Một số người coi doanh nghiệp tư nhân như một con hổ săn mồi bị trúng đạn. Những người khác lại nhìn vào và xem nó như một con bò mà họ có thể vắt sữa. Nhưng không có nhiều người xem nó như một con ngựa khỏe mạnh đang kéo cỗ xe một cách sung sức.
— Winston Churchill (1874–1965)
TRONG KỶ NGUYÊN CÔNG NGHỆ MỚI, LIỆU CHÚNG TA CÓ CÒN cần đến các công ty không? Nhiều nhà quan sát khẳng định rằng hiện đã có các lựa chọn thật sự thay thế các công ty. Những lựa chọn thay thế này sử dụng nhiều cải tiến kỹ thuật số được mô tả trong cuốn sách, đặc biệt là các công nghệ tiền điện tử phi tập trung và dựa trên cộng đồng, sổ cái phân tán cùng các hợp đồng thông minh mà chúng tôi đã mô tả trong chương trước. Các công ty là cốt lõi của chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhưng như chúng tôi đã trình bày nhiều lần trong phần này của cuốn sách, cốt lõi thường có thể bị đánh bại bởi cộng đồng được công nghệ hỗ trợ. Vậy điều gì sẽ xảy ra với các công ty?
Để bắt đầu giải quyết câu hỏi quan trọng này, hãy cùng nhìn vào những gì đã xảy ra với hai lần thử dùng một cộng đồng thay thế cho một công ty gần đây: DAO (viết tắt của “Decentralized Autonomous Organization” – “một tổ chức tự trị phi tập trung”) và Bitcoin/blockchain. Khi được phân tích theo lý thuyết kinh tế có liên quan, các sự kiện thuộc hai lần thử này cho chúng ta biết nhiều điều về tương lai của các công ty nói chung.
CON ĐƯỜNG CỦA DAO
Vào lúc 9:00 sáng (theo giờ GMT) ngày 28 tháng 5 năm 2016, biểu hiện thuần túy nhất của cộng đồng mà thế giới kinh doanh tư bản từng chứng kiến đã khép lại vòng gọi vốn cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay. Thực thể có liên quan là tổ chức tự trị phi tập trung đầu tiên được lập ra: “DAO” – thực thể mà theo bản tuyên thệ của tổ chức đã giải thích, tồn tại “đồng thời ở mọi nơi và không ở đâu cả, hoạt động chỉ với ý chí sắt đá kiên định của các mã bất biến”.1 Nó giống như một quỹ đầu tư mạo hiểm, nhưng tuân theo nguyên tắc phân cấp tất cả mọi thứ.
1. “Dao” (đôi khi được đánh vần là “Tao”) cũng là một bộ giáo lý bắt nguồn từ cuốn Tao Te Ching (Đạo Đức Kinh) của Trung Quốc vào thế kỷ VI trước Công nguyên. Dao, thường được dịch là “cách thức”, cho rằng bản chất của sự tồn tại và thiên nhiên là năng động và lan tỏa. Nó thường được trích dẫn như một nguồn cảm hứng cho “Thần lực” trong các bộ phim Star War (Chiến tranh giữa các vì sao). Các nhà công nghệ tạo ra tổ chức tự trị phân tán gần như chắc chắn nhận thức được từ viết tắt của tổ chức sẽ gợi lên các hiệp hội nào. (TG)
DAO chỉ tồn tại dưới dạng phần mềm có nguồn mở và phân tán để thực hiện các hợp đồng thông minh. Nó được xây dựng trong dự án Ethereum (mà chúng tôi đã mô tả trong chương trước) và đã tận dụng tiền mã hóa ether của nó. Giống như một quỹ đầu tư mạo hiểm, nó tồn tại để phê duyệt và đầu tư vào các dự án. Nhưng DAO khác với một quỹ đầu tư mạo hiểm thông thường ở hai khía cạnh. Thứ nhất, không phải tất cả dự án đều phải cam kết có lãi tài chính; tổ chức cũng có thể hỗ trợ các nỗ lực phi lợi nhuận. Thứ hai, các dự án được hỗ trợ sẽ không được chọn bởi một nhóm đối tác hoặc người đánh giá cốt lõi, mà thay vào đó là toàn bộ cộng đồng đã tài trợ cho việc tạo ra tổ chức DAO, các thành viên của cộng đồng này sẽ có quyền biểu quyết tương ứng với khoản đầu tư ban đầu của họ.
Không có sự can thiệp nào của con người hay tổ chức bên ngoài phần mềm DAO – không có CEO, Hội đồng quản trị hoặc nhân viên, và thậm chí không có một ban chỉ đạo như Linus Torvalds đã cài cho Linux. DAO chỉ là một phần mềm thuần túy, chức năng của nó sẽ chỉ được thay đổi nếu phần lớn người tham gia quyết định cài đặt trên máy tính của họ phiên bản mới của nó. Trừ khi và cho đến khi điều đó xảy ra, DAO sẽ tiếp tục hoạt động như lập trình ban đầu, không có sự can thiệp nào của con người. Không có một cá nhân nào có thẩm quyền chính thức để thay đổi DAO, không ai có thể thương lượng hoặc kháng nghị để thay đổi nó, và không ai được kiện hoặc theo hầu tòa nếu một hành vi bất công thực hiện thông qua phần mềm được phát hiện.
Nhiều người cảm thấy rằng loại phần mềm này chính xác là những gì cần thiết để khắc phục các thiên kiến và thiếu sót của cốt lõi. Các nhà bình luận gọi đó là một sự “thay đổi mô hình”, điều này có thể “mang lại những cơ hội mới để dân chủ hóa kinh doanh”. Tạp chí Forbes viết rằng nó sẽ cho phép “các doanh nhân của tương lai… ‘thiết kế’ các tổ chức của riêng họ và được tùy chỉnh theo nhu cầu tối ưu về sứ mệnh, tầm nhìn cùng chiến lược để thay đổi thế giới.” Tiền thật được đổ vào để hỗ trợ tổ chức hoàn toàn ảo này: 162 triệu đô-la trong khoảng thời gian 28 ngày vào tháng 5 năm 2016.
Điều đó không kéo dài
Tuy nhiên, ngay trước khi cửa sổ tài trợ cho tổ chức DAO đóng cửa, một nhóm các nhà khoa học máy tính đã đăng một bài báo chỉ ra những sai sót nghiêm trọng trong quy trình bỏ phiếu của cộng đồng được nhúng trong phần mềm sau khi phân tích mã của nó.1 Các tác giả viết rằng, họ thảo luận công khai những vấn đề này không phải để tiêu diệt DAO ngay khi vừa xuất hiện, mà thay vào đó là để củng cố nó: “Chúng tôi thảo luận về các cuộc tấn công này và đưa ra các đề xuất cụ thể, đơn giản để giảm thiểu các cuộc tấn công, hoặc trong một số trường hợp là vô hiệu hóa chúng hoàn toàn.”
1. Bài báo được viết bởi Dino Mark, Vlad Zamfir và Emin Gün Sirer. Nhiều điểm yếu không chỉ nằm ở lỗ hổng phần mềm, mà còn là các lỗ hổng kinh tế, trong đó các nhà đầu tư được khuyến khích hành xử theo cách mâu thuẫn với lợi ích cao nhất của nhóm. Cade Metz, The Biggest Crowdfunding Project Ever – The DAO – Is Kind of a Mess (tạm dịch: Dự án gây quỹ cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay – DAO – Là một mớ lộn xộn), Wired, ngày 06 tháng 7 năm 2016, https://www.wired.com/2016/06/biggest-crowdfunding-project-ever-dao-mess. (TG)
Tuy nhiên, tin tặc ẩn danh đã đánh cắp khoảng một phần ba số tiền của DAO ngay sau khi nó được phát hành, có lẽ không như những gì mà cộng đồng chú ý đến. Sau khi kiểm tra mã, tin tặc nhận ra, về cơ bản, chúng sẽ khiến DAO hoạt động như một chiếc máy ATM đầy tiền mặt liên tục phân phát tiền mặc dù số dư tài khoản bằng 0.
Điều này đã được thực hiện công khai – dù sao thì DAO là một tổ chức hoàn toàn minh bạch – và nó hoàn toàn hợp pháp; các điều khoản cấp phép của phần mềm quy định rõ ràng rằng người dùng phải chấp nhận mọi thứ xảy ra trong tổ chức tự trị phi tập trung này.
Các câu hỏi được đặt ra là tại sao tin tặc lại thử khai thác tổ chức này, vì các đồng tiền mã hóa ether bị ăn cắp không thể ngay lập tức được chuyển đổi thành đô-la hoặc bất kỳ loại tiền tệ pháp định nào khác. Daniel Krawisz, thuộc Viện Satoshi Nakamoto, giải thích rằng tin tặc có thể kiếm được khoảng 3 triệu đô-la bằng cách bán khống các ether1 trong một trong các sàn giao dịch tiền điện tử hoạt động trực tuyến, đặt cược chính xác rằng một khi vụ hack được công khai, giá trị ether sẽ giảm mạnh.
