Những ngày sau Thế chiến Thứ hai, một phụ nữ trẻ ở độ tuổi đôi mươi vừa mới sinh con đi ngang qua đống đổ nát của Kensal Rise. Đó là một vùng ngoại ô đông đúc của tầng lớp lao động ở phía Tây London, vài phần của nó đã bị Đức Quốc xã biến thành đống đổ nát. Cô đang tìm đường đến kênh Grand Canal. Khi đến đó, cô đã gieo mình vào làn nước đục ngầu.
Trong những năm tháng sau khi cô tự tử, chẳng ai nhắc đến việc cô bị trầm cảm. Chỉ có sự im lặng. Việc hỏi tại sao người ta lại trở nên đau khổ tuyệt vọng đến thế là một điều cấm kỵ.
Trong một ngôi nhà cách đó không xa, có một cậu thiếu niên tên George Brown. Người phụ nữ đã chết là hàng xóm thân thiết của cậu. Khi cậu bị phát bệnh nhiễm trùng, ở thời điểm mà thế giới chưa có thuốc kháng sinh, chính cô hàng xóm đó đã chăm sóc cậu hàng tháng trời, trong ngôi nhà tồi tàn, chật chội này. “Đó là một người phụ nữ rất ấm áp”, bảy mươi mốt năm sau, ông nói với tôi, mỉm cười khi nhớ lại ký ức về người hàng xóm của mình. “Vậy nên, đây là một trong những trải nghiệm đầu tiên của tôi [về chứng trầm cảm]. Có những cảm giác rất mạnh mẽ gắn liền với thời điểm đó – sự xấu hổ... với chứng trầm cảm”. Ông lặp lại lần nữa: “Có một sự xấu hổ rất lớn gắn liền với nó. Nó đã bị bưng bít, đúng là như vậy đấy”.
Điều này đã khiến ông bối rối, dù ông không nghĩ sâu thêm về nó một lần nào nữa cho đến năm ba mươi sáu tuổi và sắp có một khám phá đáng chú ý.
*
Vào đầu những năm 1970, George trở lại một khu lao động ở London, rất giống với nơi mà ông đã lớn lên, để điều tra một bí ẩn. Tại sao nhiều người như cô hàng xóm của ông lại chìm sâu vào trầm cảm? Nguyên nhân nào đã gây ra nó?
Vào thời điểm đó, có một sự im lặng bao trùm trên toàn xã hội về căn bệnh trầm cảm. Khi các chuyên gia thảo luận về căn bệnh trầm cảm, khác xa với cái nhìn của công chúng, có hai cách nghĩ hoàn toàn trái ngược. Bạn có thể hình dung về nó một cách thô thiển như sự phân chia giữa một bên là một bệnh nhân nằm trên ghế sofa trước mặt nhà sáng lập phân tâm học Sigmund Freud, và bên kia là một bộ não bị mổ xẻ. Những người theo chủ nghĩa Freud đã tranh cãi suốt gần một thế kỷ rằng lời giải thích cho dạng đau khổ này chỉ có thể được tìm thấy trong đời sống cá nhân của người bị trầm cảm – đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời của họ. Cách duy nhất để đối phó với nó là khám phá nó thông qua liệu pháp một đối một, qua đó bạn sẽ chắp nối lại câu chuyện về những gì đã xảy ra và tìm một câu chuyện hay hơn để bệnh nhân có thể kể về cuộc đời mình.
Nhiều bác sĩ tâm thần đã phản ứng dữ dội với lối suy nghĩ này, họ lập luận ngược lại, rằng trầm cảm chỉ là một cái gì đó không ổn với não hoặc cơ thể của một người – một trục trặc bên trong – và vì vậy việc tìm kiếm những nguyên do sâu hơn trong câu chuyện cuộc đời của người ấy theo cách này là sai lầm. Đó rõ ràng là một vấn đề thể lý, với một nguyên nhân thể lý.
