving bắt đầu biết câu chuyện về serotonin một cách tình cờ tại một khu chăm sóc bệnh lao ở thành phố New York vào mùa hè ẩm ướt năm 1952, khi một số bệnh nhân bắt đầu nhảy nhót một cách mất kiểm soát trong hành lang bệnh viện. Một loại thuốc mới ra đời tên là Marsilid được các bác sĩ hy vọng có thể giúp ích cho bệnh nhân lao. Hóa ra nó không tác động gì nhiều đến bệnh lao, nhưng các bác sĩ nhận thấy nó làm được một điều hoàn toàn khác. Họ khó lòng mà bỏ qua nó. Nó khiến các bệnh nhân phấn khích một cách hân hoan và vui sướng – một số người bắt đầu nhảy nhót điên cuồng.
Vì vậy, ai đó đã quyết định thử đưa loại thuốc này cho những người trầm cảm và nó dường như cũng có tác dụng tương tự đối với họ trong một thời gian ngắn. Không lâu sau đó, trên thị trường xuất hiện các loại thuốc khác có vẻ cũng có tác dụng tương tự (nhưng cũng trong thời gian ngắn): Ipronid và Imipramine. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi, vậy thì liệu những loại thuốc mới này có điểm chung nào không? Và dù điểm chung đó là gì đi nữa – liệu nó có nắm giữ chìa khóa để mở ra bí mật về căn bệnh trầm cảm không?
Không ai thực sự biết phải tìm từ đâu, vì vậy trong suốt một thập niên, câu hỏi này cứ bỏ ngỏ, trêu ngươi các nhà nghiên cứu. Và rồi năm 1965, một bác sĩ người Anh tên Alec Coppen đã đưa ra một lý thuyết. Ông đặt ra câu hỏi, phải chăng tất cả những loại thuốc này đều làm tăng mức serotonin trong não? Nếu điều đó là đúng, nó cho thấy trầm cảm có thể là do mức serotonin thấp. Bác sĩ Gary Greenberg, người đã viết về lịch sử thời kỳ này, giải thích: “Thật khó mà phóng đại chuyện các nhà khoa học này đã dám nói liều mà không có chứng cứ gì. Nhưng họ thực sự không biết serotonin hoạt động như thế nào trong não”. Ông cho biết, để công bằng với những nhà khoa học đầu tiên đưa ra ý tưởng này, phải nói rằng họ chỉ ngập ngừng đưa ra ý kiến đó, như một gợi ý. Một người trong số họ nói rằng, nó “cùng lắm cũng chỉ là một sự đơn giản hóa theo kiểu giản hóa luận”, và nói rằng nó không thể được chứng minh là đúng “dựa trên cơ sở dữ liệu hiện có”.
Nhưng vài năm sau, vào thập niên 1970, cuối cùng người ta cũng có thể bắt đầu thử nghiệm những lý thuyết này. Họ phát hiện ra rằng có một loại men hóa học làm giảm mức serotonin. Vì vậy, nếu lý thuyết này là đúng – mức serotonin thấp gây ra trầm cảm – thì điều gì sẽ xảy ra? Sau khi uống loại men này, con người sẽ trở nên chán nản. Thế là người ta làm thử nghiệm. Họ cho một số người uống một loại thuốc để giảm mức serotonin và theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra. Nhưng trừ trường hợp dùng liều quá mạnh, người sử dụng không bị trầm cảm. Trên thực tế, ở đa số bệnh nhân, nó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tâm trạng của họ.
Tôi đã đến gặp một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu các loại thuốc chống trầm cảm mới này ở Anh, giáo sư David Healy, tại phòng khám của ông ở Bangor, một thị trấn phía Bắc xứ Wales. Ông là người đã ghi chép lại chi tiết nhất về lịch sử của thuốc chống trầm cảm. Khi nói đến ý tưởng cho rằng trầm cảm là do mức serotonin thấp, ông nói với tôi: “Chưa từng có bất kỳ cơ sở nào cho điều đó. Nó chỉ là một cách thức tiếp thị. Vào thời điểm các loại thuốc này ra mắt vào đầu những năm 1990, bạn không thể bảo bất kỳ một chuyên gia tử tế nào lên bục diễn thuyết và nói: ‘Nhìn đây, có sự hạ thấp mức serotonin trong não của những người bị trầm cảm’... Chưa từng có bất kỳ bằng chứng nào cho điều đó”. Ông nói, nó chưa bao giờ bị bác bỏ, bởi vì, nói đúng ra, “nó chưa từng ‘được công nhận’. Chưa có thời điểm nào mà 50% chuyên gia trong lĩnh vực này thật sự tin vào điều đó cả”. Nghiên cứu lớn nhất về ảnh hưởng của serotonin đối với con người đã không tìm thấy bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào với bệnh trầm cảm. Giáo sư Andrew Skull ở Princeton nói rằng việc quy chứng trầm cảm cho mức serotonin thấp là một điều “gây hiểu lầm sâu sắc và phản khoa học”.
