Khi ở cuối độ tuổi hai mươi, tôi thực sự rất béo. Một phần là do tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, một phần là do tác dụng phụ của gà rán. Tôi vẫn có thể nhớ lại và kể tên các tiệm gà rán ở Đông London, vốn là món ăn chính của tôi, từ Chicken Cottage đến Tennessee Fried Chicken. Món khoái khẩu của tôi có một cái tên chói sáng là Chicken Chicken Chicken. Những chiếc cánh gà hấp dẫn ấy, đối với tôi, là Mona Lisa của dầu mỡ.
Một đêm Giáng sinh, tôi đến chi nhánh Kentucky Fried Chicken (KFC) gần nhà, một trong các nhân viên đứng sau quầy thấy tôi đến đã cười rạng rỡ. “Johann!”, anh kêu lên. “Chúng tôi có quà cho anh này!”. Các nhân viên khác đều quay lại nhìn tôi. Từ đâu đó đằng sau lò nướng, anh lấy ra một tấm thiệp Giáng sinh. Trước những nụ cười đầy mong đợi ấy, tôi đành phải mở nó ra trước mặt họ. “Gửi khách hàng tốt nhất của chúng tôi”, tấm thiệp viết, bên cạnh là lời nhắn riêng từ tất cả nhân viên trong tiệm.
Từ đó tôi không bao giờ ăn ở KFC nữa.
Hầu hết chúng ta đều biết có điều gì đó không ổn trong chế độ ăn uống của mình. Không phải ai cũng giành huy chương vàng về tiêu thụ mỡ lợn như tôi, nhưng ngày càng có nhiều người ăn những thứ sai lầm, và kết quả là chúng ta bị ốm. Khi điều tra về chứng trầm cảm và lo âu, tôi bắt đầu biết được điều gì đó tương tự đang xảy ra với các giá trị của chúng ta – và nó đang khiến nhiều người trở nên ốm yếu về mặt cảm xúc.
Điều này đã được một nhà tâm lý học người Mỹ tên Tim Kasser phát hiện ra, vì vậy tôi đã đến gặp ông để tìm hiểu câu chuyện của ông ấy.
*
Khi còn nhỏ, gia đình Tim chuyển đến sinh sống ở khu vực giữa một vùng đầm lầy trải dài và bãi biển. Cha của ông làm quản lý ở một công ty bảo hiểm, và vào đầu thập niên 1970, ông được đưa đến một nơi có tên là hạt Pinellas, nằm ở bờ biển phía Tây Florida. Khu vực này hầu như chưa phát triển và có nhiều không gian ngoài trời rộng lớn cho trẻ em vui chơi, nhưng nó đã nhanh chóng trở thành hạt phát triển nhanh nhất trên toàn nước Mỹ, thay hình đổi dạng ngay trước mắt Tim. “Vào thời điểm tôi rời Florida, nó đã trở thành một nơi hoàn toàn khác. Bạn không thể lái xe dọc những con đường ven biển và nhìn thấy mặt biển nữa, bởi vì chỉ thấy toàn những tòa chung cư và nhà cao tầng thôi. Những khu vực từng là vùng đầm lầy có cá sấu và rắn đuôi chuông giờ đã trở thành những phân khu san sát nối tiếp những khu mua sắm”.
Tim bị những trung tâm mua sắm thu hút, thay vì bãi biển và đầm lầy, giống như tất cả những đứa trẻ khác mà ông biết. Ở đó, ông được chơi Asteroids và Space Invaders hàng giờ liền. Ông nhanh chóng trở nên khao khát vật chất – khao khát những món đồ chơi mà ông nhìn thấy trong quảng cáo.
Điều đó nghe giống như Edgware, khu ngoại ô tôi từng sinh sống. Khi tôi lên tám hay chín tuổi, khu mua sắm Broadwalk Centre ở đây mở cửa, và tôi nhớ mình đã lang thang quanh những mặt tiền cửa hàng sáng trưng của nó và nhìn chăm chăm vào những thứ tôi muốn mua trong sự mê mẩn rộn ràng. Tôi thèm muốn một cách ám ảnh món đồ chơi Lâu đài Grayskull bằng nhựa màu xanh lá cây – pháo đài mà nhân vật hoạt hình He-Man sống, và Care-a-Lot – ngôi nhà trên mây của nhân vật hoạt hình Care Bear. Đến Giáng sinh, mẹ đã không mua Care-a-Lot cho tôi, nên tôi đã ỉu xìu suốt nhiều tháng. Tôi đã đau đớn héo mòn vì món đồ chơi bằng nhựa đó.
Giống như hầu hết trẻ con thời đó, tôi dành ít nhất ba giờ mỗi ngày để xem tivi (thường là nhiều hơn), và mùa hè thì tôi sẽ ôm tivi cả ngày, chỉ tạm nghỉ một lát để đến Broadwalk Centre rồi quay lại. Đối với tôi lúc đó, dường như hạnh phúc là có thể mua rất nhiều thứ được trưng bày ở đây. Nếu bạn hỏi tôi hạnh phúc nghĩa là gì, thì tôi lúc chín tuổi sẽ nói: Là dạo qua Broadwalk Centre và mua bất cứ thứ gì mình muốn. Tôi sẽ hỏi cha những người nổi tiếng tôi thấy trên tivi kiếm được bao nhiêu tiền và ông sẽ đoán, rồi cả hai chúng tôi sẽ kinh ngạc về những gì có thể làm với số tiền đó. Đó là một hình thức kết nối nho nhỏ của cha con tôi, bằng cách tưởng tượng mình chi tiêu mua sắm cùng nhau.
Tôi hỏi Tim rằng, ở hạt Pinellas nơi ông lớn lên, ông đã bao giờ nghe ai đó nói đến điều gì khác với quan niệm cho rằng hạnh phúc là khi sở hữu được vật chất chưa. “À, tôi nghĩ là không”, ông nói. Ở Edgware, hẳn cũng có những người hành động dựa trên các giá trị khác, nhưng tôi nghĩ rằng mình chưa bao giờ nhìn thấy họ.
