Tôi hy vọng rằng, trong các tài liệu lưu trữ và tài liệu lịch sử trong tương lai, chúng ta sẽ không đặt các truyền thống về công nghệ theo thứ bậc và tính quy luật của sai lầm lên trên sự rối loạn dị thường và tuyệt vời từ cuộc sống của con người.
— Theodore Nelson, 2008
NGAY TRƯỚC KHI WEB TRỞ THÀNH XU THẾ ĐẠI CHÚNG, tác giả Robert Wright đã dự đoán một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của nó. Trong bài tiểu luận Voice of America, đăng ngày 13 tháng 9 năm 1993 trên Tạp chí New Republic, Wright đã viết về việc truy cập vào Usenet, nơi có các nhóm thảo luận trực tuyến được tổ chức theo chủ đề. Vào đầu những năm 1990, phần mềm Usenet rất khó sử dụng và việc truy cập trực tuyến cũng rất khó khăn; kết nối băng thông rộng cố định vẫn còn là điều xa vời. Bất chấp những trở ngại này, các nhóm thảo luận mà Wright tìm thấy vẫn diễn ra rất sôi động. Ông đã viết: “Lưu lượng truy cập nhóm tin tức được tạo ra từ những người nghiêm túc tìm kiếm thông tin mà họ cần hoặc ít nhất là thật sự muốn tìm kiếm. Mức độ của các cuộc tranh luận thường rất cao mặc dù không đồng đều.”
Wright đã bình luận rất sắc sảo về nhiều khía cạnh của các cuộc tranh luận và văn hóa trực tuyến có thể sẽ nở rộ trong những năm tới, từ việc dễ dàng tìm kiếm lợi ích chung cho đến các biểu tượng cảm xúc. Đối với những người quan tâm đến tác động của mạng Internet đến thế giới kinh doanh, nhận thức quan trọng nhất của họ thường liên quan đến việc một câu hỏi có thể được trả lời dễ dàng như thế nào. Câu hỏi của ông là: “Tại sao bộ gậy golf tiêu chuẩn không còn bao gồm loại gậy sắt 2?” Hàng chục câu trả lời đã xuất hiện trong vòng 48 giờ.
Wright đã nhận được một “câu trả lời hợp lý” cho câu hỏi của ông1 và nhận thức được rằng: hiện tượng ai đang trả lời thậm chí còn quan trọng hơn khả năng nhận được câu trả lời cho một câu hỏi. “Những điều [mạng] thay đổi là những hạn chế mơ hồ về sự tương tác. Khoảng cách không phải là trở ngại. Chủng tộc chẳng thành vấn đề. Dù là một người đàn ông cao lớn hay một người phụ nữ gợi cảm cũng không ảnh hưởng đến mức độ tôn trọng mà bạn nhận được... Điều này tạo nên sự pha trộn của những tâm hồn tự do hơn và không phụ thuộc vào thể xác.”
1. Trớ trêu thay, Wright đã không viết câu trả lời này vào bài viết của mình. Đây là câu trả lời của chúng tôi: Bộ gậy golf không bao gồm loại gậy sắt 2 chủ yếu là vì chúng rất khó sử dụng. (TG)
Ngay từ đầu, Wright đã nhận ra một điều cực kỳ quan trọng về thế giới trực tuyến mà hầu hết mọi người chỉ nhận ra vào năm 1993: đó là một phương tiện chưa từng có để tập hợp kiến thức đa dạng từ khắp mọi nơi trên thế giới và từ những tầng lớp người khác nhau. Và các bộ sưu tập lớn về kiến thức có giá trị vì mọi người có thể tham khảo chúng một cách dễ dàng, từ đó con người trở nên thông minh hơn.
ĐÂY LÀ CÂU TRẢ LỜI CỦA MỌI NGƯỜI
Rốt cuộc, đây chính là ý tưởng đằng sau một thư viện, một trong những tổ chức lâu đời nhất trong nền văn minh. Các thư viện được thành lập và tài trợ bởi các quốc vương, nhà thờ, các chính phủ được bầu cử dân chủ và các nhà hảo tâm, họ thường có các nhân viên được đào tạo để chọn lọc, sắp xếp và duy trì các bộ sưu tập. Các thư viện là ví dụ tuyệt vời về thứ mà chúng ta gọi là “cốt lõi”, thứ mà chúng ta định nghĩa là những cơ quan, tổ chức, nhóm thống trị và quy trình của thời kỳ trước khi có mạng Internet. Để rõ ràng hơn, chúng tôi không cho rằng cốt lõi là thứ gì đó xấu xa hay lỗi thời. Cả hai chúng tôi đã sử dụng và được hưởng lợi từ các thư viện trong suốt cuộc đời mình, và chúng tôi rất tự hào với hệ thống thư viện tuyệt vời của MIT.
Điều mà Wright đã thấy trước, ngay cả khi ông không thể lường trước được quy mô và tốc độ của nó, là sự xuất hiện của một giải pháp thay thế cho cốt lõi, thứ mà chúng tôi gọi là “cộng đồng” – những người tham gia và hành vi mới được mạng và các công nghệ kèm theo kích hoạt. Web ngày nay là một thư viện được tạo ra bởi cộng đồng – một thư viện rất lớn, không ngừng phát triển và luôn luôn thay đổi. Giống như tất cả các khía cạnh của cộng đồng, nó được kích hoạt cũng như phụ thuộc rất nhiều vào tính kinh tế của các bit miễn phí, hoàn hảo và tức thời: các trang web ngày nay sẽ không tồn tại nếu chúng ta phải trả tiền mỗi khi truy cập hoặc đóng góp, bổ sung nội dung.
Sự khác biệt giữa Web và các thư viện trên thế giới làm nổi bật sự khác biệt giữa cộng đồng với cốt lõi. Điều đầu tiên là nó lớn hơn. Ước tính có khoảng 130 triệu cuốn sách đã được xuất bản xuyên suốt lịch sử loài người, trong đó có khoảng 30 triệu cuốn có mặt trong thư viện (vật lý) lớn nhất thế giới, Thư viện Quốc hội ở Washington, DC. Ngược lại, số lượng những trang web có các công cụ tìm kiếm hiện đại vào năm 2015 đã tăng lên khoảng 45 tỷ trang, với khả năng truy cập riêng tư hơn nhiều. Hiện tại, web cũng bao gồm các phiên bản kỹ thuật số của ít nhất 25 triệu cuốn sách, nhờ chức năng quét của Google và những phần mềm khác.
Thế giới trực tuyến cũng tạo ra thông tin dưới nhiều hình thức khác nhau. Các thư viện thường chuyên về một số thứ – sách, bản đồ, hồ sơ lưu trữ,… – nhưng web có tất cả: văn bản, âm nhạc, hình ảnh, podcast, video, môi trường thực tế ảo,… Và nó còn có nhiều hơn tất cả những thứ này, hơn nữa còn có thể được truy cập mọi lúc. Chẳng hạn, theo ước tính, chỉ riêng trên YouTube đã có 80 triệu video, và còn nhiều hơn nữa trên Facebook cùng nhiều trang web khác. Không ai “chịu trách nhiệm” với biển nội dung này; không ai hay không một hội đồng nào quyết định rằng cần thêm một tiện ích chia sẻ ảnh, hoặc bật đèn xanh cho phương tiện truyền thông để viết blog, tweet hoặc bảng tin. Cốt lõi được đặc trưng bởi các cơ quan chính phủ, các quy trình phê duyệt, con người và các nhóm có quyền lực chính thức để nói Không. Cộng đồng hầu như không có điều này (mặc dù chắc chắn có một số nhà môi giới thông tin1 rất có ảnh hưởng).
