Trớ trêu thay, việc biết được rằng trầm cảm và lo âu không phải là do mất cân bằng hóa học trong não bộ lại khiến tôi cảm thấy mất cân bằng. Ai đó đã từng nói với tôi rằng, kể cho một người nghe câu chuyện về lý do tại sao họ bị đau là một trong những điều bạn phải gom hết sức mạnh mới có thể làm được. Vứt bỏ đi câu chuyện về nỗi đau của bạn cũng cần nhiều sức mạnh như vậy: Tôi cảm thấy như thể mình đang ở trên một con tàu đang chênh vênh giữa biển mà ai đó đã tháo mất lan can.
Tôi bắt đầu tìm kiếm một câu chuyện khác. Chỉ một thời gian sau, khi lần đầu tiên nói chuyện với một người phụ nữ ở Arizona tên là Joanne Cacciatore, tôi mới bắt đầu nhìn thấy manh mối đầu tiên cho một cách nghĩ khác về vấn đề này – một đầu mối sẽ biến đổi cuộc hành trình mà tôi sắp thực hiện.
*
“Ôi cô gái ơi”, bác sĩ của Joanne nói với cô, “cô chỉ cần chú ý một chút thôi”. Cô đã trải qua những cơn co thắt cực kỳ đau đớn suốt ba tuần và nghĩ rằng mình cần được giúp đỡ. Cô đã rất cẩn trọng trong suốt thời gian mang thai, thậm chí cô còn không nhai kẹo cao su có chứa aspartame vì lo rằng nó có thể gây hại cho em bé của mình. Vì vậy, cô cứ khăng khăng rằng: “Đây là những cơn co thắt thật sự đau đớn – thật không bình thường đối với tôi”. Nhưng bác sĩ lập tức khẳng định với cô: “Như vậy là bình thường”.
Cuối cùng, khi cô vào bệnh viện để sinh, “tôi đã sinh ba đứa con rồi, nên biết phòng sinh sẽ như thế nào”, và vì vậy cô nhanh chóng nhận thấy có điều gì đó không ổn. Xung quanh cô rất lộn xộn, đội ngũ y tế rõ ràng trông thật hoang mang. Lẽ ra cô sẽ có một cơn co thắt kéo dài một phút, sau đó ba mươi giây sẽ lại có một cơn co thắt khác.
Khi cô đã cố rặn hết sức, y bác sĩ nói với cô rằng họ không còn thấy nhịp tim của đứa trẻ. Cô cố rặn mạnh hơn nữa đến mức cảm thấy như hồn lìa khỏi xác và lơ lửng trên không nhìn xuống cơ thể mình. “Tôi nhớ... tôi nhìn vào cơ thể mình. Chân tôi run lên. Run bần bật. Tôi không thể ngừng run rẩy. Tôi đã nhắm mắt thật chặt khi con bé được sinh ra bởi vì... tôi sẽ đưa nó ra ngoài nhanh nhất có thể”.
Ngay khi đứa bé ra đời, các bác sĩ đã quyết định không cố gắng cứu lấy đứa bé, mà không hỏi ý kiến Joanne. Họ trao đứa bé cho chồng Joanne, và anh ấy nhẹ nhàng nói với cô: “Chúng ta có một đứa con gái thật xinh đẹp”.
Vào lúc đó, “Tôi ngồi dậy”, nhiều năm sau Joanne kể cho tôi. “Tôi đã là mẹ của con bé trong khoảnh khắc đó. Và tôi đưa tay ra, tôi nói: ‘Đưa con bé đây cho em’. Nó thật hoàn hảo. Nó nặng ba ký sáu. Nó có những ngấn mỡ dưới má. Cái cổ tay nhỏ bé của nó có những ngấn nhỏ. Rồi anh ấy đặt con bé vào vòng tay tôi. Nó trông như đang ngủ. Đó là một sự tiếp nối kỳ lạ giữa sinh và tử kết hợp lại trong một khoảnh khắc – [và] sẽ thay đổi cuộc đời tôi”.