George đã luôn ngờ rằng có một sự thật nào đó trong cả hai góc nhìn này, nhưng điều đó không thể nói lên toàn bộ câu chuyện. Ông nghĩ, dường như còn nhiều điều khác ẩn chứa sau câu hỏi này – nhưng cụ thể là gì? Ông không học chuyên ngành bác sĩ hay bác sĩ tâm thần, mà ông là một nhà nhân học – nghề nghiệp mà trong đó bạn quan sát một nền văn hóa với tư cách là người ngoài cuộc và cố gắng tìm ra cách nó hoạt động. Điều này có nghĩa là khi đến trung tâm điều trị tâm thần mà ông làm việc ở phía nam London, ông phải “hoàn toàn không biết gì” về những điều người khác nghĩ về trầm cảm, và bây giờ ông tin rằng “đó là một lợi thế tuyệt vời. Tôi không có định kiến gì trước đó cả, [vì vậy] tôi buộc phải có một tâm trí cởi mở”.
Ông bắt đầu đọc lại các tài liệu khoa học đã được thực hiện cho đến thời điểm đó, và ngạc nhiên khi nhận ra rằng dữ liệu thu thập được chẳng có bao nhiêu. “Tôi nhận ra mọi người làm việc rất sơ sài”, ông nhớ lại. Các lý thuyết được hình thành phần lớn trong bóng tối, dựa trên những chuyện kể cá nhân hoặc các lý thuyết trừu tượng. “Các nghiên cứu [đã được thực hiện] dường như khá thiếu sót”, ông nói.
Vào thời điểm đó, quan điểm y tế chính thức về bệnh trầm cảm vẫn chưa ngã ngũ giữa hai phe. Cộng đồng khoa học chính thống đã tuyên bố rằng có hai loại trầm cảm. Loại đầu tiên là do não hoặc cơ thể của bạn bắt đầu tự sinh ra trục trặc: Họ đặt tên cho loại này là “trầm cảm nội sinh” (endogenous depression). Nhưng cũng có một số dạng trầm cảm do một biến cố tồi tệ nào đó xảy ra trong cuộc sống cá nhân của bạn, và họ đặt tên cho nó là “trầm cảm phản ứng” (reactive depression). Tuy nhiên, không ai biết những người bị trầm cảm “phản ứng” nghĩa là phản ứng với cái gì, hay ranh giới giữa hai loại trầm cảm khác nhau này là ở đâu – hay thậm chí liệu sự phân biệt này có ý nghĩa gì không.
George kết luận, để tìm ra câu chuyện thực sự, bạn phải làm điều gì đó mà trước đây chưa ai từng làm ở quy mô đáng kể. Bạn phải tiến hành một cuộc điều tra khoa học thích hợp về những người bị trầm cảm hoặc lo âu cực độ, sử dụng kỹ thuật hơi giống với những kỹ thuật bạn dùng để tìm ra lý do tại sao dịch tả lại lây lan hay bệnh viêm phổi lây nhiễm như thế nào. Thế là ông bắt đầu vạch ra kế hoạch.
*
Ở quận Camberwell, phía Nam London, khi George đi qua các con phố nơi đây, sự náo nhiệt của thành phố dường như biến mất. Nó chỉ cách trung tâm London có hai dặm, nhưng điều duy nhất có thể thuyết phục bạn tin vào điều đó là ngọn tháp của nhà thờ St. Paul phía xa. Ông dạo qua vài ngôi nhà to lớn, xinh đẹp thời Victoria, rồi đi qua từng khu ổ chuột cũ kỹ đã bị bỏ hoang vì chính phủ phá bỏ. Những dãy nhà của tầng lớp lao động mà ông biết từ khi còn bé đã bị phá dỡ để nhường chỗ cho những tòa nhà bê tông to lớn in bóng trên nền trời London. Khi ông đến nhà một người phụ nữ, bà kể rằng tuần này bà đã phải gọi xe cứu hỏa đến nhà ba lần, vì khi khu phố này đang được sơ tán thì lũ trẻ đã châm lửa đốt các đống đổ nát.
Thông qua các dịch vụ điều trị tâm thần tại địa phương, George đã sắp xếp để thực hiện một dự án nghiên cứu chưa từng có. Kế hoạch của ông là trong nhiều năm, ông và nhóm nghiên cứu của mình sẽ theo dõi và làm quen với hai nhóm phụ nữ khác nhau. Nhóm đầu tiên gồm những người phụ nữ đã được bác sĩ tâm thần chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Có 114 người, nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu là phỏng vấn sâu tại nhà và thu thập một số thông tin quan trọng về họ. Đặc biệt, nhóm muốn tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra với những người phụ nữ đó trong một năm trước khi họ bị trầm cảm. Khoảng thời gian đó rất quan trọng, vì những lý do mà lát nữa bạn sẽ thấy.