1. Họ có tên khác là người môi giới dữ liệu. Những người này thu thập thông tin của các cá nhân từ nhiều nguồn – công khai hoặc riêng tư – như từ kết quả điều tra dân số, đăng ký hộ khẩu, danh sách đăng ký cử tri, lịch sử mua hàng, lịch sử duyệt web,... Sau đó, tổng hợp thành các hồ sơ cá nhân, được tạo thành từ hàng nghìn thông tin đơn lẻ như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, sở thích, tình trạng đầu tư,... Các nhà môi giới sau đó sẽ bán các hồ sơ cá nhân này cho các cá nhân và tổ chức khác nhằm mục tiêu quảng cáo cho những nhóm đối tượng cụ thể. Họ cũng có thể bán những thông tin này cho một số cơ quan chính phủ, như FBI. Điều này có thể gây ra một số vấn đề về quyền riêng tư. (BTV)
Đối phó với một cộng đồng đôi khi ngang bướng
Một kết quả không thể tránh khỏi của sự thiếu thứ bậc này là cộng đồng còn ngang bướng hơn so với cốt lõi. Nó vốn và cố tình phân cấp cũng như không kiểm soát được. Cấu trúc này cho phép sự tự do ngôn luận và đổi mới, điều này thật tuyệt vời.
Nhưng tự do không phải lúc nào cũng tốt. Bản chất không kiểm soát của cộng đồng mang đến hai vấn đề khó khăn. Đầu tiên, rất khó để tìm thấy những gì bạn đang tìm kiếm trong một đại dương thông tin không được kiểm soát, được đóng góp bởi vô số các dòng sông chảy tự do.
Cốt lõi giải quyết vấn đề tìm kiếm này bằng cách quản lý nội dung – kiểm soát những gì được nhập vào và áp dụng trí thông minh của con người vào công việc tổ chức nội dung. Vì vậy, các thư viện có bộ phận tiếp nhận và danh mục thẻ, các tạp chí có biên tập viên và mục lục,… Trong những năm đầu khi web xuất hiện, một số phương pháp này đã được đưa vào nội dung do cộng đồng tạo ra. Yahoo ban đầu là viết tắt của cụm từ “Yet Another Hierarchically Organized Oracle” (Một lời khuyên khác về trật tự không chính thức) và đã nổi lên như một danh mục thẻ cho mạng lưới; một tập hợp các danh mục và phụ lục web do con người tạo ra và duy trì.1
1. Sau khi vai trò phụ trách trang web của Yahoo trở nên mờ nhạt, lý do mà nó tồn tại cũng phai nhạt theo. Verizon đã đồng ý mua lại công ty vào năm 2016 trong cái được gọi là “hợp đồng trị giá 5 tỷ đô-la buồn nhất trong lịch sử công nghệ.” Brian Solomon, Yahoo Sells to Verizon in Saddest $5 Billion Deal in Tech History (tạm dịch: Yahoo được bán cho Verizon trong Thỏa thuận trị giá 5 tỷ đô-la buồn nhất trong lịch sử), Forbes, July 25, 2016, http://www.forbes.com/sites/briansolomon/2016/07/25/yahoo-sells-to-verizon-for-5-billion-marissa- mayer/#7084344771b4. (TG)
Tuy nhiên, Yahoo và các nền tảng tương tự đã gặp khó khăn trong việc theo kịp nội dung trực tuyến ngày càng gia tăng theo cấp số nhân, và nhiều nhà quan sát cảm thấy rằng web sẽ sớm trở thành (hoặc đã là) một mớ hỗn độn kinh niên. Như nhà toán học và tác giả John Allen Paulos đã quan sát thấy trong những ngày đầu mà web xuất hiện, “Internet là thư viện lớn nhất thế giới. Chỉ có điều là tất cả sách đều nằm trên sàn.”
Đáng ngạc nhiên, giải pháp cho vấn đề này đến từ chính nội dung. Khi còn là sinh viên khoa Khoa học Máy tính của Đại học Stanford, Larry Page và Sergey Brin đã nhận ra rằng nhiều phần nội dung trên web hầu hết được điều hướng đến các phần khác bằng cách liên kết chúng; rốt cuộc, đó là lý do tại sao Tim Berners-Lee đã đặt tên cho nó là “mạng”. Họ phỏng đoán rằng các liên kết này có thể được sử dụng để xây dựng chỉ mục cho tất cả các nội dung trên web – trong đó một trang có nội dung hay nhất về một chủ đề nhất định là trang được liên kết với nhiều trang khác. Theo một cách nào đó, đây là cách mà danh tiếng học thuật được xây dựng: bằng cách trích dẫn những bài báo nào có nhiều trích dẫn nhất từ các bài báo khác. Page và Brin đã bổ sung một bước ngoặt thông minh bằng cách đánh giá tầm quan trọng của từng liên kết theo số lượng trang được liên kết lần lượt đến mỗi trang có nguồn gốc các liên kết,...
Thuật toán mà Page và Brin phát triển đã tạo ra một thứ hạng của các trang và được gọi là “PageRank”. Bài viết của họ mô tả cách tiếp cận này, có tựa đề là The Anatomy of a Large-Scale Hypertextual Web Search Engine (tạm dịch: Giải phẫu công cụ tìm kiếm web liên kết nội dung với quy mô lớn), được trình bày vào tháng 4 năm 1998 tại Hội nghị Web toàn cầu lần thứ bảy tại Brisbane, Úc. Cặp đôi này đã thành lập một công ty để đưa cách tiếp cận này vào thực tiễn – ban đầu công ty có tên là BackRub, nhưng sau đó đổi tên thành Google – được thành lập vào tháng 9 năm 1998 tại Thung lũng Silicon.
Google đã thay đổi thế giới với việc nhận ra rằng mặc dù nội dung trực tuyến của cộng đồng mạng không được kiểm soát, nhưng nó không phải là không được sắp xếp. Trên thực tế, nó có một cấu trúc cực kỳ phức tạp và tinh tế, nhưng không phải là cấu trúc được quyết định một cách có ý thức bởi bất kỳ nhóm cốt lõi nào của con người. Thay vào đó, nó là cấu trúc xuất hiện từ chính nội dung một khi nó được phân tích bởi thuật toán PageRank của công ty và tất cả nội dung liên quan. Cấu trúc mới nổi này thay đổi và phát triển theo sự thay đổi và phát triển của nội dung, đồng thời cho phép chúng ta điều hướng tất cả nội dung mà cộng đồng tạo ra một cách trơn tru và dễ dàng.
Vấn đề thứ hai chắc chắn xảy ra với một cộng đồng không có sự kiểm soát, đó là một số thành viên cư xử không đứng đắn và gây tổn thương cho người khác. Cốt lõi có thể đuổi các thành viên xấu ra khỏi công ty, thư viện hoặc biên chế – nhưng web thì không, quá dễ dàng để truy cập bằng cách sử dụng tên người dùng hoặc địa chỉ IP khác1, hoặc ẩn danh. Vì vậy, như đã thảo luận trong Chương 8, chúng ta nhận được rất nhiều lời nói đáng ghét, các hành vi xấu và tội phạm.