“Bây giờ tôi sẽ nói cho bạn nghe”, cô ấy bảo tôi, “tôi đã từng chịu rất nhiều mất mát trong đời. Trước khi tôi bước sang tuổi bốn mươi, tôi đã mất cả cha lẫn mẹ. Tôi mất người bạn thân nhất”. Nhưng “tôi chưa bao giờ hình dung mình sẽ mất con gái. Đó là điều mà tôi không thể lường trước cho bản thân. Đúng là không thể hiểu được”. Ba tháng sau khi con gái mất, Joanne sụt xuống còn bốn mươi ký. “Tôi không chắc mình có sống sót nổi không”, cô nói. “Cảm giác như thể mình sắp chết. Mỗi ngày, tôi lại mở mắt – nếu như có ngủ – và nói: ‘Mình không muốn ở đây. Mình không muốn ở đây. Mình không muốn cảm thấy thế này nữa. Mình không thể tiếp tục được nữa’”.
Cuộc khám nghiệm tử thi không có kết quả. “Con bé không có bất kỳ vấn đề bẩm sinh nào cả. Tôi đoán là... tôi nghĩ cơ thể mình đang cố gắng chuyển dạ nhưng tôi lại không làm được. Điều duy nhất tôi có thể nghĩ là cơ thể mình đã giết chết con bé – bóp chết nó theo nghĩa đen. Vì vậy, tôi đã có một mối quan hệ khá gay gắt với cơ thể mình trong một thời gian dài, như bạn có thể hình dung... Người duy nhất tôi phải trách là chính mình. Cơ thể tôi. Tôi được cho là phải làm một việc – sinh ra đứa bé khỏe mạnh này – và nó khỏe mạnh thật, vì vậy vấn đề không ở chỗ con bé. Vấn đề là ở tôi. Một cái gì đó trong cơ thể tôi đã thất bại. Tôi thường gọi cơ thể mình là Judas(*), bởi vì tôi cảm thấy như thể nó đã phản bội con bé, và vì thế phản bội cả tôi nữa”.
(*) Judas theo Kinh Thánh là một trong mười hai tông đồ của Chúa Jesus, là kẻ phản bội đã bán Chúa cho các chức sắc Do Thái để lấy 30 đồng tiền. (ND)
*
Trong những năm sau đó, Joanne theo học để trở thành một nhà tâm lý học lâm sàng, và cuối cùng trở thành giáo sư công tác xã hội tại Đại học Arizona. Chuyên môn của cô là sự mất mát gây sang chấn – về những người mất đi người thân yêu trong hoàn cảnh tồi tệ hết mức.
Khi điều trị cho nhiều người đã có những trải nghiệm như mình, cô nhận thấy một điều gì đó rất kỳ lạ. Ngay sau khi người thân qua đời, rất nhiều bệnh nhân của cô đã được các bác sĩ tâm thần chẩn đoán mắc chứng trầm cảm lâm sàng và được cho dùng những loại thuốc tâm thần cực mạnh. Điều này đã thành thông lệ. Vậy, nếu (giả sử) con của bạn bị sát hại, bạn được thông báo rằng bạn không khỏe về phương diện lâm sàng và cần phải kiểm tra chất hóa học trong não. Ví dụ, một trong những bệnh nhân có đứa con vừa qua đời nói với bác sĩ rằng đôi khi cô ấy cảm thấy như con đang nói chuyện với mình. Điều đó không làm cô đau khổ, mà nó khiến cô cảm thấy được an ủi nhẹ nhàng. Vậy mà bệnh nhân này lập tức được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần và được cho dùng thuốc chống rối loạn tâm thần.
