Khi tôi còn nhỏ, một điều không mong đợi đã xảy ra với cha mẹ tôi. Cha tôi lớn lên trong một ngôi làng nhỏ bé ở miền núi Thụy Sĩ tên là Kandersteg, nơi ông biết tên tất cả mọi người trong làng; còn mẹ tôi lớn lên trong một khu tập thể của tầng lớp lao động Scotland, nơi mà hễ bạn cất giọng thì tất cả hàng xóm đều nghe rõ mồn một những gì bạn nói. Khi tôi còn nhỏ xíu, họ đã chuyển đến một nơi gọi là Edgware. Đó là trạm tàu điện ngầm cuối cùng của Tuyến Bắc – một khu ngoại ô gồm những ngôi nhà tách biệt hoặc nằm liền kề nhau, tọa lạc ở nơi từng là rìa xanh của London. Nếu bạn ngủ quên trên một chuyến tàu và đi đến tận ga cuối này, bạn sẽ thấy rất nhiều ngôi nhà, một số cửa hàng thức ăn nhanh, một công viên và rất nhiều người lịch sự, đáng yêu nhưng không mấy thân thiện đang vội vã trên đường.
Khi chuyển đến đó, bố mẹ tôi đã cố gắng kết bạn với mọi người trong khu phố, theo cái cách mà họ đã quen từ thời ở quê cũ. Đó là một bản năng tự nhiên đối với họ, giống như hít thở vậy. Nhưng khi cố gắng làm điều này, họ đã rất bất ngờ với phản ứng của mọi người. Tại Edgware, người ta cũng không hẳn là không thân thiện. Chúng tôi biết mặt những người hàng xóm của mình để cười chào. Nhưng chỉ thế thôi, còn mọi nỗ lực gắn kết ngoài vài câu chào hỏi ngắn ngủi đều bị đóng sập. Cuộc sống cứ thế diễn ra, bố mẹ tôi dần thích nghi. Tôi không coi điều này là bất thường vì tôi đã quen từ nhỏ, nhưng mẹ tôi chưa bao giờ quen với nó. Có lần, hồi tôi còn khá nhỏ, bà nhìn ra con đường vắng vẻ trước nhà chúng tôi và bối rối hỏi: “Mọi người đâu hết rồi?”.
*
Sự cô đơn bao trùm lên nền văn hóa của chúng ta ngày nay như một lớp sương mù dày đặc. Nhiều người nói rằng họ cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết – và tôi tự hỏi liệu điều này có liên quan gì đến sự gia tăng thấy rõ chứng trầm cảm và lo âu của chúng ta hay không. Khi đi vào tìm hiểu, tôi được biết có hai nhà khoa học đã nghiên cứu về sự cô đơn trong suốt nhiều thập niên và đã thu được những đột phá quan trọng.
*
Vào giữa những năm 1970, một nhà nghiên cứu khoa học thần kinh trẻ tên là John Cacioppo đã lắng nghe các giáo sư của anh – trong đó có những người thuộc hàng giỏi nhất thế giới – nhưng có điều gì đó anh vẫn không thể hiểu được.
Khi cố gắng giải thích tại sao cảm xúc của con người thay đổi, dường như họ chỉ tập trung vào một điều duy nhất: những gì xảy ra bên trong bộ não con người. Họ không nhìn đến những gì đang xảy ra trong cuộc sống của người ấy và thắc mắc xem điều đó có thể gây ra bất kỳ thay đổi nào trong bộ não mà họ đang khám phá hay không. Cứ như thể họ nghĩ bộ não của bạn là một hòn đảo, bị cắt rời khỏi phần còn lại của thế giới và không bao giờ tương tác với nó.
Vậy nên, John tự hỏi bản thân: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta làm khác đi, thay vì nghiên cứu não bộ như thể nó là một hòn đảo biệt lập? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thử nghiên cứu như thể nó là một hòn đảo được kết nối với thế giới bên ngoài bằng hàng trăm cây cầu, nơi mọi thứ liên tục qua lại khi bạn nhận được tín hiệu từ thế giới?
Khi anh đặt ra những câu hỏi này, các giáo sư của anh vô cùng bối rối. “Cậu biết đấy”, họ nói với anh, “ngay cả khi nó có liên quan, thì [các yếu tố bên ngoài não bộ] cũng không phải là nguyên nhân nền tảng” cho những thay đổi như trầm cảm hay lo âu. Và bên cạnh đó, họ nói rằng ta không thể tìm ra được vì nó quá phức tạp. “Cho dù cả trăm năm hay hơn nữa” cũng không ai hiểu được gì đâu. “Vậy nên, chúng ta sẽ không tập trung vào nó”.
John không bao giờ từ bỏ những câu hỏi này. Ông đã băn khoăn về chúng suốt nhiều năm trời, cho đến một ngày vào thập niên 1990, cuối cùng ông đã nghĩ ra cách để có thể bắt đầu nghiên cứu chúng chi tiết hơn. Nếu muốn tìm hiểu xem bộ não và cảm xúc của con người thay đổi như thế nào khi tương tác với phần còn lại của thế giới, thì bạn có thể bắt đầu bằng cách xem điều gì sẽ xảy ra trong hoàn cảnh trái ngược – khi họ cảm thấy cô đơn và tách biệt với thế giới xung quanh. John tự hỏi, liệu trải nghiệm đó có làm thay đổi bộ não của con người không? Nó có làm thay đổi cơ thể không?
*
Ông bắt đầu với nghiên cứu đơn giản nhất có thể nghĩ ra. John cùng các đồng nghiệp tập hợp một trăm người xa lạ ở Đại học Chicago, nơi ông làm việc, để tham gia vào một thí nghiệm đơn giản mà trước nay chưa ai từng thử.
Nếu bạn là một trong những người tham gia thí nghiệm, bạn sẽ được yêu cầu trở về nhà và sống như bình thường trong vài ngày với chỉ một thay đổi nhỏ. Bạn phải đeo một chiếc máy theo dõi tim mạch để đo nhịp tim, và bạn được cấp cho một máy phát tín hiệu cùng vài cái ống. Vào ngày đầu tiên của cuộc thử nghiệm, bất cứ khi nào nghe thấy tiếng bíp bíp phát ra từ máy phát tín hiệu (chín lần mỗi ngày), bạn sẽ phải dừng công việc đang làm và ghi lại hai điều. Đầu tiên, bạn phải ghi lại rằng bạn cảm thấy cô đơn hay gắn kết với người khác như thế nào. Thứ hai, bạn phải ghi lại nhịp tim của mình từ màn hình máy theo dõi.
Vào ngày thứ hai của thử nghiệm, bạn cũng làm tương tự; ngoại trừ lần này, mỗi khi nghe thấy tiếng bíp, bạn sẽ phải nhổ nước bọt vào một cái ống, bịt kín lại và giữ nó để giao cho phòng thí nghiệm.
John đang cố gắng hình dung chính xác mức độ căng thẳng khi cô đơn. Không ai biết điều này. Nhưng khi bạn căng thẳng, nhịp tim của bạn tăng lên và nước bọt của bạn có chứa một loại hormone gọi là cortisol. Vậy nên, rốt cuộc thí nghiệm này đã có thể đo lường xem mức độ ảnh hưởng của sự cô đơn lớn đến nhường nào.
Khi John và các đồng nghiệp tổng kết dữ liệu, họ đã phải giật mình. Hóa ra, cảm giác cô đơn có thể khiến mức cortisol của bạn tăng vụt lên đến mức tuyệt đối – ngang với một số điều đáng lo ngại nhất có thể xảy ra với bạn. Thử nghiệm cho thấy khi trở nên cô đơn đến tột độ, bạn sẽ chịu sự căng thẳng giống như bị tấn công thể xác.