1. Địa chỉ IP là số định danh được gán cho tất cả thiết bị truy cập Internet. (TG)
Hành vi này gây đau khổ cho người khác, nhưng nó không khiến ý tưởng về cộng đồng biến mất. Vì hầu hết những người tham gia không phải là người xấu. Chúng ta tạo ra và đóng góp với thiện ý, vì vậy nội dung tốt thường nhiều hơn nội dung xấu. Ngoài ra, các công cụ tìm kiếm mạnh mẽ như Google giúp đẩy lùi các nội dung xấu. Và những người xây dựng các trang web, các nền tảng phổ biến nhất trên web đã áp dụng một cách tiếp cận tiến bộ: họ làm theo lời khuyên được tóm tắt như một trong những trụ cột của Wikipedia: “Hành động có thiện chí và chấp nhận thiện chí của những người khác.”
Thay vì cố gắng đánh giá khuynh hướng hành vi xấu của các thành viên tiềm năng, họ theo dõi những gì mọi người đang làm theo thời gian và hành động khi cần thiết. Cách tiếp cận này về cơ bản đã mang lại hiệu quả, cho phép cộng đồng phát triển đáng kể mà không bị phá hoại bởi các thành viên xấu.
Không phải tất cả các phiên bản của cộng đồng đều thành công như nhau với chính sách nhẹ nhàng này. Năm 2016 đã chứng kiến những thách thức dành cho cách tiếp cận này với hình thức “tin tức giả” trên Facebook và các mạng xã hội khác, cùng một số lượng nội dung lớn về phân biệt chủng tộc, giới tính, chủ nghĩa bài Do Thái và những bài đả kích hèn hạ khác trên Twitter. Jimmy Wales đã lập luận rằng, Wikipedia, cuốn bách khoa toàn thư được đóng góp từ cộng đồng do ông đồng sáng lập, tương đối miễn nhiễm với tin tức giả một phần vì phương pháp quản trị của nó. Bằng cách áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực, thể chế và công nghệ phù hợp, cộng đồng có thể làm rất nhiều điều để duy trì các tiêu chuẩn chất lượng, mặc dù có thể có những sự trao đổi khác, như người tham gia có thể đăng bài mới và chia sẻ dễ dàng hay nhanh chóng như thế nào, ai được xem chúng, và có thể kiếm được bao nhiêu lợi nhuận từ nội dung đó. Chúng ta sẽ thảo luận về một vài nguyên tắc đó trong chương này.
Khi viết điều này vào đầu năm 2017, chúng tôi vẫn còn phải xem các nền tảng lớn nhất mang lại tiếng nói cho cộng đồng sẽ phản ứng như thế nào với những thách thức này. Chúng ta tự tin rằng các giải pháp hiệu quả sẽ xuất hiện nếu tập hợp được cả trí óc và máy móc. Một cách tiếp cận đầy hứa hẹn ở đây là cho phép mọi người gắn cờ nội dung giả hoặc gây khó chịu trong khi tiến hành đào tạo các hệ thống học máy tự động phát hiện ra các nội dung như vậy.
SỰ KỲ DIỆU CỦA THỊ TRƯỜNG, CỘNG ĐỒNG THUẦN TÚY NHẤT
Những bộ sưu tập thông tin lớn như các thư viện và các trang web rõ ràng có giá trị vì chúng ta có thể tham khảo cũng như học hỏi nhiều thứ từ chúng. Nhiều bộ sưu tập do cộng đồng tạo ra còn có một lợi ích khác: khi tích lũy đủ sự đóng góp của nhiều người, chúng tự phát sinh ra các loại kiến thức mới. Đây là một loại phép thuật thật sự thường xuyên xảy ra.
Người đầu tiên chỉ ra lợi ích này, và từ đó trở thành một vị thánh bảo trợ của cộng đồng, là nhà kinh tế học người Áo Friedrich Hayek với bài viết năm 1945 mang tên The Uses of Knowledge in Society (tạm dịch: Tác dụng của kiến thức trong xã hội). Vào thời điểm đó, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổ ra về việc liệu các nền kinh tế kế hoạch tập trung như Liên Xô – hay nói cách khác, các nền kinh tế có một cốt lõi duy nhất chịu trách nhiệm cho việc sản xuất và phân phối hàng hóa, dịch vụ – có hiệu quả hơn các nền kinh tế thị trường tự do, trong đó kế hoạch sản xuất được thực hiện bởi một cộng đồng không được chỉ đạo và phi tập trung hay không. Nhiều người cảm thấy rằng kế hoạch tập trung sẽ, hoặc ít nhất có thể, là vượt trội. Với một bài viết duy nhất, Hayek cho họ thấy mình đã sai như thế nào.
Kế hoạch tập trung có vấn đề gì? Hãy hỏi Hayek và Polanyi
Hayek giải thích lý do tại sao kế hoạch tập trung không bao giờ có thể mang lại hiệu quả, đó là “‘dữ liệu’ làm nền tảng cho các phép tính kinh tế không bao giờ dành cho toàn xã hội, ‘nói chi’ một trí óc duy nhất có thể tìm ra các ẩn ý.” Nhưng tại sao lại không, đặc biệt là khi chúng ta đang có các công nghệ mạnh mẽ như vậy để theo dõi và phân tích? Tại sao không đặt cảm biến trên tất cả thiết bị, thực hiện các khảo sát và lắng nghe các phương tiện truyền thông xã hội để hiểu sở thích của mọi người và từ đó đưa tất cả dữ liệu này vào một “trí óc duy nhất” – thuật toán khổng lồ tối ưu hóa tính kinh tế sẽ chạy liên tục để “tìm ra các ẩn ý”? Hayek giải thích rằng thuật toán đó sẽ không bao giờ có được tất cả dữ liệu thật sự cần thiết; nó không bao giờ có thể “bảo đảm việc sử dụng tài nguyên tốt nhất cho bất kỳ thành viên nào trong xã hội, vì đến cuối cùng thì chỉ những cá nhân này mới biết.”
Hayek lập luận rằng có một thứ gì đó giống như Nghịch lý Polanyi được áp dụng trong toàn bộ nền kinh tế: chúng ta không thể diễn đạt tất cả những gì chúng ta biết, sở hữu, mong muốn hoặc những gì mà chúng ta coi trọng. Do đó, một thuật toán tối ưu hóa khổng lồ cho bất kỳ cốt lõi với một kế hoạch tập trung nào không bao giờ có thể có dữ liệu thật sự cần thiết, chính vì vậy nó sẽ gây ra những điều kỳ lạ và phản tác dụng. Nó sẽ là một phiên bản toàn xã hội của người họ hàng có ý tốt nhưng mơ hồ, người đã lái xe đi khắp thị trấn để tìm và tặng bạn món quà Giáng sinh bạn muốn có từ năm ngoái nhưng hiện tại không còn hứng thú nữa. Ngay cả khi các nhà hoạch định tập trung luôn cố gắng để hành động vì lợi ích tốt nhất của mọi người khác (và chỉ đơn giản cho rằng giả định làm nổi bật tính không hợp lý của nó), thì việc tập trung hóa quá mức sẽ tạo ra một nền kinh tế quá thao túng và vô định.