Khi Tim còn ở tuổi thiếu niên, một mùa hè nọ, huấn luyện viên bơi lội của ông chuyển đi nơi khác và tặng cho ông một bộ sưu tập đĩa hát, gồm các album của John Lennon và Bob Dylan. Khi nghe các đĩa hát, ông nhận thấy chúng dường như đang thể hiện một điều mà ông thật sự chưa bao giờ nghe được trước đây. Ông bắt đầu tự hỏi trong những lời bài hát này liệu có ẩn chứa những gợi ý về một lối sống khác quan niệm thông thường hay không, nhưng ông không tìm được ai để thảo luận.
Chỉ khi Tim vào Đại học Vanderbilt, một ngôi trường rất bảo thủ ở miền Nam, trong thời đỉnh cao của cựu Tổng thống Reagan, ông mới dần suy ngẫm sâu sắc hơn về điều này. Năm 1984, ông đã bầu cho Ronald Reagan, nhưng ông bắt đầu suy nghĩ nhiều về vấn đề tính xác thực của cuộc bầu cử. “Đó là khoảng thời gian tôi bị mất phương hướng”, ông nói với tôi. “Tôi nghĩ rằng mình đã nghi ngờ mọi thứ. Tôi không chỉ đặt câu hỏi về những giá trị này, mà tôi đã đặt nhiều câu hỏi về bản thân mình, về bản chất của thực tại và về các giá trị xã hội”. Ông cảm thấy như có hàng đống hình nhân xung quanh mình và ông đang đập hỗn loạn vào chúng. “Thành thật mà nói, tôi nghĩ mình đã trải qua giai đoạn đó trong một thời gian dài”.
Khi lên cao học, ông bắt đầu đọc nhiều về tâm lý học. Đó là khoảng thời gian Tim nhận ra một điều kỳ lạ.
Suốt hàng ngàn năm, các nhà triết học đã gợi ý rằng nếu bạn quá coi trọng tiền bạc và tài sản, hay nếu bạn nghĩ về cuộc sống chủ yếu theo cách bạn nhìn người khác, thì bạn sẽ không hạnh phúc. Nói cách khác, các giá trị từng tồn tại ở hạt Pinellas và Edgware, theo một nghĩa sâu sắc nào đó, đều sai lầm. Điều này đã được nói đến rất nhiều, bởi một số bộ óc vĩ đại nhất thế giới, và Tim nghĩ có lẽ nó đúng. Nhưng chưa từng có ai tiến hành một cuộc điều tra khoa học để xem liệu tất cả các triết gia này có đúng hay không.
Đây chính là điều đã thúc đẩy Tim thực hiện một dự án mà ông sẽ theo đuổi suốt hai mươi lăm năm sau đó. Nó đã giúp ông khám phá ra bằng chứng tinh tế về lý do tại sao chúng ta cảm thấy như vậy – và tại sao nó ngày càng trở nên tồi tệ.
*
Tất cả bắt đầu ở trường cao học, với một cuộc khảo sát đơn giản.
Tim đã nghĩ ra một cách để đo lường mức độ một người thực sự coi trọng việc sở hữu vật chất và tiền bạc hơn các giá trị khác, như dành thời gian cho gia đình hay cố gắng làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Ông gọi nó là Chỉ số Khát vọng (Aspiration Index), và nó khá đơn giản. Bạn hỏi mọi người xem họ đồng ý đến đâu với những tuyên bố kiểu như “Quan trọng là phải có những tài sản đắt tiền”, hay những tuyên bố rất khác như “Quan trọng là phải biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi người”. Sau đó, bạn có thể tính toán các giá trị của họ.
Đồng thời, bạn có thể đặt ra cho mọi người rất nhiều câu hỏi khác, và một trong số đó là liệu họ có đang bất hạnh, có đang bị (hay đã bị) trầm cảm hoặc lo âu không. Sau đó – bước đầu tiên – bạn xem tuyên bố họ đồng tình và câu trả lời của họ có khớp nhau không.
Ở đợt nghiên cứu thử nghiệm đầu tiên, Tim khảo sát 316 sinh viên. Khi dữ liệu được trả về và đưa vào tính toán, Tim đã choáng váng với kết quả: Những người sống thiên về vật chất, nghĩ rằng hạnh phúc đến từ việc tích lũy tài sản và giành được địa vị cao, có mức độ trầm cảm và lo âu cao hơn nhiều.
Ông biết đây chỉ là một phán đoán hú họa đầu tiên. Vì vậy, bước tiếp theo của Tim – một phần của nghiên cứu lớn hơn – là nhờ một nhà tâm lý học lâm sàng đánh giá sâu 140 thanh niên mười tám tuổi, tính toán xem Chỉ số Khát vọng của họ là bao nhiêu và xem liệu họ có bị trầm cảm hay lo âu không. Khi dữ liệu được tổng kết lại, chúng cho ra cùng kết quả: Những thanh niên nào càng coi trọng việc sở hữu vật chất và được xem là sở hữu nhiều vật chất thì càng có nhiều khả năng bị trầm cảm và lo âu.
Có phải điều này chỉ xảy ra với những người trẻ tuổi? Để tìm hiểu, Tim đã nghiên cứu trên 100 công dân ở Rochester, ngoại ô New York, thuộc nhiều nhóm tuổi và nền tảng kinh tế khác nhau.
Kết quả cũng giống vậy.
Nhưng làm thế nào ông có thể tìm được điều gì đang thực sự xảy ra – và tại sao?
Bước tiếp theo của Tim là tiến hành một nghiên cứu chi tiết hơn để theo dõi mức độ ảnh hưởng của những giá trị này lên con người theo thời gian. Ông đã yêu cầu 192 sinh viên ghi lại chi tiết nhật ký tâm trạng. Cứ hai lần một ngày, họ phải ghi lại mức độ mà họ đang cảm nhận về 9 cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như hạnh phúc hay tức giận; và mức độ mà họ đang phải chịu trong số 9 triệu chứng thể chất, chẳng hạn như đau lưng. Khi tính ra kết quả, ông lại phát hiện rằng: Ở những sinh viên thiên về vật chất, mức độ trầm cảm sẽ cao hơn; nhưng còn một kết quả quan trọng hơn thế. Có vẻ như những người theo chủ nghĩa vật chất đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn, trên mọi mặt. Họ cảm thấy ốm yếu hơn và tức giận nhiều hơn. Ông bắt đầu tin rằng: “Có điều gì đó liên quan đến khát vọng theo đuổi vật chất mạnh mẽ đã thật sự ảnh hưởng đến cuộc sống của những người tham gia và làm giảm sút chất lượng trải nghiệm hằng ngày của họ”. Họ ít vui mà tuyệt vọng nhiều hơn.