1. Đồng tiền mã hóa được cung cấp trong mạng lưới Ethereum. (BTV)
Nhưng những câu hỏi quan trọng không nằm ở động lực của tin tặc. Thay vào đó, chúng tập trung vào các lỗ hổng của tiền điện tử và các hợp đồng thông minh được tiết lộ từ vụ đánh cắp. Viện Nakamoto đánh giá rằng Ethereum đã “phải chịu số phận bi đát”. Sự kết hợp giữa việc lập trình yếu kém và các điều khoản sử dụng thiếu chặt chẽ đã khiến chương trình tệ hại này bị ràng buộc về mặt pháp lý, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các tín đồ trong giấc mơ phân cấp tất cả mọi thứ vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ. Vào tháng 7 năm 2016, Vitalik Buterin – đồng sáng lập Ethereum, đồng thời là tác giả của bài viết có tầm ảnh hưởng Ethereum White Paper (tạm dịch: Sách trắng Ethereum) (được viết năm 2013, khi đó ông mới 19 tuổi) – đã công bố một “hard fork”1 trong tiền mã hóa và blockchain. Nếu phần lớn những người tham gia DAO chấp nhận nó (được thể hiện trong phiên bản mới của phần mềm Ethereum), tất cả giao dịch xảy ra trước đó trong tổ chức tự trị phi tập trung về cơ bản sẽ bị lãng quên và tất cả các ether có liên quan sẽ được trả về chủ sở hữu ban đầu.
1. Fork (theo ý nghĩa thay đổi giao thức) được sử dụng để diễn giải các trường hợp phải “cập nhật”, “sửa đổi” hoặc “thêm các tính năng mới vào blockchain” nhằm đảo ngược tác động của hack và lỗi trên blockchain. Hard fork là thuật ngữ dùng để chỉ phiên bản cập nhật phần mềm mới, với nhiều thay đổi và bắt buộc thay thế phiên bản cũ nhằm tránh trường hợp phần mềm có những lỗi không mong muốn, không thể truy cập. (BTV)
Trên thực tế, hard fork được đa số các thành viên của DAO chấp nhận, nhưng một nhóm thiểu số đáng kể lại hoàn toàn giận giữ. Nhà văn E.J. Spode (có thể là bút danh) đã giải thích lý do trên tạp chí trực tuyến Aeon: “Trong quan điểm của [các thành viên thiểu số], hard fork đã phá hỏng nguyên tắc cốt lõi của Ethereum, đó là bỏ qua tất cả những can thiệp của con người – quan chức, chính trị gia tham ô và các giám đốc hội đồng quản trị, giám đốc điều hành và luật sư. Các mã này đáng ra phải được coi là luật. Nếu bạn không nhìn thấy sự yếu kém trong phần mềm, thì đó là vấn đề của bạn, vì phần mềm đã được công khai.”
Danh sách những người can thiệp của Spode có lẽ nên bao gồm các ngân hàng trung ương, những người thường bị buộc tội thao túng giá trị của tiền tệ pháp định. Nhiều người cảm thấy rằng hard fork đã làm điều gì đó tồi tệ hơn nhiều. Nó không tùy tiện thay đổi giá trị của ether mà là thay đổi người sở hữu chúng. Một số người tham gia DAO ban đầu đã từ chối chấp nhận hard fork, tiếp tục sử dụng phiên bản gốc của phần mềm phân tán và đặt tên cho hệ thống của họ là “Ethereum Classic”. Khi chúng tôi viết điều này vào đầu năm 2017, Ethereum và Ethereum Classic đang cùng tồn tại song song.
Bitcoin liệu có kết thúc trong cay đắng?
Mặc dù được chào đón nồng nhiệt trên toàn thế giới, Bitcoin và blockchain cũng gặp phải khó khăn. Vào tháng 01 năm 2016, Mike Hearn, người đã đóng góp rất nhiều trong việc lập trình blockchain và tin tưởng vào tiềm năng của nó đến nỗi bỏ cả công việc của mình tại Google để dành toàn bộ thời gian cho nó, đã bán hết tất cả đồng Bitcoin và ra khỏi dự án. Bài đăng trên blog mà ông viết để giải thích về quyết định của mình có tiêu đề là The Resolution of the Bitcoin Experiment (tạm dịch: Giải pháp cho thí nghiệm Bitcoin). Theo quan điểm của Hearn, giải pháp này là một thất bại. Và sự thất bại xảy ra không phải vì các vấn đề khó khăn khi khai thác hoặc các lỗ hổng mới được phát hiện của chính tiền điện tử, mà thay vào đó là các lý do tổ chức. Hearn viết:
Nó đã thất bại vì cộng đồng đã thất bại. Cái đáng lẽ là một dạng tiền mới, phi tập trung mà lại thiếu đi “các tổ chức quan trọng về mặt hệ thống”, và “quá lớn để thất bại” đã trở thành một thứ thậm chí còn tồi tệ hơn: một hệ thống hoàn toàn bị kiểm soát bởi một số ít người. Tệ hơn nữa, mạng đang trên bờ vực sụp đổ về mặt kỹ thuật. Các cơ chế lẽ ra dùng để ngăn chặn kết quả này đã bị phá vỡ, do vậy không còn nhiều lý do để nghĩ rằng Bitcoin thật sự có thể tốt hơn hệ thống tài chính hiện tại.
Các vấn đề nảy sinh do sự khác biệt quan điểm tiếp tục gia tăng trong cách xử lý hệ thống. Hai phe nổi lên và mỗi phe được dẫn dắt bởi một nhóm lập trình viên cao cấp. Thay vì giải quyết sự khác biệt, họ khăng khăng giữ quan điểm của mình. Mỗi bên đều cảm thấy quan điểm của mình đúng với các nguyên tắc sáng lập của Bitcoin và blockchain (và một số thành viên của mỗi phe có liên hệ với vốn đầu tư mạo hiểm được hỗ trợ bởi các công ty khởi nghiệp bằng tiền điện tử hoặc các lợi ích thương mại khác). Satoshi Nakamoto giữ im lặng về vấn đề này, ông đã rời khỏi tất cả các cuộc thảo luận nhiều năm trước đó. Trong khi tình trạng bế tắc này tiếp diễn, hiệu suất của hệ thống Bitcoin phải gánh chịu hậu quả, làm tăng nguy cơ một số giao dịch trên blockchain sẽ bị trì hoãn hoặc bị bỏ qua hoàn toàn.
Tranh chấp về cơ cấu và tương lai của hệ thống Bitcoin khớp với một xu hướng đáng lo ngại khác: sự tập trung của những thợ mỏ Bitcoin trên toàn thế giới tại Trung Quốc. Vào giữa năm 2016, các sàn giao dịch của Trung Quốc chiếm 42% tổng số giao dịch Bitcoin và ước tính 70% tổng số thiết bị khai thác Bitcoin trên toàn thế giới. Đối với nhiều người trong cộng đồng, bất kỳ sự tập trung lớn nào đều không được chào đón, vì nó có thể dẫn đến ảnh hưởng không cân xứng đối với sự phát triển của hệ thống, và mục đích chính là tránh ảnh hưởng đó bằng cách duy trì sự phân quyền. Cụ thể, bất kỳ thực thể hoặc nhóm nào kiểm soát hơn 50% tổng số Bitcoin khai thác được đều có thể đơn phương quyết định giao dịch nào là hợp lệ và tước quyền bỏ phiếu của những người khác.
Thực tế là sự tập trung tại Trung Quốc đặc biệt rắc rối. Chính phủ ở đó có truyền thống giám sát chặt chẽ các tổ chức tài chính và đôi khi can thiệp trực tiếp vào các tổ chức đó. Loại hoạt động này về cơ bản có vẻ mâu thuẫn với giấc mơ tiền điện tử hoàn toàn tự do, không chịu sự can thiệp của chính phủ. Nhiều người cảm thấy rằng việc kiểm soát Bitcoin và blockchain đằng sau bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc sẽ biến giấc mơ này thành một cơn ác mộng.
CÁC CÔNG NGHỆ CỦA SỰ GIÁN ĐOẠN…
Những khó khăn mà DAO và mạng khai thác Bitcoin gặp phải đã làm bật lên một câu hỏi cơ bản về sự gia tăng của các loại tiền điện tử, hợp đồng thông minh, các nền tảng mạnh mẽ và những phát triển kỹ thuật số khác gần đây. Câu hỏi mà chúng tôi đặt ra ở đầu chương này khá đơn giản: Có phải các công ty đã không còn hợp thời? Khi chúng ta làm tốt hơn trong việc viết các hợp đồng thông minh, xây dựng các mạng lưới kết hợp tuyệt vời giữa lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, và ngày càng dân chủ hóa những công cụ mạnh mẽ để sản xuất và đổi mới, liệu chúng ta có còn phụ thuộc quá nhiều vào các công ty tồn tại trong thời đại công nghiệp để hoàn thành công việc không?
Xuyên suốt cuốn sách này, chúng tôi đã chứng minh rằng trí óc, máy móc, các sản phẩm và nền tảng đang được kết hợp và tái kết hợp một cách hiệu quả nhờ vào tiến bộ kỹ thuật số. Khi điều này xảy ra, có phải cộng đồng sẽ áp đảo hoặc thậm chí thống trị cả cốt lõi?
