Joe Phillips đang đợi đến hết ngày. Nếu bạn bước vào cửa hàng sơn ở Philadelphi nơi anh làm việc và yêu cầu một lít sơn có màu gì đó, Joe sẽ bảo bạn chọn trong bảng màu và anh ấy sẽ pha sơn cho bạn. Công việc của anh mỗi ngày luôn giống nhau. Anh sẽ cho một chút bột màu vào lon, rồi đặt cái lon vào một chiếc máy trông hơi giống lò vi sóng, và chiếc máy sẽ lắc mạnh. Như vậy sẽ giúp cho sơn được đều màu. Sau đó, anh sẽ thu tiền của bạn và nói “Cảm ơn”. Rồi anh đợi khách hàng tiếp theo và làm y hệt. Rồi, anh ta lại đợi khách hàng tiếp theo nữa và cũng làm y hệt. Suốt ngày. Ngày nào cũng như ngày nấy.
Nhận đơn.
Lắc sơn. Nói “Cảm ơn”.
Chờ đợi.
Nhận đơn.
Lắc sơn. Nói “Cảm ơn”.
Chờ đợi.
Cứ thế. Và cứ thế.
Không ai để ý xem Joe có làm tốt hay không. Điều duy nhất sếp của Joe từng phàn nàn là lúc anh đi trễ, khi đó ông ta sẽ quát mắng anh. Khi Joe rời chỗ làm, anh luôn nghĩ: “Mình không cảm thấy mình đã tạo ra được sự khác biệt nào cho cuộc sống của bất kỳ ai”. Anh kể cho tôi rằng thái độ của những người chủ luôn là: “Cậu sẽ làm như thế này. Cậu sẽ phải có mặt vào giờ này. Và miễn sao làm được như vậy thì cậu sẽ ổn”. Nhưng anh nghĩ thầm: “Khả năng thay đổi ở đâu? Khả năng phát triển ở đâu? Khả năng thực sự tạo ra tác động đến công ty mà tôi đang làm việc là ở đâu? Bởi vì bất cứ ai cũng có thể có mặt đúng giờ và làm những gì người ta bảo bạn làm”.
Joe cảm thấy suy nghĩ, hiểu biết và cảm xúc về con người của anh gần như chẳng có gì. Nhưng bất cứ khi nào chia sẻ với tôi cảm giác mà công việc mang lại, khi chúng tôi ăn tối ở một nhà hàng Trung Quốc, sau đó Joe sẽ lập tức tự giày vò mình. “Có những người ngoài kia thèm muốn công việc này và tôi hiểu điều đó. Tôi rất biết ơn công việc của mình”. Lương bổng hợp lý; anh có thể sống với bạn gái ở một chỗ khá ổn; anh biết nhiều người còn không có bất kỳ điều gì trong số đó. Anh cảm thấy thật tội lỗi khi cảm thấy như vậy. Nhưng rồi cảm xúc đó cứ quay trở lại.
Và anh lại tiếp tục lắc sơn.
Tiếp tục lắc sơn.
Tiếp tục lắc sơn.
“Vì vậy, sự đơn điệu nằm ở chỗ bạn liên tục cảm thấy như thể bạn đang làm điều mà bạn không muốn làm”, anh nói với tôi. “Niềm vui ở đâu? Tôi không đủ hiểu biết để giải thích nó, nhưng chỉ là cảm giác tổng thể... [cho thấy] bạn cần một cái gì đó để lấp đầy khoảng trống. Mặc dù bạn không bao giờ có thể định nghĩa được cái khoảng trống đó là gì”.
Anh rời nhà lúc bảy giờ sáng, làm việc suốt cả ngày và về nhà lúc bảy giờ tối. Anh bắt đầu tự hỏi – “mày bỏ bốn mươi đến năm mươi giờ mỗi tuần để làm việc này, nếu thực sự mày không thích nó thì mày chỉ đang đẩy mình vào chỗ trầm cảm và lo âu. Và tôi tự hỏi: Tại sao mình lại làm công việc này? Phải có thứ gì đó tốt hơn thế này chứ”. Anh bắt đầu cảm thấy “thật vô vọng. Vấn đề ở đây là gì?”.
“Bạn phải được thử thách theo một cách lành mạnh”, anh hơi nhún vai và nói. Tôi nghĩ anh cảm thấy xấu hổ khi nói ra điều đó. “Bạn phải biết rằng tiếng nói của bạn có giá trị. Bạn phải biết rằng nếu bạn có ý tưởng hay, bạn có thể lên tiếng, và thay đổi được điều gì đó”. Anh chưa bao giờ có một công việc như vậy, và anh sợ rằng mình sẽ không bao giờ có.
