Những quả chuông khổng lồ được xếp thành ba lớp và tám nhóm treo trên một khung chuông màu vàng kim cao khoảng năm mét và dài khoảng mười hai mét, được nâng đỡ bởi sáu chiến binh bằng đồng cầm kiếm và một số cột trụ. Trên khung chuông có khắc hình người, thú, rồng và các hoa văn. Màu đồng đã ngả sang màu xanh sẫm, rõ ràng là đã có lịch sử hàng chục nghìn năm.
Mười sáu người hầu gái trong trang phục sặc sỡ tạo thành một dàn diễn tấu. Họ đánh chuông đồng lần lượt bằng búa gỗ hình chữ Đinh (丁) và một cây gõ dài, với khí thế hoành tráng, tấu lên khúc nhạc hào hùng vang xa đến tận sông Tiên và xung quanh núi Tiên.
Lộc thục vừa mới từ trên núi Tiên chạy xuống lập tức giơ vó trước lên rồi dừng lại, như thể đang dỏng tai lắng nghe một âm thanh tuyệt vời. Đồ Sơn Hầu Nhân càng phấn khích hơn, hai mắt sáng lên và hét lớn: “Trời ơi, còn hào hùng hơn cả khúc “Chín cảnh đẹp” nữa! Không ngờ rằng nước Thục lại có nhạc công giỏi như vậy. Nàng có biết người đó là ai không, Phù Phong Sơ Lôi? Ta nhất định phải giao lưu học hỏi một chút…”
Có điều, nét mặt Phù Phong Sơ Lôi hiện lên vẻ sợ hãi. Ủy Xà cũng bất an lắc hai cái đầu. Thật kỳ lạ khi cánh rừng bách đang chết dần chết mòn xung quanh bỗng nhiên tươi tốt trở lại, nhưng rõ ràng là trời chưa có một giọt mưa nào.
Đồ Sơn Hầu Nhân nhìn theo ánh mắt của nàng và cũng dừng lại trên bức tường bán thân bằng đồng khổng lồ ở chính giữa.
Tượng đồng được đặt trên một tảng đá lớn vuông vức, từ trên cao nhìn xuống muôn loài.
Tượng đồng có đôi lông mày nhướng lên, hai mắt xếch, nhãn cầu lồi ra khoảng mười lăm phân, hai tai cũng vểnh sang hai bên khoảng mười lăm phân. Trên mặt tượng nở nụ cười bí ẩn, về tổng thể tạo hình rất tinh tế và kỳ vĩ.
“Trời ơi, chẳng lẽ đây là Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ trong truyền thuyết?”
Phù Phong Sơ Lôi lắc đầu, vẻ mặt càng thêm lo lắng.
“Cho dù là vua Đại Vũ ngày nay cũng chưa chắc có thể dựng được đài tế lớn như này. Vua Ngư Phù quả là không tầm thường. Chẳng lẽ vua Ngư Phù muốn lập đàn cầu mưa?”
“Đài tế này không phải do vua Ngư Phù dựng.”
Đồ Sơn Hầu Nhân ngạc nhiên hỏi: “Nếu không phải ông ấy thì còn ai khác dám lập đài tế lớn thế này?”
Ủy Xà rít lên: “Đó là tượng vua Bách Quán.”
Vua Bách Quán!
Đồ Sơn Hầu Nhân không hỏi thêm nữa. Cậu đã biết tại sao Phù Phong Sơ Lôi lại có sắc mặt hoảng hốt như vậy.
Nước Cổ Thục đã có lịch sử hàng vạn năm, nhưng không ai biết vương quốc này được thành lập như thế nào. Vị vua sáng lập ra đất nước là Tàm Tòng* đã biến mất trong truyền thuyết từ lâu và vị vua thứ hai chính là Bách Quán.
* Tàm Tòng là vị thần nuôi tằm trong thần thoại và truyền thuyết xa xưa. Ông là vị vua đầu tiên của nước Thục, là người chuyên trồng dâu nuôi tằm, tương truyền rằng mắt ông lồi ra phía trước như con cua, tóc búi sau đầu, mặc quần áo theo kiểu chéo sang bên trái.
Tuy nhiên, cũng giống như người tiền nhiệm của mình, vua Bách Quán cũng rất bí ẩn, dường như ông cũng là người từ trên trời giáng xuống và gần như không có bất cứ sự tiếp xúc nào với các quốc gia Trung Nguyên. Do sự cách trở bởi dãy núi Tần Lĩnh, các quốc gia Trung Nguyên hoàn toàn không biết đến sự tồn tại của nước Cổ Thục trong những năm tháng rất dài.
Triều đại của vua Bách Quán kéo dài hơn mười nghìn năm.
Mãi đến tận mười nghìn năm trước, vua Bách Quán đã biến mất một cách li kỳ, vua Ngư Phù bất ngờ trở thành vua của nước Cổ Thục. Kể từ đó, nước Cổ Thục dần dần được thế giới bên ngoài biết đến như một bá chủ của phía Tây Nam. Có điều, nhờ dãy núi Tần Lĩnh ngăn cách nên nước Ngư Phù chưa bao giờ giao tiếp với thế giới bên ngoài, lại càng trở nên bí ẩn hơn.