*
Tại sao lại thế? Điều gì có thể xảy ra ở đây? Kể từ những năm 1960, các nhà tâm lý học đã biết rằng có hai cách khác nhau để bạn có thể buộc mình rời khỏi giường vào buổi sáng. Động cơ đầu tiên được gọi là động cơ nội tại – đó là những việc bạn làm hoàn toàn vì bạn đánh giá cao chúng chứ không vì bất cứ điều gì bạn có được từ chúng. Khi một đứa trẻ vui chơi, nó sẽ hoàn toàn hành động dựa trên những động cơ bên trong – nó chơi vì điều đó mang lại cho nó niềm vui. Một ngày nọ, tôi hỏi cậu con trai năm tuổi của một người bạn là tại sao cháu lại chơi đùa. “Bởi vì cháu thích thế”, cậu bé nói. Sau đó, nó nhăn mặt lại và bảo “Chú ngốc thật!” rồi chạy đi, đóng giả thành Người dơi. Những động cơ nội tại này tồn tại suốt cuộc đời chúng ta, rất lâu sau thời thơ ấu.
Đồng thời, có một tập hợp giá trị đối nghịch, được gọi là động cơ ngoại sinh. Đó là những điều bạn làm không phải vì bạn thực sự muốn mà vì bạn sẽ nhận được thứ gì đó đổi lại – có thể là tiền bạc, sự ngưỡng mộ, tình dục hay địa vị cao. Joe, người mà bạn đã gặp trong chương trước, hằng ngày vẫn làm việc ở cửa hàng sơn vì những lý do ngoại sinh thuần túy – anh ấy ghét công việc đó, nhưng anh ấy cần trả tiền thuê nhà, cần mua thuốc Oxycontin để giúp anh lê lết qua ngày, cần mua được xe hơi và những thứ quần áo mà anh nghĩ sẽ giúp mọi người tôn trọng mình. Tất cả chúng ta đều có một số động cơ như vậy.
Hãy tưởng tượng bạn biết chơi piano. Nếu bạn chơi cho chính mình vì bạn yêu thích bộ môn này, thì các giá trị nội tại đang thúc đẩy bạn làm vậy. Còn nếu bạn chơi trong một quán bar chui mà bạn ghét cay ghét đắng, chỉ để kiếm đủ tiền nhằm đảm bảo bạn không bị đá ra khỏi căn hộ của mình, thì các giá trị ngoại sinh đang thúc đẩy bạn làm điều đó.
Những tập hợp giá trị đối nghịch này đều tồn tại trong tất cả chúng ta. Không ai bị một nhóm giá trị nào điều khiển hoàn toàn.
Tim bắt đầu tự hỏi liệu việc tìm hiểu sâu hơn sự xung đột này có thể giúp ông biết được điều gì quan trọng hay không. Vì vậy, ông thực hiện nghiên cứu chi tiết một nhóm 200 người trong một quãng thời gian. Ông yêu cầu họ vạch ra mục tiêu cho tương lai. Sau đó, ông cùng họ tìm hiểu xem đó là những mục tiêu ngoại sinh, như được thăng chức, có một căn hộ lớn hơn; hay mục tiêu nội tại, như trở thành một người bạn tốt hơn, một đứa con biết yêu thương hơn, chơi piano giỏi hơn. Rồi ông yêu cầu họ ghi nhật ký tâm trạng chi tiết.
Điều ông muốn biết là: Việc đạt được các mục tiêu ngoại sinh có làm bạn hạnh phúc không? Và điều đó so với việc đạt được các mục tiêu nội tại thì thế nào?
Kết quả ông tính ra được thật sự đáng giật mình. Đối với những người đạt được các mục tiêu ngoại sinh thì mức độ hạnh phúc mỗi ngày của họ không tăng lên chút nào – không hề. Họ đã dành phần lớn năng lượng để theo đuổi những mục tiêu này, nhưng khi thực hiện được, họ lại cảm thấy giống như khi bắt đầu. Được thăng chức? Mua được chiếc xe yêu thích? Một chiếc iPhone mới? Vòng cổ đắt tiền? Chúng sẽ không làm bạn hạnh phúc hơn, dù chỉ một tí.
Nhưng những người đạt được mục tiêu nội tại lại thật sự trở nên hạnh phúc hơn nhiều, họ cũng ít trầm cảm và ít lo âu hơn. Khi họ cố gắng và cảm thấy đã trở thành một người bạn tốt hơn chẳng hạn – không phải vì họ muốn lợi lộc gì từ tình bạn đó mà vì họ cảm thấy đó là điều tốt đẹp nên làm – thì họ sẽ hài lòng hơn với cuộc sống. Làm một người cha tốt hơn? Khiêu vũ chỉ vì thấy nó vui? Giúp đỡ người khác, vì đó là điều đúng đắn cần làm? Những việc đó làm tăng hạnh phúc của bạn lên đáng kể.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta gần như lúc nào cũng dành thời gian để theo đuổi các mục tiêu bên ngoài – những thứ sẽ không mang lại cho chúng ta bất cứ giá trị gì. Toàn bộ nền văn hóa của chúng ta được thiết lập để khiến chúng ta suy nghĩ theo cách này. Kiếm được điểm số cao. Có được công việc lương cao nhất. Tiến lên các cấp bậc cao hơn. Thể hiện thu nhập bằng quần áo và xe hơi. Đó là cách làm cho bản thân bạn cảm thấy tốt đẹp.