Đồng thời, họ chọn ngẫu nhiên một nhóm thứ hai – 344 người phụ nữ “bình thường” ở Camberwell, có cùng mức thu nhập, và không bị xếp vào loại trầm cảm. Các nhà nghiên cứu cũng phỏng vấn sâu nhóm này nhiều lần tại nhà, để xem xét những điều tốt và xấu nào đã xảy ra trong cuộc sống của họ qua một năm điển hình.
George cho rằng chìa khóa để tìm ra nguyên nhân gây trầm cảm nằm ở việc so sánh hai nhóm này.
Hãy tưởng tượng nếu bạn điều tra một cái gì đó thực sự ngẫu nhiên, như những người bị thiên thạch rơi trúng. Nếu bạn nghiên cứu điều gì xảy ra với họ vào cái năm dẫn đến tai nạn đó, và so sánh với một năm điển hình trong cuộc đời của những người không bị thiên thạch rơi trúng, thì bạn sẽ thấy chẳng có gì khác. Nó không liên quan đến bất kỳ nguyên nhân nào sâu xa hơn trong cuộc sống của những người này: Họ chỉ là nạn nhân của một tảng đá từ trên trời rơi xuống. Lúc đó – và cả bây giờ – rất nhiều người nghĩ về trầm cảm và lo âu theo kiểu như vậy: rằng đó chỉ là một “mảnh thiên thạch” xui xẻo về mặt hóa học, ngẫu nhiên xảy ra bên trong hộp sọ chứ không phải trong cuộc sống của bạn. Nghiên cứu này có thể chứng minh liệu quan niệm đó có đúng hay không. Nếu đúng, thì George sẽ không tìm thấy điều gì khác biệt giữa cuộc sống của những người phụ nữ trầm cảm với cuộc sống của những người phụ nữ không trầm cảm trong cái năm then chốt dẫn đến việc họ phát bệnh trầm cảm.
Nhưng nếu có khác biệt thì sao? George biết điều đó sẽ tiết lộ một thứ thật sự quan trọng. Nó có thể cung cấp cho chúng ta manh mối về nguyên nhân gây ra trầm cảm. Có phải thời thơ ấu hay cuộc sống cá nhân của những người phụ nữ trầm cảm đã gặp chuyện bất ổn, như những người theo trường phái Freud nói? Hay một điều gì khác đang xảy ra? Nếu vậy thì đó là gì?
Vì thế, George – cùng với nhóm ông, trong đó có một nhà nghiên cứu và chuyên gia trị liệu trẻ tuổi tên là Tirril Harris – đã đến nhà tất cả những người phụ nữ này, làm quen với họ. Nhóm nghiên cứu đã phỏng vấn rất chi tiết. Sau đó, họ phân loại cuộc sống của những người phụ nữ này rất cẩn thận, sử dụng các phương pháp thống kê và thu thập dữ liệu phức tạp mà họ đã thống nhất từ khi bắt đầu nghiên cứu. Họ đang xây dựng một cơ sở dữ liệu về rất nhiều yếu tố, dựa trên bất cứ thứ gì họ nghi ngờ là có thể đóng một vai trò nào đó trong bệnh trầm cảm.
Một ngày nọ, Tirril đến gặp một người phụ nữ sống ở tầng trệt một ngôi nhà hai phòng ngủ điển hình trong khu phố, cô Trent. Cô kết hôn với một tài xế xe tải và cùng sống trong ngôi nhà nhỏ này với ba đứa con nhỏ, tất cả đều dưới bảy tuổi. Vào thời điểm Tirril gặp Trent, Trent nói rằng mình hoàn toàn không thể tập trung, thậm chí không thể tập trung đủ lâu để đọc một bài báo. Cô ấy mất hứng thú với việc ăn uống và cả quan hệ tình dục. Cô khóc gần như suốt ngày. Cô cảm thấy cơ thể mình như bị nhốt kín với sự căng thẳng, nhưng không biết tại sao. Suốt sáu tuần liền, cô chỉ ngủ được vào ban ngày, và nằm dài ở đó, hy vọng thế giới sẽ biến mất.