Làm thế nào để nền kinh tế thị trường tự do trở nên hiệu quả hơn? Bằng cách cho phép mọi người tự do giao dịch với nhau mà không cần nhiều sự kiểm soát tập trung, và bằng cách sử dụng giá cả của mọi thứ không chỉ để cân bằng cung và cầu, mà còn để truyền tải thông tin quan trọng trong toàn bộ nền kinh tế một cách chi tiết đáng chú ý. Như Hayek đã viết:
“Điều kỳ diệu [của giá cả] đó là trong trường hợp khan hiếm một nguyên liệu thô, mà không có đơn đặt hàng, không có nhiều người biết nguyên nhân, hàng chục ngàn người không thể xác định được danh tính sau nhiều tháng điều tra, được tạo nên nhờ sử dụng nguyên liệu hoặc sản phẩm một cách tiết kiệm hơn; tức là, họ đi đúng hướng... Tôi tin rằng nếu [hệ thống giá] là kết quả của việc thiết kế có chủ ý do con người làm ra và nếu những người được định hướng bởi sự thay đổi giá hiểu rằng quyết định của họ có ý nghĩa vượt xa mục tiêu trước mắt, thì cơ chế này sẽ được coi là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của tri óc con người.”
Bài báo của Hayek dự đoán những gì sẽ kết hợp thành một lý thuyết phức tạp sau này trong thế kỷ XX, đồng thời nhấn mạnh rằng hành vi của từng thành viên có thể tạo ra thông tin có giá trị cao cho toàn bộ cộng đồng. Hơn nữa, thông tin này thường có thể được lượm lặt từ việc quan sát một nhóm nhỏ thành viên: bạn sẽ không bao giờ tìm hiểu được giá thiếc nếu chỉ quan sát một vài thợ mỏ hoặc thợ kim loại. Do đó, thị trường được gọi là các hệ thống “mới nổi”: giá cả đến từ tất cả tương tác của các thành viên và bạn sẽ không thể quan sát được chúng nếu chỉ nhìn vào một vài thứ.
Giải pháp dựa trên thị trường
Các nhóm thường hành xử theo những cách mới nổi và do đó tạo ra kiến thức. Khi các nhóm lên mạng và trở thành cộng đồng, các nhà đổi mới đã tìm ra những cách khác nhau để phát hiện cũng như gặt hái khối lượng kiến thức này. Thị trường dự đoán là một trong những thị trường sớm nhất và được xây dựng trực tiếp nhất từ những hiểu biết sâu sắc của Hayek. Đây là những thị trường không dành cho hàng hóa và dịch vụ, mà dành cho các sự kiện trong tương lai, chẳng hạn như một người nào đó sẽ được bầu làm tổng thống Mỹ vào năm 2020, một bộ phim sắp ra mắt sẽ đạt doanh thu phòng vé 50-100 triệu đô-la trong tuần đầu công chiếu, hoặc tỷ lệ lạm phát chính thức của Mỹ trung bình cao hơn 3% so với quý tiếp theo.
Đây là cách mà thị trường dự đoán hoạt động. Đầu tiên, nhà tạo lập thị trường tạo ra một bộ chứng khoán mà người tham gia có thể mua và bán, giống như bán cổ phiếu của công ty trên sàn giao dịch chứng khoán New York hoặc Nasdaq. Một cách để thực hiện là tạo ra một cổ phiếu sẽ trả 1 đô-la nếu lạm phát (chẳng hạn) trung bình trên 3% trong một quý và 0 đô-la nếu không có lạm phát. Tiếp theo, một nhóm người tham gia – càng nhiều càng tốt – được mời vào thị trường và khuyến khích thực hiện giao dịch chứng khoán với nhau. Những người nghĩ rằng lạm phát có thể vượt 3% sẽ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho chứng khoán so với những người khác. Nếu giá ổn định ở mức 0,70 đô-la, cách giải thích hợp lý là thị trường nói chung tin rằng có 70% khả năng lạm phát sẽ đạt trung bình hơn 3% trong quý (hoặc bộ phim sẽ kiếm được 50-100 triệu đô-la, hoặc ai đó sẽ trở thành tổng thống vào năm 2020). Cuối cùng, khi sự kiện thật sự xảy ra – trong trường hợp này, mức lạm phát trung bình có thể được tính vào cuối quý – nhà tạo lập thị trường sẽ thanh toán cho tất cả những người nắm giữ chứng khoán phù hợp. Trên thực tế, nếu trung bình lạm phát hơn 3%, tất cả những người nắm giữ mức cổ phiếu trên 3-5% sẽ nhận được 1 đô-la cho mỗi cổ phiếu họ có.
Kết quả từ các thị trường dự đoán củng cố thêm cái nhìn sâu sắc của Hayek về sức mạnh tổng hợp kiến thức của giá cả trong các thị trường. Trong các thị trường như chúng tôi vừa mô tả, các sự kiện có giá cổ phiếu cuối cùng khoảng 0,70 đô-la có xu hướng thật sự xảy ra trong khoảng 70% thời gian, làm cho ước tính xác suất của các giá này khá chính xác.
Nhiều cuộc tranh luận tích cực về việc liệu thị trường dự đoán có dự báo chính xác hơn các phương pháp khác hay không (chẳng hạn như mức trung bình trọng số của các cuộc thăm dò, hoặc dựa vào các siêu dự báo mà Philip Tetlock đã xác định và được thảo luận trong Chương 2) đã nổ ra, nhưng không còn nhiều người nghi ngờ về tính hiệu quả của thị trường dự đoán trong các điều kiện thích hợp. Nhà kinh tế học Robin Hanson, học giả tích cực nhất trong đề xuất cả lý thuyết và thực tiễn của thị trường dự đoán, đưa ra nhận định: “Thị trường dự đoán phản ánh một nguyên tắc cơ bản ẩn dưới giá trị của việc định giá dựa trên thị trường: Bởi vì thông tin thường phân tán rộng rãi giữa các tác nhân kinh tế, nên chúng ta phải có một cơ chế để thu thập và tổng hợp thông tin đó. Thị trường tự do thường quản lý tốt quá trình này bởi vì hầu hết mọi người đều có thể tham gia và tiềm năng lợi nhuận (và thua lỗ) thúc đẩy mạnh mẽ việc tìm kiếm thông tin tốt hơn.”
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỔ CHỨC MỘT CỘNG ĐỒNG?
Hệ thống giá mà Hayek nhấn mạnh và ca ngợi, cũng như được Hanson cùng những người khác sử dụng một cách sáng tạo, là một sản phẩm phụ tuyệt vời từ hành vi và tương tác của những người tham gia thị trường. Nói cách khác, hầu hết giá cả không phải là kết quả từ hành vi cố ý nỗ lực tạo ra và truyền đạt kiến thức trên toàn hệ thống. Vậy điều gì có thể xảy ra khi chỉ có một nỗ lực như vậy – cố gắng triệu tập một cộng đồng trực tuyến và khiến họ hợp tác để tạo ra một thứ gì đó?
Có vẻ như đó là một ý tưởng ngây thơ vô vọng, và chúng ta có thể dễ dàng liệt kê hàng loạt lý do về sự thất bại của nỗ lực đó. Ai sẽ xuất hiện để thực hiện một dự án như vậy, đặc biệt là nếu công việc đó không được trả công? Và làm thế nào để có thể chắc chắn rằng những người xuất hiện, thực tế, là những người phù hợp? Làm thế nào để phân chia công việc, và ai sẽ là người phân chia? Đâu là đặc điểm của một đóng góp tốt, hoặc đủ tốt, ai sẽ đặt ra và thực thi các tiêu chí này? Trải qua hàng thiên niên kỷ của lịch sử loài người, chúng ta đã phát triển các biến thể khác nhau của cốt lõi nhằm giải quyết những vấn đề này. Làm thế nào cộng đồng có thể làm được như vậy?