Điều mà Tim khám phá ra là thông điệp mà nền văn hóa của chúng ta đang nói với chúng ta về cách làm sao để có một cuộc sống tử tế và thỏa mãn gần như luôn sai lầm. Càng tìm hiểu, điều đó càng trở nên rõ ràng hơn. Trong những năm sau đó, có 22 nghiên cứu khác nhau phát hiện ra rằng bạn càng sống thiên về vật chất và càng bị chi phối bởi các giá trị bên ngoài thì bạn càng bị trầm cảm. Mười hai nghiên cứu khác nhau chứng minh rằng bạn càng thiên về vật chất và động cơ ngoại sinh, thì bạn càng lo âu. Các nghiên cứu tương tự, lấy cảm hứng từ công trình của Tim và sử dụng các kỹ thuật tương tự, đã được thực hiện ở Anh, Đan Mạch, Đức, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Romania, Úc và Canada – các kết quả trên toàn thế giới đều giống nhau.
*
Cũng giống như việc chúng ta chuyển hoàn toàn từ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng sang thức ăn nhanh, Tim đã phát hiện ra rằng thực tế chúng ta đã chuyển từ chỗ có những giá trị đầy ý nghĩa sang những giá trị nhất thời. Tất cả món gà rán được sản xuất hàng loạt này trông giống như thức ăn ngon lành và hấp dẫn, nhưng nó không cung cấp cho chúng ta những gì chúng ta cần từ thực phẩm – chất dinh dưỡng. Thay vào đó, nó nhồi cho ta những độc tố.
Tương tự, tất cả những giá trị thiên về vật chất nói với chúng ta rằng hãy tiêu xài thả ga để được hạnh phúc trông có vẻ giống như những giá trị thực, nhưng chúng không cho chúng ta những gì ta cần từ các giá trị – một con đường dẫn đến cuộc sống mãn nguyện. Thay vào đó, chúng nhồi cho ta các độc tố tâm lý. Thức ăn nhanh làm biến dạng cơ thể chúng ta. Còn những giá trị nhất thời làm biến dạng tâm trí của chúng ta. Đối với tâm hồn, chủ nghĩa vật chất chính là KFC.
*
Khi nghiên cứu sâu hơn vấn đề này, Tim đã có thể xác định được ít nhất bốn lý do then chốt giải thích cho việc vì sao những giá trị nhất thời lại khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ.
Đầu tiên là suy nghĩ coi trọng vật chất sẽ đầu độc mối quan hệ của bạn với mọi người. Ông hợp tác với giáo sư Richard Ryan để nghiên cứu sâu hơn 200 người, và họ nhận thấy rằng bạn càng thiên về vật chất thì các mối quan hệ của bạn càng ngắn ngủi và chất lượng của chúng càng kém đi. Nếu bạn đánh giá mọi người thông qua ngoại hình hay cách họ gây ấn tượng với người khác, bạn sẽ dễ dàng nhận ra rằng bạn rất vui vẻ gạt họ sang một bên nếu có ai đó hấp dẫn hơn hoặc ấn tượng hơn xuất hiện. Đồng thời, nếu tất cả những gì bạn quan tâm là bề ngoài của người khác, bạn cũng dễ dàng hiểu được lý do tại sao bạn lại ít được hoan nghênh với một số người, và họ cũng có thể dễ dàng loại bỏ bạn. Các mối quan hệ theo chiều hướng này cũng sẽ không tồn tại được lâu, bạn có ít bạn bè và ít sự kết nối hơn.
*
Phát hiện thứ hai của họ liên quan đến một thay đổi khác xảy ra khi bạn bị các giá trị nhất thời chi phối nhiều hơn. Hãy quay lại ví dụ về chơi piano. Mỗi ngày, Tim dành ít nhất nửa giờ để chơi piano và hát, thường là với các con. Ông làm điều đó không vì lý do nào khác ngoài việc ông thích – nó khiến ông cảm thấy hài lòng và vui vẻ. Ông cảm thấy bản ngã của mình tan biến, và ông thuần túy đang sống trong khoảnh khắc đó. Có bằng chứng khoa học mạnh mẽ cho thấy tất cả chúng ta đều đạt được niềm vui to lớn nhất từ “trạng thái dòng chảy” (flow states) – những khoảnh khắc mà chúng ta chìm đắm vào công việc ta yêu thích và đang theo đuổi trong thời điểm đó. Chúng là bằng chứng cho thấy chúng ta có thể duy trì động lực nội tại thuần túy như một đứa trẻ cảm nhận được khi vui chơi.
Khi nghiên cứu những người quá coi trọng vật chất, Tim phát hiện họ có được trạng thái dòng chảy ít hơn rất nhiều so với những người khác. Tại sao lại như vậy?
Hãy tưởng tượng mỗi khi chơi piano, Tim cứ nghĩ: Tôi có phải là người chơi piano giỏi nhất ở bang Illinois không? Mọi người sẽ tán thưởng màn trình diễn này chứ? Tôi có được trả tiền cho việc này không? Bao nhiêu? Đột nhiên niềm vui của Tim sẽ teo lại như một con kiến. Thay vì để bản ngã của ông biến mất, thì nó sẽ trở nên bực bội, bị đâm thọc, bị chọc ngoáy.
Đó là những gì diễn ra trong đầu bạn khi bạn coi trọng vật chất hơn. Nếu bạn đang làm điều gì không phải vì bản thân nó mà là để đạt được một kết quả nào đó, thì bạn không thể thư giãn trong niềm vui của khoảnh khắc ấy. Bạn liên tục giám sát bản thân. Bản ngã của bạn sẽ rít lên như một hồi chuông báo thức mà bạn không thể tắt.
*
Điều này dẫn đến yếu tố thứ ba giải thích vì sao những giá trị nhất thời lại khiến bạn cảm thấy tồi tệ. Tim nói với tôi, khi bạn cực kỳ coi trọng vật chất, “bạn phần nào phải luôn tự vấn về bản thân mình: Mọi người đánh giá bạn như thế nào?”. Nó buộc bạn phải “tập trung vào ý kiến của người khác và những lời khen ngợi của họ dành cho bạn – và sau đó bạn sẽ phải lo lắng xem người khác nghĩ gì về mình, và liệu người ta có nói những điều mà bạn muốn nghe không. Đó là một gánh nặng, thay vì được tự do thoải mái làm những gì bạn thích hoặc ở bên những người yêu thương bạn vì chính con người bạn”.