Nhiều người tin và hy vọng rằng điều này là đúng. Tất nhiên, các triết lý chống thiết chế đã có từ lâu, nhưng các cơ sở đã có, những sai lệch và sự không công bằng của cuộc Đại suy thoái cùng quá trình phục hồi chậm và không đồng đều đã nuôi dưỡng thêm cho chúng. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, không bao giờ có thể tin tưởng các công ty, đặc biệt là các công ty lớn, và nhiều người coi họ là động cơ của sự tước đoạt và bóc lột thay vì thịnh vượng.1
1. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này. Chủ nghĩa tư bản có thể mãi mãi là một lực lượng rất lớn, nhưng “chủ nghĩa tư bản thân hữu” – hành động xuyên tạc thị trường để thân hữu của những kẻ có thế lực có thể làm giàu cho chính họ – nên được loại bỏ hoàn toàn. (TG)
Nếu các công ty lớn là vấn đề, thì giải pháp trở nên khá rõ ràng: phân cấp tất cả mọi thứ. Tiến bộ công nghệ dường như chắc chắn sẽ khiến tầm nhìn này trở thành hiện thực. Máy in 3D (chúng ta đã thảo luận trong Chương 4) có thể cho phép các cá nhân làm bất cứ điều gì, do đó những cơ sở quy mô lớn có đầy đủ thiết bị chuyên dụng sẽ không còn cần thiết nữa. Đây là tầm nhìn mới về sản xuất được tán thành bởi người đồng nghiệp của chúng tôi tại MIT – Neil Gershenfeld và những người khác.1 Đối với nhiều loại cây trồng, các trang trại lớn có thể được thay thế bằng các hộp đựng kính hiển vi được giám sát và kiểm soát chính xác (Chương 11). Các loại tiền điện tử và hợp đồng thông minh có thể giải quyết các dịch vụ tài chính và hàng hóa thông tin khác (Chương 12). Web dân chủ hóa quyền truy cập thông tin và tài nguyên giáo dục (Chương 10). Nhà tương lai học Ray Kurzweil cho biết: vào năm 2012, “một đứa trẻ ở châu Phi với một điện thoại thông minh có thể truy cập vào nhiều thông tin hơn so với tổng thống Mỹ cách đây 15 năm” và sự phổ biến kiến thức này chắc chắn sẽ tiếp tục. Và định luật Moorse sẽ tiếp tục làm giảm giá và tăng hiệu suất cho tất cả các loại hàng hóa kỹ thuật số với mức giá chưa từng thấy trong lịch sử trước kỷ nguyên máy tính.
1. Ví dụ, xem Neil A. Gershenfeld, Fab: The Coming Revolution on Your Desktop—From Personal Computers to Personal Fabrication (tạm dịch: Cuộc cách mạng sắp tới trên máy tính để bàn của bạn – Từ máy tính cá nhân đến chế tạo cá nhân) (New York: Basic Books, 2005). (TG)
Vì vậy, công nghệ có vẻ như đang hỗ trợ quá trình phân cấp tất cả mọi thứ. Còn về kinh tế thì sao? Lý thuyết kinh tế và bằng chứng phải nói gì về cách mà tiến bộ công nghệ làm thay đổi các công ty và những cách khác để hoàn thành công việc? Thực sự thì khá nhiều.
…GẶP GỠ KINH TẾ HỌC DOANH NGHIỆP
Vào tháng 11 năm 1937, nhà kinh tế học Ronald Coase đã xuất bản bài báo mang tính bước ngoặt – The Nature of the Firm (tạm dịch: Bản chất của công ty) – khi ông 26 tuổi. Trong đó, ông đặt ra một câu hỏi rất cơ bản: Nếu thị trường quá tuyệt vời, tại sao có quá nhiều điều xảy ra trong các công ty? Nói cách khác, tại sao chúng ta chọn thực hiện nhiều hoạt động kinh tế trong các cấu trúc ổn định, phân cấp, thường có quy mô lớn và quan liêu này, hay còn được gọi là các công ty, thay vì chỉ hoạt động như những người làm việc tự do độc lập, đến với nhau khi được yêu cầu và chỉ khi cần hoàn thành một dự án cụ thể, sau đó sẽ hoạt đông độc lập riêng lẻ theo cách riêng của mình? Trên thực tế, các nhà quản lý rất bận rộn để “quản lý toàn bộ” các công việc kinh doanh hằng ngày; dù sao thì các công ty cũng có mặt ở khắp mọi nơi.1 Nếu thị phần là thử thách cuối cùng cho sự thành công của một ý tưởng, thì người ta có thể lập luận rằng chính các thị trường đã thất bại trong cuộc thử nghiệm thị trường.
1. Trong cuốn sách kinh điển The Visible Hand (tạm dịch: Bàn tay hữu hình), Alfred Chandler đã lập luận rằng quản lý, đặc biệt là quản lý cấp trung, đã trở thành tổ chức quyền lực nhất trong nền kinh tế Mỹ vào giữa thế kỷ XX. (Alfred Chandler, The Visible Hand (Cambridge, MA: Belknap Press, 1977)). (TG)
Có thể dễ dàng nhận thấy tại sao một thị trường nguyên tử thuần túy không mang lại hiệu quả trong môi trường mà luật kinh doanh kém phát triển, các tòa án yếu kém và do đó không có niềm tin vào các hợp đồng. Nhưng tại Mỹ và các nền kinh tế tiên tiến khác trong những năm 1930, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Vậy tại sao lại có quá nhiều công ty? Phân tích của Coase về câu hỏi này một lần nữa chứng minh Keynes đã đúng về tầm ảnh hưởng lâu dài của các nhà kinh tế đã chết: “Bản chất của công ty” thường được trích dẫn bởi các chuyên viên máy tính và nhà công nghệ. Trên thực tế, đây gần như là bài báo kinh tế duy nhất mà chúng tôi đã nghe họ đề cập.
Chúng tôi đã rất ngạc nhiên về tần suất cái tên Coase được nhắc đến bởi các doanh nhân kỹ thuật số, các nhà đổi mới và nhà tương lai học. Nhưng có lẽ chúng tôi không nên như vậy, vì ông là người đã chỉ ra cho họ tầm quan trọng của công việc họ đang làm và cách mà bài báo có thể định hình lại toàn bộ nền kinh tế.1
1. Với hơn 35.000 trích dẫn trên Google Scholar, bài báo của Coase về bản chất của công ty từ lâu đã là một trong những bài báo được trích dẫn nhiều nhất trong ngành kinh tế. Năm 1972, ông lưu ý rằng nó được “trích dẫn nhiều và sử dụng ít”, nhưng thế hệ các nhà kinh tế và giám đốc kinh doanh tiếp theo đã biến nó thành một công cụ để hiểu về tổ chức kinh doanh. R. H. Coase, Industrial Organization: A Proposal for Research (tạm dịch: Tổ chức công nghiệp: Một đề xuất cho nghiên cứu), trong cuốn Economic Research: Retrospect and Prospect (tạm dịch: Nghiên cứu kinh tế: Hồi tưởng và triển vọng), tập 3, Policy Issues and Research Opportunities in Industrial Organization (tạm dịch: Vấn đề chính sách và cơ hội nghiên cứu trong tổ chức công nghiệp), ed. Victor R. Fuchs (New York: National Bureau of Economic Research, 1972), 62, http://www.nber.org/chapters/c7618.pdf. (TG)
Sự lựa chọn của Coase: doanh nghiệp hay thị trường?
Coase cho rằng sự lựa chọn giữa các công ty và thị trường về cơ bản là một bài tập về giảm thiểu chi phí. Trên thực tế, nó gần như vậy bởi vì sự cạnh tranh có xu hướng đánh đuổi những người chơi có chi phí cao. Ranh giới của công ty rất linh hoạt; nó có thể được thiết lập bao gồm hàng ngàn người và hàng tỷ đô-la tài sản hoặc ít hơn nhiều, với hầu hết là nhà thầu độc lập, người sở hữu hoặc thuê các thiết bị cần thiết, mua và bán hàng hóa và dịch vụ từ người khác. Các công ty phải rất lớn mạnh bởi vì họ thường có thể sản xuất hàng hóa và dịch vụ với tổng chi phí thấp hơn so với thị trường hoàn hảo.