Nó chỉ hữu ích trên phương diện tiếp thị. Khi các công ty dược phẩm muốn bán thuốc chống trầm cảm cho những người như tôi và Tipper Gore, đó là một phép ẩn dụ tuyệt vời. Điều này rất dễ hiểu và nó mang lại cho bạn ấn tượng rằng những gì thuốc chống trầm cảm làm là giúp bạn hồi phục về lại trạng thái cân bằng tự nhiên mà mọi người khác đang có.
*
Irving biết được rằng một khi serotonin bị các nhà khoa học (chắc chắn không phải là các nhóm PR của công ty thuốc) không công nhận là một cách giải thích cho chứng trầm cảm và lo âu, hẳn đã có một sự thay đổi trong nghiên cứu khoa học. Họ nói, nếu không phải lượng serotonin thấp gây ra trầm cảm và lo âu, thì đó chắc hẳn là do thiếu một chất hóa học nào khác. Người ta vẫn cho rằng những vấn đề này là do sự mất cân bằng hóa học trong não gây ra, và thuốc chống trầm cảm hoạt động bằng cách điều chỉnh sự mất cân bằng hóa học đó. Nếu hóa ra một chất hóa học nào đó không phải là nguyên nhân gây ra trầm cảm và lo âu, thì người ta phải bắt đầu tìm kiếm một chất khác.
Nhưng có một điều mà Irving không thể lí giải được: Nếu trầm cảm và lo âu là do sự mất cân bằng hóa học gây ra, và thuốc chống trầm cảm hoạt động bằng cách sửa chữa sự mất cân bằng đó, thì rõ ràng đang có một điều gì đó rất lạ lùng với những kết quả mà ông tìm thấy. Trong các thử nghiệm lâm sàng, những loại thuốc chống trầm cảm làm tăng serotonin trong não cũng chỉ có tác dụng khiêm tốn giống như các loại thuốc làm giảm serotonin trong não. Và tương tự cho các loại thuốc làm tăng một chất hóa học khác là norepinephrine. Hoặc các loại thuốc làm tăng một chất hóa học khác nữa là dopamine. Nói cách khác, dù thử nghiệm bằng chất hóa học nào thì bạn cũng sẽ nhận được kết quả như vậy thôi.
Thế nên, Irving đặt ra câu hỏi: Những người dùng các loại thuốc khác nhau này thật ra có điểm gì chung? Ông chỉ tìm thấy một điều: niềm tin rằng thuốc có tác dụng. Irving tin rằng nó có tác dụng tương tự như lý do khiến cây đũa phép của John Haygarth phát huy tác dụng: bởi vì bạn tin rằng mình đang được chăm sóc và được đưa cho một giải pháp.
*
Sau hai mươi năm nghiên cứu vấn đề này ở cấp độ cao nhất, Irving tin vào quan niệm cho rằng trầm cảm là do sự mất cân bằng hóa học gây ra chỉ là “một tai nạn của lịch sử”, bắt đầu từ việc các nhà khoa học hiểu sai những gì họ đang thấy, rồi sau đó các công ty dược phẩm bán sự nhầm lẫn đó cho thế giới để kiếm lời.
Và vì thế, Irving nói, lời giải thích cơ bản cho chứng trầm cảm đang tồn tại trong nền văn hóa của chúng ta bắt đầu bị phá vỡ. Quan niệm cho rằng bạn cảm thấy kinh khủng là vì sự “mất cân bằng hóa học” được xây dựng trên một loạt các lỗi lầm. Ông nói quan niệm đó gần như đã được chứng minh là sai.
*
Tôi đã đi cùng Irving một quãng đường dài trên hành trình của ông, nhưng tôi chợt dừng lại, hoang mang, và tự hỏi: Mọi thứ thật sự là như vậy sao? Tôi được đào tạo về lĩnh vực khoa học xã hội, đây là loại bằng chứng mà tôi sẽ thảo luận trong phần còn lại của cuốn sách này. Tôi không được đào tạo về lĩnh vực khoa học mà Irving là chuyên gia. Tôi tự hỏi liệu tôi có đang hiểu nhầm ông không, hay liệu Irving có phải là một người ngoài cuộc trong thế giới khoa học ấy. Vì vậy, tôi phải đọc hết tất cả những gì có thể, và tôi phải tìm kiếm sự giúp đỡ của càng nhiều nhà khoa học khác càng tốt.