Tim nói rằng, nếu “lòng tự trọng và ý thức về giá trị bản thân của bạn phụ thuộc vào việc bạn có bao nhiêu tiền, quần áo của bạn thế nào, hay ngôi nhà của bạn rộng ra sao”, bạn buộc phải so sánh bản thân với người khác liên tục. “Sẽ luôn có ai đó sở hữu một ngôi nhà đẹp hơn, quần áo đẹp hơn hay có nhiều tiền hơn bạn”. Ngay cả khi bạn là người giàu nhất thế giới đi nữa, thì điều đó sẽ kéo dài được bao lâu? Thói coi trọng vật chất khiến bạn luôn dễ bị tổn thương trước một thế giới nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
*
Và còn một lý do quan trọng thứ tư, mà tôi nghĩ nó là yếu tố quan trọng nhất.
Tất cả chúng ta đều có những nhu cầu bẩm sinh nhất định: cảm thấy được kết nối, cảm thấy có giá trị, cảm thấy an toàn, cảm thấy chúng ta tạo ra được sự khác biệt cho thế giới, cảm thấy có quyền tự chủ, cảm thấy mình giỏi một cái gì đó. Tim tin rằng những người theo chủ nghĩa vật chất ít hạnh phúc hơn, bởi vì họ đang theo đuổi một lối sống không đáp ứng được những nhu cầu này.
Những gì bạn thực sự cần là kết nối. Nhưng những gì người ta nói rằng bạn cần, trong nền văn hóa của chúng ta, là vật chất và địa vị cao. Khoảng cách giữa hai luồng tín hiệu đó – của bản thân bạn và của xã hội – chính là nơi mà trầm cảm và lo âu sẽ phát triển khi nhu cầu thực sự của bạn không được thỏa mãn.
Tim nói, bạn phải hình dung ra tất cả các giá trị định hướng cho bạn làm mọi thứ trong đời, giống như một chiếc bánh vậy. Ông giải thích: “Mỗi giá trị” mà bạn có, “giống như một lát của chiếc bánh đó. Vậy, bạn đã có lát bánh tâm linh, lát bánh gia đình, lát bánh tiền bạc và lát bánh khoái lạc. Tất cả chúng ta đều có tất cả các lát bánh”. Khi bạn bị ám ảnh bởi vật chất và địa vị, lát bánh đó sẽ lớn hơn. Và “khi một lát bánh càng to thì những lát khác càng nhỏ lại”. Vì vậy, nếu bạn trở nên lưu luyến với vật chất và một vị thế cao hơn, những lát bánh quan tâm đến việc chăm nom các mối quan hệ, tìm kiếm ý nghĩa, hay làm cho thế giới tốt đẹp hơn phải thu hẹp lại để nhường chỗ cho nó.
“Vào bốn giờ chiều thứ Sáu, tôi có thể ở lại văn phòng để làm việc nhiều hơn – hoặc tôi có thể về nhà chơi với các con”, Tim nói. “Tôi không thể làm cả hai. Chỉ được làm điều này hoặc điều kia. Nếu các giá trị vật chất của tôi lớn hơn, tôi sẽ ở lại làm việc. Nếu các giá trị gia đình của tôi lớn hơn, tôi sẽ về nhà chơi với các con”. Nói thế không có nghĩa là những người sống theo chủ nghĩa vật chất không quan tâm đến con cái của họ – nhưng “khi các giá trị vật chất ngày càng phình to, thì các giá trị khác tất yếu sẽ bị chèn ép hơn”, ngay cả khi bạn tự nhủ sẽ không như vậy đâu.
Và trong nền văn hóa của chúng ta, áp lực tràn ngập theo một chiều: Chi tiêu nhiều hơn, làm việc nhiều hơn. Tim nói, chúng ta đang sống dưới một hệ thống liên tục “khiến chúng ta bị phân tâm khỏi những gì thực sự tốt đẹp trong cuộc sống”. Chúng ta đang được tuyên truyền để sống theo một cách không đáp ứng được những nhu cầu tâm lý cơ bản của mình – vì vậy mà chúng ta luôn có một cảm giác bất mãn thường trực khó hiểu.
*
Suốt hàng thiên niên kỷ, con người luôn nói về một thứ gọi là Quy tắc Vàng. Đó là quan niệm cho rằng bạn nên đối xử với người khác theo cách bạn muốn họ đối xử với bạn. Tôi nghĩ rằng Tim đã khám phá ra một thứ mà chúng ta nên gọi là Quy tắc “Tôi muốn những thứ bằng vàng”. Bạn càng nghĩ rằng cuộc sống cần có nhiều vật chất, sự hơn thua và phô trương, thì bạn sẽ càng ít hạnh phúc, càng thêm trầm cảm và lo âu.
*
Nhưng tại sao con người lại quá đột ngột chuyển sang theo đuổi một thứ khiến chúng ta ít hạnh phúc và trầm cảm hơn? Chẳng phải là quá sai lầm khi làm một điều vô lý như vậy sao? Trong giai đoạn sau của quá trình nghiên cứu, Tim bắt đầu đào sâu vào câu hỏi này.
Chẳng có giá trị nào của một người là hoàn toàn cố định cả. Khi theo dõi những người tham gia cuộc nghiên cứu, Tim phát hiện ra rằng mức độ giá trị nhất thời của bạn có thể thay đổi trong suốt cuộc đời. Bạn có thể trở nên coi trọng vật chất và bất hạnh hơn; hoặc bạn có thể trở nên ít ham muốn vật chất và hạnh phúc hơn. Vì vậy, Tim tin rằng chúng ta không nên hỏi: “Người nào theo chủ nghĩa vật chất?”. Thay vào đó, chúng ta nên hỏi: “Khi nào con người coi trọng vật chất?”. Tim muốn biết: Điều gì đã gây ra sự thay đổi?