Nhưng tại sao lại như vậy? Không phải thị trường được cho là siêu hiệu quả hay sao? Coase lập luận rằng ở một khía cạnh nào đó, chúng có thể là vậy, nhưng chúng cũng có xu hướng ngốn chi phí hơn ở một số lĩnh vực. Bao gồm:
▶ Chi phí tìm kiếm và khám phá các mức giá liên quan
▶ Chi phí đàm phán và đưa ra quyết định
▶ Chi phí ký kết hợp đồng riêng
▶ Chi phí giám sát và thực thi hợp đồng
Bạn đã thấy tại sao Coase lại có sức ảnh hưởng và được yêu mến như vậy chưa? Công nghệ kỹ thuật số rõ ràng giúp giảm bớt nhiều chi phí khiến một số công ty chiếm lĩnh thị trường; chúng có thể đảo ngược sự thống trị này và khiến thị trường phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Lập luận này được Tom Malone, Joanne Yates và Robert Benjamin đưa ra rõ ràng nhất trong bài viết năm 1987 của họ – Electronic Markets and Electronic Hierarchies (tạm dịch: Thị trường điện tử và Phân cấp điện tử).1
1. Tiêu đề bài viết của họ đã cố tình lặp lại cuốn sách được trích dẫn của Oliver Williamson, Markets and Hierarchies (tạm dịch: Thị trường và Phân cấp), được phát triển dựa trên những hiểu biết sâu sắc của Coase. Oliver E. Williamson, Markets and Hierarchies, Analysis and Antitrust Implications: A Study in the Economics of Internal Organization (tạm dịch: Thị trường và phân cấp, phân tích và ý nghĩa chống độc quyền: Một nghiên cứu về kinh tế của tổ chức nội bộ) (New York: Free Press, 1975). (TG)
Vậy chuyện gì đã xảy ra? Chúng ta đã sống trong thời đại Máy tính để bàn khoảng 35 năm, 20 năm trong thời đại web và 10 năm trong thời của điện thoại thông minh. Đây là những công cụ mới và mạnh mẽ, đặc biệt là khi kết hợp lại, có thể giảm chi phí mà Coase đã xác định. Và trên nhiều phương diện, chúng đang mở ra một sự thay đổi lớn đối với các thị trường và tránh xa các công ty lớn. Thật vậy, Malone, Yates và Benjamin đã dự đoán sự phát triển của thương mại điện tử và thậm chí là một số tổ chức dựa trên thị trường như nền tảng Upwork và O2O.
Các công ty phải làm một điều gì đó đúng đắn
Mặc dù xu hướng từ các công ty lớn là khá rõ ràng, nhưng sự sụp đổ của họ lại không như vậy. Thay vào đó, chúng tôi nhìn thấy điều ngược lại: sự thống trị ngày càng tăng của các công ty lớn. Nền kinh tế Mỹ vừa tạo ra các công nghệ kỹ thuật số tốt nhất vừa sử dụng chúng nhiều nhất, vì vậy, đó là nơi mà chúng ta mong đợi các công ty lớn sẽ héo tàn nếu cách giải thích của Coase là đúng. Mặc dù vậy, những gì thực sự đã diễn ra đang làm tăng sự tập trung: trong hầu hết các ngành công nghiệp, ngày càng nhiều tổng doanh thu và lợi nhuận đã được dịch chuyển sang một số lượng ít các công ty lớn. Ví dụ, Tạp chí The Economist đã nghiên cứu 893 ngành công nghiệp khác nhau của Mỹ và thấy rằng thị phần trung bình có trọng số doanh thu của bốn công ty hàng đầu đã tăng từ 26% lên 32% từ năm 1997 đến 2012. Như chúng tôi đã viết vào năm 2008, công nghệ thông tin làm cho sự cạnh tranh mang nhiều chất “Schumpeterian”1 hơn, cho phép các công ty tăng quy mô nhanh chóng và giành thị phần chi phối, nhưng cũng giúp những người mới dễ dàng chiếm chỗ họ và gia tăng sự hỗn loạn.
1. Học thuyết Schumpeterian do Joseph Schumpeter (1883-1950) xây dựng, trong đó, ông cho rằng phân tích kinh tế phải gắn với các ngành khoa học khác, như sử học, xã hội học, tâm lý học và lý thuyết chính trị. Ông là một trong những nhà sử học vĩ đại nhất về tư tưởng kinh tế. (BTV)
Tại sao lại như vậy? Tại sao các công ty lớn vẫn tiếp tục phát triển thay vì thu hẹp lại khi nền kinh tế trở nên số hóa hơn? Đó có thể là do các công cụ kỹ thuật số có lợi cho thị trường chưa được phổ biến rộng rãi, hoặc chúng vẫn chưa phát triển. Nếu đúng là như vậy thì tiền ảo, blockchain, hợp đồng thông minh và các công nghệ mới cải tiến khác có thể chỉ là những gì cần thiết để nhận ra tầm nhìn về các lập luận của Coase. Các vấn đề mà chúng tôi đã mô tả với DAO và Bitcoin/blockchain có thể chỉ đơn giản là những khó khăn ban đầu của các công ty mới khởi nghiệp. Như thường được nói, chúng ta có xu hướng đánh giá cao tiềm năng của các công nghệ mới trong thời gian ngắn, nhưng về lâu về dài thì lại ngược lại. Và chúng tôi nghĩ rằng tất cả rất dễ đánh giá thấp các sổ cái phân tán mới và họ hàng của chúng. Satoshi Nakamoto, dù là ai đi chăng nữa, cũng đã thực sự đã mang đến một điều gì đó mới mẻ và mạnh mẽ cho thế giới.
Chúng không đủ mạnh để khiến các công ty truyền thống biến mất, hoặc thậm chí là làm giảm đáng kể tầm quan trọng của họ trong các nền kinh tế thế giới. Để biết lý do tại sao, chúng ta cần quay lại với công việc của Coase, nhưng không dừng lại ở đó. Thay vào đó, chúng ta cần tìm hiểu những hiểu biết tiếp theo từ lý thuyết chi phí giao dịch (TCE – transaction cost economics), ngành học mà ông sáng lập.
SUY NGHĨ MỚI NHẤT VỀ LÝ DO TẠI SAO CÁC CÔNG TY KHÁ PHỔ BIẾN
TCE liên quan đến câu hỏi cơ bản về lý do tại sao hoạt động kinh tế được tổ chức theo cách thức của nó – ví dụ, tại sao chúng ta thấy thị trường và các công ty đều đi theo hướng chúng ta thực hiện. Thường được gọi là lý thuyết của công ty, TCE là một nền tảng lý thuyết quan trọng giúp mang lại ba giải Nobel: lần đầu tiên vào năm 1991 cho Coase; lần thứ hai vào năm 2009 cho sinh viên Oliver Williamson, người được công nhận cùng với Elinor Ostrom;1 và gần đây nhất là giải thứ ba dành cho Oliver Hart và Bengt Holmström vào năm 2016. Khi bạn không nghi ngờ gì về tên gọi, chi phí giao dịch hóa ra lại vô cùng quan trọng: khi thị trường có tổng chi phí giao dịch thấp hơn, chúng sẽ chiến thắng các hệ thống phân cấp và ngược lại.
1. Giống như Daniel Kahneman, Ostrom đã được trao giải thưởng mặc dù không phải là một nhà kinh tế. (TG)
Chúng tôi không thể làm công việc truyền tải tất cả những hiểu biết về lý thuyết chi phí giao dịch ở đây; có rất nhiều công việc khác phong phú và thú vị hơn. Thay vào đó, chúng tôi muốn tập trung vào một khía cạnh đặc biệt hữu ích của TCE để hiểu được tác động mạnh mẽ của các công nghệ kỹ thuật số mới của cộng đồng. Bắt đầu với nguyên tắc cơ bản là thị trường thường có chi phí sản xuất thấp hơn (tất cả chi phí đi kèm khi sản xuất hàng hóa và dịch vụ), trong khi hệ thống phân cấp thường có chi phí điều phối thấp hơn (tất cả chi phí liên quan đến việc thiết lập sản xuất và duy trì hoạt động trơn tru). Các công nghệ được thảo luận trong cuốn sách này là những công cụ giảm chi phí đáng kể và đặc biệt quan trọng trong việc giảm chi phí điều phối. Có thể dễ dàng thấy cách các công cụ tìm kiếm, mạng truyền thông toàn cầu giá rẻ cùng nền kinh tế thông tin miễn phí, hoàn hảo và tức thời nói chung giúp tiết kiệm chi phí điều phối.
Logic ra điều kiện là khi chi phí điều phối giảm, thị trường ngày càng hấp dẫn hơn, bởi chúng sẽ không gặp bất lợi. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ thấy các thị trường được sử dụng nhiều hơn và hệ thống phân cấp được sử dụng ít đi, như Tom Malone và các đồng tác giả đã dự đoán. Và trên một số phương diện quan trọng, đây chính xác là những gì chúng ta thấy. Gia công phần mềm, thuê ngoài, làm việc tự do và các lĩnh vực khác “phân loại công ty” đã tăng đáng kể trong những năm gần đây khi các công nghệ kỹ thuật số đã được cải thiện và mở rộng. Rõ ràng, một phong trào lớn đang được tiến hành để đảm nhận phần lớn công việc đã từng được thực hiện trong hệ thống phân cấp duy nhất của công ty và đưa nó ra thị trường.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rõ rằng các công ty vẫn đang phát triển mạnh mẽ và ở các khía cạnh khác nhau, ảnh hưởng kinh tế của chúng đang tăng lên mà không bị thu hẹp. Vậy, quy tắc cơ bản của TCE có sai không? Không, nó không sai, nhưng nó cần phải được hiện đại hóa. Những nghiên cứu trong 80 năm qua đã phát triển và nâng cao những phát hiện của Coase kể từ khi khái niệm “bản chất của công ty” xuất hiện. Tiếp tục dựa vào nó cũng giống như việc coi công trình giữa thế kỷ XVIII của Gregor Mendel là thành tựu mới nhất về di truyền học mà bỏ qua Watson và Crick, phát hiện DNA cũng mọi thứ sau đó.
