Giáo dục tính độc lập cho trẻ không thể tách rời khỏi vấn đề giáo dục đạo đức. Khuyến khích trẻ tự tin, hành động độc lập cần phải đi kèm với một hệ thống các chỉ dẫn về giá trị đạo đức.
Trẻ sẽ cư xử và hành động ra sao nếu không có các nguyên tắc về đạo đức và trách nhiệm?
Giáo dục tính tự lập cho trẻ không thể tách rời khỏi vấn đề giáo dục đạo đức. Điều đó thực sự rất nguy hiểm. Việc khuyến khích trẻ tự tin, hành động độc lập cần phải đi kèm với một hệ thống các chỉ dẫn về giá trị đạo đức.
Chúng ta phải cân bằng giữa giáo dục tinh thần, giáo dục đạo đức và giáo dục thể chất. Nếu cha mẹ chỉ chú trọng vào giáo dục tinh thần và thể chất, trẻ có thể vẫn lớn lên khỏe mạnh, thông minh, xinh đẹp nhưng ích kỷ với những người xung quanh, trong đó có cả cha mẹ mình.
Có người cho rằng, đây chưa hẳn là một điều xấu với một cá nhân cụ thể. Vì sao? Vì người ích kỷ vẫn có đủ khả năng để thực hiện những gì bản thân đã lên kế hoạch. Hơn nữa, họ sẽ không bị ảnh hưởng, cản trở bởi những chuẩn mực, quy chuẩn đạo đức. Đó có thể gọi là “Nhân cách tự do” − sống theo ý thích của bản thân... Tất cả mọi điều kể trên đều tốt đẹp cho đến khi “ý thích” đó ảnh hưởng, đe dọa đến lợi ích của người khác. Than ôi, lúc đó, trẻ sẽ chẳng nề hà gì mà bỏ qua, gạt bỏ lợi ích của người khác, thậm chí là những người gần gũi, thân thuộc. Đó là hậu quả của việc thiếu giáo dục đạo đức. Nó không chỉ gây tổn thương người khác mà đôi lúc hậu quả sẽ khôn lường.
Có một quy tắc vàng: “Hãy đối xử với người khác như cách bạn muốn được đối xử”. Thật dễ nhớ làm sao! Nhưng hãy nhớ mục tiêu của giáo dục không chỉ là những hiểu biết “Thế nào là đạo đức?” mà còn là sự hình thành những thói quen, suy nghĩ, hành động sao cho phù hợp với những quy tắc đạo đức. Trẻ có thể không biết định nghĩa chính xác về tính trung thực nhưng có thói quen trung thực. Chúng ta không ép trẻ phải làm những việc tốt, hãy để trẻ tự suy nghĩ, hành động theo cách trẻ nghĩ đó là tốt rồi sau đó cảm nhận được niềm vui, cũng như sự hài lòng về hành động và bản thân trẻ. Điều này có nghĩa:
- Con đang phát triển thói quen luôn chú ý hành động của mình có ảnh hưởng như thế nào với người khác, biết đặt mình vào vị trí của người khác, cũng như hiểu được nhu cầu và động cơ hành động của bản thân.
- Con nhận thức được nhu cầu từ bản thân luôn có liên quan, ảnh hưởng đến lợi ích của chính bản thân và những người xung quanh.
- Con có thái độ tôn trọng người khác, tôn trọng ranh giới cá nhân của những người xung quanh và mong muốn cũng như năng lực của họ.
Tôn trọng bản thân và người khác có liên quan trực tiếp đến việc xác định và tôn trọng ranh giới của bản thân và những người xung quanh.
Có một công thức như sau:
Tôn trọng = Không làm hại đến người khác = Tôn trọng ranh giới cá nhân của người khác.
Làm thế nào để tôn trọng trẻ? Làm thế nào để dạy trẻ tôn trọng người khác và tôn trọng chính bản thân mình? Rất đơn giản! Hãy làm cho trẻ nhận thức được bản thân mình là một cá thể độc lập có quyền tự quyết định trước những mong muốn, nhu cầu, khẩu vị của bản thân. Cha mẹ hãy xác định rõ ranh giới cá nhân của mình và của trẻ: “Có Tôi và có Đứa trẻ. Đứa trẻ không phải là sự tiếp nối của tôi. Nó là một cá thể, một tính cách độc lập. Trẻ không có trách nhiệm san sẻ những mong muốn của tôi, hay sống theo sự mong đợi của tôi. Tôi không phụ thuộc vào trẻ. Tôi cũng là một cá thể độc lập. Tôi không nhất thiết phải đáp ứng mọi nhu cầu và chiều theo mọi nguyện vọng của trẻ. Một lần nữa: Tôi là tôi, trẻ là trẻ”. Hiểu và nhận thức được điều đó rất quan trọng với cả cha mẹ lẫn đứa trẻ để có thể cùng nhau sống tốt hơn.