Theo lời Joe giải thích, nếu bạn có quá nhiều thời gian phải lê lết cho qua một ngày, thì thật khó mà xua điều đó đi để gắn kết với những người bạn yêu thương khi trở về nhà. Anh sẽ có năm giờ dành cho bản thân trước khi đi ngủ rồi lại thức dậy để lắc sơn. Anh chỉ muốn gà gật trước tivi, hoặc muốn ở một mình. Vào cuối tuần, tất cả những gì anh muốn làm là nốc thật nhiều rượu và xem một trận đấu.
Một ngày nọ, Joe liên lạc với tôi vì anh đã nghe một số bài nói chuyện của tôi trên mạng và muốn nói về chủ đề cuốn sách mới nhất của tôi, đó là sự nghiện ngập (một phần nội dung cuốn sách). Chúng tôi hẹn gặp nhau và đi dạo qua các đường phố ở Philadelphia trước khi dùng bữa. Ở đó, anh kể cho tôi nghe một câu chuyện. Sau khi đã lắc sơn rất nhiều, một đêm nọ Joe đến sòng bạc với nhóm bạn, và một người trong số họ đưa cho anh viên thuốc nhỏ màu xanh lam. Đó là 30 miligam thuốc giảm đau gốc thuốc phiện Oxycontin. Joe nuốt nó và cảm thấy sướng tê người. Vài ngày sau, anh nghĩ có lẽ điều này sẽ giúp ích cho mình trong công việc. Khi nuốt viên thuốc ấy, anh cảm thấy những cảm xúc tiêu cực đang tràn ngập trong đầu anh phai nhạt dần. Chẳng bao lâu sau, “tôi phải chắc chắn là đã nuốt mấy viên thuốc đó trước khi đi làm, đảm bảo là mình mang theo đủ thuốc tại nơi làm việc để chịu đựng công việc ấy, rồi cả chia số thuốc ra [để uống]”, anh nói. Anh sẽ uống thêm ít thuốc nữa khi về nhà với vài cốc bia, và nghĩ: “Mình có thể đối phó với cái thứ công việc nhảm nhí ấy nếu biết rằng khi về nhà, mình được làm điều này”.
Và anh lại tiếp tục lắc sơn.
Tiếp tục lắc sơn.
Tiếp tục lắc sơn.
Tôi tự hỏi liệu có phải thuốc Oxycontin đã khiến Joe trở nên trống rỗng và vô hồn như chính công việc của anh không. Nó dường như làm tan biến mâu thuẫn giữa mong muốn tạo ra sự khác biệt và thực tế cuộc sống của anh. Khi tôi bắt đầu nói chuyện với Joe, lúc đầu anh nghĩ rằng anh đang kể cho tôi nghe một câu chuyện về chứng nghiện ngập. Những người anh tìm đến nhờ giúp đỡ để tống khứ Oxycontin bảo rằng anh “bẩm sinh đã là một con nghiện”. Đó là câu chuyện mà anh kể cho tôi lúc đầu. Nhưng khi chúng tôi trò chuyện thêm chút ít, anh lại kể rằng anh đã có những khoảng thời gian nghiện rượu khá nặng, hút thuốc lá và chơi một loại cocaine ít được biết đến khi còn là sinh viên đại học; nhưng thỉnh thoảng trong các bữa tiệc anh mới đụng đến chúng, chứ chưa bao giờ cảm thấy thôi thúc muốn sử dụng chúng nhiều hơn. Chỉ đến khi bước vào một công việc mờ mịt – và coi đó là ngõ cụt – thì anh ấy mới bắt đầu tự làm mình tê dại như vậy.
Sau khi mất vài tháng khổ sở mới tống khứ được Oxycontin, cảm giác cuộc sống không thể chịu đựng được đã quay trở lại với Joe. Tất cả những suy nghĩ anh đang cố gắng tránh xa lại tái diễn khi anh cứ phải lắc sơn hết ngày này qua ngày khác.
Anh nói rằng anh biết mọi người cần sơn, cũng như biết mình nên biết ơn công việc. Nhưng anh không thể chịu đựng được ý nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ cứ như thế này suốt ba mươi lăm năm nữa, cho đến khi nghỉ hưu. “Thích... Anh thích công việc của mình, đúng không?”, anh hỏi tôi. Tôi ngừng ghi chú vào sổ tay một lúc. “Khi thức dậy vào buổi sáng, anh mong đợi một ngày mới. Còn khi tôi thức dậy, tôi không muốn đi làm chút nào... Đó chỉ là điều tôi phải làm”.