Dù có thông minh đến đâu thì hợp đồng vẫn sẽ không hoàn chỉnh
Trong số những phát minh của TCE, những thứ có liên quan nhất ở đây là các khái niệm về hợp đồng không hoàn chỉnh và quyền kiểm soát định đoạt. Trong công trình sáng kiến, Sandy Grossman và Oliver Hart đã đặt vấn đề: “Chủ sở hữu của một công ty nắm trong tay những quyền gì mà những người khác không có được?” Họ cho rằng quyền sở hữu chỉ có giá trị trong phạm vi các hợp đồng chưa hoàn thành; nếu mọi trường hợp xảy ra đối với việc sử dụng các công trình, máy móc hoặc bằng sáng chế đều được nêu rõ trong hợp đồng, thì việc gắn nhãn cho một bên là “chủ sở hữu” của một tài sản sẽ không có thêm các quyền khác.
Tuy nhiên, khi hợp đồng chưa hoàn thành, chủ sở hữu có quyền kiểm soát định đoạt, nghĩa là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với tài sản không được đề cập trong hợp đồng (trong giới hạn pháp luật và đạo đức nhất định). Nếu không có bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng về màu sắc bạn muốn sơn cho xe của mình, hoặc khi nào cần thay dầu, có nên thay thế hệ thống âm nhạc không, hay thậm chí có nên là bán nó cho một bà cụ nhỏ nhắn đang ngồi ở vìa hè với giá 1 đô-la không, thì bạn, với tư cách là chủ sở hữu, sẽ có toàn quyền đưa ra những quyết định đó. Hart tìm hiểu sâu hơn về những câu hỏi này, kể cả thông qua tập hợp các bài báo có ảnh hưởng đặc biệt với John Moore1 và Bengt Holmström.2
1. Oliver Hart và John Moore, Property Rights and the Nature of the Firm (tạm dịch: Quyền tài sản và Bản chất của công ty), Tạp chí Journal of Political Economy 98, số 6 (1990): 1119–58. (TG)
2. Ví dụ: Oliver Hart và Bengt Holmstrom, The Theory of Contracts (tạm dịch: Lý thuyết về Hợp đồng), Tài liệu của Khoa Kinh tế, MIT (tháng 3 năm 1986), https://dspace.mit.edu/ bitstream/handle/1721.1/64265/theoryofcontract00hart.pdf%3Bjsessionid%3DD2F 89D14123801EBB5A616B328AB8CFC?sequence%3D1. Holmström’s earlier, pathbreaking work on the “principal-agent problem” (Bengt Holmström, “Moral Hazard and Observability,” Bell Journal of Economics 10, no. 1 [1979]: 74–91, http://www.jstor.org/stable/3003320), đã cung cấp nền tảng cho tài liệu kinh tế lớn tiếp theo về tính kinh tế của các hợp đồng ưu đãi, bao gồm cả lý thuyết hợp đồng chưa hoàn chỉnh. Như Holmström và Paul Milgrom đã nói, bản thân công ty, bao gồm tất cả các quy tắc và quy định, có thể được coi là hữu ích như một hệ thống ưu đãi. Bengt Holmström and Paul Milgrom, The Firm as an Incentive System (tạm dịch: Công ty như một hệ thống khuyến khích), Tạp chí American Economic Review 84, số 4 (1994): 972–91, http://www.jstor.org/stable/2118041. (TG)
Nhưng tại sao một người thích phân cấp tất cả mọi thứ lại yêu cầu hợp đồng phải luôn không hoàn chỉnh? Có lẽ chúng ta có thể thành công trong việc viết các hợp đồng hoàn chỉnh nếu chúng ta cố gắng hơn. Trên thực tế, có lẽ hai hoặc nhiều bên có thể viết ra một bộ đầy đủ về vai trò, quyền, trách nhiệm và phần thưởng đối với chiếc xe đó (hoặc tài sản khác), bất kể điều gì xảy ra với nó theo thời gian hoặc đối với họ. Nếu thực sự có thể hoàn chỉnh một hợp đồng như vậy, thì sẽ không có quyền kiểm soát định đoạt, và không cần phải lo lắng về việc ai thật sự sở hữu chiếc xe. Về bản chất, đây là điều mà DAO giả định có thể được thực hiện bằng cách đưa ra mọi quyết định trong tương lai bằng một hợp đồng toàn diện.
Tuy nhiên, hầu như mọi nhà kinh tế đã nghiên cứu vấn đề này đều lập luận rằng, trong thực tế, các hợp đồng không thể hoàn hảo tuyệt đối. Thế giới khá phức tạp, do đó, tương lai là điều không thể dự đoán và trí thông minh của con người thì có giới hạn. Những yếu tố này cùng các yếu tố khác kết hợp lại khiến việc viết một hợp đồng hoàn chỉnh – một bản hợp đồng thật sự không cần đến quyền sở hữu – trở nên khó khăn và gần như là bất khả thi đối với bất kỳ tình huống kinh doanh thực tế nào.
Trong thực tế, điều này có nghĩa là khi hai người cùng làm việc trong một dự án và một trong số họ sở hữu một tài sản thiết yếu, như máy móc hoặc nhà máy cần thiết để sản xuất sản phẩm đầu ra, thì chủ sở hữu đó có quyền kiểm soát định đoạt. Nếu một trong số họ đưa ra một số ý tưởng tuyệt vời khác để tăng sản lượng của máy móc thì chủ sở hữu có thể thực hiện nó mà không cần tham khảo thêm. Ngược lại, người không sở hữu cần có sự cho phép của chủ sở hữu để làm bất cứ việc gì. Yêu cầu đó mang lại cho chủ sở hữu quyền đàm phán để yêu cầu cắt giảm hay tăng thêm sản lượng. TCE gọi đây là “vấn đề tắc nghẽn”. Do đó, quyền sở hữu ảnh hưởng đến các ưu đãi đổi mới, dù lớn (như ý tưởng sản phẩm mới) hay nhỏ (như cách sắp xếp hàng tồn kho tốt hơn).
Điểm mấu chốt là việc thay đổi quyền sở hữu sẽ thay đổi các ưu đãi, và do đó đạt được kết quả. Nhân viên làm việc với tài sản của người khác có các ưu đãi khác với các nhà thầu độc lập sở hữu tài sản riêng của họ. Đó là lý do tại sao ranh giới công ty rất quan trọng. Một vấn đề quyết định trong thiết kế hiệu quả của một công ty, chuỗi cung ứng hoặc toàn bộ nền kinh tế là làm thế nào để có các tài sản, và theo đó là các ưu đãi, tất cả đều được sắp xếp.
Sau đó, một trong những lý do cơ bản mà các công ty tồn tại là vì những người tham gia thị trường không thể kết hợp với nhau và viết các hợp đồng hoàn chỉnh – những người sẽ chỉ định ai làm gì và ai nhận được những gì – trong mọi tình huống có thể xảy ra: tất cả các cách thực tế mà thế giới có thể mở ra trong tương lai. Công ty, trên thực tế, là một giải pháp cho vấn đề này. Đó là cách được xác định trước để xem rằng ai sẽ thực hiện các quyền kiểm soát định đoạt (đó là công việc quản lý, thay mặt cho chủ sở hữu công ty) và ai sẽ gặt hái phần thưởng (các bên liên quan của công ty, bao gồm chủ sở hữu, nhưng có thể là những người khác – bao gồm công đoàn lao động, cộng đồng địa phương, chính quyền trung ương, khách hàng quyền lực hoặc nhà cung cấp chính – có quyền đàm phán, được phân chia giá trị tạo ra sau khi đã đáp ứng tất cả yêu cầu hợp đồng).
Tất nhiên, không có gì đảm bảo rằng sự sắp xếp này sẽ diễn ra tốt đẹp. Ban giám đốc có thể thiếu quyết đoán, bất tài, tham nhũng hoặc đơn giản là sai trái và các cổ đông có thể mất tiền của họ. Nhưng các công ty vẫn tồn tại và chịu đựng điều đó bởi vì họ làm việc, một phần vì họ có thể giải quyết vấn đề của các hợp đồng không hoàn chỉnh và quyền kiểm soát định đoạt của thị trường thiếu hiệu quả.
Sự thất bại của chế độ phân quyền
Từ những hiểu biết này, chúng tôi có thể hiểu được vấn đề gần đây của Bitcoin, blockchain, Ethereum và DAO đã được thảo luận trước đó trong chương này. Blockchain ngay từ đầu được thiết kế để có thể phân quyền và không kiểm soát, nghĩa là phi phân cấp tối thượng. Nhưng sau đó, những người đam mê nó có những quyền truy đòi gì nếu blockchain phát triển theo hướng mà họ không thích, ví dụ như, nếu nó bắt đầu hoạt động ngày càng nhiều đằng sau bức tường lửa trường thành của Trung Quốc? Điều này, theo nhiều cách, trái ngược với tầm nhìn ban đầu về tiền điện tử và sổ cái phân tán. Nhưng việc thay đổi hoặc hoàn tác hầu như không được những người đam mê Bitcoin ban đầu thực hiện – cũng khó như việc một nhóm nhỏ các nhà giao dịch tìm cách thay đổi xu hướng của toàn bộ thị trường chứng khoán.