Joanne nhận thấy rằng khi các bệnh nhân của cô nhận được những chẩn đoán này, họ sẽ “bắt đầu đặt câu hỏi về cảm xúc của chính mình, và nghi ngờ bản thân – điều đó khiến họ phải che giấu nhiều hơn”.
Sau khi chứng kiến điều này xảy ra nhiều lần đến mức không đếm nổi, cô bắt đầu điều tra cách chẩn đoán chứng trầm cảm và công bố các bài báo khoa học về một khía cạnh cụ thể của nó. Ở Hoa Kỳ, cách các bác sĩ xác định chứng trầm cảm là theo Diagnostic and Statistical Manual– DSM (Cẩm nang chẩn đoán và thống kê), đến nay đã có năm phiên bản khác nhau do các chuyên gia tâm thần biên soạn. Đây là “Thánh Kinh” mà hầu hết các bác sĩ đa khoa Hoa Kỳ sử dụng khi chẩn đoán chứng trầm cảm hoặc lo âu, và nó có ảnh hưởng cực kỳ lớn trên toàn thế giới. Để được chẩn đoán là mắc chứng trầm cảm, bạn phải thể hiện ít nhất năm trong số chín triệu chứng gần như mỗi ngày. Ví dụ: tâm trạng chán nản, giảm hứng thú hoặc có cảm giác vô dụng.
Nhưng khi các bác sĩ lần đầu tiên bắt đầu áp dụng danh sách kiểm tra này, họ đã phát hiện ra một điều khó xử. Hóa ra hầu như tất cả những ai đang tiếc thương cũng đều phù hợp với các tiêu chí lâm sàng của bệnh trầm cảm. Nếu đơn giản sử dụng danh sách kiểm tra này, thì hầu như bất kỳ ai từng mất một người thân thiết đều sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh tâm thần rõ ràng.
Điều này khiến nhiều bác sĩ và bác sĩ tâm thần cảm thấy khó chịu. Vì vậy, các tác giả của DSM đã phát minh ra một kẽ hở, được gọi là “ngoại lệ của sự thương tiếc”.
Họ nói rằng bạn được phép thể hiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm mà không bị coi là mắc bệnh tâm thần trong một và chỉ một trường hợp duy nhất – nếu gần đây bạn bị mất một người thân. Sau khi bạn mất một đứa con, một người chị em, hay mất mẹ (chẳng hạn), bạn có thể xuất hiện những triệu chứng này trong suốt một năm, trước khi bị xếp vào nhóm bệnh tâm thần. Nhưng nếu sau thời gian này mà bạn vẫn tiếp tục đau khổ tột cùng, thì bạn vẫn bị xếp vào loại mắc chứng rối loạn tâm thần. Khi nhiều năm trôi qua và các phiên bản khác của DSM được xuất bản, mốc thời gian giới hạn đã thay đổi: nó giảm xuống còn ba tháng, một tháng và cuối cùng chỉ còn hai tuần.
“Đối với tôi, đó là sự xúc phạm lớn nhất”, Joanne nói với tôi. “Đó không chỉ là sự xúc phạm đối với nỗi thương tiếc và mối quan hệ với người đã mất, mà còn là sự xúc phạm đối với tình yêu. Tại sao chúng ta lại thương tiếc? Nếu người hàng xóm phía bên đường đối diện nhà tôi qua đời và tôi không biết người hàng xóm đó, tôi có thể nói: ‘Ôi, thật buồn cho gia đình anh ấy’, nhưng tôi không thương tiếc cho anh ta. Nhưng khi tôi yêu thương người ấy, tôi sẽ thương tiếc. Chúng ta thương tiếc vì chúng ta yêu thương”. Việc nói rằng thương tiếc quá một giới hạn thời gian do con người định ra thì là một bệnh lý, một căn bệnh phải điều trị bằng thuốc, là phủ nhận mặt cốt lõi của con người – cô tin như vậy.