“Không bằng chứng nào cho thấy có một sự mất cân bằng hóa học” trong não của những người mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu, giáo sư Joanna Moncrieff – một trong những chuyên gia hàng đầu về vấn đề này – đã thẳng thắn giải thích với tôi trong văn phòng của bà tại Đại học London. Bà nói rằng thuật ngữ này thật ra chẳng có ý nghĩa gì cả: Chúng ta không biết bộ não “cân bằng hóa học” trông như thế nào. Người ta nói rằng các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm sẽ khôi phục trạng thái cân bằng tự nhiên cho não của bạn, nhưng điều đó không đúng, chúng chỉ tạo ra một trạng thái nhân tạo mà thôi. Toàn bộ quan niệm cho rằng sự đau khổ về tinh thần đơn giản là do mất cân bằng hóa học chỉ là “một huyền thoại” mà các công ty dược phẩm bán cho chúng ta, bà tin như vậy.
Bác sĩ tâm lý học lâm sàng Lucy Johnstone còn thẳng thừng hơn. “Hầu hết mọi thứ bạn từng nghe đều nhảm nhí cả”, bà nói với tôi bên tách cà phê. Lý thuyết về serotonin “là một lời nói dối. Tôi không nghĩ chúng ta nên ‘mông má’ cho nó rồi bảo là: ‘Chà, có lẽ có bằng chứng để chứng minh điều đó rồi’. Chẳng có đâu”.
*
Tuy nhiên, dường như tôi không thể tin được rằng một thứ quá lớn lao như vậy – một trong những loại thuốc phổ biến nhất trên thế giới, được rất nhiều người xung quanh tôi sử dụng – lại có thể là một sự lừa dối. Rõ ràng, có những biện pháp để ngăn điều này xảy ra: Những tiêu chuẩn khắt khe của quá trình thử nghiệm khoa học phải được đảm bảo trước khi một loại thuốc lọt được vào tủ thuốc của chúng ta chứ? Tôi cảm thấy như thể mình vừa hạ cánh trên một chuyến bay và biết được rằng một con khỉ đã lái chiếc máy bay ấy suốt quãng đường. Chắc chắn phải có những quy trình được thiết lập để ngăn chặn điều như thế này xảy ra chứ? Nhưng làm thế nào những loại thuốc này lọt qua được các quy trình đó, nếu chúng thật sự hạn chế như nghiên cứu chuyên sâu này đã chỉ ra?
Tôi đem điều này thảo luận với một trong những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực này, giáo sư John Ioannidis, người được tờ Atlantic Monthly ca ngợi “có lẽ là một trong những nhà khoa học nhiều ảnh hưởng nhất còn sống”. Ông nói rằng không có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty dược phẩm có thể đơn giản là giày xéo lên bằng chứng và đưa thuốc ra thị trường bằng mọi cách, bởi vì trên thực tế, điều đó luôn luôn xảy ra. Ông kể cho tôi nghe về cách những loại thuốc chống trầm cảm này đi từ giai đoạn phát triển đến miệng của tôi. Nó hoạt động như thế này: “Các công ty thường tự thử nghiệm các sản phẩm của chính họ”, ông nói. Điều đó có nghĩa là họ xếp đặt các thử nghiệm lâm sàng và quyết định xem ai được xem kết quả nào. Thế là “họ đang đánh giá sản phẩm của chính họ. Họ liên hệ với những nhà nghiên cứu nghèo khổ không có nguồn tài trợ nào khác... [và] chẳng có quyền kiểm soát... việc [kết quả] sẽ được viết ra và trình bày như thế nào”. Một khi bằng chứng khoa học được thu thập, thì thậm chí các nhà nghiên cứu còn không phải là người viết báo cáo khoa học, mà “thông thường, chính người trong công ty sẽ soạn các báo cáo [khoa học được công bố]”.
Bằng chứng này sau đó được chuyển đến các cơ quan quản lý, họ có nhiệm vụ quyết định có cho phép loại thuốc này được lưu hành trên thị trường hay không. Nhưng ở Hoa Kỳ, 40% tiền lương của các viên chức quản lý là do các công ty dược phẩm trả (trong khi ở Anh, con số này là 100%). Khi một xã hội đang cố gắng tìm ra loại thuốc nào là an toàn để đưa vào thị trường thì nghĩa là sẽ có hai đội: một bên là công ty dược cố gắng biện hộ cho nó, và một bên là trọng tài làm việc cho người dân chúng ta, để tìm hiểu xem nó có hiệu quả thật sự hay không. Nhưng giáo sư Ioannidis đã nói với tôi rằng trong trận đấu này, trọng tài được công ty dược trả lương, thế nên đội đó hầu như luôn thắng.