Việc này đủ tệ đến mức các lập trình viên Bitcoin và blockchain đã chia thành hai phe đối nghịch mà không một cơ quan nào (chính thức hoặc không chính thức) có thể đưa ra kết luận cuối cùng. Điều đó càng tệ hơn khi sự sáng tạo của họ ngày càng bị kiểm soát bởi chính phủ độc tài bằng cách theo dõi và có những can thiệp mạnh tay trong cả nền công nghệ và thị trường. Các hợp đồng gắn kết blockchain lại với nhau, có mã nhúng hoàn toàn và được toán học hỗ trợ, đã thất bại trong việc nêu ra những gì sẽ hoặc nên làm nếu mạng khai thác trở nên quá tập trung về mặt địa lý. Và không chủ sở hữu nào xem xét lại chúng khi hợp đồng không hoàn chỉnh này đã trở thành một vấn đề rõ ràng.
DAO thậm chí còn gặp vấn đề nghiêm trọng hơn, khi 100% phi phân quyền và 100% hợp đồng hoàn chỉnh được đồng thời xác định rõ ràng cho nó. Các thành viên đã đăng ký tham gia và cam kết vốn trong một môi trường trực tuyến nơi mọi quyết định sẽ được cộng đồng đưa ra mà không có giám sát, xem xét hoặc quyền truy đòi – nói cách khác, không phân cấp, không quản lý hoặc không có quyền sở hữu tập trung dưới bất kỳ hình thức nào. Chỉ có một blockchain phân tán và một bộ mã đã nhận tiền, chấp nhận các đề xuất, kiểm phiếu các đề xuất và phân phối tiền theo kết quả kiểm. DAO nói rõ rằng các quyết định và kết quả mà nó tạo ra là duy nhất. Vì vậy, khi nó gửi một phần ba số Ether của mình cho một kẻ ẩn danh – hacker – thì đó là một kết quả hợp pháp theo hợp đồng hoàn chỉnh. Hard fork trong phần mềm Ethereum được công bố vào tháng 7 năm 2016 đã loại bỏ tấn công của hacker. Tuy nhiên, fork cũng gây phẫn nộ cho nhiều thành viên trong cộng đồng tiền điện tử đó, khi họ coi đó chính xác là mong muốn của chủ sở hữu, và toàn bộ mục đích của Ethereum không chỉ là phi sở hữu, mà về cơ bản còn là không thể sở hữu được. Kết quả là cộng đồng Ethereum chia làm hai. Những ai thành thạo về lý thuyết chi phí giao dịch và hiện thực thiết lập hợp đồng không hoàn chỉnh có lẽ đều dự đoán được kết quả này.
Hai chúng tôi có một cái nhìn bi quan rằng các thực thể hoàn toàn phi tập trung, hoàn toàn dựa trên cộng đồng như DAO sẽ luôn chiếm ưu thế về mặt kinh tế, bất kể chúng trở nên vững chắc về mặt công nghệ như thế nào. Họ chỉ đơn giản là không thể giải quyết các vấn đề về hợp đồng không hoàn chỉnh và quyền kiểm soát định đoạt một công ty giải quyết bằng cách đưa ra tất cả các quyết định không được giao rõ ràng cho các bên khác thông qua quản lý. Hợp đồng thông minh là công cụ mới thú vị, mạnh mẽ và sẽ có vị trí quan trọng, nhưng chúng không giải quyết được vấn đề cơ bản là duy trì kinh doanh của các công ty như trước đây. Các công ty tồn tại phần lớn bởi vì không thể viết các hợp đồng hoàn chỉnh có hiệu quả, chứ không phải vì chúng quá khó hay quá tốn kém.
Nhưng liệu cuối cùng, các công nghệ trong tương lai có thể viết các hợp đồng hoàn chỉnh? Một số công nghệ có thể đưa ra trợ giúp. Ví dụ, với sự phổ biến ngày càng rộng của các cảm biến, như chúng ta đang chứng kiến qua Internet vạn vật, có thể giám sát nhiều hơn các hành động và kết quả của chúng ta. Công suất máy tính tăng lên có thể giúp mô phỏng, lựa chọn và lưu trữ các quyết định cho nhiều kết quả tương lai khả thi, các mạng lưới có thể mang tất cả dữ liệu và thông tin này đến các cơ quan thanh toán bù trừ trung tâm để điều chỉnh và giải quyết. Nhưng các máy tính nhanh cho phép một bên dự đoán kết quả, và các bên khác xem xét các khả năng phức tạp hơn. Giống như Nữ hoàng Đỏ trong bộ phim Alice in Wonderland (Alice ở xứ sở thần tiên), máy móc sẽ phải chạy nhanh hơn bao giờ hết để theo dõi tất cả những sự cố bất ngờ xảy ra. Cuối cùng, hợp đồng vẫn sẽ không hoàn chỉnh.
CÔNG TY CỦA TƯƠNG LAI SẼ THẬT SỰ RẤT NHÀM CHÁN
Các công ty cũng tồn tại bởi vì chúng phục vụ một số chức năng kinh tế và pháp lý khác khó có thể sao chép trong một thế giới chỉ gồm các freelancer1, những người phải liên tục lập hợp đồng để cộng tác. Ví dụ, các công ty được cho là có khả năng chịu đựng vô thời hạn để phù hợp cho các dự án và đầu tư dài hạn. Chúng cũng bị chi phối bởi một bộ luật lớn được xây dựng chặt chẽ (khác với những luật áp dụng cho các cá nhân) mang lại khả năng dự đoán và sự tự tin. Do đó, các công ty vẫn là phương tiện được ưa thích để tiến hành nhiều loại hình kinh doanh.
1. Người làm việc tự do. (BTV)
Trên thực tế, ngay cả trong các khu vực của nền kinh tế có công nghệ kỹ thuật số đang tác động lớn nhất – nơi mà máy móc, nền tảng và cộng đồng tiếp cận xa nhất – chúng ta vẫn bắt gặp các công ty lỗi thời ở khắp mọi nơi. Đúng là nhiều trong số các công ty đó đã có sự khác biệt so với tiêu chuẩn của 50 hoặc 100 năm trước. Các công ty nền tảng như Airbnb, Uber và ClassPass đang làm việc với các mạng lưới cá nhân cùng tổ chức lớn và bất định, thay vì một nhóm nhỏ và ổn định. Các công ty này đang cố gắng tạo điều kiện dễ dàng nhất có thể cho một số đối tác tham gia và chấm dứt mối quan hệ kinh doanh với số còn lại, làm nảy sinh ý niệm về một “nền kinh tế theo yêu cầu”. Các công ty khác thì đang khám phá cách cung cấp giá trị bằng blockchain, hợp đồng thông minh và các công nghệ phân quyền cực mạnh khác. Nhưng tất cả họ gần như đều theo đuổi những mục tiêu cấp tiến này trong cơ cấu công ty cổ phần mang tính truyền thống cao, một hình thức tổ chức đã tồn tại hơn bốn thế kỷ.1
1. Công ty cổ phần phát hành cổ phiếu mà mọi người có thể mua và bán mà không ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Những công ty này có lịch sử từ năm 1602, khi Công ty Đông Ấn Hà Lan bắt đầu phát hành cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Amsterdam. Andrew Beattie, What Was the First Company to Issue Stock? (tạm dịch: Công ty đầu tiên phát hành cổ phiếu là ai?)” Investopedia, truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2017, http://www.investopedia. com/ask/answers/08/first-company-issue-stock-dutch-east-india.asp. (TG)
Khi ghé thăm các công ty này, vẻ ngoài bình thường của họ đã khiến chúng tôi ngạc nhiên. Họ đều có nhân viên, chức danh công việc, người quản lý và điều hành. Họ đều có CEO và ban giám đốc. Rất ít trong số đó hoàn toàn là ảo; thay vào đó, họ có cả không gian văn phòng, bàn làm việc và phòng họp. Họ có thể sở hữu những màn hình máy tính lớn hơn, nhiều bàn chơi bóng bàn hơn và cung cấp các quyền lợi như đồ ăn nhẹ và bữa ăn miễn phí so với nhiều công ty khác mà chúng tôi đã thấy trong sự nghiệp của mình, nhưng liệu đây có phải là những khác biệt lớn không?
Tại sao việc quản lý lại quan trọng?
Các nhà quản lý doanh nghiệp là một trong những nhóm không phù hợp nhất trong sự sắp xếp tiêu chuẩn. Trong văn hóa đại chúng, từ bộ phim Office Space (Cách mạng Công sở) đến các chương trình truyền hình The Office của Anh và Mỹ, hình ảnh của họ hầu như luôn luôn mang tính tiêu cực. Họ được coi là những kẻ vụng về, vô giá trị trong khi làm kiệt quệ sự nhiệt tình, hăng hái, làm lãng phí thời gian và cản trở tham vọng của nhân viên. Một khi máy tính và mạng lưới xuất hiện đầy đủ, nhiều người hy vọng vai trò báo cáo và giấy tờ hành chính của các nhà quản lý cấp trung sẽ được tự động hóa, và không cần đến họ nhiều.
Nhưng mọi thứ đã không diễn ra theo cách đó. Theo Cục Thống kê Lao động, các nhà quản lý đại diện cho khoảng 12,3% lực lượng lao động Mỹ năm 1998, nhưng đến năm 2015, con số này đã tăng lên 15,4%. Và có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nhiều công việc khác đã dần trở nên giống như quản lý hơn. Vào năm 2015, nhà kinh tế học David Deming đã công bố một nghiên cứu hấp dẫn, xem xét nhu cầu về các kỹ năng khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ từ năm 1980 đến 2012. Như dự đoán, nhu cầu về các kỹ năng thông thường, cả về nhận thức và thể chất, đã giảm mạnh trong giai đoạn này vì sự lan rộng của quan hệ cộng tác tiêu chuẩn giữa tâm trí và máy móc trên khắp nền kinh tế, điều mà chúng tôi mô tả trong Chương 2.
