Ngạn ngữ có câu: “Thân giáo quan trọng hơn ngôn giáo”. Trong các phương pháp giáo dục, phương pháp tốt nhất chính là “lấy mình làm gương”; nếu tự mình không thể làm gương thì làm thế nào để yêu cầu người khác được đây?
Có câu nói rằng: “Một tấm gương tốt đẹp mới là lời dạy quý nhất”. Trong một lần dẫn học trò đi trên đường, Vương Dương Minh1 nghe thấy hai người phụ nữ đang cãi nhau, người A mắng người B rằng: “Bà không có lương tâm!” Người B nói: “Bà chẳng chịu nói lý lẽ gì cả!” Người A trả lời: “Bà mới không chịu nói lý lẽ!” Vương Dương Minh nghe được những lời ấy, liền nói với học trò rằng: “Các trò, các trò lại nghe đạo này!” Học trò nói: “Thưa thầy, họ đang cãi nhau, không phải đang giảng đạo ạ!” Vương Dương Minh nói: “Nói lý lẽ, nói lương tâm, không phải giảng đạo thì là gì?” Sau cùng Vương Dương Minh giải thích rằng: “Lấy đạo lý, lương tâm dùng để yêu cầu người khác là chửi mắng, còn để yêu cầu chính mình tức là giảng đạo!” Cho nên, lấy mình làm gương mới là giáo dục; yêu cầu người khác tuyệt đối không phải đạo lý của giáo dục.
1 Vương Dương Minh (1472 - 1528), là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc. Đồng thời ông còn là người văn võ song toàn, từng là tướng mang quân đi dẹp loạn nhiều lần.
Quý Khang tham vấn Khổng Tử về việc chính sự, Khổng Tử đáp rằng: “Chính tức là chân chính, ngài làm gương bằng sự chính trực, còn ai dám không ngay thẳng?” Ý nói rằng, chỉ cần người lãnh đạo có đức hạnh chính trực, làm việc chính trực, đương nhiên cấp dưới cũng sẽ có thái độ ngay thẳng.
Trong một trận chiến, thân là tướng lĩnh chỉ huy thì phải xông pha đi đầu mới giành được thắng lợi; làm thầy giáo giảng kiến thức, giảng đạo lý, phải nên “đích thân thực hành” mới có thể khiến cho học sinh tin phục được. Cha mẹ, người lớn giáo dục con em đều phải “lấy mình làm gương”, nếu như cha mẹ mỗi ngày đều ra ngoài thiết đãi đối tác, không về nhà ăn cơm, lại bảo con cái ngày ngày phải ở trong nhà thì con cái sao chịu nghe lời? Nếu như cha mẹ rượu chè, thuốc lá đều đủ cả, lại không cho con cái hút thuốc, uống rượu thì con cái sao chịu phục theo?
Hiện nay rất nhiều thanh thiếu niên có hành vi sai lệch, nhưng thật ra cũng không hoàn toàn là lỗi của họ, mà những người làm cha mẹ cũng nên kiểm điểm lại mình. Ví dụ cha mẹ nói dối lại bảo con cái phải thành thật; cha mẹ ích kỷ keo kiệt lại bảo con cái nên phục vụ cống hiến, như vậy con cái sao chịu nghe lời được?
Ở trường học, một em học sinh lấy trộm của bạn cây bút chì, thầy giáo cho rằng hành vi trộm cắp này rất không tốt, bèn phản ánh đến phụ huynh. Phụ huynh lập tức cho con mình hai cái bạt tai, rồi chỉ vào con mắng rằng: “Thật không thể hiểu nổi con! Nếu con cần bút chì thì bảo bố mang từ văn phòng về cho cả tá, sao con lại phải lấy trộm của bạn?” Giáo dục kiểu như vậy làm sao có thể dạy con cái trở thành người có hành vi đúng đắn được?
Trong xã hội hiện nay, nếu những người làm chính trị nhận của đút lót, làm trái pháp luật, làm sao bảo người dân có thể chấp hành pháp luật đây? Người có chức vụ nếu quan liêu tự đại, thế thì nhân dân làm sao đoan chính hiền lương được?
Đức Phật là người đã chứng ngộ, nhưng Ngài vẫn đích thân rót nước, mang cháo cho đệ tử bị bệnh, cũng đã từng xâu kim cho một bà lão, đó chính là “lấy mình làm gương”, là tấm gương từ bi giúp người. Thậm chí đến lúc tuổi đã tám mươi, Ngài vẫn ra ngoài khất thực, tinh cần không nghỉ, thân giáo như vậy, đệ tử làm sao không tinh tấn tu đạo được?
Có câu: “Người trước làm, người sau mô phỏng theo”, biết “lấy mình làm gương”, mới có thể làm mô phạm cho người, mới có thể lãnh đạo tốt được!