Tiếng hát dừng lại.
Tiếng sáo lại cất lên.
Đồ Sơn Hầu Nhân ngồi trên ngọn cây đó, và đổi sang thổi một khúc ca khác.
Chiếc sáo ngọc bên môi cậu cất lên những giai điệu ngân nga, lúc vút cao, khi rộn ràng, không còn thương tâm tuyệt vọng như trước.
Tâm trạng của người nghe cũng dần dần tốt lên.
Phù Phong Sơ Lôi đột nhiên cảm thấy thật thoải mái, trước mắt như nở bung từng vạt hoa.
Một con lộc thục* chạy tung tăng dưới ánh trăng với chiếc bờm màu trắng như tuyết, dưới cổ là vằn hổ màu vàng, chiếc đuôi dài màu đỏ đang vẫy nhẹ, tao nhã như một chàng hoàng tử đang đi dạo.
* Theo ghi chép trong Sơn Hải Kinh, Lộc Thục là một loại thần thú cổ đại trên núi Nữu Dương, hình dáng giống như ngựa nhưng lại có cái đầu màu trắng, hoa văn trên người vằn vện như hổ, cái đuôi thì màu đỏ, tiếng kêu nghe như tiếng người ta hát. Truyền thuyết kể rằng mặc da lông của nó trên người thì sẽ sinh nhiều con cháu.
Nó giơ móng trước lên bước theo nhịp sáo, vừa nhảy vừa phát ra những tiếng kêu như tiếng hát, phối hợp rất ăn ý với tiếng sáo.
Ngay cả Ủy Xà cũng chậm rãi mở mắt ra, tò mò quan sát con lộc thục đẹp không thể tả đang nhẹ nhàng nhảy múa trên bầu trời đêm.
Sau khi khúc ca kết thúc, những loài chim vỗ cánh bay đi, bóng cây cũng cất đi những đóa hoa màu xanh lam của mình, chỉ còn lộc thục thong thả đi đến chỗ Đồ Sơn Hầu Nhân.
Phù Phong Sơ Lôi bèn hỏi: “Tên khúc ca này là gì?”
“Tên là “Chín cảnh sắc tươi đẹp”. Ta đã tìm được nhạc phổ bị thất lạc của Cửu Thiên Huyền Nữ, do quá lâu đời nên nó không còn được hoàn chỉnh. Nếu muốn tìm bản chính thì phải đến cánh đồng Thiên Mục, là nơi ở của Tây Vương Mẫu. Chúng ta có thể đi cùng nhau nếu có cơ hội.”
“Huynh cũng biết cánh đồng Thiên Mục sao?”
“Ô, chẳng lẽ nàng cũng biết?”
“Một người bạn đã nói cho ta biết, nhưng ta không biết rốt cuộc nơi đó là ở đâu.”
Đồ Sơn Hầu Nhân ngước nhìn bầu trời phía Tây và khua tay múa chân: “Nghe nói, cánh đồng Thiên Mục nằm ở cực Tây của thế giới. Bởi vì những ngọn núi ở đó quá cao nên phải có hai con rồng dài mới bay vọt lên được. Chỉ là, ta còn chưa tìm thấy hai con rồng dài đó.”
“Nhưng bạn của ta nói là con đường dẫn đến cánh đồng Thiên Mục đã bị cắt đứt hoàn toàn, không còn cách nào đi đến đó được nữa.”
Chàng thiếu niên không đồng ý với điều này: “Núi cao đến đâu vẫn có thể vượt qua, đường xa đến đâu vẫn có thể đi hết. Nếu nàng không thử thì làm sao biết là không thể đi được?”
“Vậy khi nào huynh sẽ đi đến đó?”
“Nàng muốn đi cùng ta à?”
Phù Phong Sơ Lôi lắc đầu, chậm rãi đứng đứng dậy nhìn về phía núi Tiên. Xem ra, nàng đã nghỉ ngơi đầy đủ và chuẩn bị lên đường.
Đồ Sơn Hầu Nhân cất cây sáo, vỗ nhẹ lên cái đầu trắng muốt của lộc thục, cười nói: “Lộc thục không thể đi được vài nghìn dặm một ngày, nhưng đi nghìn dặm một ngày thì không thành vấn đề. Từ núi Vấn đến núi Tiên cùng lắm chỉ có hai, ba trăm dặm. Ta sẽ không để nàng bị chậm trễ đâu.”
Nàng vẫn lắc đầu: “Không, tốt nhất là huynh đừng đi đến đó.”
“Ta nhất định phải đi.”
“Vì sao?”
“Đừng hỏi nữa, cho dù huynh muốn đi thì đợi nửa tháng sau hãy đi.”
Nụ cười trên môi Đồ Sơn Hầu Nhân vụt tắt, ánh mắt chàng thiếu niên vậy mà lại lóe lên một thoáng trầm ngâm. Một lúc sau, cậu mới hờ hững nói: “Gió từ phương Bắc thổi tới, có vẻ như nước Ngư Phù sắp xảy ra chuyện lớn thì phải?”