Tôi xin lặp lại một lần nữa: Cô đơn tột độ dường như cũng gây căng thẳng nhiều như khi bị một người lạ đánh.
*
John bắt đầu tìm hiểu xem có nhà khoa học nào từng nghiên cứu về tác động của sự cô đơn chưa. Ông biết được rằng một giáo sư tên Sheldon Cohen đã thực hiện một nghiên cứu, trong đó ông chọn ra một nhóm người rồi ghi lại số lượng bạn bè và các mối quan hệ xã hội lành mạnh của từng người. Sau đó, ông đưa họ vào một phòng thí nghiệm và cố ý để họ tiếp xúc với virus cảm lạnh – có báo trước. Điều ông muốn biết là liệu những người cô đơn có dễ bị ốm hơn những người có sự gắn kết hay không? Hóa ra họ có nguy cơ bị cảm lạnh cao gấp ba lần so với những người có nhiều mối quan hệ thân thiết.
Một nhà khoa học khác, Lisa Berkman, đã theo dõi cả những người cô đơn và những người có độ gắn kết cao trong hơn chín năm, để xem nhóm nào có khả năng tử vong cao hơn. Bà phát hiện ra rằng, trong một khoảng thời gian đó, những người cô đơn có nguy cơ tử vong cao gấp 2-3 lần. Hầu hết mọi thứ đều gây nguy hiểm đến tính mạng hơn khi bạn cô đơn: ung thư, bệnh tim, các vấn đề về hô hấp.
John dần khám phá ra khi ghép các bằng chứng lại với nhau: Bản thân sự cô đơn dường như có thể gây chết chóc. Khi tổng hợp số liệu, John và các nhà khoa học khác phát hiện ra rằng khi mất kết nối với những người xung quanh, bạn sẽ chịu ảnh hưởng đến sức khỏe giống như khi bạn bị béo phì – căn bệnh mà cho đến lúc đó vẫn bị coi là khủng hoảng sức khỏe lớn nhất đối với các quốc gia phát triển.
*
Vậy, bây giờ John đã biết rằng cô đơn gây ra những tác động lớn đến thể chất. Nhưng liệu nó có thể là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh trầm cảm và lo âu đang lan tràn như bệnh dịch hay không? Ông muốn tìm hiểu tiếp.
Thoạt đầu, đây có vẻ là một câu hỏi khó trả lời. Bạn có thể khảo sát mọi người và hỏi họ ba điều: Bạn có cô đơn không? Bạn có đang trầm cảm? Bạn có đang lo âu? Rồi so sánh các câu trả lời. Nếu làm vậy, bạn sẽ luôn thấy rằng những người cô đơn có nhiều khả năng bị trầm cảm hoặc lo âu. Nhưng điều đó không giúp chúng ta đi được xa, bởi vì những người trầm cảm và lo âu thường trở nên sợ hãi với thế giới và các tương tác xã hội, vì vậy họ có xu hướng trốn tránh xã hội. Có thể là bạn bị trầm cảm trước, và điều đó khiến bạn trở nên cô đơn. Nhưng John nghi ngờ có khả năng là ngược lại – rằng khi bạn cô đơn, nó sẽ khiến bạn trầm cảm.
Thế là ông bắt đầu tìm kiếm câu trả lời bằng cách sử dụng hai loại nghiên cứu rất khác nhau.
Để bắt đầu, ông đã đưa 135 người được xác định là rất cô đơn vào phòng thí nghiệm của mình tại Đại học Chicago trong một ngày một đêm. Họ đã thực hiện các bài kiểm tra tính cách bao quát đến mức John nói đùa rằng họ thậm chí có thể được đưa đi thực hiện một nhiệm vụ trên sao Hỏa. Các thử nghiệm này tìm ra rằng những người cô đơn cũng lo lắng, tự ti, bi quan và sợ người khác không thích họ. Điểm then chốt bây giờ là John phải tìm cách khiến một vài người trong số đó cô đơn hơn nữa mà không tác động đến bất kỳ điều gì khác trong cuộc sống của họ – không làm bất cứ điều gì có thể khiến họ hoảng sợ hoặc cảm thấy bị đánh giá (chẳng hạn). Làm thế nào để thực hiện điều đó đây?
John bèn chia đôi nhóm thử nghiệm tiếp theo của mình thành Nhóm A và Nhóm B, sau đó đưa một nhà trị liệu tâm thần tên là David Spiegel đến để lần lượt thôi miên từng nhóm. Nhóm A, trong trạng thái bị thôi miên, được dẫn dắt để nhớ lại những giai đoạn trong đời mà họ cảm thấy thực sự cô đơn. Nhóm B được dẫn dắt để nhớ đến điều ngược lại – một thời điểm trong đời mà họ cảm thấy thực sự gắn kết với ai đó hay nhóm nào đó. Sau khi các đối tượng đã cảm thấy vô cùng cô đơn hoặc vô cùng gắn kết, họ được yêu cầu làm lại các bài kiểm tra tính cách.
John đã dự đoán rằng nếu trầm cảm gây ra cô đơn, thì việc khiến cho người ta cảm thấy cô đơn hơn sẽ không tạo ra bất kỳ sự khác biệt nào. Nhưng nếu chính cô đơn là thủ phạm gây ra trầm cảm, thì càng cô đơn sẽ càng trầm cảm.
Những gì mà thử nghiệm của John tìm thấy sau đó có thể coi là một bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực này. Những người bị kích thích để cảm thấy cô đơn căn bản đều trở nên trầm cảm thêm, và những người được kích thích để cảm thấy gắn kết thật sự trở nên bớt trầm cảm. “Điều gây choáng váng ở đây là sự cô đơn không đơn thuần là kết quả của chứng trầm cảm”, ông nói với tôi. “Thật ra chính nó mới dẫn đến trầm cảm”. Khoảnh khắc đó giống như khi các chuyên gia cuối cùng cũng tìm ra dấu vân tay trùng khớp trong một tập phim CSI – Đội điều tra hiện trường. “Cô đơn chắc chắn phải đóng vai chính”, ông nói.
*
Nhưng điều này cũng không giải quyết được câu hỏi đã đặt ra ban đầu. John biết rằng dù sao các điều kiện trong phòng thí nghiệm cũng là nhân tạo. Vì vậy, ông bắt đầu nghiên cứu câu hỏi này theo một cách khác.
Ngay bên ngoài Chicago, nơi một phần của hạt Cook bị bao phủ bởi bê tông và đường nhựa trải dài vùng ngoại ô, John bắt đầu theo dõi 229 người Mỹ lớn tuổi, từ 50 đến 70. Họ được chọn để đại diện cho mặt bằng chung – một nửa là nam, một nửa là nữ, một phần ba là người Latinh, một phần ba người Mỹ gốc Phi, và một phần ba là người da trắng. Điều quan trọng là họ không bị trầm cảm hay cô đơn khi nghiên cứu bắt đầu. Mỗi năm một lần, họ đến phòng thí nghiệm và thực hiện một loạt kiểm tra. John sẽ nghiên cứu sức khỏe của họ, cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau đó, nhóm của ông sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi về việc họ cảm thấy cô đơn hay bị cô lập như thế nào. Họ đã tiếp xúc với bao nhiêu người mỗi ngày? Họ đã gần gũi với bao nhiêu người? Họ chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống với ai?
Điều ông muốn biết là theo thời gian, khi một số người tham gia nghiên cứu phát sinh bệnh trầm cảm (chắc chắn một số người trong đó sẽ mắc phải), thì điều gì xảy đến trước? Cảm giác cô lập và cô đơn sẽ xuất hiện trước, hay trầm cảm sẽ xảy ra trước?