*
Từ năm 2011 đến 2012, công ty thăm dò ý kiến Gallup đã tiến hành một khảo sát chi tiết nhất từng được thực hiện về cảm nhận của mọi người trên thế giới đối với công việc của họ. Họ đã khảo sát hàng triệu nhân công trên 142 quốc gia. Và phát hiện ra rằng 13% người được phỏng vấn nói rằng họ “gắn kết” với công việc của mình, nghĩa là chúng ta “nhiệt tình và tận tụy với công việc, cũng như đóng góp cho tổ chức một cách tích cực”.
Ngược lại, 63% nói rằng họ “không gắn kết” với công việc, được định nghĩa là “cảm thấy uể oải suốt ngày làm việc, dành thời gian – nhưng không dành năng lượng hoặc đam mê – cho công việc của họ”.
Và 23% khác “chủ động thoát ly” khỏi công việc. Gallup giải thích, họ “không chỉ không hài lòng trong công việc; mà họ còn luôn tìm cách thể hiện sự không hài lòng đó lên những đồng nghiệp khác. Mỗi ngày, nhóm lao động này làm suy yếu những gì mà các đồng nghiệp gắn kết của họ đạt được... Những nhân viên chủ động tách mình ra như vậy không ít thì nhiều sẽ gây thiệt hại cho công ty”.
Điều đó có nghĩa là, theo nghiên cứu của Gallup, 86% số người khi đọc câu chuyện của Joe có thể nhìn thấy một chút bản thân họ trong đó. Số người ghét công việc (23%) nhiều gần gấp đôi số người yêu công việc (13%).
Và điều mà hầu hết chúng ta không thích làm – cảm giác uể oải, hoặc tệ hơn nữa – giờ đây lại chiếm phần lớn thời gian sống của chúng ta. Một giáo sư nghiên cứu chi tiết về vấn đề này đã viết như sau: “Một cuộc khảo sát gần đây đã xác nhận rằng thời gian làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều quả thực đã là một di sản của quá khứ. Ngày nay, một nhân công trung bình kiểm tra email công việc lúc 7 giờ 42 phút sáng, đến văn phòng lúc 8 giờ 18 phút sáng và rời văn phòng lúc 7 giờ 19 phút tối... Cuộc khảo sát gần đây cho thấy cứ ba người lao động ở Anh thì có một người kiểm tra email trước 6 giờ 30 phút sáng, trong khi 80% người sử dụng lao động Anh cho rằng việc gọi điện cho nhân viên ngoài giờ làm việc là có thể chấp nhận được”. Khái niệm “giờ làm việc” đã biến mất đối với hầu hết mọi người. Vì vậy, điều mà 86% chúng ta không thích đang ngày càng lan rộng trong cuộc sống của chúng ta.
Sau bữa ăn của tôi với Joe, tôi bắt đầu tự hỏi liệu tất cả những điều này có đóng vai trò gì trong việc dẫn đến sự gia tăng trầm cảm và lo âu không. Một triệu chứng phổ biến của bệnh trầm cảm là một hội chứng có tên “tri giác sai thực tại” (derealization) – cảm giác những gì bạn đang làm là không có thật hay không đúng với thực tế. Khi đọc những điều này, tôi thấy nó giống như đang mô tả về Joe. Và nếu Joe cũng đang có triệu chứng này thì cũng không hoàn toàn là một điều phi lí. Vì vậy, tôi bắt đầu tìm kiếm bằng chứng khoa học về cảm giác mà hội chứng này mang lại cho mọi người, để xem liệu nó có mối liên hệ nào với chứng trầm cảm và lo âu không. Và tôi chỉ tìm ra câu trả lời khi đến gặp một nhà khoa học xuất sắc.
*
Một ngày nọ, cuối thập niên 1960, một người phụ nữ Hy Lạp nhỏ bé lê chân vào một phòng khám ngoại trú nhỏ ở ngoại ô Sydney, nước Úc. Phòng khám đó nằm trong một bệnh viện thuộc khu vực nghèo nhất thành phố, chuyên chăm sóc sức khỏe cho phần lớn những người nhập cư Hy Lạp. Bà giải thích với bác sĩ trực rằng bà cứ khóc lóc suốt. “Tôi cảm thấy không thiết sống nữa”, bà nói. Ngồi trước mặt bà là hai người đàn ông – một bác sĩ tâm thần người châu Âu với chất giọng đặc sệt, và một thực tập sinh trẻ người Úc cao lớn tên Michael Marmot. “Lần gần đây nhất bà thấy hoàn toàn khỏe mạnh là khi nào?”, vị bác sĩ lớn tuổi hỏi. Người phụ nữ trả lời: “Ôi, thưa bác sĩ. Chồng tôi lại say xỉn và đánh đập tôi. Con trai tôi bị tống vào tù lần nữa. Còn đứa con gái tuổi vị thành niên của tôi thì đang mang thai. Hầu như ngày nào tôi cũng khóc. Cạn kiệt sức lực. Và cả khó ngủ nữa”.