Có một thử nghiệm của một nhóm các nhà khoa học xã hội khác sẽ cung cấp cho chúng ta manh mối đầu tiên. Năm 1978, hai nhà khoa học xã hội người Canada đã chọn một nhóm trẻ em 4 và 5 tuổi rồi chia thành hai nhóm. Nhóm đầu tiên không được xem quảng cáo. Nhóm thứ hai được xem hai đoạn quảng cáo giới thiệu một loại đồ chơi cụ thể. Sau đó, họ nói với bọn trẻ rằng: Bây giờ cháu phải chọn một trong hai bạn trai này để chơi cùng. Cháu có thể chơi với bạn có món đồ chơi được quảng cáo, nhưng các chú phải cảnh báo với cháu, bạn ấy không phải là một cậu bé tốt. Bạn ấy xấu tính đấy. Hoặc cháu có thể chơi với bạn không có đồ chơi nhưng thực sự tốt bụng.
Nếu đã xem quảng cáo, bọn trẻ chủ yếu chọn chơi với cậu bé xấu tính có món đồ chơi. Nếu chưa xem quảng cáo, chúng chủ yếu chọn chơi với cậu bé tốt bụng không có đồ chơi.
Nói cách khác, các quảng cáo đã khiến bọn trẻ chọn kết nối với người bạn xấu tính hơn là người bạn tốt bụng – bởi vì chúng được định hướng để nghĩ rằng một món đồ chơi bằng nhựa mới là thứ thực sự quan trọng.
Chỉ hai đoạn quảng cáo thôi mà đã cho thấy kết quả rõ ràng. Ngày nay, tất cả mọi người đều nhìn thấy nhiều thông điệp quảng cáo hơn thế trong một buổi sáng bình thường. Những đứa trẻ mười tám tháng tuổi đã có thể nhận ra logo chữ M của McDonald hơn là biết họ tên của mình. Khi một đứa trẻ bình thường được 36 tháng tuổi, nó đã nhận biết được 100 logo thương hiệu.
Tim ngờ rằng quảng cáo đóng một vai trò quan trọng trong lý do tại sao chúng ta lại chọn một hệ giá trị khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn mỗi ngày. Vì vậy, ông đã cùng với một nhà khoa học xã hội khác tên là Jean Twenge theo dõi tỷ lệ phần trăm tổng tài sản quốc gia của Hoa Kỳ chi cho quảng cáo, từ năm 1976 đến năm 2003 – và ông phát hiện ra rằng càng chi nhiều tiền cho quảng cáo, thanh thiếu niên càng ham muốn vật chất hơn.
Vài năm trước, một người đứng đầu công ty quảng cáo tên là Nancy Shalek đã giải thích một cách đồng tình: “Quảng cáo tốt nhất là khiến mọi người cảm thấy rằng nếu không có sản phẩm của họ, bạn sẽ là kẻ thất bại. Trẻ em rất nhạy cảm với điều đó... Bạn khơi lên những điểm dễ tổn thương về cảm xúc, và điều này rất dễ thực hiện với trẻ em vì chúng là đối tượng dễ bị tổn thương về mặt tình cảm nhất”.
Điều này thoạt nghe có vẻ nhẫn tâm, cho đến khi bạn hiểu được logic của nó. Hãy tưởng tượng tôi đang xem một quảng cáo và nó nói với tôi rằng: Johann này, bạn trông có vẻ ổn đấy. Bạn thật ưa nhìn. Bạn sạch sẽ. Bạn rất đáng yêu. Mọi người muốn được gần gũi với bạn. Bây giờ bạn đã có đủ rồi. Bạn không cần thêm gì nữa. Hãy tận hưởng cuộc sống đi.
Từ góc độ của ngành quảng cáo, đó sẽ là quảng cáo tồi tệ nhất trong lịch sử loài người, bởi vì tôi sẽ không muốn ra ngoài mua sắm, hay lao đến chiếc máy tính xách tay của mình để mà tiêu xài, hay làm bất kỳ điều gì khác nhằm thỏa mãn các giá trị nhất thời của tôi. Nó sẽ khiến tôi muốn theo đuổi các giá trị nội tại của mình – liên quan đến việc chi tiêu ít hơn và sống hạnh phúc nhiều hơn.
Khi trò chuyện với nhau, những người làm quảng cáo đã thừa nhận từ thập niên 1920 rằng công việc của họ là làm cho mọi người cảm thấy chưa đủ, rồi giới thiệu sản phẩm như một giải pháp để bù đắp cảm giác thiếu thốn mà họ đã tạo ra đó. Quảng cáo là kẻ thù lớn nhất đội lốt bạn bè. Họ luôn nói: Ồ, tôi muốn bạn trông/có mùi/cảm thấy tuyệt vời; Tôi rất buồn khi hiện tại bạn thật xấu xí/hôi hám/khốn khổ; Đây là thứ sẽ giúp bạn trở thành con người mà bạn và tôi đều thực sự muốn bạn trở thành. Ồ, tôi đã nói đến việc bạn phải trả vài đô la chưa? Tôi chỉ muốn bạn trở thành người mà bạn xứng đáng thôi. Điều đó không đáng giá vài đô la sao? Bạn xứng đáng có được nó.
Logic này đã ăn sâu vào nền văn hóa và chúng ta bắt đầu áp đặt nó cho nhau, ngay cả khi không có quảng cáo nào. Tại sao ngày nhỏ tôi lại khao khát một đôi giày Nike loại cho dân chơi bóng rổ, mặc dù khả năng chơi bóng rổ của tôi thì dở tệ? Một phần là do quảng cáo, nhưng chủ yếu là do quảng cáo đã vẽ ra một nhóm những người năng nổ mà tôi muốn trở thành. Nó vẽ ra một hình ảnh mà chúng ta muốn đạt đến. Khi trưởng thành, chúng ta cũng làm như vậy, chỉ là theo những cách tinh tế hơn một chút.
Tim nói, hệ thống này luyện cho chúng ta cảm thấy “không bao giờ là đủ. Khi bạn tập trung vào tiền bạc, địa vị và tài sản, xã hội tiêu dùng luôn nói bạn cần nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Chủ nghĩa tư bản luôn nói bạn cần nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Sếp của bạn nói bạn cần làm việc nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Bạn tiếp thu điều đó và bạn nghĩ: Ôi, mình phải làm việc nhiều hơn, bởi vì cái tôi của mình phụ thuộc vào địa vị và thành tích của mình. Bạn tiếp thu điều đó. Đó là một hình thức tự áp bức chính mình một cách bản năng”.