Hóa ra với năm năm dữ liệu ban đầu đã được nghiên cứu cho đến nay, trong hầu hết các trường hợp, trạng thái cô đơn có trước các triệu chứng trầm cảm. Bạn trở nên cô đơn, kéo theo đó là cảm giác tuyệt vọng, vô cùng buồn bã và trầm cảm. Và tác động của chúng thực sự lớn. Hãy hình dung phạm vi của nỗi cô đơn trong nền văn hóa chúng ta như một đường thẳng. Một đầu là 0% cô đơn, đầu kia là 100% cô đơn. Nếu bạn chuyển từ mức trung bình 50% lên 65%, thì khả năng bạn mắc phải các triệu chứng trầm cảm sẽ tăng lên tám lần.
Việc phát hiện ra điều này thông qua hai loại nghiên cứu rất khác nhau – và rất nhiều nghiên cứu khác mà John thực hiện – đã đưa ông đến một kết luận quan trọng, một kết luận được rút ra bằng sự hỗ trợ của khoa học: Nỗi cô đơn đang gây nên phần lớn chứng trầm cảm và lo âu trong xã hội của chúng ta.
*
Khi phát hiện ra điều này, John thắc mắc: Tại sao? Tại sao cô đơn lại gây trầm cảm và lo âu nhiều đến vậy?
Ông nghĩ hẳn phải có một lý do chính đáng. Loài người ban đầu tiến hóa trên các đồng cỏ xavan ở châu Phi, sống thành các bộ lạc săn bắt hái lượm nhỏ có khoảng vài trăm thành viên trở lại. Bạn và tôi tồn tại nhờ một lý do – bởi vì những con người đó đã tìm ra cách để hợp tác với nhau. Họ chia sẻ thức ăn. Họ chăm sóc người bệnh. Họ “có thể hạ gục những con thú rất lớn”, John giải thích, “nhưng chỉ khi làm việc cùng nhau”. Họ chỉ có ý nghĩa khi hợp thành một nhóm. “Mọi xã hội tiền nông nghiệp mà chúng ta biết đều có cấu trúc cơ bản giống nhau”, ông viết cho một người đồng nghiệp. “Đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt, họ khó có thể sống sót, nhưng thực tế là họ đã sống sót được nhờ mạng lưới liên kết xã hội dày đặc và rất nhiều cam kết qua lại mà họ duy trì với nhau. Trong trạng thái tự nhiên này, không cần phải áp đặt sự kết nối và hợp tác xã hội... Tự nhiên là sự kết nối”.
Bây giờ hãy tưởng tượng trên những đồng cỏ xavan ấy, bỗng dưng bạn bị chia tách khỏi nhóm và chịu cảnh cô đơn trong một khoảng thời gian dài. Điều đó có nghĩa là bạn đang gặp nguy hiểm khủng khiếp. Bạn rất dễ bị những kẻ săn mồi tấn công. Nếu bạn bị ốm, sẽ không có ai ở đó để chăm sóc bạn; và những người còn lại trong bộ tộc cũng dễ bị tấn công hơn vì thiếu bạn. Bạn đã đúng khi cảm thấy khủng khiếp. Đó là một tín hiệu khẩn cấp từ cơ thể và bộ não để kêu gọi bạn quay trở lại với nhóm bằng bất kỳ cách nào có thể.
Vì vậy, mọi bản năng của con người được mài giũa không phải cho cuộc sống của riêng họ, mà cho cuộc sống trong một bộ lạc. Con người cần có bộ lạc như ong cần có tổ vậy.
John nói rằng sau đó, cảm giác sợ hãi và cảnh giác được kích hoạt khi ở một mình quá lâu đã phát triển, vì một lý do thực sự chính đáng. Nó thúc đẩy mọi người quay lại với nhóm và điều đó có nghĩa là khi sống với bộ lạc, họ được khích lệ nên đối xử tốt với mọi người để không bị loại ra ngoài. Ông giải thích: “Đó là một động lực mạnh mẽ tìm kiếm sự kết nối, chính điều này sẽ nâng cao cơ hội sống sót”. Hoặc, như sau này ông có nói với tôi: Cô đơn là “một trạng thái đáng ghét thúc đẩy chúng ta kết nối lại với nhau”.
Điều này sẽ giúp chúng ta hiểu tại sao cô đơn thường đi kèm với lo âu. John viết: “Quá trình tiến hóa không chỉ khiến chúng ta cảm thấy vui sướng khi được kết nối, mà còn cảm thấy an toàn. Hệ quả tất yếu của nó là khiến cho chúng ta không chỉ cảm thấy tồi tệ khi bị cô lập, mà còn cảm thấy không an toàn”.
Quả là một lý thuyết tuyệt vời. Nhưng John bắt đầu tự hỏi: Làm thế nào có thể kiểm nghiệm điều này? Hóa ra vẫn có một số người sống theo cách mà hầu hết loài người đã sống ở các giai đoạn đầu trong quá trình tiến hóa của chúng ta. Ví dụ, John biết rằng ở Dakotas, có một cộng đồng nông dân rất khép kín, cực kỳ sùng đạo – hơi giống người Amish theo nhánh chính thống nhất – gọi là người Hutterit. Họ sống xa đất liền, làm việc và ăn uống, thờ cúng và thư giãn cùng nhau. Người dân nơi đây phải hợp tác với nhau toàn bộ thời gian. (Sau này trên hành trình của mình, tôi đã đến thăm một nhóm như vậy).
Vì vậy, John đã hợp tác với các nhà nhân học nghiên cứu về người Hutterit trong nhiều năm để tìm ra mức độ cô đơn của họ. Có một cách đơn giản để kiểm tra. Bất cứ đâu trên thế giới mà người ta nói rằng mình cảm thấy cô đơn, thì trong lúc ngủ, họ cũng sẽ trải nghiệm một thứ gọi là “tỉnh giấc ngắn” (micro-awakenings) nhiều hơn. Đây là những khoảnh khắc nho nhỏ mà bạn sẽ không nhớ lại khi thức dậy, nhưng lúc đó bạn sẽ bật dậy một chút trong khi ngủ. Tất cả các động vật có tính xã hội khác cũng làm điều tương tự khi chúng bị cô lập. Cách lý giải hay nhất là bạn cảm thấy không an toàn khi đi ngủ lúc cô đơn, bởi vì con người thời xa xưa sẽ thực sự không an toàn nếu ngủ cách xa bộ tộc. Bạn biết rằng không có ai bảo vệ bạn, thế nên não bạn sẽ không cho phép bạn chuyển sang chế độ ngủ hoàn toàn. Đo những khoảnh khắc “tỉnh giấc ngắn” này là một cách rất hay để đo lường sự cô đơn. Vì vậy, nhóm của John đã thử nghiệm với người Hutterit, để xem bao nhiêu người trong số họ trải qua điều này mỗi đêm.
Hóa ra gần như không có ai cả. “Những gì chúng tôi tìm được là cộng đồng này thể hiện mức độ cô đơn thấp nhất mà tôi từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới”, John giải thích với tôi. “Nó thực sự làm tôi sửng sốt”.
Điều này cho thấy cô đơn không đơn giản là nỗi buồn không thể tránh khỏi của con người, giống như cái chết. Mà đúng hơn, nó là sản phẩm của lối sống ngày nay.
*
Khi mẹ tôi chuyển đến Edgware và thấy rằng ở đó không có khái niệm cộng đồng – chỉ có những cái gật đầu lịch sự và những cánh cửa đóng kín – bà đã cho rằng Edgware có gì đó không ổn. Nhưng hóa ra vùng ngoại ô nhỏ bé của chúng tôi không có gì bất thường cả.