Các quy tắc được họ soạn thảo sao cho việc duyệt một loại thuốc mới trở nên dễ dàng một cách đáng kinh ngạc. Tất cả những gì bạn phải làm là trình ra hai thử nghiệm – được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới – cho thấy một tác dụng tích cực nào đó của thuốc. Có hai thử nghiệm và một tác dụng nào đó, thế là đủ. Vì vậy, bạn có thể gặp tình huống mà trong đó có 1000 thử nghiệm khoa học và 998 thử nghiệm cho thấy rằng loại thuốc này không có tác dụng gì, hai thử nghiệm còn lại cho thấy có một tác dụng nhỏ. Vậy là đủ để loại thuốc đó tìm được đường đến hiệu thuốc ở địa phương của bạn.
“Tôi nghĩ rằng đây là một lĩnh vực đáng ghê tởm”, giáo sư Ioannidis nói với tôi. “Lĩnh vực này đáng ghê tởm, nó bị mua chuộc, bị đút lót, và tôi không thể mô tả nó bằng cách nào khác”. Tôi hỏi ông cảm thấy thế nào khi biết tất cả những điều này. “Thật là trầm cảm”, ông trả lời. “Trớ trêu thật”, tôi đáp. “Nhưng điều đó không khiến tôi trầm cảm đến mức sử dụng [các loại thuốc chống trầm cảm] SSRIs đâu”, ông nói.
Tôi cố cười, nhưng tiếng cười cứ nghẹn lại ở cổ.
*
Một số người đã nói với Irving: Vậy thì sao? Đồng ý, cứ nói rằng đó là hiệu ứng giả dược. Nhưng dù lý do là gì thì mọi người vẫn cảm thấy khỏe hơn mà. Tại sao lại phá vỡ tấm bùa đó chứ? Ông giải thích: Bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy các tác dụng của thuốc chống trầm cảm phần lớn là giả dược, nhưng các tác dụng phụ lại chủ yếu là kết quả của chính các chất hóa học trong thuốc, và chúng có thể rất nghiêm trọng.
“Tất nhiên”, Irving nói, có cả “tăng cân”. Đúng, tôi đã nhanh chóng bị phồng lên như một quả bóng, và thấy cân nặng sụt xuống lại gần như ngay khi tôi ngừng dùng thuốc. Ông tiếp tục: “Chúng tôi biết rằng [các loại thuốc chống trầm cảm mới] SSRIs góp phần đặc biệt vào sự rối loạn chức năng tình dục và tỷ lệ rối loạn đối với hầu hết các loại SSRIs nằm ở mức khoảng 75%”. Mặc dù thật khó nói ra, nhưng điều này cũng đúng với tôi. Trong những năm sử dụng Paxil, tôi thấy bộ phận sinh dục của mình kém nhạy cảm hơn rất nhiều và phải mất thời gian rất lâu mới xuất tinh được. Điều này khiến cho quan hệ tình dục trở nên đau đớn và cảm giác khoái cảm bị giảm sút. Chỉ khi ngừng dùng thuốc và bắt đầu có thể tận hưởng quan hệ tình dục trở lại, tôi mới nhớ quan hệ tình dục thường xuyên là một trong những cách chống trầm cảm tự nhiên tốt nhất trên thế giới.
“Ở người trẻ, các loại thuốc chống trầm cảm hóa học này làm tăng nguy cơ tự tử. Một nghiên cứu mới của Thụy Điển cho thấy nó làm tăng nguy cơ xảy ra hành vi bạo lực”, Irving tiếp tục. “Ở người lớn tuổi, nó làm tăng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, tăng nguy cơ đột quỵ. Với tất cả mọi người, nó làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2. Ở phụ nữ mang thai, nó làm tăng nguy cơ sẩy thai và sinh ra những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ hoặc dị tật. Vì vậy, tất cả những điều này cần phải được biết đến”. Và nếu bạn bắt đầu gặp phải những tác động này, bạn có thể khó mà dừng thuốc lại được – khoảng 20% sẽ gặp phải các triệu chứng vật vã nghiêm trọng vì thiếu thuốc.