Khi làm quen với cô Trent, họ phát hiện ra rằng có điều gì đó đã xảy ra, không lâu trước khi cô lâm vào trầm cảm. Ngay sau khi đứa con thứ ba của họ chào đời, chồng cô bị mất việc. Cô Trent không quá lo lắng, và chỉ vài tuần sau chồng cô đã tìm được một công việc khác, nhưng sau đó anh lại đột ngột bị sa thải mà không rõ lý do. Cô Trent tin rằng chồng mình đã bị sếp cũ “chơi”, và điều đó thật tệ. Anh không thể tìm được một công việc nào khác. Vì ở Camberwell lúc đó việc các bà mẹ đi làm là cấm kỵ nên điều này có nghĩa là cả gia đình cô Trent sẽ lâm vào tình trạng bấp bênh lâu dài – họ sẽ sống thế nào đây? Cô nói với George và Tirril rằng cuộc hôn nhân “thế là hết”, nhưng cô có thể làm gì cơ chứ? Cô cứ đóng gói đồ đạc và bỏ đi, nhưng không bao giờ đi nổi quá cuối phố. Cô có thể đi đâu đây?
“Điều tôi ấn tượng là cách các cuộc phỏng vấn đã diễn ra”, George nói khi tôi đến gặp ông. “Nhìn chung những người phụ nữ ấy không quen nói về bản thân họ. Và rồi xuất hiện người thể hiện sự quan tâm đến họ và sẵn lòng nghe họ nói chuyện”. Ông ấy có thể thấy “việc này nói chung có ý nghĩa với những người phụ nữ ấy. Ngoài ra, những câu chuyện họ kể cũng rất hợp lý... Họ biết họ đang đau khổ và gặp rắc rối”.
Nhiều phụ nữ họ gặp cũng giống như cô Trent, và cả hai cách lý giải về trầm cảm đã tồn tại cho đến thời điểm đó dường như không đủ để mô tả về cô ấy. Có lẽ trong não hoặc trong cơ thể của cô có vấn đề. Nhưng chắc chắn cũng có một vấn đề trong cuộc sống cá nhân của cô. Nhưng có vẻ như với George, chứng trầm cảm của cô Trent đã được kích hoạt bởi một thứ gì đó lớn hơn. Nhưng ông không biết mô tả nó thế nào cho đến khi thu thập được các kết quả.
*
Điều đầu tiên nhóm nghiên cứu muốn biết về những người phụ nữ này là liệu họ có trải qua bất kỳ mất mát nghiêm trọng nào, hay những sự kiện thực sự tiêu cực nào hay không trong cái năm trước khi họ lâm vào trầm cảm. Những người phụ nữ này thường mô tả là họ đã trải qua hàng loạt sự kiện khủng khiếp – từ con trai vào tù, chồng bị chẩn đoán tâm thần phân liệt, đến một đứa con mới sinh bị tàn tật nặng. George và Tirril rất nghiêm túc về những gì họ xếp loại là “nghiêm trọng” trong dữ liệu. Một người phụ nữ nói cô ấy xem chú chó của mình như con, và cuộc sống của cô luôn gắn liền với nó, thế rồi nó chết – nhưng nhóm nghiên cứu không coi việc mất một con vật cưng là sự kiện nghiêm trọng, vì thế họ đã bỏ nó ra.
Đồng thời, họ muốn xem xét những điều khác mà họ ngờ rằng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của ai đó theo thời gian, nhưng không thể coi đó là sự kiện chỉ xảy ra một lần trong đời. Do vậy họ chia chúng thành hai loại.
Họ định dạng loại đầu tiên là “yếu tố khó khăn” – được định nghĩa là một vấn đề diễn ra thường xuyên và liên tục, có thể bao gồm từ việc có một cuộc hôn nhân tồi tệ, sống trong một ngôi nhà tồi tàn, đến việc buộc phải rời xa cộng đồng và nơi sinh sống.
