Tự do của mỗi người là điều kiện đảm bảo cho tự do của tôi.
— Mikhail Bakunin, 1871
CHÚNG TA BIẾT RẰNG CÁC NHÀ KINH TẾ ĐÃ KHUẤT VẪN có thể ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới. Gần đây, các tin tặc ẩn danh cũng có thể tạo ra những ảnh hưởng như vậy.
Trong kiệt tác năm 1936 The General Theory of Employment, Interest, and Money (tạm dịch: Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ), tác giả John Maynard Keynes – một nhà kinh tế có tầm ảnh hưởng rất lớn – đã quan sát thấy rằng: “Những người có đầu óc thực tiễn, cho rằng mình hoàn toàn không bị chi phối bởi bất kỳ ảnh hưởng của học thuyết nào, lại thường là nô lệ của một nhà kinh tế học đã khuất nào đó. Những kẻ điên rồ nắm quyền lực trong tay, những kẻ tưởng như nghe thấy tiếng nói trong không trung, lại đang chưng cất cuồng mộng của họ từ một cây bút tầm thường nào đó từ vài năm về trước. Tôi chắc rằng sức mạnh của quyền lợi được thổi phồng lên quá mức so với ảnh hưởng mở rộng dần dần của những tư tưởng này.”
Keynes đã viết: “Thực vậy, thế giới bị thống trị bởi những tư tưởng khác.”
Keynes thấy rằng những ý tưởng của “các nhà triết gia thế tục”1 như Adam Smith, Karl Marx, David Ricardo, Friedrich Hayek và Joseph Schumpeter đã vượt tầm quy tắc của ngành kinh tế học. Họ thay đổi cách tư duy của mọi người về sự công bằng và công lý, cách các công ty tự tổ chức và đổi mới, cách chính phủ tiếp cận thuế và thương mại,... Các nhà kinh tế nghĩ rằng trao đổi là một hoạt động cơ bản và phổ quát của con người, vì vậy những ý tưởng chính của họ về chủ đề này đã có một tác động rất to lớn.
1. Robert Heilbroner đã đặt cái tên này cho các nhà kinh tế trong cuốn sách xuất bản năm 1953 của ông - The Wordly Philosophers: The Lives, Times And Ideas Of The Great Economics Thinkers (tạm dịch: Các triết gia thế tục: Cuộc đời, thời đại và ý tưởng của những nhà kinh tế vĩ đại). (TG)
BITCOIN: CUỘC CÁCH MẠNG ẨN DANH
Satoshi Nakamoto cũng có những ý tưởng gây tác động rất lớn, mặc dù không ai biết ông (hay bà) là ai.1 Vào ngày 31 tháng 10 năm 2008, một người hoặc một nhóm lấy tên trên đã đăng trực tuyến một bài báo ngắn có tiêu đề Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System (tạm dịch: Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử ngang hàng). Bài báo đã thẳng thắn giải quyết một câu hỏi: Tại sao thanh toán trực tuyến phải liên quan đến ngân hàng, công ty thẻ tín dụng hay các trung gian tài chính khác? Tại sao chúng không thể được giao dịch giống như thanh toán bằng tiền mặt trong thế giới thực? Giao dịch tiền mặt có hai thuộc tính hấp dẫn: không mất phí và tính ẩn danh; bạn không cần phải xuất trình thẻ căn cước khi thanh toán bằng tiền mặt. Tiền mặt cũng bền và có thể tái sử dụng; nó tiếp tục lưu thông trong toàn bộ nền kinh tế của chúng ta và có thể được sử dụng lặp đi lặp lại để chi trả cho mọi thứ.
1. Bắt đầu từ năm 2008, Nakamoto đã chia sẻ tầm nhìn của mình với thế giới thông qua các lá thư điện tử, bài đăng blog ẩn danh và các yếu tố mã nguồn cần thiết để xây dựng hệ thống Bitcoin. Thông tin tương tác với cộng đồng cuối cùng của Nakamoto được tìm thấy vào cuối năm 2010. Cho tới nay, danh tính chính xác của Satoshi Nakamoto vẫn còn là ẩn số. Người tạo Bitcoin nắm giữ gần một triệu BTC (từ viết tắt giao dịch của Bitcoin) trị giá hơn 600 triệu đô-la vào tháng 9 năm 2016 và tương đương với gần 7% tổng số Bitcoin đang lưu hành. (TG)
Chính phủ các nước vẫn chưa sẵn sàng tạo ra đồng đô-la, euro, yên, đồng nhân dân tệ,...1 kỹ thuật số. Vì vậy, với tham vọng đáng kể, Nakamoto đề xuất tạo ra một loại tiền điện tử hoàn toàn mới và độc lập, được gọi là Bitcoin. Do đồng tiền này phụ thuộc rất nhiều vào các thuật toán và phép toán tương tự như mật mã (nghệ thuật và khoa học của việc tạo và bẻ mã), Bitcoin được biết đến như một loại “tiền mã hóa”. Trong khi đó, đồng đô-la Mỹ, đồng yên Nhật, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng naira của Nigeria và tất cả các loại tiền khác do các quốc gia trên thế giới phát hành được gọi là “tiền pháp định” bởi nó tồn tại theo pháp định hoặc lệnh của chính phủ; các chính phủ chỉ đơn giản là tuyên bố tính hợp pháp của loại tiền này.2
1. Một số chính phủ của các nước đã bắt đầu tìm hiểu về đồng tiền điện tử. Ví dụ, Ngân hàng Anh đã tuyên bố rằng họ đang thực hiện chương trình nghiên cứu kéo dài trong nhiều năm nhằm đánh giá các tác động vào kinh tế, công nghệ và quy định chính liên quan đến việc ngân hàng trung ương phát hành tiền tệ kỹ thuật số. Trang web của Ngân hàng Anh Quốc, Digital Currencies (tạm dịch: Tiền tệ kỹ thuật số) truy cập ngày 08 tháng 02 năm 2017, http://www.bankofengland.co.uk/banknotes/Pages/digitalcurrencies/ default.aspx. (TG)
2. Từ năm 1873 đến 1971, đô-la Mỹ đã được chuyển đổi thành một lượng vàng cố định. “Tiêu chuẩn vàng” của Mỹ đã kết thúc với một loạt các biện pháp kinh tế do Tổng thống Richard Nixon đề xuất, chuyển đổi đồng đô-la sang một loại tiền tệ pháp định. (TG)
Sự kết hợp hiện tại của mật mã “mã hóa” và toán học đã giúp Nakamoto giải quyết vấn đề khó khăn trong việc xác định các chủ sở hữu Bitcoin khi đồng tiền này đã trở nên phổ biến theo thời gian và được sử dụng trên tất cả các trang web để thanh toán cho mọi thứ. Người mua sẽ sử dụng chữ ký số của mình trong các giao dịch để ký xác nhận đúng số lượng Bitcoin chuyển đến cho người bán. Chữ ký số đã xuất hiện được một thời gian và được cho là mang lại nhiều lợi ích. Việc tạo và xác minh chữ ký số rất dễ dàng, nhưng chúng rất khó để giả mạo và có tính “ẩn danh” cao: một người có thể tạo chữ ký số mà không cần tiết lộ danh tính thật của họ. Nakamoto đề xuất ghi lại tất cả giao dịch Bitcoin vào một sổ cái để nắm bắt chính xác số Bitcoin đã được sử dụng cùng danh tính ẩn danh của cả người mua và người bán, được xác nhận bằng chữ ký của họ.