Vì vậy, ông nói, “nếu bạn muốn sử dụng thứ gì đó vì tác dụng giả dược của nó, thì ít nhất hãy sử dụng thứ an toàn”. Theo Irving, chúng ta có thể cung cấp cho mọi người thảo dược St. John’s Wort và họ sẽ nhận được tất cả các tác dụng giả dược tích cực mà không có tác dụng phụ tiêu cực nào. Nhưng, tất nhiên St. John’s Wort không phải do các công ty dược phẩm sáng chế ra, vì thế sẽ không ai kiếm được nhiều lợi nhuận từ nó.
Vào lúc này, Irving đã bắt đầu cảm thấy “tội lỗi” vì đã ủng hộ những viên thuốc đó trong suốt ngần ấy năm, ông nhẹ nhàng thú nhận với tôi như vậy.
*
Năm 1802, bác sĩ John Haygarth tiết lộ câu chuyện thật về cây đũa phép cho công chúng. Ông giải thích, một số người thực sự hết đau đớn trong một khoảng thời gian, nhưng đó không phải là do sức mạnh của cây đũa phép, mà do sức mạnh trong tâm trí họ. Đó là một hiệu ứng giả dược và nó có thể sẽ không kéo dài, vì nó không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
Thông báo này đã khiến hầu hết mọi người tức giận. Một số cảm thấy đã bị người bán những cây đũa phép đắt tiền ấy lừa gạt ngay từ đầu, nhưng nhiều người khác cảm thấy tức giận với chính Haygarth, và nói rằng ông rõ ràng đang nói những lời nhảm nhí. Ông viết: “Tin tức [tôi công bố] đã tạo ra những chấn động lớn, kèm theo những lời đe dọa và lăng mạ. Một bản tuyên bố phản đối đã được ký bởi nhiều người rất đáng kính” – bao gồm một số nhà khoa học hàng đầu thời đó – giải thích rằng cây đũa phép có tác dụng, và sức mạnh của nó là theo quy luật tự nhiên và có thật.
Kể từ khi Irving công bố những kết quả ban đầu của mình, và khi ông đã bồi đắp những kết quả ấy suốt nhiều năm, thì phản ứng vẫn tương tự như vậy.
Không ai phủ nhận rằng dữ liệu của chính các công ty dược phẩm, được đệ trình lên FDA, cho thấy tác dụng thật sự của thuốc chống trầm cảm là rất nhỏ so với hiệu ứng giả dược. Không ai phủ nhận rằng công ty sản xuất loại thuốc mà chính tôi sử dụng đã thừa nhận một cách kín đáo rằng loại thuốc Paxil ấy sẽ không có tác dụng với những người như tôi, và họ đã phải trả tiền trước tòa cho hành vi lừa dối của mình.
Nhưng một con số đáng kể các nhà khoa học lại kháng cự nhiều lập luận mở rộng của Irving. Tôi muốn nghiên cứu kỹ những gì họ nói với hy vọng câu chuyện cũ tôi từng kể vẫn có thể được cứu vãn bằng cách nào đó. Thế là tôi tìm đến một người đã bán thuốc chống trầm cảm cho công chúng – thành công hơn bất kỳ ai khác, và ông ta đã làm điều đó vì ông ta tin vào nó: Ông ta không bao giờ nhận một xu nào từ các công ty thuốc.
*
Vào những năm 1990, tiến sĩ Peter Kramer đã theo dõi các bệnh nhân bước vào văn phòng trị liệu của ông ở Rhode Island, họ thay đổi ngay trước mắt ông sau khi được cho dùng loại thuốc chống trầm cảm mới. Không chỉ có vẻ đã cải thiện, mà theo ông, họ trở nên “tốt hơn cả tốt” – họ phục hồi nhanh và đầy năng lượng hơn cả người bình thường. Cuốn sách ông viết về điều này, Listening to Prozac (tạm dịch: Lắng nghe Prozac), đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất từ trước đến nay về thuốc chống trầm cảm. Tôi đã đọc nó ngay sau khi bắt đầu dùng thuốc và chắc chắn rằng quá trình mà Peter mô tả rất hấp dẫn đang xảy ra với tôi. Tôi từng viết về nó và dẫn ra trường hợp của ông ấy trong các bài báo và các cuộc phỏng vấn của tôi.
Vì vậy, khi Irving bắt đầu trình bày bằng chứng của mình, Peter – lúc đó là giáo sư tại Trường Y khoa Brown – đã rất kinh hoàng. Ông gạt phăng những lời chỉ trích của Irving về thuốc chống trầm cảm nói chung trước công chúng bằng thông tin đưa ra trong sách và hàng loạt các cuộc tranh luận công khai.