Suốt nhiều thập niên qua, một giáo sư Harvard tên là Robert Putnam vẫn đang ghi lại một trong những xu hướng quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Có nhiều cách để con người có thể cùng nhau làm việc gì đó với tư cách một nhóm – từ một đội thể thao, một dàn hợp xướng, một nhóm tình nguyện, hay chỉ là thường xuyên gặp nhau để ăn tối. Robert thu thập các số liệu về mức độ chúng ta làm tất cả những điều ấy, và ông nhận thấy mức độ này đã sụt giảm trầm trọng. Ông đưa ra một ví dụ đã trở nên nổi tiếng: Bowling là một trong những hoạt động giải trí phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Ngày xưa người ta thường chơi bowling trong các giải đấu, họ sẽ tham gia vào một đội và thi đấu với các đội khác, thành viên hai đội sẽ giao lưu và làm quen với nhau. Ngày nay, người ta vẫn chơi bowling, nhưng họ chơi một mình. Họ một mình một đường, một mình một việc. Cấu trúc tập thể đã sụp đổ.
Hãy nghĩ về những cách khác mà chúng ta vẫn dùng để kết nối với nhau, chẳng hạn như hỗ trợ trường học của con cái mình. Robert viết: “Chỉ trong mười năm ngắn ngủi, từ năm 1985 đến năm 1994, sự tham gia tích cực vào các tổ chức cộng đồng... đã giảm tới 45%”. Chỉ trong một thập niên – quãng thời gian niên thiếu của tôi, khi tôi dần rơi vào trầm cảm – ở khắp thế giới phương Tây, một tỷ lệ rất lớn cho thấy chúng ta đã ngừng tụ họp với nhau. Thay vào đó, chúng ta tự giam mình trong nhà riêng.
Robert giải thích rằng chúng ta đã rời bỏ cộng đồng và quay vào bên trong. Những xu hướng này đã xuất hiện từ thập niên 1930, nhưng chúng tăng tốc đáng kể trong suốt cuộc đời tôi.
Điều này có nghĩa là cái cảm giác sống trong một cộng đồng, hay thậm chí có những người bạn thân thiết, đã tuột dốc không phanh. Ví dụ, các nhà khoa học xã hội đã đặt ra cho nhiều công dân Hoa Kỳ một câu hỏi đơn giản suốt nhiều năm: “Bạn có bao nhiêu người bạn tâm giao?”. Họ muốn biết bạn có thể tìm đến bao nhiêu người khi gặp phải khủng hoảng hoặc có điều gì đó thực sự tốt đẹp trong đời. Khi họ bắt đầu thực hiện nghiên cứu cách đây vài thập niên, số bạn thân trung bình của một người Mỹ là ba. Đến năm 2004, câu trả lời phổ biến nhất là không.
Tôi cho rằng chúng ta nên dừng lại và suy ngẫm về điều này: Ngày nay, nhiều người Mỹ không có nổi một người bạn thân.
*
Và việc mất kết nối với bên ngoài không có nghĩa là chúng ta quay về với gia đình của mình. Nghiên cứu mà Robert thu thập cho thấy trên toàn thế giới, chúng ta cũng đã ngừng gắn bó với gia đình. Chúng ta ăn chung với gia đình ít hơn; chúng ta xem tivi cùng gia đình ít hơn; chúng ta cũng ít đi nghỉ cùng nhau hơn. “Hầu như tất cả các hình thức gia đình quây quần bên nhau ngày càng ít phổ biến hơn trong một phần tư thế kỷ qua”, Putnam đưa ra hàng loạt các biểu đồ và nghiên cứu. Những số liệu tương tự cũng xuất hiện ở Anh Quốc và phần còn lại của thế giới phương Tây.
Chúng ta ít làm việc cùng nhau hơn bất kỳ lớp tiền nhân nào. Rất lâu trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, đã có một cuộc khủng hoảng xã hội, khi đó chúng ta thấy mình đơn độc và cô đơn hơn rất nhiều. Các mô hình xã hội để tìm đến nhau – từ gia đình cho đến hàng xóm – đều tan rã. Chúng ta đã giải tán bộ lạc của mình. Chúng ta đã bắt tay vào một cuộc thử nghiệm: Xem con người có thể sống một mình hay không.
*
Một ngày nọ, trong khi đi nghiên cứu để thực hiện cuốn sách này, tôi hết sạch tiền mặt khi ở Lexington, Kentucky. Đêm cuối cùng ở thành phố, tôi thuê phòng ở một nhà nghỉ rất rẻ cạnh sân bay. Đó là một căn phòng bằng bê tông trần trụi, lúc nào cũng nghe tiếng máy bay cất cánh. Khi đi ra đi vào căn phòng nhỏ của mình, tôi nhận thấy phòng bên cạnh luôn mở cửa, tivi luôn bật, và một người đàn ông trung niên đang ngồi trên giường, hơi lắc lư người, trong một tư thế kỳ lạ và bất tiện.
Lần thứ năm đi ngang, tôi dừng lại để hỏi xem ông ta có chuyện gì. Ông kể cho tôi bằng một giọng nói khó nghe rằng ông đã đánh nhau với con trai riêng của vợ vài ngày trước đó (ông không nói lý do), và thằng con đó đã đánh ông đến gãy xương hàm. Mấy ngày trước ông đã đến bệnh viện rồi và họ sẽ phẫu thuật cho ông trong 48 giờ nữa. Trong thời gian chờ đợi, họ kê cho ông một đơn thuốc giảm đau và bảo ông đi về. Vấn đề duy nhất là ông không có tiền để mua thuốc, vậy nên ông phải ngồi yên đó mà khóc một mình.
Tôi muốn nói: Ông không có người bạn nào sao? Không ai có thể giúp ông ư? Nhưng rõ ràng là ông ấy không có ai cả. Thế nên ông cứ ngồi đó, lặng lẽ khóc với cái hàm bị vỡ của mình.
*
Hồi còn nhỏ, tôi không có ý thức về việc mình thiếu điều gì khi nói đến các mối quan hệ xã hội. Nhưng khi nói chuyện với các nhà khoa học nghiên cứu về sự cô đơn, tôi mới nhớ ra một chuyện nhỏ. Trong suốt thời thơ ấu cho đến những năm đầu tuổi thiếu niên, tôi đã có một mơ ước. Đó là những người bạn của bố mẹ tôi – những người sống rải rác trên khắp đất nước mà chúng tôi chỉ gặp được vài lần trong năm – đều sẽ chuyển đến sống trên con phố nhà chúng tôi, để tôi có thể đến ngồi với họ khi bầu không khí trong nhà trở nên khó chịu, mà có rất nhiều lúc như vậy. Ngày nào tôi cũng mơ về điều đó. Nhưng con phố của chúng tôi chỉ toàn những người xa lạ, đóng cửa im ỉm như nhau, đơn độc như nhau.
*
Tôi từng nghe nữ diễn viên hài Sarah Silverman nói trong một buổi phỏng vấn trên đài phát thanh về thời điểm chứng trầm cảm lần đầu tiên tấn công cô ấy lúc bước vào tuổi thiếu niên. Khi mẹ và cha dượng hỏi cô có chuyện gì, cô không tìm được lời lẽ nào để giải thích. Nhưng rồi cuối cùng, cô nói rằng mình cảm thấy nhớ nhà, giống như khi ở trại hè vậy. Cô kể lại điều này với người phỏng vấn, Terry Gross dẫn chương trình Fresh Air của đài NPR, với vẻ bối rối. Cô cảm thấy nhớ nhà. Nhưng cô đang ở nhà mà?