Làm cách nào để ngừng thông tin này… hành xử như thông tin?
Một sổ cái chung và dễ tham khảo là rất cần thiết để hệ thống Bitcoin đối phó với “vấn đề gửi hai lần”. Vấn đề này phát sinh do hệ thống Bitcoin hoàn toàn và thực chất chỉ là những mảnh thông tin, nhưng điều cốt yếu là chúng hoàn toàn không tuân theo tính chất kinh tế miễn phí, hoàn hảo và tức thời của hàng hóa thông tin mà chúng ta đã thảo luận trong Chương 6. Nếu đồng Bitcoin có thể có được tính chất miễn phí, hoàn hảo và được sao chép tức thời, việc giả mạo sẽ nhanh chóng tràn lan. Các thành viên xấu, được bảo vệ bởi chế độ ẩn danh, sẽ dùng đi dùng lại cùng một số tiền cho đến khi họ bị bắt, người bán sẽ bị lừa và lòng tin sẽ tan biến, từ đó hệ thống sẽ nhanh chóng sụp đổ.
Sổ cái trực tuyến đáng tin cậy và có thể được truy cập trên toàn cầu sẽ gúp giải quyết vấn đề gian lận gửi hai lần bằng cách cho phép người bán (hoặc bất kỳ ai khác) xác minh rằng một người mua tiềm năng thật sự có số Bitcoin mà họ nói, và đồng thời xác nhận rằng họ vẫn chưa thanh toán số tiền đó ở bất kỳ nơi nào khác.
Nhưng ai nên chịu trách nhiệm tạo, duy trì và đảm bảo tính toàn vẹn của sổ cái này? Các ngân hàng hoặc công ty thẻ tín dụng, hoặc cả hai đều không thể chịu trách nhiệm cho vấn đề này vì toàn bộ quan điểm của hệ thống do Nakamoto đề xuất là không phụ thuộc vào các tổ chức tài chính hiện có. Hoặc phụ thuộc vào các chính phủ: nhưng hệ thống Bitcoin cần hoạt động hoàn toàn độc lập khỏi các chính phủ. Trên thực tế, nó phải hoạt động theo cách phân quyền hoàn toàn, không phụ thuộc vào bất kỳ tập hợp tổ chức cốt lõi nào, và có khả năng tồn tại cũng như phát triển bất kể người tham gia có thay đổi như thế nào theo thời gian. Nhưng làm thế nào để triết lý phân quyền triệt để và vĩnh viễn này không mâu thuẫn với nhu cầu về một sổ cái duy nhất, vĩnh viễn và được tin cậy trên toàn cầu?
Bằng sự kết hợp khéo léo khác giữa toán học và lập trình, kết hợp với lợi ích cá nhân lành mạnh, Nakamoto đề xuất một hệ thống trực tuyến hoạt động như sau:
1. Khi người mua và người bán thực hiện giao dịch, nó sẽ được phát trên toàn hệ thống.
2. Các máy tính chuyên dụng được gọi là các “nút” định kỳ thu thập tất cả các giao dịch và xác minh tính hợp pháp của chúng bằng cách kiểm tra xem các đồng Bitcoin dùng trong giao dịch đã được chi tiêu ở nơi khác chưa. Tập hợp các giao dịch hợp lệ trong một khoảng thời gian được gọi là một “khối” (“block”).
3. Ngoài thực hiện công việc này trên các giao dịch, các nút còn cạnh tranh nhau để tìm một bản tóm tắt số ngắn, được gọi là “hàm băm” (“hash”) của khối hiện tại. Nút đầu tiên tìm ra hàm băm có dạng đúng sẽ thắng. Tìm đúng hàm băm là một quá trình thử-và-sai đòi hỏi rất nhiều bước tính toán và vì thế được gọi là “bằng chứng công việc”. Một nút có sức mạnh tính toán càng cao thì càng có khả năng trở thành người đầu tiên hoàn thành nhiệm vụ. Bằng chứng công việc xuất hiện trong khối theo cách: để thay đổi nội dung khối, một nút khác sẽ phải làm lại tất cả công việc.
4. Nút chiến thắng – một trong những nút đầu tiên hoàn thành thành công bằng chứng công việc – sẽ phát khối vừa hoàn thành của nó trên toàn hệ thống. Nút này được phép tạo và giữ cho mình một số Bitcoin được xác định trước như là phần thưởng.1 Việc tạo ra các Bitcoin này được ghi lại trong khối.
5. Các nút khác kiểm tra lại khối này, xác minh tính hợp pháp của tất cả các giao dịch trong khối như là bằng chứng công việc. Các nút còn lại có nhiều động lực để làm điều này bởi nếu chúng tìm thấy các giao dịch bất hợp pháp hoặc bằng chứng công việc được thực hiện không chính xác, toàn bộ khối sẽ trở thành không hợp lệ, điều đó có nghĩa là các đồng Bitcoin liên quan trong khối sẽ vẫn còn đó.
6. Khi các nút tự thuyết phục rằng một khối là chính xác và hoàn chỉnh, chúng bắt đầu kết hợp với khối tiếp theo để thực hiện bằng chứng công việc, và toàn bộ quá trình tạo khối bắt đầu trở lại. Nakamoto đã thiết kế hệ thống sao cho một khối mới sẽ được tạo ra và các đồng Bitcoin được thưởng cho các “thợ mỏ”2 cứ khoảng 10 phút một lần. Nakamoto lưu ý rằng: “Việc bổ sung đều đặn một lượng tiền mới không đổi tương tự như các công ty khai thác vàng đang sử dụng các nguồn lực để thêm vàng vào lưu thông.” Tương tự, các cá nhân và tổ chức quản lý các nút trên khắp thế giới được biết đến như là những “thợ mỏ” Bitcoin.
1. Phần thưởng ban đầu được đặt ở mức 50 Bitcoin. Nó đã giảm xuống con số 25 vào tháng 11 năm 2012 và giảm còn 12,5 vào tháng 6 năm 2016. Quá trình này, được gọi là “chia đôi”, xảy ra sau khi 210.000 khối được tạo và tích hợp vào phần mềm Bitcoin. Sẽ có tối đa 64 “nửa” tạo ra 21 triệu Bitcoin, sau đó sẽ không còn Bitcoin được đào ra thêm (Jacob Donnelly, What Is the ‘Halving’? A Primer to Bitcoin’s Big Mining Change (tạm dịch: “Một nửa” là gì? Thay đổi lớn về khai thác Bitcoin), CoinDesk, ngày 12 tháng 6 năm 2016, http://www.coindesk.com/ making-sense-bitcoins-halving). Do đó, tất cả những người tham gia Bitcoin đều biết cả cách thức lẫn số lượng tiền sẽ được phát hành theo thời gian. Điều này không đúng với đồng đô-la, euro, yên, hoặc các loại tiền tệ khác do các chính phủ phát hành, vì họ có quyền in thêm tiền khi họ thấy phù hợp. Khi họ đưa ra các quyết định không khôn ngoan và in quá nhiều tiền và in quá nhanh, kết quả là siêu lạm phát sẽ xuất hiện. (TG)
2.Thuật ngữ trong lĩnh vực tiền mã hóa, chỉ máy đào coin hoặc người vận hành các máy đào coin để kiếm lợi nhuận bằng việc cung cấp năng lực tính toán thực hiện việc xác thực các giao dịch cho mạng lưới tiền mã hóa. (BTV)
Điều này có thể thật sự hiệu quả
Nhiều độc giả của tờ báo của Nakamoto đã tin rằng hệ thống mà ông mô tả thực sự có thể được xây dựng và sẽ mang lại giá trị. Toán học và lập trình dường như đã có hiệu quả. Ấn tượng hơn là các ưu đãi cũng vậy.