Lập luận đầu tiên của ông là Irving không cho thuốc chống trầm cảm đủ thời gian. Các thử nghiệm lâm sàng mà Irving phân tích – hầu hết tất cả các thử nghiệm được đệ trình cho cơ quan quản lý – thường kéo dài từ bốn đến tám tuần. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Phải mất nhiều thời gian hơn nữa để những loại thuốc này phát huy tác dụng thực sự.
Đây dường như là một lập luận phản đối quan trọng đối với tôi. Irving cũng nghĩ vậy. Thế là ông đã tìm xem có cuộc thử nghiệm thuốc nào dài hơn không để tìm ra kết quả của chúng. Hóa ra có hai cuộc thử nghiệm như vậy: với thử nghiệm đầu tiên, hiệu ứng giả dược có tác dụng tương tự như thuốc; và trong thử nghiệm thứ hai, tác dụng giả dược tốt hơn.
Peter sau đó chỉ ra một sai lầm khác mà ông tin rằng Irving đã mắc phải. Các thử nghiệm chống trầm cảm mà Irving đang xem xét gộp chung hai nhóm: những người trầm cảm ở mức độ vừa phải và những người trầm cảm nặng. Peter thừa nhận có thể những loại thuốc này không có tác dụng nhiều đối với những người trầm cảm vừa phải, nhưng chúng có tác dụng đối với những người trầm cảm nặng. Ông đã nhìn ra điều đó. Tức là, khi Irving đánh đồng tất cả mọi người, gộp chung người trầm cảm nhẹ với người trầm cảm nặng, thì tác dụng của thuốc có vẻ nhỏ – nhưng đó chỉ là vì Irving đã nhìn nhận ở khía cạnh làm loãng đi tác dụng thực sự của thuốc, cũng chắc chắn như Coke sẽ mất hương vị nếu bạn pha nó với cả lít nước.
Một lần nữa, Irving nghĩ rằng đây là một điểm có vẻ quan trọng, và là điều mà ông muốn hiểu, thế nên ông đã xem lại các nghiên cứu để lấy dữ liệu nền. Rồi ông phát hiện ra rằng, chỉ trừ một trường hợp ngoại lệ duy nhất, còn lại ông chỉ xét đến các nghiên cứu về những người được phân loại là mắc chứng trầm cảm rất nặng.
Điều này khiến Peter chuyển sang lập luận mạnh mẽ nhất của mình. Đó là trọng tâm trong việc phản đối Irving và chiến đấu cho thuốc chống trầm cảm.
*
Năm 2012, Peter đến xem một số thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành, trong một trung tâm y tế có vẻ ngoài như một khối thủy tinh tuyệt đẹp, nhìn ra những ngôi nhà đắt tiền. Khi công ty ở đó muốn tiến hành các thử nghiệm thuốc chống trầm cảm, họ gặp phải hai vấn đề đau đầu. Họ phải tuyển được những tình nguyện viên chịu uống những viên thuốc có khả năng gây nguy hiểm trong một khoảng thời gian liên tục, nhưng luật chỉ cho phép họ trả những khoản tiền nhỏ: từ 40 đến 75 đô la. Đồng thời, họ phải tìm được những người bị rối loạn sức khỏe tinh thần rất cụ thể – ví dụ, nếu bạn đang thử nghiệm cho chứng trầm cảm, thì người tham gia thử nghiệm nhất thiết chỉ bị trầm cảm mà không được có các yếu tố phức tạp khác. Với tất cả những điều đó, họ khó mà tìm được ai tham gia, vì vậy họ thường chuyển sang những người đang gặp hoàn cảnh tuyệt vọng và phải đưa ra những thứ khác để dụ dỗ. Peter chứng kiến cảnh những người nghèo từ khắp thành phố đổ về đây để được ăn một bữa buffet hấp dẫn mà họ thường không bao giờ có được ở nhà. Bạn gọi đây là trị liệu ư? Họ có cả một cộng đồng sẽ lắng nghe họ, một nơi ấm áp để ở, thuốc men và tiền bạc nhiều gấp đôi thu nhập ở mức nghèo khổ của họ.
Khi chứng kiến điều này, ông đã bị sốc. Những người đến trung tâm này có động cơ mạnh mẽ để giả vờ đang bị bất kỳ chứng bệnh nào mà người ta tình cờ đang nghiên cứu ở đó, và các công ty vị lợi nhuận tiến hành các thử nghiệm lâm sàng có động cơ mạnh mẽ để giả vờ tin họ. Peter nhận thấy rằng cả hai bên dường như đang đóng kịch với nhau theo một cách thật hiệu quả. Khi chứng kiến cảnh mọi người được yêu cầu đánh giá mức độ hiệu quả của thuốc, ông nghĩ rõ ràng họ thường chỉ cung cấp cho người phỏng vấn bất cứ câu trả lời nào mà người phỏng vấn muốn nghe.