Hệ điều hành phát triển hệ điều hành
Nếu câu hỏi này gây rắc rối cho Linus Torvalds vào ngày 25 tháng 8 năm 1991, anh ta đã không đăng thông báo sau trên nhóm Usenet dành cho một hệ điều hành máy tính có tên là “Minix”:
Xin chào tất cả người dùng của minix
Tôi đang tạo một hệ điều hành (miễn phí) (chỉ là sở thích, nó sẽ không hoành tráng và chuyên nghiệp như gnu1) cho các bản sao 386 (486) AT. Tôi đã ấp ủ việc này từ tháng Tư và đang sẵn sàng để thực hiện nó… Tôi muốn biết mọi người muốn những tính năng nào sẽ xuất hiện trong hệ điều hành này. Mọi lời đề nghị đều được chào đón, nhưng tôi không hứa sẽ dùng chúng đâu. :)
1. GNU cũng là một hệ điều hành nguồn mở. GNU là viết tắt từ “GNU’s Not Unix”. Những Hacker yêu thích phương pháp đệ quy. (TG)
Torvalds đang yêu cầu trợ giúp để xây dựng một hệ điều hành máy tính mà anh đã bắt đầu viết. Dù còn khá mới, nhưng anh ấy đã có tiến triển tốt về hạt nhân, trái tim của hệ điều hành và là một trong những yếu tố phức tạp nhất. Thay vì mua một hệ điều hành thương mại hoàn chỉnh như Microsoft Windows, Torvalds lại muốn tạo một hệ điều hành miễn phí, có nghĩa là “miễn phí xem, sửa đổi và mở rộng” chứ không chỉ là “không tốn phí” (hoặc như cộng đồng các nhà phát triển giải thích, nó không mang nghĩa tự do như trong “tự do phát biểu”, miễn phí như trong “bia miễn phí”). Ngược lại, Microsoft không công khai mã nguồn hệ điều hành Windows, vì vậy không ai bên ngoài công ty biết chính xác cách thức hoạt động hoặc có khả năng sửa đổi hệ điều hành này. Mọi người trong cộng đồng phần mềm “mã nguồn mở và miễn phí” tin rằng sự thiếu minh bạch này là một sai lầm vì một số lý do và Torvalds đồng quan điểm với họ.
Hệ điều hành mà Torvalds mô tả lần đầu tiên vào tháng 4 năm 1991 được gọi là Linux và tuyên bố ban đầu của anh ta rằng nó “sẽ không hoành tráng và chuyên nghiệp” chắc chắn không bao giờ xảy ra vì đây là một trong những tuyên bố không chính xác nhất từng được đưa ra trong lịch sử điện toán. Từ tất cả hình thức và dẫn xuất của Linux, không nghi ngờ gì khi nói đây là hệ điều hành lớn nhất và chuyên nghiệp nhất trên thế giới, ngày nay được tìm thấy mọi thứ từ các máy chủ trong các trung tâm dữ liệu có quy mô lớn hơn cả một sân bóng đá cho đến hơn 1,5 tỷ điện thoại và máy tính bảng Android.
Xây dựng bộ nguyên tắc mới
Nghiên cứu lịch sử Linux cho thấy một số nguyên tắc có vẻ quan trọng, thậm chí là cần thiết, để kết nối cộng đồng nhằm hoàn thành một việc quan trọng. Chúng bao gồm tính rộng rãi, chủ nghĩa phi học vị, đóng góp có thể kiểm chứng và đảo ngược, kết quả rõ ràng, tự tổ chức và lãnh đạo lập dị.
Tính rộng rãi. Khi lần đầu đưa ra yêu cầu đóng góp, Torvalds đã thực hiện các yêu cầu đó một cách rộng nhất có thể; không giới hạn cho bất kỳ công ty hoặc người có kinh nghiệm lập trình hệ điều hành hay cho bất kỳ nhóm nào khác. Cách tiếp cận này có vẻ kỳ quặc và sai lầm với nhiều người – suy cho cùng, nếu bạn đang xây dựng một ngôi nhà, thì chắc chắn bạn sẽ không kêu gọi tất cả mọi người xuất hiện và gắn kết mọi thứ với nhau – nhưng phương pháp này rõ ràng đã hoạt động. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI cho tới năm 2015, 11.800 nhà phát triển cá nhân đã đóng góp hạt nhân hệ điều hành cùng các công ty công nghệ lớn như Samsung, IBM, Google và Intel đã đóng góp cả vốn cũng như tài năng. Trong Chương 7, chúng tôi đã lưu ý rằng có nhiều động lực để viết các ứng dụng điện thoại thông minh; tương tự, mọi người và các tổ chức cũng có nhiều động lực khác nhau để đóng góp cho một dự án hệ điều hành nguồn mở. Vì tính rộng rãi của mình, Linux đã có thể đáp ứng tất cả điều đó.
Chủ nghĩa phi học vị. Một khía cạnh khác của tính rộng rãi cũng rất quan trọng, nhưng cũng rất phản khoa học, cần được bàn luận đặc biệt. Đó là Không học vị, hoặc từ bỏ quan điểm rằng mọi người chỉ được phép đóng góp nếu họ có học vị xác thực: bằng cấp, chức danh công việc, thư giới thiệu, số năm kinh nghiệm, điểm số,… Torvalds không yêu cầu, hoặc thậm chí không cần bất kỳ học vị nào trong số này. Anh ta chỉ cung cấp mã nguồn Linux và yêu cầu trợ giúp cải thiện nó. Đây là một ví dụ ban đầu về những gì mà nhà văn, nhà phát hành và chuyên gia công nghệ Tim O’Reilly đã đúc kết vào năm 2005 như là một nguyên tắc quan trọng cho Web 2.0 (thế hệ web thứ hai, sau đó được đưa vào xem xét): tin tưởng người dùng như những nhà đồng phát triển. Mặc dù vậy, vào thời điểm đó, Torvalds đã không nhận biết được điều này. Như anh đã công khai thừa nhận vào năm 2016: “Việc sử dụng phương pháp nguồn mở không ẩn chứa ý định nào khác ngoài việc để cải thiện nó. Nó giống như ‘Nhìn xem, tôi làm công việc này đã được nửa năm rồi và tôi rất muốn nhận được những ý kiến đánh giá.’” Mặc dù điểm sáng trong việc không yêu cầu học vị từ những người đóng góp là chấp nhận tất cả – từ học sinh trung học yêu thích viết mã nhưng không biết trình bày như một lập trình viên “thực thụ” – hoặc những người không có đủ học vị hoặc học vị của họ không phù hợp.
Đóng góp có thể kiểm chứng và đảo ngược. Lý do tính rộng rãi và chủ nghĩa phi học vị đạt được kết quả tốt trong lĩnh vực phần mềm (tốt hơn nhiều so với các dự án xây dựng nhà) là vì dễ dàng kiểm chứng tính hiệu quả của một phần mềm mới được đề xuất, cũng như loại bỏ nó nếu hoạt động không tốt. Ví dụ, một trình điều khiển (driver) máy in phải kiểm soát máy in in ra các trang chính xác và đáng tin cậy; nếu không, nó không nên được đưa vào hệ điều hành. Có nhiều cách để xác minh chất lượng phần mềm, từ kiểm tra trực quan đến kiểm chứng mã một lần tại chỗ. Điều này có nghĩa là việc viết một hệ điều hành rất khác so với nỗ lực tạo ra các sản phẩm sáng tạo khác, như một cuốn tiểu thuyết hoặc một bản giao hưởng. Việc đó không hoàn toàn rõ ràng hoặc không hẳn có thể kiểm chứng bên ngoài dù cho có ai đó đề xuất đóng góp một chương hoặc nhân vật mới cho một cuốn tiểu thuyết nhằm cải thiện tác phẩm.