Những người thợ mỏ Bitcoin có thể tiến hành các hoạt động của họ mà không cần phối hợp và hoàn toàn độc lập, các hoạt động chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn của họ đối với Bitcoin chứ không phải bằng lòng vị tha hay tinh thần cộng đồng; hệ thống vẫn sẽ hoàn thành mục tiêu và phát triển theo thời gian. Những người tham gia Bitcoin sẽ không cần phối hợp với nhau; họ chỉ cần phát các giao dịch và các khối đã hoàn thành. Trên thực tế, sẽ tốt hơn nếu các thợ mỏ không phối hợp với nhau, bởi vì việc phối hợp có thể dễ dàng và nhanh chóng biến thành một sự thông đồng: ví dụ, một nhóm các thợ mỏ kết hợp với nhau và thay đổi hồ sơ lịch sử để biến tất cả các Bitcoin thuộc về họ.
Thiết kế tuyệt vời của Nakamoto đã mang lại hai lớp phòng thủ chính chống lại các cuộc tấn công như vậy. Đầu tiên là bằng chứng công việc: nhiệm vụ tính toán chuyên sâu để đưa ra hàm băm phù hợp cho mỗi khối. Điều này sẽ trở nên khó khăn hơn theo cấp số nhân với mỗi khối mới và các khối được kết nối toán học với nhau để những kẻ tấn công không chỉ phải làm lại bằng chứng công việc cho khối họ quan tâm; thay vào đó, họ cần phải làm điều đó cho mọi khối trong chuỗi – hay nói cách khác, cho mọi khối được tạo. Bởi vì các khối được liên kết chặt chẽ với nhau, hồ sơ lịch sử đầy đủ của tất cả các giao dịch được gọi là “blockchain”.
Việc bằng chứng công việc tiếp tục trở nên khó khăn hơn còn có tác dụng quan trọng khác. Năng lực tính toán cần thiết để “chiếm lĩnh” toàn bộ hệ thống Bitcoin1 tiếp tục tăng theo cấp số nhân qua thời gian và nhanh chóng trở nên không hiệu quả. Nhiều thợ mỏ thấy rất đáng để tiếp tục đầu tư vào phần cứng khai thác chuyên dụng theo thời gian với hy vọng giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khối cho các đồng Bitcoin. Để chiếm lĩnh toàn bộ hệ thống, một kẻ tấn công sẽ phải vượt qua tất cả những người còn lại cộng lại.
1. Một thực thể có thể tiếp quản hệ thống Bitcoin bằng cách có hơn 50% tổng sức mạnh xử lý của hệ thống, do đó nó gần như luôn có khả năng hoàn thành bằng chứng công việc trước tiên và từ đó quyết định giao dịch nào là hợp lệ. (TG)
Lớp phòng thủ chính thứ hai chống lại các cuộc tấn công vào hệ thống là tự đánh bại mình. Nếu các cá nhân và tổ chức quan tâm đến Bitcoin tin rằng hệ thống đã bị các tác nhân xấu chiếm lĩnh, họ sẽ nhanh chóng mất hứng thú với nó và chuyển sang các dự án hoặc phương thức thanh toán khác. Bitcoin sau đó sẽ nhanh chóng mất giá trị. Vậy tại sao những kẻ tấn công lại tiêu hết số tiền cần thiết để chiếm lĩnh toàn bộ blockchain chỉ để thấy tài sản mà họ có được – có nguy cơ trở thành một kho Bitcoin vô giá trị khổng lồ? Nó sẽ không có ý nghĩa kinh tế, vì vậy những kẻ tấn công duy nhất mà cộng đồng Bitcoin cần lo lắng sẽ là những người theo chủ nghĩa hư vô có nguồn tài chính rất tốt, hoặc ít nhất là những người có động cơ tinh vi, phức tạp hơn để kiểm soát blockchain.1 Nakamoto lý luận rằng không có nhiều người như vậy trong số này, hoặc ít nhất là những người này sẽ bị đè nén bởi những người tham gia Bitcoin khác, những người muốn thấy tài sản của họ có giá trị cao.
1. Giá trị của Bitcoin có thể không sụp đổ sau khi bị chiếm lĩnh. Xét cho cùng, tiền tệ pháp định thường có giá trị miễn là người phát hành, người có thể tạo ra nhiều hơn theo ý muốn của họ, được tin tưởng. (TG)
Nói tóm lại, bản kế hoạch chi tiết mà tờ tóm tắt của Nakamoto lập ra có vẻ khả thi; cả về mặt kỹ thuật lẫn kinh tế. Cuối năm 2008 là thời điểm mà nhiều người trên thế giới đang mất niềm tin vào hệ thống tài chính hiện có, từ các công ty thế chấp đến chính các ngân hàng trung ương. Các vụ phá sản, giải cứu và các sai lệch khác của cuộc Đại suy thoái đã thuyết phục nhiều người rằng hiện trạng toàn cầu là không công bằng, không bền vững hoặc cả hai. Ý tưởng về một loại tiền tệ mới độc lập với bất kỳ và tất cả các chính phủ đã hấp dẫn nhiều người. Khả năng kiếm tiền của cả hệ thống cũ và mới cũng vậy. Các điều kiện đã chín muồi cho những điều thú vị đã đến. Và nhiều điều đã xảy ra.
▶ Vào tháng 5 năm 2010, Laszlo Hanyecz, một lập trình viên sống ở Jacksonville, Florida, đã đăng một yêu cầu trên một diễn đàn Bitcoin để đổi 10.000 Bitcoin lấy “một vài chiếc pizza”. Bốn ngày sau đó, Jeremy Sturdivant – 18 tuổi – đã chấp nhận lời đề nghị và đã mua thức ăn qua trang web của Papa John. Đây là giao dịch Bitcoin đầu tiên cho một sản phẩm vật chất được biết đến và mang lại cho đồng tiền còn mới mẻ này giá trị khoảng 0,003 đô-la mỗi Bitcoin, vì Sturdivant đã trả 30 đô-la cho pizza. Nếu anh đã giữ số đồng Bitcoin được nhận cho việc giao thức ăn, các đồng Bitcoin này sẽ có giá trị hơn 8,3 triệu đô-la vào giữa tháng 01 năm 2017.