Tôi nghĩ tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra với Sarah. Ngày nay, khi nói về “nhà”, chúng ta chỉ muốn nói đến bốn bức tường và gia đình hai thế hệ (nếu chúng ta may mắn). Nhưng đó chưa bao giờ là ngôi nhà có ý nghĩa đối với cha ông của chúng ta. Đối với họ, nhà có nghĩa là cộng đồng – một mạng lưới dày đặc những người xung quanh chúng ta, một bộ tộc. Nhưng điều đó gần như đã biến mất. Cho đến nay, cảm giác về nhà của chúng ta đã teo tóp lại quá nhiều và quá nhanh, nó không còn đáp ứng được nhu cầu của chúng ta về cảm giác thân thuộc. Vì vậy, chúng ta mới nhớ nhà dù đang ở nhà.
*
Khi John đang chứng minh hiệu ứng này diễn ra như thế nào ở con người, thì các nhà khoa học khác lại nghiên cứu nó ở những loài động vật. Ví dụ, giáo sư Martha McClintock đã tách những con chuột thí nghiệm ra. Một số được nuôi riêng biệt trong lồng. Những con khác được nuôi theo nhóm. Những con chuột bị cô lập đã xuất hiện số lượng khối u ung thư vú gấp tám mươi lần so với những con chuột sống trong cộng đồng.
*
Sau nhiều năm thử nghiệm và nghiên cứu, John đã phát hiện ra một bước ngoặt tàn khốc trong câu chuyện này.
Khi đưa những người cô đơn vào máy quét não, ông nhận ra rằng họ sẽ phát hiện mối đe dọa tiềm ẩn trong vòng 150 mili giây, trong khi những người có kết nối xã hội phải mất thời gian gấp đôi – 300 mili giây – mới nhận thấy mối đe dọa tương tự. Chuyện gì đã xảy ra?
Sự cô đơn kéo dài khiến bạn sống khép kín với xã hội và tỏ ra nghi ngờ hơn với bất kỳ mối quan hệ xã hội nào. Bạn trở nên cực kỳ cảnh giác. Bạn bắt đầu có xu hướng công kích nhiều hơn, dù không ai có ý định tấn công bạn, và bạn sợ người lạ. Bạn bắt đầu sợ hãi chính điều mà bạn cần nhất. John gọi đây là hiệu ứng “quả cầu tuyết”, vì sự mất kết nối sẽ khiến ta dần mất kết nối nhiều hơn.
Những người cô đơn nhạy cảm với các mối đe dọa bởi vì họ vô thức biết rằng chẳng có ai tìm đến họ, vì vậy sẽ không ai giúp họ nếu họ bị tổn thương. Theo ông, hiệu ứng quả cầu tuyết này có thể đảo ngược – nhưng để giúp một người trầm cảm hoặc lo âu trầm trọng thoát khỏi tình trạng này, họ cần được yêu thương và được cảm thấy yên tâm nhiều hơn những gì trước đây họ vẫn cần.
Nhưng John nhận ra, bi kịch là nhiều người bị trầm cảm và lo âu lại ít được yêu thương hơn, vì họ trở nên khó gần gũi hơn. Thực ra, họ chỉ nhận được những lời phán xét và chỉ trích, điều càng khiến họ ngày càng trốn vào thế giới riêng. Họ lăn quả cầu tuyết đến một nơi lạnh hơn bao giờ hết.
*
Sau nhiều năm điều tra những người nói rằng họ cảm thấy cô đơn, John đã tự hỏi mình một câu cơ bản đến lạ lùng: Cô đơn là gì? Hóa ra điều này lại khó trả lời một cách bất ngờ. Khi ông hỏi mọi người: “Bạn có cô đơn không?”, thì họ sẽ dễ dàng hiểu ông đang nói gì, nhưng thật khó để xác định. Tôi cho rằng lúc đầu, khi tôi chưa nghĩ nhiều về điều đó, thì nó chỉ có nghĩa là cô đơn về mặt thể xác – vì thiếu sự kết nối với người khác. Tôi hình dung ra một cụ bà quá yếu ớt đến nỗi không thể ra khỏi nhà và không ai đến thăm.
Nhưng John đã phát hiện ra rằng điều này không đúng. Trong nghiên cứu của ông, hóa ra cảm giác cô đơn khác với việc ở một mình. Thật đáng ngạc nhiên, cảm giác cô đơn không liên quan gì nhiều đến số lượng người bạn nói chuyện mỗi ngày hay mỗi tuần. Một số người cảm thấy cô đơn nhất trong nghiên cứu của ông thật ra đã nói chuyện với rất nhiều người mỗi ngày. Ông nói: “Có một mối tương quan tương đối thấp giữa các kết nối khách quan và các kết nối được cảm nhận”.
Tôi đã rất bối rối khi lần đầu tiên nghe John nói điều này. Nhưng rồi ông bảo tôi rằng hãy tưởng tượng bạn ở một mình trong một thành phố lớn, nơi mà bạn hầu như không biết ai. Hãy đi đến một quảng trường công cộng lớn – chẳng hạn như Times Square, hoặc Vegas Strip, hoặc Place de la République. Bạn sẽ không cô đơn nữa: nơi ấy có rất nhiều người. Nhưng bạn sẽ cảm thấy cô đơn – hẳn là cô đơn sâu sắc.
Hoặc hình dung bạn đang nằm trên giường bệnh ở một phòng bệnh đông đúc. Bạn không cô đơn. Xung quanh bạn là những bệnh nhân khác. Bạn có thể nhấn một cái nút, rồi một y tá sẽ đến ngay. Nhưng hầu hết mọi người đều cảm thấy cô đơn trong hoàn cảnh đó. Tại sao lại thế?
Khi nghiên cứu vấn đề này, John khám phá ra rằng vẫn còn thiếu một yếu tố nữa để phục hồi sau cô đơn.
Để chấm dứt cô đơn, bạn cần những người khác, và cộng thêm thứ gì đó nữa. Ông giải thích cho tôi rằng bạn cũng cần cảm thấy mình đang chia sẻ điều gì đó với người khác hoặc với một nhóm, và điều đó có ý nghĩa cho cả hai người. Hai bạn phải cùng tham gia vào nó – và “nó” có thể là bất cứ thứ gì mà cả hai đều cho là có ý nghĩa và giá trị. Khi đến quảng trường Times Square vào buổi chiều đầu tiên ở New York, bạn không cô đơn, nhưng bạn cảm thấy cô đơn vì ở đó chẳng ai quan tâm đến bạn và bạn cũng không quan tâm đến họ. Bạn không chia sẻ niềm vui hay nỗi đau của mình. Bạn không là gì đối với những người xung quanh và họ không là gì đối với bạn.
Và khi nằm trên giường bệnh, bạn không đơn độc, nhưng sự trợ giúp chỉ là một chiều. Y tá ở đó để giúp bạn, nhưng bạn không ở đó để giúp y tá – nếu thử làm vậy, người ta sẽ yêu cầu bạn ngừng ngay. Một mối quan hệ một chiều không thể chữa khỏi sự cô đơn. Chỉ có những mối quan hệ hai chiều (hoặc nhiều hơn) mới có thể làm được điều đó.
John nói rằng cô đơn không phải là sự vắng mặt của những người khác, mà đó là cảm giác bạn không thể chia sẻ bất cứ điều gì quan trọng với bất kỳ ai khác. Nếu xung quanh bạn có nhiều người – thậm chí cả vợ hoặc chồng, gia đình hay một công sở bận rộn – nhưng nếu bạn không chia sẻ bất cứ điều gì quan trọng với họ, thì bạn vẫn sẽ cô đơn. John đã tìm ra rằng: Để hết cô đơn, bạn cần có ý thức “hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau, với ít nhất một người khác, và lý tưởng là với nhiều người”.