Michael từng gặp rất nhiều bệnh nhân giống như người phụ nữ này đến khu khám bệnh để xin được giúp đỡ. Những người nhập cư đến Úc phải chịu sự phân biệt chủng tộc rất lớn, đặc biệt là thế hệ đầu tiên có cuộc sống khó khăn, hèn mọn. Khi họ bị suy sụp như người phụ nữ này, người ta thường chẩn đoán rằng họ gặp vấn đề y khoa. Đôi khi họ chỉ được cấp cho một loại hỗn dược màu trắng nhẹ, một dạng giả dược; nhưng đôi khi họ được kê những loại thuốc “nặng đô” hơn.
Đối với bác sĩ thực tập Michael ngày ấy, đó có vẻ là một cách phản ứng kỳ lạ. Nhiều năm sau, ông viết: “Tôi thấy thật rõ ràng rằng chứng trầm cảm của người phụ nữ ấy có liên quan đến hoàn cảnh sống của bà”. Nhưng “khi người ta gặp những vấn đề trong cuộc sống, chúng tôi sẽ chữa cho họ bằng một chai hỗn dược màu trắng”. Ông nghi ngờ rằng nhiều vấn đề mà họ đang gặp phải – như có những người phàn nàn về cơn đau dạ dày bí ẩn dường như không có nguyên nhân – cũng là do căng thẳng trong cuộc sống quẫn bách của họ gây ra.
Michael dạo quanh các khu trong bệnh viện và nghĩ: “Tất cả những bệnh tật và đau khổ này hẳn phải cho chúng ta biết được điều gì đó về xã hội, và chúng ta đang làm sai điều gì”. Ông cố gắng thảo luận vấn đề này với các bác sĩ khác, giải thích rằng ông tin với một phụ nữ như bệnh nhân này, chúng ta “nên chú ý đến nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm của bà ấy”. Các bác sĩ rất nghi ngờ. Họ nói với ông rằng điều ông đang nói thật nhảm nhí. Họ giải thích rằng nỗi đau khổ về tâm lý không thể gây ra bệnh tật thể lý được. Đây là niềm tin của hầu hết các nhà y học trên toàn thế giới vào thời điểm đó. Michael ngờ rằng họ đã nhầm. Nhưng ông đã chắc chắn điều gì đâu? Ông không có bằng chứng nào và có vẻ như chưa có ai nghiên cứu vấn đề này. Ông có một linh cảm, và chỉ thế mà thôi.
Một bác sĩ đã nhẹ nhàng gợi ý rằng nếu đó là điều ông quan tâm, thì ông nên cân nhắc việc đi sâu vào nghiên cứu hơn là thực hành tâm thần học.
*
Đó là lý do vì sao sau đó vài năm, Michael đến London trong giai đoạn hỗn loạn của thập niên 1970. Thời gian này là những ngày cuối cùng mà đàn ông ở Anh đội mũ quả dưa đi làm, và họ sẽ đi ngang những cô gái trẻ mặc váy ngắn trên phố, hai thời đại lúng túng né tránh ánh nhìn của nhau. Giữa mùa đông băng giá, Micheal đến một đất nước tưởng chừng sụp đổ đến nơi. Điện bị cắt bốn ngày mỗi tuần do một cuộc đình công kéo dài.
Tuy nhiên, ở trung tâm của xã hội Anh đang rạn nứt này, có một cỗ máy vận hành trơn tru chạy ro ro. Hệ thống công vụ của Anh – với các văn phòng dọc Whitehall, chạy từ Quảng trường Trafalgar đến Tòa nhà Quốc hội – tự ví họ như chiếc Rolls-Royce của các cơ quan hành chính chính phủ. Hệ thống này bao gồm rất nhiều quan chức quản lý mọi khía cạnh của nhà nước Anh, và nó được tổ chức chặt chẽ như quân đội. Có nghĩa là mỗi ngày, hàng nghìn người – khi Michael đến đó lần đầu thì hầu hết là đàn ông – sẽ chui lên từ các ga tàu điện ngầm để vào làm việc tại những chiếc bàn ngăn nắp, nơi mà từ đó họ sẽ quản lý Quần đảo Anh.