Deming cũng có thể đánh giá những thay đổi nhu cầu đối với những gì ông gọi là “kỹ năng xã hội” trong phối hợp, đàm phán, thuyết phục và nhận thức xã hội. Ông phát hiện ra các “nhiệm vụ kỹ năng xã hội đầu vào” – nói cách khác, việc sử dụng tổng thể các nhiệm vụ này – đã tăng 24% trong khoảng thời gian từ năm 1980 đến năm 2012, trong khi việc sử dụng các “kỹ năng đột xuất và phân tích” chỉ tăng 11%. Hơn nữa, những công việc đòi hỏi kỹ năng xã hội cao tăng lên như một phần của tổng số việc làm trong giai đoạn này, cho dù những công việc đó có yêu cầu kỹ năng toán học cao hay không. Không phải tất cả các công việc này đều là quản lý, nhưng rõ ràng trong nhiều năm qua, toàn bộ nền kinh tế đã đòi hỏi nhiều hơn những điều mà các nhà quản lý giỏi nổi trội: cảm nhận cảm xúc và ưu tiên của mọi người, giúp họ phối hợp tốt trong công việc.
Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tại sao thế giới kinh doanh lại cần nhiều nhà quản lý hơn theo tỷ lệ, và nhiều công nhân có kỹ năng hơn trong các nhiệm vụ xã hội, ngay cả khi các công nghệ kỹ thuật số mạnh mẽ đang lan rộng? Chúng tôi nghĩ rằng có ba lý do chính, tất cả đều phụ thuộc lẫn nhau, để các nhà quản lý và kỹ năng xã hội liên tục được cất nhắc.
Điều đầu tiên và rõ ràng nhất là thế giới là một nơi rất phức tạp và thay đổi nhanh chóng. Phát triển bên trong nó đòi hỏi rất nhiều sự phối hợp liên tục, nhưng không phải tất cả đều có thể được thực hiện nhờ cập nhật tự động và trò chuyện giữa những người ngang hàng trên phương tiện truyền thông xã hội. Những hoạt động như vậy rất có giá trị, nhưng chúng không thể phủ nhận sự cần thiết về “các đai truyền tải” trong tổ chức, đây là liên tưởng tuyệt vời về các nhà quản lý cấp trung từ đồng nghiệp của chúng tôi tại MIT, Paul Osterman. Những người này giải quyết các vấn đề nhỏ, leo thang những vấn đề lớn, giải thích và làm rõ các vấn đề truyền đạt, đàm phán và thảo luận với các đồng nghiệp; đồng thời thực hiện các kỹ năng xã hội của họ theo nhiều cách khác nhau. Định nghĩa cũ về một luật sư vĩ đại là một người khiến vấn đề biến mất trước khi chúng xuất hiện trước tòa. Những người quản lý giỏi thật sự có đặc thù giống nhau; họ khiến hoạt động truyền tải của tổ chức diễn ra trơn tru và ngăn nó tránh khỏi những rắc rối.
Lý do thứ hai khiến các kỹ năng xã hội của con người vẫn còn giá trị cũng rất thuyết phục, đó là vì hầu hết chúng ta không thể tự tìm thấy con số và thuật toán. Chúng ta bị lúng túng khi chọn giữa một câu chuyện hay hoặc một giai thoại hấp dẫn, sau đó chúng ta bị mắc kẹt trong một mớ kết quả có ý nghĩa thống kê. Rõ ràng đây là một thiên kiến nhận thức khác của con người, nhưng cũng là điều mà không ai trong chúng ta có thể bỏ qua. Vì vậy, các công ty thông minh đầu tư mạnh vào nghệ thuật thuyết phục nhẹ nhàng, không chỉ dành cho khách hàng mà còn cho chính nhân viên của họ. Đây là lý do tại sao, như Deming tìm thấy, khả năng phân tích thậm chí còn có giá trị hơn khi nó kết hợp với các kỹ năng xã hội cao; sự kết hợp này giúp những ý tưởng tốt lan rộng và được chấp nhận.
Lý do thứ ba là lý do khó chịu nhất, nhưng cũng có thể là quan trọng nhất. Đó là: con người chúng ta mong muốn được cùng nhau làm việc và giúp đỡ lẫn nhau; chúng ta có thể và được khuyến khích nên làm như vậy. Có rất nhiều loài động vật mang tính xã hội trên thế giới, nhưng như nhà tiên tri, cũng là tâm lý học, Michael Tomasello đã tóm tắt rất hay: “Thật kỳ lạ khi bạn thấy hai con tinh tinh cùng mang một khúc gỗ.” Hầu như trong mọi nhóm người quy mô lớn từng tồn tại, một số nhóm người đã đảm nhận vai trò xác định và định hình công việc cần thực hiện. Khi vai trò này bị chệch hướng, chúng ta sẽ có kẻ bạo chúa, kẻ mị dân, những kẻ thao túng và đầu sỏ chính trị – mọi đặc điểm của một ông chủ tệ hại hay phe phái xấu xa. Nhưng ngược lại, chúng ta sẽ có những hiện tượng đã bị tầm thường hóa bởi việc lạm dụng từ ngữ như “lãnh đạo” và “trao quyền”, và các tổ chức có thể xây dựng những thứ phức tạp đáng kinh ngạc như máy bay phản lực hai tầng cánh, tòa nhà chọc trời cao hơn 820m, máy tính bỏ túi và bách khoa toàn thư kỹ thuật số toàn cầu.
Mục tiêu thoát khỏi quan hệ cộng tác tiêu chuẩn
Cách lãnh đạo một tổ chức sẽ không được khai thác sâu ở đây – một lần nữa, đã có vô số cuốn sách về chủ đề này rồi – nhưng chúng tôi muốn chỉ ra hai đặc điểm nhất quán của các nhà quản lý tại các công ty công nghệ thành công mà chúng tôi đã quan sát được khi cùng làm việc chung. Đầu tiên là chủ nghĩa bình đẳng, đặc biệt là bình đẳng trong các ý tưởng. Mặc dù các công ty này có cơ cấu tổ chức và phân cấp quản lý rõ ràng, nhưng họ cũng có thói quen lắng nghe ý tưởng ngay cả khi đó là ý tưởng của cấp dưới hoặc cấp thấp, và ngay cả khi là từ bộ phận nghiên cứu và phát triển hoặc các bộ phận khác của cốt lõi. Đôi khi sự chọn lọc những ý tưởng này từ cấp dưới trở lên được tạo điều kiện bởi công nghệ, và đôi khi xảy ra thông qua các cơ chế cũ: cuộc họp và hội thoại.
Trong cả hai trường hợp, các nhà quản lý trong các công ty cố gắng không quan trọng hoá những thiên kiến và phán đoán của bản thân trong việc xác định ý tưởng nào là tốt và xứng đáng được thực hiện. Thay vào đó, họ thực hiện lại các quy trình phép lặp và thử nghiệm bất cứ khi nào có thể để tìm bằng chứng công bằng về chất lượng của một ý tưởng mới. Nói cách khác, các nhà quản lý tránh rời vai trò truyền thống của họ với tư cách là người đánh giá và người gác cổng cho các ý tưởng. Sự thay đổi này gây khó chịu cho một số người, những người lo sợ (với lý do chính đáng) rằng sẽ xuất hiện một số ý tưởng tồi, nhưng nhiều công ty và nhà quản lý ấn tượng nhất mà chúng tôi từng tiếp xúc tin rằng lợi ích của việc này lớn hơn nhiều so với rủi ro. Ví dụ, tại công ty giáo dục trực tuyến Udacity, chủ nghĩa bình đẳng trong ý tưởng đã dẫn đến sự thay đổi tích cực đối với mô hình kinh doanh và cơ cấu chi phí của công ty.
Udacity cung cấp nhiều khóa học lập trình máy tính, tất cả đều dựa trên dự án; thay vì làm bài kiểm tra, sinh viên viết và gửi mã. Mã này ban đầu được các nhân viên của Udacity đánh giá, trung bình mất hai tuần để họ gửi phản hồi cho sinh viên. Nhà phát triển Oliver Cameron muốn xem liệu người ngoài có thể thực hiện các đánh giá cho sinh viên như nhân viên của Udacity không, hay thậm chí nhanh hơn. Khi đó, COO1 là Vish Makhijani (sau này được thăng chức lên thành CEO) đã nói với chúng tôi:
Oliver đã làm một thí nghiệm, trong đó, về cơ bản, anh ta đã đệ trình dự án và tuyển người để xem xét chúng: dự án đến, nội bộ đánh giá, chúng tôi tìm người ngoài để đánh giá [và so sánh hai kết quả].
“Ồ, chúng trông khá giống nhau.” Điều đó lặp lại một vài lần. “Ôi chúa ơi, bạn biết gì không? Người tài có ở khắp mọi nơi. Chúng tôi không phải tuyển họ về đây, trong Mountain View. Họ thật sự có thể cung cấp những phản hồi có ý nghĩa, nếu không muốn nói là tốt hơn.”