*
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Trong nhiều tháng sau lần cuối cùng chúng tôi trò chuyện, tôi cứ để ý đến một câu nói sáo rỗng theo kiểu tự động viên mà mọi người luôn nói với nhau và cứ chia sẻ không ngừng trên Facebook: “Không ai có thể giúp mình ngoài chính mình”.
Điều đó khiến tôi nhận ra rằng từ thập niên 1930 đến nay, chúng ta không chỉ làm mọi thứ một mình ngày càng nhiều hơn, mà chúng ta còn bắt đầu tin rằng làm mọi việc một mình là trạng thái tự nhiên của con người, và là cách duy nhất để tiến bộ. Chúng ta đã bắt đầu nghĩ: Tôi sẽ tự chăm lo cho mình, và mọi người khác cũng nên tự chăm lo cho bản thân họ với tư cách cá nhân. Không ai có thể giúp bạn ngoài chính bạn. Không ai có thể giúp tôi ngoài chính tôi. Những quan niệm này giờ đây đã ăn sâu vào nền văn hóa của chúng ta đến mức ta thậm chí còn đem chúng ra làm thứ thuốc an thần sáo rỗng để an ủi những người đang thất vọng – cứ như nó có thể vực họ dậy được.
Nhưng John đã chứng minh rằng đây là sự phủ nhận lịch sử loài người và phủ nhận bản chất con người. Nó khiến chúng ta hiểu sai những bản năng cơ bản nhất của mình. Và cách tiếp cận cuộc sống này khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ.
*
Trở lại thập niên 1970, khi John lần đầu tiên đặt ra những câu hỏi này, các giáo sư của ông đã tin rằng yếu tố xã hội phần lớn chẳng liên quan gì (hoặc quá phức tạp để nghiên cứu) nếu bạn muốn tìm hiểu điều gì xảy ra trong não khi tâm trạng và cảm xúc của bạn thay đổi. Trong những năm sau đó, John đã chứng minh được một cách chắc chắn điều ngược lại, chính các yếu tố xã hội ấy mới đóng vai trò quyết định. Ông đã tiên phong trong một trường phái tư duy khác biệt về não bộ, được gọi là “khoa học thần kinh xã hội”. Bộ não của bạn thay đổi tùy theo cách bạn sử dụng nó – như tôi sẽ thảo luận ở phần sau. John nói với tôi: “Quan niệm cho rằng bộ não bất động và cố định là không chính xác. Nó thay đổi”. Sự cô đơn sẽ thay đổi bộ não của bạn, và việc thoát khỏi sự cô đơn sẽ thay đổi bộ não của bạn. Vì vậy, nếu không xem xét cả bộ não lẫn các yếu tố xã hội khiến nó thay đổi, bạn sẽ không thể hiểu được điều gì đang thực sự diễn ra.
Bộ não của bạn chưa bao giờ là một hòn đảo tách biệt. Ngay cả bây giờ cũng vậy.
*
Tuy nhiên, có một lập luận phản bác rõ ràng với tất cả những bằng chứng cho thấy chúng ta đang trở nên mất kết nối, một điều cứ lởn vởn trong tâm trí tôi. Đúng, chúng ta đã mất đi một loại kết nối, nhưng chẳng phải chúng ta đã có được một loại kết nối hoàn toàn mới đó sao?
Tôi vừa mở Facebook. Tôi thấy bảy mươi người bạn lúc này đang trực tuyến ở khắp mọi châu lục. Tôi có thể nói chuyện với họ ngay lập tức. Khi đang thực hiện cuốn sách này, tôi liên tục gặp phải một mâu thuẫn rõ ràng như sau: Tôi đang đi khắp thế giới để tìm hiểu về việc chúng ta đã trở nên mất kết nối sâu sắc đến thế nào, rồi sau đó tôi mở máy tính xách tay của mình lên, để chứng tỏ chúng ta hiện đang kết nối với nhau nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử loài người.
Rất nhiều người đã viết về cách mà tinh thần của chúng ta chu du vào không gian mạng – việc chúng ta dành quá nhiều thời gian trên mạng – đang khiến chúng ta cảm thấy thế nào. Nhưng khi bắt đầu đào sâu vào vấn đề này, tôi mới nhận ra rằng chúng ta đã bỏ lỡ điểm quan trọng nhất. Internet đã xuất hiện với sự hứa hẹn giúp chúng ta kết nối vào đúng thời điểm tất cả các nguyên nhân gây mất kết nối trên diện rộng đang tăng lên đến đỉnh điểm.
Tôi chỉ thực sự bắt đầu hiểu điều này khi đến trung tâm cai nghiện đầu tiên dành cho những người nghiện Internet ở Hoa Kỳ. Nhưng trước hết chúng ta phải quay lại một chút, để tìm hiểu xem vì sao trung tâm này được thành lập.
*
Vào một ngày giữa thập niên 1990, một thanh niên 25 tuổi bước vào văn phòng của tiến sĩ Hilarie Cash, gần các văn phòng chính của Microsoft ở bang Washington. Bà là một nhà trị liệu tâm lý, còn anh là một chàng thanh niên đẹp trai, ăn mặc chỉn chu. Sau vài lời trao đổi lịch sự, anh mở lời với Hilarie về một vấn đề.
James đến từ một thị trấn nhỏ mà anh luôn là ngôi sao ở trường. Anh luôn hoàn thành xuất sắc các kỳ thi và là đội trưởng của một đội thể thao. Anh đậu vào Ivy League dễ như ăn kẹo, khiến cộng đồng của anh cứ tự hào về anh mãi. Nhưng khi bước vào ngôi trường đại học đẳng cấp thế giới thì anh lại cảm thấy vô cùng sợ hãi. Lần đầu tiên trong đời, anh không phải là người thông minh nhất trong phòng. Anh quan sát cách mọi người nói chuyện, các nghi lễ mà anh muốn tham gia, các nhóm xã hội kỳ lạ đang hình thành, và anh cảm thấy mình vô cùng đơn độc. Vì vậy, trong khi những người khác đang hòa nhập với nhau thì anh đi về phòng, bật máy tính lên và mở một trò chơi có tên là EverQuest. Đây là một trong những trò chơi đầu tiên mà bạn có thể cùng chơi với nhiều người lạ ẩn danh ở đâu đó trên mạng. Bằng cách này, anh có thể ở bên mọi người, nhưng trong một thế giới có những quy luật rõ ràng, ngắn gọn, nơi anh có thể là một ai đó.
James bắt đầu bỏ các buổi học và giờ phụ đạo để chơi EverQuest. Nhiều tháng trôi qua, trò chơi ngày càng chiếm lấy phần lớn thời gian của anh. Anh đã bị cuốn vào thế giới của trò chơi này. Sau một thời gian, nhà trường nói rằng anh không thể tiếp tục như thế. Nhưng anh vẫn quay lại với trò chơi, như thể nó là một người tình bí mật ám ảnh anh.
Khi James bị đuổi học, mọi người ở quê nhà rất hoang mang. Anh kết hôn với bạn gái thời trung học và hứa với cô rằng anh sẽ lập tức bỏ game. Anh kiếm được một công việc làm với máy tính và có vẻ anh đang dần trở lại đúng đường. Nhưng mỗi khi cảm thấy cô đơn, hoặc bối rối, anh lại thèm chơi game một cách mãnh liệt. Một đêm, anh đợi vợ đi ngủ rồi lẻn xuống tầng dưới và khởi động trò EverQuest. Không lâu sau, điều này đã trở thành một thói quen. Anh đã trở thành một người nghiện game trong bí mật. Rồi một ngày, anh đợi vợ đi làm thì gọi điện cáo ốm và dành cả ngày để chơi game. Điều này cũng đã trở thành một thói quen. Cuối cùng, giống như hồi ở trường đại học, chủ công ty nói rằng họ buộc phải đuổi việc anh.