Loại thứ hai thì hoàn toàn ngược lại – “yếu tố ổn định”, những thứ mà họ cho rằng có thể thúc đẩy bạn và bảo vệ bạn khỏi tuyệt vọng. Vì vậy, họ cẩn thận ghi lại xem những người phụ nữ ấy có bao nhiêu bạn thân và mối quan hệ của họ với bạn đời tốt đẹp đến mức nào.
Sau nhiều năm kiên nhẫn thu thập bằng chứng, nói chuyện với hết người này đến người khác rồi quay lại thăm nhân vật phỏng vấn sau những khoảng thời gian dài, nhóm nghiên cứu cuối cùng đã có thể ngồi thống kê các con số. Họ dành nhiều tháng để tìm ra những bí mật mà dữ liệu tiết lộ. Khi làm điều này, họ cảm thấy trách nhiệm thật nặng nề. Đây là lần đầu tiên bằng chứng khoa học được thu thập theo cách này.
Nếu câu chuyện mà tôi nghe bác sĩ kể khi còn là một thiếu niên là đúng – rằng trầm cảm chỉ đơn giản là do mức serotonin trong não thấp, chứ không phải do bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc sống của bạn – thì sẽ không có sự khác biệt nào giữa hai nhóm.
*
Tirril nhìn chằm chằm vào kết quả.
Trong số những người phụ nữ không bị trầm cảm, khoảng 20% đã trải qua một sự kiện tiêu cực đáng kể trong năm trước đó. Còn trong số những người phụ nữ mắc chứng trầm cảm, khoảng 68% từng có một trải nghiệm tiêu cực đáng kể trong năm trước khi bắt đầu bị trầm cảm.
Khoảng cách giữa hai nhóm là 48% – quá nhiều để kết luận rằng sự khác biệt này là ngẫu nhiên. Điều này cho thấy việc trải qua một chuyện gì đó thực sự căng thẳng có thể gây ra trầm cảm.
Nhưng đây mới chỉ là phát hiện đầu tiên của họ. Hóa ra những người phụ nữ bị trầm cảm có nguy cơ phải đối mặt với các tác nhân gây căng thẳng nghiêm trọng và kéo dài trong một năm trước khi mắc bệnh cao gấp ba lần so với những người không bị trầm cảm. Không chỉ một sự kiện tồi tệ có thể gây ra trầm cảm mà nguồn căng thẳng kéo dài cũng vậy. Và nếu bạn có một số điều ổn định tích cực trong cuộc sống, thì bạn sẽ giảm được đáng kể nguy cơ phát bệnh trầm cảm. Mỗi người bạn tốt mà bạn có, hay việc người bạn đời của bạn biết hỗ trợ và quan tâm nhiều hơn, đều giúp giảm trầm cảm một cách đáng kể.
Vì vậy, George và Tirril đã phát hiện ra rằng hai điều khiến khả năng bị trầm cảm có thể cao hơn nhiều là: (1) gặp phải một sự kiện tiêu cực nghiêm trọng và (2) có những nguồn căng thẳng, bất an kéo dài trong cuộc sống. Nhưng kết quả đáng ngạc nhiên nhất là những gì xảy ra khi các yếu tố này gộp lại với nhau. Nguy cơ mắc trầm cảm của bạn không chỉ được cộng dồn, mà nó còn bùng nổ. Ví dụ: nếu bạn không có bất kỳ người bạn nào, còn bạn đời không biết hỗ trợ, thì khả năng bạn mắc trầm cảm khi một sự kiện tiêu cực nghiêm trọng xảy ra trong cuộc sống là 75%.
Hóa ra khi mọi điều tồi tệ xảy đến với bạn, những nguồn căng thẳng, sự thiếu hỗ trợ – mỗi điều như vậy đều khiến nguy cơ trầm cảm tăng cao. Nó giống như đặt một cây nấm vào nơi tối tăm và ẩm ướt. Cây nấm sẽ phát triển nhanh hơn ở một nơi chỉ tối, hoặc ở một nơi chỉ ẩm ướt. Nhưng nó sẽ còn phình to hơn nếu có cả hai yếu tố cộng lại.