Ông tin rằng nó cũng giải thích cho việc tại sao các giá trị nhất thời lại làm tăng sự lo âu đến vậy. “Bạn luôn nghĩ: Họ có tán thưởng mình không? Người đó yêu mình vì con người mình hay vì chiếc túi xách của mình? Liệu mình có thể leo lên những nấc thang thành công không?”. Bạn trống rỗng và chỉ tồn tại trong những lời nhận xét của người khác. “Điều đó sẽ kích thích sự lo âu”.
Ông tin rằng tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương bởi điều này. Tim nói với tôi: “Các giá trị nội tại là một phần nền tảng của con người, nhưng chúng rất mong manh. Chúng ta rất dễ xao lãng khỏi chúng”. Khao khát tìm kiếm các giá trị nội tại đầy ý nghĩa “vẫn ở đó, là một phần mạnh mẽ trong con người chúng ta, nhưng chúng ta rất khó tập trung vào chúng”. Và chúng ta có một hệ thống kinh tế được xây dựng để làm chúng ta bị xao lãng.
*
Khi ngồi thảo luận với Tim về những điều này hàng giờ liền, tôi cứ nghĩ đến một cặp vợ chồng trung lưu sống trong một ngôi nhà đẹp đẽ ở vùng ngoại ô Edgware, nơi tôi lớn lên. Chúng tôi thân với nhau; tôi đã quen biết họ cả cuộc đời và tôi mến họ.
Nếu bạn nhìn qua cửa sổ nhà họ, bạn sẽ nghĩ rằng họ có mọi thứ bạn cần để hạnh phúc: là bạn đời của nhau, có hai đứa con, một ngôi nhà đẹp, tất cả những hàng hóa tiêu dùng mà người ta bảo chúng ta cần mua. Cả hai đều làm việc rất chăm chỉ với những công việc mà họ chẳng mấy hứng thú để kiếm tiền, và với số tiền kiếm được, họ mua những thứ mà tivi dạy rằng sẽ khiến chúng ta hạnh phúc – quần áo và xe hơi, đồ đạc và các biểu tượng cho địa vị. Họ phô bày những điều này với những người họ quen biết trên mạng xã hội và nhận được rất nhiều lượt thích cùng bình luận kiểu như “Trời ơi... thật đáng ghen tị!”. Sau những trầm trồ ngắn ngủi từ người khác mà họ có được nhờ trưng ra đồ đạc, họ thường trở nên bất mãn và chán nản trở lại. Họ bối rối vì điều này và thường cho rằng đó là do họ chưa mua đúng thứ. Vì vậy, họ làm việc chăm chỉ hơn và mua nhiều đồ đạc hơn, phô bày chúng qua mạng xã hội, cảm nhận sự trầm trồ của mọi người và sau đó lặp lại cái vòng lẩn quẩn đó.
Tôi cho rằng có vẻ cả hai đều bị trầm cảm. Họ liên tục luân phiên giữa trạng thái trống rỗng, tức giận, hoặc có những hành vi mất kiểm soát. Người vợ có vấn đề về ma túy trong một khoảng thời gian dài; người chồng đánh bạc online ít nhất hai giờ một ngày. Họ thường xuyên nổi giận với nhau, với con cái, với đồng nghiệp, và nhất là với cả thế giới – ví dụ như với bất kỳ ai họ va chạm trên đường khi lái xe, họ sẽ la hét và chửi bới người đó. Họ có cảm giác lo âu không thể rũ bỏ được thể hiện qua cách họ bị ám ảnh bởi những thứ bên ngoài: Người mẹ theo dõi một cách ám ảnh xem cậu con trai tuổi teen đang ở đâu vào bất cứ lúc nào và luôn lo sợ rằng cậu bé sẽ là nạn nhân của tội ác hoặc khủng bố.
Cặp đôi này không biết dùng lời gì để diễn tả tại sao họ cảm thấy tồi tệ như vậy. Họ đang làm những gì mà nền văn hóa đã bắt họ phải làm từ khi chúng ta còn thơ ấu: Họ đang làm việc chăm chỉ và mua những thứ phù hợp, những thứ đắt tiền. Họ là hiện thân của những khẩu hiệu quảng cáo.
Giống như những đứa trẻ nhỏ mê đồ chơi, họ đã được định hướng để lao đến các món đồ và bỏ qua việc tương tác với những người xung quanh.
Tôi thấy bây giờ họ không chỉ đau khổ vì thiếu một thứ gì đó, chẳng hạn như công việc có ý nghĩa hay sự gắn kết với cộng đồng. Mà họ còn đang phải chịu đựng sự hiện diện của một thứ gì đó – một tập hợp giá trị không đúng thúc đẩy họ đi tìm hạnh phúc ở tất cả những nơi sai lầm, và bỏ qua những kết nối tiềm năng của con người ngay trước mắt họ.
*
Khi Tim khám phá ra tất cả những sự thật này, nó không chỉ dẫn đường cho việc nghiên cứu khoa học của ông. Ông còn bắt đầu hướng tới một cuộc sống giúp ông có thể sống nhất quán với những phát hiện của mình – theo một nghĩa nào đó là quay trở lại một nơi giống như bãi biển ở Florida mà ngày nhỏ ông đã từng vui vẻ khám phá.
Ông nói, “bạn phải dứt ra khỏi những môi trường vật chất – nơi cổ súy các giá trị vật chất”, bởi vì chúng làm tê liệt cảm giác hài lòng bên trong bạn. Và để khiến điều đó được bền vững, bạn phải “thay thế chúng bằng những hành động sẽ cung cấp những cảm giác hài lòng bên trong, và khuyến khích những mục tiêu nội tại”.