Và vua Ngư Phù cũng không rõ lai lịch như hai đời vua trước.
Ông cũng là người từ trên trời giáng xuống, cho dù các quốc gia Trung Nguyên có hỏi thăm thế nào cũng không thể tìm ra nguồn gốc của ông. Bắt đầu từ thời vua Nghiêu, vua Thuấn, các sứ thần sẽ được cử đến nước Cổ Thục vài năm một lần. Song, các đời vua Ngư Phù chưa bao giờ tiếp kiến họ, thậm chí còn không cho phép họ đặt chân vào đô thành Kim Sa.
Cũng chính vì vậy mà thân thế của vua Ngư Phù càng thêm bí ẩn, khó đoán.
Những năm gần đây, vua Đại Vũ nam chinh bắc chiến, dần dần thống nhất cửu châu. Đại hội các quốc gia tại Đồ Sơn sẽ được tổ chức vào mùa xuân sang năm. Tất cả các nước chư hầu đều đã cử sứ giả đến, chỉ có nước Ngư Phù vẫn không có động tĩnh gì. Điều này cũng rất dễ hiểu, bởi vì nước Ngư Phù không phải là nước chư hầu của Đại Hạ.
Một vài năm trước, Đại Hạ đã ra lệnh cho một vài nước chư hầu tiến đánh nước Ngư Phù một cách công khai lẫn bí mật, nhưng cuối cùng đều thất bại, thậm chí còn không thể vượt qua dãy Tần Lĩnh.
Vua Đại Vũ ôm chí hướng tại Trung Nguyên, vì vậy trong một thời gian dài đã không nghĩ đến nước Ngư Phù nữa, cho đến khi thống nhất được cửu châu.
Có lẽ ông ta cảm thấy thật đáng tiếc nếu góc phía Tây Nam không nằm dưới trướng của mình, nên đã đặc biệt gửi thư mời đến nước Ngư Phù.
Vua Ngư Phù đã đáp lại thư mời này một cách rất thú vị. Ông không tỏ bất cứ thái độ gì, mà cử sứ giả mang thư mời đến cho vua Đại Vũ, nội dung là mời ông ta đến tham dự lễ tế Nữ Oa được tổ chức tại đô thành Kim Sa vào tháng Tám sang năm.
Sau khi đọc xong bức thư, vua Đại Vũ tức giận không để đâu cho hết.
Bởi vì tổ tiên của vua Đại Vũ cũng chính là Hoàng Đế tổ tiên chung của Hoa Hạ. Tuy nhiên, vua Ngư Phù lại tự nhận mình là hậu duệ của Nữ Oa. Mà mọi người đều biết rằng Nữ Oa đã tạo ra loài người, là tổ tiên chung của loài người.
Đương nhiên là vua Đại Vũ đã nổi trận lôi đình trước sự khiêu khích tao nhã này, nhưng kỳ lạ là ông ta không lập tức ra tay tiêu diệt, càng không cử đại quân áp sát biên giới nước Ngư Phù để thị uy.
Không biết ông ta còn kiêng dè vua Ngư Phù hay là vì nguyên nhân khác mà không có động thái gì cả.
Nhưng lúc này, Đồ Sơn Hầu Nhân vẫn cảm nhận được luồng sát khí. Luồng sát khí này không phải đến từ vua Đại Vũ mà đến từ sự xuất hiện đột ngột của bức tượng vua Bách Quán.
Bức tượng đó mỉm cười y như người sống vậy.
Trong những lời bàn tán đầu đường cuối ngõ, việc vua Ngư Phù lên ngôi rất mờ ám, thậm chí cái chết của vua Bách Quan cũng có liên quan đến ông.
Đáng lẽ ra, cho dù vua Ngư Phù muốn làm lễ tế trời trước khi đi săn thì phải bái tế các đời vua Ngư Phù trước, chứ sao lại bái tế vua Bách Quán?
Thế nhưng trên đài tế cao lại là bức tượng của vua Bách Quán đang nhìn xuống với vẻ bình thản, nụ cười nửa miệng đó như muốn nói rằng: Đừng nóng vội, đừng nóng vội. Mọi bí ẩn sẽ được giải đáp trong ngày hôm nay.
Đám mây đen trên đỉnh đầu đột nhiên tăng tốc xoay tròn như một tấm lưới đen khổng lồ bao phủ cả bầu trời và dòng sông Tiên. Lúc này chỉ mới cuối giờ Thìn (khoảng 8 giờ 30 phút sáng) mà trời đã tối đen như lúc nửa đêm. Một tia sáng còn sót lại giữa tầng mây đen dày đặc giống như đã xé rách một lỗ thủng giữa màn đêm, song cũng đủ nhìn thấy rõ mọi thứ trong phạm vi mười dặm.