George không nghĩ rằng mình sẽ tìm thấy một hiệu ứng lớn đến vậy. Khi cố gắng tiếp thu kết quả này, họ nghĩ về những người phụ nữ mà họ đã phỏng vấn trong suốt những năm qua. Họ đã chứng minh được rằng ở một mức độ đáng kể, trầm cảm thật ra không phải là vấn đề với não, mà là với cuộc sống của bạn. Sau khi nghiên cứu này được công bố, một giáo sư đã gọi nó là “một bước nhảy vọt lượng tử” về hiểu biết của chúng ta đối với căn bệnh trầm cảm.
*
George và Tirril đã đi đến kết luận rằng “trầm cảm lâm sàng là một phản ứng dễ hiểu đối với nghịch cảnh”. Hãy nghĩ về cô Trent, người bị mắc kẹt trong một cuộc hôn nhân bế tắc với một người đàn ông không thể kiếm được việc làm, cố gắng sinh tồn, không còn cơ hội có được một cuộc sống tốt hơn. Cô thấy trước mắt mình rằng đời cô sẽ là một cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt, mãi mãi không có niềm vui. Họ tự hỏi, chẳng phải sẽ có lý hơn khi nói rằng nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm của cô nằm ở “môi trường, chứ không phải ở con người”?
Khi đọc kết luận này, tôi có thể thấy sức mạnh trong logic của họ. Nhưng rõ ràng là tôi đã phản đối nó. Tôi không sống trong một dự án nhà ở đang xuống cấp ở khu vực tồi tệ nhất London – không phải bây giờ, mà cũng chưa bao giờ trong bất cứ thời điểm nào tôi bị trầm cảm. Cuộc sống của tôi chưa bao giờ giống như cuộc đời của cô Trent. Hầu hết những người tôi quen bị trầm cảm cũng chưa từng phải sống trong cảnh nghèo đói. Vậy phát hiện của họ có ý nghĩa gì với những người như chúng tôi?
Khi nghiền ngẫm các con số, George và Tirril đã phát hiện ra rằng những người sống trong cảnh nghèo đói có nhiều khả năng lâm vào trầm cảm hơn – nhưng dữ liệu cho thấy sẽ quá sơ sài nếu nói rằng nghèo đói gây ra trầm cảm. Có điều gì đó tinh vi hơn đã xảy ra. Những người nghèo có nhiều khả năng lâm vào trầm cảm hơn vì bình quân họ phải đối mặt với căng thẳng kéo dài hơn, và vì nhiều sự kiện tiêu cực trong cuộc sống xảy ra với họ, và vì họ có ít yếu tố ổn định hơn. Nhưng những nguyên nhân cơ bản thì phải đúng với tất cả mọi người, dù giàu có, trung lưu hay nghèo đói. Tất cả chúng ta đều đánh mất hy vọng khi bị căng thẳng nghiêm trọng hoặc khi có điều gì đó khủng khiếp xảy ra với chúng ta, nhưng nếu căng thẳng hay những sự kiện tồi tệ diễn ra trong suốt một thời gian dài, thì những gì bạn nhận được là “một tổng hòa của sự vô vọng”, Tirril nói với tôi. Nó lan ra toàn bộ cuộc sống của bạn, như một vết dầu loang, và bạn bắt đầu muốn bỏ cuộc.
Nhiều năm sau, các nhóm nghiên cứu khoa học xã hội đã sử dụng các kỹ thuật giống hệt như George và Tirril đã làm để điều tra nguyên nhân gây ra trầm cảm ở những nơi hoàn toàn khác nhau như xứ Basque và vùng nông thôn Zimbabwe. Họ phát hiện ra rằng những yếu tố thúc đẩy trầm cảm – hoặc bảo vệ người ta khỏi trầm cảm – sau đây có ở khắp mọi nơi. Ở vùng nông thôn Tây Ban Nha, tỷ lệ trầm cảm cực kỳ thấp vì có một cộng đồng mạnh mẽ bảo vệ mọi người và có rất ít trải nghiệm gây sang chấn. Ở Zimbabwe, tỷ lệ trầm cảm rất cao vì người dân nơi đây thường xuyên phải đối mặt với những trải nghiệm gây sang chấn. Ví dụ, nếu bạn là phụ nữ và bạn không thể có con, bạn có thể bị trục xuất ra khỏi gia đình và cộng đồng của mình. (Tôi đã đến vùng nông thôn Zimbabwe khi đang nghiên cứu cho cuốn sách này và đã tận mắt chứng kiến điều ấy).