Anh không dám nói với vợ, thế nên anh bắt đầu thanh toán các hóa đơn của gia đình bằng thẻ tín dụng. Càng căng thẳng, anh càng chơi game nhiều hơn.
Khi anh đến văn phòng trị liệu của Hilarie, mọi thứ đã sụp đổ. Vợ anh đã phát hiện những gì anh làm, dẫn đến kết cục là anh tự tử.
Ban đầu, khi những trường hợp thế này tìm đến với Hilarie, bà không phải là một chuyên gia về các mối quan hệ có vấn đề với Internet – bởi vì giữa những năm 1990, không có ai làm nghề đó cả. Nhưng bà ngày càng nhận được nhiều khách hàng như thế, những người không thể cưỡng lại việc dành hết cuộc sống cho thế giới ảo. Có một người phụ nữ nghiện chat: Cô ấy luôn mở ít nhất sáu cửa sổ chat cùng một lúc, tưởng tượng rằng cô ấy đang có một mối quan hệ lãng mạn, hay tình dục ảo, với tất cả những người ở đầu bên kia. Một thanh niên khác không thể ngừng chơi phiên bản trực tuyến của trò Dungeons and Dragons(*). Và cứ thế, họ kéo đến gặp bà.
Lúc ban đầu, bà không biết phải làm gì. “Tôi chủ yếu làm theo bản năng”, bà kể lại khi chúng tôi ngồi cùng nhau trong một quán ăn thôn quê ở bang Washington. Không có quyển sách hướng dẫn nào cho việc này. Bây giờ, khi nhìn lại những bệnh nhân đầu tiên đó, bà nói: “Tôi cảm thấy như mình đã nhìn chứng kiến một dòng nước nhỏ trước trận lũ. Và trận lũ này đang trở thành sóng thần”.
(*) Trò chơi cờ bàn (board game) nổi tiếng của Mỹ chơi theo hình thức nhập vai, lấy bối cảnh một cuộc phiêu lưu thời trung cổ. Trò chơi do Gary Gygax và Dave Arneson thiết kế, phát hành vào năm 1974. (ND)
*
Tôi bước ra khỏi xe, đi vào một bãi đất trống trong rừng. Những cây phong và tuyết tùng xung quanh chúng tôi đung đưa trong gió.
Từ một chỗ trông giống như trang trại, một chú chó nhỏ lao đến chỗ tôi, sủa ăng ẳng. Tôi đang đứng trước trung tâm phục hồi chức năng dành cho những người nghiện Internet và game đầu tiên ở Hoa Kỳ, do Hilarie đồng sáng lập cách đây một thập niên, có tên là reSTART Life (Khởi động lại cuộc đời).
Như một phản xạ không cần suy nghĩ, tôi kiểm tra điện thoại. Không có tín hiệu, và – thật vô lý – tôi thoáng có cảm giác khó chịu.
Lúc đầu, tôi được hai bệnh nhân đưa đi xem xung quanh. Matthew là một thanh niên người Mỹ gốc Hoa gầy guộc khoảng hai mươi lăm tuổi, trong khi Mitchell là một chàng trai da trắng, lớn hơn năm tuổi – đẹp trai, đầu hói. Họ giải thích rằng đây là phòng tập thể dục, nơi họ tập nâng tạ. Đây là lều để thiền, nơi họ học chánh niệm. Đây là nhà bếp, nơi họ học nấu ăn.
Và sau đó chúng tôi ngồi nói chuyện trong rừng, ngay bên ngoài trung tâm. Matthew nói với tôi rằng khi cảm thấy cô đơn, “tôi muốn giấu những cảm xúc đó và dùng máy tính như một cách để trốn thoát”. Từ tuổi thiếu niên, anh đã bị ám ảnh bởi trò League of Legeneds (Liên minh huyền thoại). Anh giải thích: “Đó là một trò chơi rất rõ ràng. Có năm người trong một đội. Mọi người cùng hướng tới một mục tiêu chung và mỗi người đều có những nhiệm vụ cụ thể. Một thế giới thật tinh vi... Tôi cảm thấy hạnh phúc – cực kỳ tập trung vào trò chơi”. Trước khi đến trung tâm này, anh đã chơi đến mười bốn giờ một ngày. Anh vốn đã gầy, nhưng còn sụt đến 13 ký vì thậm chí không muốn bỏ dở màn game nào để ăn uống. Anh nói: “Tôi hầu như lúc nào cũng chỉ ngồi đó ‘cày’ game”.
Câu chuyện của Mitchell hơi khác một chút. Sống cô độc ngay trong chính gia đình của mình, anh thoát khỏi điều đó bằng cách thu thập thông tin về bất cứ điều gì khiến anh thích thú. Từ khi còn nhỏ, anh đã cất giữ hàng đống giấy tờ khổng lồ dưới gầm giường. Rồi, ở tuổi mười hai, anh khám phá ra Internet, và anh bắt đầu in ra một lượng tài liệu khổng lồ đủ để đọc “cho đến lúc chết”, anh nói. Anh không bao giờ có thể kiểm soát được khả năng tìm kiếm thông tin của mình, theo kiểu: Được rồi, bây giờ mình đã biết đủ. Khi trở thành nhà phát triển phần mềm và được giao một nhiệm vụ đầy áp lực, anh cứ không ngừng lặn hụp trên Internet. Lúc nào anh cũng mở đến ba trăm cửa sổ trên trình duyệt web.
Với tôi, cả hai người đều rất quen thuộc. Nếu là một người phương Tây điển hình sống ở thế kỷ 21, cứ sáu phút rưỡi bạn sẽ kiểm tra điện thoại một lần. Nếu bạn ở độ tuổi thiếu niên, trung bình bạn sẽ gửi hàng trăm tin nhắn mỗi ngày. Và 42% chúng ta không bao giờ tắt điện thoại. Không bao giờ.
Khi tìm kiếm một lời giải thích cho hiện tượng này, chúng ta lại được nghe rằng nó chủ yếu là do chính bản thân công nghệ gây ra. Người ta nói về cách mỗi email mới trong hộp thư đến của bạn sẽ mang lại cho bạn một chút dopamine thế nào. Người ta nói rằng có gì đó trong chiếc điện thoại thông minh đã gây nghiện. Người ta đổ lỗi cho thiết bị công nghệ. Nhưng khi dành thời gian ở trung tâm cai nghiện Internet và suy ngẫm về việc sử dụng Internet của bản thân, tôi bắt đầu tự hỏi: Liệu có một cách nghĩ nào khác trung thực hơn về nó hay không?
Hilarie nói rằng tất cả những người mà họ đã điều trị tại trung tâm cai nghiện Internet này hầu như đều có một số điểm chung. Tất cả họ đều lo âu hoặc trầm cảm trước khi bị nghiện Internet. Đối với các bệnh nhân, nỗi ám ảnh Internet là một cách để “thoát khỏi sự lo âu, bằng cách làm cho mình bị phân tâm”, bà nói. “Đó thường là chân dung chính xác về họ”.