Đối với Michael, nó giống như một phòng thí nghiệm hoàn hảo để kiểm tra một thứ khiến ông vô cùng tò mò: Công việc ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như thế nào? Bạn không thể thực sự điều tra điều này bằng cách so sánh những công việc rất khác nhau. Chẳng hạn như, nếu bạn so sánh một công nhân xây dựng, một y tá và một kế toán, sẽ có sự khác biệt rất lớn, đến mức khó mà hiểu được điều gì đang thực sự xảy ra. Công nhân xây dựng bị tai nạn nhiều hơn, y tá dễ bị phơi nhiễm nhiều bệnh hơn, kế toán viên sẽ ngồi nhiều hơn (điều này có hại cho sức khỏe); bạn không thể tìm hiểu xem thật ra cái gì đang gây ra chuyện gì.
Nhưng trong hệ thống công vụ của Anh, không ai nghèo khổ cả; không ai phải sống trong một ngôi nhà ẩm thấp; không ai gặp nguy hiểm về thể chất. Mọi người đều làm công việc bàn giấy. Nhưng có sự khác biệt thực sự về địa vị và mức độ tự do bạn được hưởng khi làm việc. Các công chức Anh được chia thành các cấp với những cấp bậc nghiêm ngặt xác định mức lương họ được trả và mức độ trách nhiệm của họ trong công việc. Michael muốn nghiên cứu xem liệu những khác biệt đó có tác động đến sức khỏe của họ hay không. Ông nghĩ rằng nó có thể cho chúng ta biết điều gì đó về lý do tại sao có quá nhiều người trong xã hội bị trầm cảm hay lo âu – một bí ẩn đã luôn lẩn quẩn trong đầu ông từ hồi ở Sydney.
Tại thời điểm ấy, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ đã biết câu trả lời, vì vậy nghiên cứu này thật vô nghĩa. Hãy hình dung xem, giữa một người đàn ông đang điều hành một cơ quan chính phủ lớn và một anh chàng làm công việc chạy giấy tờ và đánh máy – thấp hơn mười một bậc lương, thì ai có nhiều khả năng bị đau tim hơn? Ai có nhiều khả năng bị quá tải hơn? Ai có nhiều khả năng bị trầm cảm hơn? Hầu hết mọi người đều tin rằng câu trả lời quá rõ ràng: chính là người sếp chứ còn ai. Ông ấy có một công việc căng thẳng hơn. Ông ấy phải đưa ra những quyết định thực sự khó khăn, với những hệ quả lớn. Còn anh chàng chạy hồ sơ phải gánh ít trách nhiệm hơn rất nhiều; anh ta sẽ ít bị quá tải hơn; cuộc sống của anh ta sẽ dễ thở hơn.
Michael và nhóm của ông bắt đầu phỏng vấn các công chức để thu thập dữ liệu về sức khỏe thể chất và tinh thần. Họ sẽ mất nhiều năm và sẽ chia thành hai nghiên cứu lớn. Từng công chức sẽ đến gặp Michael trò chuyện, mỗi người một giờ đồng hồ, về những công việc họ làm. Nhóm nghiên cứu đã làm việc với mười tám ngàn công chức theo cách này. Michael nhận thấy ngay sự khác biệt giữa các nấc thang khác nhau trên bậc thang xã hội. Khi anh nói chuyện với các công chức cấp cao nhất, họ sẽ ngả người ra sau và nắm quyền chủ động, yêu cầu được biết Michael muốn gì. Khi ông nói chuyện với các công chức cấp dưới, họ sẽ cúi người về phía trước và chờ ông bảo cho họ biết họ sẽ phải làm gì.
Sau nhiều năm phỏng vấn sâu, Michael và nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả. Hóa ra những người ở nấc thang cao nhất của hệ thống công vụ có nguy cơ đau tim thấp hơn bốn lần so với những người ở nấc thang dưới cùng. Sự thật diễn ra trái ngược với những gì người ta từng nghĩ. Nhưng sau đó có một phát hiện còn kỳ lạ hơn.
Nếu vẽ ra một biểu đồ, thì vị trí của bạn trong hệ thống công vụ càng cao, khả năng mắc bệnh trầm cảm của bạn càng thấp. Có một mối liên hệ rất chặt chẽ giữa việc bị trầm cảm và vị trí của bạn trong hệ thống cấp bậc. Đây là cái mà các nhà khoa học xã hội gọi là “độ dốc” (gradient). “Điều này thật đáng kinh ngạc”, Michael viết. “Tại sao những người có trình độ học vấn, có công việc ổn định lại có nguy cơ tử vong [hoặc bị trầm cảm] nhiều hơn những người có trình độ học vấn cao hơn một chút hoặc có vị trí công việc cao hơn một chút?”.