Các biện pháp khách quan và có thể kiểm chứng về chất lượng giúp giải thích tại sao Linux lại trở thành hệ điều hành được viết bởi cộng đồng phổ biến nhất thế giới, nhưng theo hiểu biết của chúng tôi, không có cuốn tiểu thuyết nào được viết bởi nhiều tác giả lại gặt hái thành công. Và bởi vì đó là thông lệ tiêu chuẩn để lưu trữ tất cả các phiên bản trước của một phần mềm (nhờ vào nền kinh tế thông tin miễn phí, hoàn hảo và tức thời, nên việc lưu trữ trở nên rẻ hơn và dễ thực hiện), nếu một đoạn mã làm giảm hiệu suất, thì ta có thể dễ dàng quay ngược lại phiên bản phần mềm khi chưa có đoạn mã đó. Việc duy trì tính phổ quát và chủ nghĩa phi học vị của Linux dễ thực hiện hơn nhiều khi người đóng góp không thể phá hủy vĩnh viễn hoặc tác động xấu đến phần mềm do ác ý hoặc thiếu hiểu biết.
Kết quả rõ ràng. Những người đóng góp cho Linux đã biết nỗ lực của họ sẽ mang lại kết quả gì bằng hai cách. Đầu tiên, rõ ràng là họ biết rằng mình đang làm việc trên một hệ điều hành máy tính. Thứ hai, và quan trọng nhất, họ hiểu rõ công trình của mình có thể và không thể hoạt động như thế nào trong tương lai – cụ thể, họ có thể sở hữu, sửa đổi, kiếm lợi nhuận từ nó, hạn chế quyền truy cập vào nó,...
Lần đầu tiên trong lịch sử Linux, Torvalds đã quyết định cấp Giấy phép Công cộng GNU, hay GNU GPL cho Linux. Đây là loại giấy phép phần mềm miễn phí do Richard Stallman viết ban đầu vào năm 1989. Giấy phép đưa ra hai điều cần cân nhắc. Đầu tiên là phần mềm vẫn miễn phí cho người dùng cuối, cho dù là cá nhân, tổ chức hay công ty đều có thể chạy, nghiên cứu, sao chép và sửa đổi. Thứ hai là tất cả sửa đổi, mở rộng và các phiên bản tương lai của Linux sẽ vẫn miễn phí như nhau. GPL mang đến cho tất cả mọi người liên quan đến Linux sự đảm bảo rằng hệ điều hành không bao giờ bị đóng cửa hoặc trở thành độc quyền và các quy tắc quy định sự đóng góp của nó sẽ không thay đổi theo thời gian. Đối với những người tin vào các nguyên tắc của phong trào phần mềm miễn phí, những đảm bảo này là rất quan trọng. Điều này nói chung là đúng: cộng đồng muốn sự rõ ràng không chỉ về cách đánh giá sự đóng góp của họ, mà còn về cách chúng được sử dụng, và ai sẽ có thể hưởng lợi từ chúng.
Tự tổ chức. Mọi người và các tổ chức đã tự quyết định hoạt động trên các khía cạnh nào của Linux; họ không được giao nhiệm vụ bởi Torvalds hoặc bởi bất kỳ cơ quan trung ương nào khác. Vì vậy, làm thế nào để nỗ lực nói chung có thể đảm bảo hoàn thành công việc thật sự quan trọng? Bằng cách nhận ra rằng trong trường hợp này, “quan trọng” thật sự có nghĩa là công việc phù hợp nhất với cộng đồng người dùng cuối, bằng cách cho phép những người dùng này đóng góp và tin tưởng rằng họ sẽ làm như vậy. Khi các công ty công nghệ lớn như Samsung hay Intel gia nhập Linux, tất nhiên họ đã hướng dẫn nhân viên của mình làm việc trên các lĩnh vực cụ thể, nhưng nỗ lực chung vẫn mang tính phi tập trung cao và không bị bó buộc bởi các quy tắc. Trên thực tế, thậm chí không có một nỗ lực nào chỉ bám vào một phiên bản Linux duy nhất. Thay vào đó, hệ điều hành có thể “phân nhánh” để có một phiên bản gọi là Raspbian được tối ưu hóa cho Raspberry Pi, một máy tính lập trình tí hon có giá hơn 40 đô-la, trong khi các biến thể Linux khác được tối ưu hóa cho các máy chủ khổng lồ. Phân nhánh được xem là bằng chứng cho sự thành công của Linux, thay vì mất kiểm soát, nó cho thấy lợi ích từ việc cho phép những người đóng góp tự tổ chức bản thân và công việc của họ.
Lãnh đạo lập dị. Torvalds vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng lớn khi Linux phát triển và anh đã thể hiện một phong cách lãnh đạo mà chúng tôi gọi là “lập dị”. Đây không phải là một lời “lăng mạ”, mà là sự mô tả về các hành vi và thực tiễn được tìm thấy trong các nỗ lực phát triển công nghệ, đặc biệt là những nỗ lực bao trùm lên nhiều người và các tổ chức không liên kết khác. Sự lãnh đạo từ một kẻ lập dị thường rất thể hiện tư cách lãnh đạo thành thạo về mặt kỹ thuật. Torvalds là một lập trình viên trọn đời và là một người rất giỏi – thực tế cho thấy quan điểm của anh đạt được sự tín nhiệm lớn trong cộng đồng Linux. Các nhà lãnh đạo lập dị cũng trình bày một tầm nhìn rõ ràng cho những gì họ đang hướng tới. Tầm nhìn này không nhất thiết phải vĩ đại – như Torvalds từng nói: “Tôi không phải là một người có tầm nhìn gì. Tôi cũng không hề có kế hoạch năm năm. Tôi chỉ là một kỹ sư… Tôi đang nhìn xuống đất, và tôi muốn lấp cái ổ gà ngay trước mặt trước khi tôi ngã vào nó” – tầm nhìn không cần phải rõ ràng, chỉ cần nó có khả năng thúc đẩy mọi người dành thời gian và nỗ lực để đạt được.
Xây dựng một hệ điều hành nguồn mở và miễn phí lâu dài cho một loạt các thiết bị máy tính rõ ràng đã thúc đẩy rất nhiều người. Chúng tôi đã quan sát và thấy rằng các nhà lãnh đạo lập dị thường có chính kiến mạnh mẽ. Torvalds rất say mê cái mà anh gọi là mã tinh giản (thứ mà anh nói “là về việc thật sự nhìn thấy các mô hình lớn và loại hiểu biết bản năng về cách đúng đắn để làm mọi thứ) và nổi tiếng với việc hay đưa ra những phát ngôn tuyên bố hùng hồn.1
1. Chẳng hạn, vào tháng 7 năm 2016, Torvalds đã phát biểu về cách thức “đúng đắn” để các lập trình viên thêm nhận xét vào mã của mình. Anh ấy nói trên danh sách thư Linux Kernel: “Nếu những người trong mạng lưới không thể xử lý kiểu C đa dòng truyền thống cân bằng và đối xứng thuần túy tuyệt vời đó, thì thay vì sử dụng những thứ tào lao không cân xứng như bây giờ, hãy chỉ dùng phong cách của mã C ++… Tôi thậm chí sẽ không bàn về những người thích ‘đóng hộp’ những nhận xét của họ, gạch chéo hai đầu và đánh sao lạ mắt toàn bộ nội dung. Tôi chắc chắn rằng nó trông rất đẹp nếu bạn mất bình tĩnh vì LSD.” Linus Torvalds, Linux Kernel Mailing List post (tạm dịch: Danh sách thư Linux Kernel), ngày 08 tháng 7 năm 2016, 10:19:26, https://lkml.org/lkml/2016/7/8/625. (TG)
Những lời lẽ này có thể khiến ít nhất một số người đóng góp xa lánh ông, nhưng chúng cho toàn bộ cộng đồng thấy rằng người sáng lập vẫn tham gia và vẫn thể hiện sự hiểu biết của họ, hai dấu ấn của sự lãnh đạo lập dị.