Vì vậy, Peter kết luận rằng kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng về thuốc chống trầm cảm – tất cả dữ liệu chúng tôi có – đều vô nghĩa. Điều đó có nghĩa là Irving đang xây dựng kết luận của mình rằng ảnh hưởng của thuốc (cùng lắm) chỉ là rất nhỏ trên một đống rác, Peter tuyên bố. Bản thân các thử nghiệm là gian lận.
*
Đó là một luận điểm có tính công phá và Peter đã chứng minh điều đó một cách khá mạnh mẽ. Nó đã khiến Irving bối rối, và tôi cũng vậy. Peter Kramer là lá chắn khoa học hàng đầu cho thuốc chống trầm cảm, mà lại biện hộ bằng cách tuyên bố rằng các bằng chứng khoa học chứng minh cho chúng là rác rưởi.
Khi trò chuyện với Peter, tôi có nói rằng nếu ông ấy đúng (và tôi nghĩ là ông ấy đúng), thì đó không phải là một lời biện hộ cho thuốc chống trầm cảm. Mà đó là tuyên bố chống lại chúng. Nó có nghĩa là – theo đúng luật – thì chúng không bao giờ được đưa ra thị trường.
Khi tôi bắt đầu hỏi về điều này với một giọng điệu thân thiện, Peter lại khá cáu kỉnh và nói rằng ngay cả những thử nghiệm tồi tệ cũng có thể mang lại kết quả khả dụng. Rồi ông đổi chủ đề ngay. Cho rằng ông quá đặt nặng những gì mắt thấy tai nghe, tôi hỏi Peter nghĩ gì về những người cho rằng cây đũa phép của John Haygarth có tác dụng – bởi vì họ cũng chỉ tin vào những gì họ nhìn thấy tận mắt. Ông nói, trong những trường hợp như vậy, “tập hợp các chuyên gia đó hoặc không đủ chuyên môn hoặc không đủ nhiều như những trường hợp mà chúng ta đang nói ở đây. Ý tôi là – đây sẽ là [một] vụ bê bối ở cấp độ lớn hơn rất nhiều nếu điều này [giống như] những khúc xương bọc kim loại ấy”.
Ngay sau đó, ông dứt khoát: “Tôi nghĩ rằng ta nên chấm dứt cuộc trò chuyện này”.
*
Ngay cả Peter Kramer cũng có một lưu ý cảnh báo về những loại thuốc ấy. Ông nhấn mạnh với tôi rằng bằng chứng mà ông nhìn thấy chỉ phù hợp cho việc kê đơn thuốc chống trầm cảm trong vòng sáu đến hai mươi tuần. Ngoài ra, ông nói: “Tôi nghĩ rằng bằng chứng sẽ trở nên mong manh và các lập luận của tôi sẽ kém chính xác hơn khi nói đến nhóm bệnh nhân sử dụng thuốc lâu ngày. Vì ai thật sự biết được tác hại và lợi ích của 14 năm sử dụng thuốc chứ? Tôi nghĩ câu trả lời là chúng ta không thể biết được”. Tôi thấy thật lo lắng khi ông nói như vậy, vì trước đó tôi đã thú nhận rằng tôi đã sử dụng thuốc từ lâu rồi.
Có lẽ do cảm nhận được sự lo lắng của tôi, ông nói thêm: “Dù vậy tôi nghĩ chúng ta cũng đã khá may mắn. Những người như bạn vẫn thành công và có giá trị đấy thôi”.
*
Hiện nay có rất ít nhà khoa học bảo vệ quan điểm rằng trầm cảm chỉ đơn giản là do lượng serotonin thấp gây ra, nhưng cuộc tranh luận về việc liệu thuốc chống trầm cảm hóa học có hiệu quả hay không – vì lý do nào khác mà chúng ta chưa hiểu rõ – vẫn tiếp tục diễn ra mà không có sự đồng thuận về mặt khoa học. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng đồng ý với Irving Kirsch; nhiều người lại đồng ý với Peter Kramer. Tôi không chắc phải rút ra điều gì từ tất cả những thông tin này, cho đến khi Irving dẫn tôi đến một chứng cứ cuối cùng. Tôi nghĩ nó cho chúng ta biết sự thật quan trọng nhất mà chúng ta cần biết về thuốc chống trầm cảm hóa học.