Từ khe hở này nhìn lên sẽ thấy mặt trời giống như bị giam cầm trong một chiếc hộp nhỏ, phát ra ánh sáng lập lòe như thể đang bị thương, không thể duy trì năng lượng ổn định.
Đồ Sơn Hầu Nhân chưa bao giờ nhìn thấy cảnh tượng kỳ diệu như vậy trong đời. Cậu lại nhìn sang Phù Phong Sơ Lôi thì thấy sắc mặt nàng tái nhợt lạ thường, nỗi sợ hãi trong mắt càng đậm hơn.
Mây đen đang từ từ xua đuổi hoàn toàn mặt trời. Mọi người đều cho rằng sắp mưa đến nơi. Những động vật cũng mở to mắt nhìn mây đen và gầm rú. Nhưng nửa canh giờ sau, trời vẫn không mưa, còn đám mây đen mỗi lúc một dày đặc, tia sáng mỗi lúc một yếu dần.
Cuối cùng, vượn quỷ nóng nảy cũng mất hết kiên nhẫn mà gào to: “Chết rồi! Chết rồi!”
Quỷ núi vừa rồi còn cười trên nỗi đau của vượn quỷ cũng thét chói tai phụ họa: “Chết rồi, chết rồi!”
Mười mấy con sóc lặng lẽ chạy về phía động Cá Con. Bọn chúng thân hình nhỏ bé, lại không phát ra tiếng động, cứ thế bò sát mặt đất. Những chiếc tua của cây bách ăn thịt người có vẻ như không phát hiện đám động vật nhỏ này.
Trông thấy bọn chúng sắp đột phá vòng vây, ngay cả đám nạn dân cũng lộ ra vẻ ghen tị trong ánh mắt. Một số người đánh bạo bò theo sau, muốn cùng đám sóc bò qua hàng cây bách ăn thịt người.
Bỗng nhiên các sợi tua của cây bách liền cử động, mười mấy con sóc và bảy, tám nạn dân đều bị cuốn lên cao. Lần này, cả người lẫn sóc đều không còn xương cốt, chỉ có chất lỏng tanh hôi màu xanh vẩy khắp trên mặt đất khi những chiếc xúc tu của cây bách mở ra.
Một cơn gió thổi qua, hàng bách ăn thịt người rung lên xào xạc như đang chép miệng, tỏ ra hết sức hài lòng với bữa ăn ngon lành này.
Tất cả mọi người đều tái mặt.
Chợt có tiếng vó ngựa phá vỡ sự ồn ào bên sông. Mọi người lập tức đổ dồn mắt nhìn sang, trông thấy sáu con tuấn mã màu đỏ đang kéo một cỗ xe màu vàng đồng từ hướng Tây Nam đi tới. Sáu con ngựa toàn thân màu đỏ rực, không pha lẫn bất cứ màu sắc nào. Còn cỗ xe bằng đồng lại càng thêm khí thế phi phàm, bánh xe với ba mươi chiếc nan hoa, thùng xe có một cửa ra vào và ba cửa sổ. Cửa ra vào ở phía sau xe, ba cửa sổ được chia ra ở hai bên thân xe và đầu xe. Cửa sổ ở đầu xe có thể đóng mở lên xuống, cửa sổ hai bên được khảm vào giữa hai rãnh, có thể kéo qua kéo lại, khi đóng vào thì ấm, khi mở ra thì mát. Nếu nhìn kỹ sẽ thấy các ô cửa sổ đều được làm từ thủy tinh thượng hạng, hoàn toàn trong suốt.
Trên cỗ xe có cắm một lá cờ đỏ tươi, trên lá cờ có một vòng tròn lớn màu vàng kim, xung quanh là mười hai tia sáng giống như những chiếc răng nanh với khoảng cách đều nhau, và hình bốn con vịt trời nối đuôi nhau bay về cùng một hướng. Nhìn từ xa, trông giống như một vầng thái dương chói lọi.
Vịt trời!
Cá (Ngư) và vịt trời (Phù) thếp vàng.
Đó chính là cờ của nước Ngư Phù.
Cỗ xe này là xe của vua Ngư Phù.
Có người kinh ngạc thốt lên: “Đội săn của vua Ngư Phù đến rồi!”
Cứ một trăm năm năm một lần vào tháng Bảy, vua Ngư Phù sẽ đi từ kinh đô của Cổ Thục là thành Kim Sa để đến núi Tiên đi săn, chào mừng đại thọ một trăm tuổi của mình. Nghe nói, quy tắc này bắt đầu từ đời vua Ngư Phù đầu tiên, sau đó vẫn liên tục duy trì không thể thay đổi.
Dần dà, núi Tiên trở thành vườn sau của vua Ngư Phù. Có điều, không ai biết tại sao các vị vua Ngư Phù cứ phải đi săn một trăm năm một lần và họ săn được con mồi gì.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, lại đến kỳ hạn một trăm năm và vua Ngư Phù đương nhiệm lại đến bãi săn kỳ lạ này.