Joanne có một bệnh nhân, con gái của bà bị bắt cóc trong công viên khi đang học năm nhất đại học và bị thiêu sống. “Làm sao chúng ta có thể nói với người mẹ đó rằng bà có vấn đề về sức khỏe tâm thần chỉ vì bà ấy vẫn còn đau đớn về điều đó suốt nhiều năm sau?”, Joanne hỏi tôi. Nhưng đó là những gì cẩm nang DSM nói.
Joanne nói rằng nỗi đau của sự thương tiếc là cần thiết chứ không phi lý chút nào. “Tôi thậm chí không muốn hồi phục sau cái chết của con bé”, cô nói về con gái Chayenne của mình. “Việc luôn gắn kết với nỗi tiếc thương về cái chết của con bé giúp tôi làm công việc của mình với một trái tim nhân ái, trọn vẹn”, và sống tròn đầy
nhất có thể. “Tôi đã chuyển hóa cảm giác tội lỗi, phản bội và xấu hổ của mình đối với con bằng cách tận tâm phục vụ người khác”, cô nói với tôi trong khi mấy con ngựa từng được cô cứu đang chạy trên cánh đồng sau lưng. “Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, việc tôi phục vụ người khác là cách tôi bù đắp – đó là cách tôi nói lời xin lỗi con bé mỗi ngày. Mẹ xin lỗi đã không thể đưa con đến với thế giới này một cách an toàn, và vì điều đó, mẹ sẽ mang tình yêu của con đến cho thế giới”.
Nó khiến cô hiểu được nỗi đau của người khác theo cách mà trước đây cô không thể làm được.
Nó “giúp tôi mạnh mẽ hơn ngay cả ở những nơi dễ bị tổn thương”, cô nói.
*
Ngoại lệ của sự thương tiếc là một điều khiến các tác giả của DSM – tinh túy của tư duy tâm thần học chính thống – cảm thấy vô cùng khó chịu. Họ buộc phải thừa nhận, trong cẩm nang hướng dẫn chính thức của họ, rằng việc có các triệu chứng của bệnh trầm cảm, trong một số trường hợp nhất định là hợp lý và thậm chí có lẽ là cần thiết.
Nhưng một khi bạn đã thừa nhận điều đó, thì sẽ dẫn đến một câu hỏi thật rõ ràng tiếp theo. Tại sao cái chết lại là sự kiện duy nhất trong đời mà có thể xem trầm cảm là một phản ứng hợp lý? Tại sao việc bạn bị chồng bỏ rơi sau ba mươi năm chung sống lại không được tính? Tại sao việc bạn bị mắc kẹt suốt ba mươi năm với một công việc vô nghĩa mà bạn căm ghét lại không được tính? Tại sao việc bạn trở thành người vô gia cư và sống dưới gầm cầu lại không được tính? Nếu nó hợp lý trong một nhóm hoàn cảnh, thì có thể có những trường hợp khác mà nó cũng hợp lý chứ?
Điều này đã làm thủng một lỗ trên con thuyền mà các bác sĩ tâm thần tham gia viết DSM đã chèo lái quá lâu. Đột nhiên, cuộc sống – với tất cả sự phức tạp của nó – bắt đầu tràn ngập những chẩn đoán về trầm cảm và lo âu. Nó không thể chỉ là vấn đề mất cân bằng hóa học, như đã được xác minh bằng danh sách các triệu chứng. Nó sẽ phải được xem như một phản ứng của con người đối với hoàn cảnh.
Khi Joanne Cacciatore nghiên cứu chi tiết hơn về ngoại lệ của sự thương tiếc, cô tin rằng nó tiết lộ một sai lầm cơ bản trong nền văn hóa của chúng ta về nỗi đau, không chỉ giới hạn trong sự thương tiếc. Cô bảo tôi rằng chúng ta không “cân nhắc đến bối cảnh”. Chúng ta hành xử cứ như có thể định lượng nỗi đau khổ của con người dựa trên một danh sách các gạch đầu dòng chẳng dính dáng gì với cuộc đời chúng ta, và được gán cho các bệnh về não.