▶ Khi Bitcoin trở nên phổ biến, có rất nhiều thị trường xuất hiện và tạo thuận lợi cho việc giao dịch bằng đồng Bitcoin. Những trao đổi này cho phép mọi người tạo ra các đơn đặt hàng để mua hoặc bán Bitcoin với một mức giá nhất định, thường được quy đổi bằng các loại tiền tệ pháp định như đồng đô-la Mỹ hoặc đồng bảng Anh. Khi các điều kiện của cả người mua và người bán được đáp ứng, giao dịch được thực hiện. Vụ trao đổi lớn nhất và khét tiếng nhất trong số các giao dịch này thuộc về Mt. Gox, một công ty có trụ sở tại Tokyo, chiếm 80% tổng số giao dịch Bitcoin ở thời kỳ đỉnh cao. Mt. Gox đã gặp nhiều khó khăn từ khi thành lập, trong đó có ít nhất một vụ hack1 lớn dẫn đến việc mất 8,75 triệu đô-la vào năm 2011. Mặc dù phải hứng chịu vụ ăn cắp nghiêm trọng này của tin tặc, Mt. Gox vẫn tiếp tục đạt thành tựu cho đến tháng 02 năm 2014, khi ban quản lý phát hiện ra một lỗ hổng bảo mật đã bị lộ trong vài năm. Mt. Gox đã tạm ngừng giao dịch, đóng cửa trang web và nộp đơn xin phá sản sau khi xác nhận rằng sàn giao dịch đã có “các điểm yếu” trong hệ thống và “bitcoin đã biến mất”. Vào thời điểm sụp đổ, tổng thiệt hại của công ty là khoảng 470 triệu đô-la tính theo Bitcoin và 27 triệu đô-la tiền mặt.
1. Chỉ hành động của những người hiểu rõ cách vận hành một hệ thống để tạo lợi thế. Hack cũng như hacker không mang nghĩa tiêu cực, nhưng bị sử dụng nhiều trên truyền thông đại chúng với hành vi tiêu cực. Ở trường hợp này, hack dùng để chỉ một cuộc tấn công vào một sàn gia dịch tiền điện tử nhằm thu lợi bất hợp pháp. (BTV)
▶ Khi Bitcoin xuất hiện lần đầu tiên, công việc khai thác xu bitcoin, mặc dù mang tính toán học chuyên sâu, có thể được thực hiện bằng phần mềm nguồn mở và máy tính cá nhân. Nhưng bằng chứng công việc cần thiết để khai thác thành công trở nên khó khăn theo cấp số nhân với mỗi khối liên tiếp. Kết quả dẫn đến sự gia tăng mạnh về quy mô tài nguyên đang được triển khai. Vào tháng 01 năm 2015, khả năng xử lý của mạng Bitcoin mạnh hơn 13.000 lần so với 500 siêu máy tính mạnh nhất thế giới cộng lại. Trong quá trình tìm kiếm nguồn điện giá rẻ, các thợ mỏ thành công đã thiết lập các hoạt động tại Iceland, bang Washington và Nội Mông. Chẳng bao lâu, một thị trường được phát triển cho các chip máy tính chuyên dụng, ASIC (mạch tích hợp dành riêng cho ứng dụng), được tối ưu hóa cho việc khai thác Bitcoin.
▶ Câu chuyện buồn nhất về kỷ nguyên Bitcoin cho đến nay có lẽ là của James Howells, một chuyên gia công nghệ đến từ xứ Wales, người đã bắt đầu khai thác Bitcoin vào năm 2009, khi đồng Bitcoin gần như được tạo ra tự do nhưng có rất ít hoặc không có giá trị. Ông đã tháo dỡ chiếc máy tính mà mình sử dụng để đào Bitcoin sau khi làm đổ đồ uống lên nó. Tin vui là ông đã giữ ổ cứng của mình, trong đó có bản ghi duy nhất về tất cả số Bitcoin của ông trong một ngăn kéo. Tin xấu là ông đã ném ổ đĩa đi trong khi dọn dẹp nhà cửa vào năm 2013. Khi nghe tin tức về giá Bitcoin vào cuối năm đó, ông nhớ lại lần khai thác Bitcoin trước đó rồi nhận ra những gì mình đã làm và sau đó là đi đến bãi rác. Người quản lý nói với ông rằng ổ cứng rất có thể bị chôn vùi dưới một vài mét ở đâu đó trong một khu vực có kích thước bằng một sân đá bóng. Mặc dù 7.500 Bitcoin trên ổ cứng vào thời điểm đó trị giá khoảng 7,5 triệu đô-la, nhưng cuối cùng, Howells đã không thực hiện việc tìm kiếm nó.
Những thợ mỏ và những người xây dựng mạng Bitcoin đã hành xử đúng như Keynes đã dự đoán, nhưng với một số chi tiết lật ngược hấp dẫn. Họ không phải là những kẻ điên rồ nắm quyền lực trong tay, nhưng họ vẫn “đang chưng cất cuồng mộng của họ” không phải từ một cây bút tầm thường nào đó mấy năm về trước, mà thay vào đó là một người có bút danh: Satoshi Nakamoto.
SỔ CÁI, KHÔNG PHẢI ĐỒNG TIỀN: THỨ ĐÁNH THỨC TIỀM NĂNG CỦA BLOCKCHAIN
Trong suốt thời gian này, hầu hết các nhà kinh tế chính thống đều nghi ngờ, thậm chí bác bỏ tiềm năng cạnh tranh của Bitcoin với các loại tiền tệ khác trên thế giới. Họ chỉ ra hai trong số các chức năng chính của bất kỳ đồng tiền nào là phương tiện trao đổi (tôi đưa cho bạn đô-la hoặc euro hay yên Nhật và bạn đưa cho tôi căn nhà hoặc xe hơi hoặc món gà) và lưu trữ giá trị (tổng giá trị ròng của tôi là X đô-la, euro, hoặc yên, với số lượng tài sản này tôi có thể mua rất nhiều nhà, xe hơi hoặc nhiều món gà). Đối với cả hai chức năng này, sự ổn định của tiền tệ là rất quan trọng. Để có định hướng hoạt động và lên kế hoạch cho tương lai, mọi người cần biết rằng sức mua đồng tiền của họ sẽ vẫn tương đối ổn định, hoặc ít nhất là nó sẽ thay đổi với tốc độ có thể dự đoán được.
Nhưng giá trị của Bitcoin, được biểu thị bằng tỷ giá hối đoái của nó so với các loại tiền tệ như đồng đô-la, đã biến động mạnh mẽ, tăng đến hơn 1.100 đô-la vào tháng 11 năm 2013 trước khi giảm 77% xuống dưới 250 đô-la vào tháng 01 năm 2015, và sau đó phục hồi lên hơn 830 đô-la vào hai năm sau. Sự biến động này làm cho tiền ảo hấp dẫn các nhà đầu tư mạo hiểm1 nhưng không phù hợp làm phương tiện trao đổi hoặc lưu trữ giá trị chính.
1. Trong thực tế, đây là những nhà đầu cơ giàu có. (TG)
Trong khi cuộc tranh luận về việc Bitcoin có thể trở thành một loại tiền tệ thực sự hay không đang diễn ra, một nhóm nhỏ bắt đầu bày tỏ một quan điểm khác: rằng sự đổi mới thực sự có giá trị không phải là tiền ảo mới, mà đó chính là công nghệ sổ cái phân tán, căn cứ cho tiền ảo. Blockchain mới thực sự quan trọng, chứ không phải Bitcoin.