*
Có điều gì đó trong công việc đang khiến người ta bị trầm cảm. Nhưng đó có thể là gì? Michael và nhóm của ông quay trở lại Whitehall để điều tra thêm, họ muốn biết: Khi bạn thăng chức trong hệ thống công vụ, thì những điều gì thực sự thay đổi trong công việc của bạn có thể giải thích cho sự biến đổi này?
Họ đã có một giả thuyết ban đầu dựa trên mọi thứ quan sát được. Họ tự hỏi phải chăng các công chức hàng đầu có quyền kiểm soát công việc nhiều hơn các công chức cấp thấp hơn, và đó là lý do tại sao họ ít bị trầm cảm hơn? Đó có vẻ là một phỏng đoán hợp lý. “Hãy nghĩ về cuộc sống của chính anh”, Michael nói khi chúng tôi gặp nhau tại văn phòng của ông ở trung tâm London. “Chỉ cần xem xét cảm xúc của bản thân anh. Thời điểm anh cảm thấy công việc tồi tệ nhất là khi anh cảm thấy mất kiểm soát – và chắc hẳn trong cuộc sống cũng vậy”.
Có một cách để trả lời câu hỏi trên. Lần này, thay vì so sánh những người ở đỉnh, khoảng giữa và đáy thang đo cấp bậc, họ lại so sánh những người ở cùng một cấp bậc công vụ nhưng có mức độ kiểm soát trong công việc khác nhau. Họ muốn biết một người ở khoảng giữa liệu có nhiều khả năng bị trầm cảm hay đau tim hơn so với một người khác cũng ở khoảng giữa nhưng có khả năng kiểm soát nhiều hơn hay không? Họ đã quay lại để thực hiện thêm nhiều cuộc phỏng vấn và thu thập dữ liệu chi tiết hơn.
Những gì Michael tìm thấy khi tiến hành bước này thậm chí còn ấn tượng hơn kết quả đầu tiên.
Nếu bạn làm việc trong một hệ thống công vụ và có mức độ kiểm soát công việc cao, bạn sẽ ít có nguy cơ bị trầm cảm hoặc nảy sinh cảm xúc đau khổ trầm trọng hơn rất nhiều so với những người có cùng mức lương, cùng vị trí, cùng văn phòng, nhưng có mức độ kiểm soát công việc thấp hơn.
Michael nhớ đến một người phụ nữ tên là Marjorie. Cô làm thư ký trong tổ đánh máy, phải gõ tài liệu cả ngày, từ ngày này qua ngày khác. Cô nói rằng việc được phép hút thuốc và ăn đồ ngọt tại bàn làm việc thật “như thiên đường”, nhưng đúng là “tàn phá tâm hồn hoàn toàn” khi cứ ngồi đó làm cái công việc được đẩy tới cho bạn mà bạn lại chẳng hiểu gì. “Chúng tôi không được phép nói chuyện”, vậy nên họ phải ngồi im lặng, đánh máy những tài liệu có thể bằng tiếng Thụy Điển cho tất cả những ai bảo họ làm, để gửi cho những người họ không quen biết, và vây quanh là những người mà họ không thể nói chuyện. Michael viết: “Điều đặc trưng cho công việc của Marjorie không phải là nó đòi hỏi bao nhiêu ở phía cô, mà là cô hoàn toàn không có quyền quyết định bất cứ điều gì”.
Ngược lại, nếu bạn là một công chức cấp cao và bạn có một ý tưởng, thì bạn sẽ có nhiều cơ hội để biến nó thành hiện thực. Điều đó thể hiện sự tồn tại và thế giới quan của bạn. Còn nếu bạn là một công chức bậc thấp hơn, bạn phải học cách thụ động. Nhiều năm sau đó Michael viết: “Hãy hình dung về một buổi sáng thứ Ba điển hình trong một cơ quan lớn của chính phủ, từ tổ đánh máy Marjorie đến gặp Nigel, người ở trên cô ấy mười một cấp trong hệ thống cấp bậc, và nói: ‘Tôi nghĩ kỹ rồi, Nigel. Chúng ta có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền nếu đặt hàng với nhà cung cấp qua Internet. Ông nghĩ sao?’. Tôi đã cố hình dung ra một cuộc trò chuyện như vậy, nhưng trí tưởng tượng của tôi không cho phép”.
Bạn phải đè nén con người bên trong mình để làm được điều này, và Michael phát hiện ra bằng chứng cho thấy điều này ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của bạn. Ông nhận thấy rằng càng ở trên cao trong hệ thống công chức, bạn càng có nhiều bạn bè và hoạt động xã hội sau giờ làm việc. Càng ở dưới thấp thì điều đó càng giảm dần – những người có công việc nhàm chán, vị trí thấp thì chỉ muốn ngủ gục trước tivi mỗi khi về nhà. Tại sao lại vậy? “Khi công việc phong phú hơn, cuộc sống đầy đủ hơn thì sự phong phú và đầy đủ đó sẽ tràn sang những lĩnh vực khác ngoài công việc”, Micheal nói với tôi. Nhưng “khi nó đang tồi tệ” thì bạn sẽ cảm thấy “sụp đổ khi hết ngày, đơn giản là sụp đổ”.
