Đôi giầy đi trong nhà không nằm trong chiếc túi đựng giấy.
- Giày đi trong nhà của con đâu?
- Con không biết − thằng bé nhún vai.
Tôi đã có giả thuyết của mình về cái túi trống trơn nhưng không nói mà hỏi thằng bé:
- Lúc ở nhà con có lấy giày đi đường ra khỏi túi không?
- Không ạ.
- Vậy là con đã đi đến trường bằng giày đi trong nhà sao?
- Vâng.
- Vậy là giày đi trong nhà nhất định phải có ở trường.
- Đúng vậy ạ.
- Vậy con đi gì về nhà?
- Con đi ủng.
- Con mang chiếc túi trống trơn về nhà. Vậy đôi giày đi trong nhà của con đâu?
- Con đã để nó lại trường!
- Vậy con có nhớ mình đã để nó ở chỗ nào không?
- Con không nhớ nữa.
- Nghĩ kĩ xem sao. Có thể nào con đi chân đất khắp trường không?
- Sao có thể được.
- Nhưng con đã không để nó lại vào trong túi. Nghĩa là con đã để nó ở đâu đó chỗ con đổi giày.
- Ở phòng thay đồ! Sáng mai con sẽ đến tìm!
- Giỏi lắm. Nhưng nếu đôi giày không có ở đó thì sao? Có thể ai đó đã cất nó đi khi lau sàn vào hôm trước.
- Con sẽ phải hỏi cô trông coi phòng thay đồ. Có thể cô ấy đã cất nó đi đâu đó.
- Con có thể tự mình đi hỏi vào ngày mai trước khi giờ học bắt đầu chứ?
- Con có thể.
- Vậy nếu không may, con không tìm thấy thì sao? Con sẽ đi gì trong trường đây?
- Nếu vậy con sẽ mang theo một đôi dép.
Cậu bé đã suy nghĩ, đưa ra giải pháp và sẽ thực hiện vào ngày mai. Cậu bé mới đánh mất găng tay vào tuần trước. Hai tuần trước đó thì đánh rơi chiếc áo len. Tôi bắt đầu hiểu tại sao một số cha mẹ của trẻ mới vào lớp Một lại phải ngụy trang, rình rập trước sảnh chính, trong hành lang: để đảm bảo mọi thứ nằm trong sự kiểm soát và quần áo không bị đánh mất. Nhưng, cái giá của việc kiểm soát mọi thứ như vậy là sự thiếu tự lập của trẻ. Trẻ không thấy mình cần phải chịu trách nhiệm về đồ đạc của mình.
* * *
- Con lại đánh mất rồi…
- Lần này là gì đây?
- Thẻ ra vào trường.
- Nó có thể ở đâu được đây?
- Chắc con đánh rơi mất rồi. Con quên khóa túi bên của balo. Hoặc là con để quên nó trên băng ghế trong phòng thay đồ sáng nay. Nếu con đánh rơi ở trường, con nghĩ mình có thể hỏi bác bảo vệ. Vova cũng đánh mất thẻ ra vào nhưng bác ấy đã nhặt được và đưa cho cô giáo của cậu ấy. Bác ấy có mọi thứ bị đánh mất ở trường. Con sẽ hỏi bác ấy vào ngày mai. Có chữ ký của con trên đó nữa. Bác ấy sẽ ngay lập tức biết đó là của con thôi.
Vâng, thằng bé đã tự mình suy nghĩ về câu hỏi “Thẻ ra vào trường có thể bị rơi ở đâu?” và “Làm thế nào để lấy lại nó?”. Thằng bé đã có kinh nghiệm từ những lần mất mát trước.
- Tốt thôi. Nhưng sẽ vào trường kiểu gì nếu không có thẻ ra vào? Làm thế nào con qua được cửa tự động1?
1 Ở Nga, tại các cơ quan, trường học đều được lắp đặt hệ thống kiểm soát cửa ra vào bằng thẻ từ có chứa thông tin của người sở hữu.
- Con sẽ nhờ bạn nào đó có thẻ quẹt thẻ cho con đi qua.
- Cũng được đấy. Nhưng nếu thẻ của con không có ở chỗ bác bảo vệ con tính sao?
- Con sẽ nói với cô giáo và hỏi cô cách làm thẻ mới.
- Được rồi. Hãy nói nếu con cần mẹ giúp gì.
Bài học quý báu từ việc mất đồ đã dạy não bộ cách tìm phương án giải quyết. Dĩ nhiên chỉ khi cha mẹ để trẻ tự tìm kiếm giải pháp. Bởi vì thế nên không phải việc đánh mất đồ nào cũng là một bài học quý giá. Nếu cha mẹ không để cho trẻ cơ hội tự mình suy nghĩ, tự đưa ra giải pháp và tự hành động mà ngay lập tức “cứu vớt”, tìm kiếm thay con thì mất mát chỉ đơn giản là mất mát mà thôi!
Ồ, tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa bạn phó mặc trẻ: “Con đã đánh mất nên con hãy tự mình tìm đi!”, đồng thời không có câu hỏi gợi ý, chỉ dẫn; không thông cảm, sẵn lòng giúp đỡ nếu con cần. Các bậc cha mẹ, đừng hành động như vậy! Đứa trẻ biết rằng sau lưng luôn có cha mẹ sẵn sàng giúp đỡ sẽ cảm thấy tự tin hơn đứa trẻ nghĩ rằng sẽ không có ai đến giải cứu, giúp đỡ khi cần. “Sẽ không ai giúp” − lời khẳng định này sinh ra những lo lắng và cảm giác tuyệt vọng đáng sợ. Khi ở trong trạng thái cảm xúc này, bạn chỉ muốn trốn trong một góc và khóc, một mình trải qua nỗi cô đơn và không thể tích cực suy nghĩ cách giải quyết vấn đề. Đừng đặt ra cho trẻ những nhiệm vụ quá sức với chúng. Những nhiệm vụ cần được phức tạp dần dần, nhiệm vụ hôm nay phức tạp hơn nhiệm vụ hôm qua, chứ không nên là những nhiệm vụ siêu khó khăn, phức tạp được đánh dấu từ ba sao trở lên!