Chiến tranh chính là sự tàn nhẫn, sức tàn phá của chiến tranh tạo nên hàng loạt tấm bi kịch nước mất nhà tan, chia đàn xẻ nghé, mất mạng thương thân, vợ lìa con lạc, v.v. thật không sao kể xiết! Cho nên, mọi người ai cũng đều mong muốn hòa bình, cầu nguyện hòa bình. Thế giới hòa bình, nhân dân an cư lạc nghiệp, đó là mục tiêu chung mà từ trước đến nay cả thế giới cùng theo đuổi tìm cầu.
Nhưng trên thế giới, các cuộc chiến tranh vẫn đang xảy ra là một sự thật tàn khốc không thể tránh khỏi. Nguyên nhân gây ra chiến tranh đôi khi là do nước mạnh muốn xâm lược lãnh thổ của các nước nhỏ, có lúc do kỳ thị chủng tộc, có lúc do tranh chấp quyền lợi chính trị, song có lúc là để nêu cao chính nghĩa, ủng hộ công lý nên mới buộc phải sử dụng phương thức “dùng chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh”.
Hòa bình là biểu hiện cho nhân cách rực rỡ; còn chiến tranh mặc dù đã phá hủy hàng loạt những kiến trúc văn hóa vĩ đại, nhưng trên thực tế chiến tranh cũng đã phần nào thúc đẩy sự tiến bộ văn minh của loài người. Muốn phân định “công tội” của chiến tranh thì một lời thật khó nói hết.
Lịch sử thế giới có thể nói chính là một bộ lịch sử về chiến tranh. Trước hai cuộc đại chiến thế giới thứ nhất và thứ hai, các nước châu Âu vẫn không ngừng tàn sát lẫn nhau, cho tới các cuộc Thập tự chinh, trận chiến nào cũng đều thương vong chồng chất. Tại châu Á thì chiến tranh Thái Lan - Miến Điện, chiến tranh Nhật - Nga, chiến tranh Trung - Nhật thời cận đại; cho đến việc quần hùng tranh khởi ở thời Xuân Thu - Chiến Quốc, tiếp theo là loạn Tam quốc phân tranh, loạn Ngũ Hồ, v.v. trải dọc từ xưa đến nay đã mở ra năm nghìn năm lịch sử của Trung Hoa. Có thể nói tất cả đều đã viết nên một trang sử chiến tranh nhuộm đầy máu và nước mắt.
Bởi vì chiến tranh giữa các triều đại diễn ra quá lâu, quá nhiều, cho nên nhân dân đáng thương không ai là không khẩn thiết trông mong nước nhà an định dài lâu, sớm thực hiện được mục tiêu thiên hạ thái bình.
Hơn hai nghìn năm trước, giống với Tần Thủy Hoàng của Trung Quốc, vua A Dục ở Ấn Độ cũng chinh chiến khắp nơi, đánh nam dẹp bắc, hễ đánh là thắng, rất nhiều nước nhỏ sau khi bại trận đều xưng thần triều cống. Mặc dù được bốn phương thần phục, nhưng khi đi tuần các nước, từ trong ánh mắt của những người dân đang xếp hàng chào đón, ông đều có thể nhận ra lòng thù hận vô cùng của họ.
Về sau, vua A Dục dốc lòng tin tưởng Phật pháp, thực thi chính sách nhân đạo, đổi sang dùng Phật pháp trị nước, lấy lòng từ bi nhân ái giáo hóa nhân dân, giúp người dân an cư lạc nghiệp. Quả nhiên gió đức bay xa, từ đó ông rất được nhân dân yêu kính tôn sùng. Sau đó, vua A Dục một lần nữa đi tuần khắp cả nước, nhân dân hoan nghênh chật đường, mọi người vui vẻ thành kính hô lớn “vạn tuế”, ai nấy đều hân hoan nhảy múa. Lúc bấy giờ vua A Dục mới nói lời cảm thán sâu sắc rằng: “Phật pháp có thể chiến thắng tất cả, chỉ có thắng lợi của chính pháp mới là thắng lợi chân chính”.
Tổng thống Washington nước Mỹ từng nói: “Hòa bình là niềm khao khát chung của mọi người, nhưng quyết không thể vì thế mà cầu an một cách cẩu thả để rồi đánh mất sự tôn nghiêm. Thay vào đó mọi người cần phải tuân theo nguyên tắc bình đẳng, cùng nhau chung sống, cùng nhau hưởng vinh hoa”. Đó chính là tinh thần bình đẳng, khoan hồng vô ngã của Phật pháp. Chỉ có vô tư vô ngã mới có thể chiến thắng dục vọng ích kỷ, mới có thể chính thức xây dựng nên được thế giới đại đồng, tự do, dân chủ và hòa bình.