Những nguyên tắc này giúp giải thích cho thành công phi thường của Linux, và cách mà nó đã kết hợp cộng đồng để xây dựng, duy trì và cải thiện theo thời gian một hệ điều hành tầm cỡ thế giới, một trong những phần mềm phức tạp bậc nhất. Tính rộng rãi và chủ nghĩa phi học vị đã cung cấp việc làm cho nhiều người nhất có thể. Tự phân công có nghĩa là họ đã làm việc trên những gì họ muốn, mà hóa ra thường là những điều cần nhất cho Linux. Tính xác minh đảm bảo rằng chỉ những đóng góp hữu ích mới có thể tồn tại trong phần mềm và kết quả rõ ràng khiến mọi người cảm thấy họ không bị lừa hoặc những nỗ lực của họ không bị cướp trắng. Và sự lãnh đạo lập dị từ Torvalds cùng những người khác đã duy trì lý tưởng, văn hóa và động lực cho Linux.
Một vài là không đủ: Câu chuyện về một thử nghiệm gần như thất bại
Điều gì xảy ra khi một nỗ lực hợp tác trực tuyến chỉ tuân theo một số nguyên tắc này? Nó sẽ thành công bằng cách nào? Dĩ nhiên, cần rất nhiều nghiên cứu để trả lời câu hỏi này, nhưng trong những năm đầu phát triển web, thí nghiệm thú vị của Jimmy Wales và Larry Sanger về nỗ lực xây dựng một bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí có thể truy cập toàn cầu đã làm sáng tỏ điều này.
Bách khoa toàn thư có một lịch sử lâu đời - phiên bản đầu tiên là Naturalis Historia được Pliny the Elder công bố trong thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên – hướng đến những mục đích cao cả. Ephraim Chambers nói rằng cuốn Cyclopaedia: or, An Universal Dictionary of Arts and Sciences (tạm dịch: Từ điển bách khoa: hay Một từ điển phổ quát về nghệ thuật và khoa học) năm 1728 của ông chứa đựng “toàn bộ kiến thức của con người”1. Tuy nhiên, chi phí của chúng khá cao, và do đó chỉ dành cho giới tri thức tinh hoa của xã hội.
1. Cụ thể hơn, Chambers đã mô tả Từ điển Bách khoa là: “Chứa đựng định nghĩa về các khái niệm và do đó diễn giải mọi vật, thuộc một số lĩnh vực nghệ thuật, theo khuynh hướng Khai phóng và Rập khuôn, và một số lĩnh vực khoa học, về thế giới Con người và Thần thánh: Hình dạng, Thể loại, Thuộc tính, Sản xuất, Chuẩn bị và Vận dụng của sự vật Tự nhiên và Nhân tạo; Căn nguyên, Tiến trình và Trạng thái Giáo hội, Dân sự, Quân sự và Thương mại: cùng với một số hệ thống, giáo phái, ý kiến,… của các triết gia, nhà thần học, nhà toán học, bác sĩ, nhà cổ vật, nhà Phê bình,...: Toàn bộ dự định là một khóa học của cổ đại và hiện đại.” ARTFL Project, Chambers’ Cyclopaedia (tạm dịch: Bách khoa Toàn thư của Chamber), truy cập ngày 07 tháng 02 năm 2017, https://artfl-project.uchicago.edu/content/chambers- cyclopaedia. (TG)
Với sự xuất hiện của web, Wales đã nhìn thấy cơ hội để phổ biến bách khoa toàn thư bằng cách khai thác tinh thần tình nguyện từ mọi người. Vì vậy, vào năm 1999, ông đã thuê Sanger, lúc đó đang là nghiên cứu sinh bằng tiến sĩ triết học, để giúp mình ra mắt Nupedia – cuốn bách khoa toàn thư trực tuyến miễn phí đầu tiên trên nền tảng web. Wales và Sanger bắt đầu tuyển dụng các biên tập viên tình nguyện để giúp họ hoàn thành mục tiêu này. Để đảm bảo chất lượng cao, Nupedia đã đưa ra một chính sách: “Chúng tôi mong muốn các biên tập viên là những chuyên gia thực thụ trong chính lĩnh vực của họ và (với một vài ngoại lệ) sở hữu bằng tiến sĩ.” Từ điển bách khoa toàn thư cũng thiết lập một quy trình gồm bảy bước để viết và chỉnh sửa từng bài viết, gồm:
1. Phân công
2. Tìm một người đánh giá chính
3. Đánh giá chính
4. Đánh giá mở
5. Biên tập chính
6. Biên tập mở
7. Phê duyệt cuối cùng và đánh dấu
Quy trình này có hiệu quả không? Sau 18 tháng nỗ lực và đầu tư 250.000 đô-la, Nupedia đã sở hữu 12 bài viết hoàn chỉnh và 150 bài đang soạn thảo.
Thất vọng vì tốc độ chậm, Wales và Sanger bắt đầu tìm kiếm những cách khác để tạo và tinh chỉnh các bài bách khoa toàn thư của mình. Đầu năm 2001, họ biết đến wiki, một loại “bảng trắng” kỹ thuật số cực kỳ bình đẳng được tạo bởi Ward Cunningham, trong đó bất kỳ người dùng nào cũng có thể đóng góp, chỉnh sửa đóng góp của người khác, hoặc hoàn tác bất kỳ bản chỉnh sửa nào trước đó. Nhóm Nupedia đã thiết lập một trang web dựa trên phần mềm này và vào ngày 15 tháng 01 năm 2001, Sanger đã công bố rằng: “Thật khôi hài. Tôi truy cập và thêm bài viết vào đó. Tất cả chỉ mất có năm đến 10 phút.”
Trang web này được gọi là “Wikipedia”. Vào cuối tháng 01 năm 2001, nó đã sở hữu 617 bài viết. Đến cuối năm 2001, con số là 19.000 bài. Vào năm 2016, đã có 36 triệu bài viết với 291 ngôn ngữ và Wikipedia là trang web phổ biến thứ sáu trên thế giới.
Việc chuyển đổi từ Nupedia sang Wikipedia rõ ràng đã giải phóng một nguồn năng lượng khổng lồ, cho phép Wales và Sanger thành công vượt xa mọi ước mơ của họ là tạo ra một cuốn bách khoa toàn thư mở miễn phí cho tất cả mọi người thế giới. Ví dụ về Linux cho thấy lý do tại sao việc chuyển sang wiki rất quan trọng. Wikipedia, không giống như Nupedia, nhờ vào bản chất rộng rãi, chủ nghĩa phi học vị và tính tự tổ chức, đã có thể kích hoạt cộng đồng. Nó gạt bỏ quan niệm về dòng công việc tiêu chuẩn và đa bước cũng như yêu cầu về sự tinh thông hay bằng tiến sĩ từ các biên tập viên. Thay vào đó, bất kỳ ai cũng có thể tham gia và cùng xây dựng một cuốn bách khoa toàn thư theo bất kỳ cách nào họ thấy phù hợp.