Trước khi nghiện Internet, họ đã cảm thấy lạc lõng và bị cô lập trong thế giới thực. Rồi thế giới ảo đã cung cấp cho những người trẻ này mọi thứ họ khao khát mà trong đời thực họ không có – chẳng hạn như một mục tiêu quan trọng, một địa vị hay một cộng đồng. “Những trò chơi phổ biến nhất là dạng trò chơi cho phép nhiều người cùng chơi, nơi bạn có thể trở thành thành viên của một đội, và bạn có thể có được địa vị trong đội đó. Mặt tích cực của điều đó là: ‘Tôi là người chơi của một đội. Tôi biết cách hợp tác với đồng đội của mình’. Cốt lõi của điều đó chính là chủ nghĩa bộ lạc”. Hilarie nói, một khi có được điều đó, “bạn có thể đắm mình trong một thực tế thay thế và hoàn toàn quên mất mình đang ở đâu. Bạn cảm thấy được đền đáp bởi những thử thách của trò chơi, bởi cơ hội hợp tác, bởi cộng đồng mà bạn đang tham gia, bởi địa vị có được trong đó – và bởi bạn có nhiều quyền kiểm soát hơn so với trong thế giới thực”.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này – về việc mọi người ở đây đều bị trầm cảm hoặc lo âu trước khi bị cưỡng bách phải sử dụng Internet. Hilarie nói rằng sự cưỡng bách phải sử dụng Internet là một dạng rối loạn chức năng dưới hình thức nỗ lực để cố gắng giải quyết nỗi đau mà họ đang mang, phần nào là do cảm giác đơn độc ở thế giới thực gây nên. Tôi tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu điều đó không chỉ đúng cho những người ở đây, mà còn cho nhiều người khác nữa?
Internet ra đời trong một thế giới mà nhiều người đã mất cảm giác kết nối với nhau. Mạng Internet cung cấp cho con người một phiên bản sao chép của những gì mà chúng ta đã mất: bạn bè trên Facebook thay cho hàng xóm, trò chơi điện tử thay cho những công việc có ý nghĩa, cập nhật trạng thái trên mạng xã hội thay cho thể hiện trạng thái thật sự trong đời thực. Diễn viên Marc Maron từng viết rằng: “Mọi cập nhật trạng thái chỉ là biến thể của một yêu cầu duy nhất: ‘Có ai đó làm ơn thừa nhận tôi không?’”.
Hilarie nói với tôi: “Nếu nền văn hóa gắn với bạn không lành mạnh, thì kết cục bạn cũng sẽ trở thành một cá nhân không lành mạnh. Gần đây tôi đã nghĩ rất nhiều về điều đó. Rồi...” – bà lùa mấy ngón tay qua mái tóc và nhìn xung quanh – “cảm thấy trầm cảm”. Bà tin rằng chúng ta đang sống trong một nền văn hóa mà mọi người không “có được những kết nối cần thiết để trở thành một con người khỏe mạnh”, và đó là lý do tại sao chúng ta không thể bỏ chiếc điện thoại thông minh xuống hoặc không chịu tắt nó đi. Chúng ta tự nhủ rằng mình đang sống một cuộc đời rất phong phú trong không gian mạng, bởi vì ở đó, chúng ta được kết nối – chúng ta được tham dự một bữa tiệc quay cuồng với hàng tỷ người. “Thật là tào lao”, Hilarie nói. Bà hoàn toàn không phản đối công nghệ – bà cũng đang dùng Facebook và thích nó – nhưng về cốt lõi, “tôi cho rằng nó không phải thứ bạn thực sự cần”. “Kiểu kết nối chúng ta cần là kết nối này” – bà giơ tay chỉ giữa tôi và bà – “mặt đối mặt, nơi chúng ta có thể nhìn, chạm, ngửi và nghe thấy nhau... Chúng ta là những sinh vật xã hội. Chúng ta muốn kết nối với nhau theo cách an toàn và đầy quan tâm, khi phải có một màn hình làm trung gian thì hoàn toàn không có kết nối nào ở đó cả”.
Khi đó, tôi thấy sự khác biệt giữa gặp mặt trực tuyến và gặp mặt trực tiếp có đôi chút giống như sự khác biệt giữa sách báo khiêu dâm và tình dục thực tế: Nó giải quyết được một chỗ ngứa cơ bản, nhưng không bao giờ làm người ta thỏa mãn. Hilarie nhìn tôi, rồi liếc nhìn chiếc điện thoại của tôi đang để trên bàn. “Công nghệ lấy màn hình làm trung gian không mang lại cho chúng ta những gì ta thực sự cần đâu”.
*
Sau nhiều năm nghiên cứu về sự cô đơn, John Caccioppo nói với tôi một bằng chứng rất rõ ràng: Mạng xã hội không thể bù đắp về mặt tâm lý cho những gì chúng ta đã mất – đời sống xã hội.
Nhưng hơn thế nữa, sự ám ảnh với mạng xã hội của chúng ta là một nỗ lực để lấp đầy một khoảng trống, một khoảng trống khổng lồ, đã xuất hiện trước khi bất kỳ ai có điện thoại thông minh. Rất giống với chứng trầm cảm và lo âu, nó là một triệu chứng khác cho cuộc khủng hoảng hiện tại của chúng ta.
*
Không lâu trước khi tôi rời trung tâm cai nghiện Internet, Mitchell bảo rằng anh muốn cho tôi xem một thứ. “Chỉ là một thứ giản dị mà tôi để ý thấy ở đây”, anh nói khi chúng tôi cùng tản bộ.
“Có một quả trứng nhện được ấp ở trên cây. Có thể anh biết rồi, bởi vì nếu anh đã xem [bộ phim hoạt hình] Charlotte’s Web (Mạng nhện của Charlotte), thì ở ngay cảnh kết thúc, lũ nhện con nở ra, sau đó chúng thả mình xuống theo những sợi tơ và bay phất phơ. Đó là những gì đang xảy ra! Mỗi khi có gió mạnh, anh sẽ thấy vài sợi tơ bắn ra từ ngọn cây”.
Mitchell kể rằng, anh ấy đã đứng nói chuyện với những người khác trong trung tâm cai nghiện về cái mạng nhện này suốt hàng giờ. Anh nhìn một thành viên khác trong trung tâm và mỉm cười.
Điều này hẳn thật lạ thường: Nhìn xem, một người nghiện Internet đang chuyển từ World Wide Web (mạng lưới toàn cầu) sang niềm vui khi thấy một cái mạng nhện thực sự và một mạng lưới kết nối trực tiếp với những người khác! Nhưng gương mặt của Mitchell thể hiện niềm vui thực sự. Cả hai chúng tôi đều ngắm cái mạng nhện rất lâu. Anh lặng lẽ nhìn nó chằm chằm. “Thật là một điều thực sự thú vị mà tôi chưa từng nhìn thấy trước đây”.
Tôi cảm thấy xúc động và tự hứa với bản thân rằng tôi sẽ học hỏi từ giây phút này.
Và sau đó, khi lái xe rời trung tâm được mười phút, tôi nhói lên nỗi cô đơn, và nhận thấy điện thoại của mình đã có tín hiệu trở lại. Tôi lập tức kiểm tra email.
*
Hiện giờ, cha mẹ tôi đã trở về quê hương – nơi từng có một cộng đồng gần gũi khi họ còn trẻ – nhưng họ thấy nơi đó cũng đã biến thành một Edgware khác. Mọi người gật đầu với nhau rồi đóng cửa. Sự mất kết nối này đã lan rộng ra toàn bộ thế giới. Có một câu nói của nhà sinh vật học E. O. Wilson mà John Cacioppo – người đã dạy chúng ta rất nhiều điều về sự cô đơn – thích trích dẫn: “Con người phải thuộc về một bộ lạc”. Giống như một con ong sẽ bối rối khi mất tổ, một con người sẽ bối rối nếu mất kết nối với nhóm của mình.
John đã khám phá ra rằng chúng ta là những con người đầu tiên từng xóa bỏ bộ lạc của mình – dù chưa hề có ý định đó. Kết quả là, chúng ta đã bị bỏ lại một mình trên cánh đồng xavan mà bản thân chúng ta cũng không thể hiểu tại sao lại thế, để rồi bối rối vì nỗi buồn của chính mình.