Lịch sử hỗn loạn của Bitcoin là bằng chứng cho thấy tính hiệu quả thực sự của blockchain. Trong nhiều năm, nó đóng vai trò thiết kế: như một bản ghi giao dịch hoàn toàn phân quyền, không bị ngăn chặn, và dường như bất biến.1 Các giao dịch ban đầu chỉ dự định ghi lại giới hạn khai thác và trao đổi Bitcoin, nhưng tại sao lại dừng ở đó? Blockchain có thể được sử dụng để ghi lại tất cả mọi thứ: chuyển nhượng quyền sở hữu, còn gọi là “quyền sở hữu bất động sản”, của một mảnh đất; phát hành cổ phiếu của công ty cho một nhóm người; thực tế là cả người mua và người bán một tòa nhà văn phòng đều đồng ý rằng tất cả điều kiện bán hàng đều đã được thoả mãn; tên, nơi sinh và cha mẹ của em bé sinh ra ở Hawaii;... Tất cả những sự kiện này sẽ được hiển thị trên toàn cầu – chúng sẽ là những hồ sơ công khai thật sự – và chúng cũng sẽ không thể chối bỏ hay thay đổi, dù cho bất kể ai muốn thay đổi lịch sử.
1. Hacker, những người đã tấn công thành công sàn giao dịch Mt. Gox và các trao đổi Bitcoin khác, đã không thông đồng với chính blockchain. Thay vào đó, có vẻ như Bitcoin đã bị đánh cắp từ “ví nóng” của sàn giao dịch, vốn là một tài khoản ngân hàng được kết nối Internet cho Bitcoin không thuộc blockchain. (TG)
Đây thực sự sẽ là một điều gì đó mới mẻ chưa từng xảy ra, và sẽ thật sự có giá trị. Dưới sự kiểm tra gắt gao và theo dõi kỹ lưỡng, blockchain đã hoạt động như một sổ cái toàn cầu, minh bạch, bất biến, có thể truy cập miễn phí từ mọi trang web trong nhiều năm.1 Nó đã mở ra nhiều cơ hội và sẽ sớm được khám phá bởi các nhà đổi mới và nhà khởi nghiệp.
1. Các bên liên quan đến giao dịch blockchain có thể quyết định trả phí giao dịch cho các thợ mỏ tạo ra khối. Khoản phí tự nguyện này như một sự khích lệ thêm cho họ. (TG)
▶ Đại học Nicosia ở đảo Síp và Trường Kỹ thuật Phần mềm Holberton ở San Francisco là những ví dụ về các tổ chức học thuật đầu tiên sử dụng blockchain để chia sẻ bảng điểm sinh viên chính thức.
▶ Kimberley Process là tổ chức do Liên hợp quốc hỗ trợ quản lý chứng nhận nhằm giảm số lượng kim cương xung đột1 gia nhập thị trường. Thông thường, họ sẽ dựa vào giấy chứng nhận xuất xứ trên giấy, nhưng vào năm 2016, chủ tịch của tổ chức này đã thông báo rằng họ đang thực hiện thí điểm blockchain để hiểu sổ cái bất biến có thể cải thiện hệ thống hiện tại của họ như thế nào. Everledger, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London, đang sử dụng công nghệ tương tự để chứng nhận đá quý cho mục đích bảo hiểm người tiêu dùng.
1. Những viên kim cương thô, chưa cắt, được khai thác trong khu vực có chiến tranh và được giao dịch bất hợp pháp để gây quỹ cho cuộc chiến. (BTV)
▶ Các quan chức hải quan đã thu giữ các lô giày giả nhập vào Mỹ năm 2014 với giá trị 50 triệu đô-la, một phần nhỏ trong số 461 tỷ đô-la hàng giả được giao dịch quốc tế mỗi năm. Để ngăn chặn loại lừa đảo này, nhà thiết kế giày Gurr đã phát hành bộ sưu tập Beastmode 2.0 Royale Chukkah vào năm 2016 với thẻ thông minh hỗ trợ blockchain cho phép những người đam mê xác thực những đôi sneaker bằng điện thoại thông minh.
▶ Patrick Byrne, CEO của hãng bán lẻ trực tuyến Overstock. com, là người ủng hộ blockchain kể từ những ngày đầu của Bitcoin. Vào tháng 9 năm 2014, Overstock trở thành cửa hàng thương mại điện tử lớn đầu tiên chấp nhận tiền ảo. Byrne tiếp tục tạo ra một công ty con, TØ.com, sử dụng blockchain để theo dõi trao đổi tài sản tài chính. Cái tên này xuất phát từ thực tế là các giao dịch trên nền tảng có thể giải quyết nhanh chóng trong ngày thay vì ba ngày sau đó (T + 3), vốn là quy tắc trên Phố Wall. Overstock đã sử dụng TØ.com để cung cấp 25 triệu đô-la trái phiếu doanh nghiệp vào tháng 6 năm 2015. Vào tháng 3 năm 2016, họ tuyên bố sẽ thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng vận dụng blockchain. Cả hai đều lần đầu tiên diễn ra trên thế giới.
▶ Vào tháng 10 năm 2015, Nasdaq đã ra mắt Linq, một giải pháp cho phép các công ty tư nhân ghi lại bằng số sở hữu cổ phần bằng công nghệ blockchain. Mặc dù, ban đầu, Linq hướng đến các công ty tư nhân, nhưng Nasdaq tin rằng các thị trường công cộng sẽ sớm sử dụng một hệ thống tương tự, giúp giảm hơn 90% rủi ro thanh toán1 cũng như giảm đáng kể chi phí vốn.
1. Rủi ro thanh toán là khả năng một bên của giao dịch không thể giao cổ phiếu như đã hứa khi bên kia đã thanh toán chúng hoặc ngược lại. (TG)
▶ Khi Ornua, công ty thực phẩm nông nghiệp đến từ Ai-len, vận chuyển số phô mai trị giá 100.000 đô-la cho Công ty Thương mại Seychelles vào tháng 9 năm 2016, đó là giao dịch thương mại quốc tế đầu tiên sử dụng blockchain để ghi lại tất cả các chi tiết về tài chính thương mại. Giao dịch xuyên biên giới thường không xảy ra cho đến khi hai điều kiện sau được đáp ứng. Đầu tiên, các bên liên quan đã giải quyết tất cả chi tiết về tài chính thương mại: bảo hiểm hàng hóa trong quá trình vận chuyển, xác định chính xác thời điểm chuyển giao quyền sở hữu,… Thứ hai, tất cả các bên liên quan đều nhận đầy đủ tài liệu pháp lý thoả đáng có chữ ký chính xác liên quan đến khoản tài chính này. Việc đăng tất cả tài liệu giao dịch Thương mại Ornua – Seychelles trên blockchain đã giảm quá trình bảy ngày xuống chỉ còn bốn giờ.
▶ Vào tháng 6 năm 2016, Cộng hòa Georgia đã công bố một dự án hợp tác với nhà kinh tế học Hernando de Soto để thiết kế và thí điểm một hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất ở nước này dựa trên blockchain. Dự án này được kỳ vọng sẽ chuyển các yếu tố của quy trình lên blockchain để giảm chi phí cho chủ nhà và những người dùng khác, đồng thời giảm khả năng tham nhũng (vì hồ sơ đất đai, giống như mọi thứ khác trong blockchain, là bất biến).
Tại sao không thông minh hoá các hợp đồng?