*
Michael giải thích rằng, kết quả của nghiên cứu này và lĩnh vực khoa học mà nó mở ra – “khái niệm về những điều gây nên căng thẳng trong công việc đã trải qua một cuộc cách mạng”. Sự căng thẳng tồi tệ nhất đối với mọi người là không phải chịu nhiều trách nhiệm. Micheal nói với tôi rằng, việc phải chịu đựng “một công việc đơn điệu, nhàm chán, hủy hoại tâm hồn khiến người ta chết dần chết mòn khi phải đi làm mỗi ngày, bởi vì công việc đó chẳng chạm được đến bất cứ một phần nào trong con người họ”. Như vậy, anh chàng Joe ở cửa hàng sơn đang phải làm một trong những công việc căng thẳng nhất, tính theo tiêu chuẩn thực tế này. Michael nói: “Việc đánh mất khả năng quyết định là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sức khỏe kém” – cả về thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc.
*
Mới vài năm trước, rất lâu sau khi Micheal thực hiện các nghiên cứu ở Whitehall, văn phòng thuế của chính phủ Anh gặp sự cố, và họ đã gọi Michael trở lại hệ thống công vụ để yêu cầu ông giúp họ tìm ra giải pháp khẩn cấp. Liên tục xảy ra những trường hợp tự sát của các nhân viên điều tra tờ khai hoàn thuế. Vì vậy, Michael đã đến văn phòng của họ để tìm hiểu tại sao chuyện này lại xảy ra.
Các nhân viên giải thích với ông rằng mỗi khi đến sở làm, họ ngay lập tức cảm thấy bị chìm ngập trong đống tài liệu trước mặt họ. Cảm giác như thể nó sẽ “nhấn chìm họ. Đống giấy trong khay càng chất chồng thì nguy cơ bạn sẽ không bao giờ ngóc đầu lên mặt nước được càng lớn”. Họ sẽ phải làm việc liên tục suốt cả ngày, để rồi khi hết ngày, đống giấy trong khay lại còn cao hơn lúc đầu. “Những kỳ nghỉ khiến họ khốn khổ, bởi vì sau đó cơn triều dâng của chồng giấy dồn lại trong khay sẽ lại nhấn chìm họ. Không chỉ dòng công việc không thể cưỡng lại đó đẩy họ đến chỗ tự sát, mà còn do sự mất kiểm soát. Dù có kiên trì, nỗ lực đến đâu, họ vẫn ngày càng bị tụt lại phía sau”. Và không ai cảm ơn họ vì công việc đó, chẳng ai vui mừng khi bị chỉ ra các hành vi trốn thuế cả.
Trong quá trình nghiên cứu ở Whitehall, Michael đã phát hiện ra một yếu tố khác khiến công việc trở thành nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm, và ông cũng nhận thấy nó xuất hiện ở đây. Khi các thanh tra thuế này làm việc thực sự chăm chỉ và cố gắng hết sức thì không ai để ý. Và khi họ có làm việc một cách tệ hại, thì cũng chẳng ai để ý. Ông biết được rằng sự tuyệt vọng thường xảy ra khi “thiếu sự cân bằng giữa nỗ lực và khen thưởng”. Anh chàng Joe ở cửa hàng sơn cũng vậy. Không ai để ý rằng anh đã nỗ lực như thế nào. Trong tình huống đó, tín hiệu bạn nhận được từ thế giới là: Bạn có tồn tại hay không cũng không ai quan tâm, và không ai quan tâm bạn làm gì.
Vì vậy, Michael đã giải thích với các sếp ở văn phòng thuế rằng sự mất kiểm soát cùng sự mất cân bằng giữa nỗ lực và khen thưởng đã gây ra chứng trầm cảm trầm trọng đến mức khiến nhân viên của họ tự tử.