Tuy nhiên, khi trẻ còn quá nhỏ, cha mẹ chưa nên vội vàng xác định ranh giới cá nhân giữa cha mẹ và con cái. “Con không muốn mặc áo khoác!” − đứa trẻ 3 tuổi hết lên. Thông qua “con không muốn” thằng bé đã thể hiện ranh giới cá nhân của bản thân. Nhưng ngoài đường phố rất lạnh. Nếu như con bị ốm, bà mẹ lại phải là người chăm sóc cho con. “Mẹ không muốn đưa con đến bác sĩ và ngồi hàng giờ trong bệnh viện! Hãy mặc áo khoác vào!!”-ngay chính bà mẹ cũng có điều “không muốn”. Khi trẻ vẫn còn phụ thuộc vào cha mẹ, trẻ vẫn phải chịu đựng việc cha mẹ xâm lấn ranh giới cá nhân của mình.
“Con muốn đi tè!” − cô con gái 3 tuổi nói với mẹ trong lúc mẹ đang tìm kiếm phòng thử đồ. Bà mẹ phải nhanh chóng quên đi việc “Mình muốn thử chiếc váy này” và bế cô con gái chạy ngay đến nhà vệ sinh gần nhất trong trung tâm thương mại. Khi cô con gái vẫn còn phụ thuộc vào người mẹ, người mẹ cũng sẽ buộc phải chịu đựng việc con xâm lấn vào ranh giới cá nhân của mình.
Dần dần, khi trẻ phát triển và củng cố khả năng tự lập của mình, ranh giới cá nhân của trẻ cũng được mở rộng và vững chắc hơn. “Con không muốn đội mũ − cậu con trai đang ở độ tuổi dậy thì nói − ngoài đường thời tiết rất ấm áp và bạn bè con chẳng có đứa nào còn đội mũ”. Liệu bà mẹ có lý lẽ nào để phản đối lập luận này của con hay không? Đội mũ cho con? Không, điều đó là không thể. Bắt con phải đội mũ? Điều này cũng không có hiệu quả. Cậu con trai sẽ sớm tháo mũ ngay khi ra khỏi nhà. Do đó, bà mẹ có thể vừa đảm bảo ranh giới cá nhân của mình không bị lấn chiếm, vừa đảm bảo không lấn sang ranh giới cá nhân của con bằng cách: “Tốt thôi. Nhưng mẹ cũng dặn con trước nếu không đội mũ con có thể bị cảm lạnh. Nếu con bị cảm lạnh, mẹ sẽ mua thuốc cho con bằng tiền tiết kiệm của con”. Ở đây, bà mẹ vừa thể hiện được sự tôn trọng với quyết định của con, vừa dạy con phải có trách nhiệm với quyết định của mình.
* * *
- Con bé không chịu dọn dẹp đồ đạc của mình! Lúc thì con bé nằm trên giường, lúc thì nằm luôn trên sàn nhà!
- Nhưng đó là đồ đạc của con. Và phòng cũng là phòng riêng của con!
Người mẹ và cô con gái 12 tuổi vẫn đang tiếp tục cuộc xung đột được bắt đầu từ nhà tại buổi tư vấn với bác sỹ tâm lý.
Cô con gái hoàn toàn đúng khi kết luận: “Đó là đồ đạc của con. Và phòng cũng là phòng riêng của con!”. Cô bé đã chỉ rõ ranh giới cá nhân của bản thân và quyền được tự mình quyết định cách bố trí đồ đạc trong phòng của mình.
Cô con gái tiếp tục hỏi:
- Tại sao mẹ lại quá quan trọng việc đồ đạc phải được dọn dẹp sạch sẽ?
- Với cách sử dụng như vậy, những món đồ sẽ sớm trở nên vô dụng. Mẹ không thể đứng nhìn chiếc áo len để trên giường và con mèo nằm lên. Còn những chiếc váy vứt trên ghế nữa chứ. Con mèo sẽ nhanh chóng làm hỏng những chiếc váy đó bằng bộ móng vuốt. Con thậm chí còn không thay quần áo đồng phục khi về nhà, sau khi tan học mà đã ngay lập tức chạy vào bếp. Và rồi sao? Bộ quần áo dính đầy thức ăn. Mẹ phải chi rất nhiều tiền mỗi tháng cho tủ quần áo của con và dường như số tiền phải chi càng ngày càng nhiều lên. Mẹ thậm chí còn không dám mua đồ cho bản thân!
