Con người có đôi mắt để nhìn cuộc đời, nhìn vạn vật, nhìn người khác, có điều là không nhìn thấy chính mình.
Con người có tâm thức để phân biệt, để hiểu biết về người khác, hiểu biết về vạn vật, hiểu biết về thế giới, có điều là không thể hiểu biết chính mình.
Con người nhìn thấy được lầm lỗi của người khác nhưng không nhìn thấy được khuyết điểm của chính mình; nhìn thấy được tham muốn của người khác song không nhìn thấy sự keo kiệt của mình; nhìn thấy được kiến giải sai lầm của người khác, lại không nhìn thấy sự ngu si của mình.
Con người có thể hiểu biết về thế giới, về lịch sử, về xã hội, về bạn bè thân thuộc, nhưng không thể hiểu biết chính mình.
Con người nếu như cầm gương tự soi, từ trong gương mọi người có thể nhìn thấy ngũ quan1 trên khuôn mặt, tự thấy được dung mạo đẹp xấu, nhưng lại không nhìn được nội tâm của mình. Giả như có một tấm gương có thể soi thấy nội tâm đi chăng nữa thì những thói tham sân tật đố, ích kỷ oán thù ắt hẳn cũng nằm ở điểm khó nhìn thấy nhất!
1 Bao gồm: mắt, lông mày, tai, mũi và miệng.
Con người, có người từ bi, có người xấu ác; có người hỷ xả, có người tham giữ; có người có thể bao dung người khác, có người chỉ có thể được người khác bao dung; có người hy sinh bản thân vì người khác, cũng có những người tìm cách làm tổn hại người khác để trục lợi về mình, vậy bạn thuộc hạng người nào?
Làm người cần có lễ nghĩa liêm sỉ, tín nghĩa hòa bình, trung hiếu nhân ái, từ bi hỷ xả. Bạn đã bao giờ kiểm điểm lại chính mình chưa? Bạn đã bao giờ tự nhận thức rằng liệu bản thân đã có đầy đủ những điều kiện làm người như thế hay chưa?
Một con người muốn bồi dưỡng sức mạnh để gánh vác trách nhiệm nặng nề, trước hết phải bắt đầu từ việc nhận biết chính mình, rèn luyện chính mình, nhất là không nên che giấu và tránh né nhược điểm hoặc những khiếm khuyết của mình. Dám mạnh dạn đối diện với những khuyết điểm đó thì bạn mới có thể tiến bộ một cách nhanh chóng, bản thân mới có thể trưởng thành được.
Nhà Phật có một câu nói thường được mọi người nhắc đến là: “Nhận ra bản lai diện mục1 của mình”, liệu bạn thật sự có thể nhận ra khuôn mặt thật xưa nay của bản thân một cách chính xác được hay không?
1 Hay “khuôn mặt thật xưa nay”, ý nhằm để chỉ cho Phật tính, bản thể luôn thường trực trong mỗi chúng sinh.
Biết bao nhiêu người hàng ngày vẫn đang bận rộn việc so đo với những được mất thành bại của người khác, chỉ trích người khác là vô đức vô học, nhưng lại quên quan tâm đến sự khởi tâm động niệm của chính mình. Làm người nếu như không thể nhận ra lý tưởng, trách nhiệm và sứ mệnh của mình, thay vào đó lại buông thả một đời thì chẳng thể làm nên bất cứ chuyện gì. Như vậy không đáng tiếc lắm sao?
Nỗi buồn lớn nhất cuộc đời chính là không thể nhận ra chính mình, một người không thể nhận ra chính mình, thường thì không hiểu biết về sự thật, không có được lương tri, do đó tự che lấp đi pháp thân tuệ mạng của bản thân. Học Phật chính là cần phải khai mở chân tâm của mình, tháo gỡ mặt nạ của mình, thành khẩn mổ xẻ và nhận ra được chính mình.
Làm sao để nhận ra chính mình là một vấn đề lớn của cuộc đời, liệu bạn có thể xem thường, lơ là được sao?