Rõ ràng là blockchain có thể được sử dụng để ghi lại tất cả các loại giao dịch, không riêng gì Bitcoin. Một số người cho rằng sổ cái phân tán là ngôi nhà lý tưởng cho các “hợp đồng thông minh” kỹ thuật số. Đây là cụm từ được nhà khoa học máy tính và học giả pháp lý Nick Szabo đưa ra vào giữa những năm 1990.1 Szabo quan sát và thấy rằng các hợp đồng kinh doanh, một trong những nền tảng của nền kinh tế tư bản hiện đại, có nhiều điểm tương đồng với các chương trình máy tính. Cả hai đều liên quan đến các định nghĩa rõ ràng (về các biến trong chương trình, các bên liên quan và vai trò của họ trong hợp đồng) và đều nêu rõ điều sẽ xảy ra trong các điều kiện khác nhau. Chẳng hạn, hợp đồng giữa tác giả sách và nhà xuất bản có thể chỉ ra rằng các tác giả sẽ nhận được khoản nhuận bút đã thoả thuận khi họ giao bản thảo cho nhà xuất bản và tiền bản quyền trả cho tác giả sẽ tăng nếu tổng doanh số bìa cứng vượt qua một mức nhất định. Bất kỳ lập trình viên nghiêm túc nào cũng có thể viết ra một chương trình tương đương với các điều kiện này chỉ bằng vài dòng code.
1. Nhiều người tin rằng Szabo chính là Satoshi Nakamoto. Nhưng ông đã nhiều lần phủ nhận tuyên bố này. (TG)
Nhưng điều này nghĩa là gì? Ngay cả khi hai chúng tôi lập hợp đồng với Norton (nhà xuất bản của cuốn sách này) dưới dạng một chương trình, thì việc nó có tốt hơn so với hợp đồng trên giấy hay không vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Chúng tôi vẫn cần một biên tập viên báo với bộ phận thanh toán của công ty rằng anh ấy đã nhận được bản thảo và do đó chúng tôi phải thanh toán một khoản nhuận bút. Và chúng tôi vẫn cần có kế toán tại Norton để theo dõi doanh số và gửi cho chúng tôi kiểm tra nhuận bút. Và chúng tôi cần các tòa án giải quyết bất kỳ tranh chấp mà chúng tôi không thể tự giải quyết hoặc để xác định phiên bản nào của hợp đồng là “đúng” (dù là sai lầm vô tình hoặc giả mạo) nếu mỗi bên giữ hai hợp đồng có nội dung không khớp nhau. Về cơ bản, chúng tôi và nhà xuất bản thật sự phải hình thành một mức độ tin tưởng khá cao rằng bên kia sẽ trung thực, tôn trọng các điều khoản của hợp đồng và không thực hiện các hành vi sai lệch.
Chúng tôi rất tin tưởng Norton, nhưng điều đó phần lớn là vì chúng tôi đã xuất bản một cuốn sách với họ và đã có trải nghiệm tuyệt vời. Chúng tôi quyết định ký cuốn sách đầu tiên với họ phần lớn là vì họ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, có danh tiếng xuất sắc, có các tác giả mà chúng tôi rất tôn trọng, và được người đại diện của chúng tôi tin tưởng giới thiệu.1 Có rất nhiều lý do, và tóm lại, Norton sẽ là một đối tác đáng tin cậy đối với chúng tôi.2
1. Người đại diện đáng tin cậy của chúng tôi là Raphael Sagalyn. (TG)
2. Nhưng Norton lại có ít lý do cho rằng hai chúng tôi sẽ là những tác giả tốt đối với họ. Chúng tôi rất biết ơn vì họ đã cho chúng tôi cơ hội. (TG)
Những người ủng hộ hợp đồng thông minh có những cái nhìn khác nhau về tình huống này. Họ sẽ lưu ý rằng, thay vì tin tưởng việc Norton sẽ báo cáo chính xác doanh số bán sách, chúng tôi có thể dựa vào các bên thứ ba, chẳng hạn như Nielsen BookScan. Sau đó, chúng tôi có thể viết chương trình truy cập web, BookScan, tài khoản ngân hàng của Norton và các tài khoản ngân hàng của chúng tôi, từ đó dẫn đến logic sau:
▶ Trình bày một trang web cho các tác giả và biên tập viên, yêu cầu mỗi người bấm nút để xác nhận rằng bản thảo đã được gửi. Khi tất cả các bên đã nhấp vào nút này, hãy chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của Norton cho các tác giả.
▶ Bắt đầu theo dõi doanh số bán sách bằng BookScan. Nếu doanh số vượt qua chỉ tiêu, hãy cộng phần tỷ lệ nhuận bút này vào tất cả các khoản thanh toán trong tương lai cho các tác giả.
Rõ ràng, hợp đồng thông minh thực tế giữa chúng tôi sẽ chính thức và phức tạp hơn thế này, nhưng sẽ không cần bất kỳ dữ liệu hay mã đặc biệt nào. Thay vào đó, hợp đồng này sẽ dễ dàng viết được.
Nhưng những vấn đề tiềm ẩn như hợp đồng có nhiều phiên bản hoặc hợp đồng giả mạo thì sao? Đây là nơi mà blockchain xuất hiện và đưa ra một giải pháp lý tưởng: sau khi thoả thuận hợp đồng với Norton, chúng tôi chỉ cần ký chữ ký số của mình và thêm nó vào blockchain. Hợp đồng sau đó có tất cả các thuộc tính giống như tất cả các giao dịch được ghi trong sổ cái. Nó mãi mãi tồn tại ở đó, có thể nhìn thấy và kiểm chứng được. Quan trọng nhất, nó không thay đổi: chúng tôi cũng như Norton và bất kỳ ai khác đều không thể can thiệp vào nó sau khi đã ký. Chúng tôi có thể muốn thêm khả năng đàm phán lại hợp đồng thông minh này bằng cách mở hoặc xoá hợp đồng thông qua chữ ký số, nhưng ngoài khả năng này, tính toàn vẹn đã được chứng minh của blockchain sẽ đảm bảo tính toàn vẹn cho hợp đồng của chúng tôi.
Một lợi thế lớn của loại hợp đồng này là nó loại bỏ sự cần thiết của nhiều hình thức ủy thác. Chúng tôi không cần phải tin tưởng về việc Norton sẽ tính doanh số một cách chính xác, vì điều đó sẽ được căn cứ vào dữ liệu BookScan. Hoặc về việc nhà xuất bản sẽ thật sự tăng tỷ lệ nhuận bút nếu chúng tôi đáp ứng chỉ tiêu doanh số, vì mức tăng đó là một phần của mã bất biến.1
1. Nếu chúng tôi lo lắng rằng Norton có thể không đủ khả năng để thanh toán cho chúng tôi, một tài khoản ký quỹ hoặc dự phòng khác có thể được thêm vào trong hợp đồng thông minh. (TG)
Chúng tôi thậm chí không cần phiền đến các tòa án trong khu vực, vì hợp đồng thông minh không dựa vào họ để thực thi các điều khoản hoặc xác minh tính hợp pháp. Hợp đồng này chỉ tồn tại và chạy trên blockchain, tận dụng tính rộng rãi, tính xác minh và tính bất biến của chuỗi.
Năm 1996, nhà tiên phong về hợp đồng thông minh Nick Szabo đã viết:
Sau đó, ý tưởng chính về việc áp dụng các hợp đồng thông minh vào thực tế đã được công bố rộng rãi. Các cơ chế của thế giới nên được cấu trúc theo cách để tạo ra các hợp đồng:
(a) mạnh mẽ chống lại sự phá hoại ngây thơ, và
(b) mạnh mẽ chống lại các vi phạm (cố ý) mang tính tương thích xúi giục, đầy tinh vi.