Khi nghe điều này, tôi nói với cô ấy rằng suốt 13 năm được kê cho những liều thuốc chống trầm cảm ngày càng “nặng đô” hơn, chưa từng có bác sĩ nào hỏi tôi rằng lý do gì khiến tôi cảm thấy đau khổ như vậy. Joanne nói với tôi rằng tôi không có gì bất thường – và đó mới là một tai họa. Thông điệp mà các bác sĩ đưa ra cho tôi, rằng nỗi đau của chúng ta chỉ đơn giản là kết quả của một bộ não đang bị trục trặc, khiến chúng ta “bị mất kết nối với chính mình, dẫn đến mất kết nối với những người khác”, Joanne nói với tôi.
Cô nói, nếu chúng ta bắt đầu xem xét cuộc sống thực tế của mọi người khi điều trị chứng trầm cảm và lo âu, thì điều đó sẽ đòi hỏi “một cuộc đại tu toàn bộ hệ thống”. Cô nhấn mạnh rằng rất nhiều bác sĩ tâm lý giỏi và tử tế muốn suy nghĩ theo chiều hướng sâu sắc này và có thể thấy giới hạn của những gì chúng ta đang làm hiện nay. Thay vì nói rằng cơn đau của chúng ta là một cơn co thắt phi lý và có thể loại bỏ bằng thuốc, họ thấy rằng chúng ta nên bắt đầu lắng nghe nó và tìm xem nó đang muốn nói gì với mình.
Trong hầu hết các trường hợp, Joanne nói rằng chúng ta sẽ phải ngừng thao thao bất tuyệt về “sức khỏe tâm thần” – những gì gây liên tưởng đến hình ảnh quét não và các synap thần kinh bị lỗi – mà hãy bắt đầu nói về “sức khỏe cảm xúc”. “Tại sao chúng ta lại gọi nó là sức khỏe tâm thần?”, cô hỏi. “Bởi vì chúng ta muốn khoa học hóa nó. Chúng ta muốn nó nghe có vẻ khoa học. Nhưng đó là cảm xúc mới đúng”.
Joanne không tiếp cận bệnh nhân của mình với một danh sách các tiêu chí đánh giá, mà bằng cách gợi ý rằng: “Hãy kể cho tôi câu chuyện của bạn – Ôi trời ơi, đúng là không dễ dàng chút nào! Tôi có lẽ cũng sẽ cảm thấy như vậy nếu ở trong hoàn cảnh của bạn. Tôi hẳn cũng sẽ có ‘những triệu chứng’ như vậy... Chúng ta hãy cùng xem xét tất cả các yếu tố trong cuộc sống của bạn”. Đôi khi, tất cả những gì bạn có thể làm cho một người là ôm lấy họ. Có lần, một người mẹ có con gái bị thiêu sống đến gặp Joanne, gào thét vì đau đớn. Joanne ngồi trên sàn nhà, ôm lấy bà và để cho cơn đau của bà bộc lộ ra. Sau khi nó đã diễn ra, người mẹ ấy cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút được một thời gian, vì bà ấy biết mình không đơn độc. Đôi khi, đó là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm, và nó giúp ích rất nhiều.
Đôi lúc, khi bạn lắng nghe nỗi đau và xem xét bối cảnh dẫn tới nỗi đau ấy, nó sẽ chỉ dẫn cho bạn một con đường để vượt qua – như tôi đã học được sau này.
Joanne nói, cách tiếp cận của chúng ta hiện nay “giống như dán một miếng băng keo cá nhân lên một cái chân hay cái tay bị cắt cụt. Khi bạn gặp một người bị đau đớn tột cùng, chúng ta cần ngừng điều trị các triệu chứng. Các triệu chứng là sứ giả của một vấn đề sâu sắc hơn. Hãy đi vào vấn đề sâu hơn ấy”.