Phù Phong Sơ Lôi kinh ngạc nhìn cậu với vẻ không dám tin.
Đây là bí mật lớn nhất của tộc Ngư Phù, nhưng chàng thiếu niên lại nói ra một cách nhẹ tênh, dường như không có điều gì đáng phải che giấu.
“Thành thật mà nói, ta có quan hệ rất sâu xa với tộc Ngư Phù. Có điều, bí mật của nước Ngư Phù là gì, ta cũng chỉ nghe nói qua một vài truyền thuyết, chứ không biết điểm mấu chốt thật sự. Trước khi đến núi Vấn, ta đã dự định là nếu có thể thành công lên Cửu Trọng Tinh thì tốt, nhưng nếu không được thì sẽ tiện đường lên núi Tiên một chuyến.”
Mây đen lượn lờ trên bầu trời núi Tiên, con sông Tiên dưới khe núi bắt đầu bất ổn.
Đã nửa năm chưa có một giọt mưa rơi xuống, lòng sông đã khô cạn từ lâu. Trên mặt đất không có lấy một ngọn cỏ, trong không khí ngập tràn mùi tanh tưởi khó chịu, chỉ có những con ruồi không chết vì khát liên tục bay qua bay lại trong đủ các thứ lềnh phềnh bẩn thỉu đen sì.
Một vạt rừng trúc Tiễn Mi nở hoa đã khô héo. Dưới rừng trúc, có thể nhìn thấy xác của những con gấu trúc chết đói, chết khát bất cứ lúc nào.
Cây bách là loại cây biểu tượng cho nước Ngư Phù, có thể bắt gặp ở khắp mọi nơi trên lãnh thổ đất nước. Loài cây này vốn là nơi trú ngụ lâu dài của những đàn hạc trắng. Thời điểm đông đúc nhất, hàng trăm nghìn con hạc trắng muốt làm tổ trên cây bách đồng loạt vỗ cánh, nhuộm trắng cả núi Tiên. Bởi lẽ đó, nước Ngư Phù được gọi là nước Bách Quán.
Tuy nhiên, vua Ngư Phù không thích cây bách cho lắm. Trước tiên, ông cho chặt hết cây bách ở đô thành Kim Sa. Còn núi Tiên có lẽ vì ở quá xa nên ông không thèm để ý đến, vì vậy rừng bách ở đây mới được bảo tồn.
Bất cứ thứ gì đẹp đẽ đều không chịu được sự tàn phá.
Thời tiết khô hạn quá lâu khiến hạc trắng gần như đã biến mất.
Nhưng bây giờ, những cây bách chịu hạn tốt nhất cũng đang khô héo trên diện rộng, quả trên cây cũng chết khô từng chùm.
Ngay cả cây bách chúa hàng nghìn năm tuổi nổi tiếng cũng đã ở tình trạng chết khô một nửa, với một nửa lá cây xanh ngắt và một nửa lá cây khô vàng. Mỗi khi có gió thổi qua, những chiếc lá vàng mỏng tang liền rơi khắp mặt đất, chỉ cần nhặt lên và bóp nhẹ một cái là hóa thành bột mịn.
Con sông Tiên xinh đẹp cũng đã biến thành bãi bùn bỏ hoang.
Những con chim ưng biển mỏ dài, những con chó rụng lông, những con sóc võ vàng, những con hoẵng gầy gò đến mức biến dạng, những con vượn quỷ mặt người thân khỉ, những con quỷ núi mắt đỏ tai dài và vài ba con voi chỉ còn gầy trơ xương… Tất cả những con vật may mắn còn sống sót đều tranh nhau chen chúc nơi nguồn nước cuối cùng của con sông. Chẳng mấy chốc, nguồn nước duy nhất này cũng cạn khô, bọn chúng đều nhao nhao kêu gào về phía động Cá Con.
Theo sau những con vật là đám dân tị nạn gần đó.
Bọn họ đều mặc áo ngắn màu xanh, mặt mày vàng vọt. Những đứa trẻ mình trần phơi nắng đen nhẻm, gầy đến độ có thể đếm được từng cây xương sườn.
Có hàng nghìn người dân tị nạn, nhưng bọn họ không dám hấp tấp đến gần động Cá Con, mà chỉ đứng nhìn từ xa.
Có rất nhiều lời bàn tán xôn xao: “Chí ít cũng phải một trăm năm nay mới gặp trận hạn hán khủng khiếp như thế này. Nếu vẫn không tìm được nguồn nước thì tất cả chúng ta sẽ chết khát mất thôi.”
“Chẳng phải trong động Cá Con vẫn luôn có nước sao? Tại sao chúng ta không thể xông vào đó?”
“Ngươi có giỏi thì xông vào thử xem? Không thấy khắp nơi đều là xương trắng à?”