Nhưng các nhà nghiên cứu đã biết được rằng dù bạn ở đâu trên thế giới, thì những yếu tố này vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc bạn có lâm vào tình trạng trầm cảm hay không. Họ dường như đã khám phá ra những bước khởi đầu cho công thức bí mật về những gì thực sự ẩn chứa bên trong căn bệnh trầm cảm.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã làm hết tất cả những việc ấy, George và Tirril biết rằng vẫn còn có điều gì đó mà họ không thể nhìn thấy trong bức tranh toàn cảnh về căn bệnh này. Đó là gì?
*
Khi George và Tirril công bố các kết quả nghiên cứu, một số bác sĩ tâm thần đã nhanh chóng phản ứng. Họ tuyên bố: Chúng tôi đã luôn nói rằng một số người mắc trầm cảm là vì những biến cố trong cuộc sống. Đó chính là những người mắc chứng “trầm cảm phản ứng”. Được rồi, vậy là các bạn đã tinh chỉnh những gì chúng tôi biết về họ, để rồi vinh quang thuộc về các bạn. Nhưng vẫn có một lượng lớn những người bị trầm cảm vì những lý do bên trong cơ thể. Đó là những người mắc chứng “trầm cảm nội sinh”. Tất cả những gì xảy ra với họ là do một thứ bên trong não bộ gặp trục trặc.
Nhưng George và Tirril giải thích rằng họ đã nghiên cứu những người phụ nữ được các bác sĩ tâm thần phân loại là mắc chứng “trầm cảm phản ứng” và cả những người phụ nữ được phân loại là mắc chứng “trầm cảm nội sinh”. Những gì họ tìm được – khi so sánh các bằng chứng – cho thấy không có gì khác biệt giữa hai nhóm. Cả hai đều có những biến cố tồi tệ trong đời với tỷ lệ như nhau. Vì thế nhóm nghiên cứu kết luận rằng sự phân biệt này là vô nghĩa.
“Thật không thể tin được chúng ta phải đi thuyết phục mọi người rằng các sự kiện trong đời thật sự có ảnh hưởng [đến chứng trầm cảm và lo âu]”, Tirril Harris – đồng tác giả của nghiên cứu này – nói với tôi trong văn phòng nơi bà vẫn thực hành trị liệu ở Bắc London. Tôi hỏi bà sẽ nói gì với những người nghĩ rằng hầu hết chứng trầm cảm đều xuất phát từ bên trong, do não bộ gây ra – như thế hệ của tôi đã được nghe các bác sĩ giải thích. Bà nhíu mày. “Không sinh vật nào tồn tại mà không có môi trường, vì như thế thì nó không thể tồn tại được. Tôi nghĩ rằng họ hơi thiếu hiểu biết, vậy thôi”, bà nói. Rồi bà cười với tôi một cách kiên nhẫn. “Thực tế là rất nhiều người trên thế giới có những quan điểm thiếu căn cứ và người ta đã quen với điều đó”.
*
Nhiều năm sau, Tirril đã sử dụng các kỹ thuật tương tự để thực hiện một nghiên cứu về chứng lo âu, và tìm ra những kết quả tương tự. Đó không chỉ là một vấn đề do não bộ hoạt động sai gây ra. Mà là do cuộc đời đầy khó khăn sóng gió.
*
George và Tirril tin rằng nghiên cứu của họ nơi những con phố ở Nam London mới chỉ chạm tới phần bề mặt vấn đề. Còn rất nhiều điều cần phải hỏi đối tượng nghiên cứu. Họ nhận thức rõ rằng có rất nhiều yếu tố trong cuộc sống của những người mắc chứng trầm cảm và lo âu mà họ không nhìn ra. Vấn đề tiếp theo nên được nghiên cứu là gì đây? Họ đã cắm ngọn cờ đầu tiên trên mặt trăng trong việc tìm hiểu các nguyên nhân xã hội gây ra trầm cảm và lo âu. Họ mong đợi các phi thuyền khác sẽ sớm theo chân họ để thực hiện những chuyến thăm dò khác. Nhưng rồi... trong quá trình truyền đạt những ý tưởng này đến công chúng, họ chỉ nhận được sự im lặng. Các phi thuyền khác không bao giờ đến. Lá cờ của họ đã bị bỏ lại, trong không gian lặng gió.
