Sau khi tìm hiểu tất cả những điều này, tôi bắt đầu đi theo con đường mà nghiên cứu của George Brown và Tirril Harris đã khởi xướng trên khắp thế giới. Tôi muốn biết ai khác đã nghiên cứu các khía cạnh dường như còn ẩn giấu của trầm cảm và lo âu, và điều đó có ý nghĩa gì trong việc tìm cách giảm thiểu chúng? Trong vài năm tiếp theo, tôi nhận thấy trên khắp thế giới đã có những nhà khoa học xã hội và tâm lý học cầm lấy “lá cờ tả tơi” của George và Tirril. Tôi đã ngồi với họ từ San Francisco đến Sydney, từ Berlin đến Buenos Aires, và tôi nghĩ về họ như một kiểu “Lực lượng bí mật kháng cự trầm cảm và lo âu”, những người chắp nối lại một câu chuyện phức tạp và chân thực hơn.
Chỉ sau một thời gian dài nói chuyện với các nhà khoa học xã hội này, tôi mới nhận ra rằng mọi nguyên nhân xã hội, tâm lý gây ra trầm cảm và lo âu mà họ khám phá ra có điểm gì đó chung.
Chúng đều là những hình thức mất kết nối. Tất cả đều là những trường hợp chúng ta bị cắt đứt ra khỏi thứ mà chúng ta bẩm sinh cần có, nhưng dường như đã đánh mất trong đời.
Sau nhiều năm nghiên cứu về chứng trầm cảm và lo âu, tôi đã có thể xác định được 9 nguyên nhân. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không nói chỉ có những nguyên nhân này mới gây ra trầm cảm và lo âu. Còn nhiều điều chưa được khám phá (hoặc tôi chưa nói đến trong nghiên cứu của mình). Tôi cũng không nói rằng tất cả những ai bị trầm cảm hoặc lo âu sẽ tìm thấy toàn bộ những yếu tố này trong cuộc sống của họ. Ví dụ, tôi đã trải nghiệm một số trong đó nhưng không phải là tất cả.
Nhưng việc lần theo con đường này đã thay đổi cách tôi nghĩ về một số cảm xúc sâu xa nhất của chính mình.