Tôi là tôi, trẻ là trẻ. Điều quan trọng đó là làm sao để cả tôi, cả trẻ có thể cùng nhau tồn tại một cách tốt đẹp.
Người mẹ, có thể không hiểu, nhưng chắc chắn cảm thấy cô con gái đang vi phạm ranh giới cá nhân của mình hay nói một cách khác, bà mẹ cảm thấy cô con gái phá hủy quy tắc của mình: “Mẹ không muốn giặt các vết ố bẩn” và “Mẹ muốn mua quần áo mới cho mình”. Từ đó xung đột đã nảy sinh. Mẹ phạm vào ranh giới của cô con gái vì cô con gái với những hành động của mình đã phạm vào ranh giới của bà mẹ. Ranh giới của mẹ và con đều bị xóa bỏ. Vậy có cách nào kết hợp giữa mong muốn “muốn ngồi ăn trong bộ đồng phục” của cô con gái và mong muốn “không phải giặt sạch những vết ố bẩn trên bộ đồng phục” của bà mẹ hay không?
Hãy áp dụng quy tắc: “Con có thể ngồi ăn mà không cần phải thay đồng phục. Nhưng nếu con làm bẩn, con sẽ phải tự mình giặt sạch”. Tuy nhiên, bà mẹ cần phải chỉ cho cô con gái cách sử dụng nước tẩy quần áo!
Làm cách nào kết hợp giữa mong muốn “không muốn treo váy lên móc” của cô con gái và mong muốn “không phải là váy cho con mỗi buổi sáng?” của bà mẹ?
Hãy dạy cô bé cách là quần áo. Tiếp tục đưa ra quy tắc: “Nếu con không treo váy vào tủ, con sẽ phải tự là nó vào buổi sáng trước khi đến trường”.
Vậy còn “đồ của con” và “tiền của mẹ” thì sao?
Thảo luận cùng con về việc cả nhà có thể chi bao nhiêu cho tủ quần áo của con. Hãy nhắc lại vấn đề này mỗi sáu tháng một lần. Nếu tủ không còn chỗ và ngân sách chi cho tủ quần áo của con đã được sử dụng hết, con buộc phải mặc những bộ đồ đang có trong tủ của mình.
- Nhưng nếu chúng nhăn nhúm, bị phai màu, ố bẩn loang lổ, thậm chí rách nát thì sao? Nếu con bé mặc những bộ đồ như vậy và ra đường, người ngoài sẽ đánh giá mẹ của con bé như thế nào đây? Nó thực sự là một sự xúc phạm đến hình ảnh người mẹ!
Bạn có thể giải quyết vấn đề trên bằng cách sau:
Cô bé có quyền tự đưa ra quyết định và cách thể hiện bản thân, bao gồm cả việc tự lựa chọn những thứ con bé sẽ mặc trên người. Con bé hoàn toàn có thể mặc một chiếc quần jean rách với áo phông hay áo len dính đầy lông mèo nếu muốn. Nhưng trang phục như vậy chỉ được mặc đến những nơi nhất định: đến quán ăn nhanh, đi rạp chiếu phim với bạn bè, ngồi chơi trong sân hoặc đi dạo với bạn bè trong công viên. Trong trường hợp con bé đến trường, tham gia các bữa tiệc gia đình long trọng, ghé qua chỗ làm của mẹ, đến khu vui chơi giải trí hay tham dự một bữa tiệc cùng cha mẹ… nếu con bé duy trì cách ăn mặc như ở trên, hình ảnh người mẹ chắc chắn bị ảnh hưởng. Do đó hãy sắp xếp, lựa chọn cùng con hoặc mua cho con những bộ đồ riêng để mặc khi ở nhà và mặc khi ra đường.
✓ CHÚ Ý! Đây không phải là quy tắc bạn bắt buộc phải tuân thủ. Không cần thiết phải mua cho trẻ những bộ quần áo riêng cho từng dịp, từng hoạt động. Đây chỉ là hướng dẫn, ví dụ giúp cha mẹ và con cái duy trì ranh giới cá nhân của mình. Mỗi gia đình, mỗi đứa trẻ đều có những điều kiện và cách sinh hoạt khác nhau, do đó nhu cầu cũng sẽ khác nhau.
Điều quan trọng là giúp trẻ hiểu được cái “con muốn và con sẽ làm như mình muốn” sẽ ảnh hưởng, động chạm và phạm vào cái “tôi muốn” của người khác. Nếu nhu cầu, mỗi việc làm của con phạm đến nhu cầu, việc làm của người khác, cần phải thỏa thuận và xem xét sự “muốn” đó của cả hai phía.