Sau đó, chúng tôi bắt đầu suy nghĩ “Chúng ta phải chi những gì cho những thứ này?”
Chúng tôi bắt đầu thử nghiệm với các khoản thanh toán khác nhau. “Ồ, chúng tôi có thể làm điều đó cho 30%.” Anh ta tự thử nghiệm cách xây dựng sản phẩm của bản thân mà anh ta đã tung ra trong sáu tuần.
1. COO và CEO đều được gọi chung là Giám đốc Điều hành. Tuy nhiên, ở các quốc gia phương Tây, CEO có vai trò và vị trí cao hơn COO. CEO có vai trò quan trọng nhất, với nhiệm vụ điều hành cũng như ra quyết định cho mọi hoạt động của công ty. Trong khi đó, công việc chính của COO là làm việc với các cán bộ cao cấp khác của công ty như CFO (Giám đốc tài chính), CTO (Giám đốc Công nghệ),... và có nhiệm vụ báo cáo công việc với CEO. (BTV)
Khi chúng tôi hỏi Makhijani rằng anh ấy có chính thức mở phân loại Udacity cho người ngoài hay không, anh ấy nói không.
Tôi chỉ đáp lại: “Điều đó nghe khá tuyệt. Tiếp tục đi.” Và anh ấy đã làm như vậy. Thật hài hước, [người sáng lập Udacity] Sebastian [Thrun] nói điều đó tốt nhất:
“Khi chúng tôi điều chỉnh ứng dụng thiết bị di động, tôi phát hiện ra điều đó vì nó có ở trong cửa hàng ứng dụng.” Không có bất kỳ đánh giá sản phẩm nào ở đây, không có nghĩa là bạn chấp nhận ý tưởng của Vish hoặc bất cứ điều gì tương tự. Tôi không thể lọc những gì nên và không nên có trên thị trường một cách hoàn hảo tuyệt đối, chứ đừng nói gì đến việc để sự sáng tạo đảm nhận tất cả. Vậy tại sao không khai thác tư duy của mọi người ở đây?
Ngoài chủ nghĩa bình đẳng, và thường để hỗ trợ nó, các công ty thuộc thời đại máy móc thứ hai có mức độ minh bạch cao: họ chia sẻ nhiều thông tin rộng rãi hơn so với thông thường. Chuyên gia công nghệ của Tạp chí Wall Street Journal là Christopher Mims chỉ ra rằng tính minh bạch của thông tin và phong cách quản lý nhanh chóng, dứt khoát và dựa trên bằng chứng mang tính bổ sung cho nhau rất cao. Ông nói: “Điều làm cho hệ thống phân cấp tương đối dứt khoát này có thể là các nhân viên thừa hành có quyền truy cập cơ bản không giới hạn vào dữ liệu mà trước đây khó có được, hoặc yêu cầu nhiều nhà quản lý cấp cao hơn đưa ra lời giải thích.” Mims tóm tắt rằng sự kết hợp giữa chủ nghĩa bình đẳng và minh bạch “không phải là phần cuối về quản lý cấp trung, mà là một sự tiến hóa. Mỗi công ty mà tôi nói chuyện đều có những nhà quản lý cấp trung và thậm chí là cấp cao như huấn luyện viên cầu thủ, được giao nhiệm vụ vừa làm việc vừa chỉ đạo người khác.” Chúng tôi nhận thấy cùng một hiện tượng. Và chúng tôi cũng thấy rằng sau ít nhất hai thập kỷ, sự cách biệt tiêu chuẩn giữa trí óc và máy móc đang nhường chỗ cho một điều gì đó khá khác biệt. Các công ty thời đại máy móc thứ hai đang kết hợp sự hiểu biết rõ hơn về Hệ thống 1 và Hệ thống 2 của Daniel Kahneman (thảo luận trong Chương 2), về khả năng và thiên kiến của con người với các công nghệ hiện đại, để thay đổi cách họ đưa ra và đánh giá các quyết định, cách họ tạo và hoàn thiện những ý tưởng mới cũng như cách họ phát triển trong một thế giới bất định.
Mặc dù các thị trường mới đang nổi lên và phát triển mạnh, chúng tôi không thấy có bằng chứng nào trong dữ liệu kinh tế chỉ ra rằng các công ty đang trở nên thụ động, hoặc sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi bất kỳ tổ chức tự trị phân tán với công nghệ đáp ứng nào. TCE, lý thuyết hợp đồng chưa hoàn chỉnh và những hiểu biết sâu sắc từ các chuyên ngành khác tiết lộ một số lý do tại sao điều này đã không xảy ra. Nhưng học thuyết này, với giá trị như chính nó, cung cấp một tầm nhìn quá hẹp để xem xét vấn đề.
Có lẽ, quá trình lập hợp đồng không hoàn chỉnh và quyền kiểm soát định đoạt sẽ luôn luôn cần đến sự tồn tại của các công ty. Nhưng các công ty vẫn sẽ tồn tại vì một lý do quan trọng hơn nhiều: họ là một trong những cách tốt nhất để hoàn thành những việc lớn trên thế giới mà chúng ta đã từng nghĩ ra. Họ nuôi sống mọi người và cải thiện sức khỏe; cung cấp giải trí và tiếp cận kiến thức; cải thiện điều kiện vật chất cuộc sống và theo thời gian, số lượng người nhận lợi ích từ các công ty ngày càng nhiều, trên khắp hành tinh. Dù công nghệ mới của cộng đồng sẽ giúp ích rất nhiều cho tất cả những điều này, nhưng chúng sẽ không thay thế các công ty, vốn là một trong những công nghệ nền tảng của cốt lõi.
TÓM TẮT CHƯƠNG
▶ Thất bại của DAO và những thách thức trong mạng lưới khai thác Bitcoin cho thấy tồn tại những vấn đề trong ý tưởng về các tổ chức phi tập trung hoàn toàn.
▶ Lý thuyết chi phí giao dịch và lý thuyết công ty là cơ sở tuyệt vời để hiểu những vấn đề này.
▶ Tiến bộ công nghệ đúng là đã giảm chi phí giao dịch cũng như chi phí điều phối, giúp các mô hình kinh doanh và thị trường mới xuất hiện.
▶ Tuy nhiên, cũng đúng là trong hầu hết các ngành công nghiệp và các khu vực địa lý, hoạt động kinh tế đang tập trung thay vì phân tán: một số lượng nhỏ hơn các công ty đang chiếm được nhiều giá trị hơn.
▶ Chúng ta cần các công ty và các tổ chức phi thị trường khác để giải quyết vấn đề ký kết hợp đồng không hoàn chỉnh – thực tế là các hợp đồng không thể xác định cụ thể tất cả các tình huống có thể xảy ra trong thế giới thực đầy biến động. Trong các công ty, các nhà quản lý – thay mặt chủ sở hữu và các bên liên quan khác – có quyền kiểm soát định đoạt: quyền đưa ra các quyết định không được quy định trong hợp đồng.
▶ Các nhà lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp làm nhiều việc hơn so với việc chỉ đưa ra các quyết định không được ủy quyền theo hợp đồng. Họ thúc đẩy mọi người làm việc cùng nhau; nêu rõ mục tiêu, tầm nhìn và chiến lược; định hình văn hóa và giá trị; và thực hiện nhiều công việc thiết yếu khác.
▶ Công nghệ đang tiến bộ, nhưng vì các công ty giải quyết hiệu quả những thiếu sót của hợp đồng và cũng cung cấp nhiều lợi ích khác, họ vẫn sẽ là một phần của bức tranh kinh tế trong một thời gian dài sắp tới.
▶ Các công ty hàng đầu của thời đại máy móc thứ hai có thể trông rất khác so với thời đại công nghiệp, nhưng hầu như tất cả đều dễ dàng được nhận ra chúng đều là các công ty.
CÂU HỎI
1. Trước sự phát triển của công nghệ, bạn muốn thay đổi tổ chức của mình như thế nào trong ba đến năm năm nữa? Bạn làm thế nào để thay đổi sự cân bằng giữa trí óc và máy móc, sản phẩm và nền tảng, cốt lõi và cộng đồng?
2. Những quyết định nào bạn muốn giữ cho riêng mình? Những tài sản nào bạn cần sở hữu để giữ chúng?
3. Bạn sẽ thực hiện những bước quan trọng nào trong quý tới để thoát khỏi quan hệ cộng tác tiêu chuẩn?
4. Bạn có dễ dàng đạt được mục tiêu hơn bằng cách phối hợp một nền tảng, tham gia vào nền tảng khác, tập trung vào các sản phẩm của riêng bạn hay kết hợp một số chiến lược không?
5. Bạn sẵn sàng để tiến hành các hoạt động kinh tế phân tán thay vì tập trung đến chừng nào? Cũng như tự chủ nhiều hơn và giảm bớt can thiệp trong việc ký kết các hợp đồng không hoàn chỉnh đến mức nào?
6. Tần suất các nhà quản lý đóng vai trò là người gác cổng cho các ý tưởng trong tổ chức của bạn là bao nhiều? Tại sao lại như vậy? Bạn có đang tìm kiếm lựa chọn thay thế hay không?