Gần 20 năm sau, thế giới blockchain xuất hiện và dường như cung cấp chính xác cấu trúc và thế giới mà Szabo mô tả. Các doanh nhân, lập trình viên và những người có tầm nhìn đã chú ý tới nó, đồng thời làm bùng nổ những nỗ lực trong việc kết hợp sổ cái phân tán và hợp đồng thông minh.
Vào cuối năm 2016, nổi tiếng nhất trong số này có lẽ là Ethereum, tự mô tả là “một nền tảng được phân quyền vận hành các hợp đồng thông minh: các ứng dụng chạy chính xác như những gì đã được lập trình mà không có khả năng ngừng hoạt động, kiểm duyệt, lừa đảo hoặc can thiệp của bên thứ ba.” Nền tảng Ethereum đã chứng kiến một số nỗ lực đầy tham vọng mà chúng tôi sẽ thảo luận ở các chương sau.
LẬT ĐỔ KẺ NẮM QUYỀN: CUỘC TẤN CÔNG CỐT LÕI CỦA TIỀN ĐIỆN TỬ
Dường như trước đây đã có ít nhất một số nỗ lực liên quan đến tiền điện tử, sổ cái phân tán và hợp đồng thông minh được thúc đẩy bởi mong muốn phân quyền các hoạt động và thông tin mang tính tập trung; đồng thời cộng đồng cũng được ủng hộ hơn so với cốt lõi. Có nhiều lý do cho điều này, không ít trong số đó là cảm giác cốt lõi đã trở nên quá mạnh mẽ và không thể tin tưởng được.
Trong một buổi toạ đàm năm 2012 tại một hội nghị của WELL1, tác giả khoa học viễn tưởng Bruce Sterling đã giới thiệu ý tưởng về một nhóm nhỏ “các công ty lớn” trong ngành công nghệ cao. Ông cho rằng: “Việc bàn về ‘Internet’, ‘kinh doanh máy tính’, ‘điện thoại’, ‘Thung lũng Silicon’ hay ‘phương tiện truyền thông’ ngày càng trở nên vô nghĩa; thay vào đó, nghiên cứu Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft sẽ mang lại ý nghĩa hơn.” Sterling cho rằng, “năm silo2 lớn trải dọc khắp nước Mỹ này đang tái tạo thế giới theo ý họ.”
1. Hay được biết đến với tên CO-WELL, là tập đoàn đa quốc gia thành lập vào tháng 8 năm 2007 tại Nhật Bản, hoạt động trong lĩnh vực gia công phần mềm như: phát triển phần mềm, kiểm thử phần mềm, ứng dụng AR-VR,... (BTV)
2. Silo là một dạng kết cấu bằng thép hay bê tông hoặc bằng com-pô-sít. Thông thường, Silo có dạng hình chữ nhật hay hình tròn thường được sử dụng để bảo quản nguyên vật liệu dạng sá (dạng hạt rời) như: Xi măng, lúa, ngô,... Ở đây, tác giả sử dụng phép ẩn dụ năm silo với Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft. (BTV)
Trong Tạp chí Atlatic ngay sau hội nghị, Alexis Madrigal đã suy ngẫm về ảnh hưởng của các công ty này:
Thế giới mà họ tạo ra sẽ như thế nào? Đây là suy nghĩ của tôi: Công nghệ của bạn sẽ hoạt động hoàn hảo trong silo và thông qua các đối tác [sic] (tạm thời) của một công ty lớn. Nhưng nó sẽ bị phá vỡ hoàn toàn tại các giao diện giữa bản thân và các đối thủ cạnh tranh.
Khoảnh khắc mà bạn đang cố gắng làm điều gì không có lý do để không làm và không có cách nào khác ngoài việc thay đổi một số phần mềm của bạn để trở nên phù hợp hơn trong silo?
Điều đó sẽ xảy ra rất nhiều.
Lý do là vì các công ty hình thành cốt lõi sâu nhất của ngành công nghệ không thể chăm sóc lợi ích của người tiêu dùng một cách đáng tin khi mà họ còn bận chăm lo cho bản thân. Và sức mạnh của các công ty này dường như chỉ tăng lên, và do đó, Sterling giống như nhà tiên tri. Chẳng hạn, vào cuối tháng 7 năm 2016, năm công ty mà ông đã đặt tên hơn ba năm trước đã trở thành năm công ty giao dịch công khai có giá trị thị trường chứng khoán cao nhất thế giới.
Sự ngờ vực này không chỉ giới hạn trong ngành công nghệ cao. Trong những năm sau cuộc suy thoái kinh tế, các cuộc khảo sát do công ty quan hệ công chúng Edelman thực hiện đã phát hiện ra rằng dịch vụ tài chính là ngành công nghiệp bị nghi ngờ nhất thế giới. Nhưng làm thế nào mà các công ty lớn mạnh trong ngành này có thể bị thay thế, đặc biệt là theo cách không tự động tạo ra các công ty lớn mạnh khác có cùng điểm yếu và lỗi?
Tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế? Có một giải pháp để thực hiện điều đó.
Một cách đơn giản và dễ hiểu đã được Jon Evans đề xuất trong tiêu đề bài báo được đăng trên trang web TechCrunch vào tháng 01 năm 2015: Decentralize All the Things (tạm dịch: Phân quyền mọi thứ). Ông đưa ra tranh luận rằng, tại sao không lấy triết lý, quy trình và công nghệ làm nền tảng cho Bitcoin, blockchain và hợp đồng thông minh, cùng với việc vận dụng chúng rộng hơn? Thí nghiệm về tiền điện tử do Nakamoto châm ngòi đã chỉ ra một điều đáng chú ý: một cộng đồng gồm các cá nhân độc lập và tự lợi, khi được tập hợp lại bằng một chút giao tiếp cùng nhiều bài toán học và mã, có thể tạo ra thứ gì đó giá trị lớn cho toàn bộ nhóm và đánh bại cốt lõi ngay trong chính thế mạnh của mình là duy trì sổ cái về các giao dịch quan trọng một cách chính xác. Làm thế nào để phổ biến bài học này? Đâu là ranh giới của nó?
Bài báo của Evans thừa nhận những trở ngại của tầm nhìn này và bày tỏ sự tự tin rằng chúng có thể được loại bỏ. Đó là một ví dụ tuyệt vời về “chủ nghĩa giải pháp”: niềm tin rằng các vấn đề khó khăn đều có hướng giải quyết nếu kết hợp đúng đắn năng lượng kinh doanh và đổi mới công nghệ. Thuật ngữ “chủ nghĩa giải pháp” ban đầu ám chỉ một chấn thương mà nhà văn Evgeny Morozov, người tạo ra cụm từ, đã dùng nó để nói về một “bệnh lý trí tuệ”. Thay vì bất bình khi được gọi là nhà giải pháp, nhiều nhà công nghệ lại chấp nhận thuật ngữ này; vào năm 2014, Marc Andreessen đã mô tả bản thân là “một nhà giải pháp kiêu hãnh từ năm 1994” trong hồ sơ Twitter của anh.