Vì vậy, ông đã cùng vợ và hai con trai chuyển đến một trang trại trên khu đất rộng mười mẫu Anh ở bang Illinois, nơi họ sống với một con lừa và một đàn dê. Họ có một chiếc tivi nhỏ ở tầng hầm, nhưng không kết nối với bất kỳ đài truyền hình hay hệ thống cáp nào, mà chỉ dùng để thỉnh thoảng xem những bộ phim cũ. Họ chỉ mới có Internet gần đây (dù ông đã hết sức phản đối), nhưng không sử dụng nhiều. Ông làm việc bán thời gian và vợ ông cũng vậy. “Nhờ đó, chúng tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho con cái, ở trong vườn nhiều hơn, làm các công việc tình nguyện, những hoạt động xã hội và tôi có thể viết nhiều hơn”. Tất cả những điều này mang lại cho họ cảm giác hài lòng nội tại. “Chúng tôi chơi rất nhiều trò chơi. Chúng tôi chơi nhạc rất nhiều. Chúng tôi thường xuyên trò chuyện trong gia đình”. Họ còn hát cùng nhau.
Tim nói, nơi họ sống ở miền tây Illinois “không phải là nơi thú vị nhất thế giới, nhưng tôi có mười mẫu đất, tôi chỉ mất mười hai phút để đến chỗ làm với một đèn giao thông và ba biển báo dừng, chúng tôi đủ khả năng sống như vậy bằng một khoản lương”.
Tôi hỏi ông rằng liệu ông có những triệu chứng thoái lui khỏi thế giới ham mê vật chất mà cả hai chúng tôi đều đã đắm chìm vào quá lâu không. “Không bao giờ”, ông trả lời lập tức. “Người ta hỏi tôi rằng: ‘Anh không nhớ thứ này sao? Anh không ao ước có thứ kia à?’. Không, bởi vì tôi không bao giờ phải tiếp xúc với những thông điệp bảo rằng tôi nên muốn những thứ đó... Tôi không tiếp xúc với nó, vì vậy... không, tôi không gặp vấn đề đó”.
Một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của ông là khi một trong hai cậu con trai trở về nhà và nói: “Cha ơi, mấy đứa ở trường đang chế giễu đôi giày thể thao của con”. Đó không phải là một đôi giày mới toanh của thương hiệu nổi tiếng. “Vậy con nói gì với các bạn?”, Tim hỏi. Con trai ông nói rằng cậu đã nhìn chúng và nói: “Các bạn để tâm đến những thứ đó làm gì chứ?”. Cậu bé không ngượng ngùng, cậu có thể nhìn thấy rằng những gì các bạn coi trọng thật rỗng tuếch và ngớ ngẩn.
Theo Tim, nhờ sống bên ngoài những giá trị gây ô nhiễm này mà ông đã khám phá ra một bí mật. Lối sống này thú vị hơn lối sống vật chất. “Chơi với các con sẽ vui hơn”, ông nói với tôi. “Sẽ vui hơn khi làm những việc mà bản thân mình thấy thích hơn là làm những việc bạn không thật sự muốn làm. Sẽ vui hơn khi mọi người yêu quý bạn vì bản thân bạn, thay vì yêu quý bạn vì đã tặng họ một chiếc nhẫn kim cương to”.
Ông tin rằng hầu hết mọi người tận đáy lòng đều biết những điều này. “Ở một mức độ nào đó, tôi thực sự tin rằng hầu hết mọi người đều biết rằng giá trị nội tại là thứ sẽ mang lại cho họ một cuộc sống tốt đẹp”. Khi bạn thực hiện các cuộc khảo sát và hỏi mọi người rằng, điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống đối với họ, thì họ hầu như luôn xem sự phát triển cá nhân và các mối quan hệ là hai yếu tố hàng đầu. “Nhưng tôi nghĩ phần nào lý do khiến người ta trầm cảm là vì xã hội của chúng ta không được thiết lập để giúp mọi người có lối sống tốt, có việc làm, tham gia vào nền kinh tế, hay hòa nhập với khu dân cư của họ” theo những hướng thúc đẩy sự phát triển các giá trị nội tại mà họ có. Sự thay đổi mà Tim nhìn thấy ở Florida hồi nhỏ – khi các bãi biển và đầm lầy biến thành khu mua sắm và mọi người tập trung chú ý vào đó – đã xảy ra với toàn bộ nền văn hóa chúng ta.
Tim bảo tôi rằng mọi người có thể áp dụng những hiểu biết này vào cuộc đời họ, cho bản thân họ, ở một mức độ nào đó. “Đầu tiên mọi người hãy tự hỏi mình: Tôi có đang sắp đặt cuộc sống của mình để có cơ hội thành công với những giá trị nội tại của mình không? Tôi có đang chơi với những người sẽ khiến tôi cảm thấy được yêu thương không?...”. Nhưng thông thường, bạn sẽ bị cản lại bởi một giới hạn trong nền văn hóa của chúng ta. Bạn có thể cải thiện, nhưng thường thì “có những vấn đề bạn muốn giải quyết nhưng không thể dễ dàng giải quyết được ở cấp độ mỗi cá nhân, cũng không thể giải quyết bằng cách đến phòng tư vấn trị liệu hay bằng một viên thuốc”. Chúng đòi hỏi một điều gì đó hơn thế nữa – như tôi sẽ khám phá ở phần sau.
*
Khi phỏng vấn Tim, tôi cảm thấy ông đã giải đáp được một bí ẩn cho tôi. Hồi ở Philadelphia, tôi không hiểu nổi tại sao Joe lại không bỏ công việc mà anh ta thấy chán ghét ở công ty sơn để trở thành một người câu cá ở Florida, dù anh biết cuộc sống ấy sẽ khiến anh hạnh phúc hơn rất nhiều.
Tôi nghĩ giờ thì tôi đã hiểu lý do. Joe liên tục bị tấn công bởi những thông điệp nói rằng anh không nên làm điều mà trái tim mách bảo là sẽ giúp anh cảm thấy thanh thản và hài lòng. Toàn bộ logic trong nền văn hóa của chúng ta bảo rằng anh phải ở yên trong guồng quay tiêu dùng, đi mua sắm khi cảm thấy tồi tệ, theo đuổi những giá trị nhất thời. Anh đã chìm đắm trong những thông điệp đó từ khi chào đời. Vậy nên, Joe đã được huấn luyện để không tin tưởng vào cái bản năng thông thái nhất của chính mình.
Khi tôi hét vói theo anh ấy: “Đến Florida đi!”, tôi đang hét lên giữa cơn bão các thông điệp và toàn bộ hệ giá trị đang nói một điều hoàn toàn ngược lại.