Trong vài năm, cuộc tranh luận công khai về chứng trầm cảm đã chuyển sang khám phá ra các loại thuốc chống trầm cảm mới, và làm thế nào để ngăn chặn chứng trầm cảm bên trong não – chứ không phải ngoài xã hội. Cuộc trò chuyện chuyển từ việc tìm ra điều gì đang khiến chúng ta không hạnh phúc trong cuộc sống, sang việc cố gắng ngăn chặn các chất dẫn truyền thần kinh trong não khiến chúng ta cảm nhận điều đó.
Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, George và Tirril đã thắng. Trong vòng vài năm, bằng chứng cho thấy các yếu tố môi trường là một phần quan trọng gây ra trầm cảm và lo âu đã được các học giả bồi đắp dần lên, cho đến khi nó trở nên không thể phủ nhận trong hầu hết giới khoa học. Những phát hiện này nhanh chóng trở thành một phần quan trọng, làm cơ sở cho việc đào tạo tâm thần học nhiều nơi ở phương Tây. Hầu hết các khóa đào tạo chính thống bắt đầu dạy rằng các dạng đau khổ về tinh thần như trầm cảm và lo âu là do ba loại nguyên nhân: sinh học, tâm lý và xã hội. Chúng đều có thật. Đây được gọi là “mô hình tâm lý – xã hội – sinh học”. Rất đơn giản. Cả ba nhóm yếu tố này đều có liên quan, nên nếu muốn hiểu được chứng trầm cảm và lo âu của một người, bạn cần phải xem xét tất cả các yếu tố ấy.
Nhưng những hiểu biết đúng đắn này vẫn bị giấu kín, bị bưng bít với công chúng – với những người mà lẽ ra chúng đã giúp đỡ được. Họ không giải thích được về sự tăng nhanh quá mức số người bị trầm cảm và lo âu, và không định hình được phương pháp điều trị nào dành cho những người đó.
*
Công chúng chưa bao giờ được biết về hàm ý lớn nhất của nghiên cứu này. George và Tirril đã kết luận rằng: Khi đề cập đến chứng trầm cảm và lo âu, “việc chú ý đến môi trường sống của một người ít nhất cũng có thể hiệu quả như điều trị về thể lý”. Nhưng không ai hỏi họ rằng: Chúng tôi sẽ làm điều đó bằng cách nào? Những thay đổi nào về môi trường sẽ làm giảm trầm cảm và lo âu?
Những câu hỏi này dường như quá lớn, quá mang tính cách mạng để có thể xử lý. Ngày nay chúng vẫn bị bỏ qua – mặc dù sau này, tôi đã bắt đầu khám phá được ý nghĩa của chúng.
*
Giờ đây, tôi nhận ra rằng nghiên cứu Camberwell là thời điểm mà toàn bộ lịch sử hiểu biết về bệnh trầm cảm lẽ ra đã có thể đi theo một hướng hoàn toàn khác. Nghiên cứu của họ được công bố vào năm 1978, một năm trước khi tôi chào đời. Nếu thế giới lắng nghe George và Tirril, thì khi tôi đến gặp bác sĩ của mình 18 năm sau khi họ công bố nghiên cứu, ông ấy có lẽ đã cho tôi một câu chuyện rất khác về lý do tại sao tôi lại đau đớn như vậy – và làm thế nào để tìm ra đường trở lại trạng thái bình thường.
*
Khi tôi chào tạm biệt George Brown sau một trong những cuộc trò chuyện dài, ông nói với tôi rằng ông sẽ dành phần thời gian còn lại trong ngày để thực hiện bài báo khoa học mới nhất của mình, tìm hiểu sâu hơn về nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Lúc đó ông đã 85 tuổi, vì vậy George nói, có lẽ đây sẽ là công trình nghiên cứu cuối cùng của ông. Nhưng ông sẽ không dừng lại. Khi ông quay bước, tôi hình dung ra cô hàng xóm của ông, người đã tự trầm mình nhiều năm trước trong im lặng. “Có rất nhiều điều chúng ta cần biết”, George nói với tôi. Vậy thì tại sao lúc này ông lại dừng lại chứ?