*
Vào cuối những năm 1990, một nhóm nhà khoa học muốn kiểm tra tác dụng của các loại thuốc chống trầm cảm SSRI mới trong một tình huống ngoài phòng thí nghiệm hay thử nghiệm lâm sàng. Họ muốn nhìn thấy những gì xảy ra trong một tình huống đời thường hơn nên đã thiết lập một thứ gọi là Thử nghiệm Star-D. Nó khá đơn giản. Một bệnh nhân bình thường đến gặp bác sĩ và giải thích rằng anh ta bị trầm cảm. Bác sĩ trình bày các lựa chọn cho anh ta, và nếu cả hai đồng thuận, anh ta sẽ bắt đầu dùng thuốc chống trầm cảm. Tại thời điểm này, các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm bắt đầu giám sát bệnh nhân. Nếu thuốc chống trầm cảm không có tác dụng, anh ta sẽ được cho một loại thuốc khác. Nếu loại đó cũng không hiệu quả, anh ta sẽ được cung cấp một loại khác nữa – và cứ thế cho đến khi tìm được loại mà anh ta cảm thấy dường như có tác dụng. Đây là cách nó hoạt động đối với hầu hết chúng ta trong thế giới thực: Phần lớn những người được kê thuốc chống trầm cảm sẽ thử nhiều hơn một loại hoặc thử nhiều hơn một liều, cho đến khi có được hiệu quả mà họ đang tìm kiếm.
Và cuộc thử nghiệm đã chỉ ra các loại thuốc nào có tác dụng. Khoảng 67% bệnh nhân cảm thấy tốt hơn, giống như tôi trong những tháng đầu tiên.
Nhưng sau đó, họ phải đi tìm một giải pháp khác. Trong vòng một năm, một nửa số bệnh nhân bị trầm cảm trở lại. Chỉ một phần ba những người tiếp tục sử dụng thuốc thật sự hồi phục về lâu dài. (Và ngay cả điều đó cũng phóng đại tính hiệu quả của thuốc, bởi vì chúng ta biết nhiều người trong số đó sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần dùng thuốc).
Nó có vẻ giống câu chuyện của tôi, khớp đến từng chi tiết một. Ban đầu, tôi cảm thấy tốt hơn; rồi tác dụng biến mất; tôi thử tăng liều, và sau đó nó cũng biến mất. Khi tôi nhận ra thuốc chống trầm cảm không còn hiệu quả với mình nữa, rằng cho dù có tăng liều bao nhiêu đi nữa, thì nỗi buồn vẫn sẽ ngấm trở lại, thì tôi cho rằng có điều gì đó không ổn xảy ra với mình.
Đến lúc đọc kết quả của Thử nghiệm Star-D, tôi mới nhận ra rằng: Tôi hoàn toàn bình thường. Trải nghiệm của tôi rõ rành rành như thông tin trong sách giáo khoa: Tôi không phải là một kẻ kỳ lạ, mà tôi đã có trải nghiệm điển hình với thuốc chống trầm cảm.
Hiện tượng này đã được theo dõi nhiều lần kể từ đó, và tỷ lệ những người dùng thuốc chống trầm cảm vẫn tiếp tục bị trầm cảm là 65-80%.
*
Đối với tôi, đây có vẻ như là bằng chứng quan trọng nhất về các loại thuốc chống trầm cảm nói chung: Hầu hết những người sử dụng các loại thuốc này, sau cú hích đầu tiên, vẫn tiếp tục trầm cảm hoặc lo âu. Tôi muốn nhấn mạnh – một số nhà khoa học có uy tín vẫn tin rằng những loại thuốc này thực sự có tác dụng đối với số ít người dùng chúng, do tác dụng hóa học thực sự. Có thể là vậy. Thuốc chống trầm cảm hóa học cũng có thể là giải pháp hữu hiệu cho một số ít người mắc trầm cảm và lo âu – chắc chắn tôi không muốn lấy đi bất cứ thứ gì mang lại sự giải tỏa cho bất kỳ ai. Nếu bạn cảm thấy chúng giúp được và những mặt tích cực vượt trội hơn tác dụng phụ, thì bạn nên tiếp tục dùng. Nhưng khi đối mặt với những bằng chứng này, không thể nói rằng chỉ dùng chúng là đủ cho đa số những người bị trầm cảm và lo âu. Đối với số đông, rõ ràng chúng ta cần phải tìm ra một câu chuyện khác về nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy thế này và tìm ra một giải pháp khác.
Nhưng, tôi hoang mang tự hỏi, giải pháp đó có thể là gì?