*
Trong suốt mấy thập niên, phần cốt lõi của cuốn “Thánh Kinh” về tâm thần vẫn không ngừng gây ra nhiều tranh cãi. Công chúng đã được rỉ tai hai điều mâu thuẫn nhau. Thứ nhất, các triệu chứng của bệnh trầm cảm đơn giản là kết quả của sự mất cân bằng hóa học trong não, cần được khắc phục bằng thuốc. Thứ hai, nhưng đồng thời bằng cách nào đó, có một tình huống duy nhất mà tất cả các triệu chứng của bệnh trầm cảm trên thực tế chỉ là phản ứng đối với một điều khủng khiếp vừa xảy ra trong đời bạn. Trong trường hợp duy nhất ấy, sự mất cân bằng hóa học không phải là nguyên nhân, và thuốc không phải là giải pháp.
Sự mâu thuẫn này khiến nhiều người bất an. Nó đặt ra quá nhiều câu hỏi. Những người như Joanne có thể sử dụng nó để khởi xướng các cuộc tranh luận mà nhiều người không muốn.
Vì vậy, các bác sĩ tâm thần đã viết ấn bản thứ năm mới nhất của DSM, xuất bản vào năm 2015, để đưa ra một giải pháp. Họ đã tống khứ ngoại lệ của sự thương tiếc. Trong phiên bản mới này không có ngoại lệ đó. Chỉ có một danh sách các triệu chứng, đi kèm với một chú thích mơ hồ. Vậy nên, nếu bây giờ con của bạn qua đời, và hôm sau bạn đến gặp bác sĩ vì đang trong tình trạng cực kỳ đau khổ, thì “bạn có thể được chẩn bệnh [trầm cảm] ngay lập tức”, Joanne giải thích với tôi.
Và do đó mô hình cuối cùng lại quay về như cũ. Trầm cảm là thứ bạn có thể tìm thấy nhờ vào các tiêu chí trong danh sách ấy. Nếu bạn đánh dấu tích vào các ô trống, đồng nghĩa là bạn đang bị bệnh về tâm thần. Đừng nhìn gì đến bối cảnh. Hãy đi tìm các triệu chứng. Đừng hỏi xem có việc gì đang xảy ra trong cuộc sống của người đó.
*
Joanne nói với tôi rằng suy nghĩ kiểu đó khiến cô tin rằng “chúng ta là một nền văn hóa hoàn toàn mất kết nối, chúng ta không cảm nhận được sự đau khổ của con người”. Cô nhìn tôi, và tôi nghĩ về tất cả những gì cô đã phải trải qua, cùng sự thông thái mà biến cố đó đã mang lại. Joanne chớp mắt và nói: “Chúng ta thật sự không hiểu gì cả”.
*
Một thời gian dài sau khi nói chuyện với Joanne – và sau khi thực hiện nhiều nghiên cứu hơn – tôi đã nghe lại đoạn băng phỏng vấn của tôi với cô ấy. Tôi bắt đầu nghĩ rằng có điều gì đó quan trọng về sự thật là đau buồn và trầm cảm có các triệu chứng giống hệt nhau. Rồi một ngày, sau khi phỏng vấn một số người bị trầm cảm, tôi tự hỏi bản thân: Sẽ thế nào nếu thực ra trầm cảm là một dạng thương tiếc – vì cuộc sống của chúng ta không được như ý? Sẽ thế nào nếu đó là một dạng thương tiếc cho những kết nối mà chúng ta đã đánh mất, nhưng vẫn cần đến nó?
Nhưng để hiểu vì sao tôi đi đến những câu hỏi này, chúng ta cần phải lùi lại – đến thời điểm có một bước đột phá quan trọng trong hiểu biết khoa học về chứng trầm cảm và lo âu.