“Nghe nói vua Ngư Phù sẽ đến núi Tiên đi săn. Các đời vua của Ngư Phù đều sẽ đến cánh đồng săn bắn trên núi Tiên trong lễ mừng thọ một trăm tuổi của mình. Tính ra thì mấy ngày nữa chính là lễ mừng thọ của vua Ngư Phù đời này.”
“Có phải đức vua đến thì chúng sẽ có nước uống không?”
…
Tiếng bàn tán đột nhiên dừng lại, mọi người vểnh tai lắng nghe tiếng nước chảy róc rách vang lên từ trong động Cá Con.
Xung quanh động Cá Con là rừng bách um tùm, suối nước trong vắt chảy tràn khắp nơi. Ở đây có suối ngầm, dù hạn hán nghiêm trọng đến đâu thì nước suối cũng không bao giờ khô cạn.
Cả người và thú đều chép miệng một cách thèm thuồng, nhất là khi tiếng nước gần trong gang tấc càng khiến nội tạng của con người sắp bị khát khô.
Một hàng cây bách ăn thịt người* bao quanh động Cá Con đã ngăn bọn họ ở bên ngoài.
* Theo truyền thuyết, đây là loại cây ăn thịt người, thân cao tám, chín mét, có nhiều cành dài rủ xuống, giống như những sợi dây điện bị đứt. Nếu ai đó chẳng may chạm vào nó, các cành cây sẽ vươn ra như móng vuốt quấn chặt lấy người đó.
“Nếu cứ tiếp tục chờ đợi thì sẽ chết khát mất thôi. Đằng nào chả chết, sợ quái gì…”
Con hoẵng và con chó đang lao lên đầu tiên bỗng kêu lên thảm thiết, cây bách ăn thịt người vươn những sợi tua dài ra tứ phía, đung đưa theo gió giống như một bàn tay to lớn, dễ dàng tóm cả con hoẵng và con chó. Ngày sau đó, những sợi tua dài tiết ra một loại chất lỏng màu xanh lục, khiến hai con vật tan thành một đống xương trắng chỉ trong chớp mắt.
Thấy vậy, các loài động vật khác không dám xông bừa lên nữa mà sợ hãi lùi lại phía sau. Chỉ có một con voi không chịu yếu thế. Nó bình bịch đi tới, mỗi bước chân của nó khiến mặt đất rung chuyển và bụi bay mù mịt giống như một trận động đất nhỏ.
Nó không coi ai ra gì, nghênh ngang đi đến gần hàng cây bách ăn thịt người.
Tất cả các tua của những cây bách đều duỗi ra từ cùng một hướng. Con voi nổi giận rống lên một tiếng, vòi voi bẻ gãy một nắm tua lớn, thế nhưng những sợi tua dài hơn chục mét không hề yếu thế. Chúng phối hợp với nhau như thể đã phân công công việc, nhanh chóng trói chặt tứ chi, cái vòi và lỗ tai của con voi. Con voi càng giãy giụa lại càng bị trói chặt hơn. Thứ chất lỏng màu xanh lại phun ra đầy trời, chẳng mấy chốc đã tiêu diệt được con voi. Một lát sau, dưới gốc cây bách ăn thịt người chỉ còn sót lại một chiếc ngà dài màu trắng sữa.
Đám vượn quỷ đi theo phía sau vốn định “thừa nước đục thả câu”, nhưng khi thấy tình hình như vậy, con nào con nấy đều cụp đuôi run nhong nhóc, khua chân múa tay hoảng hốt lùi lại trong rừng bách bên sông.
Những con quỷ núi đỏ đen hái một quả thông khô ném vào đầu con vượn quỷ lớn, cất giọng the thé giễu cợt: “Để xem lũ chúng mày còn dám phách lối nữa không? Cứ để cho đám bách ăn thịt người xơi tái lũ đen sì sì xấu xí chúng mày đi…”
Con vượn quỷ lớn tức giận: “Đồ quỷ nhỏ đen như than nhà ngươi mà còn dám mở miệng chê bọn ta đen sao?”
Quỷ núi cười trên nỗi đau của người khác: “Cảm giác chết khát cũng không dễ chịu nhỉ? May mà ta không cần phải uống nước. Ta uống gió hút sương là đủ rồi.”
Vượn quỷ nhảy dựng lên định đánh nó, song nó đã lộn nhào nhảy lên một cây bách khác.
Các nạn dân thấy thế bèn lùi lại.
Nhất thời không có bất cứ người nào dám xông bừa lên nữa.
Đúng lúc này, có tiếng nhạc vang lên.
Bên ngoài rặng bách ăn thịt người, bên cạnh cây bách chúa, một đài tế khổng lồ từ từ mọc lên.
Tám mươi mốt chiến binh mặc áo giáp bằng ngọc tách ra xếp thành bốn hàng, chính giữa là một bàn thờ rất cao, khói xanh lơ lửng được thắp lên, mùi thơm của thịt cừu và thịt bò bay lên trời theo làn khói xanh.
Có tiếng nhạc được phát ra từ những chiếc chuông đồng.