*
Vào thời điểm bốn mươi năm trước ở một bệnh viện ngoại ô Sydney, khi Michael lần đầu tiên đưa ra gợi ý rằng có thể cách chúng ta sống đã khiến chúng ta mắc bệnh trầm cảm, thì các bác sĩ xung quanh ông đều chế giễu ý tưởng đó. Ngày nay, không còn ai bàn cãi gì về điểm cốt lõi của bằng chứng mà ông đã phát hiện ra nữa, mặc dù chúng ta hiếm khi nói về nó. Ông đã trở thành một trong những nhà khoa học tiên phong về sức khỏe cộng đồng trên thế giới. Nhưng chúng ta vẫn cứ mắc sai lầm mà các bác sĩ đã mắc phải hồi đó, như trường hợp của tôi. Người phụ nữ Hy Lạp đến gặp Michael, người nói rằng bà khóc cả ngày và không biết cách nào để dừng lại, chẳng có vấn đề gì về não bộ cả; bà ấy chỉ có vấn đề với cuộc đời mà thôi. Nhưng bệnh viện đã cho bà vài viên thuốc mà họ biết chỉ là giả dược, rồi mặc kệ bà ấy.
*
Trở lại Philadelphia, tôi kể cho Joe nghe về các nghiên cứu ở Whitehall và các bằng chứng khoa học khác mà tôi biết được. Lúc đầu, anh ấy tỏ ra quan tâm, nhưng sau một lúc, anh lên tiếng với vẻ mất kiên nhẫn: “Có thể là anh đã hiểu được bản chất của tất cả mọi thứ đó, nhưng chung quy lại, khi anh làm một điều gì đó mà không biết mình đang làm vì cái gì và rồi nhận ra mình không có bất kỳ lựa chọn nào khác ngoài phải tiếp tục, thì đó là một cảm giác rất tồi tệ. Để rồi đến một lúc, anh sẽ tự nói với mình: Thôi, mặc kệ nó đi. Ít nhất đó là cảm giác của tôi”.
*
Còn một điều cuối cùng về Joe khiến tôi khó hiểu. Anh ấy ghét làm việc trong lĩnh vực pha sơn, nhưng không giống như nhiều người khác, Joe không bị vướng bận gì cả. Anh ấy không có con cái hay bất kỳ trách nhiệm nào; anh ấy vẫn còn trẻ và vẫn có một giải pháp thay thế. “Tôi thích câu cá lắm”, Joe nói với tôi. “Mục tiêu của tôi là được câu cá ở toàn bộ năm mươi tiểu bang của Hoa Kỳ trước khi chết. Tôi đã làm được ở hai mươi bảy tiểu bang khi ba mươi hai tuổi”. Anh muốn trở thành hướng dẫn viên câu cá ở Florida. Công việc ấy ít tiền hơn công việc hiện tại, nhưng anh thích nó. Anh sẽ mong chờ được đi làm mỗi ngày. Anh đã tâm sự về viễn cảnh tươi đẹp đó. “Liệu bạn có hy sinh sự ổn định kinh tế để làm điều gì đó mà bạn thật sự thích không, nhưng còn... chi phí sinh hoạt...”.
Joe đã nghĩ về chuyện thôi việc và chuyển đến Florida suốt nhiều năm nay. “Tôi không biết mọi người thế nào, nhưng với tôi, mỗi khi rời chỗ làm, tôi có cảm giác hoang mang tự hỏi mình... chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ có vậy thôi sao? Đã có lúc tôi tự nói với bản thân... Thôi, bỏ việc quách cho rồi... rồi chuyển đến Florida, làm hướng dẫn viên câu cá trên tàu, mày sẽ thấy hạnh phúc hơn nhiều”.
“Vậy tại sao anh không làm điều đó hả Joe? Tại sao anh không bỏ đi?”, tôi hỏi. “Ừ”, anh trả lời và ánh mắt đầy hy vọng. Nhưng rồi lại có vẻ e ngại. Sau đó, trong lúc trò chuyện, tôi trở lại vấn đề này. “Anh có thể đi ngay ngày mai”, tôi nói. “Anh ngại chuyện gì chứ?”. Joe nói một phần trong chúng ta tin rằng: “Nếu tôi cứ mua thêm nhiều đồ, nếu tôi có được chiếc Mercedes và mua được căn nhà có bốn chỗ đậu xe, thì người ngoài sẽ nghĩ rằng tôi đang thành công, vậy thì tôi có thể tự thuyết phục là mình đang hạnh phúc”. Anh muốn ra đi, nhưng bị ngáng đường bởi một thứ gì đó mà cả anh và tôi đều không hiểu rõ. Kể từ đó, tôi cố gắng tìm hiểu lý do tại sao Joe lại không thể ra đi. Có điều gì đó khiến nhiều người bị mắc kẹt trong những tình huống không chỉ liên quan đến tiền bạc. Tôi sẽ sớm tìm hiểu điều đó.
Khi tôi tạm biệt Joe và anh vừa bước đi, tôi đã gọi với theo: “Đến Florida đi!”. Ngay khi thốt ra điều đó, tôi cảm thấy mình thật ngu ngốc. Anh ấy không nhìn lại.