Chủ nghĩa giải pháp đã vay mượn rất tốt ý tưởng Bitcoin và blockchain. Hợp đồng thông minh và các đổi mới có liên quan cam kết mở rộng hơn nhiều blockchain so với sổ cái, trong khi vẫn duy trì các đặc tính mong muốn nhất của nó. Tầm nhìn của nhà giải pháp là để blockchain trở thành một kho lưu trữ mở, minh bạch, toàn cầu, miễn phí (hoặc ít nhất là phí rất thấp), phổ biến không chỉ cho các giao dịch Bitcoin, mà còn cho tất cả các loại hàng hóa thông tin.
Ai còn cần các công ty nữa chứ?
Hàng hóa thông tin có thể bao gồm hợp đồng và phần mềm. Các nhà giải pháp tiền điện tử từ cộng đồng đã nói, hãy tưởng tượng nếu mọi người và các tổ chức cho phép các chương trình truy cập vào các tài sản thông tin như tài khoản ngân hàng, chính sách bảo hiểm, tiền ký quỹ, danh mục đầu tư,... Hoặc các chương trình này cũng có thể truy cập vào blockchain, nhập các giao dịch vào đó và ghi lại chính chúng trong đó. Nhờ vào tính bất biến của chuỗi, một hệ thống như vậy sẽ đảm bảo rằng mã chương trình không bị thay đổi hoặc bị hack, và do đó, các chương trình này vận hành như dự định ban đầu. Sau đó, những điều mới lạ sẽ trở nên khả thi: các hợp đồng và giao dịch phức tạp với tác động trong thế giới thật tự động tiến hành, không tốn kém và không có sự giám sát hay ban phước từ bất kỳ cơ quan trung ương nào.
Một số người cảm thấy rằng blockchain đủ mạnh để thách thức trực tiếp các công ty công nghệ lớn, mà theo Bruce Sterling và nhiều người khác, là nắm phần lớn quyền kiểm soát web. Trong cuốn Blockchain Revolution (Cuộc cách mạng Blockchain)1 năm 2016, hai cha con tác giả Don và Alex Tapscott đã viết:
Lực lượng doanh nghiệp đã làm chủ được nhiều… công nghệ ngang hàng, dân chủ và không giới hạn tuyệt vời, đồng thời đang sử dụng chúng để trích xuất một phần giá trị không phù hợp… các “tập đoàn kỹ thuật số” mạnh mẽ như Amazon, Google, Apple và Facebook... đang nắm bắt các kho dữ liệu mà công dân và các tổ chức tạo ra… Giờ đây, với công nghệ blockchain, một thế giới với những khả năng mới đã mở ra để đảo ngược tất cả những xu hướng này. Bây giờ chúng ta có một nền tảng ngang hàng thực sự... có thể bắt đầu thay đổi cách phân phối của cải – cách hình thành nó ngay từ đầu khi tất cả mọi người, từ nông dân đến nhạc sĩ, đều có thể chia sẻ đầy đủ của cải mà họ tạo ra. Mọi thứ đều có thể thành công.
1. Cuốn sách được Alpha Books mua bản quyền và phát hành năm 2018. (BTV)
Tại các nước phát triển, nhiều người cảm thấy các công ty lớn, đặc biệt là những công ty tài chính và công nghệ cao, đang trở nên quá mạnh. Trong khi đó, tại các nước đang phát triển, thẩm quyền của các tòa án lại tương đối yếu, lòng tin giữa những người xa lạ không được cao và chính phủ lại thực hiện các chính sách gây thiệt hại cho tiền tệ của họ. Trong cả hai tình huống, cuộc tranh cãi giữa những người ủng hộ tiền điện tử đã nổ ra, kết quả như nhau: trao đổi bị thắt chặt, cơ hội bị lãng phí và mọi người trở nên nghèo hơn so với những gì họ có thể có.
Về cơ bản, nhiều người đã làm việc với Bitcoin, blockchain và hợp đồng thông minh vì họ muốn cải thiện tình trạng này bằng cách chuyển các khía cạnh quan trọng của các nền kinh tế dựa trên thị trường từ cốt lõi sang cộng đồng – từ ngân hàng trung ương, công ty và hệ thống pháp lý sang một số lượng lớn máy tính hoạt động mạnh mẽ khắp thế giới và chạy mã để phân quyền mọi thứ.
Việc này sẽ mang lại hiệu quả như thế nào?
TÓM TẮT CHƯƠNG
▶ Bitcoin cho thấy tiềm năng của các cộng đồng hoàn toàn phân quyền. Bằng cách kết hợp toán học (mật mã), kinh tế, mã và mạng, họ có thể tạo ra thứ gì đó cơ bản và quan trọng như tiền tệ.
▶ Blockchain có thể quan trọng hơn Bitcoin. Chính loại sổ cái mở, minh bạch, toàn cầu, linh hoạt và bất biến này là có giá trị, đặc biệt nếu kết hợp với các hợp đồng thông minh cùng những cải tiến kỹ thuật số khác.
▶ Điều đáng chú ý nhất về Bitcoin và blockchain có thể là cách chúng cho phép cộng đồng toàn cầu từ người dân đến các tổ chức hành động vì lợi ích của riêng họ để tạo ra thứ gì đó có giá trị chung lớn.
▶ Bitcoin và blockchain đã tạo ra một làn sóng đổi mới cùng tinh thần khởi nghiệp, hiện tại, vai trò cuối cùng của nó trong các nền kinh tế và xã hội là chưa hoàn toàn rõ ràng.
▶ Một số người tin rằng các tổ chức lớn, từ ngân hàng đến các công ty công nghệ, đã trở nên quá mạnh mẽ và họ có tiềm năng bị thay thế bởi sự xuất hiện của các công nghệ phân quyền cực mạnh mới.
▶ Những sáng kiến ban đầu chỉ ra rằng nhu cầu về công nghệ sổ cái mới là rất lớn. Điều đó có thể làm cho nhiều quy trình kinh doanh hiện tại rẻ và nhanh hơn, đồng thời, có lẽ quan trọng hơn, cho phép những quy trình mới hoạt động.
CÂU HỎI
1. Một sổ cái mở, minh bạch, toàn cầu, linh hoạt, bất biến có thể có giá trị như thế nào đối với bạn? Bạn sẽ đặt vào đó những loại tài liệu, hồ sơ hoặc giao dịch nào? Những đối tác nào – khách hàng, nhà cung cấp, bên thứ ba, các tổ chức chính phủ,... – sẽ tham gia cùng bạn? Bạn nghĩ số cái có thể tiết kiệm bao nhiêu thời gian và tiền bạc cho mình?
2. Để trở nên có giá trị đối với bạn, sổ cái này có cần phải được phân quyền triệt để, hoặc có thể được sở hữu và kiểm soát bởi một hoặc nhiều tổ chức không?
3. Bitcoin và các loại tiền điện tử khác quan trọng như thế nào đối với bạn? Bạn có dự đinh dùng chúng để thực hiện các thanh toán không?
4. Đâu sẽ là “hợp đồng thông minh” đầu tiên (hợp đồng thực hiện 100% tự động) mà bạn sẽ cố gắng soạn thảo?
5. Theo bạn, phân quyền quy mô lớn sẽ làm đảo lộn cốt lõi và thay thế (hoàn toàn hoặc phần lớn) lĩnh vực nào thông qua một cộng đồng trong năm đến mười năm tới?