Để những hợp tác này không bị hỗn loạn, Wikipedia đã sớm áp dụng nguyên tắc kiểm chứng, nghĩa là “những người khác sử dụng bách khoa toàn thư này có thể kiểm tra tính tin cậy của nguồn thông tin. Wikipedia không công bố nghiên cứu về bản gốc ban đầu”1. Wikipedia cũng tuyên bố với những người đóng góp của mình rằng sản phẩm của họ không thể được bảo mật bằng cách áp dụng một biến thể của GPL, được gọi là GFDL, dành cho tài liệu thay vì phần mềm.
Và Wales cùng những người trước đó từng tham gia vào Wiki đã thực hành phong cách lãnh đạo lập dị, đóng góp rất nhiều cho bách khoa toàn thư và vẫn tích cực tham gia vào quá trình hướng dẫn phát triển nó.2 Một cộng đồng đã xuất hiện để thực hiện các quy tắc này, khen thưởng cho những người có đóng góp hữu ích và thúc đẩy một số đóng góp tự nguyện đáng kể.3
1. “Độ chính xác có thể kiểm chứng” đã trở thành một phần của nhóm “5 trụ cột” hướng dẫn cộng đồng Wikipedia. Wikipedia, Wikipedia: Five Pillars (tạm dịch: Wikipedia: Năm trụ cột) , sửa đổi lần cuối ngày 06 tháng 02 năm 2017, lúc 10:52, https://en.wikipedia.org/ wiki/Wikipedia:Five_pillars. (TG)
2. Larry Sanger rời khỏi cộng đồng Wikipedia vào những năm đầu của thế kỷ XXI vì có những khác biệt về việc quản trị. Ông cảm giác rằng đây là một sự phản độc tài có hại. Larry Sanger [timothy, pseud.], The Early History of Nupedia and Wikipedia, Part II (tạm dịch: Lịch sử ban đầu của Nupedia và Wikipedia, Phần II),” Slashdot, ngày 19 tháng 4 năm 2005, https://slashdot.org/story/05/04/19/1746205/the-early-history-of-nupedia-and-wikipedia-part-ii. (TG)
3. Cộng đồng những người tham gia Wiki không được trả công cho những đóng góp của họ và hầu hết là ẩn danh, vì vậy danh tiếng với sức mạnh hạn chế được coi là một sự khích lệ. Thí nghiệm thông minh của Jana Gallu cho thấy họ dường như hài lòng với việc công nhận, ngay cả khi việc đó chỉ từ những người khác trong Wiki. Jana Gallus, Fostering Voluntary Contributions to a Public Good: A Large-Scale Natural Field Experiment at Wikipedia (tạm dịch: Thúc đẩy đóng góp tự nguyện cho hàng hóa công cộng: Một thử nghiệm thực địa tự nhiên quy mô lớn tại Wikipedia), Natural Field Experiments 00552 (2016), https://ideas.repec.org/p/feb/ natura/00552.html. (TG)
Ngay cả trong các tổ chức cũ và truyền thống, cách tiếp cận táo bạo để hoàn thành công việc này đang dần đạt được sự chấp nhận và xung lượng như những dấu hiệu đáng khích lệ. Trong cuốn sách Enterprise 2.0 (tạm dịch: Doanh nghiệp 2.0) năm 2009 của mình, Andy đã ủng hộ cách tiếp cận như vậy, nhưng tại thời điểm đó, cả công cụ lẫn tư duy quản lý cần thiết để cho phép các công việc rộng rãi, phi học vị và tự tổ chức trong các tổ chức đều không có sẵn. Còn bây giờ, sự hiện hữu của chúng dường như khá rõ ràng.
Slack, một công cụ cấp đội nhóm hỗ trợ nhắn tin và cộng tác trong và trên khắp các tổ chức được ra mắt vào tháng 8 năm 2013. Nó cho phép nhiều loại giao tiếp tự do và không phân cấp, bao gồm trò chuyện, chỉnh sửa tài liệu nhóm, thăm dò ý kiến,... Tính đến tháng 10 năm 2016, Slack đã có hơn 4 triệu người dùng hoạt động hằng ngày và 1,25 triệu khách hàng trả tiền (khách hàng không trả tiền sẽ sử dụng phiên bản Slack hạn chế tính năng). Dường như, phong cách làm việc của Linux và Wikipedia cuối cùng cũng nhận được sự chấp nhận trong thế giới kinh doanh chính thống.
TÓM TẮT CHƯƠNG
▶ Cộng đồng trái ngược với cốt lõi theo nhiều cách: nó rất lớn, đa dạng, phần lớn không kiểm soát được và thường lộn xộn.
▶ Cốt lõi vẫn có liên quan và hữu ích, nhưng trong thời đại mạng lưới toàn cầu cùng nền tảng mạnh mẽ, cộng đồng đã trở thành một lực lượng ngày càng lớn mạnh.
▶ Tuy nhiên, cộng đồng không phải là phi cấu trúc. Cấu trúc của nó xuất hiện rõ nét theo thời gian, là kết quả từ sự tương tác của các thành viên. Thị trường chứng khoán, thị trường dự đoán và các công cụ tìm kiếm hiện đại trích xuất thông tin giá trị từ cấu trúc mới nổi này.
▶ Tập trung hóa quá mức dẫn đến thất bại thông qua những hiểu biết sâu sắc của Hayek và Nghịch lý Polanyi: mọi người không thể lúc nào cũng nói rõ những gì họ có, những gì họ biết, những gì họ muốn và những gì họ có thể làm.
▶ Những cộng đồng lớn có thể được tập hợp lại để xây dựng các sản phẩm rất hữu ích như Linux. Những nỗ lực như vậy đòi hỏi “sự lãnh đạo lập dị” tuân theo các nguyên tắc tính rộng rãi, chủ nghĩa phi học vị, tự lựa chọn, kiểm chứng và tính rõ ràng về các mục tiêu và kết quả.
▶ Chỉ tuân theo một số nguyên tắc này dường như là không đủ, như ví dụ về phiên bản tiền nhiệm của Wikipedia, Nupedia, đã cho thấy. Việc đạt được sự cân bằng phù hợp thường khó đoán trước, nó cần thử nghiệm, lỗi và may mắn.
CÂU HỎI
1. Bạn đang tận dụng cộng đồng như thế nào và với mức độ bao nhiêu?
2. Bạn sẽ cho phép và khuyến khích công việc trở nên rộng rãi, phi học vị, có thể kiểm chứng, tự tổ chức và được dẫn dắt bởi những kẻ lập dị ở đâu?
3. Quá trình ra quyết định nội bộ và phân bổ nguồn lực của nhiều tổ chức vẫn trông rất giống với các nền kinh tế kế hoạch tập trung. Bạn làm thế nào để có thể kết hợp các cơ chế thị trường?
4. Có phương pháp nào mới trong việc sử dụng công nghệ để phân cấp trong ngành của bạn mà không nhất thiết phải liên quan đến thị trường không?
5. Cốt lõi trong tổ chức của bạn đã sẵn sàng từ bỏ một phần quyền lực và thẩm quyền chưa?